Thời sự Thứ Ba 08/8/2023: *Phim TQ khoe tấn công Đài Loan *TT Pháp không được dự BRICS *Ukraina bắn Storm Shadow phá hủy cầu nối Crimea với Kherson *Philippines lên án Hải cảnh Trung Quốc *Phó thị trưởng TQ bị lũ cuốn trôi *Quân đảo chánh Niger ‘cầu cứu’ tập đoàn Wagner * 3000 lính Mỹ và tàu chiến tới Hồng Hải ngăn chặn Iran


Võ Thái Hà tổng hợp


Trung Quốc tung phim tài liệu khoe khả năng tấn công Đài Loan 

AP – 08/8/2023

Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc chuẩn bị đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh, ngày 31/12/2021.

Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc chuẩn bị đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh, ngày 31/12/2021. 

Trung Quốc vừa phát hành một bộ phim tài liệu mới nói về sự chuẩn bị của quân đội để tấn công Đài Loan và trình chiếu những người lính cam kết từ bỏ mạng sống nếu cần trong lúc Bắc Kinh tiếp tục tăng cường giọng điệu chống lại hòn đảo tự trị.

“Theo đuổi Ước mơ,” một bộ phim tài liệu gồm tám phần do đài truyền hình nhà nước CCTV phát sóng vào đầu tuần này để đánh dấu kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân, chiếu các cuộc tập trận và lời chứng thực của hàng chục binh sĩ, trong đó một số người bày tỏ sự sẵn sàng hy sinh trong một cuộc tấn công tiềm năng chống lại Đài Loan.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan, một nền dân chủ tự trị, là lãnh thổ của riêng mình và dọa sẽ chinh phạt bằng vũ lực nếu cần thiết.

Các phương tiện truyền thông nhà nước và Quân đội Giải phóng Nhân dân thường xuyên phát hành các tài liệu tuyên truyền thúc đẩy hiện đại hóa quân đội cũng như các video hấp dẫn về các cuộc tập trận.

Các tài liệu này dùng để cổ vũ chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy của Trung Quốc và thể hiện sự tự tin quân sự chống lại Đài Loan cũng như mối quan hệ của Đài Loan với Hoa Kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ không công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, nhưng họ đã cam kết giúp hòn đảo này tự vệ trong trường hợp bị xâm lược.

Tháng trước, Tòa Bạch Ốc đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu đô la cho Đài Loan. Động thái mà các chuyên gia cho rằng rút ra bài học từ sự viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, đã bị Bắc Kinh chỉ trích.

Bộ phim tài liệu “Theo đuổi Ước mơ” giới thiệu, trong số những nội dung khác, cuộc tập trận “Kiếm chung” của Quân đội Giải phóng Nhân dân, mô phỏng các cuộc tấn công chính xác nhắm vào Đài Loan. Các cuộc tập trận được tiến hành xung quanh hòn đảo tự trị vào tháng 4 sau chuyến thăm của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tới Mỹ.

Trong số những phần kịch tính hơn của chương trình là lời cam kết của các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân từ các sư đoàn khác nhau sẽ hy sinh mạng sống trong một cuộc tấn công tiềm tàng vào Đài Loan.

“Nếu chiến tranh nổ ra và các điều kiện quá khó khăn để gỡ mìn hải quân một cách an toàn trong thực chiến, chúng tôi sẽ sử dụng chính cơ thể của mình để dọn đường an toàn cho lực lượng (đổ bộ) của chúng tôi,” ông Zuo Feng, người nhái của đơn vị quét mìn thuộc Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, nói.

Ông Li Peng, một phi công thuộc Phi đội Wang Hai thuộc Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, nói rằng “máy bay chiến đấu của ông sẽ là phi đạn cuối cùng lao về phía kẻ thù nếu trong một trận chiến thực sự, tôi đã sử dụng hết đạn dược của mình.”

Ông Fan Lizhong, chỉ huy đơn vị chiến thuật đặc biệt, cho biết trong phim tài liệu rằng dù mất đi đồng đội là điều đau đớn, nhưng ông phải giữ bình tĩnh để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Bộ phim tài liệu cũng có cảnh Sơn Đông, một trong ba tàu sân bay của Trung Quốc, di chuyển theo đội hình với một số tàu chiến khác.

