Chuyện Việt Nam Thứ ba 24 tháng 10 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Chính phủ VNCS dự kiến vay hơn 676.000 tỷ đồng vào năm 2024
23/10/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội ngày 23/10.
Báo Giao thông
Chính phủ Việt Nam dự kiến tổng nhu cầu vay hơn 676.000 tỷ đồng vào sang năm 2024, trong đó gần 55,2% vay bù đắp bội chi ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội như vừa nêu ngày 23/10.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội- ông Lê Quang Mạnh cũng cho biết việc vay để trả nợ gốc của Việt Nam có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Lê Quang Mạnh nêu rõ “Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Qua số liệu quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm cho thấy số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất chậm; trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực.”
Ông Hồ Đức Phớc báo cáo dự báo đến cuối năm 2024 dư nợ công khoảng 39-40% GDP; nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 23-24%; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dự kiến ở mức 8-9%.
Việt Nam và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Trần Văn Thọ
Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba tổ chức tại Bắc Kinh vừa bế mạc hôm kia (18/10/2023).
BRI là chương trình phát triển quốc tế hoành tráng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương năm 2013. Đây là sáng kiến nối Trung Quốc với Á châu và Âu châu, gồm một Vành đai (One Belt) xuyên lục địa từ Trung Quốc qua vùng Trung Á đến Âu châu, và một Con đường (One Road) từ Trung Quốc xuyên qua Biển Đông và Ấn Độ dương đến châu Âu.
BRI ra đời đúng lúc kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và cũng là lúc Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao với tham vọng thực hiện giấc mơ Trung Hoa đưa Trung Quốc trở lại thời hoàng kim. Mục đích của BRI được đề ra là chia sẻ thành quả phát triển với các nước liên quan qua hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trong những công cụ thực hiện là lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu (AIIB). Trung Quốc hy vọng, qua sáng kiến này trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp nặng (điển hình là thép) đang sản xuất dư thừa, và trong dài hạn tạo quan hệ thân thiện với các nước tham gia BRI.
Qua 10 năm thực hiện, nhìn chung BRI không đạt mục tiêu như Trung Quốc mong muốn. Những nước tham gia BRI tích cực thì mắc vào bẫy nợ như Sri Lanka và Lào, hoặc có nguy cơ phụ thuộc sâu vào Trung Quốc như Cambodia. Cảng biển Shihanoukville của Cambodia được xem như là mô hình của việc tham gia BRI. Vốn đầu tư do Trung Quốc cung cấp, và kết quả là tư bản Trung Quốc chiếm tới 95% khách sạn, nhà hàng ở đây và thành phố biển nầy tràn ngập trung tâm du lịch (resorts) và sòng bạc (casino) với các bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc.
Ở Âu châu nước tiên tiến duy nhất tham gia BRI là Ý nhưng gần đây đã tuyên bố rút lui vì thấy không có lợi ích như kỳ vọng. Tàu chở hàng Trung Á được xây dựng để chuyển chở hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước Âu châu là một biểu tượng cụ thể của BRI nhưng hoạt động rất kém, kết cuộc chủ yếu được dùng cho di chuyển vật tư, hàng hóa giữa Trung Quốc và Nga. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Daiwa, từ 2012 đến 2022, hơn 150 nước đã ký cam kết tham gia BRI nhưng mậu dịch giữa họ với Trung Quốc không tăng đáng kể, trừ Nga và một số nước ASEAN.
Trong thời gian qua, có yếu tố khách quan là đại dịch trong các năm 2021-2022 làm đình trệ nhiều dự án, nhưng chủ yếu là do chủ quan và tham vọng của Trung Quốc muốn áp đặt và chi phối những nước cần vay vốn của họ để xây hạ tầng.
Có lẽ đã thấy kết quả 10 năm qua không như mong muốn và bị thế giới phê phán, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương sẽ ưu tiên chất lượng dự án và tăng tính tự chủ của các nước tham gia.
