Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với thách thức sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ
Terri Wu – Bảo Nguyên biên dịch
17/7/2023
Một công nhân chuẩn bị các thanh thép trên công trường xây dựng cầu sông Dương Tử Zhangjinggao trên đảo Mazhou ở Tĩnh Giang, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, vào ngày 14/07/2023. (Ảnh: STRINGER/AFP qua Getty Images)
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ và các nhà chức trách đang cạn kiệt các công cụ có thể giải quyết vấn đề.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất của Trung Quốc chỉ ra một nền kinh tế đang trên bờ vực giảm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 không đổi so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,2% so với tháng 5. Chỉ số giá sản xuất, phản ánh chi phí bán buôn, đã giảm 5,4% so với tháng 06/2022, cho thấy mức giảm lớn hơn mức 4,6% của tháng 5.
Dữ liệu thương mại tháng 6 tiếp tục cho thấy xu hướng giảm. Giá trị đồng USD của hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn hơn so với mức 7,5% của tháng 5. Nhập khẩu của nước này cũng giảm gần 7% kể từ tháng 06/2022, so với mức 4,5% trong tháng 5.
Ông Gary Jefferson, giáo sư kinh tế tại Đại học Brandeis và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho biết những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt có nhiều mặt, bao gồm nợ nần chồng chất trong lĩnh vực bất động sản và ở chính quyền địa phương, lợi tức đầu tư suy yếu, niềm tin hộ gia đình thấp, và căng thẳng địa chính trị với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Và đó là kết quả của các chính sách của chế độ trong 30 đến 40 năm qua, ông nói.
Trong khi nhiều người đã chỉ ra những gián đoạn lớn do đại dịch và các chính sách zero-COVID của chế độ gây ra như là nguồn gốc của những tai ương hiện tại của Trung Quốc, thì ông Jefferson tin rằng các vấn đề về cấu trúc rất có thể là nguyên nhân.
Ông Jefferson nói với The Epoch Times: “Như là bằng chứng cho tính chất hệ thống của vấn đề, có vẻ như sự suy giảm niềm tin kinh tế và niềm tin xã hội đang củng cố lẫn nhau”.
“Việc miễn cưỡng tìm đối tác, kết hôn và sinh con có thể một phần là do và đồng thời dẫn đến suy thoái kinh tế. Ít gia đình hơn báo hiệu sự sụt giảm nhu cầu đối với các đơn vị nhà ở lớn hơn hoặc cao cấp hơn, càng góp phần vào sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản, dẫn đến nhu cầu thuê đất và doanh thu của chính quyền địa phương ít hơn”.
Trung Quốc đang vật lộn với tỷ lệ sinh ngày càng giảm mặc dù chế độ này đã bỏ chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các gia đình có tới ba con trong những năm gần đây. Nhiều cặp vợ chồng đã từ chối sinh thêm con với lý do chi phí tăng cao.
Khó khăn sâu sắc nhất kể từ 1989
“Chính phủ thực sự đang đối mặt với một khó khăn sâu sắc nhất, ít nhất là kể từ 04/06/1989”, ông nói thêm, đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn đối với các sinh viên Trung Quốc tìm kiếm cải cách dân chủ, đi kèm với hậu quả là sự cô lập quốc tế. Sau đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phải mất ba năm để trở lại đúng quỹ đạo.
Ông Jefferson chỉ ra rằng, trong khi chuyến công du phía Nam của nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình vào năm 1992 đã giúp khôi phục tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc hiện không ở trong tình trạng tương tự sau khi đã phát triển đáng kể kể từ thời điểm đó.
Với hàng chục năm tiết kiệm của các gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc và cơ hội đầu tư dồi dào, khả năng phục hồi kinh tế khó có thể dễ dàng xảy ra, ông nói, bổ sung thêm rằng chính quyền đang cạn kiệt công cụ để sửa chữa nền kinh tế.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã tung ra một gói kích thích kinh tế khổng lồ – 4 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (586 tỷ USD vào thời điểm đó) – làm tăng đáng kể chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng và nợ trong lĩnh vực bất động sản và chính quyền địa phương.
