Chuyện Việt Nam Thứ Tư 27 tháng 3 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Lam Research bác tin họ thương lượng việc chi 2 tỷ USD, mở nhà máy ở Việt Nam
27/3/2024 – VOA Tiếng Việt
Phó Chủ tịch Lam Research, Karthik Rammohan, gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ở Hà Nội, 20/3/2024 (Photo: Chinhphu.gov.vn)
Hãng Mỹ Lam Research, chuyên sản xuất thiết bị chế tạo đĩa silicon (wafer), vừa phủ nhận tin nói họ đàm phán một thỏa thuận với đối tác và chính phủ Việt Nam về việc đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam, theo tin hôm 26/3 của Mobile World Live, trang tin quốc tế về ngành điện thoại di động trên thế giới.
Lời phủ nhận của Lam Research được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các báo Việt Nam và nước ngoài đưa tin rằng hãng dự kiến chi số tiền ban đầu có thể lên tới 2 tỷ đô la để hiện diện ở Việt Nam.
Lam Research nói trong bản tin mới nhất của Mobile World Live rằng họ thường xuyên đánh giá về khả năng cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và củng cố hoạt động sản xuất của họ ở châu Á.
Hãng nói rằng cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động lành nghề ở Việt Nam đồng nghĩa là quốc gia này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành bán dẫn khi ngành này tiếp tục đa dạng hóa về mặt địa lý.
“Mặc dù Lam Research hiện không có kế hoạch mở cơ sở tại Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ nền tảng khách hàng của mình ở châu Á”, hãng nói với Mobile World Live.
VOA đã liên lạc với Lam Research để tìm hiểu thêm về việc họ phủ nhận chuyện đàm phán về đầu tư vào Việt Nam, nhưng chưa nhận được hồi đáp ngay.
Lam Research, được thành lập năm 1980, với trụ sở tại bang California, có doanh thu năm 2022 đạt 19 tỷ đô la và tính đến tháng 3/2023 có hơn 18.700 nhân viên.
Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam loan tin hôm 20/3 rằng Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của Tập đoàn Lam Research, Karthik Rammohan, đã hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính về động thái mở các hoạt động ở Việt Nam, kết hợp với đối tác là Seojin có trụ ở tại Hàn Quốc, với mức đầu tư ban đầu từ 1 tỷ đô la đến 2 tỷ đô la.
Báo chí Việt Nam trích lời ông Rammohan nói rằng Lam Research mong muốn tìm hiểu những chính sách khuyến khích đầu tư, những sáng kiến, chương trình mà tập đoàn này có thể tham gia nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các nhà cung cấp, hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Theo thông tin trên báo Nhật Bản Nikkei, hãng Seojin – đối tác của Lam Research – cũng là một tên tuổi đáng chú ý. Họ cung cấp linh kiện cho Samsung và Intel, đồng thời vận hành các nhà máy ở các khu vực của Việt Nam, nơi được xem là căn cứ quan trọng về sản xuất điện thoại thông minh và hàng bán dẫn của hãng công nghệ khổng lồ Hàn Quốc.
Các công ty danh tiếng khác trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn cũng có cơ sở sản xuất ở Việt Nam là hãng sản xuất theo hợp đồng Foxconn và hãng chế tạo chip Intel.
(Xem tin báo đăng ở Việt Nam ở dưới)
Tập đoàn bán dẫn Mỹ Lam Research muốn đầu tư mở nhà máy ở Việt Nam
21/3/2024 – VOA Tiếng Việt
Ông Karthik Rammohan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research và Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 20/3/2024. Photo Chinhphu.gov.vn.
Đại diện cấp cao của tập đoàn Lam Research, một trong những nhà cung cấp thiết bị sản xuất đồ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, vừa thăm Việt Nam nhằm tìm hiểu chính sách khuyến khích đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất có vốn từ 1-2 tỷ đôla.
Ông Karthik Rammohan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research cùng đại diện công ty Seojin của Hàn Quốc, đối tác của Lam Research tại Việt Nam, gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 20/3.
Cổng thông tin Chính phủ hôm 20/3 loan tin rằng tại cuộc gặp, ông Rammohan cho biết Lam Research đang tìm cách mở rộng hoạt động và đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á. Tại Việt Nam, tập đoàn này đang có kế hoạch hợp tác với công ty Seojin, đơn vị đã có nhà máy ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, để phát triển nhà máy và thiết lập chuỗi cung ứng với vốn đầu tư 1-2 tỷ đôla trong giai đoạn đầu.
