Thời sự Thứ Năm 17/8/2023:*Chuyến tàu ngũ cốc đầu tiên rời Odessa *Mỹ tìm đường khác cho ngũ cốc Ukraine *Indonesia sẽ xây dựng thủ đô mới *WTO bác thuế trả đũa của TQ với Mỹ *Thảm họa ở Maui – Cho 700 USD mỗi nhà, TT Biden bị chỉ trích *


Võ Thái Hà tổng hợp


Ukraina: Một chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên rời Odessa bất chấp đe dọa của Nga

Trọng Thành /RFI

17/8/2023


Ảnh do Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraina cung cấp : Tàu hàng Joseph Schulte rời cảng Odessa để đi qua hành lang tạm thời ở Biển Đen được thiết lập cho các tàu chở ngũ cốc của Ukraina, ngày 16/08/2023. .

Ảnh do Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraina cung cấp : Tàu hàng Joseph Schulte rời cảng Odessa để đi qua hành lang tạm thời ở Biển Đen được thiết lập cho các tàu chở ngũ cốc của Ukraina, ngày 16/08/2023. . AP 

Tối hôm qua 16/08/2023, trên mạng xã hội X (tức Twitter cũ), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố chuyến tàu hàng đầu tiên rời cảng Odessa kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc với Nga (bảo đảm an toàn cho tàu thuyền dân sự đến các cảng biển của Ukraina) chấm dứt, là một ‘‘bước tiến quan trọng để tái lập quyền tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đen’’. Tuyên bố được đưa ra ít giờ sau khi một tàu hàng mang cờ hiệu Hồng Kông rời cảng của Ukraina. 

Theo AFP, buổi chiều hôm qua, con tàu Joseph Schulte, trọng tải 30.000 tấn, chở thực phẩm, đã di chuyển về hướng cảng Ambarli của Thổ Nhĩ Kỳ, trên vùng biển Marmara, tức vùng biển nhỏ nằm giữa Biển Đen và Địa Trung Hải. Con tàu khởi hành bất chấp đợt oanh kích mới trong đêm hôm trước của Quân đội Nga nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng ngũ cốc trên sông Danube và tỉnh Odessa.

Bộ trưởng phụ trách cơ sở hạ tầng của Ukraina, ông Oleksandre Koubrakov, cho biết con tàu ‘‘di chuyển theo hành lang tạm thời cho các tàu thuyền dân sự’’ trên Biển Đen được chính quyền Ukraina xác lập hồi tuần trước. Báo Ukraina Kyiv Independance cho biết Kiev đã đề xuất tuyến đường nói trên với Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), và định chế này đã kêu gọi Nga chấm dứt mọi mối đe dọa và tuân thủ các công ước quốc tế.

Trưa hôm qua, ít giờ sau khi tàu hàng Hồng Kông khởi hành, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Vedant Patel, trong cuộc họp báo hàng ngày đã một lần nữa lên án các hành động tàn bạo của Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina, đồng thời tố cáo Nga ‘‘tiếp tục coi thường an ninh lương thực thế giới với việc rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen, cũng như việc tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng ngũ cốc (của Ukraina)’’. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng kêu gọi Nga không biến an ninh ‘‘lương thực và ngũ cốc’’ thành vũ khí.

Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ngày 17/07. Kể từ đó, giao thông hàng hải dân sự đến và đi từ cảng biển Odessa bị đình chỉ, giá cả ngũ cốc tăng vọt. Bất chấp các áp lực từ phương Tây và kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, Matxcơva không chấp nhận trở lại thỏa thuận này.

Mỹ đang tìm đường đi khác cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine 

Reuters – 17/8/2023

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel. 

Hoa Kỳ ngày 16/8 đã lên án việc Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine và cho biết đang làm việc với các đối tác để xác định các lựa chọn thay thế nhằm đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết trong một cuộc họp báo, đề cập đến một hiệp ước cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen: “Mỹ… kêu gọi Nga ngay lập tức quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen”. Nga từ bỏ thỏa thuận này vào ngày 17/7.

Ông Patel nói Hoa Kỳ đang tìm kiếm “những cách thức và con đường khác để chúng ta có thể tiếp tục đưa ngũ cốc đến những nơi cần đến” nhưng ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông nói rằng Washington chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào từ người Nga muốn quay lại với thỏa thuận.

Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng cảng và nông nghiệp của Ukraine. Xuất khẩu qua hành lang của thỏa thuận đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn đã trở nên tồi tệ hơn do cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Các giới chức Ukraine cho biết các cuộc không kích trong đêm đã làm hư hại các hầm chứa và nhà kho tại Reni trên sông Danube, một tuyến đường quan trọng trong thời chiến để xuất khẩu lương thực. Họ đã đăng những bức ảnh về các kho chứa bị phá hủy và những đống ngũ cốc và hạt hoa hướng dương nằm rải rác.

“Ông Putin đơn giản là không quan tâm đến an ninh lương thực toàn cầu”, ông Patel nói, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc tấn công của Moscow đang làm tình trạng thiếu lương thực leo thang.

Moscow đã nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng quay lại thỏa thuận “ngay lập tức” sau khi một thỏa thuận đi kèm liên quan đến xuất khẩu của Nga được thực hiện.


Thế bế tắc ở Tây Phi

Vào thứ Năm, các chỉ huy quân đội từ khoảng một chục quốc gia Tây Phi sẽ gặp nhau để lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger. Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) muốn phục chức cho tổng thống Niger, Mohamed Bazoum, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính hôm 26 tháng 7. Tuần trước, khối đã ra lệnh triển khai lực lượng dự phòng để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Nhưng họ cũng hứa tiếp tục theo đuổi các giải pháp ngoại giao.

Trong khi đó các tướng lĩnh của Niger tỏ ra không khoan nhượng. Họ nói sẽ truy tố ông Bazoum, người đang bị bắt làm con tin, vì tội phản quốc. Đáp lại, ECOWAS gọi đây là một “hành động khiêu khích.” Song khả năng ECOWAS can thiệp vũ trang là không nhiều. Liên minh châu Phi và Mỹ, vốn muốn giữ các căn cứ máy bay không người lái của họ ở Niger, tỏ ra không mấy hào hứng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ECOWAS giữ thể diện, chính quyền quân sự có thể đưa ra một vài cử chỉ ít tốn kém. Họ gần đây đã bổ nhiệm một thủ tướng dân sự và có thể đưa ra những lời hứa (đáng ngờ) về nhanh chóng tiến hành bầu cử. Nhưng kể cả khi chính quyền trả tự do cho ông Bazoum, nó vẫn có thể là chưa đủ trong mắt ECOWAS.


Đảng cầm quyền Úc tổ chức hội nghị

Đảng Lao động trung tả của Úc sẽ có dịp ăn mừng khi tổ chức hội nghị ba năm một lần tại Brisbane vào thứ Năm. Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm ngoái, đảng này đã tạo ra một làn sóng đỏ quét qua đất nước. Lao động hiện nắm quyền ở mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ trong nước, chỉ ngoại trừ đảo Tasmania. Bất chấp lạm phát và nền kinh tế chậm lại, chính phủ liên bang của Anthony Albanese vẫn được lòng dân như ngày mới được bầu.

Nhưng thử thách lớn nhất vẫn còn ở phía trước. Ông Albanese đã đánh cược danh tiếng của mình trong một cuộc trưng cầu dân ý để đưa “Tiếng nói trước Quốc hội” của người bản địa vào hiến pháp và trao cho họ tiếng nói lớn hơn trong hoạch định chính sách. Song nó không được ủng hộ rộng rãi. Hầu hết người Úc phản đối, vì không chắc cuộc trưng cầu có ý nghĩa gì hoặc không tin nó có thể giúp ích gì cho thổ dân. Nếu đề xuất bị đánh bại, ông Albanese sẽ bị mất kha khá vốn liếng chính trị.


Bắt mạch kinh tế Nhật Bản

Sức khỏe kinh tế của Nhật Bản sẽ được bắt mạch rõ ràng hơn trong tuần này. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng với tốc độ năm 6% trong quý gần nhất, theo số liệu thống kê được công bố hôm thứ Ba. Cán cân thương mại sẽ được công bố vào thứ Năm, theo sau là số liệu lạm phát vào thứ Sáu.

Các chỉ số cơ bản đều mạnh. Xuất khẩu bùng nổ đẩy những con số tăng trưởng mới nhất vượt xa mức tăng 2,9% theo năm như dự báo của các nhà kinh tế. Và tiền lương năm nay đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Nhật Bản dường như sắp phá vỡ trạng thái lạm phát thấp và thậm chí giảm phát kéo dài nhiều năm qua.

