Chuyện Việt Nam Thứ Hai 27 tháng 11 năm 2023


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam điều chỉnh kế hoạch về khí hậu trước COP28

Chi Phương /RFI – 27/11/2023

Vài ngày trước khi Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP28) diễn ra, báo chí trong nước đưa tin hôm nay, 27/11/2023, bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam cùng Nhóm đối tác quốc tế (IPG) đã tổ chức hội thảo nhằm hoàn thiện “Kế hoạch huy động nguồn lực”, với mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm sử dụng than để có thể hỗ trợ hàng tỷ đô la.  

Workers are seen in Ninh Binh Power Plant, which is a coal fired power plant to supply electricity, in Ninh Binh Province in Vietnam, on Sept. 19, 2007
Một nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Ảnh chụp năm 2007. AP – Chitose Suzuki 

Trang Baochinhphu cho biết “Kế hoạch huy động nguồn lực”, được cho là bước đầu tiên để thực hiện thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng – JETP, được ký vào năm 2022, nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm sử dụng than.  

Bản dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực cần phải được các nhà đầu tư thông qua trước khi COP28 diễn ra. Một quan chức nước ngoài ẩn danh trả lời hãng tin Reuters, cho rằng vẫn cần phải thay đổi nhiều điểm trong dự thảo, “nhất là về những vấn đề pháp lý gây cản trở đầu tư”.  

Tại hội thảo, theo baochinhphu, đại diện của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng đã kêu gọi Việt Nam “tiến hành cải cách chính sách để giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung.” 

Hội nghị COP28 khai mạc vào ngày 30/11 tại Dubai, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có khả năng bản kế hoạch này sẽ được thông báo tại đây. Một trong những bản dự thảo mà Reuters xem được vào tháng 10, chỉ ra 400 dự án có thể nhận được tài trợ từ nhóm G7. Trong đó, 272 dự án về các cơ sở năng lượng tái tạo.  

Theo thỏa thuận JETP, các nhà đầu tư chủ yếu là thành viên của nhóm G7 sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và giảm sử dụng than, thông qua khoản vay lên đến 15,5 tỷ đô la, với lãi suất ưu đãi.Theo hãng tin Reuters, không có gì chắc chắn để nói rằng Việt Nam sẽ chấp nhận khoản vay này vì chính phủ Cộng sản trước đây vẫn luôn dè dặt với các khoản vay nước ngoài.  

Về sử dụng than đá tại Việt Nam, vào năm 2020, 31% lượng điện do Việt Nam sản xuất đến từ than đá. Hồi tháng 10 năm nay, tổng lượng than khai thác trong nước và nhập khẩu lên đến 80 triệu tấn, khiến Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới.  


Việt Nam, Úc trên đường trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”

Thanh Phương /RFI – 27/11/2023

Theo báo chí chính thức của Việt Nam, bên lề Thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 17/11/2023, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp thủ tướng Úc Anthony Albanese. Trong cuộc gặp này, thủ tướng Úc đã bày tỏ mong muốn “quan hệ với Việt Nam tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng của hai bên”

Australian Prime Minister Anthony Albanese, left, and Vietnamese Prime Minister Pham Minh Chinh, left, shake hands, ahead of their bilateral meeting in Hanoi, Vietnam on Sunday June 4, 2023. (Duong Gi

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (T) và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Minh Chính trước cuộc họp song phương tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 04/06/2023. AP – Duong Giang 

Ông Albanese đã tuyên bố như trên trong bối cảnh năm nay là kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao giữa Canberra và Hà Nội và cũng là năm được coi là “chín mùi” để hai nước nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.

“Đối tác chiến lược toàn diện” là cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam, một mối quan hệ mà Việt Nam cho đến nay mới chỉ thiết lập với 5 quốc gia Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và gần đây nhất, vào tháng 9, là với Hoa Kỳ. Riêng Úc chỉ mới là đối tác chiến lược của Việt Nam kể từ năm 2018, trong khi Canberra đã thiết lập bang giao với Hà Nội từ cách đây 50 năm, tức ngay cả trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Sydney ngày 23/11/2023, nhà báo Lưu Tường Quang trước hết nhắc lại lịch sử bang giao giữa Úc với Việt Nam: 

“Bang giao song phương giữa hai nước đã bắt đầu từ năm 1973. Sau khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, chính phủ Úc lúc đó dưới quyền của thủ tướng Gough Whitlam đã công nhận chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đồng thời vẫn duy trì bang giao với Việt Nam Cộng Hòa.

