Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 02 tháng 4 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Hoa Kỳ quan ngại về việc kết án những người vận động nhân quyền ở Việt Nam
Thanh Phương /RFI
02/4/2024
Theo hãng tin Reuters, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua, 01/04/2024, đã bày tỏ quan ngại về vụ kết án những người vận động nhân quyền thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam, trong đó có 5 vụ kể từ tháng 1, và kêu gọi chính phủ Hà Nội tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
Ông Y Krec Bya, thuộc tổ chức “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, bị bắt hôm 08/04/2023 và đã bị tòa án tỉnh Đắk Lắk kết án 13 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. © msfjustice.org
Những nhà hoạt động đã báo động về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền của tổng thống Joe Biden nêu lên những quan ngại về tình hình này trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Reuters trích dẫn tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch vào tháng 3 cho biết Việt Nam hiện giam giữ ít nhất 163 tù chính trị và chính phủ Hà Nội đang tiến hành đàn áp các blogger, nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam vẫn phủ nhận việc vi phạm nhân quyền.
Trong thông cáo hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây đối với Y Krec Bya, một tiếng nói ôn hòa cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án tù nhiều năm đối với Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vì họ vận động ôn hòa cho nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam”. Bộ Ngoại Giao Mỹ kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ phi lý”.
Ông Y Krec Bya, thuộc tổ chức “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, đã bị tòa án tỉnh Đắk Lắk kết án 13 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Trong phiên xử ngày 20/03 tại tỉnh Trà Vinh về cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, ông Thạch Cương đã bị kết án 4 năm tù và ông Hoàng Chương 3 năm 6 tháng tù. Trước đó, ngày 07/02, tại Sóc Trăng, ông Danh Minh Quang đã lãnh án 3 năm 6 tháng tù cũng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Cũng với tội danh nay, ông Nay Y Blang đã bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù ngày 26/01/2024.
Tổng thống Biden đã đến thăm Việt Nam vào năm ngoái và Nhà Trắng cho biết trong chuyến đi này ông đã nêu lên những quan ngại của Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Reuters, những người vận động nhân quyền cáo buộc chính quyền Biden gạt bỏ các vấn đề nhân quyền khi làm việc với các đối tác châu Á như Việt Nam và Ấn Độ, những quốc gia mà Washington đang cố duy trì các mối quan hệ chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Hải Di Nguyễn: Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục tấn công Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên
01/4/2024
Ngày 26/3/2024 vừa qua, kênh YouTube AN NINH TRẬT TỰ ĐẮK LẮK tung ra một video với tựa đề “Bản chất phản động của tổ chức “Hội thánh tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.”
Ngày 28/3/2024, thầy truyền đạo Y Krếc Byă, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, bị tòa án tỉnh Đắk Lắk tuyên án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế vì tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 của Bộ luật Hình sự.
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk và truyền thông nhà nước liên tục tấn công hội thánh.
AN NINH TRẬT TỰ ĐẮK LẮK nói gì?
Chính bản tin của AN NINH TRẬT TỰ ĐẮK LẮK đưa hình ảnh Mục sư A Ga tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo.
Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên được sáng lập bởi Mục sư A Ga, người sắc tộc Hà Lăng và hiện giờ đang sống ở Mỹ.
Video nói “Mục đích của tổ chức phản động này là lôi kéo bà con tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tham gia, núp dưới vỏ bọc tôn giáo, để chống phá Việt Nam”, với “âm mưu, phương thức, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm.”
Nhưng những “thủ đoạn tinh vi, nham hiểm” đó là gì?
Video đưa ra một nhân chứng ở buôn Đung nói một người bạn đưa số điện thoại của ông cho Mục sư A Ga để “sinh hoạt tôn giáo, với lại học nhân quyền tự do tôn giáo. Mục sư A Ga nói chuyện, trao đổi, dụ dỗ tôi học nhân quyền.”
Nếu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền, như ông Rahlan Lâm nói với người tỵ nạn ở Thái Lan ngày 14/3 “Ai nói Việt Nam không có nhân quyền là người ta nói bậy”, vậy tại sao công an tỉnh Đắk Lắk lại sợ người dân học về nhân quyền và tự do tôn giáo?
Một nhân chứng khác nói Mục sư A Ga và khóa học “nói xấu chế độ, Đảng, và Nhà nước, vu cáo chính quyền đàn áp tự do tôn giáo.”
