Chuyển động Quốc Phòng  từ 21/7 đến  27/7/2023


Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

28/7/2023

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/07/np_file_200396-1.jpeg

Chiến tranh Nga – Ukraine:


Bom chùm Ukraine khiến một phóng viên chiến trường Nga thiệt mạng

Moscow đã phẫn nộ trước cái chết của một phóng viên chiến trường người Nga do cuộc tấn công bằng bom chùm của Ukraine gây ra. Nhiều quốc gia đã cấm sử dụng bom chùm vì chúng gây sát thương trên diện rộng và có thể gây rủi ro cho dân thường. Thêm vào đó, một số quả bom nhỏ thường không phát nổ ngay lập tức nhưng có thể nổ tung sau nhiều năm. Konstantin Kosachyov, phó chủ tịch thượng viện Nga, lên án việc sử dụng bom chùm là “vô nhân đạo” và trách nhiệm thuộc về cả Ukraine và Mỹ.

Xem thêm tại: Reuters, War reporter’s death prompts Russian outrage over Ukraine’s alleged use of cluster bombs. Truy cập ngày 23/7/2023


Nga tấn công một cảng ở khu vực Odesa của Ukraine

Các lực lượng Nga đã tấn công một cảng ở khu vực Odesa của Ukraine bằng tên lửa khiến một nhân viên bảo vệ thiệt mạng và làm hư hại một nhà ga hàng hóa. Các cảng của Odesa thường xuyên là mục tiêu tấn công của Nga kể từ khi Moscow rút khỏi đây sau một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Trước cuộc tấn công mới nhất, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết các cuộc không kích của Nga đã làm hư hại 26 cơ sở hạ tầng cảng và 5 tàu dân sự trong 9 ngày trước đó.

Xem thêm tại: Reuters, Russia hits port infrastructure in Ukraine’s Odesa region. Truy cập ngày 25/7/2023


Nga đe dọa trả đũa sau ‘cuộc tấn công bằng drone của Ukraine’ gần trụ sở quân đội Moscow

Nga đe dọa sẽ trả đũa khắc nghiệt đối với Ukraine sau khi Kyiv dùng drone tấn công làm hư hại các tòa nhà ở Moscow, trong đó có một tòa nhà gần trụ sở Bộ Quốc phòng. Theo đó, Điện Kremlin cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch của mình ở Ukraine và đáp ứng tất cả các mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một nhóm gồm 17 máy bay không người lái cũng đã tiến hành các cuộc tấn công vào Crimea trong đêm và nói thêm rằng họ đã sử dụng hệ thống diệt drone và phòng không để hạ gục chúng.

Xem thêm tại: Reuters, Russia talks of retaliation after ‘Ukrainian drone strike’ near Moscow army HQ. Truy cập ngày 26/7/2023


Tổng thông Zelenskyy thăm Dnipro, thảo luận về tình hình chiến trường

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã đến thăm Dnipro ở đông nam Ukraine  để thảo luận về tình hình trên chiến trường, tiếp tế cho quân đội và cách tăng cường năng lực phòng không. Thành phố Dnipro là một trung tâm kinh tế quan trọng ở đông nam Ukraine, không xa chiến tuyến trải dài từ Kherson ở phía nam, qua vùng Donbas và xa hơn về phía bắc đến vùng Kharkiv. Tổng thống Zelenskyy cho biết ông đã thảo luận về việc kiểm tra lại các văn phòng nghĩa vụ quân sự trên toàn quốc sau nhiều cáo buộc tham nhũng và khiếu nại về quá trình động viên binh sỹ.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine’s Zelenskiy visits Dnipro, discusses battlefield situation. Truy cập ngày 27/7/2023


Ukraine triển khai quân mới vào chiến trường

Kyiv bắt đầu gửi hàng nghìn quân tiếp viện được đào tạo bài bản tới tiền tuyến. Các báo cáo từ chiến trường cũng chỉ ra rằng Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công lớn mới ở phía đông nam đất nước. Theo đó, lực lượng Ukraine đã tấn công vào phía nam thị trấn Orikhiv ở vùng Zaporizhzhia, triển khai ba tiểu đoàn được tăng cường xe tăng. Một trong những mục tiêu của Ukraine là tiến tới Biển Azov, cách Orikhiv khoảng 97 km về phía nam, cắt đứt lực lượng Nga giữa phía nam và phía đông của đất nước

Xem thêm tại: Politico, Ukraine sends fresh troops into the battlefield in new push against the Russians. Truy cập ngày 27/7/2023


Blinken nói rằng Ukraine đã lấy lại 50% lãnh thổ mà Nga chiếm giữ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Ukraine đã giành lại một nửa lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ hồi đầu cuộc chiến, đồng thời nói rằng Kyiv cũng phải đối mặt với một “cuộc chiến rất khó khăn” để giành lại nhiều lãnh thổ hơn nữa. Ngoại trưởng Blinken cũng hy vọng rằng Ukraine có thể nhanh chóng loại bỏ lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ của mình sau khi cuộc phản công mùa hè đang chững lại khi quân đội Ukraine cố gắng chọc thủng các vị trí kiên cố của Nga ở phía nam và phía đông của đất nước.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Blinken says Ukraine has taken back 50% of territory that Russia seized. Truy cập ngày 24/7/2023


Mỹ không vội cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine

Chính quyền Biden vẫn đang giữ vững lập trường về việc từ chối gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ các nhà lập pháp và yêu cầu từ chính phủ ở Kyiv. Vào cuối tháng 5, Tổng thống Joe Biden dường như đã thay đổi quyết định “không gửi” ATACMS cho Ukraine. Nhưng cho đến hiện tại các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ và không có cuộc thảo luận thực chất nào về việc gửi ATACMS trong nhiều tháng. Ukraine cho rằng ATACMS, với tầm bắn 467 km là thiết yếu để tiêu diệt các sở chỉ huy và khu vực hậu cần ở xa phía sau tiền tuyến của Nga.

Xem thêm tại: Washington Post, U.S. in no hurry to provide Ukraine with long-range missiles. Truy cập ngày 23/7/2023


Anh cảnh báo Nga có thể bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự

Anh cho biết quân đội Nga có thể nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự ở Biển Đen. Thông tin của Anh cũng chỉ ra rằng Nga đã đặt thêm thủy lôi ở các lối tiếp cận các cảng của Ukraine. Tuần trước, Nga đã hủy bỏ một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn sang Biển Đen trong năm qua, nói rằng các yêu cầu cải thiện xuất khẩu lương thực và phân bón – vốn không chịu lệnh trừng phạt của phương Tây – đã không được đáp ứng.