Quân đội Giải phóng Nhân dân đã nhiều lần điều động tàu Sơn Đông đến eo biển Đài Loan trong vài tháng qua như một mối đe dọa đối với Đài Loan. Các máy bay phản lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển tương đối thường xuyên trong vài năm qua, đặc biệt là để phản ứng lại các trao đổi giữa Đài Loan và Hoa Kỳ vốn khiến Bắc Kinh tức giận. Đường trung tuyến của eo biển Đài Loan là một khu vực phân định ranh giới không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan.

https://www.voatiengviet.com


Tổng thống Pháp Macron không được mời dự thượng đỉnh BRICS

Thùy Dương /RFI – 08/8/2023

Mặc dù tổng thống Pháp Emmanue Macron mong muốn tham dự thượng đỉnh BRICS tại Johannesbourg vào cuối tháng 08, nhưng Nam Phi, nước tổ chức thượng đỉnh, không mời. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại điện Elysée ở Paris, Pháp, ngày 21/07/2023.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại điện Elysée ở Paris, Pháp, ngày 21/07/2023. via REUTERS – POOL 

Trong cuộc họp báo hôm 07/08/2023, về việc chuẩn bị thượng đỉnh khối 5 nước mới trỗi dậy BRICS (Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/08 tại Johannesbourg, ngoại trưởng Nam Phi, Naledi Pandor, thông báo danh sách khách mời gồm lãnh đạo của 67 nước châu Phi và các nước phía nam bán cầu.

Tổng thống Pháp Macron không có tên trong danh sách này. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ theo dõi trực tuyến thượng đỉnh, nhưng cử ngoại trưởng Sergueï Lavrov đến Johannesbourg.

Từ Johannesbourg, thông tín viên Claire Bargelès gửi về bài tường trình :

Tổng thống Emmanuel Macron, nhất là thông qua ngoại trưởng Pháp, đã bày tỏ mong muốn tham gia hội nghị thượng đỉnh lần này của nhóm các quốc gia mới trỗi dậy BRICS. Để biện minh sự hiện diện của tổng thống Pháp với tư cách quan sát viên là khả dĩ, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, trong chuyến công du Nam Phi hồi cuối tháng 6 vừa qua, đã giải thích rằng « phải nói chuyện để hiểu nhau và tìm ra các giải pháp ». Khi đó, ngoại trưởng Nam Phi không hoàn toàn phản đối khả năng này.

Thế nhưng, cuối cùng ý định của Pháp đã thất bại. Ngoại trưởng Nam Phi, Naledi Pandor, hôm qua 07/08 đã khẳng định rằng « không có lời mời nào theo hướng đó đã được gửi đi ». Quyết định này được đưa ra với sự đồng thuận của các nước khác trong khối BRICS và sẽ không làm mất lòng Điện Kremlin. Xét quan điểm của Paris về chiến tranh Ukraina cũng như tư cách thành viên NATO của Pháp, chính quyền Matxcơva xem một lời mời như vậy là « không phù hợp ».

Khả năng nguyên thủ quốc gia một nước phương Tây tham dự thượng đỉnh BRICS đã gây bất ngờ khi được nhắc đến, nhưng quả thực điều này nằm trong logic của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong chuyến công du Trung Quốc, ông từng khẳng định với báo chí Pháp là ông « bác bỏ logic khối này đối lập với khối kia » và chủ trương châu Âu « tự chủ chiến lược ».


Ukraina đánh lớn, nã tên lửa Storm Shadow xuyên thủng cầu nối Crimea với Kherson

Hội An 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-07-luc-185719.png
Ukraina đánh lớn, nã tên lửa Storm Shadow xuyên thủng cầu Chonhar nối bán đảo Crimea với Kherson. (Ảnh: Twitter). 

Vào ngày 7/8, ông Vladimir Saldo – thống đốc khu vực Kherson do Matxcova hậu thuẫn cho biết: Ukraina đã bắn tên lửa Storm Shadow vào cầu Chonhar, cây cầu nối bán đảo Crimea do Nga kiểm soát với khu vực miền nam Kherson của Ukraina, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh.

Trong khi đó, ông Sergey Aksyonov, thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm thông báo trên Telegram: “Quân địch đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào khu vực cầu Chonhar ở phía bắc Crimea”.

Thống đốc Kherson Vladimir Saldo cho biết thêm: Kyiv cũng nhắm mục tiêu vào một cây cầu bắc qua eo biển Henichesk gần đó, bắn tổng cộng 12 tên lửa. Tuy nhiên, theo ông Saldo, lực lượng phòng không của Nga đã đánh chặn 9 tên lửa trong số đó. Vụ tấn công khiến một dân thường bị thương. Đồng thời, giao thông trên cả hai cây cầu bị đình trệ và có tới 3 lỗ thủng trên cầu Chonhar.  