Việt Nam ở tư thế và vị trí không thể không tham gia BRI nhưng cần thận trọng đối với các dự án cụ thể, nhất là nên so sánh các điều kiện về công nghệ, về vốn giữa Trung Quốc với các nước khác như Mỹ, Nhật. Một điểm quan trọng nữa là cần tránh phụ thuộc quá sâu vào kinh tế Trung Quốc (hay với kinh tế một nước nào khác). Hiện nay, tuy chưa tham gia cụ thể vào các dự án lớn liên quan BRI, nhưng Trung Quốc đã chiếm một vị trí rất lớn trong nhập khẩu (trên 30% những năm gần đây) và đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (vị trí số 2 trong 9 tháng đầu năm 2023. Nếu gộp Hồng Kông vào Trung Quốc thì Trung Quốc chiếm vị trí số 1).
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tại Việt Nam, nhưng cho đến nay chưa thấy có dự án nào có trình độ công nghệ cao và quy mô lớn để có thể góp phần làm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam lên cao hơn. Đó là chưa xét đến các yếu tố về chất như trình độ quản trị doanh nghiệp (corporate governance) và văn hóa kinh doanh, những yếu tố thường chưa được xác lập tại những nước mới phát triển.
Tuấn Khanh – Hán hóa Tây Tạng
Chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nói tiếng Tây Tạng trong việc giảng dạy cho tất cả các môn học trong các trường công lập ở các khu tự trị Tây Tạng Kardze và Ngaba (tỉnh Tứ Xuyên), bắt đầu từ bắt đầu học kỳ mùa thu, tháng Chín này.
Tổ chức vận động cho người Tây Tạng (The International Campaign for Tibet – ICT), có trụ sở tại Đức loan báo tin với sự lo ngại.
“Việc cấm sử dụng tiếng Tây Tạng làm ngôn ngữ giảng dạy trong các trường học ở miền đông Tây Tạng, được coi là bước quan trọng, hướng tới việc xóa bỏ ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Cộng đồng quốc tế phải hành động ngay bây giờ, không được tiếp tục đứng yên khi chính phủ Trung Quốc thúc đẩy chính sách Hán hóa đối với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và những người khác mà không ngần ngại gì”, Giám đốc điều hành ICT Đức Kai Müller cho biết.
Một nguồn tin địa phương của Tây Tạng cho biết thêm, một số học sinh trung học cơ sở sẽ được phép hoàn thành chứng chỉ tốt nghiệp bằng tiếng Tây Tạng trong hai năm tới. Từ năm 2025, bài học cho tất cả các lớp ở tất cả các môn sẽ chỉ được giảng dạy, làm bài bằng tiếng Quan Thoại.
ICT cho biết các lệnh cấm gần đây đối với tiếng Tây Tạng, vốn là ngôn ngữ chính trong học đường ở miền đông Tây Tạng, là một phần trong chiến dịch lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm xóa bỏ văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng.
Điều này cũng áp dụng trong toàn bộ các trường nội trú cưỡng bức của Trung Quốc dành cho hơn 1 triệu trẻ em Tây Tạng, một hệ thống chủ trương tách trẻ em khỏi gia đình, ngôn ngữ và văn hóa của chúng. Nhiều năm nữa, những trẻ em Tây Tạng có thể sẽ chỉ còn nhớ về ngôn ngữ dân tộc mình như một loại cổ ngữ.
Tiêu diệt văn hóa, là tiêu diệt ý chí sống còn của một sắc tộc. Trong đó, loại bỏ dần ngôn ngữ, đổi tên họ con người, và hủy diệt các di tích lịch sử của sắc tộc đó, là phương thức chủ đích được Trung Quốc áp dụng từ vài chục năm nay.
TUẤN KHANH 22.10.2023
CSVN tuyệt vọng về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế
24/10/2023
Đời sống người dân càng lúc càng khó khăn
Nhà cầm quyền CSVN không còn hy vọng về mức độ tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm khi tình hình thế giới diễn biến bất ổn hơn.
