Lựa chọn bất khả thi của Đài Loan: Trở thành Ukraine hoặc Hồng Kông


Wall Street Journal – Cù Tuấn, biên dịch

06/7/2023

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/07/2-4.jpeg
Người dân Đài Loan tập trung tại Đài Bắc để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đàn áp quân sự năm 1989 đối với các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Ảnh: WIKTOR DABKOWSKI/ZUMA PRESS 

Tóm tắt: Nền dân chủ Đài Loan đã rút ra hai bài học trái ngược từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

ĐÀI BẮC, Đài Loan—Người dân Đài Loan đã theo dõi từng diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, trong khi sự đồng cảm của họ đối với Ukraine là gần như tương đồng, thì các kết luận về tương lai của chính hòn đảo này lại rất khác nhau.

Đối với một số người, bài học rút ra là ngay cả một kẻ thù dường như bất khả chiến bại cũng có thể bị đánh bại nếu một xã hội biết đứng vững, và bài học này trở thành một nguồn cảm hứng cho nỗ lực của chính Đài Loan nhằm chống lại cuộc xâm lược đáng sợ của Trung Quốc. Những người khác rút ra bài học ngược lại từ hình ảnh các thành phố Ukraine đang bốc cháy âm ỉ. Họ nói rằng bất cứ chuyện tồi tệ nào đi nữa cũng còn tốt hơn là chiến tranh, và Đài Loan nên làm tất cả những gì có thể để tránh chọc giận Bắc Kinh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải thỏa hiệp một cách đau đớn.

Hai tầm nhìn đối nghịch nhau này sẽ cạnh tranh nhau trong cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan, dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm 2024, và sẽ định hình cách thức chính thể dân chủ của hòn đảo cải tổ hệ thống phòng thủ của mình khi quân đội Trung Quốc càng ngày càng xâm lấn. Việc tự tìm câu trả lời bên trong tâm thức người Đài Loan, và quyết tâm củng cố lực lượng vũ trang của họ, cũng nhất định sẽ ảnh hưởng đến mức độ can dự của Mỹ về mặt quân sự nếu Bắc Kinh cố gắng chiếm lấy hòn đảo này – nơi sinh sống của 24 triệu người, và hầu như toàn bộ nhà xưởng sản xuất chip bán dẫn tiên tiến của thế giới.

Trong khi Đài Loan luôn phải chịu sức ép bị xâm lược kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát đại lục vào năm 1949, thì việc Nga tấn công Ukraine khiến nhiều người Đài Loan lo sợ rằng chiến tranh có thể nổ ra mà không cần báo trước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát biểu càng ngày càng hung hãn khi nói về Đài Loan, nhắc đi nhắc lại rằng họ sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được điều mà họ gọi là “thống nhất đất nước”. Bắc Kinh cũng đã tăng cường các tàu thăm dò hải quân và không quân xung quanh hòn đảo nhằm làm hao mòn hệ thống phòng thủ của Đài Loan. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ ước tính rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã áp đặt năm 2027 sẽ là hạn chót để quân đội của ông sẵn sàng chiếm hòn đảo.

“Điều mà cuộc chiến Ukraine đã cho thấy, đó là khả năng một nước láng giềng hiếu chiến có thể đơn phương quyết định hành động chống lại bạn không phải là điều xa vời. Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh”, Enoch Wu, người sáng lập Forward Alliance, một tổ chức phi chính phủ đào tạo dân thường Đài Loan về ứng phó khẩn cấp và sơ cứu. “Mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt là một mối đe dọa hiện hữu, và vì vậy sứ mệnh phòng thủ của chúng ta phải có sự tham gia của toàn xã hội”.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã chuyển sang tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc bắt đầu từ năm tới, từ 4 tháng lên một năm, và tăng chi tiêu quân sự với việc mua vũ khí mới từ Mỹ, chẳng hạn như hàng trăm tên lửa chống hạm Harpoon. Trong khi bà Thái không đủ điều kiện để tái tranh cử, ứng cử viên tổng thống từ đảng cầm quyền của bà – đương kim Phó Tổng thống Lại Thanh Đức – cũng cam kết tương tự sẽ bảo vệ quyền tự trị của hòn đảo và chống lại sự đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh.