Trong giai đoạn tiếp theo, Lam Research có thể “đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động” tại Việt Nam, truyền thông trong nước cho hay.
Ông nói Lam Research mong muốn tìm hiểu những chính sách khuyến khích đầu tư, những sáng kiến, chương trình mà tập đoàn này có thể tham gia nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các nhà cung cấp, hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Lam Research, được thành lập năm 1980, với trụ sở tại bang California, có doanh thu năm 2022 đạt 19 tỷ đô la và tính đến tháng 3/2023 có hơn 18.700 nhân viên.
(Xem đính chính ở trên)
Chủ tịch nước từ chức, Việt Nam trấn an Mỹ về ‘ổn định chính trị’
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trấn an phía Mỹ về sự ổn định chính trị và chính sách
Hôm thứ Ba (26/3), Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói rằng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức sẽ không gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam và đề cập tới hệ thống lãnh đạo và hoạch định chính sách mang tính tập thể của đất nước cộng sản, theo bài viết của Reuters.
Ông Sơn đưa ra thông điệp trên trong lúc đang có chuyến công du tại Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến thăm này nhằm mục đích triển khai tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Trấn an Mỹ, thăm Trung Quốc
Trong khuôn khổ chuyến đi, vào hôm thứ Hai (25/3), Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power.
Chuyến đi của ông Sơn diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang có những xáo động về nhân sự cấp cao làm nảy sinh các quan ngại về bất ổn chính trị.
Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ chức trong thời gian hơn một năm trở lại đây.
Khi được hỏi về việc ông Thưởng từ chức, ông Sơn đã trả lời Viện nghiên cứu Brookings Institution từ Washington rằng Việt Nam đang thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng được cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp hoan nghênh.
“Tôi nghĩ rằng việc thôi chức của chủ tịch nước không ảnh hưởng đến những chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại của chúng tôi,” ông nói.
“Nếu quý vị nhìn vào tình hình ở Việt Nam, chúng tôi có hệ thống lãnh đạo tập thể, quyết định chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển kinh tế một cách tập thể.”
Ông Sơn viện dẫn việc Đại hội Đảng Cộng sản được tổ chức năm năm một lần, là dịp để các lãnh đạo đảng vạch ra và thống nhất những kế hoạch phát triển kinh tế.
“Và tôi nghĩ [nếu] một hoặc hai nhân vật trong ban lãnh đạo từ chức thì cũng không thay đổi tình hình chung này.”
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Cuộc họp ngày 25/3 giữa Việt Nam và Mỹ tại Washington DC để triển khai tuyên bố chung của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề cập tới việc mong muốn Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Mỹ vẫn đang coi Việt Nam là một “nền kinh tế phi thị trường” trong các vụ kiện thương mại, điều có thể dẫn tới sự gia tăng đáng kể của thuế chống bán phá giá.
Việt Nam đã đệ đơn yêu cầu Mỹ xem xét việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường từ tháng 9/2023, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm qua.
Hiện Washington vẫn đang trong quá trình xem xét và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào khoảng giữa tháng 7/2024.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Đảng Cộng sản Việt Nam muốn kinh tế nhà nước duy trì vai trò chủ đạo
Trước đó trong năm, đại sứ Việt Nam tại Washington từng cảnh báo rằng việc duy trì các mức thuế phạt hệ quả lên hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ song phương đang ngày càng bền chặt giữa hai nước.
Ông Sơn cho rằng Mỹ và Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng Chín năm ngoái.
“Chúng ta nên tập trung tới khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tính liên kết của hạ tầng kỹ thuật, nền kinh tế số, năng lượng, nền kinh tế xanh và hậu cần,” ông Sơn nói.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 18/3, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã lên đường đến thăm Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 22/3, ông Lê Hoài Trung đã có các cuộc hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng Vương Nghị.
Trong các cuộc hội kiến, ông Trung đã đề nghị hai bên cùng nỗ lực thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao và tăng cường tin cậy chính trị, theo báo Nhân dân.
Có thể hiểu là trong chuyến thăm này, đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã cập nhật cho phía Trung Quốc về những diễn biến chính trị gần đây ở trong nước.
Từ ngoài nhìn vào vẫn bấp bênh
Sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức làm dấy lên những câu hỏi về ổn định chính trị của Việt Nam, đặc biệt là việc ông Thưởng chỉ mới nhậm chức vào đầu năm ngoái, sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đột ngột bị miễn nhiệm.