Xem thêm tại: Reuters, Britain warns Russia may start targeting civilian ships. Truy cập ngày 26/7/2023


Mỹ lần đầu tiên viện trợ drone do thám Black Hornet cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố khoản hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 400 triệu đô la cho Ukraine vào thứ Ba, bao gồm tên lửa phòng không, xe bọc thép và máy bay không người lái nhỏ. Gói viện trợ mới sẽ lần đầu tiên bao gồm các máy bay không người lái giám sát Black Hornet do Mỹ trang bị. Ngoài ra, gói viện trợ vũ khí bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không Patriot và Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASMS), hệ thống phòng không Stinger, thêm đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), xe chở quân bọc thép Stryker và nhiều loại tên lửa và tên lửa khác.

Xem thêm tại: Reuters, US military aid for Ukraine for first time includes Black Hornet spy drone. Truy cập ngày 27/7/2023

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:


Đài Loan nói đang tìm mua hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ

Đài Loan đang tìm cách mua hệ thống tên lửa đất đối không (NASAMS) từ Mỹ để nâng cấp khả năng phòng không sau khi chứng kiến ​​hiệu quả của chúng ở Ukraine. NASAMS là một hệ thống phòng không mặt đất tầm ngắn-trung có khả năng chống lại cuộc tấn công bằng drone, tên lửa và máy bay. NASAMS đã được quân đội Ukraine sử dụng và có tỷ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa của Nga.

Xem thêm tại: Reuters, Taiwan says looking to buy NASAMS air defence system from US. Truy cập ngày 21/7/2023


Quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa tầm xa gần Đài Loan

Quân đội Trung Quốc được cho là đang triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 gần Đài Loan. Theo đó, các lữ đoàn tên lửa của Trung Quốc ở các tỉnh đông nam gần Đài Loan đã và đang nâng cấp các tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 1.000km bằng tên lửa DF-17. Tên lửa DF-17 có thể bay từ 1.800 km đến 2.500 km khi được gắn trên phương tiện bay siêu thanh (HGV) của Trung Quốc. Dù Trung Quốc sử dụng DF-17 thay thế tên lửa tầm ngắn nhưng gần 1.000 tên lửa tầm ngắn vẫn được triển khai đối diện với Đài Loan và có thể vươn tới hòn đảo này trong vòng 6 đến 8 phút

Xem thêm tại: SCMP, Military experts say PLA rolling out longer-range missiles near Taiwan. Truy cập ngày 24/7/2023


Đài Loan tổ chức tập trận Hán Quang 2023

Đài Loan sẽ tổ chức cuộc tập trận Hán Quang 2023 nhằm mô phỏng các phản ứng đối với một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc dựa trên các mối đe dọa mới nhất từ PLA để kiểm tra khả năng trực chiến. Giai đoạn giả lập chiến tranh sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 19 tháng 5 và phần tập trận bắn đạn thật được lên kế hoạch vào ngày 24 đến 28 tháng 7. Trọng tâm của cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ bao gồm việc sử dụng các sân bay dân sự và phân tán khí tài trên không, cũng như ngụy trang cho các lực lượng trên mặt đất và tích hợp các lực lượng trên biển, trên không và trên bộ để tấn công lực lượng địch và các tàu tấn công đổ bộ.

Xem thêm tại: Focus Taiwan, 2023 Han Kuang drills to test response to latest PLA threats: MND. Truy cập ngày 26/7/2023


Nhật Bản là ‘chìa khóa’ trong việc xử lý mọi tình huống bất ngờ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho biết Nhật Bản sẽ đóng vai trò là “chìa khóa” trong bất kỳ tình huống bất ngờ nào ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tướng Milley cũng cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là một quân đội khu vực có năng lực và có khả năng phối hợp với quân đội Mỹ. Tướng Mark Milley cũng cho biết các lực lượng đặc nhiệm đa miền có thể là một biện pháp hiệu quả chống lại các tàu chiến Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và các khu vực khác. Quân đội Mỹ đã tạo ra các lực lượng đặc nhiệm đa miền được trang bị các khả năng trên phạm vi rộng như hỏa lực tầm xa, phòng không, tình báo, chiến tranh mạng, tác chiến điện tử và hỗ trợ hậu cần.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan ‘key’ in handling any Indo-Pacific contingency: top U.S. general. Truy cập ngày 23/7/2023


Pháp và Nhật Bản mở rộng quan hệ quốc phòng với cuộc tập trận trên không đầu tiên

Pháp và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc diễn tập trên không từ thứ tư đến thứ bảy trong không phận xung quanh khu vực Kanto và Căn cứ không quân Nyutabaru của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) ở tỉnh Miyazaki. Pháp điều hai máy bay chiến đấu đa năng Rafale, một máy bay tiếp dầu trên không và một máy bay vận tải, trong khi ASDF tham gia với ba máy bay chiến đấu đa năng F-15 và hai F-2, cũng như một máy bay tiếp dầu và một máy bay vận tải. Cuộc tập trận chung là một phần trong sứ mệnh Pegase 23 của lực lượng không quân và không gian Pháp (FASF) nhằm tăng cường khả năng phối hợp và hợp tác an ninh quốc tế, đồng thời kiểm tra khả năng của FASF trong việc huy động trong thời gian ngắn để hỗ trợ cả các lãnh thổ hải ngoại của Pháp và các đối tác khu vực trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc bất ổn khu vực.

Xem thêm tại: Japan Times, France and Japan expand defense ties with first joint fighter jet drills. Truy cập ngày 27/7/2023


Mỹ sẽ hành động nếu Trung Quốc không thể can thiệp vào Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với những người đồng cấp Trung Quốc rằng Washington muốn Bắc Kinh giúp xử lý “chương trình hạt nhân” của Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ tăng cường liên minh phòng thủ với Nhật Bản và Hàn Quốc nếu Trung Quốc kiềm chế can thiệp. Những bình luận của ông Antony Blinken được đưa ra sau vụ mất tích của binh nhì Travis King, một người lính Mỹ chạy sang Triều Tiên trong một chuyến du lịch dân sự gần biên giới với Hàn Quốc.