Saldo sau đó đã đăng một loạt hình ảnh – mà ông cho là cho thấy hậu quả của các cuộc tấn công, với thiệt hại có thể nhìn thấy ở trung tâm của cây cầu đường bộ. Mặc dù không thể xác minh độc lập những bức ảnh này, nhưng ông Anton Gerashchenko, – cố vấn Bộ Nội vụ Ukraina đã đăng những bức ảnh tương tự lên mạng xã hội, và những bức ảnh đã lan truyền rộng rãi trên mạng internet.

Trong khi đó, trang tin Ukrainska Pravda cũng chia sẻ một đoạn phim cho thấy hậu quả ngay lập tức của vụ tập kích, người ta thấy khói bốc lên ở khu vực xung quanh cây cầu. 

Theo NewsWeek, cả Paris và London đều đã cung cấp tên lửa  Anglo-French Storm Shadow (hay SCALP) cho Ukraina trong những tháng gần đây. Vũ khí tầm xa mang lại cho Kyiv khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố của Nga ở khoảng cách xa hơn.

Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 nhưng Ukraina đã nhắc lại lời hứa sẽ giành lại lãnh thổ này từ sự kiểm soát của Matxcova.


Mỹ lo ngại về sự tham gia của công ty Trung Quốc trong việc cải tạo vịnh Manila

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-07-luc-135000.png
Vịnh Manila, Philippines hôm 2/8. (Ảnh: Aaron Favila/AP). 

Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về sự tham gia của một công ty nhà nước Trung Quốc trong các dự án cải tạo của Philippines. Công ty này vốn đã bị đưa vào danh sách đen vì đóng vai trò xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo VOA đưa tin.

Phát ngôn viên Tòa đại sứ Mỹ tại Manila, Kanishka Gangopadhyay cho biết: Washington cũng bày tỏ với chính phủ Philippines quan ngại về “tác động tiêu cực lâu dài, và không thể đảo ngược” của dự án và các hoạt động cải tạo khác đối với môi trường.

Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), nằm trong số hàng chục công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen năm 2020, vì đóng vai trò giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Gangopadhyay nói với các phóng viên: “Chúng tôi lo ngại về tác động của dự án đối với môi trường và về cả sự tham gia của CCCC. Đây là hai vấn đề riêng biệt”.

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-07-luc-135236.png
Một thiếu nữ trong trang phục truyền thống tham dự biểu tình chống việc cải tạo Vịnh Manila, nhân kỷ niệm Ngày Trái đất 21/4/2013 ở Philippines. (Ảnh: AP). 

Ông cho biết, CCCC cũng đã bị Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á nêu tên vì tham gia vào các hoạt động kinh doanh gian lận.

Sau khi các công ty trên bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin khi đó cho biết: ông sẽ đề nghị chính phủ Philippines chấm dứt các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc có trong danh sách.

Cơ quan cải tạo đảo Philippine (PRA) cho biết, hai trong số sáu dự án cải tạo đã được phê duyệt ở Vịnh Manila đang được thực hiện bởi các đơn vị CCCC, công ty China Harbour Engineering và China First Highway Engineering, cùng với các công ty Philippines và chính quyền thành phố.

Hiện chưa có bình luận từ CCCC về vấn đề trên..

Bờ biển của Vịnh Manila là nơi tọa lạc của một số di tích lịch sử và văn phòng chính phủ, bao gồm cả Tòa đại sứ Hoa Kỳ.

Trước đó Bộ trưởng Môi trường Antonia Loyzaga cho biết trong một cuộc họp báo ngày 2/8 rằng, Bộ sẽ tiến hành đánh giá tác động của các dự án đã được phê duyệt.

Ông Joseph John Literal, phụ tá tổng giám đốc PRA về cải tạo và quy định, cho biết, PRA sẽ trao đổi với chính quyền thành phố. Ông nói thêm rằng những người đề xuất các dự án đã có được giấy phép của nhiều cơ quan trước khi các dự án được PRA phê duyệt.