“Tôi không nghĩ bất kỳ người nào có lý trí có thể nói rằng việc đối thoại sẽ thay đổi ông Tập hoặc ĐCSTQ,” Vincent Chao, cựu quan chức an ninh quốc gia và là phát ngôn viên của ông Lai, đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Họ coi việc khuất phục Đài Loan là một phần trong quá trình trẻ hóa quốc gia của họ, như một điều gì đó vốn có liên quan đến tính hợp pháp chính trị của họ. Bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cũng phải thực tế về tình hình.” Ông nói thêm, Ukraine đã cho Đài Loan một “bài học sáng giá” về cách tự bảo vệ mình—và cách xây dựng liên minh với các nền dân chủ có cùng chí hướng.

Đảng Quốc gia đối lập chính, được gọi là Quốc dân đảng, lại có quan điểm khác. “Chúng tôi muốn nói chuyện với người Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đối thoại với Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ làm giảm căng thẳng, để đảm bảo không có chiến tranh ngẫu nhiên và chắc chắn không có chiến tranh cố ý nào xảy ra”, phó chủ tịch Quốc dân đảng Andrew Hsia cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi khởi hành chuyến công du Trung Quốc vào tháng 6, chuyến đi thứ hai của ông trong năm nay.

Ông Hsia nói thêm: “Trong quá khứ, chúng ta đã nói về chiến tranh, nhưng bây giờ lần đầu tiên chúng ta thấy trong phòng khách của mình, trên truyền hình, tất cả sự tàn phá của nó. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó chưa? Tôi không nghĩ chúng ta đã sẵn sàng, tôi không nghĩ chúng ta sẽ kiên cường đến thế”.

Ứng cử viên tổng thống của Quốc dân đảng, Hồ Hữu Nghi, đã cam kết trong tuần này rằng ông sẽ giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc xuống còn 4 tháng sau khi cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Trong khi Quốc dân đảng thể hiện tốt trong các cuộc bầu cử địa phương vào mùa thu năm ngoái, các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay cho thấy Lại Thanh Đức đang dẫn đầu, mặc dù cuộc đua tổng thống quá bất ổn để có thể quyết định. Ứng cử viên thứ ba, Ko Wen-je, cựu thị trưởng trung dung của Đài Bắc, cũng đang có tỷ lệ ủng hộ cao, càng làm cho các dự đoán thêm khó khăn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lo lắng theo dõi quân đội Nga vấp ngã ở Ukraine, với số lượng thương vong cao và một loạt thất bại đã góp phần gây ra cuộc binh biến ngắn ngủi của nhóm bán quân sự Wagner vào tháng trước. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập, người đã dập tắt quyền tự trị và quyền tự do dân sự mà Hồng Kông được hưởng, giảm quyết tâm hơn trong việc chiếm Đài Loan vì những khó khăn của Nga, theo các quan chức Mỹ.

Một hàng rào tự nhiên ghê gớm—hơn 130km đường thủy—ngăn cách Đài Loan với lục địa Trung Quốc, khiến cho bất kỳ cuộc xâm lược nào cũng trở nên phức tạp hơn nhiều so với việc Nga đưa các đoàn xe tăng qua biên giới Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các tàu và máy bay chở quân của Trung Quốc sẽ là mục tiêu của tên lửa của Đài Loan, và thương vong ban đầu của lực lượng xâm lược có khả năng là rất cao.

Tuy nhiên, việc Đài Loan là một hòn đảo cũng khiến việc đảm bảo đạn dược và các nguồn cung cấp quan trọng, chẳng hạn như nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện, trở nên phức tạp hơn. Kích thước nhỏ của hòn đảo – nó chỉ chiếm 6% diện tích bề mặt của Ukraine – sẽ không cho Đài Loan có nhiều lựa chọn để phản công chiến lược nếu quân đội Trung Quốc thành công trong việc thiết lập một số bãi biển, như hầu hết các trò chơi chiến tranh dự đoán sẽ diễn ra.

