(Le Monde) – Mỹ chấp nhận trang bị vũ khí tối tân cho các chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraina. Báo Mỹ The Wall Street Journal hôm 30/07/2024 cho biết các loại vũ khí được trang bị cho F-16 gồm các tên lửa do Mỹ chế tạo cũng như nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Trước đó, hôm 29/07, Washington Post loan báo những chiếc F-16 đầu tiên đang chuẩn bị được chuyển cho Kiev. Tổng cộng, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nhà và Na Uy đã hứa cấp cho Ukraina 80 chiến đấu cơ F-16 để chống quân Nga xâm lược.
(Reuters) – Ukraina khẳng định đã đẩy lui được một trong những đợt tấn công lớn nhất bằng drone của Nga. Không quân Ukraina hôm nay 31/07/2024 cho biết đêm qua đã bắn hạ được toàn bộ 89 drone mà quân Nga phóng đến Kiev, vùng phụ cận và nhiều địa phương khác. Riêng số drone nhắm đến Kiev là hơn 40 chiếc. Không một người hay cơ sở hạ tầng nào bị drone nhắm trúng, nhưng các mảnh vỡ của drone đã làm hỏng nhiều mái nhà, cửa sổ và mặt tiền 13 tòa nhà. Đây là đêm thứ 7 thủ đô Kiev bị drone Nga nhắm tới trong tháng 07/2024.
(Le Monde) – Tình hình năng lượng của Ukraina được cải thiện, lần đầu tiên từ đầu tháng 07/2024. Thủ tướng Ukraina Denys Chmygal hôm 30/07/2024 thông báo lần đầu tiên tính từ đầu tháng 07 ngành điện không phải lên lịch trình cúp điện, do mạng lưới điện hư hại sau các vụ oanh kích của Nga đã được sửa chữa, phần nào cũng do nhiệt độ đã giảm, mạng lưới điện không còn bị quá tải. Tuy nhiên, người dân vẫn được kêu gọi tiết kiệm điện vào các giờ cao điểm buổi sáng và tối. Thủ tướng Ukraina cho biết thêm là công việc bảo trì lưới điện vẫn tiếp diễn, nhất là để chuẩn bị cho mùa đông tới đây.
(AFP) – Ít nhất 5 nhà đối lập Nga chuyển trại giam: Có thể có trao đổi tù nhân ‘‘rất quan trọng’’ với Mỹ. Từ mấy ngày qua, 5 nhà đối lập, một người mang hai quốc tịch Nga Đức bị kết tội phản quốc và một nhà hoạt động “hợp tác với Ukraina”, dường như đã được chuyển đến các địa điểm không xác định. Theo nhà chính trị học độc lập người Nga, Tatiana Stanovaïa, hiện sống lưu vong, ‘‘có thể sẽ có một cuộc trao đổi rất quan trọng’’. Trong các tù nhân nói trên, có hai cộng sự của cố lãnh đạo đối lập Navalny và nhà tranh đấu Oleg Orlov (thuộc Mémorial), bị kết án hai năm rưỡi tù vì chống cuộc xâm lăng Ukraina.
(RFI) – Bảo tàng về phủ tổng thống Pháp khai trương ngày 30/07/2024. Bảo tàng về điện Elysée được đặt ngay đối diện phủ tổng thống Pháp, tại Paris và có tên gọi « La Maison de l’Élysée ». Du khách có thể chiêm ngưỡng chiếc bàn làm việc của tổng thống De Gaulle, những bộ đồ ăn được dùng trong các bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước : bộ dao dĩa bằng bạc, đĩa sứ Sèvre nổi tiếng của Pháp, những bộ sưu tập của phủ tổng thống Pháp từ hơn 100 năm nay. Ngoài ra, còn có những món quà mà các nguyên thủ nước ngoài tặng cho các vị tổng thống Pháp. Bảo tàng dự kiến đón 150. 000 khách mỗi năm. Vào cửa miễn phí.
(RFI) – Pháp : Thẩm kế viện chỉ trích điện Elysée về các khoản chi tiêu cho các chuyến công du và cho việc đón khách. Thẩm kế viện hôm 29/07/2024 tổng kết là năm 2023 chi tiêu của phủ tổng thống Pháp đã vượt mức phân bổ, do các chuyến công du xa của nguyên thủ Pháp, như di dự thượng đỉnh G7, G20 ở Nhật và Ấn Độ, cũng như các cuộc lễ tân tốn kém. Chẳng hạn điện Elysée đã chi 475.000 euro cho bữa tiệc chiêu đãi vua Anh Charles III, 412 000 euro cho lễ đón tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Điện Elysée lý giải đó là những khoản chi đặc biệt, cộng với tác động của lạm phát.
