Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 26 tháng 01 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
CS Việt Nam bác bỏ báo cáo 2023 của tổ chức Giám sát Nhân quyền HRW
26/01/2024
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong một họp báo /
TTXVN
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ báo cáo thường niên của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) về thành tích tồi tệ trong lĩnh vực này của Hà Nội.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 25/1 dẫn trả lời của bà Phạm Thu Hằng-phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội về câu hỏi mà báo giới đặt ra về báo cáo của HRW về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023.
Bà Phạm Thu Hằng nói: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo. Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho rằng HRW có ý đồ xấu khi đưa ra báo cáo như thế. Bà này lập luận rằng “những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những phát triển kinh tế- xã hội trên thực tế, và được đông đảo nhân dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao”.
Vào tối ngày 11/1 (giờ Hà Nội), HRW công bố báo cáo nhân quyền thường niên về thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trong năm 2023.
Báo cáo nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục tồi tệ. Nguyên nhân của tình trạng đó không chỉ do Chính phủ Hà Nội gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của chính sách “ngoại giao đổi chác”- tức các nước phát triển vì lợi ích chiến lược của họ mà bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 25/1 tại Hà Nội, phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng khi được hỏi về thông tin có sự kỳ thị sắc tộc trong vụ tấn công ở Đắk Lắk vào ngày 11/6 năm ngoái trả lời rằng “Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn việc cho rằng có kỳ thị sắc tộc. Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau. Chính phủ Việt Nam luôn dành những ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân”.
Kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2023 đạt kỷ lục 16 tỷ USD
26/01/2024
Một nhân viên ngân hàng đếm tiền đô la Mỹ ở Hà Nội (minh hoạ)
AFP
Lượng kiều hối gửi Về Việt Nam trong năm 2023 đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu vừa nêu do một lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại đó cho biết lượng kiều hối về địa phương này trong năm 2023 ước đạt gần chín tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức kiều hối cao nhất của TP HCM từ trước đến nay. Mức này được cho biết cao gần gấp ba lần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại thành phố này. Lượng kiều hối tại TP HCM suốt các năm qua chiếm khoảng 55-60% tổng lượng kiều hối của cả nước.
Từ năm 1993, năm đầu tiên có thống kê về kiều hối, đến năm 2022, tổng lượng kiều hối đạt trên 190 tỷ USD, Số này gần tương đương nguồn vốn FDI được giải ngân trong cùng kỳ.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sau dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Để phục hồi kinh tế, một số nước bắt đầu tháo gỡ những biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, cũng như các chính sách về y tế được nới giãn.
Thực tế đó giúp số người Việt trong nước đi xuất khẩu lao động tăng lên. Thống kê năm 2023 cho thấy hiện có khoảng sáu triệu người gốc Việt đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó hơn 80% là tại các nước phát triển.
Nhà hoạt động tôn giáo Nay Y Blang bị tuyên 4,5 năm tù, không có luật sư bào chữa
RFA – 26/01/2024
Ông Nay Y Blang trong phiên toà ngày 26/1/2024
Báo Công an Nhân dân
Ngày 26/1, Toà án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã kết án nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Nay Y Blang với bản án bốn năm sáu tháng tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong phiên toà không có luật sư bào chữa.
Ông Nay Y Blang, 48 tuổi, là người sắc tộc Ê đê và là tín hữu của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo độc lập được mục sư Aga sáng lập bị chính quyền coi là tổ chức phản động.
Mục sư Aga từ tiểu bang North Carolina (Hoa Kỳ) hôm 26/1 cho rằng, ông Nay Y Blang là nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo khi chính quyền thực hiện chính sách “bắt ép người ta phải đi theo hệ phái không phù hợp mà nếu không thì sẽ bắt bỏ tù và phạt tiền.”
Ông Aga cho biết trong phiên toà không có sự hiện diện của luật sư cho dù gia đình đã ký hợp đồng với luật sư Hà Huy Sơn và đã được cơ quan điều tra của tỉnh Phú Yên cấp giấy bào chữa, cũng như đã dự một buổi hỏi cung vào tháng 9/2023.
Ông Aga cáo buộc công an tỉnh Phú Yên ép buộc gia đình ông Nay Y Blang ký giấy phủ nhận sự quen biết và không mời luật sư Sơn biện hộ.
Mục sư Aga nhận xét với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại như sau:
“Đó là vấn đề không thể chấp nhận được. Nếu như luật sư Hà Huy Sơn có mặt lúc đó (ở phiên toà-PV) thì đó rõ ràng là sự công bằng, minh bạch để xét xử – xem ông Nay Y Blang có tội hay không.
Đằng này là xử (chỉ có) những người của chính quyền mà thôi, tức là chính quyền muốn đưa bản án cho ông Nay Y Blang bao nhiêu là tuỳ ý. Chứ có luật sư nào bào chữa đâu, tranh cãi vấn đề pháp lý đâu?!”
Luật sư Hà Huy Sơn xác nhận việc bào chữa cho ông Nay Y Blang bị huỷ, tuy nhiên ông từ chối cung cấp lý do cụ thể.
Chúng tôi liên lạc với Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Phú Yên để hỏi về vụ việc nhưng cán bộ trực điện thoại nói “không trả lời qua điện thoại” rồi dập máy.
Gia đình ông Nay Y Blang đã tẩy chay phiên toà, không đến tham dự do thất vọng về việc người thân không có luật sư bào chữa.
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết, tại phiên toà ông Nay Y Blang thừa nhận và khai rõ hành vi phạm tội của bản thân, xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Tờ báo cũng dẫn nội dung phiên toà cho rằng, từ cuối năm 2019 đến năm 2022, ông Nay Y Blang sử dụng nhà riêng để tụ tập nhóm họp, cầu nguyện, thông công trực tuyến với một số nhân vật cốt cán của “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” để tập hợp lực lượng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập “nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Ông cũng bị cho là “cung cấp thông tin sai sự thật về tự do tín ngưỡng tôn giáo tại huyện Sông Hinh; vu cáo, xuyên tạc chính sách tôn giáo, xâm phạm lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tuy nhiên, mục sư Aga đã phản bác lại lời buộc tội trên. Ông nói:
“Nay Y Blang đã nói ra sự thật có bằng chứng, từ cái giấy mời đến giấy triệu tập, hình ảnh video của công an tỉnh Phú Yên đến đàn áp sách nhiễu, bắt bớ, tịch thu xe máy, phạt tiền. Đều có bằng chứng cả chứ không phải là vu khống chính quyền, vu khống công an tỉnh Phú Yên.”