Trong thời gian Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, ai đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi sự cô lập? Chính là nước Úc. Chính ngoại trưởng Bill Haydon đầu thập niên 1980 đã vận động để Việt Nam bớt bị cô lập và có thể gia nhập lại môi trường bang giao thế giới. Cũng vì thế mà vào năm 1984, do lời mời của ngoại trưởng Bill Haydon mà ông Nguyễn Cơ Thạch đã là ngoại trưởng đầu tiên của CHXHCN Việt Nam thăm một quốc gia Tây phương tại Canberra.

Vào năm 1999, Úc là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thương thuyết và chấp nhận với Việt Nam trao đổi tùy viên quân lực giữa Canberra và Hà Nội.”  

Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat của Nhật ngày 01/11/2023, tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Úc) nhắc lại:

“Ý tưởng nâng cấp quan hệ lần đầu tiên được ngoại trưởng Úc Marise Payne đề xuất với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh vào tháng 11/2020. Sau đó, ý tưởng này đã được cựu thủ tướng Scott Morrison hai lần nêu ra trong các cuộc điện đàm riêng với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính vào tháng 1 và tháng 5/ 2021. 

Với sự thay đổi chính phủ ở Úc sau cuộc bầu cử vào tháng 5/2022, cuộc thảo luận về việc nâng cấp đã bị đình trệ cho đến chuyến thăm của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ tới Canberra vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022. Trong các cuộc gặp với các thành viên của cả hai cơ quan hành pháp và lập pháp của Úc, ông Vương Đình Huệ đã đạt được sự đồng thuận với họ về việc nâng cấp quan hệ song phương. Hai bên dự kiến việc nâng cấp sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm nay.” 

Nhà báo Lưu Tường Quang cũng tin rằng rất có khả năng là trong vài tháng tới, quan hệ giữa Úc với Việt Nam sẽ được nâng cấp lên đến mức cao nhất:

“Không những tôi tin tưởng bang giao song phương giữa CHXHCN Việt Nam và Úc sẽ được nâng lên mức cao nhất trong cuối năm nay, hoặc đầu năm tới, mà còn có những dấu hiệu rất cụ thể cho thấy việc này có nhiều khả năng xảy ra, căn cứ vào các cuộc thăm viếng của các quan chức cao cấp của Úc đến Việt Nam, cũng như cuộc gặp mới đây nhất giữa chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và thủ tướng Anthony Albanese nhân thượng đỉnh APEC tại San Francisco.

Với sự thăm viếng dồn dập từ phía Úc sang Việt Nam mà Việt Nam chưa đáp lễ ở mức tương đương, tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để từ đây đến cuối năm, một trong ba vị trong “tứ trụ triều đình” có thể sang thăm Úc và có thể một trong những mục tiêu sẽ là nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược đã có từ 2018 lên mức đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024. 

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/2022, chính Việt Nam đã cử chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ sang thăm Úc như là sự kiện khởi đầu kỷ niệm 50 năm bang giao. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay chúng ta không thấy các nhân vật quan trọng trong nhóm tứ trụ có mặt tại Úc. Trong số 3 vị còn lại, tất nhiên là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ không thể thăm Úc, do ông đã không thể đi thăm Hoa Kỳ vì lý do sức khỏe, mặc dù trong lịch sử bang giao Úc-Việt Nam, đã từng có 2 tổng bí thư thăm nước Úc: ông Nông Đức Mạnh vào năm 2009 và trước đó là ông Đỗ Mười năm 1995 vào thời thủ tướng Paul Keating. Tôi thấy thủ tướng Albanese đã thăm Hà Nội hồi tháng 6/2023 và đã gặp gỡ và thảo luận với thủ tướng Phạm Minh Chính, thì tôi nghĩ là để đáp lễ, nhân vật có thể đến thăm Úc đây đến cuối năm hoặc đầu năm tới là ông Phạm Minh Chính chăng? Một trong hai người có thể đến Úc, đó là ông Phạm Minh Chính và ông Võ Văn Thưởng.”   

