Chuyện Việt Nam Thứ sáu 19 tháng 4 năm 2024: Hai tàu chiến TQ thường trực ở quân cảng Ream *Tô Lâm đánh phủ đầu Vương Đình Huệ *Kênh đào Phù Nam Techo: Mỹ nói phải minh bạch


Quê Hương tổng hợp


Hai tàu chiến Trung Quốc thường trực ở quân cảng Ream, Việt Nam có nên lo?

BBC News – 19/4/2024

Ảnh vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chụp ngày 7/4/2024.

Nguồn hình ảnh, CSIS/Asia Maritime Transparency Initiative/Maxar 2024

Chụp lại hình ảnh, Hai tàu chiến Trung Quốc neo ở quân cảng Ream, Campuchia. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 7/4/2024. 

Theo hình ảnh vệ tinh, hai tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã có mặt tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong phần lớn thời gian của hơn bốn tháng qua.

Sự hiện diện của hai tàu chiến Trung Quốc trong một thời gian dài đang làm dấy lên những câu hỏi về mức độ thường trực của lực lượng quân sự Trung Quốc tại đây.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định đây là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc quyền tiếp cận của Trung Quốc” tới Ream.

Cũng cần lưu ý rằng căn cứ hải quân Ream nằm ở tỉnh Sihanoukville bên bờ Vịnh Thái Lan.

Nơi này cách Đảo Phú Quốc khoảng 30 km và cách biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 90 km.

Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên đưa tàu chiến đến Căn cứ Ream vào năm ngoái.

Dự án mở rộng Căn cứ Ream do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại và được xúc tiến vào khoảng giữa năm 2022, theo Khmer Times.

Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng cơ sở của Căn cứ Ream, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ xây dựng cầu cảng, nâng cấp tàu chiến, các ụ sửa chữa trong căn cứ và bệnh viện quân – dân y của Campuchia.

‘Hiện diện thường trực’ ở Căn cứ Ream

Hai tàu chiến neo ở quân cảng Ream vào các ngày (theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái): 14/12/2023, 22/1/2024, 15/2/2024 và 10/3/2024

Nguồn hình ảnh, CSIS/Asia Maritime Transparency Initiative/Maxar 2024

Chụp lại hình ảnh, Hai tàu chiến Trung Quốc neo ở quân cảng Ream vào các ngày (theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái): 14/12/2023, 22/1/2024, 15/2/2024 và 10/3/2024. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Lần đầu tiên xuất hiện thông tin về sự hiện diện của hai tàu hộ tống của Trung Quốc tại Căn cứ Ream là vào ngày 3/12/2023.

Thông tin này xuất phát từ một bài đăng Facebook của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha.

Theo bài đăng, hai tàu này tới đây để tham gia huấn luyện với Hải quân Hoàng gia Campuchia.

Tới khoảng giữa tháng 1/2024, RFA dựa vào hình ảnh của Planet Labs, một công ty phân tích hình ảnh vệ tinh có trụ sở tại Mỹ, cho biết hai tàu này đã rời khỏi Ream. Tới tháng 3/2024, Nikkei đưa tin hai tàu này xuất hiện tại Ream.

Trong khi đó, theo hình ảnh vệ tinh thương mại của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á, các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chưa bao giờ rời Ream và đã duy trì sự hiện diện ở thường trực ở Ream tới nay là hơn bốn tháng.

Tính từ ngày 3/12/2023, có 91 ngày ảnh chụp vệ tinh khu vực này rõ nét. Trong đó, hai tàu chiến nói trên được xác định hiện diện tại Ream tổng cộng 85 ngày, tức khoảng 93% số ngày.

Ngược lại không có tàu hải quân của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm Campuchia, xuất hiện tại Căn cứ Ream trong các ảnh chụp vệ tinh.

Các tàu của Campuchia trong khu vực này vẫn được neo tập trung tại cầu cảng cũ và nhỏ hơn nằm ở phía nam căn cứ.

Vào năm 2020, ông Hun Sen, lúc bấy giờ là Thủ tướng Campuchia, từng tuyên bố những cơ sở được nâng cấp của Căn cứ Ream sẽ mở cửa đón tiếp tất cả các lực lượng hải quân.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2024, hai tàu khu trục của Nhật Bản khi tới Campuchia đã được định tuyến tới Cảng tự trị Sihanoukville thay vì Căn cứ Ream.

Vị trí neo của hai tàu Nhật Bản khi đó chỉ cách Căn cứ Ream 15 km.

Việt Nam có nên lo lắng giống Mỹ?

Do khoảng cách từ Ream tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam là rất gần, như đã đề cập ở trên, nên những động tĩnh tại căn cứ này có thể khiến Việt Nam lo ngại.

Vào năm 2022, khi Căn cứ Ream được xúc tiến nâng cấp, Washington Post đã dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang thực hiện xây dựng một căn cứ quân sự bí mật tại Ream.

Cả Trung Quốc lẫn Campuchia đều phủ nhận thông tin trên.

Một cầu cảng và bến cảng mới đang được xây dựng ở khu vực phía tây nam của quân cảng Ream.