Tạ Linh


Quân đội Philippines lên án Hải cảnh Trung Quốc vì bắn vòi rồng vào tàu của nước này ở vùng biển tranh chấp

Một tàu Hải cảnh Trung Quốc (phía trước) xuất hiện để chặn đường của một tàu Tuần duyên Philippines gần Bãi cạn Thomas thứ Hai mà Philippines đóng quân, ở Biển Đông, hôm 05/08/2023, trong một nhiệm vụ tái tiếp tế. (Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Philippines qua AP) 

MANILA, Philippines — Hôm Chủ Nhật (06/08), quân đội Philippines đã lên án việc một tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng một cách “quá mức và xâm phạm” để ngăn chặn một tàu tiếp tế Philippines thuyên chuyển quân lực, thực phẩm, nước, và nhiên liệu mới đến một bãi cạn mà Philippines hiện đang đóng quân trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Cuộc đối đầu căng thẳng hôm thứ Bảy (05/08) tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là cuộc đụng độ mới nhất trong các cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài liên quan đến Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei.

Các tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, từ lâu đã được xem như là một điểm nóng ở châu Á và là một lằn ranh mỏng trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này, bất chấp các phán quyết quốc tế vô hiệu hóa các yêu sách bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh, chẳng hạn như phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, một cơ quan quốc tế có trụ sở tại La Haye. Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó.

Khi lực lượng hải quân Philippines trên hai tàu tiếp tế đặc quyền đang hướng về phía Bãi Cỏ Mây, với các tàu tuần duyên Philippines tháp tùng, thì một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận và sử dụng vòi rồng công suất lớn để chặn các quân nhân Philippines hướng tới khu vực bãi cạn mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, theo các quan chức quân đội và tuần duyên Philippines.

Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết hành động của tàu Trung Quốc là “hoàn toàn không quan tâm đến sự an toàn của những người trên boong” tàu hải quân đặc quyền của Philippines và vi phạm luật pháp quốc tế, gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, nhưng không cho biết liệu có bất kỳ thủy thủ nào của họ bị thương không.

Phía Philippines cho biết trong một tuyên bố, các “hành động tấn công thái quá và mang tính xâm phạm đối với các tàu Philippines” gần bãi cạn đã ngăn một trong hai tàu Philippines dỡ hàng tiếp tế cần thiết cho quân đội Philippines đang bảo vệ bãi cạn trên tàu hải quân BRP Sierra Madre.

Họ kêu gọi lực lượng hải cảnh Trung Quốc và quân ủy trung ương của chính quyền Trung Quốc “hành động thận trọng và có trách nhiệm trong các hành động của họ để ngăn những tính toán sai lầm và tai nạn gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác.”

Một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước hành động của tàu Trung Quốc.

Ngay lập tức, Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lực lượng Philippin và nhắc lại cảnh báo rằng, họ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh có hiệp ước lâu năm với mình khi các tàu và lực lượng công vụ của Philippines bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, việc “bắn vòi rồng và sử dụng các hành vi ngăn chặn không an toàn, các tàu của CHND Trung Hoa đã cản trở việc thực thi hợp pháp quyền tự do hàng hải trên biển của Philippines và gây nguy hiểm đến sự an toàn của các tàu và thủy thủ đoàn của Philippines”. Họ đã sử dụng từ viết tắt cho tên của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Họ nói thêm rằng những hành vi như vậy là hành động mới nhất của CHND Trung Hoa ở Biển Đông và là mối đe dọa trực tiếp đối với “hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Úc cũng đã bày tỏ lo ngại, mô tả hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc là “nguy hiểm và gây bất ổn.”

Nhật Bản cho biết họ ủng hộ Philippines, đồng thời nói thêm rằng “sự quấy rối và hành động vi phạm các hoạt động hợp pháp trên biển và gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải” là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Bộ Ngoại giao của Manila đã không kịp thời đưa ra bất kỳ phản ứng nào nhưng đã đệ trình một lượng lớn các công hàm phản đối ngoại giao về các hành động ngày càng trở nên đối địch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong những năm gần đây. Các quan chức ĐCSTQ đã không bình luận ngay lập tức về vụ việc.

Từ lâu ĐCSTQ đã yêu cầu Philippines rút tiểu đội của lực lượng hải quân nước này và di dời chiếc BRP Sierra Madre vẫn còn hoạt động nhưng hiện đang bị hư hỏng rời khỏi đây. Chiếc tàu hải quân này đã cố ý neo đậu ở bãi cạn vào năm 1999 và giờ đây được xem như một biểu tượng mong manh cho tuyên bố lãnh thổ của Manila đối với đảo san hô.

Các tàu Trung Quốc đã chặn và áp sát các tàu hải quân đang vận chuyển thực phẩm và các mặt hàng tiết yếu khác cho các thủy thủ Philippines trên tàu ở bãi cạn, nơi mà các tàu hải cảnh Trung Quốc và một nhóm tàu ​​đánh cá Trung Quốc — được cho là do dân quân điều khiển — đã vây chặn trong nhiều năm.