Ổn định chính trị là cực kỳ quan trọng đối với các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất lớn tại Việt Nam, bao gồm cả Apple của Mỹ, tập đoàn có nhiều nhà cung cấp từ nước này.
Yếu tố ổn định chính trị cũng tác động không nhỏ tới quyết định của những nhà đầu tư quan tâm tới nước này.
Được coi là trung tâm sản xuất chế tạo ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các nhà phân tích cho rằng sự ổn định này, vốn được đảm bảo qua nhiều thập kỷ bởi một chính phủ chịu kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản, có vẻ đã bắt đầu lung lay.
Đánh giá này được đưa ra ngay cả khi họ đồng ý rằng những thay đổi lãnh đạo mới đây sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách chủ chốt của đất nước, bao gồm cả đường lối “ngoại giao cây tre” nhằm duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc.
Giờ đây, những nhà đầu tư vốn ca ngợi sự ổn định chính trị của Việt Nam có thể sẽ không an tâm với sự ra đi đột ngột của hai vị chủ tịch nước chỉ trong một thời gian ngắn, theo Reuters.
Việc ông Thưởng bị miễn nhiệm có thể khiến các quyết định chính sách và hành chính càng trễ nải, khi mà các quan chức phụ trách cứ canh cánh nỗi lo liên quan đến diễn biến của chiến dịch chống tham nhũng, theo một cố vấn cho các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt ngày 20/3, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định rằng việc sai phạm của ông Thưởng được cho là đã xảy ra từ khoảng 10 năm trước sẽ tạo “tâm lý tương đối là bất an trong hệ thống bộ máy quan liêu của nhà nước”.
“Người ta không thể nào biết được quá trình hồi tố sẽ đẩy tới mức nào, và ai sẽ an toàn, ai sẽ không,” ông nói.
Báo The Guardian cũng trích lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng việc từ chức của hai chủ tịch nước trong vòng chưa đầy hai năm không phải là dấu hiệu tốt đối với một quốc gia thường tự hào về ổn định chính trị.
“Dù khu vực FDI đã phần nào được tách khỏi chiến dịch chống tham nhũng, nhưng sự bất ổn có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn cách chờ đợi và theo dõi thêm giữa bối cảnh chính trị khó lường của Việt Nam,” ông Giang nói.
Ngày 20/3, sau khi ông Thưởng được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi chức, Reuters đã dẫn nhận định của ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam dấy lên những nghi vấn về “tính khó dự báo, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống” – những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quyết định đầu tư.
Trong bài bình luận trên tờ Bloomberg, bà Karishma Vaswani đánh giá rằng Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược “Trung Quốc + 1” – chiến lược kinh doanh do các tập đoàn đa quốc gia áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các quốc gia khác.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến 32% trong năm 2023, thu hút gần 36,61 tỷ đô la tiền đầu tư.
Giờ đây, với việc ông Thưởng từ chức, bà Vaswani đánh giá rằng sẽ có lo ngại lan rộng ở Washington, sau khi Mỹ và Việt Nam vừa mới nâng cấp quan hệ chỉ sáu tháng trước.
Bà cho rằng bất kỳ dấu hiệu bất ổn chính trị nào của Việt Nam cũng có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng Mỹ dành cho quốc gia Đông Nam Á.
Tổng bí thư Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam mời Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam
26/03/2024 – Reuters
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chào mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm tới Hà Nội ngày 12/11/2013.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Việt Nam trong cuộc điện đàm hôm 26/3, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin.
Việt Nam vẫn là một trong những đối tác thân thiết nhất của Nga ở châu Á, mối quan hệ được phát triển từ thời Xô Viết và Hà Nội là khách hàng lớn mua vũ khí của Nga.
“Tổng thống Putin vui vẻ nhận lời và thống nhất hai bên sẽ phối hợp thu xếp (chuyến thăm) vào thời điểm phù hợp”, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Truyền thông nhà nước Việt Nam hồi tháng 10 đưa tin ông Putin đã nhận lời mời thăm của Chủ tịch nước Việt Nam nhưng việc đó chưa diễn ra. Lời mời vẫn được đưa ra nhiều tháng sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở The Hague phát lệnh bắt giữ ông Putin.
Trong cuộc điện đàm hôm 26/3, ông Trọng chúc mừng ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga và gửi lời chia buồn tới người dân Nga và gia đình các nạn nhân của vụ tấn công buổi hòa nhạc ở ngoại ô Moscow vào tuần trước.
Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Nga cũng thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác về an ninh, quốc phòng, thương mại và du lịch.