Ông Aga nói nhóm tôn giáo do ông sáng lập hoạt động tôn giáo thuần tuý “không có phản động, không chống phá nhà nước, không có ý thành lập nhà nước riêng,” và “Chúng tôi chỉ muốn được bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình, để thờ phượng Chúa và theo tôn giáo phù hợp với mình, và làm theo đúng luật pháp của chính quyền Nhà nước Việt Nam mà thôi.”
Như đã thông tin, ông Nay Y Blang và nhiều tín đồ của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên liên tục bị sách nhiễu trong nhiều năm gần đây.
Vào tháng 8/2022, ông có gặp một viên chức ngoại giao thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông và gia đình bị chính quyền địa phương sách nhiễu, hỏi thông tin về cuộc gặp này.
Một tháng sau, ông được mời gặp phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông không thể đến địa điểm gặp vì bị an ninh câu lưu ở bến xe Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa.
Ông bị bắt ngày 18/5/2023 với cáo buộc theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ Luật Hình sự.
Đây là lần thứ hai ông Nay Y Blang bị kết án tù. Năm 2005, ông bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết.”
Sau khi mãn hạn tù hai năm, năm 2012, ông bị đưa vào Cơ sở giáo dục A1 cải tạo 24 tháng về hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Tổng thống Philippines sẽ công du Việt Nam, tăng cường hợp tác về tuần duyên
Thu Hằng /RFI – 26/01/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ công du Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/01/2024. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã xác nhận thông tin này trong buổi họp báo chiều 25/01, đồng thời nhấn mạnh đến mối quan hệ an ninh-quốc phòng song phương. Lãnh đạo Philippines sẽ hội đàm với chủ tịch Võ nước Văn Thưởng và hội kiến với các lãnh đạo chủ chốt khác của Việt Nam.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại thành phố Quezon ngày 21/12/2023. AP – Aaron Favila
Ngày 25/01, lực lượng tuần duyên Philippines cho biết biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa lực lượng tuần duyên sẽ được ký nhân chuyến công du của ông Marcos Jr. Thỏa thuận này mang ý nghĩa quan trọng để giảm bớt các vụ va chạm giữa tầu đánh cá hai nước, cũng như giảm căng thẳng về tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển chồng lấn. Theo Reuters, hiện chưa rõ nội dung thỏa thuận hợp tác tuần duyên Việt Nam – Philippines, nhưng chắc chắn quyết định này sẽ khiến Trung Quốc giận dữ.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng, tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, có thể Bắc Kinh sẽ không phản ứng mạnh mẽ vì thỏa thuận giữa Việt Nam và Philippines không bao gồm việc công nhận yêu sách chủ quyền của mỗi bên. Còn nhà nghiên cứu Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaï, cho rằng « Việt Nam sẽ thận trọng hơn Philippines, tránh làm Trung Quốc tức giận ».
Tháng 11/2023, tổng thống Marcos Jr. cho biết là Philippines đã đề nghị với Việt Nam và Malaysia bàn về khả năng soạn ra một « bộ quy tắc ứng xử » riêng giữa 3 nước để quản lý hiệu quả các căng thẳng ở Biển Đông, trong bối cảnh đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn bế tắc. Ngoài an ninh hàng hải, Hà Nội và Manila tiếp tục thắt chặt hợp tác an ninh lương thực. Philippines hiện là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Hòa OC – Lụt Năm Thìn
26/01/02024
Sau bão lụt, Gò Công thành bình địa – Ảnh: TL
Là người miền Trung chắc không ai không nghe nhắc tới huyền thoại “lụt năm Thìn”, vì đó là truyền khẩu dân gian.
Tôi cũng không là ngoại lệ. Là người tuổi Thìn nên cụm từ ‘lụt năm Thìn’ cứ ghim vào trong đầu tôi. Tôi không biết nó kinh khủng cỡ nào nhưng cũng tưởng tượng ra được thông qua cách thiên hạ nhắc về trận lụt đó. Biết bao nhiêu trận lụt đã xảy ra ở xứ lũ lụt miền Trung, nhưng cái tên ‘lụt năm Thìn’ vẫn được nhắc tới như là quán quân.
Đó là năm Giáp Thìn 1964, tức cách đây đúng 60 năm. Dù cách đây tới 60 năm nhưng đây là lần lặp lại đầu tiên, vì phải mất hết 60 thì mới có đúng 1 con giáp trùng tên. Tết này là Tết của năm Giáp Thìn 2024. Một cảm giác rất ư là liêu trai.
Chỉ còn 2 tuần nữa thôi là đã thấy Rồng Vàng. Càn Khôn xoay vần, hết hung đến kiết, năm 2024 này có vẻ như lành ít dữ nhiều. Và sau đây là những dấu hiệu không lành cho năm Giáp Thìn 2024 này:
– Bầu cử tổng thống Mỹ. Sự trở lại của Trump, nếu là Sự Thật thì sẽ là cơn Sóng Thần ở Mỹ, và địa chấn của nó sẽ rung động toàn cầu. Hiện tại Trump đang trending quá nóng, thắng giòn giã 2 kỳ bầu cử sơ bộ ở bang Iowa và New Hampshire. Dự là Trump sẽ thắng 100% các tiểu bang còn lại để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hoà. Chỉ còn 1 đối thủ là bà Nikkey Haley, vốn là cấp dưới của Trump ngày xưa. Một cuộc so găng không cùng hạng cân. Ai cũng tin là Trump sẽ thắng vé bầu cử của đảng Cộng Hoà.
– Sự thất bại của U-Cà và đồng minh Phương Tây trong cuộc chiến với Nga. Viện trợ quân sự hay tài chính cho U-Cà đã chững lại ở mức đáy, mà chính quyền Kiev cần tới 5 tỉ đô la/tháng để duy trì cuộc chiến. U-Cà không có kinh tế thời chiến, chỉ có xuất khẩu vài mặt hàng nông nghiệp như lúa mỳ và dầu ăn, doanh thu không đủ nuôi sống quân đội, nói gì tới có đủ đô la để mua vũ khí, đạn dược. Sự thất bại của U-Cà đồng nghĩa với sự trỗi dậy của Nga mà Tây Âu và đồng minh trong NATO không thể ngăn cản được.
– Cuộc chiến Israel-Hamas có dấu hiệu kéo dài vì Do Thái dần dần mất đi sự ủng hộ của thế giới vì thường dân Palestine bị bom đạn giết chết quá nhiều, lên tới hơn 20 ngàn thường dân vô tội. Cuộc chiến này đã trở thành Thánh Chiến và không có triển vọng chấm dứt trong thời gian ngắn.
– Tháng Giêng 2024 đã chứng kiến các ông lớn công nghệ sa thải nhân viên. Mới hôm qua, Microsoft thông báo sa thải 1900 nhân viên ở mảng game và Xbox. Trước đó là Google. Dự là cái list này sẽ còn rất dài.
Trở lại với lụt Năm Thìn. Dù luôn mong quê hương không bị thiên tai như Giáp Thìn 1964 nhưng mọi chỉ dấu đều hướng tới tai ương. Chính quyền Hà Nội đang ở giai đoạn đốt lò, tìm đồng đội thảy vào trong lò đã nóng để giành ghế của nhau, chớ chẳng có cái gì ích nước lợi dân hay chăm lo cho dân nghèo cả. Công nhân bị sa thải, xưởng gia công sản xuất thiếu đơn hàng, ngân hàng đầy nợ xấu vì cho vay kinh doanh bất động sản hay bảo lãnh cho các đại gia bất động sản như Trịnh Văn Quyết hay Trương Muội phát hành trái phiếu lùa gà…
Mọi con đường đều dẫn tới tai ương. Giáp Thìn 2024 chẳng có gì sáng sủa, dù thiên hạ vẫn muốn sinh con trong năm con Rồng này.
Thiện Tai Thiện Tai.
Sở Y tế TP.HCM cảnh báo gì về dịch Covid dịp Tết Giáp Thìn?
Hồng Dân
(VNTB) – Trong bối cảnh Tết Nguyên đán sắp cận kề, giao lưu, đi lại sẽ tăng cao, nguy cơ gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện do Covid-19 là hiện hữu.
Sở Y tế TP.HCM đã phát hành một nội dung mang tính cảnh báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang trở lại đe dọa đời sống của người dân Sài Gòn. Toàn văn cảnh báo đó như sau:
Biến thể mới đang đe dọa
Theo bản tin cập nhật hàng tháng của WHO ngày 19/01/2024, trong giai đoạn 28 ngày từ ngày 11/12/2023 đến ngày 7/1/2024, số ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu đã tăng 4% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó, với hơn 1,1 triệu ca mắc mới.
Số ca tử vong mới giảm 26% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó, với 8.700 trường hợp được báo cáo. Số ca nhập viện mới do Covid-19 và số ca nhập viện vào khoa hồi sức (ICU) trong giai đoạn này đều ghi nhận tăng, lần lượt là 40% và 13% với hơn 173.000 và 1900 ca nhập viện. WHO cảnh báo biến thể phụ JN.1 lưu hành nhiều nhất và hiện được 71 quốc gia báo cáo, chiếm khoảng 66% số trình tự được giải mã.
Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 26.000 ca nhiễm mới, tăng 379% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó. Năm (45%) trong số 11 quốc gia có dữ liệu báo cáo cho thấy số ca mắc mới tăng từ 20% trở lên, với số ca mắc mới cao nhất được báo cáo từ Ấn Độ (15.079 ca mới; 1,1 ca mới trên 100.000; +843%), Indonesia (8610 ca mới; 3,1 số ca mới trên 100.000; +399%) và Thái Lan (2327 ca mới; 3,3 ca mới trên 100.000; +17%). Số ca tử vong mới trong 28 ngày trong khu vực đã tăng 564% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó, với 186 ca tử vong mới được báo cáo.
Cao nhất được báo cáo từ Ấn Độ (86 ca tử vong mới; <1 ca tử vong mới trên 100.000; +682%), Indonesia (72 ca tử vong mới; <1 ca tử vong mới trên 100.000; +1340%) và Thái Lan (21 trường hợp tử vong mới; <1 trường hợp tử vong mới trên 100.000; +91%). Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhiều trường hợp thở máy và tử vong do Covid-19 được ghi nhận là chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đủ vắc-xin theo hướng dẫn.
Các ca bệnh nặng đều thuộc nhóm có bệnh nền
Tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu giám sát của HCDC, từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/01/2024 các bệnh viện của Thành phố tiếp nhận 94 ca COVID-19 điều trị nội trú đến từ TPHCM và một số tỉnh thành khác.
Trong 94 bệnh nhân nội trú nói trên có 17 ca bệnh nặng phải thở oxy, không có ca tử vong do Covid-19. Tất cả ca bệnh nặng đều là người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền nặng) và chưa tiêm chủng đủ các mũi vắc-xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kết quả giải mã trình tự gen được tiến hành bởi bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong tháng 12/2023 ghi nhận có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, ngoài ra có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1; 2 ca BA.2.86.1 và 1 ca XDD.
Dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhập viện tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do Covid-19 có xu hướng gia tăng dần trong sáu tuần gần đây.
Như vậy biến thể phụ JN.1 cũng đã xuất hiện tại TP.HCM sau khi CDC Hoa Kỳ báo cáo đây là biến thể đang phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế tại Mỹ trong tháng 12/2023.
JN.1 được WHO phân loại là “biến thể đáng quan tâm” (variant of interest – VOI) từ ngày 18/12/2023 vì biến thể này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Hiện nay, WHO đang theo dõi 05 biến thể cần quan tâm (VOI) gồm: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86 và JN.1. Với kết quả giám sát mới trong tháng 12 thì ngoại trừ biến thể EG.5, các biến thể phụ cần quan tâm (VOI) khác đều đã phát hiện tại TPHCM.
Theo WHO, JN.1 có những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép virus dễ dàng tấn công vào hệ miễn dịch, dễ lây truyền hơn, do đó đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh toàn cầu.
Tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Nhìn chung, tất cả các biến chủng hiện nay đều gây ra các triệu chứng bệnh Covid-19 tương tự nhau và mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch và trạng thái sức khỏe của từng người (có các bệnh nền hay không).
Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) cũng cho thấy vắc-xin phòng Covid-19 hiện có, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị Covid-19 vẫn còn hiệu quả đối với JN.1.
Tết Nguyên Đán sẽ khiến nhiều ca nhập viện vì Covid-19 hơn?
Trong bối cảnh Tết Nguyên Đán sắp cận kề, giao lưu, đi lại sẽ tăng cao, nguy cơ gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện do Covid-19 là hiện hữu. Để phòng, chống Covid-19, ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các biện pháp sau để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng: Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người…; hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Vận động người dân tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh nền…
Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở, … Người cao tuổi, có bệnh lý nền, thai phụ… khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Sở Y tế chỉ đạo cho HCDC theo dõi sát số trường hợp mắc Covid-19 nhập viện, số trường hợp nặng phải nhập khoa hồi sức cũng như tiếp tục giám sát các biến thể Covid-19. Đồng thời, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện luôn trong tình trạng sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp Covid-19 cần nhập viện theo các tình huống giả định và kịch bản ứng phó”
Chúng em xin hứa
Dương Ngọc Thái – 26/01/2024
Sống ở nước ngoài, lại thuộc thành phần trí thức nửa mùa, nên đôi khi tôi cũng được rủ đi đón đoàn, làm cảnh cho người ta.
Tôi cũng hiểu những cuộc gặp gỡ như vầy chỉ tổ phí thời gian, làm màu là chính. Nhưng thật lòng tôi cũng tò mò. Đi cho biết thế nào, còn có chuyện để kể. Vả lại đời sống nhạt quá, có chút sắc màu cũng vui.
Tôi ở quê, đi đón đoàn phải chạy lên thành phố. Đoàn thường ở một khách sạn sang trọng. Lần nào đến tôi cũng thấy một vài người, tụm ba tụm bảy ở sảnh. Nhìn là nhớ nhà.
Tôi tưởng ai đi theo đoàn cũng là người của đoàn, hóa ra không phải. Nhiều người bám đoàn, chỉ để chụp hình, gửi vào group chat, để lại một câu vu vơ, “Anh đang ngồi với ông To Lắm đây”. Mần ăn nhiều lúc không cần nói thẳng, người ta sẽ tự biết điền dấu vào.
Ảnh minh họa: Selfie với thủ tướng. Nguồn: VNN
Một lần tôi đứng cạnh mấy anh cán bộ an ninh, nghe một anh già nói với một anh trẻ, “Đừng cho cô nào mặc áo dài tím vào nhé”. Anh trẻ khựng lại, hỏi “Thế lỡ cổ thay áo thì sao?”. Là chuyên gia an ninh mạng tự phong, tôi cũng không có câu trả lời.
Hóa ra cô áo dài tím là nhân vật quen thuộc trong nhóm những vị khách không mời mà vẫn bay theo. Lần đầu gặp, tôi đã thấy có gì đó là lạ, không hiểu việc cho mướn nhà của cô ấy thì liên quan gì đến chương trình thăm và làm việc.
Mãi sau này tôi mới biết đây là một pha phối hợp có tính toán. Cô ấy là Việt kiều, đi cùng đoàn với doanh nghiệp trong nước, nhìn giống như hai bên đang bàn thảo ký kết làm ăn, nào ai biết chỉ để chụp hình.
Người ta chụp đủ kiểu. Đoàn chưa tới thì ta chụp chung với sân khấu trống, bắt lại khoảnh khắc đứng gần tên của người nổi tiếng. Đoàn tới rồi thì ta chen lên, nhưng phải nhớ nhờ ai đó chụp lại khoảnh khắc tay bắt mặt mừng như thể đã quen nhau từ lâu qua TV.
Đoàn đang phát biểu thì ta chụp selfie từ xa, miễn sao thấy bóng thấy dáng người ấy là được. Chụp toàn đoàn thì ta ráng chen vào giữa, đứng càng gần “mấy ổng” càng tốt.
Khi điều kiện chín mùi, ta sẽ sắp xếp ký kết MOU, ghi nhớ hôm nay hai bên chúng ta đã chụp hình ở đây, với những ông này bà này làm chứng cho mối lương duyên chưa biết thế nào nhưng ký nhanh đi còn xuống, hàng dài lắm.
Còn giả như được mời lên phát biểu, nhân danh kiều bào yêu nước, doanh nhân thành công, ta phải quay phim, dõng dạc tuyên bố “Chúng em xin hứa”. Mỗi lần nghe chúng em xin hứa, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường (xin lỗi cụ Thanh Tịnh).
Thật ra tôi cũng chụp. Không biết để làm gì, có bán được cho ai đâu, nhưng thấy người ta chụp, mình không chụp, sợ mất phần. Tôi cũng là người Việt mà.
Một hôm tôi vô tình đọc lại một cuốn sách về các nhà báo chiến trường Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam. Có một chi tiết xúc động: Một nhà báo ảnh, đi suốt cuộc chiến, vào sinh ra tử, chỉ chụp 70 bức ảnh. Hỏi tại sao, ổng thành thật nói chỉ có một cuộn phim, mà cũng không biết thay phim.
Nếu cuộc đời chỉ cho một cuộn phim, liệu tôi có chụp mấy tấm hình này không nhỉ? Phim đã chụp thì không thể Ctrl-Z. Tôi đã chụp 40 bức rồi, nhưng sao vẫn không chắc sẽ chụp gì tiếp theo, ngay hàng thẳng lối hay là ngay thẳng.
Vụ ‘bán con’ ở Trà Vinh: Bị cáo tính tìm người khá giả nuôi bé chứ không bán; đang kháng cáo
26/01/2024 – VOA Tiếng Việt
Cô Thạch Thị Kim Nhung và anh Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn bị xét xử ở Trà Vinh hôm 15/1/2024.
Một cặp vợ chồng trẻ người Khmer túng quẫn ở tỉnh Trà Vinh, Việt Nam, mới đây bị tòa án phạt tổng cộng hơn 20 năm tù về tội bán con ruột mới ra đời. Nữ bị cáo trong vụ này nói với VOA rằng cô không hề có chủ định bán con mà chỉ mong tìm người khá giả để nuôi cháu bé.
Cô và chồng đang làm việc với luật sư để kháng cáo bản án sơ thẩm, VOA được biết. Trong khi đó, nhiều người bàn luận trên mạng xã hội rằng xét trình độ nhận thức hạn chế và hoàn cảnh khó khăn của cặp vợ chồng, nhà chức trách dường như đã “cứng nhắc”, “vô cảm” khi xử lý vụ này.
Theo tường thuật hôm 15/1 trên Dân Trí, Tuổi Trẻ và một số báo khác ở Việt Nam, vào tháng 11/2022, cô Thạch Thị Kim Nhung, 22 tuổi, và anh Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, 29 tuổi, cùng trú tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, Trà Vinh, đã “lên mạng rao bán con ruột” khi đó mới hơn 1 tháng tuổi.
Các báo viết rằng đôi nam nữ ở với nhau như vợ chồng và có 4 con chung này làm như vậy vì cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho 3 con nhỏ còn lại sau khi “bán đi” con út.
Đến đầu tháng 12/2022, cô Nhung và anh Tuấn đạt được thỏa thuận với một người có tên là Nguyễn Hữu Dương, 32 tuổi và sống ở tỉnh Hà Tĩnh, theo đó, họ giao con cho anh Dương ở Trà Vinh và nhận 18 triệu đồng.
Không lâu sau, theo tường thuật của báo chí, anh Dương mang cháu bé đi “bán” cho người khác, bị người dân tố cáo và bị công an bắt.
Từ vụ bắt giữ đó, cô Nhung và anh Tuấn cũng bị công an triệu tập và họ đã “thừa nhận hành vi phạm tội”. Tiếp đến, tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên phạt cô Nhung 10 năm tù, anh Tuấn 13 năm tù về tội mua bán trẻ em dưới 16 tuổi, theo nội dung các bản tin trong nước hồi giữa tháng 1/2024.
Theo quan sát của VOA, trong mấy ngày nay, nhiều người am hiểu tập quán ở những vùng nghèo khó cũng như nắm vững luật pháp bình luận rằng bản án đạt lý nhưng không thấu tình.
Trong số họ là những Facebooker có nhiều ảnh hưởng như thầy giáo-nhà thơ Lường Tuấn Tú, chủ trang Facebook Thái Hạo; phó giáo sư Mạc Văn Trang, luật sư Đặng Đình Mạnh, võ sư Đoàn Bảo Châu, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà bình luận-phản biện xã hội Hoàng Dũng…
Họ lập luận rằng việc một gia đình nghèo khó đem con đi cho một nhà khác khá giả hơn nhưng hiếm muộn con cái không phải là điều xa lạ trong xã hội Việt Nam bao đời nay. Việc này, trong quá khứ thường diễn ra một cách đơn giản, họ nói, còn hiện nay, nếu làm đúng quy trình về cho-nhận con nuôi theo luật hiện hành sẽ không phải là điều phạm pháp.
Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng vấn đề với cô Nhung và anh Tuấn là do trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật của họ quá thấp, nên họ đã làm không đúng các thủ tục, vì vậy, phía nhà chức trách nên xem xét để không xử lý một cách cứng nhắc, thiếu tình người.
Từ Trà Vinh, cô Thạch Thị Kim Nhung, hiện đang được tại ngoại sau bản án sơ thẩm, nói một cách mộc mạc, chất phác với VOA qua điện thoại về vụ việc của vợ chồng cô: “Lúc bàn giao con, con muốn tính chỉ là tìm gia đình khá giả hơn để nuôi bé chứ không phải là để thực hiện mua bán con của con”.
Một trong số nhiều người xúc động về hoàn cảnh và bản án của vợ chồng cô là luật sư Minh Thọ, với tên đầy đủ là Phạm Văn Thọ. Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông cho VOA biết ông sẽ biện hộ hoàn toàn miễn phí cho họ và đơn kháng cáo vừa được nộp hôm 24/1, kịp thời hạn.
Vị luật sư nhận xét rằng bản cáo trạng của phiên sơ thẩm, dựa trên kết luận điều tra, có nội dung “nghèo nàn” và bản án nặng nề “có vẻ chưa thuyết phục”.
Sau khi nói chuyện với cô Nhung, luật sư Minh Thọ nhận thấy thực chất vụ việc không phải là “bán con”.
Cô Nhung kể lại với luật sư rằng cô chỉ nghĩ đơn giản là muốn thông qua một trang mạng mai mối về cho-nhận con nuôi để giao cháu bé cho một nhà khá giả với hy vọng bé có tương lai tốt hơn, đồng thời, cô sẽ nhận một khoản tiền cho việc mang nặng đẻ đau, theo quan niệm dân gian.
Vẫn theo lời thuật lại của cô, khi bị công an triệu tập, do hiểu biết pháp luật quá ít ỏi, sau khi nghe công an giải thích rằng giao con cho người khác và nhận lại tiền là buôn bán người, cô Nhung đã nhận tội.
Nhưng từ góc nhìn của một luật sư, ông Thọ nói với VOA rằng cách giải thích luật của cán bộ điều tra là “không chuẩn” và kết luận của nhà chức trách dựa trên các diễn biến như đã nêu là “không hẳn đúng”.
Ông cho biết sẽ cố chứng minh tại phiên phúc thẩm rằng việc làm của cô Nhung không cấu thành tội phạm: “Không phải cô ý hiểu và ý thức được việc mua bán người. Tội phạm có 4 yếu tố cấu thành: chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể. Tức là về mặt chủ quan, cô ấy hoàn toàn không có ý thức là bán con”.
Ngoài ra, ông cũng sẽ trình bày về hoàn cảnh túng quẫn của cặp vợ chồng trẻ người Khmer không có mấy hiểu biết về pháp luật, với hy vọng làm lay động lòng thương cảm của các vị ngồi ghế phán xử để ít nhất là họ sẽ ra quyết định giảm án.
Cô Thạch Thị Kim Nhung, người đang bị bản án 10 năm treo lơ lửng trên đầu, đưa ra lời thỉnh cầu: “Con nhờ xem xét lại, giảm bớt án để con sớm về hoặc ở nhà để lo cho tụi nhỏ”.
Cô cũng nói về hoàn cảnh nhiều khó khăn: “Con con còn nhỏ. Ba mẹ cũng già. Mẹ thì bịnh hoài. Ba thì ban ngày đi bán vé số, có bữa hết có bữa không hết. Con đi [tù] như vậy, ở nhà tụi nhỏ trong quá trình nó lớn hổng có mẹ nó ba nó bên cạnh, sợ ông bà ngoại hổng có lo cho tụi nó được”.
Trên mạng xã hội, Facebooker Thái Hạo có hơn 75.000 bạn và người theo dõi đã kêu gọi đóng góp từ thiện cho gia đình cô Nhung, được nhiều người hưởng ứng, theo quan sát của VOA.
VOA cố gắng liên lạc với công an và tòa án tỉnh Trà Vinh để tìm hiểu quan điểm của họ trước những phản ứng từ dư luận nhưng không có hồi đáp.
Bộ Ngoại giao CS Việt Nam: ‘Mỹ khẳng định không dung túng’ người liên quan vụ tấn công ở Đắk Lắk
25/01/2024
Các bị cáo trong phiên tòa lưu động xét xử vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 17/1.
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 25/1 nói rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Mỹ về vụ tấn công ở Đắk Lắk mà Bộ Công an xem là hành động khủng bố, đồng thời cho biết Hoa Kỳ “khẳng định không dung túng” cho những ai liên quan đến vụ bạo động này.
Vụ tấn công xảy ra ngày 11/6/2023 ở tỉnh thuộc Tây Nguyên, trong đó truyền thông nhà nước Việt Nam mô tả là do một nhóm người bịt mặt mang theo các loại vũ khí gồm súng và bom xăng vào hai trụ sở chính quyền tỉnh, ở huyện Cư Kuin, gây ra. Theo báo cáo, 9 người đã thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.
Một phiên tòa sơ thẩm tại Đắk Lắk đã đưa 100 người bị quy kết có liên quan đến vụ án này, trong đó có một công dân Mỹ, ra xét xử trong tháng này. Trong số đó, 10 người bị tuyên án tù chung thân về tội “Khủng bố.” Tòa đưa ra 5 bản án 20 năm tù trong khi các bị cáo còn lại bị tuyên các hình phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù về các tội danh, bao gồm cả “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân,” “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” và “Che dấu tội phạm.”
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, khi đề nghị mức án tử hình trước phiên tòa, đã gọi một nhóm ủng hộ người Thượng Tây Nguyên ở Mỹ là “khủng bố”. Các công tố viên, tại phiên tòa lưu động 5 ngày xét xử vụ án, cáo buộc họ “kích động” người dân ở Việt Nam thực hiện các hành động khủng bố nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi.
Bị cáo duy nhất là công dân Mỹ, Y Sol Nie, có mặt tại phiên tòa bị kết án chung thân. Theo truyền thông trong nước, người đàn ông 45 tuổi này cư trú ở North Carolina và bị cáo buộc đóng vai trò chủ chốt, chỉ huy trong vụ tấn công. Một công dân Mỹ khác, Y Mut Mlo, bị tòa tuyên vắng mặt 11 năm tù giam.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/1 tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ đã và đang thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của phát luật hai nước cũng như luật pháp quốc tế, theo ghi nhận của cáo báo trong nước, trong đó có VietNamNet và Dân Trí.
Trước đó vào tháng 7 năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để điều tra vụ tấn công tại Đắk Lắk. Ông Knapper lúc đó được VnExpress trích lời khẳng định rằng “Mỹ không chấp nhận những gì xảy ra tại Đắk Lắk, cũng như phản đối bạo lực dưới mọi hình thức.”
Cục trưởng Cục An ninh Nội địa của Việt Nam, Phạm Ngọc Việt, nói tại một hội nghị về chống khủng bố, do Liên Hợp Quốc tổ chức ở New York hồi tháng 6 năm ngoái, rằng đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ đã nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.
Bà Hằng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về sự phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ để điều tra vụ án, nói rằng Mỹ khẳng định với Bộ Công an Việt Nam rằng họ “không dung túng bất cứ tổ chức hay cá nhân nào liên quan đến vụ việc, và cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước,” theo VietNamNet và Dân Trí.
Bà Hằng khẳng định việc điều tra vụ án ở Đắk Lắk được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam về những gì bà Hằng nói cũng như các bản án mà tòa ở Đắk Lắk tuyên cho các bị cáo, gồm một án chung thân cho công dân Mỹ.
Cũng tại buổi họp báo, bà Hằng “bác bỏ hoàn toàn” rằng có sự kỳ thị sắc tộc trong vụ án này khi được phóng viên hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những thông tin như vậy.
“Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau, Chính phủ Việt Nam luôn dành những ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân,” bà Hằng được VietNamNet và Dân Trí trích lời nói.
Cũng đưa tin về cuộc họp báo hôm 25/1, VnExpress cho biết bà Hằng đã báo bỏ thông tin về tình hình nhân quyền của Việt Nam, cụ thể là trong báo cáo gần đây của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW).
Theo Báo cáo tổng kết toàn cầu 2024 của HRW công bố trong tháng này, chính phủ Việt Nam bị cáo buộc đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản.
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vì những nội dung bịa đặt, sai sự thật,” bà Hằng nói khi được phóng viên đề nghị bình luận về thông cáo báo chí của tổ chức có trụ sở ở New York của Mỹ, trong đó nói tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2023 đầy “u ám.”
Theo bà Hằng, Việt Nam hôm 11/1 đã đệ trình cam kết quốc tế, thể hiện nỗ lực không ngừng trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 hồi tháng 10/2022. Bất chấp sự phản đối của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế về việc Việt Nam được bầu vào hội đồng này dù có hồ sơ nhân quyền yếu kém, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ tin tưởng, khi thăm Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, rằng quốc gia này sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam ‘đã hiểu đường lối người Cộng sản’
Tác giả, Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt – 26 tháng 1 2024
Nguồn hình ảnh, Giáo phận Vĩnh Long – Chụp lại hình ảnh,
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski tại Long Xuyên năm 2019
Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, dự kiến sẽ có mặt tại Hà Nội từ 31/1/2024 để đảm nhận nhiệm vụ.
Vị đại diện thường trú này dự kiến sẽ ‘tạm trú’ tại khách sạn Pan Pacific tại Hà Nội, trong khi chờ chính quyền Việt Nam quyết định nơi mà Tòa thánh sẽ chính thức đặt văn phòng đại diện.
Trong khi đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt giữa hai chính phủ Việt Nam và Vatican, vai trò của ông Marek Zalewski được cho là khá thách thức trong bối cảnh Việt Nam liên tiếp bị đưa vào danh sách ‘theo dõi đặc biệt’ của Mỹ về tự do tôn giáo.
Dù không thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, ông Marek Zalewski được kỳ vọng sẽ là sợi dây kết nối các hội thánh địa phương tại Việt Nam với Giáo hoàng. Ông cũng được kỳ vọng sẽ lên tiếng mạnh mẽ vì quyền lợi của giáo dân bị bức hại.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng đây là một thành công trong quan hệ đối ngoại, cho thấy cái nhìn của nhà nước cho tôn giáo đã tích cực hơn.
Trong khi đó, linh mục Trương Hoàng Vũ thuộc dòng Chúa cứu thế Sài Gòn nói với BBC rằng thiện chí của chính phủ Việt Nam tới đâu còn cần thể hiện ở việc họ có trả lại những gì đã ‘mượn’ của người Công giáo hay không.
‘Của Ceasar trả lại cho Ceasar’
Nguồn hình ảnh, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN
Chụp lại hình ảnh,
Sau năm 1954, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ‘mượn’ Tu viện Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà – nay là Bệnh viện Đống Đa Hà Nội.
Theo linh mục Trương Hoàng Vũ, nếu Việt Nam có thiện chí thì cần ngay lập tức trả lại Tòa Khâm sứ ở Hà Nội cho Giáo hội để làm nơi ở cho Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski.
Vụ Tòa Khâm sứ ở 42 Nhà Chung, Hà Nội – nay là Thư viện quận Hoàn Kiếm – là chủ đề nóng nhiều năm giữa chính quyền và giáo dân Việt Nam. Có thời điểm sự việc trở nên căng thẳng, như năm 2008, khi hàng ngàn giáo dân cầu nguyện trước cổng Tòa Khâm sứ để đòi chính quyền trả lại tòa nhà.
“Từ 2008, nếu Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt không lên tiếng đòi lại thì Tòa Khâm sứ ấy có còn hay không? Thời điểm ấy ông lên tiếng vì nơi thánh thiêng ấy bị nhà nước biến thành nơi ăn chơi buôn bán, thành vũ trường, quán bar, nhà hàng và đã có dự định chia lô nền để bán.
“Tòa Khâm sứ là một chứng tích lịch sử cho thấy đã có một vị đại diện của Tòa Thánh từng ở trong căn nhà đó. Vị đại diện ấy đã bị trục xuất ra khỏi Hà Nội và khi vào Sài Gòn thì bị trục xuất lần nữa,” linh mục Trương Hoàng Vũ cho hay.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người Công giáo (phải) tập trung tại công trường xây dựng công viên nằm ở nơi trước từng là Toà Khâm sứ tại Hà Nội ngày 21/9/2008. Tranh cãi giữa CSVN và cộng đồng Công giáo trong nước ngày càng sâu sắc khi chính quyền bắt đầu xây dựng công viên trên mảnh đất mà Giáo hội tuyên bố là chủ sở hữu
Bên cạnh đó, rất nhiều các cơ sở tôn giáo khác, như các trường học Công giáo, sau năm 1975 đã bị chính phủ Việt Nam ‘mượn’ và tới giờ không trả lại, vẫn theo linh mục Vũ.
Ví dụ thì có nhiều.
Tu viện Dòng Chúa cứu thế Thái Hà được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ‘mượn’ và dùng làm Bệnh viện Đống Đa Hà Nội cho tới nay.
Tu viện Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt xây dựng năm 1949 trên đồi thông, trước là học viện đào tạo linh mục, được chính phủ Việt Nam ‘mượn’ làm Viện Sinh học Tây Nguyên cho tới nay.
Tu viện Thủ Đức, một cơ sở đào tạo của Dòng Chúa cứu thế, đã trở thành Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức ngày nay. Các tài liệu của Công giáo Việt Nam còn ghi lại sự kiện đầu năm 1978 khi chính quyền Việt Nam cho công an đến cưỡng chế, trục xuất các linh mục và tu sĩ đang sinh sống, học tập tại đây.
“Nếu nhà nước có thiện chí thì bây giờ là thời điểm tốt nhất để họ trả lại những công trình này cho chúng tôi, sao cứ ‘mượn’ hoài vậy. Chứng tích các tu viện vẫn còn đó. Chẳng hạn Tu viện ở Đà Lạt vẫn còn một cây thánh giá nằm ở bên trên với hàng chữ tiếng Latinh “Copiosa apud eum redemptio”, nghĩa là ‘Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa’ cùng huy hiệu nhà dòng nằm ngay ở mặt tiền nhà dòng.
“Sao không để Giáo hội có quyền cộng tác với chính quyền trong việc giáo dục hay những việc công ích chung của xã hội như mở trường, mở bệnh viện như trước năm 1975? Những việc đó chính quyền Việt Nam hiện nay chưa mở ra với giáo hội Công giáo.”
‘Của Ceasar thì hãy trả lại cho Ceasar,’ linh mục Trương Hoàng Vũ nói với BBC.
Hiểu đường lối người cộng sản
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Giáo hoàng Francis trao quà cho Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng ngày 27/7/2023 tại Thành phố Vatican, Vatican
Cộng đồng dân tin Chúa ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào từ việc có một đại diện thường trú của Vatican thì còn phải chờ xem, nhưng chắc chắn vị đại diện này sẽ nắm vững tình hình đời sống của tín hữu ở Việt Nam hơn so với trước đây, theo linh mục Trương Hoàng Vũ.
Bên cạnh đó, linh mục Vũ nhận định rằng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski “sẽ hiểu các vấn đề của Việt Nam vì ngài sinh trưởng và lớn lên tại Ba Lan”.
“Ngài sinh trưởng và lớn lên tại Ba Lan – một nước Cộng sản cũ, từng chịu áp bức dưới chế độ Cộng sản nên ngài sẽ hiểu đường lối của người Cộng sản là như thế nào.”
Theo đó, linh mục Vũ, người bị công an Việt Nam cấm xuất cảnh từ năm 2019 khi đang chuẩn bị sang Mỹ gây quỹ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nói rằng vẫn còn một số nơi ở miền núi, người dân tộc thiểu số bị cấm cản xây dựng nhà thờ, nhà nguyện.
Chụp lại hình ảnh,
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ (trái) trong một hoạt động trợ giúp thương phế binh VNCH
Linh mục Vũ nói rằng cùng với đó, nhà nước vẫn nhúng tay vào ‘việc của nhà Chúa’, chẳng hạn trong việc bổ nhiệm linh mục chánh sứ. Cha giám tỉnh phải hỏi ý kiến nhà nước về danh sách đưa lên. Nếu nhà nước không chấp nhận vị này thì buộc lòng cha chánh sứ tỉnh phải bổ nhiệm một người khác. Đôi khi hai bên giới thiệu ứng cử viên vài lần mà vẫn chưa chọn được ai.
“Giờ có một vị đại diện thì ý kiến của ngài có thể giúp cho việc lựa chọn một giám mục chánh tòa, đây là một khởi sắc cho tình hình tôn giáo tại Việt Nam,” linh mục Vũ nói.
Trước đó, sau chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, vào ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Chưa có vị giáo hoàng nào từng thăm chính thức Việt Nam, nơi có 7% dân số là người Công giáo.
Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Vatican, Tổng Giám mục Paul Gallagher, nói rằng Giáo hoàng muốn thăm Hà Nội nhân dịp hai bên nâng cấp quan hệ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Giáo hoàng Francis tiếp đoàn chính khách của ĐCSVN tại Vatican, theo Reuters.
Ông Paul Gallagher còn nói thêm rằng cuộc họp nói trên “thể hiện một sự đổi mới hoàn toàn trong thái độ” của ĐCSVN “đối với cộng đồng quốc tế, đối với Giáo hội.”
Ông “hi vọng sẽ khuyến khích” ĐCSVN “cải thiện vấn đề tự do tôn giáo mà họ đề cập trong hiến pháp và hi vọng họ sẽ thực hiện điều đó”, nhưng bổ sung rằng “rõ ràng việc này vẫn chưa xong.”
Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi Cộng sản tiếp quản một Việt Nam thống nhất khi chiến tranh với Mỹ chấm dứt vào năm 1975. Chính quyền Cộng sản Việt Nam lúc đó coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có lịch sử quá thân thiết với Pháp – cường quốc thực dân cũ, theo Reuters.
XEM THÊM
Trụ trì chùa Ba Vàng bị xử phạt 7,5 triệu đồng
Thứ sáu, 26/01/2024 – 19:06
Theo Dân trí – UBND TP Uông Bí quyết định xử phạt Đại đức Thích Trúc Thái Minh 7,5 triệu đồng do hoạt động trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” vi phạm quy định về triển lãm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết thành phố đã ra quyết định xử phạt hành chính với ông Vũ Minh Hiếu, tức Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng.
Đại đức Thái Minh bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức triển lãm tại chùa Ba Vàng.
Cụ thể, trong dịp tổ chức Đại lễ mừng 765 năm ngày đản sinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chùa đã tổ chức hoạt động trưng bày, chiêm bái thứ được gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” khi chưa gửi thông báo đến cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định việc chùa Ba Vàng tổ chức cho phật tử chiêm bái “xá lợi tóc Phật” chính là hoạt động triển lãm. Hoạt động này của chùa đã vi phạm quy định tại Nghị định số 23 của Chính phủ về hoạt động triển lãm.
Khi phát hiện sự việc trên, chính quyền địa phương đã giao Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với UBND TP Uông Bí tiếp tục kiểm tra, làm rõ, củng cố hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý chủ thể có liên quan để xảy ra vi phạm.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu chùa Ba Vàng không biên soạn, sản xuất các video, hình ảnh, tài liệu… và gỡ bỏ toàn bộ thông tin giới thiệu về vật thể được cho là “xá lợi tóc Phật”.
Như vậy, tròn một tháng sau vụ việc, trụ trì chùa Ba Vàng đã phải nhận hình thức xử phạt từ chính quyền địa phương và chịu kỷ luật cảnh cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo Dân Trí, Việt Nam
Overlay7
Tags: mỹ - việt