Video cũng nói “Ở Tây Nguyên từ lâu nay, đời sống tự do tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.”
Khoan nói đến những người theo đạo Tin lành bị cưỡng ép bỏ đạo hoặc đổi hội thánh, khoan nói đến những tín đồ bị kiểm điểm trước làng rồi bị đuổi đi, khoan nói đến những người mẹ bị tách khỏi con cái hoặc sinh con nhưng không được có giấy khai sinh vì theo đạo, khoan nói đến những người H’mông phải chạy từ miền Bắc và tìm cách tạo dựng đời sống mới giữa đất rừng tỉnh Lâm Đồng và mãi vẫn không có giấy tờ tùy thân, khoan nói đến những người bị đánh đập cầm tù vì biểu tình ở Đắk Lắk, nhà cầm quyền tỉnh Đắk Lắk mâu thuẫn chính mình khi đưa vào video đoạn Mục sư Y Chóa H’Đơk, Quản nhiệm buôn K’nia 1 nói “Tự do tín ngưỡng phải nằm trong khuôn khổ của Đảng, Nhà nước. Những gì Nhà nước cho phép chúng ta phải nghe lời.”
Cuối video có nhắc tới những hội thánh được nhà nước công nhận như Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam, Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc, Hội thánh Tin lành Cơ đốc Phục lâm, Hội thánh Tin lành Trưởng lão, và Hội thánh Tin lành Liên hữu Cơ đốc.
Tại phiên rà soát nhà nước Việt Nam ngày 30/11/2023 tại Geneva, bà Sheikha Abdulla Ali Al-Misnad của Ủy ban Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (CERD) có đặt câu hỏi là tại sao phải có hệ thống ghi danh và công nhận tôn giáo và cưỡng ép tín đồ tham gia hội thánh được nhà nước công nhận, khi trong một tôn giáo, mỗi nhánh, mỗi giáo phái mỗi khác.
Mục sư A Ga nói gì về bản tin?
Mục sư A Ga nói bản tin “không đúng sự thật… Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên của chúng tôi, cũng như các hệ phái khác nhau, chúng tôi chỉ muốn thành lập cái tên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, và chúng tôi được quyền tự do lựa chọn niềm tin tôn giáo của mình.”
Về cáo buộc trong video rằng mình kêu gọi lật đổ nhà nước Việt Nam, Mục sư A Ga nói “Cáo buộc đó chỉ là vu khống thôi. Nếu sự thật là như vậy, hãy cho video chính lời tôi nói.” Mục sư cho rằng đó “có thể là sự dàn dựng của cộng sản Việt Nam, bắt ép phải nói đúng như vậy.”
“Niềm tin tôn giáo là quyền lựa chọn của mỗi công dân…. Ngay cả Hiến pháp nhà nước Việt Nam cũng đưa ra cho người dân, và Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo nói mọi công dân đều có quyền theo, bỏ đạo, thay đổi, không ai có quyền xâm phạm quyền tự do ấy. Thế tại sao người dân muốn tìm niềm tin phù hợp với họ, chính quyền nhà nước lại vu khống, ghép tội họ, cho rằng họ muốn phản động?”
Bắt giữ các tín đồ của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên
Ông Y Krếc Byă (chụp màn hình từ bản tin).
Ngày 28/3/2024, thầy truyền đạo Y Krếc Byă, bị nhắc tên và cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” trong video của AN NINH TRẬT TỰ ĐẮK LẮK, bị tuyên án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Trước đó ngày 26/1/2024, ông Nay Y Blang, thuộc cùng hội thánh, bị tuyên án 5 năm tù với tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Bản thân Mục sư A Ga, hiện đang sống tại tiểu bang North Carolina, cũng bị công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vào tháng 4/2023.
Đó là chưa kể các vụ lập biên bản, mời lên làm việc, sách nhiễu, đàn áp khác với tín đồ hội thánh.
Cái chết bất thường của ông Y Bum Byă
Cơ thể ông Y Bum Byă (chúng tôi làm mờ ảnh cho nạn nhân).
Ngày 8/3/2024, thầy truyền đạo Y Bum Byă, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, chết trong tư thế treo cổ ở buôn Kŏ Tam, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Các nguồn tin chúng tôi có được đều nói sáng sớm hôm đó ông đi rẫy, nhưng đến khoảng 8 giờ 15 phút sáng thì dân làng tìm thấy xác ông ở nghĩa trang cách nhà chưa tới một cây số.
