TBT Tô Lâm ‘sốt ruột’ vì Việt Nam ‘lò dò, lom dom’; nhiều người gợi ý dân chủ là chìa khóa
VOA Tiếng Việt
30/10/2024
Nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm tại Đại học Trinity ở Dublin, Ireland, 2/10/2024.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm mới đây bày tỏ “sốt ruột” khi Việt Nam “đi lò dò, lom dom” so với tốc độ phát triển rất nhanh của thế giới và nêu ra Ireland là tấm gương để “học hỏi”. Nhiều người bàn luận về phát biểu của ông và cho rằng cải cách chính trị, dân chủ hóa chính là chìa khóa, theo quan sát của VOA.
Các báo trong nước gồm Dân Việt, Thanh Niên… đưa tin rằng ông Lâm nói hôm 26/10 trong một cuộc họp của Quốc hội rằng sau 40 năm đổi mới, đất nước đã có những thành tựu có thể gọi là “kỳ tích”, “vĩ đại” nhưng nhìn ra thế giới lại thấy “sốt ruột” vì họ phát triển rất nhanh.
Ông Lâm, nhà lãnh đạo có thực quyền quyết sách cao nhất Việt Nam, nhấn mạnh một số vấn đề cản trợ sự phát triển của đất nước là nạn lãng phí; các quy định, chính sách còn “vướng”; và sự phối hợp kém giữa các cơ quan, các địa phương…
Ông nêu ra thực tế là hàng trăm, hàng nghìn dự án đầu tư công ở các địa phương được cấp cho doanh nghiệp “nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau”, theo Dân Việt, Thanh Niên và các báo.
Dân Việt trích lời vị tổng bí thư đưa ra lời chất vấn “…quy định vướng cái nọ, vướng cái kia, vậy quy định đó do ai? Do mình chứ do ai. Tại sao mình làm chính sách lại vướng chính mình? … Sao có quy định để cuối cùng chính mình không làm được. Nhà nước không làm được, thì sao doanh nghiệp làm được?”
Nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam chỉ đạo rằng “Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ … Phải có phối hợp chính sách, chính phủ vướng cái nào, phải trao đổi, thảo luận với Quốc hội và ngược lại, không thể đổ lỗi và cũng không thể chờ đợi nhau được”, theo các trích dẫn trên Dân Việt và Thanh Niên.
Từ góc nhìn của mình, ông Lâm cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp trong nước chưa được tạo điều kiện thích hợp; nguồn lực, sự sáng tạo, sức lao động chưa được tôn trọng. “Những điều này đặt ra cho chúng ta vấn đề suy nghĩ”, ông nói.
“Tiềm năng đất nước phải được tạo ra của cải vật chất. Tôi hết sức sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được. Nếu đứng chờ, thì lỡ hết cơ hội”, vị tổng bí thư thúc giục.
Trong quan điểm của ông Lâm, cho dù đã có nhiều thành tựu rất to lớn song đất nước “còn nhiều khó khăn, thách thức và lo lắng” và ông đưa ra bức tranh toàn cảnh là “nhìn ra thế giới, họ phát triển vượt bậc!”, Dân Việt, Thanh Niên và các báo tường thuật. Từ đó, ông lưu ý rằng đòi hỏi của thời cuộc đối với Việt Nam vẫn rất lớn.
Để cử tọa dễ hình dung, nhà lãnh đạo cao nhất quốc gia lấy Ireland làm dẫn chứng, đó là nơi ông mới tới thăm hồi đầu tháng 10. Ông nói rằng nước này từng thuộc diện nghèo nhưng hiện nay rất phát triển, thu nhập bình quân đứng thứ nhì thế giới, nhờ dựa vào công nghệ số, công nghệ sinh học…
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Ireland vào năm 2023 là gần 104.000 đô la, gấp gần 24 lần con số của Việt Nam trong cùng năm là gần 4.350 đô la.
“Phải nhìn vào những tấm gương để đi, nếu không vươn mình để đi, cứ lò dò, lom dom thế này nữa sẽ rất khó khăn. Và phải đi ra mới thấy thế giới như nào, chúng ta ở đâu”, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, và ông nhấn mạnh một lần nữa: “Chứng kiến tốc độ phát triển của thế giới, thấy rất sốt ruột. Họ đã rất tiến bộ”, bản tin của Dân Việt viết.
Những phát biểu mới nhất của ông Lâm đã lan truyền và nhận được nhiều bình luận trên mạng xã hội, gồm các trang Facebook Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Chân Trời Mới Media, hay trang cá nhân của chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài…
Một số người đánh giá cao việc tổng bí thư đương nhiệm nói ra 3 điều được xem là nhìn thẳng vào sự thật trong những tuần gần đây, đó là Việt Nam vẫn còn chậm chạp trong khi thế giới phát triển vượt bậc, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, và con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh chia sẻ suy nghĩ với VOA: “Tất cả những điều đó có chỉ dấu và cũng đem lại hy vọng là lãnh đạo đã nhận thức rõ vấn đề và muốn có cải cách. Vấn đề bây giờ là phải có chính sách và những hành động cụ thể tiếp theo các lời tuyên bố như vậy”.
