Nước Nga đang đi về đâu? Nguyễn Quang Dy*


Nguyễn Quang Dy – 04/7/2023

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/07/Putin.jpeg

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Đó là một câu hỏi nóng không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà còn cho những người quan tâm đến nước Nga. Vận mệnh của một siêu cường quân sự như nước Nga có tác động rất lớn tới tương lai của nhiều quốc gia và trật tự thế giới. Tuy còn quá sớm để kết luận, nhưng sau quyết định sai lầm của Putin xâm lược Ukraine, nhất là sau cuộc binh biến đầy kịch tính của ông trùm Wagner là Prigozhin, một nước Nga “hậu Putin” đang tới gần hơn.

Hệ thống đang sụp đổ 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trên chương trình “Face the Nation” (CBS, 23/06): “Cuộc nổi dậy của Prigozhin bộc lộ những rạn nứt về hệ thống. Nó thách thức trực tiếp quyền lực của Putin”. Theo Bộ Quốc phòng Anh, “Đây là thách thức lớn nhất đối với Nga trong thời gian gần đây. Cuộc binh biến có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng, vì đó là sản phẩm của một hệ thống quản trị rối loạn sắp dẫn đến hỗn loạn” (bardak).

Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách ở Washington có lý do để lo ngại rằng Putin có thể mất quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình nếu có một cuộc đảo chính chống lại ông ở Điện Kremlin. Liệu lịch sử có lặp lại như khi Liên Xô sụp đổ? Khi một siêu cường sụp đổ, nó có thể nguy hiểm hơn là khi trỗi dậy đe dọa thế giới. Vì vậy, Washington vừa mừng vừa lo, nhất là khi Trung Quốc đang trỗi dậy và chờ thời cơ.

Là một cựu sỹ quan KGB, Putin muốn thao túng bàn cờ chính trị như “phù thuỷ tạo âm binh”, để có lực lượng riêng chống đảo chính. Nhưng khi phù thuỷ đã hết phép màu thì âm binh có thể nổi dậy làm phản như Prigozhin đã làm. Dù có thuyết âm mưu hay không, chắc Putin cũng bị bất ngờ rằng mình đã “nuôi ong tay áo”. Kết cục là Putin càng bộc lộ sự bất an và cô độc, như hình ảnh ông tiếp khách với chiếc bàn quá dài trong điện Kremlin.

Theo các nhà quan sát, sự tương phản giữa Zelensky và Putin thật đáng kinh ngạc. Trong khi Zelensky thể hiện lòng dũng cảm, tình đồng đội và đoàn kết dân tộc, thì Putin thể hiện sự lo sợ, cô lập và chia rẽ. Khi Prigozhin tiến quân về Moscow, có tin đồn Putin đã rời thủ đô. Cuộc binh biến cho thấy “hệ thống của Putin đang sụp đổ và quá trình đó sẽ tăng tốc”.

Tuy còn quá sớm để dự đoán sự sụp đổ của hệ thống, nhưng sự ổn định của nước Nga bị lung lay tận gốc như “một người khổng lồ chân đất sét”. Thất bại của Putin trong việc ngăn chặn cuộc nổi dậy của Wagner là một quả bom nổ chậm nguy hiểm. Trong khi nhiều người Nga tại Rostov chào đón Wagner thì nhiều người Nga ở Moscow bỏ chạy khỏi thủ đô. Thất bại tiếp theo tại Ukraine sẽ làm cho tình hình nước Nga tồi tệ hơn, và ngược lại.

Lần đầu tiên người Nga đã chứng kiến quân đội hùng mạnh của họ và các cơ quan an ninh đáng sợ không thể ngăn chặn được đội quân Wagner tiến về Moscow, sau khi giành được quyền kiểm soát Rostov. Cuộc nổi dậy của đội quân Wagner do Prigozhin cầm đầu và việc ông ta vạch trần nguyên nhân của cuộc chiến tranh Ukraine sẽ được lan truyền nhanh trên chiến trường, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân đội Nga.

Bộ Quốc phòng Nga lo ngại Ukraine sẽ lợi dụng sự hỗn loạn do binh biến của Prigozhin để đẩy mạnh các cuộc phản công tại Bakhmut và Donbas, và dùng sự kiện mới để thuyết phục bạn bè phương Tây. Các nước đồng minh từng lập luận rằng nước Nga không thể bị đánh bại và khuyên Ukraine nên đàm phán với Putin, bây giờ sẽ im lặng. Giới tinh hoa Nga từng gắn bó với Putin để an toàn nay phải suy nghĩ lại về một nước Nga “hậu Putin”.