Trong bài viết đăng trên The Diplomat ngày 01/11, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải đã nêu ra ba lựa chọn mà Việt Nam và Úc có thể cân nhắc nếu mong muốn nâng cấp mối quan hệ trong năm nay. Phương án đầu tiên là chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và thủ tướng Albanese sẽ đưa ra thông báo khi gặp nhau bên lề Thượng đỉnh APEC ở San Francisco ( Nhưng việc này đã không diễn ra ). Lựa chọn thứ hai, mặc dù hơi kém, là việc nâng cấp diễn ra thông qua cuộc gặp trực tuyến giữa hai thủ tướng, như Việt Nam đã làm với New Zealand vào năm 2020. Lựa chọn thứ ba và lý tưởng nhất sẽ là chuyến thăm ngắn ngày của thủ tướng Phạm Minh Chính tới Canberra nhưng tập trung vào việc nâng cấp trước khi năm 2023 kết thúc, giống như chuyến thăm ngắn ngày của tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9. 

Theo đánh giá của nhà báo Lưu Tường Quang, việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện sẽ có lợi cho cả hai nước Úc và Việt Nam :

“Trong các cuộc gặp gỡ, chẳng hạn như giữa thủ tướng Albanese với thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức ngày 07/06/2023, hai bên đã nêu lên sự hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Úc và CHXHCN Việt Nam, không những về đầu tư thương mại, chống biến đổi khí hậu, mà nước Úc còn giúp cho Việt Nam về phát triển qua các viện trợ phát triển chính thức ODA. 

Nhưng cả hai bên cũng đều nói là có thể tăng cường quan hệ về an ninh quốc phòng. Tôi nghĩ Việt Nam và Úc có một mẫu số chung là vì trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Úc ủng hộ lập trường của Việt Nam: Biển Đông phải được giữ nguyên trạng, không được quân sự hóa và phải được tự do lưu thông hàng hải, hàng không. Nước Úc coi sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông như là một sự đe dọa đối với chính nước Úc. 

Sự hợp tác về quốc phòng rất là đa dạng. Việt Nam có khả năng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới, như tại Nam Sudan, phần lớn là do được Úc huấn luyện, không chỉ về Anh ngữ, mà cả về cách hành xử khi tham gia các chiến dịch bảo vệ hòa bình. Chính các phi cơ vận tải của Úc đã chở các binh lính Việt Nam sang Nam Sudan. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng khắng khít. Tại các học viện quân sự của Úc, hiện có nhiều sinh viên sĩ quan của Việt Nam đang theo học.

Vì những lý do đó mà tôi nghĩ là việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên chiến lược toàn diện sẽ có lợi cho cả hai bên. 

Tôi nghĩ có hai lĩnh vực mà Úc có thể gia tăng trợ giúp Việt Nam về an ninh quốc phòng. Thứ nhất là huấn luyện đơn vị quân đội Việt Nam tham gia bảo vệ hòa bình theo chương trình của Liên Hiệp Quốc. Thứ hai là Úc chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông, coi vấn đề tự do hàng hải và hàng không là quan trọng, cũng như Úc không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Thứ ba là trong các cuộc gặp gỡ giữa ông Albanese và ông Phạm Minh Chính cũng như trong các cuộc gặp song phương giữa ngoại trưởng Penny Wong với ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục thảo luận ở cấp cao mỗi năm, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và thế giới. Những từ ngữ mà tôi cho là rất khích lệ: Cả hai bên đều coi đối tác của mình là quan trọng.

Về phía nước Úc, ông Albanese đã nói rõ với ông Phạm Minh Chính khi thăm Việt Nam hồi tháng 6 là nước Úc coi Việt Nam là đối tác hàng đầu và ngay trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh APEC, ông Albanese cũng đã nói với chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rằng nước Úc coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu trên thế giới.  