Ông Jefferson cho biết, ngày nay, lợi tức đầu tư vào vốn vật chất và con người là thấp so với 10 năm trước do một khối lượng đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ đã được thực hiện và sự gia tăng tuyển sinh giáo dục đại học mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng vào năm 1999. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc là hơn 20% trong tháng 5 và tháng 6, một phần là do nguồn cung quá dồi dào trong sinh viên tốt nghiệp đại học, vốn đã tăng từ 1 triệu lên 10 triệu trong hai thập kỷ.
Theo quan điểm của ông, một gói kích thích sẽ đòi hỏi nguồn tài trợ khổng lồ từ chính quyền trung ương và địa phương, điều đó có nghĩa là nợ sẽ tích lũy nhiều hơn – và điều đó rất có vấn đề. Và khi mọi người có nhiều tiền hơn, họ có thể chọn gửi ngân hàng hoặc sử dụng nó để trả nợ. Do đó, việc chuyển thêm tiền vào tay người dân có thể không kích thích chi tiêu, ông nói thêm.
Vị giáo sư đưa ra một ví dụ tương tự về một chiếc ô tô đang chạy quá tốc độ dọc theo một ngọn đồi và đột nhiên đối mặt với một vách đá. Ông ấy nói: “Thường thì khi điều này xảy ra, có một vách đá có thể cách đó 50 hoặc 100 feet mà chiếc xe có thể đáp xuống và sau đó tiếp tục hành trình của nó”.
Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, “hơn hẳn bất kỳ tình huống nào khác trong 40 năm qua, khoảng cách đến phía bên kia của vách đá lớn hơn đáng kể so với trước đây, khiến việc hạ cánh an toàn trở nên khó khăn hơn”.
Theo ông Jefferson, điểm khác biệt chính giữa các nền kinh tế Trung Quốc và phương Tây là các chính phủ phương Tây có tính hợp pháp từ các cuộc bầu cử và quy trình lập pháp, nhưng tính hợp pháp của ĐCSTQ hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế của nó. Vì điều này, “Đảng rất, rất khó có thể đối phó với một cuộc suy thoái hoặc chấp nhận một cuộc suy thoái”, ông nói thêm.
“Đó là một tình huống khá khó khăn, lúng túng cho ban lãnh đạo”.
Không nhìn thấy hy vọng
Ông Mike, 27 tuổi, làm việc tại một nhà máy phụ gia polyme ở một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, một trong những trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân của đất nước. Ông Mike đã nói chuyện với The Epoch Times bằng hóa danh vì sợ bị ĐCSTQ trả thù.
Ông Mike tốt nghiệp đại học năm 2017 với chuyên ngành kỹ thuật không gian ngầm đô thị. Vào tháng 07/2020, sau khi hết hợp đồng hai năm với một dự án tàu điện ngầm ở tỉnh Hồ Nam, anh chuyển đến thành phố hiện tại để làm việc cho nhà máy vừa khai trương. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường nước ngoài.
Ông cho biết vào tháng 05/2022, một công ty lớn ở Tây Âu đã không gia hạn đơn đặt hàng hàng năm trị giá 15.000 pound sản phẩm do căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và châu Âu. Kể từ đó, nhà máy đã không thể có được bất kỳ đơn đặt hàng thay thế nào để bù đắp cho sự mất mát này. Nó hiện đã ngừng sản xuất và đang bán hàng tồn kho của mình.
Ông cho biết doanh nghiệp đang tìm cách điều chỉnh dòng sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước, nhưng “việc có được đơn hàng sẽ rất khó” do nhu cầu thấp.
Tình cảnh của nhà máy nhỏ của ông Mike là không đơn độc. Theo ông, một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô gần đó đã cắt giảm 3.000 công nhân hay 30% lực lượng lao động. Ngoài ra, ông cho biết công nhân tại nhà máy đó không còn cơ hội làm thêm giờ, nguồn chính để họ kiếm được trên mức tối thiểu để trang trải cuộc sống.