Nguồn hình ảnh, CSIS/Asia Maritime Transparency Initiative/Maxar 2024

Chụp lại hình ảnh, Một cầu cảng và bến cảng mới đang được xây dựng ở khu vực phía tây nam của quân cảng Ream. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 7/4/2024. 

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào năm 2022, ông Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho rằng nếu thông tin này là thật thì đây “rõ ràng là mối đe dọa tới Việt Nam, toàn bộ khu vực ASEAN và cả Mỹ”.

“Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa là họ có thể tấn công khu vực Trường Sa của Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất nếu xảy ra đụng độ trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ có nhiều hướng tấn công Việt Nam.”

“Với một căn cứ quân sự tại Campuchia, Trung Quốc cũng thể uy hiếp các quốc gia ASEAN khác,” ông nhận định.

Ông Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cũng có đánh giá tương tự.

Trả lời Washington Post vào năm 2022, ông đánh giá rằng một căn cứ ở Campuchia sẽ cho Trung Quốc “khả năng triển khai lực lượng trong khu vực mà Trung Quốc không thể có bằng cách khác.”

“Nó gắn liền với mục tiêu của Trung Quốc về việc thiết lập hiện diện quân sự vượt trội trên khắp vành đai châu Á và Biển Đông.”

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.

Tới nay, Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn còn lo ngại việc tồn tại một thỏa thuận bí mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh với mục đích thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài của Trung Quốc tại Ream.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink từng cho biết ông đã nêu ra các vấn đề liên quan đến căn cứ hải quân Ream trong chuyến thăm Phnom Penh cuối tháng 2/2024.

“Tôi nghĩ chúng ta đều đã thấy rằng trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã có những động thái ở Biển Đông mà vừa đi ngược lại luật pháp quốc tế, vừa sử dụng biện pháp cưỡng ép nhằm đe dọa các đối tác theo những cách mà chúng tôi thấy là không thể chấp nhận được và gây bất ổn [khu vực].”

Trở lại năm 2016, Campuchia từng bày tỏ quan tâm đến việc mua lại hai tàu chiến từ Trung Quốc.

Ông Tea Banh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia vào năm 2022, từng khẳng định rằng nâng cấp Căn cứ Ream sẽ giúp Campuchia có khả năng xử lý các “nhiệm vụ có tính kỹ thuật phức tạp” hơn, bao gồm vận hành các “tàu hiện đại” được trang bị tên lửa.

Khi được hỏi qua tin nhắn liệu binh lính Trung Quốc có đang huấn luyện hải quân Campuchia tiếp nhận các tàu chiến mới hay không, Tư lệnh Căn cứ Ream là Mey Dina đã trả lời “có”, theo Nikei Asia.

Ông không trả lời thêm các câu hỏi về thời gian đào tạo hoặc loại tàu sẽ được mua.


Tô Lâm đánh phủ đầu ngay khi Vương Đình Huệ quay về từ Bắc Kinh

Nam Việt

Saigon Nhỏ 

18 tháng 4, 2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/chu-tich-dang-huong-1.jpg

Ông Vương Đình Huệ cùng ông Phạm Thái Hà (áo xanh) thắp hương cho ông Hồ (Hình: Quốc Hội) 

Chuyến đi cầu viện Tập Cận Bình từ ngày 7 đến 12 Tháng Tư của ông Vương Đình Huệ, do đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng tổ chức, có vẻ không ăn thua với đòn phép của Tô Lâm.

Cuộc chiến của ông Tô Lâm nổ ra, dường như đã tính luôn cả bước ông Huệ sẽ tiếp cận Tập Cận Bình để xin bảo đảm cho chiếc ghế kế thừa tổng bí thư của ông Huệ. Ngay khi về nước, đòn tấn công mới của ông Lâm nhắm vào ông Huệ lại tiếp tục nổ ra làm chấn động hậu trường Ba Đình.

Cái đích của ông Lâm đã rõ: đường đến Đại Hội 14 của CSVN phải bằng phẳng và không còn kẻ nào đối đầu với ông ta. Và những gì vừa xảy ra, cho thấy còn nhiều phát súng nữa vẫn đang hờm vào ông Huệ.

Ngay khi hể hả bắt tay với các quan chức cao cấp của Bắc Kinh và ra về, mặt ông Huệ đã tái mét khi thấy dưới chân máy bay đã có mấy chiếc xe bảng số 80 đang chờ để áp giải ông Phạm Thái Hà về cơ quan điều tra.

Ông Hà đang nắm giữ chức phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, kiêm trợ lý và là cánh tay phải lâu năm của ông Huệ, để bàn tính trong các nước cờ đối phó chính trị lẫn leo cao.

Mặc dù sự vụ được giấu kín, nhưng tin tức ở trong nước đến chiểu tối ngày 17 Tháng Tư đã lan nhanh qua các tin nhắn riêng. Có tin nói ông Hà bị khởi tố bắt giam tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ Luật Hình Sự. Nhưng cũng có tin nói tay này bị buộc tội “nhận hối lộ,” quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình Sự.

Nhưng dù là tội gì, rõ ràng sợi dây liên đới dẫn đến ông Huệ đã hiện ra. Lịch sử đảng CSVN đương đại vẫn rành rành chuyện vào Tháng Giêng 2023, hai ông phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã phải từ chức vì các trợ lý mắc sai phạm.