Mặc dù Hoa Kỳ không đưa ra tuyên bố chủ quyền nào đối với Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ thường chỉ trích các hành động gây hấn của ĐCSTQ, cũng như khai triển các chiến hạm và chiến đấu cơ của mình trong các cuộc tuần tra và tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, mà họ cho biết là vì lợi ích quốc gia của Mỹ quốc. 

Doanh Doanh biên dịch


TQ: Một phó thị trưởng thành phố bị lũ cuốn trôi làm dấy lên tranh luận sôi nổi

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/phothitruongbicuon.jpg
4 quan chức thành phố Thư Lan, bao gồm cả Phó thị trưởng Lạc Húc Đông bị nước cuốn trôi và mất liên lạc. Có tài khoản Weibo cho viết đã tìm được thi thể, cả 4 người đều đã tử vong. (Ảnh chụp màn hình) 

Hôm 5/8, chính quyền xác nhận Phó thị trưởng của TP. Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, ông Lạc Húc Đông (Luo Xudong), cùng 3 công chức khác đã bị lũ cuốn trôi và mất liên lạc. Theo các nguồn tin trên mạng, dân làng đã tìm thấy thi thể của ông Lạc vào ngày hôm đó. Cả 4 người đều đã tử vong.

Bị ảnh hưởng bởi cơn bão Doksuri, mưa lớn trên diện rộng cũng xảy ra ở phía bắc tỉnh Cát Lâm, đặc biệt là thị trấn Kim Mã, thị trấn Khai Nguyên và thị trấn Thất Tinh Hương của TP. Thư Lan, bị nước lũ làm ngập lụt, một số cây cầu bị sập, đường bị hư hỏng và một số ngôi làng vẫn còn trong trạng thái bị cắt điện, nước và cắt liên lạc. Lượng mưa tại Lâm trường Vĩnh Thắng ở tâm mưa lớn Thư Lan đạt 489,0 mm, gấp 4,72 lần mức tối đa lịch sử là 103,6 mm.

Trang “Tin tức buổi sáng Tiêu Tương” ở Trung Quốc đưa tin, ban tuyên truyền địa phương đã xác nhận vào chiều ngày 5/8 rằng một Phó thị trưởng họ Lạc của TP. Thư Lan nằm trong số những người mất tích.

Một người dân ở thị trấn Khai Nguyên tiết lộ, người dân địa phương đã tìm thấy một thi thể và gọi cảnh sát. Người chết là nam giới, mặc áo khoác đen, quần dài và đi giày da. Danh tính của người thiệt mạng vẫn đang được xác định.

Tuy nhiên, theo Weibo “Jun Wu Ji” (có dấu tick V xác thực danh tính) đăng một tin nhắn vào chiều ngày 5/8 nói rằng thi thể được tìm thấy vào trưa ngày hôm đó, cả 4 người mất liên lạc đều đã chết.

Một nguồn tin khác từ truyền thông Hồng Kông cho biết, ngoài ông Lạc Húc Đông, 3 người người mất tích còn lại là Chu Côn Huấn (Zhou Kunxun) – Chính ủy Cục Lực lượng Vũ trang TP. Thư Lan, thư ký của ông Lạc Húc Đông và một người nữa là lái xe.

Trong mỗi trận lũ, một số lượng lớn người dân bị mất liên lạc, mất tích và thiệt mạng, nhưng hiếm có trường hợp quan chức bị cuốn trôi và mất liên lạc. Sự việc này đã thu hút sự chú ý và bàn luận sôi nổi của cư dân mạng. Một số người đặt câu hỏi: “Phó thị trưởng còn bị cuốn trôi, vậy không biết bao nhiêu người dân thường khác bị cuốn trôi?”

Một số chế giễu:

“Phó thị trưởng đầu tiên tôi nhìn thấy ở tiền tuyến.”

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một quan chức lớn như vậy ở tiền tuyến.”

Một số người nói: “Đó chính là bức ép đến cùng, đến hiện trường để quay video, làm một trang bìa tin tức và chụp thêm hai bức ảnh, phần còn lại sẽ giao cho phó thường trực hoặc phó thị trưởng được phân phụ trách và quan chức cấp phòng bên dưới xử lý.”