Mục sư A Ga và các nhà hoạt động tôn giáo và nhân quyền cho rằng đây là cái chết bất thường, dù không thể có bằng chứng có ai liên quan. Tuy nhiên Mục sư A Ga cho biết, trước đó ngày 8/12/2023, ông Y Bum Byă đã bị công an địa phương đánh đập, đặc biệt quanh lỗ tai, và bóp cổ, ép buộc từ bỏ hội thánh.
Ngày 9/12, ông bị kiểm điểm trước dân làng, tiếp tục bị đe dọa, cưỡng ép rời Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên.
Mục sư A Ga nói “Nếu chính quyền nghe được những điều chúng tôi lên tiếng, chính quyền phải vào cuộc và điều tra minh bạch, điều tra cho rõ ràng.”
Vì sao nhắm vào hội thánh?
Mục sư A Ga nói “Họ lo sợ nên tìm đủ mọi cách để giải tán, xóa sổ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên. Điều này không có gì lạ với một chính quyền không có tự do, chính quyền độc tài như cộng sản Việt Nam. Họ sẽ không bao giờ chấp nhận cho bất kỳ hệ phái nào không thỏa hiệp với họ. Những hệ phái nào thỏa hiệp với họ, chấp nhận sự giám sát của họ, họ mới an tâm.”
Mục sư nói, nếu hội thánh phải chịu sự giám sát của chính quyền, “quyền tự do của công dân nằm ở đâu? Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng và luật quốc tế chính quyền cộng sản Việt Nam đã ký kết, tại sao họ không thực hiện những điều đó? Mà khi người dân đòi hỏi những quyền tự do đó, chính quyền lại tìm cách trả thù, tìm cách xóa sổ, đặc biệt Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên của chúng tôi?”
Hải Di Nguyễn
Gần 74.000 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong quý một, sản xuất công nghiệp giảm
01/4/2024
Cảng Quy Nhơn hôm 29/3/2024 (minh họa)
AFP
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu cho biết trong quý một năm 2024 có gần 74.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thj trường, trong khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 59.848.
Như vậy, so với ba tháng đầu năm ngoái, số doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường đã tăng 22,8%, trong đó số danh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 53.365 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn ba tháng qua có mức tăng trưởng 5,6%, giảm hơn so với con số 6,7% so với quý trước đó.
Khu vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng đang suy giảm theo số liệu thống kê mới công bố, giảm 6,8% trong tháng 2 so với năm ngoái. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong hơn một năm qua.
Theo số liệu của S&P Global Market Intelligence công bố hôm 1/4, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang giảm trong tháng ba dẫn đến việc sụt giảm thêm nữa các đơn đặt hàng mới bất chấp những giảm giá.
Vụ buôn lậu hơn sáu tấn vàng sang Campuchia có liên quan của tiếp viên và biên phòng
RFA
01/4/2024
Tang vật một vụ buôn lậu vàng.
LĐO
Nguyễn Thị Minh Phụng quê Bình Định và Nguyễn Thị Kim Phượng quê Tây Ninh cùng 22 bị can vừa bị truy tố về tội “Buôn lậu” hơn 6,1 tấn vàng miếng qua biên giới Campuchia rồi phân phối đi khắp nơi tiêu thụ.
Liên quan vụ án này, truyền thông Nhà nước trong ngày một tháng tư cho rằng, cơ quan chức năng xác nhận, một số đơn vị an ninh hàng không, hải quan, biên phòng và cả tiếp viên hàng không có liên quan.
Trong số 24 bị can có Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng), có cơ sở ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được xác định là mắt xích của đường dây. Tuy nhiên bà Hằng đã xuất cảnh từ 26/9/2022, nên Bộ Công an quyết định truy nã, tạm đình chỉ điều tra, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo hồ sơ, tiệm vàng Phúc Hằng không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu. Song Hằng đã giao dịch, đặt mua vàng thỏi nhập lậu của Phụng để bán lại kiếm lời.
Để che giấu vàng lậu, bà Hằng yêu cầu Phụng phải xóa hết chữ nước ngoài, thông tin trên thỏi vàng trước khi giao hàng. Hằng sau đó chỉ đạo Đặng Nam Trung (em trai ruột) và Trịnh Việt Châu (con rể cũ) thông qua một số nhân viên hàng không để gửi tiền vào TPHCM cho Đức (nhân viên tiệm vàng), rồi đưa cho Phụng để mua vàng lậu. Nhận vàng xong, Đức giao cho Trung hoặc Châu gửi tiếp viên hàng không vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội.
