Mỹ-TQ-Phi Luật Tân: Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối tàu Philippines ở vùng biển tranh chấp


Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối tàu Philippines ở vùng biển tranh chấp

Một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (trên cùng) và một tàu tiếp nhiên liệu của Philippines tham gia vào cuộc cản phá khi thuyền của Philippines cố gắng tiếp cận Bãi cạn Thomas thứ hai (Bãi Cỏ Mây), một phần của Quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông xa xôi mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, hôm 29/3/2014. (Ảnh: Jay Directo/Getty Images)

 Bình luận Aldgra Fredly • 23:25, 02/05/23

Sau cuộc chạm trán căng thẳng giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần tra Philippines ở vùng biển tranh chấp, ngày 29/4, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối tàu Philippines ở Biển Đông.

Xem nhanh

  1. Philippines mong muốn tránh xung đột
  2. Hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc bị phát hiện

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, vụ việc gần Bãi cạn Ayungin, còn được gọi là Bãi cạn Thomas thứ hai, là một “lời nhắc nhở rõ ràng” về việc Trung Quốc “quấy rối và đe dọa các tàu Philippines” trong vùng biển tranh chấp.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc tiến hành những hành động khiêu khích và thiếu an toàn. Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ vấn đề này”, ông Miller cho hay.

Ông tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Philippines ở Biển Đông và tuyên bố rằng Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ hành vi tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, thuyền công vụ hoặc máy bay của Philippines theo điều khoản trong Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines – Mỹ (MDT) đối với Biển Đông vào năm 1951.

Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, trong đó cam kết hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Giới chức Mỹ nhiều lần bảo đảm với người đồng nhiệm Philippines rằng họ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước nếu các lực lượng, tàu chiến và máy bay Philippines bị tấn công tại Biển Đông, kể cả bởi Trung Quốc.

Tuyên bố trên của ông Miller được đưa ra chỉ một ngày trước khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Hoa Kỳ. Tại đây, ông sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để thảo luận về quan hệ kinh tế và an ninh song phương.

Tuần trước, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) cho biết hai tàu hải cảnh Trung Quốc là BRP Malapascua và BRP Malabrigo đã chặn các tàu tuần tra của họ và “triển khai các chiến thuật gây hấn” khi PCG tuần tra ở Bãi cạn Ayungin vào ngày 23/4.

Theo PCG, một trong các tàu Trung Quốc đã “thực hiện các thao tác nguy hiểm” ở khoảng cách khoảng 45 mét so với BRP Malapascua, gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sự an toàn của các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.

Theo PCG, tàu tuần duyên thứ hai của Trung Quốc cách tàu BRP Malabrigo khoảng 640 mét.

Bãi cạn Ayungin là một phần của quần đảo Trường Sa, nằm cách bờ biển tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý (khoảng 195 km).

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 phân loại các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ biên giới của các quốc gia ven biển là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của họ. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông dưới yêu sách “đường chín đoạn” của nước này.Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trong lễ kỷ niệm 126 năm ngày thành lập Quân đội Philippines tại Pháo đài Bonifacio gần Manila, Philippines, hôm 22/3/2023. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Philippines mong muốn tránh xung đột

Vào ngày 30/4, chỉ vài giờ trước khi khởi hành tới Washington, ông Marcos đã kêu gọi Bắc Kinh thiết lập một “đường dây liên lạc trực tiếp” giữa các cơ quan chức năng của họ để tránh các tai nạn nguy hiểm giữa các tàu chiến trong vùng biển tranh chấp.

Phát biểu trước báo giới, ông Marcos cho hay: “Đây là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ tránh được. Vì lần này [các con tàu] ở quá gần nhau nên sẽ nguy hiểm hơn một chút. Những con tàu suýt chút nữa va vào nhau, điều này sẽ gây ra thương vong cho cả hai bên”.

Ông tuyên bố rằng với tư cách là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Philippines đóng một “vai trò quan trọng” trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Mục tiêu của Philippines rất rõ ràng: chúng tôi kiến tạo hòa bình. Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ hành động khiêu khích nào… Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra”, ông khẳng định.

Ông Marcos dự kiến ​​sẽ thảo luận về Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ – Philippines với Tổng thống Biden trong chuyến công du tới Washington.

Hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc bị phát hiện

Theo PCG, từ ngày 18/4 đến ngày 24/4, hơn 100 tàu dân quân biển Trung Quốc, một lớp tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân và hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã bị phát hiện ở nhiều khu vực do Philippines kiểm soát.

Các tàu PCG đã cố gắng giải tán hơn 100 tàu bán quân sự của Trung Quốc vây quanh Đá Julian Felipe, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, nhưng không thành công.

Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng “không có tàu CMM [dân quân biển Trung Quốc] nào phản ứng hoặc tỏ ý rời khỏi khu vực”.

Ngoài ra, các tàu PCG cũng đưa ra “nhiều mệnh lệnh vô tuyến” đối với 18 tàu dân quân biển Trung Quốc đang tập trung tại Bãi cạn Sabina thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, họ từ chối tuân theo mệnh lệnh.

Hồi tháng 2, PCG cho biết một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào tàu của họ ở Bãi cạn Ayungin để cản trở hoạt động tiếp tế cho hải quân Philippines. Vào thời điểm đó, tàu của Philippines đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.

Vụ việc diễn ra vào ngày 6/2, khi chiếc tàu BRP Malapascua của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) đang hỗ trợ hải quân nước này vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới một tiền đồn quân sự trên Bãi cạn Thomas thứ Hai (Bãi Cỏ Mây) xa xôi thuộc Quần đảo Trường Sa.

Khi tàu cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý (khoảng 20 km) thì một tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 bất ngờ chiếu tia laser 2 lần, gây “mù tạm thời” (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu, các quan chức Manila cho biết.

Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Cả 6 quốc gia đều đưa ra các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông – nơi ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ đô la hàng hóa đi qua mỗi năm. Khu vực này cũng được cho là có nguồn tài nguyên dầu khí lớn.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Từ NTDVN.NET

Comments are closed.