Để biểu quyết xác định sai phạm của hai nhân vật này, 486 đại biểu Quốc Hội đã được họp mật theo từng tổ, nghe đọc chi tiết các vấn đề sai phạm của từng người, văn bản có đóng dấu mật, không phổ biến bên ngoài, có chữ ký xác nhận của ông Tô Lâm và cả chữ ký xác nhận có xem qua của Tổng Trọng. Dĩ nhiên, lối thoát cuối cùng của hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, là phải làm đơn xin từ chức, và cuối cùng được 96.99% số nghị gật bỏ phiếu lúc đó, tán thành!

Vụ bắt Phạm Thái Hà, chỉ là bước hai của tổng kế hoạch loại bỏ Vương Đình Huệ. Bước một, trong những ngày ông Huệ cầu viện Bắc Kinh, thậm chí đem chuyện các mỏ đất hiếm của Việt Nam ra để nhử mồi cầu thân, thì ở quê nhà, ông Tô Lâm mở đại án liên quan để Tập đoàn Thuận An.

Thuận An là cái tên ít ai để ý, nhưng người cầm đầu là chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã luôn lót tiền khéo và đậm cho Phạm Thái Hà. Nhờ vậy, tập đoàn Thuận An luôn vượt qua các nhà thầu khác để nhận ngân sách xây dựng hàng trăm ngàn tỷ từ nhiều năm nay. Các tuyến đường cao tốc khắp đất nước đều có bàn tay vận động hậu trường của Tập đoàn Thuận An để giành lấy.

Dĩ nhiên, mọi chuyện đều có cái gật đầu của ông Huệ thì ông Hà mới dám ký và vận động hành lang cho tập đoàn Thuận An. Tổng kết quá trình, tiền hối lộ cũng đã lên đến con số ngàn tỷ, mà chắc chắn không thể nào Hà dám ôm hết một mình.

Qua sự bảo trợ chính trị của liên minh Huệ – Hà, ông chủ tập đoàn Thuận An còn thao túng đến mức bán lại các gói thầu giành được cho các công ty xây dựng khác, đem riêng về cho mình những số tiền hoa hồng khổng lồ. Và từ đó, các vụ thu tiền phí cao tốc bất minh và ngang ngược đã diễn ra trên suốt cả nước mà không ai hiểu nổi. Những người lên tiếng phản đối và vạch trần sự việc này lần lượt vào tù hay phải bỏ đi tỵ nạn chính trị.

Nhiều nguồn tin vội, cho rằng ông Huệ phải im lặng từ chức. Thế nhưng nhằm dập tắt các tin đồn bất lợi, ngày 17 Tháng Tư, ông Huệ đã ra mặt trong cuộc họp mở màn của ủy ban Thường Vụ Quốc Hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc Hội khóa XV vào ngay ngày đầu, vốn không cần chủ tịch quốc hội có mặt, mà chỉ cần đại diện là Tổng Thư ký Quốc Hội, chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Bùi Văn Cường là được rồi. Dĩ nhiên, chủ tịch Huệ muốn bắn đi thông điệp rằng mình là người không dễ gục ngã.

Nhưng đường dài mới biết sức ngựa. Giờ đây ông Hà, đàn em thân tín gắn bó và là người đi cùng ông Huệ qua nhiều nấc thang quyền lực, suốt gần 20 năm, người hiểu và nắm rõ những “phần ăn” của mình và ông chủ, đang đối diện với những thủ thuật tra vấn kinh sợ của đàn em Tô Lâm, từng đêm trong ngục tối, liệu Hà sẽ bảo vệ ông chủ của mình đến mức nào?
Còn ông Trọng ắt cũng đang bứt tóc nghĩ đến cách giải vây cho Huệ.

Nhưng câu chuyện “đốt lò không có vùng cấm” mà ông vẽ ra, nhằm triệt tiêu các đối thủ chính trị của mình, giờ đây trở thành chuyện há miệng mắc quai, và phải nhượng bộ cho Tô Lâm diễn trò “trong sạch hoá nội bộ.”

Điều này khiến Trọng có thể không còn dám nghĩ đến chuyện về hưu trước đại hội CSVN năm 2026, vì bàn cờ quyền lực của Ba Đình có thể bị Tô Lâm hất tung vào bất cứ lúc nào.


Vụ trường quốc tế AISVN: sao không xử trí bằng Luật Giáo dục?

Hoài Nguyễn/VNTB

19/4/2024

VNTB – Vụ trường quốc tế AISVN: sao không xử trí bằng Luật Giáo dục?

 (VNTB) – Căn cứ theo Luật Giáo dục, trong quyết định giải thể phải có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường này.

Vụ trường quốc tế AISVN nợ nần kéo dài với những giải pháp tạm thời của chuyện kêu gọi phụ huynh cùng góp thêm tiền cho duy trì việc dạy học của AISVN, có lẽ là giải pháp tình thế cho bước căn cơ hơn là sẽ theo quy định của Luật Giáo dục để xử trí.

Theo luật, tại Điều 49.2 về “Điều 49. Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục”, thì:

“2. Nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục; địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy và người lao động;

b) Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục;

c) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;

d) Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường”.