Theo cơ quan công tố, từ ngày 3/8 đến 28/9/2022, Hằng đã mua của Phụng 294kg vàng lậu, tổng trị giá gần 400 tỷ đồng.
Cáo trạng ghi rõ, các bị can không được phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu do Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu, song nhận thấy giá vàng ở Việt Nam cao hơn Campuchia nên từ đầu năm 2022 nhóm đã lập ra hai đường dây, buôn lậu tổng cộng 6.150kg qua biên giới.
Cơ quan truy tố cáo buộc, từ 3/8/2022 – 28/9/2022, đường dây của Phụng, buôn lậu trót lọt 4.830kg vàng thỏi tổng trị giá hơn 6.644 tỷ đồng. Qua đó, 17 bị can trong đường dây hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.
Đường dây thứ hai do Phượng cầm đầu. Cáo trạng ghi rõ, tính từ 16/7/2022 – 28/9/2022, đường dây của Phượng buôn lậu thành công 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định nhóm đối tượng “cấu kết” cùng tiếp viên hàng không mang vàng nguyên khối từ Tân Sân Nhất ra Hà Nội và cán bộ an ninh sân bay Tân Sơn Nhất từng phát hiện “vật phẩm kim loại hình khối” nhưng không báo cáo, xử lý.
Theo cơ quan truy tố, đây không phải vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay nên không có căn cứ xử lý các cá nhân liên quan.
Liên quan tới việc để “lọt” hơn sáu tấn vàng vào Việt Nam, nhà chức trách tiếp tục làm rõ hành vi liên quan tới một số cá nhân, đơn vị khác.
Quá trình điều tra, liên quan đến sai phạm của các cá nhân thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận thấy sai phạm này thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong quân đội. Vì vậy, Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để xử lý theo thẩm quyền.
Việt Nam muốn học hỏi Trung Quốc để xây đường sắt cao tốc
01/4/2024
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (giữa) cùng đoàn công tác tham quan và trải nghiệm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh-Thượng Hải trong chuyến thăm Trung Quốc từ 28-30 tháng 3.
Chính phủ Việt Nam cho biết họ đang tìm cách học hỏi Trung Quốc để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy dọc đất nước.
Theo truyền thông trong nước, Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc dài 1.545km với chi phí có thể lên tới 72 tỷ USD, tương đương 17% tổng sản phẩm quốc nội. Dự án này nằm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 30/3 cho biết rằng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu một đoàn công tác của Bộ đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc “nhằm tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao.”
Trong thông báo về chuyến thăm làm việc của ông Dũng, Bộ cho biết họ được Chính phủ giao triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả khi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam” và phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng phương án hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài nhằm huy động nguồn vốn phù hợp cho dự án.
Ông Dũng, trong buổi gặp và làm việc với ông Trịnh San Khiết và ông Vụ Hạo, hai người đứng đầu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, nói rằng “Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới nên Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm về hình thành và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, nhất là về phương diện công nghệ, kỹ thuật, huy động nguồn lực tài chính và kỹ năng quản lý,” theo Lao Động.
Bộ KHĐT cho biết ông Dũng hôm 29/3 đã trực tiếp tham quan và trải nghiệm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh-Thượng Hải, dài hơn 1.300km với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ USD và có tốc độ chạy khoảng 350km/h.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.
Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam cho biết họ đã yêu cầu Nhật Bản hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Dự án này đã gây tranh cãi trong nhiều năm bởi mức độ khổng lồ về chi phí và những hệ quả tiềm tàng và lâu dài có thể của nó. Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc ở Mỹ đã cảnh báo trong một chương trình hội luận kinh tế với VOA về nguy cơ nợ nần chồng chất nếu Việt Nam xây đường sắt cao tốc này.
Chỉ có Lào trong số các nước Đông Nam Á, vốn là nước láng giềng kém phát triển hơn của Việt Nam, có hệ thống đường sắt tốc độ cao, được tài trợ bởi các khoản vay của Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo của các nhà kinh tế về việc nước này có thể phải gánh nợ nần trong nhiều năm.
Chưa có khung thời gian nào được công bố cho hệ thống đường sắt cao tốc ở Việt Nam nhưng theo Bộ KHĐT, kế hoạch sẽ được trình quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư vào cuối năm nay.