Khi ông Mike lần đầu tiên chuyển đến Chiết Giang, ông ấy đã nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ đạt được gì đó. Vì vậy, ông ấy đã mua một căn hộ trong thành phố vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, nền kinh tế suy thoái và đợt phong tỏa kéo dài 3 năm do đại dịch khiến nhiều người kiệt sức, ông ấy nói.
“Bây giờ tôi không thấy hy vọng”, ông nói với The Epoch Times. “Mọi người đều đang đối phó với nhiều căng thẳng trong cuộc sống”.
Là giám sát nhà máy, ông Mike kiếm được khoảng 9.000 CNY mỗi tháng, tương đương 1.260 USD. Khoản thế chấp của anh là 6.000 CNY, tương đương 2/3 thu nhập hàng tháng của anh. Sau khi chi trả cho tất cả các nhu yếu phẩm, ông ấy hầu như không tiết kiệm được gì. Và ông ấy vẫn cần tiết kiệm để mua một chiếc ô tô. Mặc dù bạn gái của ông ấy, không giống như nhiều phụ nữ Trung Quốc, không yêu cầu ông Mike phải có xe hơi và căn hộ để kết hôn, nhưng ông Mike coi đó là “nghĩa vụ của một người đàn ông” để đạt được những điều đó trước khi kết hôn.
Ông Mike hy vọng có thể có một số tiền tiết kiệm để chăm sóc cha mẹ, ít nhất là để trang trải chi phí y tế khi họ già đi. Ông ấy muốn có một đứa con nhưng muốn đợi cho đến khi ông ấy có đủ khả năng tài chính để cung cấp cho đứa bé một cuộc sống tốt đẹp. Về việc có nhiều hơn một đứa con khi chính sách một con đã kết thúc, ông Mike đã nói “không” mà không do dự. “Tôi sẽ không đủ khả năng đó!”
Khi được hỏi về các bài báo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng nền kinh tế đang dần phục hồi, ông Mike trả lời: “Đó là tuyên truyền! Nó hoàn toàn trái ngược với thứ mà chúng tôi cảm nhận được trong người dân”.
“Theo như cuộc sống của tôi, tôi đang ở trong thời kỳ suy thoái [của kinh tế Trung Quốc]”, ông ấy nói thêm.
Quay lại ve vãn giới doanh nghiệp tư nhân
Gần đây, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã có các cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ cao, báo hiệu sự kết thúc ba năm đàn áp đối với các ngành công nghiệp tư nhân.
Ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc và cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết từ lâu đã có mối quan hệ yêu – ghét lẫn lộn giữa ĐCSTQ và khu vực tư nhân.
Rõ ràng ĐCSTQ ghét khu vực tư nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn tăng trưởng kinh tế và họ nhận ra rằng khu vực tư nhân chịu trách nhiệm cho phần lớn tăng trưởng kinh tế, ông Graceffo nói với The Epoch Times. “Và họ đủ thông minh để nhận ra điều đó, nên họ không muốn giết con ngỗng đẻ trứng vàng”.
Theo ông Jefferson, ĐCSTQ chưa bao giờ thoát khỏi tư duy “con chim trong lồng” (hạn chế tự do của khu vực tư nhân), và tư duy đó vẫn tồn tại trong nhà lãnh đạo hiện tại Tập Cận Bình.
Ông Trần Vân, người đứng cạnh Đặng Tiểu Bình với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của ĐCSTQ trong việc định hướng các chính sách “mở cửa” kinh tế trong những năm 1980, nói rằng theo cải cách, khu vực tư nhân nên hoạt động như “con chim trong lồng”. Sự tự do của nền kinh tế thị trường bị hạn chế bởi kích thước của cái lồng thể hiện qua kế hoạch hóa tập trung.
Đối với ông Mike, ông ấy không tin tưởng những cuộc họp đã nêu ở trên vì một lý do hơi khác. Ông ấy nói nếu các phiên họp là do ông Tập, người mà ông ấy gọi là “hoàng đế”, chủ trì, thì ông có thể có một chút hy vọng.