Vĩnh Long bắt giam, cáo buộc 2 người lợi dụng tự do, dân chủ, gây hại đến nhà nước
27/03/2024 – VOA Tiếng Việt
Công an Vĩnh Long hôm 27/3 công bố ảnh hai người bị bắt, đăng trên Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.
Công an tỉnh Vĩnh Long của Việt Nam cho báo chí biết hôm 27/3 rằng họ khởi tố và bắt tạm giam hai người đàn ông về hành vi “đăng các bài viết sai sự thật, giả mạo, vu khống, xúc phạm” tới “cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Các báo Việt Nam trong đó có Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và VietnamNet dẫn thông tin của công an cho hay hai người bị bắt là Thạch Chanh Đa Ra, 34 tuổi, ngụ ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; và Kim Khiêm, 46 tuổi, sinh sống trong cùng địa phương.
Hai ông bị công an điều tra về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Kết quả điều tra ban đầu mà công an chia sẻ với báo chí trong nước cho thấy từ năm 2020 đến nay, hai ông Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm sử dụng mạng xã hội đăng và chia sẻ bài viết, video cũng như phát trực tiếp (livestream) nhiều thông tin bị nhà chức trách xem là “sai sự thật, giả mạo, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Công an khẳng định họ đã “thu thập đầy đủ chứng cứ” từ các trang Facebook cá nhân của hai ông Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm.
Riêng về ông Kim Khiêm, theo hồ sơ của công an, ông từng có 1 tiền sự về hành vi “đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức” nhưng ông “chưa nộp phạt và không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”.
VOA cố gắng liên lạc với công an tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu thêm về vụ án nhưng không có hồi đáp.
Tin trên Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và VietnamNet viết rằng công an Vĩnh Long hiện tiếp tục điều tra về vụ việc của hai ông và sẽ xử lý theo pháp luật. Tin cũng nói rằng “công an kêu gọi các đối tượng liên quan hãy sớm ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng”.
Như VOA đã đưa tin, một số tổ chức quốc tế theo dõi nhân quyền hoặc tranh đấu cho tự do, dân chủ đã nhiều lần chỉ trích điều mà họ gọi là Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ để dập tắt các tiếng nói phản biện, trái chiều.
Ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nhà lãnh đạo cao cấp vào những dịp khác nhau đều nói rằng Việt Nam bảo đảm nhân quyền và các quyền tự do cho người dân theo Hiến pháp, nhà chức trách chỉ bắt giữ và trừng phạt những người vi phạm pháp luật.
Khi nguồn cung vũ khí Nga cho Việt Nam cạn kiệt, nước này sẽ mua vũ khí từ đâu?
SCMP
Tác giả: Maria Siow – Cù Tuấn, biên dịch – 26/3/2024
Tóm tắt:
* Theo số liệu cho thấy, Việt Nam không đặt thêm đơn đặt hàng vũ khí lớn nào trong năm ngoái do các hợp đồng vũ khí với Nga bị ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine.
* Hàn Quốc là một lựa chọn để Việt Nam mua sắm vũ khí. Nhưng các nhà quan sát cho rằng quân đội Việt Nam đang gặp khó khăn – và các thỏa thuận bí mật tiếp tục mua vũ khí từ Nga có thể hấp dẫn hơn.
Số liệu mới nhất cho thấy, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam từ đối tác an ninh truyền thống là Nga đang giảm dần, khiến các nhà quan sát kêu gọi Việt Nam đa dạng hóa hoặc xây dựng nhanh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Quốc gia Đông Nam Á này không đặt thêm đơn đặt hàng lớn nào mới trong năm ngoái, theo số liệu được cơ quan cố vấn quốc phòng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố vào tuần trước – mặc dù quốc gia này có ngân sách mua sắm vũ khí hàng năm ước tính hơn một tỷ USD.
Prashanth Parameswaran, một thành viên tại tổ chức nghiên cứu Trung tâm Wilson ở Washington và là người sáng lập bản tin hàng tuần Asean Wonk, cho biết: “Việc đa dạng hóa thường nói dễ hơn làm, vì nó đòi hỏi phải thoát khỏi các mối quan hệ cũ và xây dựng các mối quan hệ đáng tin cậy mới”.