Thật sự thì nước Úc không phải là một đại cường, mà chỉ là một quốc gia phát triển bậc trung, cho nên sự gần gũi giữa Úc với Việt Nam dễ dàng được thực hiện.”


Suy tư về một sự kiện văn hoá – Mạc Văn Trang

27/11/2023

Trước khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mất, tôi không biết tiểu sử của ông, không hiểu ông có vai trò gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN); tôi chỉ đọc mấy bài thơ của ông và bài nhà thơ Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ… và cảm thấy mến mộ cả hai người.

Nhưng khi HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trên mạng xã hội trong và ngoài nước tràn ngập những bài viết về Ngài, tôi bỏ công tìm hiểu, và thấy Nhân cách của Ngài, sự nghiệp của Ngài đã hoàn toàn chinh phục trái tim và khối óc của tôi: Đây đích thực là một vị Chân tu, một Trí thức lớn, một nhà Phật học uyên thâm, một Nhân cách văn hoá không chỉ của Phật giáo mà của Dân tộc.

Điều ngạc nhiên là sau khi Ngài mất ba ngày, đến sáng nay tôi gõ cụm từ “HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch” trên Google xuất hiện Khoảng 178.000 kết quả (0,29 giây), mà trên toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước chỉ có báo Tuổi trẻ đưa tin về sự kiện này.

Vậy là từ trước đến nay và cả khi Ngài mất, toàn hệ thống truyền thông nhà nước không được giới thiệu về Thích Tuệ Sỹ, ém nhẹm mọi thông tin về Ngài, cố tình vùi lấp đi một Nhân cách Văn hoá, một sự kiện Văn hóa đáng được tôn vinh.

Trong Tiểu sử của ông viết:

“Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật [1]. Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển [2]”.

Như vậy nhân vật Thích Tuệ Sỹ gắn liền với cộng đồng GHPGVNTN tạo nên một thực thể văn hoá trong lòng dân tộc. Văn hoá là cái được hình thành tự nhiên trong lịch sử, nó gắn liền với những con người, những cộng đồng sản sinh ra văn hoá; trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nó vẫn tồn tại và tích tụ, toả sáng giá trị trường tồn. Có những thế lực muốn xóa nó đi, nhưng nó vẫn tồn tại dưới nhiều dạng thức và khi có cơ hội sẽ lại phục hưng…

Đảng CS từ khi cầm quyền đã tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hoá tư tưởng, cách mạng Khoa học kỹ thuật, nhằm xóa cái Cũ, xây dựng cái Mới, nhưng nhìn lại tất cả ba cuộc cách mạng đó đều sai lầm và thất bại. Xóa cái CŨ nhưng cuối cùng lại phục hồi cái CŨ mà chẳng ra sao, còn cái MỚI tạo ra nhiều cái phản giá trị!

Ở đây chỉ nói về “Cách mạng Văn hoá tư tưởng” tiến hành bằng cách phá đình chùa, đốt sách cũ, bài trừ “hủ tục, văn hoá phong kiến, thực dân đồi truỵ”…; vùi dập các trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà tu hành chân chính… Còn xây dựng “nền văn hoá mới” đến nay được những gì?

Bao nhiêu Nghị quyết, bao nhiêu cuộc vận động “chống và xây”, bao nhiêu phong trào thi đua “xây dựng văn hoá mới”… suốt từ 1954 rồi 1975 đến nay, mấy mươi năm, để lại những GIÁ TRỊ VĂN HOÁ GÌ đáng được tôn vinh?

– Ta có 5 DI TÍCH VĂN HÓA VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn là: Quần thể di tích Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa MỸ Sơn, di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đó đều là những di sản của chế độ phong kiến để lại, may bị cách mạng phá mà chưa hết!

Có 15 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cần được bảo tồn: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Kinh Bắc, Ca Trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca Tài tử Nam bộ. Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Thực hành Then của người Tày- Nùng- Thái, Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Tất cả những di sản này đều gắn với những nhân vật, những cộng đồng tạo ra, gìn giữ không gian văn hoá, phát triển nó một cách tự nhiên trong đời sống, trong dòng chảy của lịch sử, trải bao thăng trầm, những vẫn tồn tại.