Xem thêm tại: SCMP, If China fails to intervene in North Korea, US will take action, says Antony Blinken. Truy cập ngày 23/7/2023


Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên bắn một số tên lửa hành trình ra biển

Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên hôm thứ bảy đã bắn một số tên lửa hành trình ra vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên. Hôm thứ tư, Triều Tiên đã bắn tên lửa vài giờ sau khi một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo của Mỹ nổi lên trong chuyến thăm hiếm hoi tới Hàn Quốc. Đáp lại, Seoul và Washington đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với các máy bay tàng hình tiên tiến và các khí tài chiến lược của Mỹ, trong đó tàu ngầm vũ trang hạt nhân của Mỹ ghé thăm cảng Hàn Quốc.

Xem thêm tại: Strait Times, North Korea fires several cruise missiles into sea, says South Korean military. Truy cập ngày 23/7/2023


Phái đoàn quân sự Nga đến Triều Tiên cùng với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đến Bắc Triều Tiên tham gia cùng phái đoàn Trung Quốc để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm “Ngày Chiến thắng” vào thứ Năm tại Bình Nhưỡng. Bộ Quốc phòng Nga cho biết chuyến thăm sẽ giúp tăng cường quan hệ quân sự Nga-Triều và sẽ là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển hợp tác giữa hai nước. Nga và Triều Tiên từ lâu đã có mối quan hệ thân thiện với nhau ngay cả khi Moscow cố gắng giúp môi giới cho một thỏa thuận về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Xem thêm tại: Reuters, Russian military delegation arrives in North Korea to join Chinese. Truy cập ngày 27/7/2023


Mỹ, Đồng minh tổ chức cuộc tập trận quân sự lập kỷ lục ở Úc trong thông điệp nhắm vào Trung Quốc

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc đã tiến hành cuộc tập trận Talisman Sabre nhằm củng cố mạng lưới liên minh của Washington trong khu vực, đồng thời cải thiện khả năng hoạt động liền mạch với các quốc gia thân thiện. Khoảng 30.000 binh sĩ sẽ tham gia Talisman Sabre, với các hoạt động đổ bộ, diễn tập trên bộ, chiến đấu trên không và các hoạt động trên biển. Cuộc tập trận cũng sẽ tập trung vào công tác hậu cần, khi Mỹ kiểm tra khả năng cần thiết để nhanh chóng triển khai quân đội và khí tài trên khắp Thái Bình Dương. Cuộc tập trận bắt đầu như một nỗ lực chung giữa Mỹ và Úc, nhưng năm nay sẽ có sự tham gia của quân đội của 13 quốc gia.

Xem thêm tại: WSJ, U.S., Allies Hold Record-Setting Military Exercise in Australia in Message Aimed at China. Truy cập ngày 24/7/2023


Hàn Quốc đánh bại Đức để giành được hợp đồng xe bọc thép chở quân với Úc

Công ty Hàn Quốc Hanwha đã giành được hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để chế tạo 129 xe chiến đấu bộ binh (IFV) cho Úc trước đối thủ là công ty Rheinmetall của Đức. IFV của Hanwha, được gọi là Redback, được cho là lựa chọn ưa thích của quân đội sau khi thử nghiệm, mặc dù Lynx của Rheinmetall cũng đáp ứng các yêu cầu. Hợp đồng này sẽ củng cố mối quan hệ quốc phòng với Hàn Quốc, khi Úc tìm cách tăng cường mối quan hệ với các đối tác khu vực vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Xem thêm tại: Financial Review, Koreans beat Germans to win armoured troop carrier deal. Truy cập ngày 27/7/2023

Đông Nam Á:


Tư lệnh Hải quân Ấn Độ ‘tặng’ tàu chiến Kirpan cho Việt Nam ở Biển Đông

Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc R Hari Kumar sẽ tặng một tàu chiến bản địa đang hoạt động ‘Kirpan’ cho hải quân Việt Nam tại một căn cứ quân sự ở Biển Đông. INS Kirpan là tàu hộ tống tên lửa lớp Khukri thứ ba được chế tạo trong nước, hiện đang phục vụ tích cực trong Hải quân Ấn Độ. Con tàu được trang bị một loạt vũ khí và cảm biến và nó đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và tác chiến khác nhau.

Xem thêm tại: India Today, Indian Navy chief to ‘gift’ warship Kirpan to Vietnam in South China Sea today. Truy cập ngày 22/7/2023


Philippines giám sát chặt chẽ mối đe dọa xâm lược Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng nói

Mối đe dọa từ việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan là điều mà Philippines đang theo dõi hàng ngày như một phần trong kế hoạch dự phòng của Manila đối với xung đột có thể xảy ra trong khu vực. Ưu tiên hàng đầu của Philippines là sự an toàn của hơn 100.000 công dân nước này đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan. Philippines là đối tác quốc phòng quan trọng của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, những động thái trong năm nay nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của Mỹ với các căn cứ của họ đã khiến Trung Quốc tức giận, gọi đó là hành động “đổ thêm lửa” vào căng thẳng khu vực. Ngoài ra, bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng hợp tác quân sự với Đài Loan sau khi được bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đề xuất, nói rằng ý tưởng này sẽ ngang nhiên coi thường một trong những vấn đề cốt lõi của Trung Quốc. Bình luận của bộ trưởng Teodoro được đưa ra để đáp lại cuộc phỏng vấn trong đó Wu đề xuất hai nước xem xét hình thành một liên minh quân sự.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines closely monitors threat of invasion of Taiwan, defence chief says. Truy cập ngày 21/7/2023; Taiwan News, Philippines flatly rejects Taiwan’s suggestion of military cooperation. Truy cập ngày 27/7/2023


Hải quân Singapore nhận chiếc đầu tiên trong số 4 tàu ngầm mới do Đức chế tạo

Impeccable, chiếc đầu tiên trong số 4 tàu ngầm tấn công diesel-điện do Đức chế tạo đã đến Singapore. Impeccable là chiếc thứ hai trong số 4 tàu ngầm lớp Invincible mà Singapore đặt hàng trước đó. Còn được gọi là Type 218SG, những tàu ngầm này được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nhiệt đới nông và nhộn nhịp của Singapore. Impeccable sẽ trải qua một loạt các thử nghiệm trên biển địa phương để đạt được khả năng hoạt động đầy đủ với Hải quân Singapore.

