Gửi bom chùm đến Ukraine, Mỹ khiến các đồng minh quan ngại 


Tác giả, Kathryn Armstrong & Antoinette Radford

BBC News – 08/7/2023

Một phần sót lại của bom chùm được phát hiện trên một cánh đồng tại Ukraine hồi tháng 04/2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Một phần sót lại của bom chùm được phát hiện trên một cánh đồng tại Ukraine hồi tháng 04/2023 

Một số đồng minh của Mỹ quan ngại trước quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine từ Washington.

Hôm thứ Sáu 07/07, Mỹ xác nhận đang gửi loại vũ khí gây tranh cãi này cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là một “quyết định rất khó khăn”.

Đáp lại, Mỹ, Canada và Tây Ban Nha đều cho biết họ phản đối việc sử dụng loại vũ khí này.

Bom chùm đã bị cấm tại hơn 100 quốc gia vì gây nguy hiểm cho dân thường.

Loại bom này phát tán ra các quả bom nhỏ bên trong có thể giết người một cách ‘vô tội vạ’ trên một khu vực rộng lớn.

Loại vũ khí này đã gây tranh cãi liên quan đến tỷ lệ không phát nổ. Những quả bom nhỏ không nổ có thể nằm yên trên mặt đất trong nhiều năm và sau đó ngẫu nhiên phát nổ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng những quả bom chùm đang được chuyển đến Ukraine có tỷ lệ không phát nổ thấp hơn nhiều so với các loại Nga đang sử dụng trong cuộc chiến.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 07/07, Tổng thống Biden nói ông đã trao đổi với các đồng minh về quyết định này, thuộc thỏa thuận viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD.

Ông Biden cũng nói phải “mất thời gian để ông tin cần phải thực hiện điều đó”, nhưng ông đã hành động bởi vì “người dân Ukraine đang hết cạn đạn dược”.

Quyết định này nhanh chóng bị các nhóm hoạt động nhân quyền chỉ trích, Amnesty International tuyên bố bom chùm tạo nên “một nguy cơ nghiêm trọng cho đời sống dân thường, thậm chí sau khi cuộc xung đột đã kết thúc lâu trước đó”.

Và hôm thứ Bảy 08/07, một số đồng minh Phương Tây của Mỹ cũng từ chối ủng hộ quyết định này từ Washington.

Khi được hỏi về lập trường của mình trước quyết định của phía Mỹ, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh Anh là một trong 123 quốc gia đã ký Công ước về Bom Chùm (Convention on Cluster Munitions) có nội dung cấm sản xuất hoặc sử dụng loại vũ khí này và không khuyến khích sử dụng chúng.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles thì đi xa hơn, nói với các phóng viên rằng quốc gia của bà có một “cam kết chắc chắn” về loại vũ khí và bom nhất định nào có thể được chuyển đến cho Ukraine.

“Nói không với bom chùm và nói có về sự phòng vệ chính đáng của Ukraine, chúng tôi hiểu là không nên được tiến hành với các bom chùm,” bà tuyên bố.

Chính phủ Canada nói họ đặc biệt quan ngại về tác động tiềm tàng của các loại bom này đối với trẻ em, khi chúng đôi khi bất ngờ phát nổ sau nhiều năm nằm yên dưới mặt đất.

Canada nói chống lại việc sử dụng bom chùm và vẫn tuân thủ hoàn toàn với Công ước về Bom Chùm. “Chúng tôi thực thi nghiêm túc Công ước về Bom Chùm nhằm khuyến khích sự áp dụng chung công ước này,” Canada nêu trong một tuyên bố.

Mỹ, Ukraine và Nga không tham gia công ước này, trong khi đó cả Moscow và Kyiv đều đã sử dụng bom chùm trong cuộc chiến tranh.

Trong khi đó, Đức, một quốc gia tham gia công ước, cho biết sẽ không cung cấp loại vũ khí này đến Ukraine, và hiểu lập trường của Mỹ.

“Chúng tôi chắc chắn là những người bạn Mỹ của chúng tôi không xem nhẹ quyết định cung cấp loại vũ khí như vậy,” người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói với các phóng viên tại Berlin.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã cam kết các quả bom chùm sẽ chỉ được sử dụng để công phá các tuyến phòng thủ của quân địch, và không nằm ở những khu vực đô thị.