“Đối với Đài Loan, tình hình giống như David đối mặt với Goliath”, Thiếu tướng Sun Li-fang, phát ngôn viên của quân đội Đài Loan cho biết. “Nhưng quê hương của chúng tôi ở đây, và lối sống dân chủ và tự do là một phần giá trị của chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ nó bằng bất cứ giá nào”.

Mặc dù Mỹ không có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ Đài Loan và từ lâu đã duy trì chính sách mơ hồ chiến lược về vấn đề này, nhưng Tổng thống Biden đã nhiều lần cảnh báo rằng, không giống như ở Ukraine, quân đội Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp nếu Trung Quốc cố gắng chiếm giữ hòn đảo này bằng vũ lực. Tuy nhiên, trước khi quân đội Mỹ được triển khai, hòn đảo này sẽ phải tự mình chống lại những cú đánh đầu tiên. Nhiều quan chức và nhà phân tích Mỹ cho biết, cho đến nay, mặc dù đã có những cải tiến gần đây, nhưng Đài Loan vẫn chưa sẵn sàng.

“Người Đài Loan phải cam kết 100%, bởi vì nếu không, thì không có lý do gì để Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác đến viện trợ cho họ”, Trung tướng Không quân Mỹ David Deptula, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell ở Arlington, Va, nêu ý kiến. “Cần phải có cảm giác thật sự cấp bách. Mỹ sẽ không đưa những chàng trai và cô gái của họ tới Đài Loan nếu người Đài Loan không sẵn sàng toàn tâm toàn ý bảo vệ hòn đảo và người dân của họ”.

Mặc dù đã được tăng cường trong năm qua, ngân sách quân sự của Đài Loan vẫn chỉ bằng 2,4% GDP—so với hơn 3% của Mỹ, 4% của Ba Lan và khoảng 5% ở Israel. Các quan chức phương Tây cho biết tính chuyên nghiệp và động lực của quân đội Đài Loan là mối quan tâm đặc biệt. Trường đào tạo sĩ quan chính của hòn đảo ban đầu được thành lập với tên gọi Học viện quân sự Hoàng Phố ở miền nam Trung Quốc vào những năm 1920, phụ thuộc nhiều vào các giảng viên Liên Xô. Các nhà phân tích quốc phòng cho biết, học thuyết và văn hóa quân sự kiểu Xô Viết lỗi thời vẫn tồn tại trong quân đội Đài Loan.

Bất chấp sự gia tăng gần đây về thời gian nhập ngũ, việc trì hoãn nhập ngũ do ưu tiên giáo dục đại học có nghĩa là hầu hết người Đài Loan ở độ tuổi quân dịch sẽ không phục vụ trong suốt năm cho đến năm 2028—và vẫn chưa rõ việc đào tạo quân dịch hiện tại, mà theo nhiều binh sĩ là gồm rất ít kỹ năng hữu ích, sẽ được hiện đại hóa.

Hiện tại, hầu hết những người nhập ngũ dành thời gian lau sàn nhà và nhặt cỏ hơn là học cách đẩy lùi Quân đội Giải phóng Nhân dân Bắc Kinh, Đô đốc Lee Hsi-min, cựu chỉ huy quân đội Đài Loan cho biết. Ông đã lên tiếng chỉ trích mức độ sẵn sàng thấp kém của quân đội hòn đảo này.

“Nếu bạn chỉ làm những việc giống nhau trong một năm thay vì bốn tháng, thì bạn sẽ gặp rắc rối và mang tiếng xấu”, ông nói. “Vấn đề là nội dung đào tạo chứ không phải thời gian đào tạo. Cách thức bạn tập luyện quan trọng hơn nhiều so với việc bạn tập luyện trong bao lâu”. Quân đội Đài Loan cho biết họ đang nỗ lực cải thiện việc đào tạo.

Đài Loan cũng gặp khó khăn trong việc duy trì quân đội chuyên nghiệp của mình, bao gồm cả các phi công Không quân được đào tạo bài bản. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một báo cáo gần đây rằng khoảng 20% quân nhân chuyên nghiệp của họ trong 5 năm qua đã quyết định rời quân ngũ trước khi hợp đồng của họ kết thúc. Chỉ trong năm ngoái, hơn 3.700 binh sĩ đã xin nghỉ việc, theo báo cáo.