Là bạn hay thù 

Vào đêm thứ bảy 24/6, sau khi có sự hòa giải của Tổng thống Belarus Lukashenko, Prigozhin đã hủy cuộc hành quân của Wagner khi chỉ cách Matxcơva 200 km, giúp tránh được cuộc tắm máu tiềm tàng ở Moscow. Theo Giáo sư Fiona Hill (Đại học Durham ở Anh) “Prigozhin hiện đang nói ra sự thật về thất bại quân sự của Nga và lý do chính thức cho cuộc xâm lược. Ông ta đã công khai nói ra những gì mà nhiều người khác đang nghĩ”.

Wagner là một đội quân đánh thuê chuyên nghiệp. Quan hệ giữa Putin (một nhà độc tài) và Prigozhin (một trùm tội phạm) là quan hệ cộng sinh cùng có lợi. “Không có Putin sẽ không có Prigozhin”. Chính Putin đã thừa nhận là nước Nga đã chi cho Wagner hơn một tỷ USD. Vì vậy, Wagner đã phục vụ rất đắc lực cho những mục tiêu quân sự của Putin ở nước ngoài, không chỉ ở Ukraine hiện nay, mà còn ở một số nước Châu Phi trước đây.

Tuy Putin đã để cho Prigozhin chỉ trích một số tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng Prigozhin rất thận trọng, không bao giờ chỉ trích trực tiếp Putin. Nhưng khi Putin ủng hộ quyết định “thống nhất” quân đội của Bộ Quốc phòng, Prigozhin quyết không chịu từ bỏ quyền kiểm soát tập đoàn Wagner, và không chịu sáp nhập nó vào quân đội Nga. Prigozhin buộc phải đi nước cờ thế dù biết đó là hành động thách thức Putin.

Hơn 20.000 chiến binh Wagner dưới quyền Prigozhin đã thiệt mạng trong trận chiến đẫm máu ở Bakhmut. Khi đội quân Wagner có nguy cơ bị xóa sổ, Prigozhin buộc phải làm binh biến. Quyết định tiến quân về Moscow xuất phát từ tình huống tuyệt vọng chứ không định “đảo chính” để lật đổ Putin. Theo một số nguồn tin, kế hoạch binh biến của Prigozhin đã bị lộ. Tình báo của cả Nga và phương Tây đã biết trước kế hoạch đó ít nhất hai ngày.

Tuy Prigozhin thừa biết tiến quân vào Moscow sẽ đi vào cửa tử, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, mà phải đi một nước cờ thế. Vì vậy, khi Tổng thống Belarus Lukashenko đứng ra làm trung gian hòa giải thì Prigozhin vội vồ lấy như chiếc phao cứu sinh, chấp nhận rút quân ngay để sống lưu vong. Putin cũng nhân nhượng cho Prigozhin, “kẻ phản bộikhủng bố” được giữ lại mạng sống, vì lưu vong ở Belarus cũng như “cá nằm trên thớt”.

Cuộc binh biến của Wagner đã tạo cho Ukraine một cơ hội vàng để phản công đuổi quân Nga ra khỏi những vùng bị chiếm đóng. 11 sư đoàn thiện chiến của Ukraine, mà các cấp chỉ huy vừa được “tu nghiệp” ở châu Âu trở về, vẫn còn án binh bất động. Cuộc binh biến của Prigozhin là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với 23 năm cầm quyền của Putin. Tuy Putin dễ bị tổn thương hơn sau vụ binh biến, nhưng chế độ Putin vẫn còn đứng vững.

Cuộc chiến tranh nhằm thay đổi chế độ ở Ukraine có thể làm lung lay chế độ ở Nga. Thực tế đó là một nghịch lý không chỉ với Putin mà còn với Mỹ và đồng minh.  Một nước Nga “hậu Putin” sẽ diễn ra nhanh hơn là người ta tưởng. “Đó là một cuộc cách mạng nhỏ trước một cuộc cách mạng lớn, và là “bước đầu của màn chót đối với Putin”.

Chưa phải lần cuối

Prigozhin đã được sự ủng hộ của mấy thế lực mạnh nhất nước Nga: Một là cơ quan tình báo quân đội (GRU), hai là cơ quan an ninh quốc gia (FSB); ba là chính bản thân Putin. Sự quản lý lỏng lẻo của GRU, sự nhân nhượng của quân đội, và sự che chở của Putin đã tạo cho Prigozhin và Wagner một vị trí đặc biệt như kiêu binh trong một triều đình thời trung cổ. Nhưng nước Nga của Putin hiện nay không phải là nước Nga của Peter Đại đế.