Sau khi Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc hứng chịu lượng mưa cực lớn, chính quyền đã xả lũ mà không báo trước để bảo vệ Bắc Kinh và “phó đô” Hùng An, khiến cho Trác Châu (tỉnh Hà Bắc) trở thành khu vực chịu thảm họa lũ lụt nghiêm trọng. Một số phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng tổng thời gian để lũ ở Trác Châu rút là khoảng 1 tháng. Lũ lụt và lở đất đã phá hủy các ngôi làng và đường xá ở Trác Châu. Nước, điện, internet và nguồn cung cấp vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt đã bị cắt khắp mọi nơi. Một số người đã bị chặn không cho đến hỗ trợ.

Vài ngày trước, một phóng viên của Tuần báo Phương Nam đã đưa tin về tình hình ở Trác Châu và mắng quan chức địa phương là “không biết gì cả, chỉ biết trung thành với đảng”; “Không bằng cầm thú, thiên tai không nghiêm trọng bằng nhân họa”.

Nhiều cư dân mạng đã nhân cơ hội này để châm biếm chính quyền Trác Châu vì “mất liên lạc tập thể” và thẳng thừng:

“Lãnh đạo ở Trác Châu cũng mất liên lạc.”

“Toàn mạng internet hãy tìm đi!”

“Chả trách mọi người đều nói thế, là vì thực sự mãi vẫn không lộ diện, giống như đã biến mất. Luôn luôn là những dân thường tự phát tổ chức gửi nước, thức ăn cho đội cứu hộ! “

Một số cư dân mạng đã châm biếm ông Tập Cận Bình rằng:

“Đây là lý do tại sao ‘nhất tôn’ (người đứng đầu cao nhất, chỉ ông Tập Cận Bình) không bao giờ dám đến hiện trường cứu hộ khẩn cấp và cứu trợ thiên tai.”

“Tập Cận Bình cũng muốn để quân đội đi cứu trợ thảm họa, nhưng sự kiện lớn này, có thể quân đội không nghe theo lệnh của ông ta.”

Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tweet rằng lần này cả trung tâm chính trị Bắc Kinh và khu vực gần kinh đô là tỉnh Hà Bắc, đều bị lũ lụt tấn công. Khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, có mấy tập đoàn quân đóng trú, vì sao lần này sao không có tập đoàn quân nào ra cứu trợ? Có thể thấy mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và quân đội có vấn đề.

Đổng Lâm San, Vision Times


AP: Chính quyền quân sự Niger ‘cầu cứu’ tập đoàn lính đánh thuê Wagner

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/chinhquyendaochanhniger.jpg
Các binh sĩ Niger đọc tuyên bố phát sóng trên truyền hình nhà nước về việc giải tán chính phủ. (Ảnh chụp màn hình video)

 Một trong những thủ lĩnh của cuộc đảo chính tuần trước ở Niger được cho là đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, trong bối cảnh hạn chót để chính quyền quân sự Niger phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ vào tuần trước đang đến gần. Nếu quá hạn chót, chính quyền này sẽ đối mặt với khả năng can thiệp quân sự từ các nước láng giềng.

Ngày 5/8, tờ Associated Press (AP) đã dẫn lời nhà báo người Pháp Wassim Nasr, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Soufan Center, rằng Tướng Salifou Moody của phe đảo chính ở Niger đã đề nghị nhóm lính đánh thuê Wagner giúp đỡ trong chuyến thăm Mali, nơi ông gặp gỡ một đại diện của Wagner.

Cuộc gặp gỡ được tờ France 24 đưa tin đầu tiên. Nhà báo Nasr cho hay ông đã xác nhận thông tin về cuộc đàm phán với 1 nhà ngoại giao Pháp cũng như 3 người có hiểu biết về vấn đề này tại Mali.

Ông Nasr nói với AP: “Họ cần (Wagner) vì Wagner sẽ là người bảo lãnh để họ nắm giữ quyền lực”, đồng thời tuyên bố rằng Wagner đang xem xét lời thỉnh cầu của chính quyền quân sự Niger.

Cả Wagner và các quan chức chính phủ Nga đều không đưa ra bình luận về vấn đề này. Hôm 4/8, Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ sự can thiệp nào từ các cường quốc bên ngoài khu vực vào Niger sẽ khó có thể cải thiện tình hình. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc nhanh chóng khôi phục lại trạng thái bình thường theo hiến pháp mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người.”

Thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin gọi vụ đảo chính là một “cuộc nổi dậy chính đáng của người dân chống lại sự bóc lột từ phương Tây.”

Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đe dọa đưa quân vào Niger nếu những người đứng đầu cuộc đảo chính không thả tự do và phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 6/8. Ông Bazoum đã bị quản thúc tại gia kể từ cuộc đảỏ chính và đã thỉnh cầu cầu Hoa Kỳ “cùng toàn bộ cộng đồng quốc tế” khôi phục chính phủ của mình. Quân đội của một số nước thành viên ECOWAS, bao gồm cả Nigeria, đã đồng ý với kế hoạch can thiệp vào Niger.

Wagner đã trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng trong bối cảnh an ninh châu Phi, mặc dù không rõ ảnh hưởng của nó đối với lục địa này như thế nào sau cuộc binh biến chống lại Moscow hồi tháng Sáu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tương lai những hợp đồng mà Wagner đã ký với các quốc gia châu Phi là vấn đề do chính phủ các nước đó quyết định. Tập đoàn Wagner được cho là đã hoạt động ở các quốc gia như Mali, Burkina Faso, Sudan, Mozambique và Cộng hòa Trung Phi.

Mali và Burkina Faso nằm trong số các quốc gia thành viên ECOWAS đã đứng về phía chính quyền quân sự Niger sau cuộc đảo chính. Ông Bazoum cáo buộc 2 nước láng giềng này đang sử dụng “nhóm lính đánh thuê tội phạm người Nga”.

Chủ tịch Viện Tự do Châu Phi Franklin Nyamsi đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với tờ RT hôm 3/8 rằng nếu ECOWAS thực hiện lời đe dọa đưa quân vào Niger, thì đó sẽ được coi là lời tuyên chiến với các đồng minh của chính quyền quân sự, bao gồm cả Mali và Burkina Faso. Một cuộc xung đột như vậy có thể leo thang nghiêm trọng khi các phe tham chiến tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Ông Nyamsi nhận định: “Chúng ta hiện đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh thế giới tại châu Phi.”

Vy An (Theo RT)


Pakistan có thể hoãn bầu cử

Tuần này, thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif dự kiến sẽ giải tán quốc hội và bổ nhiệm một chính phủ lâm thời trước cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm. Cuộc bầu cử có thể bị hoãn, sau khi chính phủ cho biết hôm thứ Bảy rằng kết quả điều tra dân số mới đồng nghĩa các đơn vị bầu cử phải được điều chỉnh. Nhà chức trách dự kiến mất tới 4 tháng để vẽ lại chúng. Vì vậy, quốc hội đã trao thêm quyền cho chính phủ tạm quyền trong tương lai, cho phép họ thực hiện các điều kiện của một thỏa thuận cho vay với IMF.

Các cuộc bầu cử — bất kể được tổ chức khi nào — có thể sẽ được tiến hành mà không có cựu thủ tướng Imran Khan. Việc bị kết án vào cuối tuần qua vì “các hành vi tham nhũng” khiến ông bị mất tư cách tham gia quốc hội trong 5 năm. Các luật sư của ông cho biết sẽ kháng cáo. Dù vậy, ông vẫn còn hàng chục cáo buộc khác bao gồm báng bổ và khủng bố. Số phận đổi thay của ông Khan, từ thủ tướng trở thành bị cáo, là một minh chứng nữa cho thấy bản chất khắc nghiệt của nền chính trị Pakistan.


Softbank lật ngược kết quả thua lỗ

Gã khổng lồ đầu tư Nhật Bản SoftBank sẽ báo cáo kết quả quý vào thứ Ba. Công ty đã trải qua quãng thời gian khó khăn gần đây khi đà giảm chung của ngành công nghệ đe doạ nhiều thương vụ lớn của họ. Chỉ riêng Quỹ Tầm nhìn đã lỗ 6,9 nghìn tỷ Yên (48 tỷ USD) trong hai năm qua.

Nhưng giới phân tích kỳ vọng quỹ sẽ kiếm được lợi nhuận trong quý gần nhất, phần lớn nhờ trí tuệ nhân tạo giúp đẩy giá trị các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. AI đã giúp chỉ số tổng hợp Nasdaq, một chỉ số nặng về công nghệ, tăng 33% trong năm nay. Bên cạnh đó là đợt IPO của Arm, một công ty Anh chuyên sản xuất bản thiết kế cho nhiều công nghệ bán dẫn. SoftBank mua Arm từ năm 2016 với giá 32 tỷ USD. Giờ đây họ đặt mục tiêu định giá từ 60 tỷ đến 70 tỷ đô la, với niêm yết sớm nhất là tháng 9. Công bố thu nhập của thứ Ba sẽ tiết lộ thêm về là một vụ IPO bom tấn đầy tiềm năng.