Quốc Hội CSVN bắt đầu họp khóa cuối năm 2023 từ ngày 23 Tháng Mười, và chỉ kéo dài năm tuần lễ để bàn tán chiếu lệ cho có màu mè dân chủ một chương trình nghị sự được chuẩn bị sẵn để “gật đầu thông qua theo lệnh đảng.”
Đến Quốc Hội đọc báo cáo kết quả thực hiện các chương trình kinh tế xã hội, ông Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng không thấy còn cam kết hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 6.5% đã đề ra từ đầu năm mà nhìn nhận chỉ có thể “đạt trên 5%” vì xuất cảng giảm sút. Các nước tiêu thụ hàng hóa xuất xứ Việt Nam bị ảnh hưởng từ các bất ổn toàn cầu dẫn đến giảm sút nhập cảng.
Tuy nói hơi khác vị bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư dưới quyền, Thủ Tướng Phạm Minh Chính giữ thể diện tuyên truyền khi nói trong bản báo cáo tại Quốc Hội rằng: “Tăng trưởng khoảng 6-6.5%” cho năm nay trong khi giới chuyên viên kinh tế trong ngoài nước đều dự báo với những con số thấp hơn rất nhiều.”
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng phần lớn dựa vào khối hàng hóa xuất cảng từ các hãng xưởng ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam. Khi các nước nhập cảng gặp các khó khăn kinh tế, ảnh hưởng dây chuyền đến những nước đóng vai cung cấp hàng hóa như Việt Nam không tránh khỏi. Các định chế tài trợ quốc tế khuyến cáo Việt Nam nên thúc đẩy tiêu thụ nội địa nhưng khi người dân mất việc hàng loạt thì sức tiêu thụ nội địa còn đi xuống hơn nữa.
Từ chuyên viên kinh tế của định chế tài trợ quốc tế IMF đến ngân hàng quốc tế HSBC hay chuyên viên kinh tế nội địa, họ đều không nhìn thấy khả năng hồi phục tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam, dựa trên các chỉ dấu đang diễn ra.
Ngày 22 Tháng Mười, tờ Lao Động thuật ý kiến của ông Đinh Trọng Thịnh, một chuyên viên kinh tế tài chính của Học Viện Tài Chính ở Hà Nội, cho rằng kinh tế của Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 5% cho năm nay vì “khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.” Đã sang quý 4 rồi trong khi ba quý trước chỉ đạt được tăng trưởng 4.42%, lại còn nhiều khó khăn vẫn diễn ra phía trước mặt.
Hai tuần lễ trước, một chuyên viên của ngân hàng quốc tế HSBC phát biểu trong một buổi hội thảo, cũng cho rằng tính chung cả năm 2023, Việt Nam tăng trưởng nhiều lắm cũng chỉ được 5%, theo tường thuật của tạp chí Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. Tuy nhiên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) định chế tư vấn chính sách kinh tế tài chính cho Việt Nam, không lạc quan đến như vậy.
(Theo Người Việt)
Bình Dương: Một Hiệu phó không giảng dạy vẫn nhận lương suốt 19 tháng
Trường THCS Vĩnh Hòa. (Ảnh: google-maps)
Trong suốt 19 tháng (từ tháng 4/2021 đến 10/2022), một hiệu phó trường THCS ở Bình Dương nghỉ làm không phép nhưng vẫn nhận lương.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) vừa ký ký ban hành kết luận thanh tra các vấn đề về đào tạo, sử dụng ngân sách nhà nước tại Trường THCS Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa).
Theo kết luận, Trường THCS Vĩnh Hòa đã ban hành một số văn bản phục vụ công tác quản lý, phân công nhiệm vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ trực tuyến… không đảm bảo theo quy định về trình tự thủ tục, thời gian ban hành văn bản, không vào sổ đăng ký văn bản đi, không lưu trữ tại văn thư; Việc phân công nhiệm vụ giảng dạy chưa phù hợp, có giáo viên không đủ số giờ chuẩn, có giáo viên quá nhiều giờ dẫn đến phải chi trả tiền thêm nhiều giờ.