Đối với Wagner, GRU có vai trò quan trọng nhất, tin tưởng rằng Wagner vẫn hữu ích cho họ. Việc sử dụng các tập đoàn quân sự tư nhân làm nhà thầu phù hợp với mô hình chiến tranh mới của thế kỷ 21, không chỉ ở Nga mà còn ở Mỹ và các nước khác. Wagner vừa là sự tiếp nối của truyền thống cũ, vừa phản ánh xu hướng mới về chuyển đổi quyền lực, với sự xuất hiện của các tập đoàn tư nhân là trung tâm quyền lực mới.

Theo các chuyên gia, các nhà độc tài như Putin thường có ảo tưởng về quyền lực. Nhưng chế độ của Putin hóa ra dễ bị tổn thương hơn nhiều so với vẻ cứng rắn bên ngoài. Các tổn thất nhanh chóng của quân đội Nga tại Ukraine và sự yếu kém của họ đã buộc Putin phải dựa nhiều hơn vào Wagner. Nhưng hệ quả là Prigozhin đã cạnh tranh với Bộ Quốc phòng Nga và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Theo các nguồn tin tình báo, hơn 35.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và 154.000 người bị thương, trong khi Nga mất 2.000 xe tăng và 900 xe bọc thép. Chỉ tính từ 12/2022 đến 5/2023, hơn 20.000 quân Nga đã thiệt mạng và 80.000 người bị thương. Cuộc binh biến của Wagner cho thấy nước Nga rất bất ổn, và sớm có các vụ hỗn loạn tiếp theo.

Trước ngày 24/2/2022, Putin tuy là một người không đáng tin và hiếu chiến, nhưng qua các cuộc hành quân tại Syria, Crimea và những nơi khác, ông ấy vẫn là một chiến lược gia đầy năng lực. Nhưng sau sự kiện này, Putin cho thấy ông đã phạm sai lầm lớn khi xâm lược một nước khác không đe dọa nước Nga, và cuộc binh biến chết yểu cuối tuần qua của đội quân đánh thuê Wagner do Prigozhin cầm đầu, đã hủy hoại hào quang của Putin.

Dù không có đảo chính thì Kremlin cũng đã bị khốn đốn. Cuộc binh biến của Prigozhin là thách lớn đầu tiên đối với chế độ Putin, nhưng chắc không phải là lần cuối. Phương Tây không thể làm được gì hơn là để cho sự kiện chính trị này tiếp diễn như một bi hài kịch. Những gì đã diễn ra trong ba ngày qua là một cảnh báo về tương lai đen tối của nước Nga. Chỉ trong vòng một ngày, cuộc binh biến của Prigozhin đã tạo ra một sự hỗn loạn lớn.

Cuộc chiến ở Ukraine đã bào mòn nguồn lực của nước Nga và cuộc binh biến của Wagner càng làm cho nước Nga bất ổn, đặt Moscow trước các thách thức nội bộ mới. Chắc Prigozhin không phải là thách thức cuối cùng. Tuy chưa ai đủ mạnh để lật đổ Putin, nhưng mỗi người trong số họ sẽ làm lung lay quyền lực và uy tín của Putin và nước Nga. Kết cục là họ có thể làm tê liệt chính quyền Nga và làm suy yếu vị thế quân sự của Nga ở Ukraine.

Tham khảo

    1. Putin finally learns the lesson all tyrants learn, Max Boot, Washington Post, June 24, 2023
    2. The Putin system is crumbling, Gideon Rachman, Financial Times, June 25, 2023
    3. Revolt Raises Searing Question: Could Putin Lose Power? Anton Troianovski, Foreign Affairs, June 25, 2023
    4. The Beginning of the End for Putin? Liana Fix and Michael Kimmage, Foreign Affairs, June 27, 2023
    5. What comes after Putin? Mark Galeotti, Foreign Affairs, June 30, 2023
    6. What really went down between Putin and Prigozhin? Paul Wood, Spectator, June 30, 2023
    7. Putin’s Fate is Now Tied to Prigozhin’s, Valerie Hudson, National Interest, June 30, 2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/07/04


* Ông Nguyễn Quang Dy là cựu sinh viên trường Đại học Ngoại giao (tốt nghiệp năm 1971), công tác tại Bộ Ngoại giao CSVN (1971 – 2005). Đã từng học tập và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc (ANU, 1976-1979), Đại học Harvard (Nieman Fellow, 1992-1993). Ông là chuyên gia về nghiên cứu quốc tế, về truyền thông báo chí, về đào tạo; ông cũng từng nhiều năm làm cố vấn cấp cao cho một số tổ chức, chương trình đào tạo trong nước và quốc tế. Hiện nay ông Nguyễn Quang Dy là người viết báo tự do và nghiên cứu/tư vấn độc lập. (Theo Baoquocte.vn)

Comments are closed.