Luật Giáo dục, tại Điều 50 về “Đình chỉ hoạt động giáo dục”, thì:

“1. Nhà trường bị đình chỉ hoạt động giáo dục trong trường hợp sau đây:

a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này; c) Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền; d) Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn quy định kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ; e) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, ở đây trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Sở Giáo dục TP.HCM là cần tập trung cho mục tiêu giáo dục, chứ không phải giải quyết mối quan hệ tiền bạc giữa nhà trường và phụ huynh của trường AISVN. Và căn cứ theo Luật Giáo dục, thì trong quyết định giải thể phải có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường này.

Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động của trường quốc tế AISVN từ ngày 8 đến 12-4-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết về tình hình hoạt động giáo dục, trường có 1.087 học sinh, giảm thêm 33 học sinh so với thời gian trước. Trong đó, bậc tiểu học có 42/49 giáo viên nước ngoài; 12/14 giáo viên Việt Nam và 395/428 học sinh đến trường. Bậc trung học có 55/74 giáo viên nước ngoài; 10/13 giáo viên Việt Nam và 547/659 học sinh đến trường. Có 95/103 nhân viên đi làm.

Báo cáo này dẫn nguồn từ Hiệu trưởng trường quốc tế AISVN, thì tính đến ngày 12-4, nhà trường đã nhận 10 đơn chính thức xin thôi việc từ giáo viên người nước ngoài.

Cũng trong báo cáo trình UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho hay đã tổ chức buổi làm việc với hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ AIS và đại diện tập đoàn DMH Capital Group, INC, đơn vị dự định đầu tư, tái cấu trúc trường quốc tế AISVN.

Hiện tại cơ quan chức năng TP.HCM đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch hội đồng quản trị AISVN do nợ thuế thu nhập cá nhân.


Nhân quyền ở Việt Nam từ góc nhìn dân dã

Hoài Nguyễn/VNTB

19/4/2024

VNTB – Nhân quyền ở Việt Nam từ góc nhìn dân dã

 (VNTB) – Trong những vụ án chính trị, Việt Nam hạn chế quyền tiếp cận luật sư của nghi phạm trong suốt giai đoạn điều tra.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho rằng báo cáo của các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các bên liên quan về Việt Nam có rất nhiều nội dung dựa trên những thông tin “chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam.

Ông Việt phát biểu như trên tại cuộc họp báo hôm 15-4 vừa qua khi ông công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông Việt viện nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng thể chế chính trị của nhau, nhấn mạnh: “Tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc này”.

Trước đó trong báo cáo đề ngày 27-2-2024 được công bố trên trang web của Liên Hiệp Quốc, tin tức cho biết nhóm chuyên trách Việt Nam của Liên Hiệp Quốc cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cần chỉ vì ôn hoà thực hiện các quyền cơ bản của họ trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.

Báo cáo nêu rõ “Nhiều người bị giam cầm và kết án tù dài hạn theo những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự”, đồng thời đề nghị Việt Nam bãi bỏ các điều luật mơ hồ đó như Điều 113 về tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân”.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin còn hạn chế, với việc nhiều hành vi phạm tội liên quan đến phát ngôn phải chịu mức án tù nặng theo Bộ luật hình sự.

“Chính phủ Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kép để đối xử với những công dân bị nghi ngờ vi phạm hình sự. Trong những vụ án liên quan đến những tội phạm được cho là có động cơ chính trị, chính phủ hạn chế quyền tiếp cận cố vấn pháp lý của nghi phạm trong mấy tháng, thậm chí mấy năm; không cho người nhà đến thăm bị cáo trong thời gian tạm giam trước khi xét xử; và không cho người thân, các nhà hoạt động và bạn bè tham dự phiên tòa xử họ.

Ngược lại, đối với một số vụ án hình sự phi chính trị mà cơ quan chức năng muốn gửi thông điệp tới cộng đồng, các phiên tòa được xét xử công khai để bêu tên và hạ nhục các bị cáo (cũng như gián tiếp hạ nhục cả gia đình họ), đồng thời “giáo dục” công chúng.

Trong nhiều vụ án, tòa án đã xác định bị cáo có tội trước khi diễn ra các phiên tòa công khai. Trong cả các vụ án chính trị và phi chính trị, công an, công tố viên và tòa án đều vi phạm các nguyên tắc pháp lý cốt lõi nhất: suy đoán vô tội trong một phiên tòa công bằng trước một tòa án độc lập” – trích tóm lược của tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) về bản Kiểm điểm định kỳ phổ quát về Việt Nam, tại phiên  Đánh giá định kỳ toàn cầu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 46.

Bản tóm lược còn dẫn chứng việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam: Tháng 8-2021, Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm “21 đối tượng” theo đạo Tin Lành. Chính quyền huyện khi đó đã buộc “các đối tượng này thừa nhận hành vi sai trái của mình và ký cam kết từ bỏ đạo Tin lành”.

Tháng 1-2022, chính quyền tỉnh Lào Cai khoe rằng họ đã “ kiên trì” thuyết phục được “nhiều gia đình tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà giáo và quay qua sinh hoạt theo tôn giáo được pháp luật cho phép; nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo”.