Xem thêm tại: Defense News, Singapore’s Navy receives first of four new German-built submarines. Truy cập ngày 22/7/2023


Trung Quốc, Thái Lan bế mạc cuộc tập trận chung kéo dài 21 ngày

Trung Quốc và Thái Lan đã bế mạc cuộc tập trận không quân chung Falcon Strike 2023 được tổ chức tại Thái Lan với sự tham gia của các máy bay tiên tiến của cả hai bên. Trong cuộc tập trận chung, quân đội Trung Quốc và Thái Lan đã thực hiện các chủ đề huấn luyện bao gồm hỗ trợ trên không, tấn công trên bộ, phòng không chung và triển khai quy mô lớn, giúp tăng cường hiệu quả khả năng chiến đấu và tác chiến chung. Phía Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu bao gồm máy bay chiến đấu J-10C, máy bay ném bom chiến đấu JH-7A và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của không quân cũng như máy bay chiến đấu J-11B trong đội hình lực lượng hàng không của hải quân . Các máy bay Thái Lan tham gia cuộc tập trận bao gồm Saab JAS 39 Gripen, Alpha Jet và máy bay cảnh báo sớm Saab 340.

Xem thêm tại: Global Times, 21-day China-Thailand joint air combat exercises end in success, combat capabilities and collaboration enhanced. Truy cập ngày 24/7/2023


Trung Quốc sắp hoàn thành căn cứ ở Campuchia nhằm thách thức sức mạnh hải quân Mỹ

Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một căn cứ hải quân ở Campuchia và sắp hoàn thành một bến tàu có thể neo đậu một hàng không mẫu hạm. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một bến tàu gần như hoàn chỉnh có kích thước và thiết kế tương tự một cách đáng kinh ngạc với một bến tàu mà quân đội Trung Quốc sử dụng tại căn cứ hải ngoại duy nhất ở Djibouti. Hiện tại, Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn hơn Mỹ nhưng lại thiếu mạng lưới căn cứ và cơ sở hậu cần quốc tế rộng lớn cần thiết để hoạt động như một lực lượng hải quân “biển xanh” có thể đi vòng quanh thế giới. Việc tiếp cận một căn cứ trên Vịnh Thái Lan cũng sẽ mang lại lợi thế chiến lược cho Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng một số căn cứ quân sự trên các rạn san hô và đất cải tạo ở Biển Đông.

Xem thêm tại: Financial Times, Chinese base in Cambodia nears completion in challenge to US naval power. Truy cập ngày 26/7/2023

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:


Putin đe dọa Ba Lan bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Belarus là tấn công Nga

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ sáu đã cáo buộc Ba Lan, thành viên NATO, có tham vọng lãnh thổ ở Liên Xô cũ, và nói rằng bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại nước láng giềng và đồng minh thân cận của Nga là Belarus sẽ bị coi là một cuộc tấn công vào Nga. Trước đó vào thứ tư, Ủy ban An ninh của Warsaw đã quyết định chuyển các đơn vị quân đội đến miền đông Ba Lan sau khi các thành viên của lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đến Belarus.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Putin tells Poland any aggression against Belarus is attack on Russia. Truy cập ngày 22/7/2023


Anh tham gia tập trận phòng không lớn

Một cuộc tập trận phòng không lớn mang tên Neptune Strike 23-2, với sự tham gia của các máy bay chiến đấu đến từ Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, gần đây đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Nhóm Hàng hải Thường trực 2 của Hải quân Hoàng gia Anh. Cuộc tập trận này là một phần của hoạt động cảnh giác Neptune Strike do NATO dẫn đầu nhằm thể hiện khả năng của các quy trình vận hành chung của NATO trong việc điều phối các khí tài không quân đa quốc gia, đồng thời củng cố sức mạnh và sự gắn kết của các quốc gia đồng minh.

Xem thêm tại: UKDJ, Britain joins major air defence exercise. Truy cập ngày 26/7/2023


Đức và Thụy Điển mua hơn 1.200 tên lửa không đối không

Đức đã yêu cầu mua tới 969 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM), cùng với 12 thiết bị dẫn đường AMRAAM C8 và một loạt thiết bị, phần mềm hỗ trợ bổ sung. Tổng chi phí của thỏa thuận được đề xuất ước tính khoảng 2,9 tỷ USD. Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM là phiên bản tiếp theo của loạt tên lửa AIM-7 Sparrow. Tên lửa AMRAAM có tốc độ nhanh hơn, nhỏ hơn và nhẹ hơn, đồng thời cải thiện khả năng chống lại các mục tiêu tầm thấp. Nó được kết hợp radar chủ động với bộ tham chiếu quán tính và hệ thống vi máy tính, giúp ít phụ thuộc vào hệ thống điều khiển hỏa lực của máy bay.

Xem thêm tại: UKDJ, Germany and Sweden to buy over 1,200 air to air missiles. Truy cập ngày 26/7/2023


Lực lượng Israel giết hai thiếu niên Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng

Các quan chức Palestine cho biết các lực lượng Israel đã giết chết hai nam thiếu niên Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Các vụ xả súng nâng số người Palestine thiệt mạng trong năm nay tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và Gaza, lên con số 202, trong đó có 165 người ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Vụ nổ súng xảy ra một ngày sau khi sáu người Palestine thiệt mạng tại trại tị nạn Jenin trong một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Israel.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli forces kill two Palestinian teens in occupied West Bank. Truy cập ngày 21/7/2023


Mỹ nói máy bay Nga tấn công máy bay không người lái bằng pháo sáng ở Syria

Trung tâm Lực lượng Không quân Mỹ cho biết một máy bay Nga đã “bay gần một cách nguy hiểm” với drone MQ-9 của Mỹ sau đó “quấy rối” và “triển khai pháo sáng”. Tuần trước, một máy bay phản lực của Nga đã bay gần một cách nguy hiểm với một máy bay do thám của Mỹ ở Syria vào ngày 16 tháng 7 khiến tính mạng của bốn phi công Mỹ gặp nguy hiểm. Vào tháng 3, Mỹ cũng tuyên bố rằng các máy bay phản lực của Nga đã bắn hạ một drone Reaper, trị giá hơn 30 triệu USD được trang bị công nghệ gián điệp nhạy cảm của Mỹ hoạt động trên Biển Đen.