Nhưng cũng có những triệu chứng đáng lo ngại. Tăng trưởng tiền lương kéo theo lạm phát trong phần lớn năm nay, làm giảm lương thực tế. Bên cạnh đồng yên yếu, điều này đã làm giảm chi tiêu tiêu dùng. Cả tiêu thụ trong nước và nhập khẩu đều giảm trong quý hai. Và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hoàn toàn có thể bị đảo ngược một khi môi trường kinh tế thay đổi ở các đối tác thương mại lớn nhất của Nhật – Mỹ và Trung Quốc. Vẫn còn quá sớm để đưa ra chẩn đoán rõ ràng.


Tây Ban Nha họp quốc hội sau tổng tuyển cử

Quốc hội mới của Tây Ban Nha sẽ họp vào thứ Năm trong một thời điểm đầy kịch tính. Cuộc bầu cử hôm 23 tháng 7 khiến cả liên minh cánh tả lẫn cánh hữu đều không thắng được đa số. Phần còn lại do các đảng theo chủ nghĩa khu vực — mà chủ yếu là các đảng ủng hộ ly khai — nắm giữ. Chương trình nghị sự chính thức của thứ Năm là bầu các lãnh đạo hạ viện. Nhưng vấn đề thực sự là các đảng dân tộc chủ nghĩa này sẽ ngả về phe ai. Họ sẽ quyết định xem ai có thể thành lập chính phủ — và liệu các cuộc bầu cử mới có cần thiết hay không.

Đối với thủ tướng Pedro Sánchez của Đảng Xã hội, để tiếp tục nắm quyền, ông cần sự hỗ trợ của ít nhất năm đảng khác. Nhưng vấn đề là trong số này có một số đảng muốn tách Tây Ban Nha ra làm nhiều nước khác nhau. Junts per Catalunya (“Cùng nhau vì Catalonia”) là một trong hai đảng muốn độc lập cho khu vực. Lãnh đạo Carles Puigdemont, người đã sống lưu vong kể từ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập bất hợp pháp năm 2017, vừa tweet một cách khó hiểu về một “cuộc đấu giá” để có được sự ủng hộ của ông. Thứ Năm này chúng ta sẽ được biết ai là bên thắng đấu giá.


Có phải Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ từ bỏ liên kết với NATO, ngoại trừ vấn đề lợi ích??? (Tựa đề do HD Press chỉnh sửa)

Gregory Copley

Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ từ bỏ liên kết với NATO, ngoại trừ vấn đề lợi ích

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) chào đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reçep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ, hôm 14/6/2021. (Ảnh: Francois Mori/AFP/Getty Images) 

Hôm 3/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra tuyên bố rõ ràng nhất về việc từ bỏ mối quan hệ với liên minh quân sự NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan, người nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 2/6, đã đại tu bộ máy lãnh đạo Lực lượng Vũ trang của mình bằng cách sa thải tất cả các nhà lãnh đạo từng phục vụ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng nỗ lực cân bằng tư cách thành viên NATO và các cam kết với Nga. Trên thực tế, giờ đây họ đã quyết định bắt tay với các nước Á – Âu.

Các cuộc bổ nhiệm mới diễn ra trong bối cảnh Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng, vốn đã chứng kiến sự sa sút nghiêm trọng về tính chuyên nghiệp của các chỉ huy trọng yếu trong những năm gần đây.

Ông Erdogan ưu tiên cống hiến chính trị đối với ông hơn là chuyên môn tác chiến. Do đó, ông thường thay thế các chỉ huy quân sự chuyên nghiệp bằng các Hiến binh (Jendrma).

Ngày 3/8, Hội đồng Quân sự Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YAS) đã nhóm họp tại Dinh Tổng thống dưới sự chủ trì của ông Erdogan, với mục tiêu chính là đánh giá thường niên của các chỉ huy cấp cao Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TSK).

Theo nghi thức, Tổng thống đã tháp tùng các thành viên của YAS đến lăng mộ của ông Mustafa Kemal Ataturk (Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ). Tại đây, ông đã đặt vòng hoa và ký vào Official Book, đồng thời gọi mục tiêu chiến lược mới của nước này là “Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ”, cũng như hứa hẹn “gia tăng sức mạnh quân đội”.