“Rất nhiều thanh niên đăng ký tham gia lực lượng tình nguyện trong 4 năm đã quyết định trả tiền phạt và rời quân ngũ sớm vì họ nói rằng họ nhập ngũ vì tiền—không phải để chiến đấu và không phải để chết”, Alexander Huang, giám đốc quan hệ quốc tế của Quốc dân Đảng cho biết.

Lịch sử rắc rối của Đài Loan với các lực lượng vũ trang của chính họ là một phần lý do. Quân đội và chính phủ của Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đã trốn sang Đài Loan khi quân đội Cộng sản đảng của Mao Trạch Đông đánh bật họ khỏi lục địa Trung Quốc vào năm 1949. Chế độ độc tài quân sự của Tưởng đã cố gắng ngăn chặn ý thức về bản sắc của Đài Loan, vốn bị coi là đã bị vấy bẩn do trải qua nhiều thập kỷ cai trị của Nhật Bản. Tưởng Giới Thạch sau đó dành nhiều thập kỷ để thực hiện cái gọi là “Khủng bố trắng”, trong đó hàng nghìn người bất đồng chính kiến ​​đã bị giết hại.

Đảng Tiến bộ Dân chủ của Tổng thống Thái Anh Văn, nắm quyền từ năm 2016, nổi lên từ chiến dịch ủng hộ dân chủ chống lại sự cai trị của Quốc dân đảng vào những năm 1980, một phần lôi cuốn ý thức của người Đài Loan về sự khác biệt của họ với người dân đại lục.

“Trong quá khứ, thường dân Đài Loan không thân thiết lắm với quân đội của chúng tôi vì quân đội cũ của chúng tôi đến từ bên ngoài đảo, không xuất phát từ dân trên đảo. Có một khoảng cách lớn giữa dân thường và quân nhân”, nhà lập pháp DPP Wang Ting-yu, thành viên cấp cao của ủy ban quốc phòng của quốc hội Đài Loan, cho biết.

“Nhưng tôi phải nói rằng đây là một tình huống đã lâu lắm rồi”, ông nói thêm, nói rằng, dưới thời bà Thái Anh Văn, mối quan hệ quân sự-dân sự của Đài Loan đã thay đổi: “Bà ấy khiến quân đội nhận ra rằng bạn cần phải bảo vệ nền dân chủ”. Ông nói, chính phủ đã tăng lương cho quân đội và đang hiện đại hóa các chương trình đào tạo, một phần bằng cách đưa các giảng viên nước ngoài vào dạy, và cử một số đơn vị Đài Loan tham gia các cuộc tập trận ở Mỹ.

Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn chưa chuyển thành thái độ mới trong công chúng, nơi mà việc phục vụ trong lực lượng vũ trang không có uy tín hoặc hấp dẫn nào. Wang Chung-wei, một người lính sắp nhập ngũ trong vài tuần tới, nói rằng anh ấy, giống như hầu hết thanh niên Đài Loan, không mong đợi trải nghiệm này. “Không có gì cả. Sẽ hoàn toàn chỉ là lãng phí thời gian”. Wang nói thêm rằng anh thà ở nhà và làm việc trong công việc kinh doanh của gia đình. “Tôi không quan tâm nếu Trung Quốc tiếp quản. Dù sao thì gia đình chúng tôi cũng từ Trung Quốc chạy đến đây”.

Phil Pi, 21 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Đài Loan năm ngoái, cho biết anh hầu như không học được gì trong thời gian làm việc. Anh nói, vì các quy tắc của Covid, những người lính nghĩa vụ thậm chí không thể chạy bộ vì việc tập thể dục với khẩu trang được cho là quá mệt mỏi. Tuy nhiên, những tân binh đã thực hành bắn súng tầm xa một vài lần.