Xem thêm tại: Al Jazeera, US says Russian aircraft struck its drone with flare over Syria. Truy cập ngày 26/7/2023


Các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giới thiệu các hệ thống phòng không, mặt đất mới

Hai công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giới thiệu các hệ thống phòng không mới có tên GURZ và robot chiến đấu tự hành tại triển lãm IDEF ở Istanbul trong tuần này. GURZ được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở độ cao rất thấp hoặc tầm thấp như đạn pháo hoặc tên lửa cũng như drone, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu. Hệ thống được trang bị trên bệ có bánh xe 8×8. Trong khi đó, công ty phần mềm quân sự Havelsan, cho biết họ đã chuyển giao hệ thống robot chiến tự hành Barkan mới cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem thêm tại: Defense News,  Turkish defense firms showcase new systems for air defense, ground ops. Truy cập ngày 26/7/2023


Chiến tranh Sudan bước vào ngày thứ 100 khi các nỗ lực hòa giải thất bại

Các cuộc đụng độ bùng lên ở các vùng của Sudan vào ngày thứ 100 của cuộc chiến vào Chủ nhật khi các nỗ lực hòa giải của các cường quốc khu vực và quốc tế không tìm được lối thoát cho một cuộc xung đột ngày càng khó giải quyết. Kể từ khi bắt đầu, hơn 3 triệu người đã phải di dời, trong đó có hơn 700.000 người đã chạy sang các nước láng giềng và khoảng 1.136 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Cả quân đội và RSF đều không thể giành chiến thắng, với sự thống trị của RSF trên mặt đất ở thủ đô Khartoum trước hỏa lực không quân và pháo binh của quân đội. Mặc dù hai bên tham chiến đã thể hiện sự cởi mở đối với các nỗ lực hòa giải do các chủ thể khu vực và quốc tế dẫn đầu, nhưng không có nỗ lực nào dẫn đến một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Xem thêm tại: Reuters, Sudan war enters 100th day as mediation attempts fail. Truy cập ngày 25/7/2023


Mỹ trừng phạt bộ trưởng quốc phòng Mali, các quan chức về quan hệ với Wagner

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ hai tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mali, Đại tá Sadio Camara, Tham mưu trưởng Không quân, Đại tá Alou Boi Diarra và Phó Tham mưu trưởng, Trung tá Adama Bagayoko. Antony Blinken cáo buộc bộ ba làm việc để “tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng sự hiện diện của Wagner ở Mali kể từ tháng 12 năm 2021”, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ lệ tử vong của dân thường đã tăng 278% kể từ khi lính đánh thuê Nga được triển khai đến quốc gia này. Trong nhiều năm, Mỹ và các đồng minh của họ đã nhắm vào Tập đoàn Wagner và những người ủng hộ tập đoàn này bằng các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, tuần trước, Vương quốc Anh đã xử phạt 13 cá nhân có liên kết với Tập đoàn Wagner ở Cộng hòa Trung Phi, Mali và Sudan.

Xem thêm tại: Al Jazeera, US sanctions Mali’s defence minister, officials over Wagner ties. Truy cập ngày 25/7/2023

Chuyên mục Phân tích:


NATO trong thập niên mới (P3): Khối quyền lực mới của NATO

Cuộc chiến tại Ukraine đã dẫn đến sự chuyển dịch quyền lực mới trong NATO từ các nước Bắc Âu tới các nước Baltic đến Ba Lan. Sự chuyển dịch quyền lực này sẽ biến đổi NATO trong thập kỷ sắp tới, khiến cho liên minh này có khả năng ngăn chặn mối đe dọa từ Nga tốt hơn. Thêm vào đó, việc gia tăng khả năng phòng thủ ở sườn phía đông của NATO sẽ giúp châu Âu trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ đồng thời làm nền tảng làm suy giảm đóng góp của Washington vào an ninh châu Âu trong tương lai. Trước nhất, Ba Lan đang có kể hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 4% GDP vào năm 2023 và nhắm đến con số 3% trong những năm kế tiếp. Kế đến, việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cũng thể hiện một sự chuyển dịch còn lớn hơn khi nó giúp NATO có được lực lượng bộ binh có khả năng cao của Phần Lan và khả năng hàng hải mạnh mẽ của Thụy Điển. Hơn hết, hình thành một khối đông bắc trong NATO sẽ đưa sự minh bạch chiến lược vào trong các cuộc tranh luận về an ninh châu Âu. Các nước Bắc Âu, Đông Âu, và Ba Lan đã ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine do mong muốn thấy Nga thua trận tại nước này. Tương tự, các nước này rất quan tâm đến các đảm bảo an ninh đáng tin cậy cho Ukraine sau chiến tranh – tấm vé gia nhập NATO. Lý do các quốc gia trong khối đông bắc NATO đoàn kết lại là do Nga đang muốn khôi phục vùng ảnh hưởng trước đây. Tuy nhiên, các nước này lại không cho rằng mối đe dọa của Nga sẽ biến mất trong tương lai gần do Moscow có khả năng tái xây dựng lực lượng trong thời gian ngắn và điện Kremlin sẽ không từ bỏ tham vọng đế quốc. Do đó, Sườn phía đông bắc của NATO sẽ đảm bảo liên minh sẽ coi Nga là mối đe dọa lâu dài và hiện hữu một cách nghiêm túc. Cuối cùng, các thành viên phía đông bắc của NATO đang thực hiện những nỗ lực nghiêm túc nhất để củng cố khả năng của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh của chính mình. Khác với các nhà lãnh đạo Tây Âu, vốn chỉ luyên thuyên về “tự chủ chiến lược” và nhu cầu được cho là phải giữ khoảng cách với Mỹ, các quốc gia đông bắc đang tập trung vào các hành động thực tế bằng cách đảm nhận một phần trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của Châu Âu.

Xem thêm tại: Foreign Policy, NATO’s Next Decade: NATO’s New Power Bloc. Truy cập ngày 24/7/2023


Tại sao cuộc phản công của Ukraine đang chững lại?