Kế hoạch Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó kết hợp khái niệm Tổ quốc Xanh (Blue Homeland), rõ ràng là nhằm nhắm tới lợi ích của Hy Lạp. Các sĩ quan cấp cao nổi tiếng với lập trường chống phương Tây, đồng thời dính líu đến vụ bê bối thanh trừng “Ergenekon” năm 2017 và vụ “Varioupoula” năm 2013, cũng được thăng chức.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng mới, Tư lệnh lực lượng Lục quân (GH) mới và Tư lệnh lực lượng Không quân (THK) mới, nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ Tư lệnh lực lượng hải quân (TDK).

Cựu Tư lệnh Lục quân số 2, Tướng Metin Gurak đã được chọn làm Tổng Tham mưu trưởng tiếp theo, kế nhiệm Tướng Yasar Guler, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới vào tháng 6/2023.

Tướng Selcuk Bayraktaroglu, Phó Tổng tham mưu trưởng, đã được đề cử làm tư lệnh lực lượng Lục quân.

Tướng Ziya Cemal Kadoiglu, Tư lệnh Lực lượng Không quân và Phòng thủ Tên lửa Phòng không, đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Không quân.

Đô đốc E. Tatlioglu, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tây Nam, vẫn tại vị.

Tại kỳ họp này, 32 sĩ quan cao cấp được phong quân hàm và 63 sĩ quan cấp đại tá hoặc tương đương trở thành sĩ quan cao cấp. Trong khi nhiều Lữ đoàn mới và đặc biệt là các đơn vị cấp chỉ huy được thành lập, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định nâng số lượng sĩ quan cấp cao từ 20 lên 286 để đảm nhận các vai trò hành chính.

Tướng Gurak là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên được bổ nhiệm mà không có kinh nghiệm làm chỉ huy quân chủng trước đó. Ông Erdogan đã loại bỏ điều khoản này để giúp ông linh hoạt hơn trong việc bổ nhiệm những nhân sự trung thành vào các vị trí cấp cao.

Mặc dù thực tế là các sĩ quan có kinh nghiệm NATO được đánh giá cao tại TSK, song không ai trong số các lãnh đạo mới được bổ nhiệm từng phục vụ trong các cơ quan hoặc trường học của NATO hoặc các quốc gia phương Tây khác.

Tướng Gurak, Tổng tham mưu trưởng, là người có kinh nghiệm tác chiến. Ông đã quen thuộc với các kế hoạch tác chiến cho Aegean và Thrace do từng phục vụ trong Lữ đoàn Thiết giáp số 2 của Lục quân 1 (Istanbul) và là chỉ huy của Lực lượng Phòng không Lục quân và Quân đoàn 4 (Ankara). Ông từng là cố vấn ở Libya trong thời kỳ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng các căn cứ quân sự và trợ giúp lực lượng Hồi giáo chống lại tướng Khalifa Haftar do Cairo hậu thuẫn.

Tướng Gurak nói được tiếng Ả Rập, điều này rất quan trọng vào thời điểm ông Erdogan đang đầu tư vào các mối quan hệ với các nước Ả Rập giàu có ở vùng Vịnh.

Với tư cách là chỉ huy của Quân đoàn 4 và Pháo đài Ankara vào đêm xảy ả “âm mưu đảo chính” ngày 15/7/2016, ông đã có lập trường gây tranh cãi, và ông Erdogan đã đánh giá cao Tướng Gurak về sự trợ giúp của các đơn vị Lục quân 2 trong trận động đất tháng 2/2023, bởi vì các khu vực bị ảnh hưởng đều nằm trong khu vực mà ông phụ trách.

Tư lệnh Lực lượng Không quân mới không có kinh nghiệm tác chiến hoặc hoạt động trong NATO. Tuy nhiên, ông vẫn được coi là một nhà yêu nước nhiệt thành. Vào đêm xảy ra “âm mưu đảo chính”, ông cũng có mặt tại Trung tâm Điều hành Không quân (ở Eskisehir).