“Việt Nam có thể sẽ tiếp tục bỏ trứng vào nhiều giỏ hơn, với sự kết hợp đa dạng hơn giữa các quốc gia bao gồm các đối tác ở châu Á và châu Âu, ngoài Mỹ”.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, Việt Nam nằm trong số 20 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong những thập kỷ gần đây, chủ yếu tìm nguồn cung cấp từ Nga – với doanh số nhập khẩu vũ khí đạt mức cao nhất hơn một tỷ USD vào năm 2014.
Tuy nhiên, theo viện nghiên cứu, con số năm ngoái (2023) là không đáng kể khi so sánh. Trên thực tế, năm 2023 chứng kiến Việt Nam nhập khẩu ít vũ khí nhất kể từ năm 2007, tính theo số lượng.
Chính phủ Việt Nam chưa bình luận về lý do giảm sút này, nhưng các quan chức Việt Nam đã công khai nói rằng, họ muốn đa dạng hóa nguồn cung thay vì phụ thuộc vào Nga, vào cuối năm 2022 khi nước này tổ chức hội chợ vũ khí quốc tế đầu tiên. Điều này được cho là đã dẫn đến một số giao dịch mua bán, nhưng không có thêm thông tin nào được đưa ra.
Nguyễn Thế Phương, chuyên gia quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Australia, cho biết, một mũi nhọn quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của quốc gia Đông Nam Á này là xây dựng một tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ, độc lập và lưỡng dụng, với sự hỗ trợ của quân đội – các tập đoàn thuộc sở hữu và khu vực tư nhân.
Ông Phương cho biết, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới – ít nhất là đối với các nền tảng vũ khí không phức tạp được lực lượng mặt đất sử dụng.
Ông nói: “Vũ khí tiên tiến hơn là một vấn đề, vì Việt Nam dựa vào Nga để mua xe tăng, tàu chiến và máy bay quân sự. Nhưng vấn đề này không dễ khắc phục, nhất là khi cuộc chiến ở Ukraine được dự đoán sẽ còn kéo dài thêm vài năm nữa”.
Ông Phương cho biết, trong khi nỗ lực chống tham nhũng sâu rộng không phụ thuộc vào quân đội đã góp phần khiến việc mua vũ khí của Việt Nam giảm sút, thì cuộc chiến của Nga với Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Một yếu tố đè nặng lên tâm trí các nhà hoạch định quốc phòng của Việt Nam là hiệu suất của các nền tảng vũ khí đắt tiền của Nga trên chiến trường hiện đại, nơi máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tác chiến điện tử có thể tỏ ra có tính quyết định hơn.
Thương vụ mua vũ khí lớn gần đây nhất của Nga mà Việt Nam được biết là đã thực hiện 64 xe tăng T-90 vào năm 2016. Tuy nhiên, những chiếc xe tăng này thường xuyên “là mục tiêu bị diệt” ở Ukraine khi bị tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất và NLAW “bắn và quên” của Saab Bofors Dynamics nhắm tới, theo Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, cho biết.
Ông Thayer cho biết, từ năm 2014 đến năm 2021, chỉ có hai quốc gia – Nga và Belarus – “liên tục” bán vũ khí cho Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng, mặc dù nhập khẩu đã giảm nhưng “không có bằng chứng thực tế nào cho thấy Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn vũ khí khỏi Nga”.
Ông Thayer cho biết, trong khi quân đội Việt Nam tìm cách mua máy bay, công nghệ radar, vũ khí và nâng cấp xe bọc thép từ Cộng hòa Séc vào năm 2022 thì Mỹ là quốc gia cung cấp vũ khí mới duy nhất của Hà Nội, khi bán máy bay không người lái ScanEagle và máy bay huấn luyện phản lực lần lượt vào năm 2017 và 2021.
Ông Phương cho biết, một khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt trong việc thích ứng với các loại vũ khí và nền tảng hiện đại là loại bỏ các xe tăng, máy bay chiến đấu và tàu chiến từ thời Liên Xô, vốn vẫn chiếm một phần đáng kể trong kho vũ khí của nước này.
Ông nói: “Quân đội Việt Nam từ lâu đã quen với các cách thức cũ”, đồng thời cho biết thêm rằng quy trình mua sắm vũ khí không rõ ràng của nước này cũng có khả năng cản trở các thỏa thuận vũ khí trong tương lai.
“Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tiền là một vấn đề lớn”, ông Phương nói, “vì việc hiện đại hóa bất kỳ lực lượng hải quân hoặc không quân nào đều “cực kỳ tốn kém”.”
Ông Thayer cho biết, vào năm 2022, Việt Nam đã ký một biên bản ghi nhớ với Nga về việc mua một lượng lớn vũ khí.