Hãy xem, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với pháp môn “Phật giáo Làng Mai”, đã trở thành cộng đồng Phật giáo Làng Mai quốc tế có ở hơn một chục cơ sở ở các nước là sự kiện văn hoá rất lớn.

Vậy mà Năm 2007 Phật Giáo Làng Mai mới được hoạt động ở Việt Nam; nhưng chưa bao lâu đã bị đánh đuổi tơi bời, phải chạy sang Thái Lan lập ra Phật giáo Làng Mai tại đất nước Thái và phát triển mạnh mẽ.

“Một bài viết trên Tạp chí Phật giáo Tricycle vào năm 2008 đã chỉ trích rằng nếu bạn thực hành Bát Chánh Đạo tại Việt Nam, trong đó có chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải), thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì “tội tuyên truyền chống nhà nước”.

“Nhận xét vừa nêu cũng trùng hợp với nhận định của thiền sư Nhất Hạnh sau vụ việc Bát Nhã vào 2009, khi các tu sinh Làng Mai bị đuổi ra khỏi một ngôi chùa của GHPGVN tại tỉnh Lâm Đồng: “Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân”.

Nhìn vào Phật giáo nước nhà thấy rõ GHPGVNTN và Phật Giáo Làng Mai có những nhân vật văn hóa lỗi lạc gắn liền với sinh hoạt của các cộng đồng này, tạo ra những giá trị văn hoá dẫn dắt phật tử tu tập theo Chính đạo, đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân và xã hội bền vững.

Vì vậy tôi nghĩ, đừng nhân danh cái gì mà xoá bỏ GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai. Xoá đi là tội lỗi với dân tộc, với Phật giáo nước nhà. Mà xóa cũng không được vì nó gắn liền với những con người, những nhân cách văn hoá lớn tạo dựng nên cộng đồng văn hoá đó; nó sẽ tồn tại lâu dài.

Theo thiển nghĩ, GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai cũng là tiếp nối, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. “Thiền phái Trúc Lâm (zh. 竹林禪派) là một tông phái của Thiền tông Việt Nam, hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng Thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).

Đây là cội nguồn văn hoá dân tộc đáng tự hào, cần được bảo tồn, chấn hưng, phát triển, vì các giá trị văn hoá ấy gắn liền với tên tuổi những nhân cách văn hoá lớn và những di sản văn hoá phi vật thể đồ sộ, vô cùng phong phú.

Còn Nhà nước muốn “chỉ đạo xây dựng” GHPGVN thành nền văn hoá Phật giáo XHCN với các hoạt động “Dâng sao giải hạn”, “trục vong”, “phóng sinh”, “cúng lễ, cầu xin”… thì cứ chỉ đạo; nhà nước tôn vinh mấy ông sư nói: Dâng sao giải hạn mỗi người đóng 200 ngàn, nhà chùa lỗ chổng vó ra; càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo… thì cứ tôn vinh. Những đừng vì muốn tôn vinh “cái của mình” mà đi xoá bỏ cái tốt đẹp thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc. Thời đại này rồi, hãy để văn hoá “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh với nhau thì chỉ thêm phong phú và cái tốt đẹp sẽ được cuộc sống nuôi dưỡng, cái xấu hại sẽ bị loại bỏ.

Bộ Văn hoá có đem hết 3.500 tỷ đồng đầu tư chấn hưng Văn hóa GHPGVN cũng không sao tạo ra được những nhà sư như Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu và cộng đồng phật tử tu theo những vị Chân tu này.

Văn hoá nảy sinh từ cuộc sống, các nhà văn hóa lỗi lạc như Trời Đất sinh ra để dẫn dắt những cộng đồng văn hoá đó; nó hình thành tự nhiên, chẳng có Nghị quyết hay ai chỉ đạo xây dựng nên được! Cho nên đường lối quản lý văn hoá là phát hiện ra những sự kiện văn hoá, nhân vật văn hoá, cộng đồng văn hoá có giá trị Chân, Thiện, Mỹ đích thực thì bảo tồn, tạo điều kiện cho nó phát triển bình thường trong đời sống xã hội và có thể trở thành những di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại.

“Tham nhũng nhưng không vụ lợi” – có thể được không?

