Thế giới hôm nay: 18/07/2025 (The Economist)


NguồnThe Economist | Biên dịchĐỗ Đặng Nhật Huy

Hạ viện Mỹ đã thông qua luật về stablecoin, một loại tiền điện tử được bảo chứng bằng tài sản an toàn. Hơn 100 nghị sĩ Dân chủ đã cùng đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật, dự kiến sẽ được Donald Trump ký ban hành. Việc thiết lập quy định xung quanh công nghệ này sẽ khuyến khích việc sử dụng stablecoin. Đây được xem là chiến thắng của các nhóm vận động hành lang trong ngành tiền điện tử, những người được ông Trump ủng hộ nhiệt thành.

Chính phủ Anh cho biết sẽ hạ độ tuổi bầu cử xuống còn 16. Đề xuất này sẽ được xem xét tại Quốc hội. Đảng Reform UK, hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận nhưng chỉ có bốn nghị sĩ, phản đối. Một số quốc gia như Argentina, Áo, và Brazil đã cho phép công dân từ 16 tuổi đi bầu. Tại Anh, thanh thiếu niên từ 16 tuổi đã có thể bầu trong các cuộc bầu cử địa phương ở Wales và Scotland.

Phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã thông qua một gói cắt giảm ngân sách, trong đó rút 8 tỷ USD tài trợ nước ngoài và 1,1 tỷ USD dành cho phát thanh truyền hình công cộng. Mỹ hiện là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho viện trợ quốc tế. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khoản cắt giảm là giáo dục và cơ sở hạ tầng. Gói ngân sách này sẽ được chuyển lại cho Hạ viện xem xét và phải được thông qua trước thứ Sáu. (Tin giờ chót: hạ viện đã thông qua với số phiếu:

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ mở rộng điều tra vai trò của các nhóm cực hữu và thành viên của họ trong các cuộc bạo động nhiều đêm liên tiếp ở khu vực đông nam đất nước. Đụng độ xảy ra giữa người biểu tình cực hữu và người di cư châu Phi sau khi có tin đồn thủ phạm hành hung một cụ ông là người Morocco. Bạo lực đã làm bùng lên tranh luận về chính sách nhập cư của Tây Ban Nha, vốn được ca ngợi vì tính cởi mở.

Israel đã đánh bom nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza, khiến ít nhất ba người thiệt mạng và mười người bị thương. Trong số những người bị thương có linh mục của giáo xứ, người từng được cố Giáo hoàng Phanxicô gọi điện mỗi ngày để thăm hỏi các tín hữu Công giáo ở Gaza. Hàng trăm người — gồm cả Kitô hữu và người Hồi giáo — đang trú ẩn tại nhà thờ. Đây là lần hiếm hoi Israel đưa ra lời xin lỗi, bày tỏ “nỗi đau buồn sâu sắc” trước các thương vong dân sự và thiệt hại công trình.

Uber đã đạt thỏa thuận với Lucid, một hãng sản xuất xe điện, và Nuro, một công ty công nghệ, để ra mắt đội xe taxi tự lái. Công ty gọi xe lớn nhất thế giới đã đồng ý đầu tư 300 triệu USD vào Lucid và triển khai 20.000 xe của hãng này. Trong khi đó Waymo – một nhánh của Alphabet – cũng thông báo kế hoạch mở rộng gấp đôi phạm vi hoạt động của xe tự lái tại Austin, Texas.

TIÊU ĐIỂM

Thế giới chuẩn bị cho cơn bão thuế quan của Trump

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đang trở nên căng thẳng trước thời hạn 1 tháng 8. Donald Trump cảnh báo rằng nếu không có thỏa thuận, Mỹ có thể giữ mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật. Vào thứ Sáu, thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru sẽ gặp bộ trưởng tài chính Mỹ Scott Bessent. Ông Trump muốn Nhật Bản mua thêm vũ khí, thực phẩm, và ô tô của Mỹ, nhưng Nhật Bản đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào gây bất lợi cho nông dân và ngành công nghiệp ô tô của mình. Nhật đề xuất một công thức thuế dựa trên mức đầu tư vào ngành ô tô Mỹ — một lĩnh vực mà các công ty Nhật đã đầu tư mạnh. Mỹ vẫn chưa phản hồi.