Dù cuộc phản công của Ukraine đã bước sang tuần thứ tám và phần lớn lực lượng vẫn còn nguyên vẹn, nhưng tiến độ đã chậm hơn và khó hơn dự kiến. Các đồng minh của Ukraine đã dự đoán rằng Kyiv sẽ có thể đột phá tương tự như cách lực lượng Ukraine đã làm ở Kharkiv vào năm ngoái. Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cuộc phản công, Ukraine đã gặp phải những trở ngại không lường trước. Đầu tiên, lực lượng Ukraine bị chôn chân tại các bãi mìn đồng thời bị tấn công bởi pháo kích, tên lửa chống tăng, trực thăng tấn công và đạn tuần kích của Nga. Kyiv đã chống lại chiến thuật này bằng cách ngưng triển khai xe tăng và điều các toán quân nhỏ dưới 20 người. Kế đến, Ukraine phải đối mặt với hàng phòng thủ dày đặc và kiên cố hơn dự tính do Nga xây dựng. Theo đó, tuyến phòng thủ của Nga kéo dài 30km được trải đầy công sự bằng đất, bẫy xe tăng và mìn kết hợp với các cuộc phản công cơ động và nhanh chóng. Tiếp đó, để có thể chọc thủng tuyến phòng thủ Ukraine cần bộ gỡ mìn, hệ thống phòng không và tên lửa chống tăng cùng với ưu thế trên không. Tuy nhiên, phương Tây đến giờ vẫn chưa chuyển giao các chiến đấu cơ đã cam kết cho Ukraine. Chưa hết, Ukraine cũng thiếu thành thạo trong việc phối hợp các cuộc tấn công phức tạp gồm nhiều đơn vị sử dụng các loại vũ khí khác nhau do không có đủ thời gian huấn luyện và làm quen với trang thiết bị mới. Nhưng vẫn có quan điểm lạc quan cho rằng cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa phải là thất bại. Theo đó, có ba yếu tố có lợi cho Ukraine. Yếu tố đầu tiên là Nga sẽ không thực hiện một cuộc phản công nghiêm túc dù đã có bước tiến nhỏ ở phía bắc tỉnh Luhansk trong những ngày gần đây. Yếu tố kế đến là việc Nga quyết định bảo vệ tiền tuyến khiến cho lực lượng Nga không còn quân dự bị ở hậu phương. Cuối cùng, Ukraine đang phá vỡ nền tảng sức mạnh chiến đấu của Nga. Theo đó, lực lượng Ukraine đang thành công trong việc tấn công các cứ điểm chỉ huy, các căn cứ quân sự cũng như các cứ điểm cất trữ đạn dược của Nga. Thêm vào đó, Ukraine cũng đang tấn công vào Moscow bằng drone với ý định chọc thủng trung tâm quyền lực của Điện Kremlin và kích động sự phản đối chiến tranh.

Xem thêm tại: Economist, Is Ukraine’s offensive stalling? Truy cập ngày 26/7/2023


Putin không còn phương án nào tại Ukraine?

Mục tiêu ông Putin đặt ra cho cuộc chiến tại Ukraine bao gồm “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa” Kyiv. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu đều thất bại khi tổng thống Zelensky vẫn đứng vững và Ukraine đang trở thành nước được vũ trang hóa hàng đầu tại châu Âu. Trên chiến trường, quân đội Nga cũng thất bại trong việc chiếm giữ bốn tỉnh hành chính của Ukraine bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhia. Ngay cả khi ông Putin chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn dựa trên tình hiện tại để xoa dịu mối đe dọa đối với Crimea, thì nó cũng cho thấy tất cả mục tiêu của ông Putin đều thất bại. Tuy nhiên, ông Putin phải đối mặt với một khả năng tồi tệ là mọi xu hướng – về quân sự, kinh tế và ngoại giao – tiếp tục theo chiều hướng xấu và ông không còn phương án nào khác ngoài các lựa chọn tồi tệ. Đầu tiên, việc Yevgeny Prigozhin dấy lên cuộc binh biến đã khiến cho ông Putin dễ tổn thương hơn là bộc lộ điểm yếu. Theo đó, cuộc nổi dậy của ông Prigozhin đã khiến cho việc giáng chức bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu và tổng tư lệnh Valery Gerasimov, cả hai vốn bất tài và mất sự ủng hộ giữa các tầng lớp sĩ quan, trở nên khó hơn. Kế đến, phản ứng của Nga đối với cuộc phản công của Ukraine là dồn toàn lực để chống trả. Dù thi thoảng thành công, nhưng quân đội Ukraine đã thích ứng và vẫn giữ được thế thượng phong cũng như khí thế lớn hơn. Điều này không những làm xói mòn nhuệ khí của lực lượng tiền tuyến mà còn sự tự tin của giới tinh hoa và thậm chí là vị trí của ông Putin. Sau khi Ukraine đột phá tại Kharkiv hồi tháng 9 năm ngoái, Moscow đã quyết định đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, nhiều đợt triển khai quân, và nhiều chiến dịch thả bom vào cơ sở hạ tầng của Ukraine hơn. Tuy nhiên, cho đến nay phản ứng quan trọng nhất của ông Putin là áp lệnh trừng phạt nhằm chấm dứt thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và sau đó tấn công cảng Odesa của Ukraine. Một phương án khả dĩ cho ông Putin lúc này là dựng lên một câu chuyển để lý giải rằng dù đang thất thế nhưng trên thực tế Nga vẫn thắng. Một trong những câu chuyện đó là về cách mà Nga đã chiến thắng trước liên minh hùng mạnh nhất thế giới – NATO. Tuy nhiên, câu chuyện này lại không khả quan vì Nga sẽ không có cửa thắng NATO trong một cuộc chiến thật sự. NATO giờ đây đã ủng hộ Ukraine quá nhiều, đặc biệt là khi họ đã đầu tư rất nhiều vào việc trang bị cho đất nước để chiến đấu và giành ưu thế. Ukraine cũng sẽ không hứng thú với thỏa thuận ngừng bắn chừng nào Nga còn nắm giữ nhiều đất đai của mình và khiến những người sống dưới sự chiếm đóng của họ trở nên khốn khổ. Do đó, Putin có thể đơn giản là cố gắng tiếp tục nhưng trước những áp lực ngày càng gia tăng, ông ấy cần một chiến lược để chứng tỏ rằng Nga vẫn có con đường dẫn tới chiến thắng.

Xem thêm tại: Foreign Affairs, Putin Is Running Out of Options in Ukraine. Truy cập ngày 26/7/2023


Tại sao phương Tây phải tập trung vào việc chuẩn bị cho quân đội Ukraine bằng mọi giá?