Hà Nội đã và đang thực hiện các kế hoạch bí mật để mua vũ khí của Nga trái với lệnh trừng phạt của Mỹ, theo tờ New York Times đưa tin hồi tháng 9, trích dẫn một tài liệu nội bộ của chính phủ Việt Nam bị rò rỉ.
Văn bản đề tháng 3 năm 2023, nêu rõ cách thức Việt Nam đề xuất hiện đại hóa quân đội bằng cách bí mật thanh toán mua sắm quốc phòng thông qua liên doanh dầu khí với Nga ở Siberia.
Được một thứ trưởng tài chính ký tên, tài liệu bị rò rỉ này cho biết Việt Nam đang đàm phán một thỏa thuận vũ khí mới với Nga nhằm “củng cố niềm tin chiến lược” vào thời điểm “Nga đang bị các nước phương Tây cấm vận về mọi mặt”.
Các lựa chọn thay thế vũ khí của Nga
Kể từ năm 2022, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều quốc gia – bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ – lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một động thái mà Hà Nội cho rằng cho thấy “sự hiểu biết lẫn nhau và niềm tin chính trị được tăng cường mạnh mẽ”.
Khi lưu ý rằng mỗi tuyên bố chung của các đối tác đều có một phần về hợp tác quốc phòng, Thayer cho rằng những điều khoản này có thể tạo cơ sở để Việt Nam bắt đầu tìm hiểu việc mua vũ khí từ các nước khác.
Ông Thayer nói: “Hàn Quốc có một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và là nơi tốt nhất để cung cấp các nền tảng vũ khí có giá trị lớn, bao gồm tàu chiến, máy bay phản lực, hệ thống pháo binh và tên lửa”.
Hàn Quốc đang trở thành nhà cung cấp vũ khí mới được lựa chọn cho các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Indonesia, nơi nước này chiếm lần lượt 16% và 14% doanh số mua bán vũ khí.
Quốc gia Đông Á này đã vận chuyển số vũ khí trị giá gần 2 tỷ USD sang các nước Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.
Ông Phương cho biết, mối quan hệ được cải thiện với Washington sẽ giúp Hà Nội dễ dàng tiếp cận các công nghệ quân sự của các đồng minh của Mỹ hơn, đồng thời việc nâng cấp quan hệ với các nước khác có thể giúp Việt Nam xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng.
Ông cho biết, các dự án phát triển vũ khí chung có thể sẽ diễn ra trong tương lai, mặc dù có thể phải mất một thời gian trước khi Việt Nam được phép mua vũ khí sát thương từ các đồng minh của Mỹ, thay vì chỉ mua các phụ tùng và linh kiện.
“Vấn đề nan giải đối với Việt Nam là hiện nay họ cần một lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh và hiện đại hóa, nhưng đồng thời cũng đang loay hoay và do dự trong việc tìm giải pháp thay thế cho các vũ khí của Nga”, ông Phương nói.
Ông cho biết, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mua vũ khí từ Nga và phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt và tổn hại về danh tiếng, hoặc hợp tác nhiều hơn với các quốc gia cung cấp vũ khí từ phương Tây – điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi đáng kể về thể chế trong quân đội Việt Nam.
Dù thế nào đi nữa, “thời điểm là rất quan trọng”, ông Phương nói.
Hàn Quốc tái kiểm tra ớt cay nhập khẩu từ Việt Nam
RFA – 26/3/2024
Ớt Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc.
VnEconomy
Hàn Quốc vừa có thông báo việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Xứ Kim Chi. Trong các mặt hàng chịu kiểm tra có mặt hàng ớt cay của Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam ngày 25/3 dẫn nguồn Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc về biện pháp vừa nêu của Bộ An toàn Thực phẩm & Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS).
MFDS Hàn quốc gia hạn lệnh kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2025; thay vì đến 30/3/2024 như lệnh trước đây. Lý do được cơ quan này nêu rằng vì các thực phẩm nhập khẩu liên tục không tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật.
Vào tháng 6 năm ngoái, Hàn Quốc cho thu hồi một lô ớt khô nhập khẩu từ Việt Nam vì dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Trước đó vào tháng tư, Bộ An toàn Thực phẩm Hàn Quốc còn thông báo ngừng bán ớt của Việt Nam khi lô hàng nhập khẩu ớt đỏ đông lạnh, sấy khô của Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tiêu chuẩn gấp 10 lần.
Thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy trong tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 880 tấn ớt, mang về hơn 2 triệu USD.
Overlay7
Tags: tin tức thế giới