Đặng Đình Mạnh/SGN

26/11/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/image-20230301174413-1.jpeg

Hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng, tội danh liên quan chức vụ. Cho nên, chủ thể chính của tội danh hối lộ luôn là người có chức vụ, tức là đảng viên – trong trường hợp Việt Nam. Thật vậy, hiện nay, chỉ có đảng viên mới được bổ nhiệm vào các chức vụ chính quyền tại Việt Nam.

Hối lộ là tội danh không hề mới. Luật pháp hầu hết quốc gia trên thế giới đều quy định tội danh hối lộ với chính sách chế tài rất nghiêm ngặt trong bộ luật hình sự, vì tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này.

Tuy cùng mục đích lý tài, xem tài sản là mục đích để chiếm đoạt, nhưng hối lộ vẫn khác với tội danh có tính cách lý tài khác như cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… vì mức độ nguy hiểm của chúng. Một mặt chúng làm tha hóa bộ máy chính quyền, mặt khác, chúng làm mất đi tính uy quyền và tính chính danh, là các yếu tố bảo đảm sự hoạt động hữu hiệu của bộ máy công quyền và hiệu lực pháp luật.

Trong tội danh hối lộ, mối quan hệ giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ luôn là mối quan hệ có mục đích vụ lợi. Trong đó, một mặt người đưa hối lộ mong muốn công việc phi pháp hoặc hợp pháp của mình được giải quyết (làm hoặc không làm), do đó, họ hối lộ để đạt được mục đích đó. Mặt khác, người nhận hối lộ thực hiện công việc (làm hoặc không làm) để thỏa mãn mong muốn của người đưa hối lộ cũng với mục đích được nhận số tiền hối lộ.

Đơn cử trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng SCB đã hối lộ cho toàn bộ 18 thành viên thuộc đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước để họ làm ngơ những sai phạm. Cho thấy, ngân hàng là phía bên đưa hối lộ có mục đích vụ lợi là để hoạt động phi pháp của họ thoát lưới pháp luật. Bên kia, 18 thành viên đoàn thanh tra nhận hối lộ có mục đích vụ lợi là nhận số tiền phi pháp để im lặng, làm ngơ cho những sai phạm của ngân hàng.

Cho nên, khái niệm “Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi” là điều hoàn toàn vô lý, chỉ là sự ngụy biện, cưỡng từ đoạt lý một cách méo mó, tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam hiện nay mà thôi. Khái niệm đó không phải là chuẩn mực pháp lý đã đành, mà trong thực tế, cũng không bao giờ diễn ra, vì lẽ, nếu người dưng nước lã với nhau, không ai tự nhiên mang vác một số tiền lớn cho không ai bao giờ cả?!

Quan chức đầu tiên từng đề cập khái niệm này phải kể đến ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong phiên làm việc vào kỳ họp thứ 5 (Tháng Năm 2023) Quốc hội. Về phương diện xã hội, thật khó mà thuyết phục công chúng chấp nhận một khái niệm trái khuấy và nghịch ngạo như vậy.

Bên cạnh đó, về phương diện pháp lý, khái niệm này cũng chưa từng được Quốc hội thông qua như một quy định luật pháp thành văn. Tuy vậy, phát biểu của ông Lê Minh Trí khi ấy đã dọn đường dư luận để các cơ quan tư pháp vội vã cho áp dụng ngay từ phiên tòa hình sự “Chuyến bay giải cứu” đầy tai tiếng, “cứu” hàng loạt quan chức “nhúng chàm” vốn trấn lột, nhận hối lộ của dân lành ngay trong cơn khốn khó vì dịch giã.

Tuy trái khuấy, nghịch ngạo, nhưng chế độ đã tự tin đến mức không cần che giấu về nguyên nhân ra đời khái niệm “Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi”, nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng Cộng Sản “cứu” các quan chức đảng viên vi phạm pháp luật. Các quan chức cao cấp của Đảng Cộng Sản đã ngang nhiên công khai thách thức công luận khi từng nhiều lần phát biểu công khai về chủ trương này trên hệ thống truyền thông trong nước: “Nếu có vi phạm pháp luật mà cứ xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự thì còn lấy đâu ra cán bộ làm việc?” [*].