Một trong số các ý kiến trên trang Truyền hình Quốc hội Việt Nam viết rằng: “Ai cũng sốt ruột nhưng mãi vẫn không giải quyết được thể chế phù hợp với sự phát triển – một dự án mà mất 16 năm với 40 con dấu thì nền kinh tế không thể nào phát triển được”.
Cũng trên trang này, một người khác đưa ra quan điểm: “Một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, văn minh thì dân sẽ giàu và nước sẽ mạnh thôi, bác Tổng Bí thư ạ”.
Trên trang cá nhân của mình, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, từng bị bỏ tù vì đấu tranh cho các quyền tự do và dân chủ ở Việt Nam và hiện sinh sống ở Đức, cho rằng nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm “chưa nhận ra nền tảng cơ bản để nhân dân và chính phủ Ireland dựa vào để phát triển kinh tế là chế độ dân chủ đa đảng và có các nước EU, Mỹ… là đồng minh”.
Chỉ ra hiện trạng thể chế nhà nước của Việt Nam, ông Đài bình luận: “Cho dù Tô Lâm có ‘sốt ruột’ hết phần đời còn lại cũng không giúp được gì cho người dân và đất nước nếu không dũng cảm xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp và thể chế chính trị độc đảng”.
Hiến pháp Việt Nam, dù qua một số lần sửa đổi, luôn quy định trong Điều 4 rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Dẫn ra cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả Acemoglu và Robinson mới đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống nói với VOA rằng thể chế chính trị là điều quyết định sự thành bại của các quốc gia.
“Thể chế chính trị mà không bao hàm, không dân chủ thì rồi kinh tế cũng khó phát triển lắm”, ông Cống nói.
Vẫn vị phó giáo sư, tiến sĩ cho rằng những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm chưa thể làm thay đổi được gì nhiều: “Phải có những cuộc cách mạng mạnh mẽ may ra mới cải tiến được. Việt Nam nói thì hay. Ông nào nói cũng hay, nhưng làm rất kém. Tại vì trước đây những người nào dám nói trái ý họ thì người ta vu oan giáo họa, bắt bỏ tù. Thành ra đổi mới cách mạng nhất là đổi mới chính trị, đổi mới thể chế”.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế ước tính Việt Nam giam giữ gần 190 người vì họ hoạt động cho các quyền chính trị, tự do, nhân quyền. Ngược lại, Việt Nam luôn nói rằng không có ai bị bỏ tù vì vấn đề chính trị, dân chủ, nhân quyền… mà chỉ có những người bị kết án vì vi phạm luật hình sự.
Chia sẻ quan điểm với VOA về con đường phát triển của Việt Nam, doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân, người sinh sống và làm ăn cả ở Việt Nam và Ba Lan, cho rằng các chế độ dân chủ hay độc tài hay quân phiệt… là những phương tiện khác nhau để quản trị đất nước sao cho đạt được mục đích “dân giàu, nước mạnh”.
“Phương tiện nào dẫn đến mục đích đấy nhanh nhất, hiệu quả nhất, thì tôi ủng hộ”, ông Quân nói.
Nhưng ông cũng dẫn ra sự phát triển và chuyển đổi của Hàn Quốc để nhấn mạnh ý tiếp theo của ông rằng sau khi đạt được “dân giàu, nước mạnh”, rốt cuộc để đi đến “xã hội công bằng, văn minh”, đất nước phải có “nền dân chủ, pháp quyền”. Theo ông Quân, các chuẩn mực về dân chủ đã tồn tại nhiều thế kỷ và các nước xây dựng nền văn minh đều hướng tới.
Ông nói thêm: “Mô hình là nhân dân làm chủ thật sự chứ không phải là làm chủ trên khẩu hiệu. Dân chủ được thực hiện bằng cách nào? Bằng chính lá phiếu của mình. Dân mà thực hiện quyền lãnh đạo đất nước của mình bằng lá phiếu của mình thì rất cần một xã hội đa nguyên. Không thể nào mà một tập đoàn lãnh đạo độc quyền được”.
VOA cố gắng liên lạc với Tổng Bí thư Tô Lâm để tìm hiểu quan điểm của ông đối với những đề xuất về dân chủ hóa Việt Nam nhưng không kết nối được.
Overlay7
Tags: Hoa kỳ, mỹ - việt, tin tức thế giới, Tin Việt Nam