Ông Erdogan cũng tiến hành một cuộc thanh trừng khác đối với Tổng cục Cảnh sát – An ninh vào đầu tháng 8/2023, một lần nữa ưu tiên những người trung thành về phương diện chính trị hơn là các sĩ quan chuyên nghiệp và có kinh nghiệm tác chiến. Kết quả là, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi nhiệm 52 trong tổng số 81 chủ tịch tỉnh, những người được coi là trung thành với cựu Bộ trưởng Nội vụ Süleyman Soylu.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch


Indonesia sẽ dành 2,7 tỷ đô la trong năm 2024 để xây dựng thủ đô mới 

Reuters – 16/8/2023

Indonesia đang cấp tập xây dựng thủ đô mới có tên là Nusantara

Indonesia đang cấp tập xây dựng thủ đô mới có tên là Nusantara 

Indonesia sẽ phân bổ 40,6 nghìn tỷ rupiah (2,7 tỷ đô la) để xây dựng thủ đô mới trong ngân sách năm 2024 trong khi dinh tổng thống và hàng chục khu căn hộ cho công nhân sẽ được hoàn thành vào năm tới, các bộ trưởng nước này cho biết hôm 16/8.
Quốc gia Đông Nam Á này hồi năm 2019 đã tuyên bố sẽ xây thủ đô mới có tên là Nusantara, trên đảo Borneo, thay cho thành phố Jakarta đã quá đông đúc và đang sụt lún. Thành phố mới dự kiến sẽ tiêu tốn tổng cộng 32 tỷ đô la khi nó hoàn thành vào năm 2045.

Chính phủ nước này đã đầu tư 32 nghìn tỷ rupiah để xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, bao gồm một con đập và một tuyến đường thu phí.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết 35 nghìn tỷ rupiah từ ngân sách năm 2024 sẽ được chi cho Bộ Công trình công cộng và Nhà ở, vốn phụ trách xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở cho công chức.

“Cơ sở hạ tầng hỗ trợ sẽ được hoàn thành vào năm 2024”, bà Sri Mulyani nói tại một cuộc họp báo.

Vào tháng 9 tới, chính phủ Indonesia sẽ bắt đầu xây dựng nhà ở cho khoảng 16.000 công chức, sỹ quan quân đội và cảnh sát, những người sẽ chuyển đến ở vào năm tới, Bộ trưởng Công trình công cộng và Nhà ở Basuki Hadimuljono cho biết.

Chính phủ có kế hoạch hoàn thành 12 trong số 47 khu căn hộ vào tháng 7 năm sau, một tháng trước khi chính phủ sẽ tổ chức lễ thượng cờ trong Lễ Độc lập lần đầu tiên tại thủ đô mới, ông Basuki nói.

“Bốn văn phòng điều phối của bộ, dinh tổng thống sẽ hoàn thành vào năm tới, trong khi lễ đài cho lễ chào cờ vào năm tới sẽ hoàn thành vào tháng 7”, ông cho hay.


WTO bác bỏ thuế trả đũa của Trung Quốc nhắm vào hàng hóa Mỹ

Phan Minh /RFI – 17/8/2023

(Ảnh minh họa) - Một cuộn thép mạ kẽm được bọc và chuẩn bị vận chuyển, ngày 08/06/2006, tại Burns Harbor, bang Indiana của Mỹ.

(Ảnh minh họa) – Một cuộn thép mạ kẽm được bọc và chuẩn bị vận chuyển, ngày 08/06/2006, tại Burns Harbor, bang Indiana của Mỹ. AP – M. SPENCER GREEN 

Các chuyên gia của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC), hôm qua 16/08/2023, nhận định rằng thuế quan mà Trung Quốc áp đặt đối với hàng nhập khẩu của Mỹ – để trả đũa việc Washington áp thuế đối với thép và nhôm của Bắc Kinh – vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. 

Theo AFP, hội đồng do WTO thành lập để giải quyết tranh chấp trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhận thấy rằng “biện pháp áp thuế bổ sung” của Trung Quốc là không phù hợp với một loạt các điều khoản của Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu Dịch (GATT). Vụ việc liên quan đến quyết định của Trung Quốc áp thuế đối với 128 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá khoảng 3 tỷ đô la, bao gồm cả hoa quả và thịt lợn, vào tháng 04/2018.

Sam Michel, phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, đã hoan nghênh báo cáo của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và nói rằng Trung Quốc “đã trả đũa một cách bất hợp pháp bằng các mức ‘thuế tự vệ’ (thuế bổ sung đánh vào hàng nhập khẩu) không chính đáng”.

Về phần Trung Quốc, một quan chức của bộ Thương Mại cho biết đang nghiên cứu báo cáo của các chuyên gia và sẽ hành động theo các quy định của WTO, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Quan chức ẩn danh này cũng yêu cầu “Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các mức thuế theo Mục 232 áp dụng đối với thép và nhôm của Trung Quốc, vốn cũng vi phạm quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới”.