Chế độ phải đối diện với thực tế không thể nào tệ mạt hơn: Quan chức đảng viên phạm tội tham nhũng (trong đó có hối lộ) trở nên quá phổ biến, đến mức độ, nếu cứ xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự, thì quả rằng sẽ không còn người làm việc. Cho nên, họ đã tùy tiện “đẻ” ra khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” hoặc “Nhận tiền (tham nhũng) nhưng không vụ lợi”. Theo đó, chỉ những quan chức vi phạm tội danh hối lộ nặng nề nhất sẽ bị kỷ luật hoặc khởi tố, số còn lại sẽ được cứu, nhân danh “Hối lộ (hoặc tham nhũng) nhưng không vụ lợi”.

Như đã phân tích trên, khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” chỉ là sự cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách tùy tiện trong nền tư pháp què quặt của Việt Nam mà thôi. Điều đó, không phải là chuẩn mực pháp lý đã đành mà còn không chính đáng. Chính sự không chính đáng đã làm cho công chúng dễ dàng phát hiện ra sự sai trái của khái niệm này, cho dù họ không cần có sự hiểu biết chuyên môn như một luật sư.

Việc Đảng cầm quyền chủ trương dung túng, chứa chấp cho các quan chức đảng viên tham nhũng qua hành vi hối lộ đã biến chế độ hiện nay thành một bộ máy tội phạm khổng lồ, tàn phá tan hoang đất nước, hủy hoại không chỉ những giá trị vật chất mà gồm cả những giá trị tinh thần, các định chế căn bản của quốc gia… khiến sự phục hồi sau này sẽ rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, ít nhất, cũng vài thế hệ.

___________

[*] Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc Hội; Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc Hội; Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.


Sách: Vietnam – Navigating A Rapidly Changing Economy, Society And Political Order

November 17, 2023 

Research Asssisant Nghiên cứu Việt NamBörje Ljunggren, Dwight H. Perkins, Nghiên cứu Việt Nam 

https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/11/vietnam_navigating_a_rapidly_changing_economy_society_and_politcal_order_cover.png?w=786

Chủ biên: Börje Ljunggren & Dwight H. Perkins

Nhà xuất bản: Harvard University Press

Ngày xuất bản: Ngày 20 tháng 6 năm 2023 

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

Đây là một cuốn sách nghiên cứu toàn diện về quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một đối tác tiềm năng và một tác nhân có ý nghĩa chiến lược trên trường toàn cầu. Cuốn sách là một nỗ lực hợp tác của các học giả đến từ Việt Nam, Bắc Mỹ và Châu Âu. Những góc nhìn đa dạng này mang đến sự hiểu biết toàn diện, tinh tế và đa sắc thái về bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng của Việt Nam.

Cuốn sách khám phá cách Việt Nam, một nhà nước độc đảng theo chủ nghĩa Lênin đã cố gắng dung hòa hệ thống độc đảng với nền kinh tế thị trường gắn liền với chuỗi giá trị toàn cầu. Cuốn sách tập trung vào quản trị đất nước và tác động của nó đối với chính trị, kinh tế, phát triển xã hội và quan hệ với thế giới bên ngoài, cung cấp một lăng kính chính yếu để hiểu được sự chuyển đổi của đất nước.

Cuốn sách không chỉ phân tích thực trạng Việt Nam mà còn bàn về những cải cách cần thiết để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao bền vững và hiện đại trong những thập kỷ tới. ​Các tác giả cũng nêu bật những thách thức, bao gồm cả những thách thức mang tính hệ thống, nhưng vẫn lạc quan về tương lai của Việt Nam, lưu ý đến sức sống rõ ràng của một xã hội đầy quyết tâm. 

Nhìn chung, cuốn sách cung cấp sự hiểu biết sâu sắc và bao quát về hành trình của Việt Nam cũng như quá trình vượt qua những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội, trật tự chính trị và quan hệ quốc tế. Sự bao quát và chiều sâu này cung cấp cái nhìn toàn diện về những khía cạnh tác động đến quá trình chuyển đổi của Việt Nam.


Comments are closed.