Vào tháng 9-2023, công an cho biết đã dùng nhiều “biện pháp” khác nhau để “loại bỏ Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” ở tỉnh Phú Yên. Cũng trong tháng 9, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu “đấu tranh xóa bỏ Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ, một nhóm tôn giáo của Hàn Quốc và đến Việt Nam vào năm 2001.

Công an theo dõi và đôi khi đàn áp thô bạo các nhóm tôn giáo không do chính phủ kiểm soát. Các nhóm tôn giáo độc lập không được công nhận bị giám sát, quấy rối và đe dọa liên tục, còn tín đồ của các nhóm tôn giáo này có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ tuỳ tiện, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.

Như vậy chỉ từ góc nhìn thuần dân dã, người ta khó thể nào phủ nhận các nhận xét trên.


Phạm Lưu Vũ: Chủ nghĩa cơ hội chính trị

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/04/Fallen_statue_of_Lenin-1-1024x768.jpeg

Từ trái sang phải: Tượng đài Lênin bị phá hủy/giật đổ tại Khmelnytskyi, Ukraine; gần Stanytsia Luhanska, Ukraine; bên cạnh Cung điện Mogoşoaia, Romania.

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/04/Screenshot-2024-04-06-140615-1024x749.gif

Chủ nghĩa cơ hội chính trị là tư tưởng dùng hình ảnh lãnh tụ một cách bừa bãi, bất chấp thực tại khách quan để chứng tỏ lập trường… hòng kiếm chác vị trí, chức vụ trong chính trị. Sinh thời, chính VI. Lê Nin (Vladimir Ilyich Ulyanov, hay còn được gọi là Vladimir Lenin) rất ghét điều này. Cầm đầu tư tưởng này là PLê Kha Nốp (Georgy Plekhanov), một trong những nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Liên Xô. PLê Kha Nốp công khai ca tụng Lê Nin ở mọi lúc, mọi nơi, khiến Lê Nin cũng phải phát ngượng mà bảo với các đồng chí của mình: “Nói như thể chân lý là con đẻ của anh ta (trỏ PLê Kha Nốp)”.

Lê Nin xếp tất cả lũ này vào cái rọ “mensheviks”, tới Đại hội VII (1918), ông đề nghị đổi tên Đảng Cộng sản Liên Xô, lúc bấy giờ đang mang tên Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga thành Đảng Bolshevik Nga.

Lê Nin càng e ngại, nếu bọn trí thức cũng cơ hội chính trị. Khi thấy Goorki viết bài ca ngợi mình, Lê Nin bảo ngay: “Trí thức là cục phân”, khiến Goorki cụt hứng, không dám mơ màng đến chính trị nữa, phải chuồn sang Ý sống.

Sau Cách mạng tháng 10, Trotsky chủ trương sự hợp nhất giữa phái Mensheviks và phái Bolsheviks là không thể, và tham gia phái Bolsheviks, khiến Lê Nin cũng phải thốt lên: “Không có người Bolshevik nào tốt hơn ông ta…”. Đến khi Trotsky ủng hộ việc thành lập một đảng tiên phong của giai cấp lao động, quốc tế vô sản… và nổi lên thành một trong những nhà chính trị hàng đầu, Lê Nin bắt đầu phê phán và coi Trotsky là một tên cơ hội chính trị.

Đến khi Stalin lên nắm quyền thì Trotsky phải chuồn sang Nam Mỹ. Song vẫn bị Stalin sai sát thủ sang tận nơi giết cho bằng được.

Sau khi Lê Nin chết 100 năm, khi mà 2/3 nhân loại đã xếp ông, và những Stalin… vào hạng đại đồ tể, khắp nơi trên thế giới, người ta đang giật đổ tượng ông, thì ông cũng không thể ngờ rằng, chủ nghĩa cơ hội chính trị bẩn thỉu vẫn còn rơi rớt. Ở một nơi tận xứ Nghệ xa xôi, người ta vẫn dựng tượng ông, nặng tới 4 tấn rưỡi. Để làm gì nhỉ? Để tích trữ đồng, phòng khi thiếu đồng làm nõ điếu cày chăng?

Phạm Lưu Vũ


Việc xây nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ bị đình trệ

RFA
19/4/2024

Việc xây nhà máy 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ bị đình trệ

Lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện VinFast ngày 28/7/2023 tại tiểu bang North Carolina 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngX @Governor Roy Cooper 

Công trường xây dựng nhà máy sản xuất xe điện VinFast tại tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ đang bị đình trệ kể từ lễ động thổ hồi tháng 7 năm ngoái giữa lúc công ty Việt Nam đang đối diện với vụ kiện tập thể về gian lận cổ phiếu. 

Tờ nhật báo khu vực News & Observer có trụ sở tại North Carolina cho biết, đoạn phim quay bằng máy bay không người lái (drone) của họ cho thấy, không có công trình xây dựng đáng kể nào mọc lên ở khu vực dự định xây nhà máy sản xuất xe điện trị giá 4 tỷ USD. 

Các quan chức của quận hạt Chatham, North Carolina ngày 16/4 xác nhận việc xây dựng nhà máy đang bị tạm hoãn trong khi địa phương đang chờ đợi kế hoạch xây dựng cập nhật từ nhà sản xuất ô tô Việt Nam.