Trong hai tháng nay, Ukraine đã phải chật vật để vượt qua phòng tuyến Surovikin nhằm giải phóng vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm. Giao tranh đã diễn ra ác liệt, với thiệt hại về quân số cũng như trang thiết bị của hai bên đều cao. Tại phòng tuyến này, quân Nga đang núp sau các lớp chiến tuyến, với mỗi lớp cách nhau bởi mội tổ hợp mìn khoảng 120 đến 500 mét. Ngoài ra, quân Nga còn có sự hỗ trợ của pháo binh và trực thăng tấn công, đồng thời có thêm hệ thống chiến tranh điện tử và phòng không dày đặc. Tuy nhiên, quân Nga cũng gặp một số khó khăn. Theo đó, với hơn 50,000 quân ở mặt trận phía nam, quân Nga có khoảng 25% số quân có thể triển khai bất cứ lúc nào. Nhưng khi Moscow điều quân hỗ trợ và những toán quân cần thiết để trấn giữ hai bên sườn, lớp quân dự bị sẽ bị mỏng đi. Kế đến, Ukraine cũng có pháo binh có tầm xa hơn, chính xác hơn và nhiều hơn làm hạn chế hỏa lực phản công của Nga. Thêm vào đó, quyết định cung cấp bom chùm của Mỹ sẽ kéo dài thời gian lợi thế về pháo binh của Ukraine. Nhưng những gì  Ukraine cần để tiến hành các hoạt động tấn công thành công còn bao gồm: khả năng kỹ thuật, phòng không chiến thuật, cơ động được bảo vệ, và huấn luyện tập thể và quân nhân. Ngoài ra, chậm trễ trong việc đưa ra quyết định huấn luyện Ukraine trên xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của phương Tây đã giúp Nga có thời gian xây lại lực lượng. Vấn đề tiếp theo đó là chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine được thiết kế rất kém. Huấn luyện tập thể đã được tổ chức trên các cơ sở huấn luyện châu Âu cho một số đơn vị Ukraine. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã không thể điều khiển UAV (máy bay không người lái) của họ vì những hạn chế về quy định hoặc sử dụng phần mềm điều khiển hỏa lực của riêng do các phần mềm này không được NATO chứng nhận. Cuối cùng, vấn đề lớn nhất là các quy định đã quá cứng nhắc trong đào tạo binh sỹ Ukraine về cách thức tiến hành chiến tranh, trong khi đó lại không có đủ thời gian để thực sự truyền tải hết được tất cả các nội dung có liên quan. Thay vào đó, các khóa học cần được điều chỉnh để khuếch đại tốt nhất các thế mạnh hiện có của Ukraine. Nhưng để làm được điều đó, cần có sự cho phép để các giảng viên được thoải mái điều chỉnh những gì được dạy và một cách tiếp cận mang tính phối hợp với người Ukraine để thiết kế khóa học.

Xem thêm tại: The Guardian, West must focus on preparing Ukraine’s troops – or we will all pay the price. Truy cập ngày 24/7/2023


Trung Quốc đang từ từ bóp nghẹt Đài Loan như thế nào?

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục điều các máy bay chiến đấu bay xung quanh Đài Loan như một phần của chiến dịch vùng xám nhằm dần dần bóp nghẹt hòn đảo này. Theo đó, kể từ Đài Loan công bố số liệu thống kê vào năm 2020, số lần Trung Quốc xâm phạm vùng nhận diện phòng không (AIDZ) hàng tháng tăng từ 69 đến 139. Trong vòng ba năm qua, PLA đã sử dụng từ máy bay thương mại rồi dần dần chuyển qua máy bay trinh sát hoặc vận tải cho đến cả một phi đội lớn gồm máy bay ném bom, chiến đấu, chiến tranh điện từ và các loại drone khác nhau. Thêm vào đó, PLA cũng mở rộng khu vực hoạt động chủ yếu góc phía tây nam ADIZ của Đài Loan, ngã tư giao giữa eo biển Đài Loan, Biển Đông và eo Ba Sĩ kết nối cả với Thái Bình Dương, cho đến không phận và vùng biển xung quanh Đài Loan. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã triển khai hơn 300 máy bay quân sự vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan (median line), vốn là thỏa thuận ngầm nhằm giữa Trung Quốc với Mỹ nhằm giữ chân quân đội hai bên.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng thực thi yêu sách của mình đối với gần như toàn bộ khu vực trước một số nước láng giềng với chiến thuật cắt lát salami tương tự.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát một số thực thể địa lý từ các bên tranh chấp đối địch và từng bước xây dựng các cơ sở quân sự nhưng đồng thời giữ cho các hoạt động của mình nằm dưới mức xung đột mở. Tuy nhiên, một số nhà quan sát Mỹ mô tả hai cuộc tập trận quy mô lớn của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái và tháng 4 này là cuộc diễn tập phong tỏa Đài Loan, một động thái có thể vượt qua ngưỡng chiến tranh. Các chuyên gia quốc phòng khác cho biết một số phương pháp để chống lại chiến thuật vùng xám bao gồm đe dọa trừng phạt nếu một lằn ranh đỏ cụ thể bị vượt qua. Tuy nhiên, dù Mỹ đã nỗ lực giúp Đài Loan xây dựng kho vũ khí và đạn dược cũng như gia tăng hợp tác quân sự với đồng minh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng những nỗ lực này sẽ không hiệu quả. Trước nhất, Washington đang giảm việc triển khai khí tài tại ÂĐD-TBD trong dài hạn, ví dụ như chiến đấu cơ tại Nhật Bản hay máy bay ném bom tại Guam. Kế đến, Đài Loan vẫn chưa rõ mức độ can thiệp của Mỹ khi chiến tranh xảy ra do Washington vẫn duy trì sự nhập nhằng chiến lược. Cuối cùng, bản chất ngày càng độc đoán và mờ đục của nền chính trị Bắc Kinh khiến việc đánh giá điều gì thúc đẩy các quyết định của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trở nên khó khăn hơn và liệu ông ta có thể trở nên sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh hơn hay không khi các nhà phân tích cảnh báo rằng đã có tiền lệ về việc các nhà lãnh đạo độc tài phớt lờ mọi tín hiệu răn đe. Do đó, các chuyên gia quốc phòng cho rằng để ngăn chặn của cả hai bên làm mất ổn định tình hình, Mỹ cần đưa ra sự đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn sẽ có cơ hội đạt được mục tiêu tái thống nhất Đài Loan bên cạnh các mối đe dọa. Tuy nhiên, điều này có nghĩa rằng Đài Loan sẽ tránh được một cuộc xung đột mở nhưng vẫn phải tiếp tục sống với chiến lược vùng xám của Trung Quốc.