Mức thuế cao đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác được áp dụng từ thời chính quyền Donald Trump. Tổng thống Mỹ khi đó biện minh rằng dòng hàng nhập khẩu ồ ạt vào Hoa Kỳ đe dọa an ninh quốc gia.


TT Biden bị chỉ trích vì thanh toán cho các gia đình ở Hawaii 700 USD mỗi nhà sau khi chi hàng tỷ dollar cho Ukraine 

TT Biden bị chỉ trích vì thanh toán cho các gia đình ở Hawaii 700 USD mỗi nhà sau khi chi hàng tỷ dollar cho Ukraine

Tổng thống Joe Biden nói chuyện tại Milwaukee, Wisconsin, hôm 15/08/2023. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images) 

Naveen Athrappully  – 17/8/2023

Quyết định cung cấp khoản thanh toán 700 USD cho những người sống sót sau vụ cháy rừng ở Hawaii của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang gây phẫn nộ khi nhiều người chỉ trích nêu lên hàng tỷ dollar mà chính phủ đã chi để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Ukraine. 

“Chúng tôi đang tập trung cao độ vào việc trợ giúp những người sống sót, bao gồm Hỗ trợ các Nhu cầu Cấp thiết: khoản thanh toán 700 USD một lần cho mỗi gia đình để cứu trợ trong thời điểm khó khăn ngoài sức tưởng tượng này,” TT Biden cho biết trong một bài đăng hôm 14/08 trên mạng xã hội. 

Theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CFRB), Quốc hội đã phê chuẩn 113.1 tỷ USD cho Ukraine vào năm 2022. 

Ukraine có 36.89 triệu dân. Do đó, số tiền viện trợ này tương đương với khoản thanh toán trung bình hơn 3,065 USD cho mỗi công dân chỉ riêng trong năm ngoái, gấp hơn bốn lần số tiền dành cho các gia đình ở Hawaii. 

Khoản viện trợ 700 USD được thông báo trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa công bố một gói viện trợ 200 triệu USD cho Ukraine. 

“Hôm nay ông Biden đã gửi 200 triệu USD đến Ukraine. Ông ấy cũng gửi 700 USD cho mỗi gia đình đến các gia đình Hawaii bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng thảm khốc này. Ước tính có khoảng 2,600 công trình đã bị thiêu rụi, điều đó có nghĩa là ông Joe đã gửi khoảng 1.8 triệu USD để Hỗ trợ các Nhu cầu Cấp thiết. Ukraine: 200 triệu USD. Hawaii: 1.8 triệu USD. Đây là Nước Mỹ Sau Rốt,” người có ảnh hưởng chính trị Rogan O’Handley cho biết trong một bài đăng hôm 15/08 trên mạng xã hội. 

“Ai đó có thể vui lòng giải thích cho tôi tại sao các lãnh đạo của chúng ta liều lĩnh đến vậy với tiền gửi cho Ukraine nhưng sau đó lại tiết kiệm từng xu khi đó là tiền được chi cho người Mỹ?” nhà đầu tư và nhân vật truyền thông Collin Rugg cho biết trong một bài đăng hôm 15/08 trên mạng xã hội. 

“Hàng tỷ dollar thiệt hại về tài sản, nhiều người thiệt mạng, sinh kế bị hủy hoại, và điều tốt nhất mà tổng thống có thể làm là 700 USD … Maui chỉ nên đổi tên hòn đảo của mình thành Ukraine vào thời điểm này.” 

Giữa sự tàn phá ở Hawaii, một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc đã bênh vực cho quyết định của chính phủ TT Biden về việc gửi viện trợ bổ sung cho Ukraine. 

“Gói bổ sung gần đây phản ánh các nhu cầu cấp thiết cho đến cuối năm cả về an ninh quốc gia và các lĩnh vực quan trọng trong nước như cứu trợ thiên tai,” vị phát ngôn viên này cho biết, theo Fox News. 

Tuần trước (07-13/08), Tòa Bạch Ốc đã đệ trình một yêu cầu tài trợ, yêu cầu Quốc hội cung cấp 24 tỷ USD cho quý đầu tiên của năm tài khóa 2024 để viện trợ nhân đạo, quân sự, và tài chính cho Ukraine. 8.5 tỷ USD sẽ được dành cho viện trợ kinh tế, nhân đạo, và an ninh. 