Tờ nhật báo khu vực có trụ sở tại tiểu bang North Carolina cho biết, hạt Chatham phê duyệt giấy phép cho VinFast xây dựng khu lắp ráp chung rộng 9,2 ha (995.000 bộ vuông) hồi tháng 7 năm ngoái, tuy nhiên, đến ngày 8/12 VinFast sửa đổi thiết kế giảm xuống 20% so với diện tích ban đầu, chỉ còn khoảng 7,2 ha (782.250 bộ vuông). 

David Camp, giám đốc cấp phép và kiểm tra của Chatham cho biết, diện tích nhỏ hơn không nhất thiết cho thấy VinFast sẽ thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạo việc làm ít hơn như đã hứa tại địa điểm này, lưu ý rằng điều đó “có thể có nghĩa là họ đang sử dụng không gian bên trong hiệu quả hơn”, cho biết thêm “việc thực hiện bước tiếp theo là tùy thuộc vào công ty.” 

Ông Camp cho biết, VinFast sau đó đã trình kế hoạch xây dựng bổ xung nhưng “không giải quyết được ý kiến” của cơ quan thẩm định. 

Địa phương cũng yêu cầu VinFast trình bản kế hoạch tổng thể về phần móng và thiết kế theo chiều dọc của nhà máy lắp ráp, tuy nhiên đến nay công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa làm được điều này.

Kara Lusk – Người phát ngôn của quận hạt nói với tờ nhật báo địa phương trong một email hôm thứ 16/4 khẳng định: “Không có công trình xây dựng nào được thực hiện cho đến khi bản sửa đổi giấy phép này được ban hành”.

Hãng tin Axios cho biết, trả lời câu hỏi về tiến độ xây dựng nhà máy đầu tiên tại Hoa Kỳ, Chủ tịch công ty Lê Thị Thu Thủy cho biết: “North Carolina vẫn đang tiếp tục.”

Bà nói, công ty vẫn đang trên đường bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2025: “Thuê nhiều công nhân và đưa vào hoạt động vào cuối năm tới. Nhưng có lẽ để vận hành đầy đủ, sẽ mất vài tháng.”

Tòa nhà lắp ráp chung là một trong nhiều công trình mà công ty xe hơi cho biết họ hy vọng sẽ xây dựng tại khu vực có diện tích 733 ha, trải rộng trên tám công trình.

Quận Chatham hiện đang xem xét thiết kế cho một xưởng sửa chữa xe rộng 7,9 ha và VinFast đã nhận được giấy phép xây tường chắn mà Lusk cho biết đang được xây dựng.

VinFast đã công bố địa điểm xây dựng này vào tháng 3 năm 2022 sau khi tiểu bang North Carolina và quận hạt Chatham đưa ra các ưu đãi tổng hợp trị giá 1,25 tỷ USD, bao gồm hơn 300 triệu USD lợi ích về thuế tiền lương nếu công ty đáp ứng các mục tiêu tuyển dụng và đầu tư. Theo khoản trợ cấp đầu tư phát triển việc làm của nhà nước, VinFast cam kết sẽ tạo ra ít nhất 1.997 việc làm vào cuối năm nay.

Nhà máy của VinFast dự kiến đi vào vận hành vào tháng 7/2024 nhưng sau đó đã bị đẩy lùi sang năm 2025.


Vợ TNLT Nguyễn Tường Thuỵ bị cấm xuất cảnh không lý do

RFA
19/4/2024

Vợ TNLT Nguyễn Tường Thuỵ bị cấm xuất cảnh không lý do

Vợ chồng ông bà Nguyễn Tường Thuỵ-Phạm Thị Lân và biên bản cấm xuất cảnh 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFb Lân Tường Thuỵ/RFA edited 

Bà Phạm Thị Lân, vợ của tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Tường Thuỵ- một blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA), bị bộ đội biên phòng thuộc Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) tạm dừng xuất cảnh trong ngày 18/4.

Bà Lân cho biết, trong buổi sáng cùng ngày, bà cùng với con gái và cháu đến Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) để thăm ông Thuỵ đang thụ án tù 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Sau đó, cả ba lên xe buýt từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Tây Ninh dự kiến du lịch theo đoàn sang Campuchia, tuy nhiên, bà bị giữ lại khi đến trạm kiểm soát biên phòng đóng dấu xuất cảnh trong khi con gái và cháu được cho đi.

Sau hơn một giờ, bà được thông báo là không được xuất cảnh theo yêu cầu của Cục An ninh nội địa (A02) của Bộ Công an. Bà nói với RFA hôm 18/4 qua điện thoại:

 “Sau này họ mang biên bản ra họ bảo là cái danh sách có tôi bị cấm xuất cảnh là do từ A02 ở Hà Nội gửi vào cho nên họ không thể cho tôi xuất cảnh vì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên bộ đội họ chỉ làm theo danh sách công an gửi sang. Họ bảo về làm việc với công an chứ họ không có quyền gì cả.”

Theo biên bản về việc tạm dừng xuất cảnh lập bởi Phó trạm trưởng Lê Minh Trí của Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) vào lúc 10 giờ sáng thì bà Lân thuộc đối tượng bị cấm xuất cảnh theo công văn số 472 ngày 06/3/2023 của Cục An ninh nội địa và công văn ngày 08/03/2023 của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh- Bộ Công an.