Xem thêm tại: Financial Times, How China’s military is slowly squeezing Taiwan. Truy cập ngày 25/7/2023


Nhật Bản sẽ sát cánh cùng Đài Loan khi xung đột xảy ra?

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói rằng có thể sẽ đến viện trợ cho Đài Loan nếu một cuộc xâm lược của Trung Quốc gây ra làn sóng hỗ trợ quốc tế tương tự như đối với Ukraine. Trước đây, Nhật Bản đã theo đuổi chính sách mơ hồ chiến lược trên thực tế, từ chối công khai làm rõ cách thức hoặc liệu họ sẽ phản ứng với một tình huống bất ngờ liên quan đến Đài Loan hay không. Nhưng cuộc chiến Ukraine đã là một hồi chuông cảnh tỉnh về khả năng xung đột nổ ra ngay trước ngưỡng cửa Nhật Bản. Ngoài ra, việc Trung Quốc liên tục tái vũ trang dưới thời Tập Cận Bình cũng đã gây ra báo động. Tokyo đang gấp rút đáp trả, với kế hoạch tăng 60% chi tiêu quân sự trong 5 năm tới, bao gồm cả việc đại tu triệt để chiến lược quốc phòng. Nhật Bản chỉ cách bờ biển Đài Loan 70 dặm. Nếu Bắc Kinh tấn công, bất kỳ phản ứng nào của Mỹ có thể sẽ đến từ nhiều căn cứ quân sự trên đảo Okinawa phía nam, nơi có khoảng 54.000 lính Mỹ đồn trú. Trong trường hợp xung đột xảy ra, Nhật Bản sẽ đứng trước hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là có nên chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại Okinawa trong khi cân nhắc những rủi ro của sự trả đũa của Trung Quốc đối với lãnh thổ và người dân của chính họ. Kế đến, Nhật Bản cũng sẽ phải quyết định có tích cực tham gia cuộc chiến hay không. Nó cũng có thể tìm kiếm sự hợp tác quốc phòng với các đồng minh quan trọng như Mỹ và Anh. Để đối phó với tình hình ngày càng nguy hiểm, chính phủ thủ tướng Fumio Kishida đã nâng mức ngân sách quốc phòng lên 2% GDP đến 2027, bằng với tiêu chuẩn của NATO. Thêm vào đó, Nhật Bản có kế hoạch đầu tư mạnh vào tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa siêu thanh, đồng thời tăng cường lực lượng ở khu vực Nansei, một chuỗi đảo quan trọng để bảo vệ Đài Loan và là rào cản tự nhiên giữa hải quân Trung Quốc và Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: Telegraph, Japan likely to come to Taiwan’s aid during a Chinese invasion. Truy cập ngày 24/7/2023


Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc từ chối đối thoại quân sự với Mỹ?

Trong Đối thoại Shangr iLa hồi tháng 6 tại Singapore, Mỹ đã yêu cầu một cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc, nhưng Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu này. Lý do được đưa ra là do Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên bộ trưởng Lý do Trung Quốc mua sắm các hệ thống vũ khí của Nga năm 2018 và ông Lý sẽ không bao giờ gặp quan chức Mỹ cho đến khi nào lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Trước đó, vào tháng 8 năm 2022, Trung Quốc cũng dừng mọi cuộc gặp với các chỉ huy quân đội và điều phối viên chính sách quốc phòng Mỹ sau khi chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Tuy nhiên, lý do khiến cho Trung Quốc kiên quyết từ chối đối thoại quân sự với Mỹ là do Bắc Kinh tin rằng sự im lặng là một đòn bẩy.

Theo đó, ông Tập muốn Mỹ phải bối rối để từ đó nó có thể gây áp lực buộc Washington giảm dấu chân quân sự của mình trong vùng biển và vùng trời gần Trung Quốc. Thêm vào đó, Bắc Kinh coi một số kịch bản rủi ro nhất định là cơ hội để thúc đẩy lợi ích của mình và rút ra những nhượng bộ từ Washington, đặc biệt là khi Trung Quốc tin rằng Mỹ khó có thể khơi mào một cuộc xung đột nóng. Mặt khác, Bắc Kinh cũng cho rằng một đường dây liên lạc cởi mở về các vấn đề quân sự sẽ cho phép Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự ở tây Thái Bình Dương mà không lo sợ hậu quả, trong khi việc ngăn cản đối thoại sẽ khiến Mỹ thận trọng hơn đối với các lằn ranh đỏ của Trung Quốc. Do đó, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là buộc Mỹ loại bỏ nguồn gốc của căng thẳng: sự hiện diện quân sự của Washington ở tây Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, việc Trung Quốc từ chối thiết lập đường dây nóng dành riêng cho việc quản lý khủng hoảng cho thấy sự miễn cưỡng của họ trong việc giảm căng thẳng và tham gia vào các cuộc đối thoại cấp quân sự. Ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều niềm tin rằng một cuộc khủng hoảng quân sự có thể là không thể tránh khỏi và thậm chí còn không muốn đàm phán các điều khoản cùng tồn tại với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể làm việc cùng Trung Quốc nhằm làm cho các mối quan hệ quân sự trở nên dễ đoán hơn bằng cách tập trung vào các mối quan tâm cụ thể và xác định hành vi quân sự “không an toàn”. Dù vậy. khả năng chấp nhận rủi ro của Trung Quốc có thể thay đổi tùy thuộc vào các sự kiện trong tương lai, chẳng hạn như các cuộc bầu cử ở Đài Loan, sẽ có thể dẫn đến các hành động quân sự và thúc đẩy nhu cầu đối thoại giữa quân đội với quân đội. Nhưng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh vẫn là hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng ngoại vi Trung Quốc cho nên ông Tập vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép đến khi đạt được mục tiêu của mình.

Xem thêm tại: Foreign Affairs, Why China Won’t Talk With America’s Military. Truy cập ngày 22/7/2023

https://nghiencuuquocte.org

Tags: , , ,

Comments are closed.