(AFP) – Hungary bị chỉ trích tạo thuận lợi cấp thị thực cho công dân Nga và Belarus. Trong thư gửi tới chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel , chủ tịch đảng cánh hữu Nhân dân châu Âu (PPE) trong Nghị Viện Châu Âu, ông Manfred Weber bày tỏ quan ngại là quyết định được thủ tướng Hungary ký đầu tháng 7 sẽ gây ra « những vấn đề nghiêm trọng cho an ninh của khối » vì « tạo thuận lợi cho hoạt động gián điệp và có khả năng một số lượng lớn người Nga vào Hungary mà không bị giám sát ». Công dân Belarus và nhiều nước vùng tây Balkan cũng được ưu đãi trong chính sách thị thực mới của Hungary (không áp đặt hạn ngạch, điều kiện về lĩnh vực hoạt động, đoàn tụ gia đình…).
(Reuters) – Ngoại trưởng Úc lên án hiệp ước quân sự Nga-Bắc Triều Tiên. Ngày 30/07/2024, bà Penny Wong đã đến khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên. Họp báo sau đó tại thành phố Paju, ngoại trưởng Úc cho rằng hiệp ước quân sự mà Nga và Bắc Triều Tiên ký kết đang gây bất ổn cho khu vực. Bà cũng lên án Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Matxcơva là « vi phạm trắng trợn » các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
(Yonhap) – Kim Jong Un cách chức bộ trưởng An Ninh vì xử lý yếu kém thiên tai. Ngày 31/07/2024, hãng thông tấn KCNA cho biết ông Pang Tu Sup, một quan chức phụ trách quân sự của đảng Lao Động thay thế ông Ri Thae Sop, bộ trưởng An Ninh. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp mở rộng của bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên ngày 29 và 30/07. Trước đó, đích thân Kim Jong Un đi thị sát công tác cứu hộ của Không Quân tại những khu vực bị lũ lụt ở thành phố Sinuiju và xã Uiju, thuộc tỉnh Bắc Pyongan. Một phần khu vực dọc sông Amnok, sát biên giới với Trung Quốc, được coi là « vùng thiên tai khẩn cấp ở mức đặc biệt », nhưng chính quyền không nêu chi tiết về số nạn nhân và thiệt hại vật chất do mưa lớn.
(AFP) – Nắng nóng, khô hạn và lượng du khách quốc tế tăng mạng khiến kho dự trữ gạo của Nhật giảm. Lượng gạo trong kho dự trữ của Nhật hiện đang ở mức thấp nhất tính từ đầu thế kỷ 21 đến nay, theo giải thích của một quan chức bộ Nông Nghiệp Nhật Bản hôm nay 31/07/2024. Hồi tháng 09/2023, Nhật Bản ghi nhận đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất tính từ 125 năm trở lại đây. Từ tháng 04/2024, nắng nóng cũng khiến 36 người chết. Trong khi đó, trong quý 1 năm 2024, Nhật đón số khách đông kỷ lục : 17,78 triệu người, nhiều hơn 1 triệu so với cùng kỳ trước đại dịch Covid-19. Theo bộ Nông Nghiệp Nhật, nhu cầu gạo của người dân 10 năm qua giảm, nhưng mức tiêu thụ của du khách lại tăng từ 31.000 tấn lên thành 51.000 tấn.
(NHK) – Indonesia : Tổng thống đến làm việc ở thủ đô mới. Tổng thống Joko Widodo, mãn nhiệm vào cuối tháng 10/2024, cùng với nhiều quan chức đã đến thủ đô Nusantara Chủ Nhật 28/07 và làm việc ở văn phòng mới từ ngày 29/07. Cuộc họp đầu tiên của Văn phòng cũng sẽ được tổ chức tại đây. Dự án xây dựng Nusantara, trên đảo Kalimanta và cách thủ đô Jakarta hiện nay khoảng 1.500 km, kéo dài khoảng 10 đến 20 năm. Theo ông Joko, dự án có tiến độ đúng theo kế hoạch. Chính phủ muốn một số hạng mục chính sẽ hoàn tất vào dịp lễ Độc lập ngày 17/08.
Theo RFI