Cơ quan chức năng xác định trường chi sai hơn 306 triệu đồng chế độ thêm giờ năm học 2020-2021, năm học 2021-2022 cho giáo viên. Bên cạnh đó, Trường THCS Vĩnh Hòa chi sai chế độ khoa học kỹ thuật năm học 2019-2020 và chi sai chế độ bồi dưỡng tiết thực hành cho giáo viên dạy Thể dục.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ Phó Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa Vũ Văn Đoàn thực hiện giờ giấc làm việc không đảm bảo 8 giờ/ngày, nghỉ làm không phép, không thực hiện nhiệm vụ giảng dạy từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, không đảm bảo các nhiệm vụ quản lý được phân công phụ trách về lĩnh vực cơ sở vật chất, y tế…
Đối với Hiệu trưởng trường là ông Hoàng Đức Tú, kết luận thanh tra cho thấy ông này chưa làm hết trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý tại Trường THCS Vĩnh Hòa; Không thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh ông Đoàn trong việc thực hiện giờ giấc làm việc, trách nhiệm làm việc, giảng dạy và nêu gương của viên chức quản lý, không báo cáo Phòng GD-ĐT nội dung sai sót trong việc công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho ông Vũ Văn Đoàn.
Từ những sai phạm trên, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi danh hiệu Lao động tiên tiến và chế độ tiền thưởng đối với ông Vũ Văn Đoàn, đề xuất xử lý trách nhiệm hành chính đối với ông Đoàn và ông Tú.
Trước đó, việc Phó hiệu trưởng Vũ Văn Đoàn không làm việc mà vẫn nhận lương gây lãng phí, thậm chí còn được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến năm học 2021-2022, giáo viên trường THCS Vĩnh Hòa đã làm đơn kiến nghị gửi các đơn vị.
Giáo viên trường THCS Vĩnh Hòa còn nêu các vấn đề sai phạm trong công tác quản lý của Ban giám hiệu như: việc dạy học thêm trái quy định; làm sai thừa giờ, ký thay chữ ký trong bảng kê khai thừa giờ năm học 2021-2022…
Minh Long
Chương trình chấn hưng văn hóa 340.000 tỷ: Dư luận “hiểu hơi nặng nề về kinh phí”?
Một đứa trẻ nghèo bám vào hàng rào tại Sapa, 2018. (Ảnh minh họa: Aleksei Liashchenko/Shutterstock)
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL thừa nhận từ tên gọi, phạm vi và nguồn lực của chương trình đều đang phải xem xét lại, trong đó khó khăn lớn nhất là về nguồn tiền – dự toán 340.000 tỷ đồng “chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.
Chiều 22/10, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến về công tác năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 đối với các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách, gồm: văn hóa, thể thao, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, thông tin – truyền thông; giáo dục và đào tạo; thanh niên và trẻ em.
Trong lĩnh vực văn hóa, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được đại diện Bộ VH-TT&DL – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề cập đến.
Bà Thủy cho biết Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ sớm trình các cấp có thẩm quyền về chương trình này. Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề cần quan tâm như tên gọi, phạm vi và nguồn lực của chương trình.
Về phạm vi, bà Thủy cho hay rất nhiều ý kiến băn khoăn là văn hóa con người rất rộng, nếu “không đề cập một cách hài hòa, phù hợp thì vấn đề con người trong chương trình mục tiêu có sự mờ nhạt nên Bộ đang nghiên cứu”.
Về tên gọi, hiện cũng có nhiều ý kiến băn khoăn như tên gọi mà Bộ Chính trị đã giao – Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam – hay chỉ đơn giản là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Về nguồn lực, theo bà Thủy đây là khó khăn lớn nhất. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nói có nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng chưa có đủ căn cứ để quy định trình nguồn lực.