Việc bị cấm xuất cảnh khiến bà Lân bị thiệt hại vé xe buýt từ Sài Gòn đến Phnom Penh và vé máy bay từ Phnom Penh về Hà Nội. Bà khẳng định:

Tôi quá bức xúc, bây giờ công an bảo vệ người dân mà cuối cùng toàn làm hại người dân thôi. Và tôi thấy nó quá vô lý từ công an Việt Nam bảo vệ dân bảo vệ kiểu đấy à? Tôi chỉ chăm lo cho chồng tôi chứ tôi làm gì mà cấm xuất cảnh tôi?! Tôi chẳng vi phạm pháp luật gì cả!”

Bà cho hay sắp tới sẽ khiếu nại lên Bộ Công an về việc bị cấm xuất cảnh không lý do gây thiệt hại cho công dân.

Phóng viên gọi điện thoại cho Cục xuất nhập cảnh – Bộ Công an theo thông tin đăng trên website để hỏi về vụ việc nhưng không thể kết nối. Chúng tôi cũng gửi email đến cơ quan này nhưng chưa nhận được ngay câu trả lời.

Bà Lân cũng chia sẻ thêm, chuyến đi với mục đích du lịch thuần tuý và không có ý định đi nước ngoài để vận động cho chồng.

Lần gần nhất bà Lân xuất ngoại là vào năm 2011 khi đi Hàn Quốc thăm con gái đang học tập ở đây.

Bà Lân là một trong số những thân nhân TNLT liên tục bị canh giữ tại tư gia mỗi khi có sự kiện xã hội, phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến, hay có chuyến thăm của quan chức cao cấp các quốc gia dân chủ đến Hà Nội.

Gần đây, việc công an sách nhiễu gia đình của các TNLT gia tăng cùng với việc cấm xuất cảnh.

Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của Huỳnh Đức Thanh Bình đang chịu án tù 10 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cho RFA biết trong tháng 6/2023, Công an thành phố Hồ Chí Minh từ chối đổi hộ chiếu mới cho bà với lý do “bị nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh.” Phía công an cho cho bà xem một văn bản của Bộ Công an cấm bà xuất cảnh vô thời hạn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức- người đang thụ án tù 13 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” bị tịch thu hộ chiếu sau khi bà đi vận động cho chồng ở một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và trở về Việt Nam vào cuối tháng 2/2019.

Đầu năm nay, bà muốn đi thăm bố mẹ đang định cư ở Đức và đến cơ quan đại diện của Cục Xuất nhập cảnh ở thành phố HCM để yêu cầu trả lại hộ chiếu nhưng chưa được giải quyết.


Kênh đào Phù Nam Techo: Mỹ nhấn mạnh phải minh bạch, Việt Nam họp tham vấn chuyên gia

Thủ tướng Campuchia Hun Manet từng trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về kênh đào Phù Nam Techo trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm ngoái. Giờ đây, phía Việt Nam đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai.

Nguồn hình ảnh, BBC, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Campuchia Hun Manet từng trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về kênh đào Phù Nam Techo trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm ngoái. Giờ đây, phía Việt Nam đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai.

Mỹ đã chính thức lên tiếng về dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) của Campuchia. Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn chuyên gia vào ngày 23/4. Campuchia vẫn quyết tâm thúc đẩy dự án.

Trong một tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt ngày 17/4, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu:

“Chúng tôi không can thiệp vào công việc quản lý nội bộ hay những quyết định phát triển của Campuchia.

“Với tư cách là một người bạn của nhân dân Campuchia, chúng tôi lưu ý rằng quản trị nguồn nước trong khu vực mang tính bền vững và hợp tác là trụ cột của Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ và Ủy hội sông Mekong (MRC).”

“Nhân dân Campuchia cũng như nhân dân ở các quốc gia lân cận và khu vực rộng hơn sẽ hưởng lợi từ tính minh bạch đối với bất kỳ hoạt động lớn có tác động tiềm ẩn lên sự bền vững của nguồn nước và nền nông nghiệp khu vực.”

“Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách phối hợp chặt chẽ với MRC để cung cấp thêm chi tiết về dự án và tham gia đầy đủ vào các nghiên cứu tác động môi trường thích hợp nhằm giúp MRC và các quốc gia thành viên hiểu đầy đủ, thẩm định và chuẩn bị cho những tác động có thể có từ dự án này.”

Ngày 9/4, cựu Thủ tướng Hun Sen đã chỉ trích gay gắt những nhận định về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ hải quân Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Thượng viện, bác bỏ khả năng “lưỡng dụng” của kênh đào Phù Nam Techo, tức là có thể vừa phục vụ kinh tế-xã hội, vừa phục vụ quân sự. 

Trước đó, bài báo “Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy” của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh được đăng trên Tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông số 63 tháng 3/2024 có đề cập đến khả năng “lưỡng dụng” này.

Phản ứng gay gắt của ông Hun Sen được cho là nhằm vào chính bài viết trên tạp chí của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

“Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này,” bài viết nêu.