“Ông Joe Biden đã cả gan gửi khoản thanh toán 700 USD một lần cho cư dân Maui đồng thời yêu cầu Quốc hội gửi thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Hãy tỉnh ra đi nước Mỹ,” bà Mayra Flores, nữ nghị sĩ Quốc hội gốc Mexico đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, cho biết trong một bài đăng hôm 15/08 trên mạng xã hội. 

Bình luận ‘gây sửng sốt’ của ông Biden

Tranh cãi về khoản thanh toán 700 USD bùng lên sau khi TT Biden bị chỉ trích vì ban đầu từ chối bình luận về thảm họa cháy rừng ở Maui. 

Hôm Chủ Nhật (13/08), một thông tín viên Tòa Bạch Ốc của Bloomberg đã hỏi TT Biden về số người tử vong đang gia tăng ở Maui, và ông đã trả lời cộc lốc: “Không bình luận.” Tổng thống đã dành thời gian cho kỳ nghỉ cuối tuần ở Rehoboth, Delaware. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, cựu dân biểu tiểu bang Hawaii Mark Kaniela Ing, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã gọi nhận xét của ông Biden là “gây sửng sốt.” 

 “Khi những thảm kịch như thế này xảy ra, thật sửng sốt khi thấy có người chỉ hành động như thể không có chuyện gì xảy ra … Một mặt, quý vị không muốn mọi người luôn ở trong tâm trạng buồn bã, nhưng mặt khác, làm sao mà quý vị có thể tiếp tục như thường vậy?” ông nói. 

Trong một bài đăng trên mạng xã hội hiện đã bị xóa, ông Kaniela Ing đã viết: “Tôi đã vận động cho ngài. Rồi giờ đây, đến khi tôi mất đi hàng chục bằng hữu, gia đình, và hàng xóm của mình. Thế nghĩa là thế nào đây?” 

“Ông Biden chẳng quan tâm chút đỉnh nào về những người dân đang đau khổ của Maui. Hoặc những người dân đau khổ ở vùng East Palestine, Ohio. Hay những người dân đau khổ ở các thị trấn biên giới. Hoặc những người dân đau khổ ở bất cứ đâu trên nước Mỹ,” bà Monica Crowley, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề công dưới thời chính phủ cựu TT Trump, cho biết trong một bài đăng hôm 14/08 trên mạng xã hội. 

Trong một tuyên bố với Fox News, một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ những lời chỉ trích chống lại chính phủ TT Biden. 

Vị phát ngôn viên này cho biết: “Chính phủ Biden-Harris đã điều động một nỗ lực phản ứng mạnh mẽ của toàn chính phủ để trợ giúp các nỗ lực cứu hộ và phục hồi trước mắt và lâu dài ở Maui, Hawaii.” 


Thảm họa ở Maui

Theo thông tin cập nhật hôm 15/08 của Quận Maui, số người tử vong đã được xác nhận là 106. Trong một cuộc phỏng vấn của đài CBS được phát hình hôm thứ Hai (14/08), Thống đốc Hawaii Josh Green nói rằng số người tử vong có thể tăng thêm khoảng 100 đến 200 người nữa, nâng tổng số người thiệt mạng lên đến 300 người. 

“Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho nhiều câu chuyện bi thảm,” ông nói. Thống đốc ước tính số người mất tích là 1,300 người. 

Tính đến ngày 15/08, đám cháy ở Lahaina đã được khống chế 85%, với ước tính khoảng 2,170 mẫu Anh đã bị thiêu rụi. Đám cháy Kula đã được khống chế 75%. Ở một số khu vực, điện đã được khôi phục. 

 “Cảnh báo nước không an toàn” đã được ban hành cho các vùng Lahaina và vùng thượng Kula bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng này. 

“Nên sử dụng nước đóng chai để uống, đánh răng, làm đá, và nấu ăn cho đến khi có thông báo mới. Người dân không thể xử lý nước theo bất kỳ cách nào để bảo đảm an toàn,” bản cập nhật từ Quận Maui cho biết.

Trong khi đó, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại các công ty tiện ích của Hawaii với cáo buộc rằng vụ cháy rừng thảm khốc ở Lahaina bắt nguồn từ các đường dây điện bị gió lớn quật đổ. Các nhà chức trách vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ cháy này.

Nguyễn Lê biên dịch

https://www.epochtimesviet.com

Comments are closed.