Tình hình thị trường nhà ở châu Âu

Giá nhà ở châu Âu có lẽ đã chạm đáy. Số liệu trong ba tháng đầu năm 2023 cho thấy sụt giảm theo quý ở nhiều nước châu Âu. Nhưng giá ở Đức tăng trong quý hai có lẽ báo hiệu điều tương tự ở các nước khác. Với lạm phát chủ yếu giảm, lãi suất và lãi suất thế chấp cũng có thể giảm, qua đó thay đổi tâm lý của người mua. Vào thứ Ba, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ công bố kết quả khảo sát mới nhất về quan điểm của người tiêu dùng về giá nhà và những dự đoán của họ đối với nền kinh tế nói chung.

Trong kỳ khảo sát tháng 4 và tháng 5, người tiêu dùng trung bình dự đoán giá nhà và thu nhập hộ gia đình trì trệ trong 12 tháng tới, với lãi suất thế chấp vẫn ở mức 4,5% so với cùng kỳ. Kể từ đó lạm phát có chậm lại, nhưng không đủ để kéo lãi suất đi xuống. Thị trường không bị thuyết phục, và lãi suất cả nợ ngắn hạn lẫn dài hạn đều tăng.


Phe Cộng hoà ở Ohio quyết tâm cản trở quyền phá thai

Vào thứ Ba, người dân bang Ohio, Mỹ, sẽ bỏ phiếu về việc có nên làm cho hiến pháp của họ khó sửa đổi hơn hay không. Cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đã đưa một sửa đổi ra bỏ phiếu vào tháng 5. Nó yêu cầu các chiến dịch do công dân lãnh đạo trong tương lai phải thu thập chữ ký từ mọi hạt trong tiểu bang, thay vì chỉ một nửa, nếu muốn được đem ra biểu quyết. Nó cũng sẽ nâng ngưỡng thông qua sửa đổi từ đa số đơn giản lên 60%.

Một số đảng viên Cộng hòa của bang tỏ ra không giấu giếm động cơ của họ. Người dân Ohio sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 về việc có nên đưa quyền phá thai vào hiến pháp hay không. Kể từ khi phán quyết vụ Roe kiện Wade bị lật ngược vào năm ngoái, sáu tiểu bang đã bỏ phiếu về quyền phá thai. Ở mọi nơi cử tri đều bỏ phiếu ủng hộ quyền phá thai, nhưng ở Michigan, Kansas và Kentucky, chiến dịch bảo vệ quyền phá thai không giành được hơn 60% số phiếu bầu. Và các nhà hoạt động ở Ohio đang khởi kiện chống lệnh cấm phá thai đối với thai từ 6 tuần tuổi được thông qua vào năm 2019. Cuộc chiến giành quyền tiếp cận phá thai đang nổ ra ở cả tòa án và trên các lá phiếu của Ohio.


Iran dọa đáp trả sau khi 3000 lính Mỹ được điều đến Hồng Hải

Thanh Hiếu /RFI

08/8/2023

Một ngày sau khi Mỹ cho triển khai 3000 ngàn lính cùng hai tàu chiến tới Hồng Hải để ngăn ngừa Iran bắt chặn các tàu chở dầu, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đe dọa có biện pháp trả đũa. 

Tàu Mỹ USS Bataan, lớp Wasp, đang đi qua Đại Tây Dương. Ảnh chụp ngày 20/07/2023.
Tàu Mỹ USS Bataan, lớp Wasp, đang đi qua Đại Tây Dương. Ảnh chụp ngày 20/07/2023. AP – Mass Communication Specialist 2nd Class Danilo Reynoso 

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh GHAZI tường trình :

Người phát ngôn của lực lượng Vệ binh Cách mạng đã đưa ra lời cảnh báo đối với Hoa Kỳ.

Tướng Ramezan Sharif tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đáp trả bất kỳ hành động thù địch nào của Mỹ, chẳng hạn như việc bắt giữ các tàu của Iran”.

Việc triển khai binh sĩ đánh dấu sự gia tăng hiện diện của Mỹ trong khu vực. Theo quân đội Mỹ, trong hai năm qua, Iran đã bắt giữ hoặc tìm cách bắt giữ gần 20 tàu mang cờ quốc tế trong khu vực.

Trong những tháng gần đây, đã xảy ra nhiều sự cố ở Vịnh Ba Tư giữa Hải quân Vệ binh Cách mạng và các tàu của Hoa Kỳ.

Đối mặt với sự tăng cường quân sự của Hoa Kