Chuyện Việt Nam Thứ Ba 23/02/2024
Quê Hương tổng hợp
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói sẽ phòng ngừa từ xa những yếu tố bất lợi, bảo vệ tư tưởng của Đảng
12/02/2024
Cảnh sát cơ động tham gia duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh ở Hà Nội hôm 2/9/2015 (minh họa)
Reuters
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhân dịp đầu năm mới gửi thông điệp tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở, phòng ngừa từ xa và từ sớm những yếu tố gây đột biến, bất lợi.
Trong bài phỏng vấn với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) nhân dịp Tết Nguyên đán, người đứng đầu Bộ Công an khẳng định: “lực lượng công an nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, tư duy, nhận thức mới của đảng về an ninh quốc gia, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không để xảy ra bị động.”
Ông Tô Lâm cũng khẳng định lực lượng công an trong năm mới 2024 sẽ “tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới.”
Tổng kết năm 2023, ông Tô Lâm khẳng định kết quả bao trùm của công an đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận là góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.”
Ông Tô Lâm cho biết, trong năm 2023, đã có 14 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh và gần 150 người khác bị thương khi làm nhiệm vụ.
Theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do, năm 2023 đã có ít nhất 47 người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị bắt giữ. Trong số này khoảng 30 người bị cáo buộc vi phạm Điều 331 và Điều 117 của Bộ luật Hình sự là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Đây là hai điều luật đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là mơ hồ và được dùng để bị mịt những người dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ và Đảng Cộng sản một cách ôn hòa.
HRW lên tiếng về bản án đối với ông Danh Minh Quang
13/02/2024 VOA Tiếng Việt
Ông Danh Minh Quang tại phiên tòa ở Sóc Trăng ngày 7/2/2024. Photo Báo Sóc Trăng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên án tù ba năm rưỡi đối với nhà hoạt động Danh Minh Quang và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay cho ông.
“Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã chà đạp một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận và trả thù một công dân chỉ vì người này nêu quan điểm độc lập về chính trị của mình trên mạng xã hội”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của HRW đưa ra lời chỉ trích trong một tuyên bố gửi đến VOA qua email hôm 10/2.
Ông Robertson kêu gọi cơ quan chức năng cần trả tự do ngay cho ông Danh Minh Quang và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
“Quốc hội Việt Nam cần khẩn trương sửa đổi Bộ luật Hình sự và bãi bỏ các điều luật xâm phạm nhân quyền, trong đó có Điều 331 đang được chính quyền Việt Nam sử dụng một cách có hệ thống để xâm phạm quyền của dân thường trên khắp cả nước”, ông Robertson nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được trả lời.
Như VOA đã đưa tin, một phiên tòa ở Sóc Trăng hôm 7/2 tuyên phạt ông Danh Minh Quang, một nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom, 3 năm rưỡi tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Ông Quang bị bắt với cáo buộc này hồi cuối tháng 7/2023 cùng với hai nhà hoạt động khác là Thạch Cương và Tô Hoàng Chương.
Hồi tháng 5/2023, ông Quang nói với VOA rằng ông đã bị chính quyền sách nhiễu từ nhiều năm trước và liên tục bị “mời làm việc” về các bài viết của ông trên Facebook.
“Tôi bị đàn áp rất nhiều, từ 2019 đến bây giờ, tôi bị mời đi, bị hăm dọa, đánh đập… Tôi đã đăng những giấy mời này trên Facebook”.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng ông Minh Quang có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân “để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng”.
Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, ông bị cáo buộc đăng tải 51 bài viết, hình ảnh “với nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương”, theo Báo Sóc Trăng.
Trao đổi với VOA, nhà sư Khmer Trương Thạch Dhammo ở Toronto, Canada, lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam ba nhà hoạt động trên.
“Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do lập hội, đi lại và nhóm họp của người Khmer Krom bản địa”, ông Dhammo nói.
Nhận định về phiên tòa xét xử ông Quang, ông Trần Xa Rộng, ở Italy, phó chủ tịch thứ hai của Liên đoàn Khmer Krom (KKF), một tổ chức tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ, nói rằng bản án này bất công.
“Không biết đây là tòa án kiểu gì mà vừa trá hình mà vừa không đúng cách vì không cho người dân tham gia, không có luật sư bào chữa cho bị cáo…”. Ông nói thêm rằng việc xét xử này “nhằm để trả thù” ông Quang vì ông đã nói lên sự thật.
Như VOA đã đưa tin hồi tháng 3/2023, ông Danh Minh Quang và một nhóm các nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom bị công an Sóc Trăng thẩm vấn vì tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và mặc áo thun có biểu tượng KKF, một tổ chức mà chính quyền Việt Nam tố cáo là một “tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.
Hồi tháng 3/2023 và sau phiên xử ông Quang, KKF ra tuyên bố tố cáo hành động sách nhiễu của chính quyền Sóc Trăng và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền của người bản địa.
HRW dẫn thống kê năm 2019 cho biết có khoảng 1,3 triệu người Khmer Krom sinh sống ở Việt Nam, trong đó có hơn 360.000 người cư ngụ ở Sóc Trăng, chiếm khoảng 1/3 dân số của tỉnh.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ ghi nhận rằng có nhiều vụ xung đột giữa chính quyền địa phương và các nhóm Khmer Krom đòi quyền lợi của người bản địa và quyền tự do tôn giáo.
Mặc dù Việt Nam ủng hộ Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa (UNDRIP) có từ 2007, nhưng đến nay nước này vẫn không công nhận các dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer Krom, là người bản địa.
https://www.voatiengviet.com/a/hrw-len-tieng-ve-ban-an-doi-voi-ong-danh-minh-quang/7485199.html
PVN thua kiện công ty của Nga, có thể bồi thường lên đến 500 triệu USD
RFA – 13/02/2024
Trụ sở chính của PVN tại Hà Nội
Reuters
Nhà sản xuất thiết bị điện của Nga, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov hôm 12/2 cho biết họ đã thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 11 năm ngoái.
Nhật báo RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết khoản tiền bồi thường khoảng 500 triệu USD cho Power Machines đang được thảo luận.
Theo hãng tin Reuters, vụ kiện được đệ trình tại Singapore, nhằm đòi lại số tiền đã đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam, dự án đã bị tạm dừng vào năm 2018 sau khi nhà thầu Nga bị Mỹ trừng phạt.
Tuy bài viết không nêu rõ dự án nào nhưng theo truyền thông nhà nước Việt Nam hồi tháng 8/2019 công ty của Nga thông qua luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) liên quan đến việc tạm dừng dự án Nhiệt điện Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng.
Dự án trên được khởi công xây dựng từ đầu năm 2011, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh điện/năm.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án chưa đến 80% thì phải tạm dừng do liên quan đến lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26/1/2018.
Đến tháng 1/2019, nhà thầu Power Machines có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) do bất khả kháng.
Các khiếu kiện chính bao gồm: Power Machines coi lệnh cấm vận của Mỹ là bất khả kháng, Power Machines khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho công ty này, và Power Machines cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của Power Machines.
Một luật sư từng tham gia sáng lập một trung tâm trọng tài thương mại phi chính phủ tại Việt Nam, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Power Machines chấm dứt hợp đồng trước vì cho rằng PVN vi phạm nghĩa vụ, như vậy Power Machines cho rằng PVN có lỗi.
Tuy nhiên, theo nguồn tin đáng tin cậy, Power Machines khởi đầu vụ kiện với vị thế yếu, nhưng dường như PVN không tận dụng lợi thế để đưa ra những lập luận mạnh chống lại, nên không thành công. Trong thời gian xét xử, PVN bổ sung một luật sư rất giỏi, nhưng đã quá muộn để thay đổi tình thế.”
Về nghĩa vụ đền bù cho công ty của Nga, theo luật sư này, nếu Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam không tự nguyện thi hành án và thanh toán tiền, thì “khả năng bị kê biên tài sản ở nước ngoài sẽ rất cao.”
Phóng viên gọi điện cho PVN nhưng người trực điện thoại nói doanh nghiệp này hiện đang nghỉ tết và không có lãnh đạo nào ở cơ quan. Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, và Bộ Kế hoạch & Đầu tư với đề nghị bình luận về vụ kiện này nhưng chưa nhận ngay phản hồi.
Phóng viên cũng gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về vụ kiện. Toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết đang ở kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên sẽ trả lời sau.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã giải thể), bình luận về vụ kiện.
“PetroVietnam mà thua vụ kiện này thì chắc chắn là có sơ hở về hợp đồng. Điều đó có nghĩa là trong đàm phán hợp đồng, các ông ấy cũng có thể là quá tự tin về bạn hàng truyền thống Nga.
Cũng không ai biết trong hợp đồng này có lót tay gì không, mà mình nghĩ không thể không có bởi vì với các nhà thầu Nga thì thường phía Việt Nam thường hay chấm mút ở những hợp đồng như thế này.”
Theo ông, do các cơ quan chức năng như Bộ Công thương và PVN không công khai các thông tin về hợp đồng xây dựng giữa hai công ty Việt Nam-Nga nên không thể đánh giá chính xác vụ kiện.
Về bài học để các doanh nghiệp Việt Nam tránh các vụ rắc rối về pháp lý với đối tác nước ngoài, ông nói:
“Trong các dự án đầu tư như thế thì họ (chủ đầu tư- PV) phải chọn những cái nhà thầu mà đỡ bị rủi ro hơn. Các nhà đầu tư ở Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, không những là nghiên cứu rõ ràng về đối tác mà phải tính đến những rủi ro. Khi đàm phán hợp đồng thì phải thuê những luật sư giỏi để hợp đồng được chặt chẽ.”
Một cựu giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), không muốn nêu danh tính để phát biểu thoải mái hơn, cho biết khi làm ăn với quốc tế, cán bộ Việt Nam không có tầm nhìn dài hạn nhưng lại đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, chỉ nhìn vào phần hoa hồng mà đối tác mang lại mà không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra.
Theo báo chí Nhà nước, Power Machines thực hiện nhiều dự án công nghiệp ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước, với nhiều công trình nổi tiếng như Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, và Thuỷ điện Hòa Bình. Sau năm 2000, công ty này quay lại tham gia thực hiện các dự án thuỷ điện như Yaly, Cần Đơn, Sê San 3, và Nhiệt điện Uông Bí.
Hồ sơ tòa án Nga cũng cho thấy Power Machines đã đệ đơn kiện lên tòa án Moscow vào ngày 2/2 chống lại PVN và đại diện của công ty này tại Nga. Không có chi tiết nào về vụ kiện đó được tiết lộ.
Chính trị Mỹ, nhân Super Bowl
Nhã Duy – 13/02/2024
Ảnh chụp màn hình
Xem Super Bowl, một cô bạn hỏi tôi, nghe có ca sĩ nổi tiếng nào đó bên Việt Nam được mời trình diễn tại Super Bowl năm nay nhưng anh bị “kẹt lịch Tết” nên không sang có đúng không.
Tôi cười, bảo dân ta có óc hài hước cao. Vài hãng lớn ra nước ngoài làm ăn mà còn nói lắm chuyện cười huống hồ chàng ca sĩ. CEO VinFast có lần được ký giả nước ngoài hỏi về kinh nghiệm chế tạo xe hơi đã trả lời rằng, chủ nhân của VinFast dù chưa chế tạo xe hơi nhưng từng làm mì gói nên rất có kinh nghiệm trong việc sản xuất.
Super Bowl là trận chung kết giải banh bầu dục của Mỹ, không chỉ là sự kiện thể thao lớn hàng năm mà còn là văn hóa của người Mỹ, thu hút hàng trăm triệu người xem mỗi năm. Vé vào xem không dành cho người Mỹ thông thường vì không có mấy người có thể trả trên dưới 10 ngàn đô la cho một vé bán trên thị trường chỉ để được vào trong sân. Những phòng VIP lên đến năm, bảy triệu đô la và quảng cáo 30 giây là bảy triệu đô.
Tổng thu của Super Bowl năm nay có thể lên đến bạc tỉ, chỉ riêng với một trận đấu. Báo chí còn đưa các số liệu là dân Mỹ tiêu xài khoảng 17 tỉ đô la cho Super Bowl và cá cược cho trận banh này đến hơn 23 tỉ đô la. Cộng lại còn cao hơn cả tổng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong cả năm 2023.
Kể vài số liệu về Super Bowl để thấy tầm mức ảnh hưởng và quan trọng của nó như thế nào. Những ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng châu Á hay châu Âu cũng chưa có dịp được trình diễn, huống hồ chàng ca sĩ xứ ta.
Có thể anh ta nhầm lẫn chuyện các chương trình “pregame”, trước trận đấu của các sòng bài tổ chức, mà sòng bài nào đó muốn kéo dăm khách Việt đến chơi nhân Super Bowl và Tết Âm Lịch. Có mời thêm vài ba ca sĩ nhạc rap từ Việt Nam nữa. Nói là sòng bài nhưng cũng do các bầu sô Việt Nam thầu và mời, như hầu hết hoạt động ca nhạc người Việt tại khắp nước Mỹ hiện nay.
Anh chàng ca sĩ mừng hụt hay khoe hơi quá đà cũng không sao, hiểu là anh muốn lấy uy cùng người hâm mộ trong nước. Có điều, vài tháng trước, báo chí Việt Nam cũng đăng đầy tin tức về chuyện ca sĩ Việt Nam là ca sĩ châu Á đầu tiên được mời trình diễn tại Super Bowl, ai chẳng theo dõi hay biết chuyện tại Mỹ cứ nháo nhào chia sẻ, bàn luận và “tự hào”.
Thật ra chuyện không phải về chàng ca sĩ cùng Super Bowl tại Mỹ. Chỉ nhân câu chuyện phi lý và hoang đường rất nhỏ như vậy mà được cả hệ thống truyền thông Việt Nam đưa tin và nhiều người bàn luận thì huống hồ những câu chuyện chính trị, luật pháp và bầu cử bên Mỹ, vốn khá phức tạp với cả người bản xứ. Nhưng cứ đến mùa bầu cử Mỹ thì vài nhà “phân tích” và “bình luận” trong nước hay các YouTuber lại đăng đàn nói chuyện bầu cử Mỹ, cứ như thật.
Năm mới, chúc bạn sẽ là những người đọc tin thận trọng hơn, nói “KHÔNG” với các nguồn tin giả về bầu cử tại Mỹ.
Tại sao không có hãng xe nào có nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam?
Kim Văn Chính – 11/02/2024
1. Thị trường xe hơi cá nhân ở Việt Nam dù là thị trường mới nổi, kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng tổng thể vẫn là nền kinh tế nghèo, thu nhập dân cư vào loại thấp, phân hóa giàu – nghèo mạnh, do vậy quy mô thị trường xe hơi chỉ loanh quanh ở mức 300 nghìn đến 400 nghìn xe/ năm (bằng 1/2 Thái Lan và 1/4 Indonesia).
Do sự cạnh tranh và sở thích tiêu dùng lĩnh vực xe hơi cũng có sự phân hóa mạnh, nên thị phần 300 nghìn hơi/ năm buộc phải chia sẻ cho khoảng 10 hãng xe hơi khác nhau, mỗi hãng vài chục nghìn chiếc.
Với quy mô bán hàng như vậy, không một công ty nào dại dột đặt nhà máy sản xuất xe tại thị trường Việt Nam cả. Lý do là điểm hòa vốn sẽ không đạt. Như tôi đã nêu trong bài trước: Hòa vốn toàn cầu của một nhà máy xe hơi (thường có một thương hiệu chính) ít nhất phải đạt 400.000 xe năm. Một hãng xe hơi thường chỉ có 1-5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu là cùng. Và họ buộc phải chọn các thị trường trọng điểm để đặt nhà máy sản xuất.
Nếu tại nơi họ đặt nhà máy sản xuất quy mô bán xe thấp, họ buộc phải vận chuyển xe sang các thị trường khác và chịu chi phí vận tải và chi phí thuế nhập khẩu cao hơn…, và như vậy là không có sức cạnh tranh về giá với các hãng xe khác. Tại các nước quy mô thị trường thấp (như Việt Nam), họ chỉ có nhà máy lắp ráp và “nội địa hóa” tỷ lệ thấp các cấu kiện không quan trọng…
2. VinFast đã phát triển ô tô xăng, rồi ô tô điện trong điều kiện vừa chạy vừa xếp hàng, không biết quy mô thị trường của mình ở các thị trường sẽ là bao nhiêu. Ngay cả thị trường Việt Nam, VinFast cũng không rõ quy mô ổn định bán xe trong tương lai sẽ là bao nhiêu.
Khi sản xuất xe điện, Vin chọn phương án “Asanzo” để ra đời xe. Về lâu dài Vin sẽ có nhà máy sản xuất pin là linh hồn của xe (giống động cơ xe xăng). Tuy nhiên, Vin bị khống chế bởi quy mô toàn cầu cũng như quy mô các thị trường trong điểm phải đạt mức hòa vốn cho nhà máy sản xuất… Đó là chưa nói Vin sản xuất xe trên cơ sở hầu như không có một sáng chế, bí quyết gì, toàn bộ 100% là mua công nghệ, tất yếu chịu giá thành cao và không tạo ra được sản phẩm khác biệt.
Vin đang xúc tiến để mở rộng thị trường sang Ấn, Indonesia, Philippines… là vậy. Rồi xúc tiến hy vọng thị trường Mỹ đạt quy mô trên 100 nghìn xe/ năm để có cơ sở mở “nhà máy sản xuất”, làm như chuyện phát triển thị trường xe hơi dễ như bán nhà condotel Phú Quốc!
Các nỗ lực đó không cứu được niềm tin thị trường. Giá cổ phiếu VinFast vẫn tiếp tục giảm.
Kể chuyện đêm giao thừa: Nỗi buồn của ông Nguyễn Xuân Phúc
Mai Hoa Kiếm – 09/02/2024
Từng ngồi ghế thủ tướng, chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Nguyễn Xuân Phúc được xem là người ở trên tận cùng của đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, song hành với ông ngoài tiền bạc, vật chất, niềm vui, hạnh phúc… nguyên thủ quốc gia quyền lực ngút trời như ông cũng không tránh khỏi cay đắng, tủi nhục, khi rời chính trường và ông đã phải ôm những nỗi buồn nuốt không trôi theo suốt cuộc đời mình.
Nỗi buồn thứ nhất
Vào những ngày giáp tết năm ngoái, ngày 17-1-2023, tức 26 tháng Chạp năm Nhâm Dần, Hội nghị Trung ương bất thường đã tước bỏ mọi chức vụ trong đảng đối với Nguyễn Xuân Phúc. Một ngày sau, quốc hội “đảng cử dân bầu” tiếp tục làm cú bất thường, bắt ông trả hết “áo mão cân đai” chủ tịch nước, để về làm thứ dân.
Đây là nỗi nhục có lẽ sẽ bám theo ông suốt cả cuộc đời, khi các “đồng chí” của ông chọn thời điểm để truất phế ông, loại bỏ ông đúng vào dịp Tết Nguyên đán, dịp mà người ta chỉ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho nhau!
Những kẻ hàng ngày tay bắt mặt mừng, ôm hôn thắm tình đồng chí… nay đã quay lưng, tráo trở nhanh quá. Những kẻ cùng “nền tảng tư tưởng” với ông đã lần lượt bắt giam những người thân, ruột thịt trong gia đình ông: Trần Văn Tân, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Nguyễn Bạch Thuỳ Linh… Thậm chí chúng còn đe doạ bắt cả vợ con ông, để buộc ông phải viết đơn xin thôi chức, về vườn.
Có lẽ ông Phúc sẽ không bao giờ quên mùa Xuân chạm ngõ năm ngoái. Chỉ còn vài ngày nữa là tới lần thứ hai ông gởi lời chúc Tết đến cả nước, bỗng dưng “tổng đà chủ” Nguyễn Phú Trọng nhảy vào, giành mất cái quyền của nguyên thủ quốc gia, lên sóng truyền hình đêm giao thừa của ông.
Là “nhân sự đặc biệt” khoá 13, Nguyễn Xuân Phúc ngồi ghế chủ tịch nước chỉ hơn 21 tháng (5-4-2021 đến 18-1-2023), là điều hiếm có trong chế độ cộng sản!
Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phúc tại nhà riêng. Nguồn: Mai Hoa Kiếm/ dành riêng cho Tiếng Dân
Nỗi buồn thứ hai
Ở trong Bộ Chính trị liên tiếp ba nhiệm kỳ, Nguyễn Xuân Phúc không đủ thủ đoạn, mưu lược, lẫn tài ứng biến để cài cắm người của ông vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Vì thế, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không hề có “đệ tử” của ông Phúc. Cho nên, khi ông bị bao vây, bị phê bình chỉ trích, bị tấn công tới tấp nhằm tước bỏ quyền bính, thì không có ai đứng ra bảo vệ ông.
Trước và sau thời điểm ông Phúc bị đồng đảng đưa ra “làm thịt”, đám đàn em của ông cũng bị các “đồng chí” đem ra làm bia để nhả đạn:
– Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương, bị dồn ép đến nhảy lầu siêu thoát hôm 21-11-2022, ở tuổi 59.
– Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Chính phủ, bị bức tử, treo cổ tại nhà riêng vào ngày 4-3-2023, ở tuổi 56.
– Phan Việt Cường, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam, đã phải rời bỏ nhiệm sở, xin nghỉ việc, về hưu non, khi còn hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ. Cùng lúc, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các Phó bí thư, các Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở ban ngành Quảng Nam đều bị dính kỷ luật. Kẻ bị khai trừ, người bị cách chức, cảnh cáo… không kể hết.
– Trần Đức Quận, bí thư Tỉnh uỷ và Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hai “đệ tử ruột” và là đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng của ông Phúc cũng bị giăng bẫy, bị mời ra Hà Nội “họp đột xuất” rồi bắt giam luôn mà không cần báo cho hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng biết tin.
– Nguyễn Công Khế, người bạn thâm tình với Nguyễn Xuân Phúc đã bị tống giam hơn ba tuần trước. Khế chơi với ông Phúc từ những năm đầu của thập niên 1980, khi ông Phúc chỉ là chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Một sự trùng hợp lạ lùng là vụ án mà Khế bị dính, lại có bút phê của ông Phúc, khi ông làm bộ trưởng.
Nỗi buồn thứ ba
Cha ông Phúc là cụ Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1917, hiện sống tại Đà Nẵng. Cụ Hiền theo Việt Minh, sau tập kết ra Bắc, huy hiệu 75 năm tuổi đảng. Mẹ ông Phúc là bà Nguyễn Thị Đằng (1922-1966), là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cả mẹ và chị gái ông đều là liệt sĩ. Ông Phúc còn có anh ruột Nguyễn Quốc Dũng, là Anh hùng Lực lượng Vũ trang.
Vợ ông Phúc là bà Trần Thị Nguyệt Thu, sinh năm 1962. Bà Thu là con gái của ông Trần Văn Dõng (1931-1968) và bà Võ Thị Cương, sinh năm 1934. Bà Cương theo du kích quân từ năm 18 tuổi. Sau này bà Cương mở hiệu may Kim Cương tại Cầu Vồng, đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), Đà Nẵng. Vì làm giao liên và tiếp tế cho Việt Cộng, nên bà bị bắt giam, giai đoạn 1969-1971. Ông Dõng tập kết ra Bắc, sau quay lại chiến trường Quảng Nam và bị phục kích, hy sinh năm 1968, để lại cho bà Cương năm người con.
Kể dông dài như vậy để thấy ông Nguyễn Xuân Phúc có lý lịch “đỏ rực” như thế nào. Với truyền thống gia đình, bề dày công tác, bản lĩnh chính trị như vậy, nhưng ông vẫn bị đánh văng khỏi “tứ trụ” khi đang ở trên đỉnh cao quyền lực, chưa kể các “đồng đảng” của ông lựa đúng thời điểm giáp Tết để truất phế ông, thử hỏi có nỗi buồn nào lớn hơn?
Nỗi buồn thứ tư
Vợ ông, bà Trần Thị Nguyệt Thu có một chị gái tên là Trần Thị Nguyệt Phương, sinh năm 1960. Bà Nguyệt Phương là giáo viên đã nghỉ hưu, có chồng là doanh nhân thành đạt ở Đà Nẵng.
Trong đại dịch Covid 19, vợ chồng bà Nguyệt Phương cũng đã đóng góp nhiều tỷ đồng cho địa phương chống dịch. Mẹ của hai bà Nguyệt Phương và Nguyệt Thu, cụ Võ Thị Cương cũng ủng hộ “quỹ vacine chống dịch” 100 triệu đồng.
Vợ chồng bà Trần Thị Nguyệt Phương, em vợ và em cột chèo của ông Phúc. Nguồn: Tác giả gửi riêng cho Tiếng Dân
Bà Võ Thị Cương, mẹ vợ ông Nguyễn Xuân Phúc và số tiền ủng hộ quỹ vaccine 100 triệu đồng, cùng thư cảm ơn của MTTQ gửi gia đình bà. Nguồn: Ảnh độc quyền của Tiếng Dân
Đại án Việt Á liên quan test kit nổ ra. Cơ quan điều tra không dám công khai 80% cổ phần đáng ngờ trong công ty Việt Á, khiến dư luận xã hội có nhiều suy đoán. Cổ phần Việt Á là của sân sau quan chức, hay của các đồng chí “nước lạ”?
Chỉ biết rằng, sự lập lờ của đảng khi bắn thông tin ra ngoài, khiến bàn dân thiên hạ cứ đồn thổi, thêu dệt, gán ghép bà Trần Thị Nguyệt Thu là “trùm cuối”. Thực tế, thông tin này không đúng, nhưng ông Phúc không thể giải bày, bởi ông vừa lên tiếng phân bua “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng, liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á… ” thì ông đã bị Tuyên giáo cho báo chí… bịt miệng! Điều này khiến ông ôm nỗi buồn vô tận.
Nỗi buồn thứ… n
Sẽ không kể hết được những nỗi buồn của Nguyễn Xuân Phúc, một người Quảng Nam, có mặt trong Bộ Chính trị ba khóa 11, 12 và 13 (Riêng người Quảng Nam có mặt liên tục trong Bộ Chính trị 6 khoá, từ khoá 8 đến khoá 13). Khi ông Phúc rời chính trường, đại diện Quảng Nam sẽ chấm dứt hiện diện trong Bộ Chính trị nhiều khoá tiếp theo, vì không có bất kỳ gương mặt nào nổi trội.
Trong một diễn biến khác, dàn cán bộ, đàn em của ông Phúc bị đánh te tua ngay trên đất Quảng Nam. Quảng Nam hết nhân sự, đồ đệ của Nguyễn Bá Thanh là Lương Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1976, là ủy viên dự khuyết Trung ương khoá 13 đã … “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Mới đây, Triết được Trung ương bổ nhiệm làm bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam, thay cho Phan Việt Cường, một đàn em của ông Phúc vừa bị mất chức.
Nguyễn Xuân Hiếu là quý tử của Nguyễn Xuân Phúc. Từ khi Hiếu ở Mỹ quay về Việt Nam, Hiếu vẫn loay hoay công tác Đoàn, chưa biết tương lai sẽ về đâu. Chức vụ “loằng ngoằng” của Hiếu hiện nay là Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam.
Ảnh: Quý tử Nguyễn Xuân Hiếu. Nguồn: Mai Hoa Kiếm/ Tiếng Dân
Chính trị gia trong thể chế cộng sản là vậy, cho dù đương chức hoặc “về vườn đuổi gà”, vẫn ăn không ngon, ngủ chẳng yên, lo sợ đủ điều.
Quan địa phương thì sợ bị khởi tố, phải “nôn” ra cho quan trên, cống nộp lại tài sản cướp được bao nhiêu năm cho đồng đảng. Quan triều đình thì sợ bị “đánh bã”, chết bất đắc kỳ tử, sợ bị biến thành “củi” ném vào lò. Cán bộ cấp cao thì sợ các cuộc thanh trừng, giết người diệt khẩu.
Đáng sợ hơn, là bị đầu độc phóng xạ, để rồi dở sống, dở chết, người không ra người, ngợm không ra ngợm. Ông Phúc con giữ được mạng khi về với vợ con, kể ra cũng còn may hơn Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh…
Nerdy-thương hiệu thời trang Hàn Quốc muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam
RFA – 13/02/2024
Một cửa hàng của Nerdy tại VN
TPO
Nerdy – một thương hiệu thời trang đường phố do Công ty công nghệ làm đẹp toàn cầu APR điều hành, có kế hoạch mở thêm cửa hàng tại thị trường Việt Nam trong năm 2024.
Truyền thông Việt Nam loan tin trên trong ngày 12/2, nêu thêm, hiện APR đang vận hành tổng cộng bốn cửa hàng Nerdy tại Việt Nam, trong đó có hai cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và hai cửa hàng tại Hà Nội. Kế hoạch mở thêm bao nhiêu cửa hàng trong năm 2024 hiện chưa được APR tiết lộ.
Tuy nhiên, một lãnh đạo của thương hiệu Nerdy cho biết trên tờ VietnamPlus rằng dòng sản phẩm Xuân/Hè và sản phẩm chủ lực của Nerdy là bộ đồ thể thao đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Bằng chứng là doanh số bán hàng của hãng tại Việt Nam ngày càng tăng.
APR bắt đầu mở rộng sang Việt Nam bằng việc hợp tác với Công ty Myson Retail Management International (MRMI), nhà phân phối thời trang hàng đầu của Hàn Quốc từ tháng 1/2023.
Nhân thông báo mở rộng hoạt động trong năm 2024, đại diện APR cũng cho biết, cập nhật xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng của người tiêu dùng trẻ Việt Nam, công ty đối tác MRMI cũng có kế hoạch mở một “TikTok Shop” riêng bên cạnh cửa hàng trực tuyến của Nerdy trong thời gian tới.
Một nghiên cứu của Statista hồi năm 2021 cho thấy có đến hơn 45% người được hỏi ở Việt Nam nói rằng họ thích thời trang Hàn Quốc trở nên phổ biến vì họ thích các mẫu thiết kế của Hàn Quốc.
Người Việt Nam đổ sang Thái Lan du xuân, vì sao?
Chụp lại hình ảnh,
Nhiều bạn trẻ chọn Thái Lan để đi chơi trong và sau Tết Nguyên đán
9 giờ trước
Nhiều người Việt Nam muốn trải nghiệm một cái Tết mới lạ bằng cách bay sang thủ đô Bangkok, Thái Lan để du xuân.
Giá vé máy bay từ Việt Nam đi Thái Lan trong dịp Tết Nguyên đán khá cao nhưng điều đó không ngăn cản nhiều người đi du xuân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Linh Ngọc nói với BBC News Tiếng Việt hôm 12/2 rằng cô chọn sang Bangkok du lịch nhân dịp Tết vì chi phí tương đối rẻ, ăn uống hợp khẩu vị và quan trọng nhất là không phải tất bật việc nhà.
“Tôi rước ông bà xong đêm 30 Tết là hôm sau đưa ba mẹ qua Bangkok chơi để đổi không khí. Vì gia đình tôi ở Sài Gòn nên Tết nào cũng loanh quanh chừng ấy chỗ, năm nay tôi muốn đưa ba mẹ vãn cảnh chùa bên Thái Lan này vì nghe nói có nhiều điểm tham quan tâm linh,” cô chia sẻ.
Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,
Một đoàn biểu diễn múa rồng tại Đền Kuan Yim ở Khu Phố Tàu vào đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn (ngày 9 tháng 2 năm 2024) tại Bangkok, Thái Lan
Người Thái không có truyền thống đón Tết âm lịch nhưng nhằm phục vụ khách du lịch nước ngoài, Thái Lan có nhiều hoạt động đón chào năm mới như bắn pháo hoa, múa lân cùng một số màn biểu diễn khác.
Tổng cục Du lịch Thái Lan đang chào đón làn sóng khách du lịch trong dịp Tết này khi Thái Lan miễn thị thực cho công dân Trung Quốc.
Con đường Yaowarat nổi tiếng ở khu Phố Tàu, nhiều ngôi chùa như Chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew) hay các trung tâm mua sắm như Siam Paragon, Central World những ngày Tết âm lịch đều được trang hoàng lộng lẫy với biểu tượng linh vật rồng của năm mới, cùng các dòng chữ “Happy Lunar New Year” và “Happy Chinese New Year” (Mừng Năm mới âm lịch, Mừng Năm mới Trung Hoa).
Anh Lê Anh Tuấn, chủ một dịch vụ cho thuê xe du lịch ở Bangkok, nói với BBC News Tiếng Việt rằng khách Việt Nam thường sang Thái Lan vào dịp Tết là để “thay đổi không khí ăn Tết”.
“Từ sau dịch Covid thì người Việt mình sang Thái Lan du lịch vào dịp Tết Nguyên đán rất nhiều và Thái Lan cũng tổ chức nhiều sự kiện để chào đón Tết Nguyên đán,” anh Tuấn chia sẻ.
Trải nghiệm ăn Tết ở một nơi xa
Chụp lại video,
Đón Tết Nguyên đán tại nơi đông kiều bào nhất ở Thái Lan
Nếu mọi năm, Hồng Nhung cùng bạn bè đón Tết ở Yên Bái thì năm nay, nhóm bạn cô cùng nhau sang Thái Lan du lịch từ mùng ba đến mùng bảy Tết. Trả lời BBC News Tiếng Việt khi vừa đáp xuống sân bay Bangkok, Nhung chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên cô cùng bạn bè du lịch nước ngoài vào ngay dịp Tết cổ truyền.
“Tôi suy nghĩ là cả năm mình đã làm việc vất vả mà Tết là kỳ nghỉ dài nhất ở Việt Nam, thì thay vì chỉ ở nhà lo chuyện bếp núc như những năm trước, tôi quyết định dành khoảng thời gian này để thư giãn, nghỉ ngơi.
“Đến Thái Lan, mình sẽ đi Cung điện Hoàng gia, chùa Wat Arun, Skywalk để ngắm Bangkok và khu Phố Tàu, chợ đêm Jodd Fair hoặc phố Khao San. Chủ yếu lần này mình muốn khám phá ẩm thực và văn hóa Thái Lan,” Nhung bộc bạch.
Linh Ngọc bay chuyến từ Sài Gòn sang Bangkok vào ngày mùng hai Tết thì chia sẻ rằng, đối với cô, Tết chỉ vui vào những ngày 28, 29, 30 tháng Chạp, khi mọi người xúng xính áo váy và bận rộn chuẩn bị cúng giao thừa. Còn sau đó là chuỗi ngày đón khách thăm hỏi và cô lại phải “rửa chén, nấu ăn”.
“Đối với những bạn đi làm xa nhà thì về quê ăn Tết là rất vui, còn mình ở với gia đình tại Sài Gòn nên Tết năm nào cũng như năm nào. Mình cũng không muốn cứ ở nhà tiếp khách, dọn dẹp nên muốn cả nhà có một năm đi đổi gió. Cũng là đưa ba mẹ đi mười cảnh chùa nhưng mà ở Thái Lan,” Linh Ngọc vui vẻ chia sẻ.
Nguồn hình ảnh, Hồng Nhung
Chụp lại hình ảnh,
Hồng Nhung trong trang phục truyền thống của Thái Lan, ảnh chụp tại ngôi chùa nổi tiếng Wat Arun, Bangkok
Ở phía cung cấp dịch vụ, anh Lê Anh Tuấn cho biết nhà xe của anh phục vụ tự do nên khách hàng có thể chọn lựa địa điểm, thiết kế theo sở thích.
“Hầu hết mọi người qua Thái Lan thường là tham quan chùa chiền, Hoàng cung, đi chợ đêm, mua sắm và ăn uống là chính. Có nhiều bạn, nhiều đoàn cũng tò mò muốn được đi tìm hiểu về văn hóa tâm linh huyền bí của Thái Lan, nhất là dịp Tết họ muốn đi xăm, xin bùa phép giúp tăng thêm độ may mắn trong công việc, tình duyên,” anh Tuấn chia sẻ với BBC.
Bay sang Bangkok vào đêm 30 Tết, anh Trí Trần nói rằng anh dành trọn vẹn một cái Tết Nguyên đán, tổng cộng 11 ngày 10 đêm, ở Thái Lan.
“Từ khoảng hai – ba năm nay, khi có được thu nhập thì tôi tự thực hiện những chuyến đi nước ngoài vào mùa Tết vì đây là kì nghỉ dài nhất trong năm của Việt Nam. Còn những dịp khác thì chỉ đi được ngắn ngày mà lại cứ lo lắng công việc nên không được thoải mái.
“Tôi chọn đi Thái Lan vì thứ nhất là gần, thứ hai là tôi cũng đi Thái nhiều lần rồi và khá thích. Thứ ba là đi Thái thì tôi vừa đi chơi vừa đi làm, vừa học hỏi vì công việc của tôi thiên về mảng bán lẻ mà thị trường này ở Thái Lan hiện đang phát triển khá tốt,” Trí Trần chia sẻ.
Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,
Người đi lễ tại ngôi chùa mang kiến trúc Trung Quốc, Wat Leng Noei Yi, ở Bangkok
Về những địa điểm sẽ đi, Trí Trần nói anh chia rõ ràng ba mục để không bỏ sót một trải nghiệm nào:
“Thứ nhất là tôi đi ăn uống, đến những quán cà phê, những địa điểm nổi tiếng chụp ảnh mà tôi xem trên Instagram hay các trang mạng. Thứ hai là tôi đi những ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng như chùa Phật Vàng (Wat Traimit Withayaram Worawihan), tượng phật bốn mặt. Thứ ba là đi tận hưởng những dịch vụ như mát xa, đặc biệt là mát xa chân tôi rất thích.”
‘Chi phí phải chăng’
Theo số liệu của Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan thì Việt Nam đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng du khách nước ngoài đến nước này trong tháng 4/2023.
Còn tính tổng năm 2023, Malaysia, Trung Quốc và Hàn Quốc dẫn đầu lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan.
“Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như Việt Nam đều có truyền thống đón Tết Nguyên đán, còn Malaysia thì có nhiều người Hoa sinh sống nên họ cũng có Tết âm lịch. Có lẽ vì vậy mà Thái Lan, vốn là một quốc gia nhạy bén trong ngành dịch vụ, du lịch nên đã có nhiều chương trình hấp dẫn trong dịp Tết này. Khi đi chùa người Hoa ở Thái Lan vào ngày Tết, tôi cảm thấy vừa quen thuộc, vừa mới mẻ,” Linh Ngọc nói với BBC.
Còn Hồng Nhung đánh giá với BBC rằng chi phí du lịch đến Thái Lan khá “phải chăng” nếu so với một số điểm du lịch trong nước và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
“Trước Tết, tôi có tham khảo giá vé đi các nước lân cận như Singapore và cả các điểm du lịch trong nước thì giá vé cũng tương tự nhau. Nhưng trong nước thì tôi đi cũng gần hết rồi, còn Singapore thì khách sạn khá đắt đỏ, phòng lại nhỏ nên tôi quyết định tới Thái Lan để trải nghiệm,” Hồng Nhung nói.
Theo Hồng Nhung, chuyến đi bốn ngày của cô và bạn bè tốn khoảng 14-15 triệu đồng mỗi người, đã bao gồm khoảng 8 triệu đồng tiền vé khứ hồi. Dù Hồng Nhung đã đặt trước một tháng, nhưng mức vé trên vẫn cao khoảng gấp đôi so với ngày thường, vốn chỉ dao động từ trên 3 triệu đến trên 4 triệu đồng đối với vé khứ hồi.
Mùa cao điểm nên giá vé tăng cao, và tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nơi khác, nên lựa chọn điểm đến Thái Lan vẫn được coi là phù hợp nhất về mặt chi phí đối với những người như Hồng Nhung.
Cô cũng như nhiều bạn trẻ khác chọn đến Bangkok vì cho rằng con người nơi đây thân thiện, đồ ăn đa dạng mà giá cả so với Việt Nam thì rất phải chăng, “thậm chí có những thứ rẻ hơn nhiều”.
Trí Trần cũng cho rằng giá ở ở Thái Lan ở dịp cao điểm như Tết Nguyên đán so với những nơi khác thì khá hợp lý.
“Ví dụ như đi bên Malaysia hay Singapore thì giá vé cao hơn và mọi thứ đắt đỏ hơn. Trong nước thì tôi chưa đi nhiều nhưng vé máy bay từ Sài Gòn đi Bangkok thì cũng ngang vé từ Sài Gòn đi Hà Nội.
“Đây là giá hợp lý dựa trên trải nghiệm đi Thái Lan của tôi, đặc biệt là trong thời điểm Tết nhất thì tôi thấy giá cả trong tầm khá ổn. Đối với tôi, ngoài tâm thế tôi đi du lịch thì còn là để học hỏi. Bên Thái có nhiều mặt hàng, tôi thường mua mỹ phẩm và một số món quà như nến thơm, đồ trang trí nội thất trong phòng ở IKEA và chợ Chatuchak vì giá cả rất hợp túi tiền,” anh Trí kể.