Như cha mình, Thủ tướng Campuchia Hun Manet bác bỏ khả năng “lưỡng dụng” của kênh đào, với lập luận cho rằng con kênh đào này quá cạn, tàu chiến không lưu thông được. Độ sâu của kênh là 5,4 m.

“Trên hết, Hiến pháp Campuchia ngăn cấm việc lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hoặc tư tưởng và sự can đảm để vi phạm hiến pháp của chính mình. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ khả năng binh lính nước ngoài hiện diện trong lãnh thổ của mình. Thứ hai, chúng tôi kiên quyết bác bỏ việc lợi dụng quốc gia của chúng tôi làm bàn đạp để tấn công nhằm vào bất kỳ quốc gia nào,” ông Hun Manet tuyên bố hôm 11/4.

Điều 53 của Hiến pháp Campuchia có nội dung ngăn cấm quốc gia này cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Điều 55 của Hiến pháp Campuchia nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào mà không bảo đảm độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.

Cũng vào ngày 11/4, ông Hun Manet tiếp tục khẳng định Campuchia sẽ thực hiện dự án Phù Nam Techo với nguồn vốn đầu tư 1,7 tỷ USD và nhấn mạnh con kênh chỉ thuần túy mang lợi ích kinh tế cho 1,6 triệu người dân địa phương sống ven kênh. 

Dự án này sẽ bao gồm ba con đập, 11 cây cầu và đường đi hai bên dài 208 km, sẽ được hoàn thành trong thời gian 4 năm.

Theo các thông báo trước đây của ông Hun Manet thì kênh đào này sẽ được khởi công vào quý 4/2024.

‘Chưa đủ tài liệu đánh giá dự án’

Khô hạn tại tỉnh Bến Tre

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cho đến nay đã có ba tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng khẩn cấp do hạn mặn, gồm Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Ảnh chụp tại tỉnh Bến Tre vào ngày 19/3/3024.

Ngày 23/4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn quốc gia về kênh Phù Nam Techo của Campuchia tại thành phố Cần Thơ.

“Gần đây nhất (tháng 8/2023), Campuchia đã gửi thông báo chính thức tới Ủy hội sông Mê Công quốc tế về kế hoạch xây dựng Kênh đào Phù Nam Techo nối sông Bassac (về Việt Nam là sông Hậu) ra biển Tây của Campuchia. Mặc dù dự án thuộc diện ‘thông báo’ nhưng do Kênh đào sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Bassac (là phân lưu chính của sông Mê Công) nên đã gây ra nhiều mối quan ngại của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và cộng đồng địa phương về tác động xuyên biên giới của dự án này,” theo nội dung thư mời từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam gửi đến các chuyên gia mà BBC News Tiếng Việt có thể tiếp cận.

Là một trong những nhà khoa học sẽ tham gia họp tham vấn vào ngày 23/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho BBC News Tiếng Việt biết vào ngày 18/4 quan ngại của ông hiện nay bao gồm lượng nước và đặc điểm thủy văn có thể thay đổi trong mùa khô và mùa lũ đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

“Theo tôi, cần có sự đánh giá thận trọng và toàn diện về khía cạnh thủy văn, nguồn nước, hệ sinh thái… về dự án này với sự tham gia của các nhà khoa học khác nhau, cùng nhau tham vấn về mặt kinh tế, môi trường, xã hội.”

“Trong 14 trang tài liệu mà Ủy ban sông Mekong của Campuchia gửi cho Ủy hội vùng sông Mekong quốc tế, chỉ có 12 trang nói về dự án, hai trang đầu là thư. Trong 12 trang đó thì chỉ nói dự án là giao thông thủy nội địa, không đề cập vấn đề canh tác nông nghiệp, hay cấp nước sinh hoạt,… không cung cấp đầy đủ thông số vận hành của con kênh đó, do đó khó dùng tài liệu này để đánh giá đầy đủ tác động dự án.”

“Mặc dù phía Campuchia trấn an là không ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không phải họ nói như vậy thì chúng ta cũng nghe như vậy. Chuyện quan ngại không hề thừa,” Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng nhắc đến các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Ông cho biết những nước khi thực hiện dự án đập cũng thông báo là dự án không gây tác động gì đáng kể đến dòng chảy của sông Mekong.

“Tuy nhiên, cho đến nay thì chúng ta có thể thấy những tác động từ các đập thủy điện này đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào,” Tiến sĩ Tuấn đánh giá.

Chính phủ Việt Nam trong tháng 4 này đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 11/4: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo.”

Ông Việt cũng cho hay Việt Nam “đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong. 

Sông Mekong sau khi đi qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia, thì tách ra làm hai nhánh, là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam, trước khi đổ ra Biển Đông.

Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động đáng kể từ các yếu tố xuyên biên giới như các đập thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, hoạt động lấy nước từ sông Mekong sang nơi khác để canh tác, giao thông thủy ở Lào, Thái Lan.

Các tỉnh miền Tây, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang trải qua tình trạng hạn mặn khốc liệt. Cho đến nay đã có 3 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp, gồm Tiền Giang, Cà Mau và Long An, nơi người dân thiếu nước ngọt nghiêm trọng trước khi mùa mưa có thể đến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.


Comments are closed.