Tp.HCM: Cháy lớn thiêu rụi vài ngôi nhà ven kênh Tàu Hũ, không ai thiệt mạng
02/4/2024
Cháy lớn xảy ra ven kênh Tàu Hũ ở Tp.HCM, 1/4/2024.
Một vụ cháy lớn xảy ra tối 1/4 hủy hoại một số căn nhà ven kênh Tàu Hũ ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng rất may không có người thiệt mạng, báo chí địa phương đưa tin.
Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và một số báo khác dẫn lời kể của người dân tại hiện trường cho hay vụ cháy bắt đầu lúc 19h40, được cho là tại một xưởng gỗ rồi nhanh chóng lan sang những ngôi nhà liền kề.
Khói lửa đỏ rực đã bao trùm lên diện tích gần 500m2 gồm một bãi vật liệu gỗ và hai ngôi nhà trên đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8, Thanh Niên tường thuật, dẫn lời một số người dân và lực lượng chữa cháy. Trong khi đó, Pháp Luật Tp.HCM trích lời một nhân chứng cho rằng 6 căn nhà bị chìm trong lửa.
Các báo trích dẫn thông tin từ lực lượng cứu hỏa đưa tin rằng lực lượng này đã tích cực, nỗ lực dập lửa trong gần 1 tiếng rưỡi, đồng thời ngăn chặn không cho lửa lan ra rộng hơn. Đến gần 21h, ngọn lửa cơ bản được khống chế và đến khoảng 22h, các nhân viên chữa cháy thu dọn đồ nghề, phương tiện rồi rời đi.
Rất may không có người thiệt mạng hay bị thương nặng, chỉ có hai người dân bị ngất xỉu, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và một số báo khác cho biết.
Nhà chức trách được các báo dẫn lời nói rằng nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra và mức độ thiệt hại cũng đang được thống kê.
Những ngôi nhà bị cháy và hàng chục nghìn căn nhà khác ven kênh Tàu Hũ dài khoảng 6 km được báo chí trong nước mô tả là “lụp xụp, tạm bợ”. Theo các báo, chính quyền Tp.HCM đã có kế hoạch di dời những căn nhà đó để chỉnh trang đô thị nhưng chưa triển khai được.
Thọ Nguyễn – Tháng Tư, ám ảnh lý lịch
01/4/2024
Từ bé tôi đã mang trên người một bản lý lịch « đẹp ». Ba má tôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5 rồi ra Bắc tập kết. Với bản lý lịch đó tôi có cuộc đời khá êm đẹp so với nhiều bạn bè.
Với năng lực chuyên môn của mình nhẽ ra tôi có thể làm quan to, thậm chí rất to và nếu khôn ngoan có thể hạ cánh an toàn, nhà cao cửa đẹp. Đến giờ tôi vẫn là anh thợ cần cù làm việc là do cá tính của mình chứ hoàn toàn không phải vì lý lịch.
Nếu như với tôi bản lý lịch là đôi cánh cho cuộc đời, thì đối với nhiều người Việt khác lý lịch lại là một cái gông, là một nỗi ám sảnh mỗi khi phải nghĩ đến nó. Hồi những năm 1960 ở Hà Nội tôi luôn cảm thông với những đứa trẻ bị thiệt thòi vì lý lịch « xấu ». Ví dụ như thằng Hà con ông Kỷ nhà số 8 Lê thánh Tông [1], hay thằng Min con ông Cần ở số 5 Phan Huy Chú [2], hay thằng Hùng Gã Đầu Bạc con nhà Cự Hương ở 35 Hàng Đào.
Ngày 30.4.1975 chiến tranh kết thúc. Tôi trở về miền Nam, lại chứng kiến một cuộc cách mạng lý lịch mới, vẫn với các phân biệt « Ta – Ngụy ». Bản lý lịch thay đổi toàn bộ cuộc đời của công dân. Kẻ ít học, cơ hội có thể lên làm cán bộ phường, quận. Trí thức đầy đầu có thể mất nhà cửa, đi kinh tế mới. Nhà có của cải thì con cái khó học hành lên cao.
Rồi hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi trên những phương tiện thô sơ với vô số cái chết bi thảm trên biển. Thế giới kinh ngạc trước thảm kịch đó và chỉ biết gọi các nạn nhân là « Boat People ». Nạn « Thuyền Nhân » là sản phẩm ra đời từ chủ nghĩa lý lịch Việt Nam. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng dưới đáy biển vì không nhìn thấy tương lai cho con cái.