Dấu hiệu bom chùm

Chụp lại hình ảnh, 

Một xe ô tô bị thủng nát khi Nga sử dụng bom chùm tại thành phố Kharkiv của Ukraine hồi tháng 06/2022

Bước đi này của Tổng thống Biden sẽ vượt qua luật pháp Mỹ về ngăn cấm việc sản xuất, sử dụng hay chuyển giao bom chùm có tỷ lệ không phát nổ hơn 1%.

Ông Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói với các phóng viên rằng các loại bom chùm của Mỹ có tỷ lệ không phát nổ dưới 2,5%, trong khi bom chùm của Nga thì tỷ lệ này là trong khoảng từ 30-40%, ông cho biết.

Liên minh Bom chùm của Mỹ (US Cluster Munition Coalition), thuộc chiến dịch xã hội dân sự quốc tế nhằm xóa sổ loại vũ khí này, tuyên bố loại bom sẽ gây “sự chịu đựng to tát hơn, trong ngày hôm nay, và trong những thập kỷ tới”.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng chỉ trích, một đại diện tuyên bố “việc sử dụng loại bom như thế này cần phải bị chấm dứt ngay lập tức và không nên được sử dụng ở bất kỳ nơi đâu”.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga mô tả bước đi này của Washington là “hành động tuyệt vọng” và “bằng chứng về sự bất lực trước thất bại rõ ràng về ‘cuộc phản công’ của Ukraine được quảng bá dồn dập.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova cho biết các cam kết của Ukaine sẽ sử dụng loại bom chùm này có trách nhiệm là “chẳng mang giá trị gì”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang chiến đấu trong một chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) ngày càng lan rộng tại Ukraine. 

Cuộc phản công của Ukraine, bắt đầu hồi tháng Sáu, đang diễn tiến tại vùng Donetsk ở miền đông và các vùng Zaporizhzhia ở miền đông nam.

Hồi tuần rồi, Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny tuyên bố chiến dịch này đã bị hạn chế vì thiếu đạn pháo. Ông cũng thể hiện sự chán nản trước quá trình vận chuyển chậm số vũ khí mà Phương Tây đã cam kết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Tổng thống Mỹ về gói viện trợ quân sự “đúng thời điểm, đa dạng và rất cần đến”.

Phân tích của Frank Gardner, Phóng viên An ninh của BBC News

Từng quốc gia một, các đồng minh trong Nato của Mỹ đã cùng tạo khoảng cách với quyết định cung cấp loại bom chùm gây tranh cãi của Washington.

Thủ tướng Rishi Sunak nói rõ ràng, Anh là quốc gia tham gia công ước năm 2008 có nội dung cấm sản xuất và sử dụng – không khuyến khích quốc gia khác sử dụng bom chùm.

Canada thì tiến xa hơn, với tuyên bố của chính phủ nói cam kết chấm dứt việc bom chùm có thể gây tác động lên dân thường, đặc biệt là trẻ em.

Tây Ban Nha cũng tuyên bố loại vũ khí này không nên được chuyển đến Ukraine, trong khi Đức cho biết chống lại quyết định này, mặc dù hiểu lập luận đằng sau nó.

Thậm chí Nga cũng lên án, mặc dù chính quốc gia này đã sử dụng rất nhiều bom chùm trong cuộc chiến tranh Ukraine, và cho biết loại bom này sẽ nằm trên mặt đất trong hàng thế hệ.

Thế nhưng Tướng Sir Richard Shirreff, cựu phó tư lệnh Nato tại châu Âu đã bảo vệ quyết định này, và cho biết việc triển khai loại bom này có thể khiến Ukraine dễ dàng hơn trong việc phá vỡ các phòng tuyến của Nga.

Ông cho biết nếu Phương Tây cung cấp thêm vũ khí sớm hơn, thì có lẽ đã không cần đến phải cung cấp bom chùm cho Ukraine vào thời điểm hiện tại.

https://www.bbc.com

Tags: , , ,

Comments are closed.