“Tất cả các vấn đề, Bộ cũng đang rất tích cực nghiên cứu để sớm đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện”, bà Thủy nói.
Trước thông tin do Bộ VH-TT&DL vừa công bố, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nguồn lực ít hay nhiều sẽ có sự cân đối, điều quan trọng nhất là chương trình sẽ ưu tiên, tập trung cho việc gì và giải quyết thế nào.
“Giả sử một di tích văn hóa, khu di tích nếu chỉ duy tu bảo trì cái lõi thì kinh phí ít, nhưng cải tạo toàn bộ khuôn viên, còn làm du lịch thì ra kinh phí rất khác” – ông Vinh lấy dẫn chứng.
Từ đó, ông Vinh cho rằng Bộ VH-TT&DL nên nêu rõ hướng thứ tự ưu tiên thế nào, làm cái nào chính, cái nào trước và khi có nguồn lực làm tổng thể hơn, bài bản hơn và khi đó cần nguồn lực lớn hơn.
Về tổng vốn kinh phí mà các bộ đang lo ngại, ông Vinh cho rằng là do “thiếu thông tin”, khiến mọi người chưa hiểu về chương trình, nói theo cách của ông Vinh là dư luận “hiểu hơi nặng nề về kinh phí”.
“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất gần đây là thiếu thông tin. Ngay cả chúng tôi đọc báo mới biết con số 350.000 tỷ chứ cũng chưa biết, chưa hình dung nó thế nào. Dân cũng vậy thôi, tiếp cận nhiều thông tin đâu đó không đầy đủ. Do đó, thay vì con số tổng thì Bộ VH-TT&DL cần giải thích cho người dân việc cần làm thì tôi cho rằng xã hội sẽ ủng hộ thôi”– Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục nói.
Theo nội dung trình Phó thủ tướng hồi cuối tháng 8, Bộ VH-TT&DL cho biết kinh phí để thực hiện chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt trong giai đoạn 2025-2035 là 350.000 tỷ đồng.
Cho ý kiến về chương trình, Bộ KH-ĐT, Bộ Nội vụ… đề nghị Bộ VH-TT&DL cần làm rõ đề xuất để đưa ra con số kinh phí trên, trong khi Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lo ngại về tính hiệu quả, cần thiết của chương trình.
Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng chương trình này dành phần lớn kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng…, và đây là việc cần đánh giá một cách thận trọng.
Đơn vị này cho rằng đầu tư hạ tầng là việc làm cần thiết nhưng thiếu cân đối vì việc tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng. Trên thực tế, các công trình văn hóa “hiện đại” như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như Chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Các bảo tàng, nhà hát cũng không hoạt động thường xuyên do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Nguyễn Quân
Kiều hối về TP HCM trong chín tháng vượt cả năm 2022
23/10/2023
Lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tính đến cuối tháng 9/2023 đã vượt cả năm 2022; ở mức 6 tỷ 687 triệu USD.
AFP
Lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tính đến cuối tháng 9/2023 đã vượt cả năm 2022; ở mức 6 tỷ 687 triệu USD.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lệnh, cho biết vào chiều ngày 23/10 và truyền thông Nhà nước loan đi.
Số liệu vừa nêu cho thấy mức tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 101% so với cả năm 2022.
Lượng kiều hối đổ về TP HCM như vừa nêu được ông Nguyễn Đức Lệnh thừa nhận là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế và xã hội; tác động hỗ trợ và tích cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Thông tin vừa nêu được đưa ra vào khi Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, cũng vào chiều 23/10 phát biểu rằng sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp trong nước đã đến mức giới hạn.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gặp nhiều thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài.
Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính bị chậm lại; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%, nợ xấu có xu hướng tăng, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nhiệp tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, ông Phạm Minh Chính, báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào sáng 23/10 rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt trên 5%, thấp hơn mức Quốc hội giao. Lý do vì nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến kéo dài đến ngày 28/11 tới đây.
Overlay3
Tags: tin tức thế giới, Việt Nam