Chuyện đã lâu, nhắc lại làm gì nữa. Đúng vậy! Đất nước đã thay đổi. Bản lý lịch đã mất đi ma lực của nó. Ngày nay những người có gốc gác tư sản đều có thể nắm giữ các vị trí tốt trong nền kinh tế đa thành phần. Tôi biết có người là con gái sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa được kết nạp vào đảng Cộng sản.
Tôi kết bạn với mấy ông thương binh Việt Nam Cộng Hòa giờ bán vé số, được nghe kể về quãng đời cùng cực của họ sau tháng tư 1975. Gần đây họ được cấp giấy chứng nhận tàn tật. Lúc Covid hoành hành, họ cũng được trợ cấp 750.000 VND/tháng, tuy ít nhưng cũng như những người nghèo khác. Khi ra phường họ không còn bị gọi là « Ngụy » như trước. Đôi khi ai lỡ miệng thì chỉ là thói quen xấu ăn vào đầu lưỡi con người mấy chục năm qua. Tôi mừng cho họ và cho sự cởi mở của xã hội.
Hôm rồi tôi chia vui với một chú em mới được phong chủ nhiệm khoa tại một bệnh viện công ở Sài Gòn. Chú là một bác sĩ giỏi, có tâm nên tôi rất quý chú. Hồi chú sang Đức thực tập hai anh em hay tâm sự với nhau. Tất nhiên chú không thích làm quan, vì sống trong cái chăn đầy rận nên biết quá rõ. Nhưng điều làm cho chú ngại nhất là phải vào Đảng thì mới được làm quan. Bao nhiêu năm nay chú không nhận lời làm chủ nhiệm khoa vì vậy.
Nhưng sức ép cứ tăng dần. Nếu anh không nhận làm phụ trách thì người ta sẽ phải đưa người kém hơn lên và anh phải nuốt bồ hòn bị lãnh đạo bởi người đó. Ra ngoài lập nghiệp thì không phải ai cũng dám.
Có lẽ thế nên chú chặc lưỡi, nhận lời. Mà chặc lưỡi bây giờ cũng dễ vì không ai bị ám ảnh bởi cái lý lịch nữa. Ngay cả con gái thủ tướng còn lấy con trai cựu quan chức tình báo chính quyền Sài Gòn thì còn ai phải lo nữa. Đảng viên chỉ còn là hình thức.
Lý lịch cũng vậy. Chú em kể: “Dù có khai theo mẫu lý lịch 2C-TCTW-98 [3] hay mẫu QD126 [4] thì cũng không ai quan tâm đến việc cha mẹ làm gì trước 1975 nữa anh à“.
Tính tò mò nên tôi tìm hai bản lý lịch kia để xem và rồi giật mình. Cái gì thế này? Tôi không tin vào mắt mình nữa.
Cả hai trang web cập nhật cuối 2023 hoặc đầu 2024 vẫn hướng dẫn người viết lý lịch kê ra xem « cha mẹ mình từng làm gì trước và sau ngày 30.4.1975 » hoặc « có làm việc trong chế độ cũ, ngụy quân, ngụy quyền không ».
Trong bài « Kẻ thù từ trong ta » [5] ngày 24.04.2017, cách đây bảy năm tôi viết:
« Trong khi nhà nuớc Việt Nam đã bắt tay với các kẻ thù cũ là Mỹ hay Trung Quốc, thì câu hỏi: “Cha mẹ làm gì truớc 30.4.75?” trong bản khai lý lịch chính là kẻ thù từ trong ta. »
Lứa tuổi 25-40 bây giờ là con của những người 50-60 tuổi. Những ông bố bà mẹ đó năm 1975 kẻ thì đang đỏ hỏn trong nôi, người thì còn thò lò mũi xanh. Đã hai thế hệ người Việt không liên quan gì đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Mà cho dù có liên quan đến chế độ đó thì đã sao giữa không khí hừng hực kêu gọi « Hòa giải ».
Đã tưởng từ đó đến nay việc khoét sâu thêm nỗi đau này đã biến mất, nào ngờ.
Tháng Tư năm sau cả dân tộc sẽ nhớ đến 50 năm kết thúc chiến tranh, mỗi người theo một cách.
Trong khi những người dân như chú em bác sĩ không còn sợ bị cái lý lịch đè nặng lên số phận nữa, thì những người cố duy trì bản lý lịch dường như vẫn bị ám ảnh bởi cái mốc 30.04.1975.
THỌ NGUYỄN 01.04.2024