Nhật Bản không phải là trường hợp cá biệt. Trong hai tuần qua, ông Trump đã gửi thư tới hơn 20 quốc gia với lời đe dọa áp thuế cao. Một số nước đang cân nhắc trả đũa tập thể; số khác thì chấp nhận nhượng bộ. Indonesia đã tránh bị đánh thuế cao hơn bằng cam kết mua hơn 19 tỷ USD năng lượng và nông sản Mỹ. Thời gian đang cạn dần, và ông Trump không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ.

Gia tăng đàn áp ở El Salvador

Tổ chức phi chính phủ Cristosal, với sứ mệnh bảo vệ nhân quyền ở Trung Mỹ, đang đóng cửa hoạt động tại El Salvador. Quyết định này được đưa ra khi tổng thống Nayib Bukele đẩy mạnh trấn áp các tiếng nói đối lập. Ruth López, người từng lãnh đạo các cuộc điều tra chống tham nhũng tại Cristosal, đã bị bắt vào tháng 5 và hiện vẫn bị giam giữ. Bà từng lên án việc chính phủ lạm dụng quỹ chống dịch và ghi lại các vụ vi phạm trong các nhà tù chật chội của đất nước.

Tổng thống Bukele vẫn được ủng hộ nhờ thành công trong việc giảm bạo lực băng đảng. Song các nhà bảo vệ nhân quyền chỉ trích phương pháp của ông — giam giữ hàng loạt không qua xét xử. Việc bắt giữ bà López là bước ngoặt: kể từ đó, nhiều nhà báo, luật sư và nhà hoạt động đã rời bỏ đất nước vì lo ngại bị đàn áp tương tự.

Cristosal là một trong số ít tổ chức độc lập còn giám sát chính quyền. Việc họ rút lui và làn sóng nhà báo rời đi sẽ khiến việc chống lại xu hướng độc tài của El Salvador trở nên khó khăn hơn.

Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nhưng ngành xây dựng nhà ở chững lại

Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng bất chấp cuộc chiến thương mại của ông Trump. Tuy vậy, các nhà kinh tế sẽ theo dõi sát sao dữ liệu khởi công xây nhà mới của tháng 6, được công bố hôm nay, để tìm dấu hiệu suy yếu. Tháng 5 vừa qua, hoạt động xây dựng mới xuống mức thấp nhất trong năm năm, và có thể không tăng nhiều trong tháng 6.

Lãi suất vay mua nhà cao là một nguyên nhân. Lãi suất cố định 30 năm đang ở mức cao nhất trong hai thập kỷ, khiến nhu cầu xây nhà mới giảm sút. Ông Trump đã thúc giục Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất. Nhưng chính các mức thuế quan mà ông áp đặt lại làm tình hình thêm tồi tệ: Mỹ nhập khẩu rất nhiều vật liệu xây dựng. Việc trục xuất lao động nhập cư trái phép cũng có thể làm tăng chi phí lao động. Nhiều nhà xây dựng đang tạm dừng dự án vì lo ngại bất ổn. Ông Trump hy vọng đây chỉ là sự chững lại tạm thời — chứ không phải dấu hiệu rạn nứt kinh tế.

Các nước châu Âu muốn cải cách hệ thống nhập cư

Vào thứ Sáu, các bộ trưởng nội vụ của Pháp, Ba Lan, Áo, Cộng hòa Séc, và Đan Mạch sẽ họp tại Zugspitze, ngọn núi cao nhất nước Đức, theo lời mời của người đồng cấp Đức, Alexander Dobrindt. Họ sẽ đưa ra “Tuyên bố Zugspitze,” đề xuất cải cách quy định của EU về di cư bất hợp pháp, bao gồm nới lỏng việc trục xuất người xin tị nạn bị từ chối.

May mắn cho các bộ trưởng là vấn đề tị nạn ở châu Âu đã bớt căng thẳng. Sau làn sóng tăng vọt hậu đại dịch, số đơn xin tị nạn tại EU đã giảm gần hai năm nay. Một bộ quy định mới cứng rắn hơn cũng sẽ có hiệu lực vào năm sau. Tuy vậy, ông Dobrindt sẽ phải giải thích về các biện pháp kiểm soát biên giới mà ông áp đặt, điều bị cho là gây tổn hại đến khu vực tự do đi lại Schengen và có thể vi phạm luật pháp trong nước. Ba Lan đặc biệt phẫn nộ. Làm dịu mối quan hệ với họ là nhiệm vụ không dễ dàng — ngay cả ở độ cao 3.000 mét.

Trích từ Nghiên Cứu Thế Giới

Comments are closed.