Nhưng nếu không như vậy, thì bất kỳ quyết định nào cũng có thể bị ông Tập bác bỏ bất cứ lúc nào và hệ thống xã hội Trung Quốc xác định rằng chính trị phải đi trước kinh tế. Đối với ông, ĐCSTQ ưu tiên chi tiêu của chính phủ để duy trì sự ổn định hoặc sự cầm quyền của đảng, và bất kỳ biện pháp kích thích nào cũng sẽ dẫn đến việc rất ít tiền đến tay người dân vì giới tinh hoa có mối quan hệ ở thượng tầng sẽ là những người hưởng lợi chính.
Ông cho biết ngày càng có nhiều người như ông bắt đầu thắc mắc về bản chất cấu trúc của các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Ông nói, một năm trước, hầu hết mọi người vẫn đổ lỗi cho Mỹ về các vấn đề kinh tế của họ và lặp lại tuyên truyền của ĐCSTQ như “Đế quốc Mỹ không bao giờ từ bỏ mong muốn nhìn thấy chúng ta chết”. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người phàn nàn về các vấn đề cấu trúc trong xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như nạn tham nhũng của các quan chức ĐCSTQ.
Tương lai trước mắt
ĐCSTQ vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào. Nó đã cắt giảm lãi suất cho vay vào tháng 6 và gần đây đã gia hạn khoản vay bất động sản cho các nhà phát triển để đảm bảo việc giao nhà đang được xây dựng. Tuần này, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã cắt giảm phí quản lý quỹ tương hỗ để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư.
Ngoài ra, vào đầu tuần này, một quỹ phòng hộ của Singapore đã đệ đơn lên Hong Kong để buộc nhà phát triển Kaisa đã phá sản phải thanh lý. Đơn kiện này là trường hợp đầu tiên liên quan tới việc chưa thanh toán nợ ở Trung Quốc đại lục, báo hiệu sự thiếu kiên nhẫn và niềm tin thấp của các chủ nợ đối với việc tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Trước đây, những kiến nghị như vậy chỉ liên quan đến nợ nước ngoài. Vào tháng 4, Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu với các chủ nợ lớn, bao gồm việc cho phép các trái chủ tiếp cận các tài sản ở nước ngoài của công ty được niêm yết tại Hong Kong.
Vào ngày 06/07, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố sẽ đưa ra “các biện pháp chính sách được nhắm mục tiêu và phối hợp” một cách kịp thời để giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay.
Ông Graceffo cho biết, ĐCSTQ có thể sẽ tung ra một gói kích thích để hoàn thành các dự án xây dựng còn dang dở. Tuy nhiên, điều đó sẽ không thực sự làm tăng nhu cầu, ông nói thêm, nói rằng nó sẽ giúp tăng việc làm tạm thời. Một số khoản tiền lương từ những công việc đó có thể được dùng để tiêu dùng, nhưng các tòa nhà chung cư hoặc văn phòng sẽ vẫn trống trong dài hạn.
Ông Jefferson nói rằng, là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc sẽ cần lạm phát 3 hoặc 4% để thích ứng với những thay đổi cơ cấu kinh tế, thứ tạo ra những lĩnh vực mới với giá cả tăng cao khi dòng tiền chảy ra khỏi những lĩnh vực đang suy yếu. “Khi bạn có sự ổn định về giá một cách toàn diện, đó cũng là bằng chứng cho thấy bạn không thực sự có được những lĩnh vực đang thúc đẩy tăng trưởng mới trong nền kinh tế”.
Theo quan điểm của ông Graceffo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai gần. Và trong dài hạn, Trung Quốc có thể không đạt được tốc độ tăng trưởng trên 5% trừ khi có điều gì đó bất thường xảy ra, ông dự đoán. Tăng trưởng GDP 5% là mục tiêu của Trung Quốc trong năm nay.
Ông nói: “Tôi không thấy trong dài hạn sự tăng trưởng sẽ tăng trở lại”.
Tags: Hoa kỳ, tin tức thế giới, Trung cộng, độc tài