“Đó không phải là một trải nghiệm hữu ích. Tôi không được huấn luyện để chiến đấu”, Pi nói, đồng thời cho biết thêm rằng anh và những người bạn của mình sẽ không tình nguyện ra tiền tuyến nếu Trung Quốc xâm lược: “Sẽ không có hy vọng nào”.

Một số thanh niên khác được phỏng vấn tại khu mua sắm Ximending của Đài Bắc cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng họ thấy việc hy sinh mạng sống của mình chẳng ích lợi gì trước sức mạnh to lớn của Trung Quốc.

“Những người trẻ tuổi [tại Đài Loan] là những người không muốn thống nhất với Trung Quốc”, Trung tướng Chang Yan-ting, cựu phó tư lệnh lực lượng không quân Đài Loan nói. “Nhưng nếu bạn muốn độc lập, bạn càng cần phải chiến đấu, và họ cũng không muốn chiến đấu. Mâu thuẫn nảy sinh”.

Yi-hao, sinh viên Đại học Quốc phòng Đài Loan, là một ngoại lệ. Anh nói: “Trước cuộc chiến ở Ukraine, chúng tôi được dạy rằng sức mạnh quân sự của Nga mạnh hơn của Trung Quốc và quân đội của Đài Loan mạnh hơn quân đội Ukraine. “Nếu Ukraine có thể chống cự lâu như vậy, Đài Loan chắc chắn sẽ cầm cự được”. Anh không muốn nêu họ của mình vì anh không được quân đội cho phép phát biểu.

Lai Yi-chi, người đã trở thành trung úy sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân vào tháng 6, nói rằng cô đã được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm và kiên cường của những người lính Ukraine, điều mà cô thường thảo luận trong các lớp học. “Chúng ta cũng nên thể hiện tinh thần và quyết tâm như vậy”, cô nói.

Bỏ qua các lực lượng vũ trang chính thức, một số nhóm tình nguyện đã quyết định tự hành động, chuẩn bị cho người dân Đài Loan đối phó với một cuộc chiến có thể xảy ra. Một nhóm như vậy là Học viện Kuma, đã nhận được khoản tài trợ 100 triệu đô la từ Robert Tsao, người sáng lập United Microelectronics, một trong những công ty bán dẫn lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi không có ý định thành lập quân đội riêng”, Tsao nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng nỗ lực của họ có thể sẽ làm tăng khả năng phục hồi của xã hội Đài Loan. Nếu chúng ta biết cách ẩn nấp, biết cách giúp đỡ lẫn nhau, biết cách duy trì liên lạc, chúng ta có thể giảm bớt thiệt hại trong thời chiến”. Tsao cho biết một số sinh viên cũng muốn học thêm các kỹ năng võ thuật, chẳng hạn như bắn súng, nhưng luật súng nghiêm ngặt của Đài Loan khiến điều đó trở nên khó khăn. Khoảng 25.000 người Đài Loan đã được đào tạo tại Kuma.

Nico Li, một nhạc sĩ đã nghỉ hưu 60 tuổi đang tham gia một lớp học ở Kuma, cho biết bà cảm thấy lo lắng trước những rủi ro ngày càng tăng đến từ Trung Quốc và muốn tự trang bị cho mình để tránh trở thành gánh nặng cho con cái. “Đài Loan là hòn đảo với những kho báu. Tôi không muốn giao nó cho người khác mà không đấu tranh”, Li nói, đề cập đến những gì bà coi là giá trị tự do và dân chủ của Đài Loan. “Nếu tôi có khả năng, tôi thậm chí sẽ cầm súng nếu cần”.

Tại một buổi huấn luyện khác do Forward Alliance tổ chức, hàng chục người Đài Loan đã thực hành cách cầm máu động mạch bằng garo và cố định vết thương lớn. Eric Lin, một trong những sinh viên, cho biết: “Có cảm giác về sự diệt vong sắp xảy ra, cảm giác vô cùng tuyệt vọng. Vì vậy, thay vì ngồi ở nhà và xem những tin tức tiêu cực, tôi muốn đến đây – để tôi có thể làm được điều gì đó”.

https://baotiengdan.com/2023/07/06

Comments are closed.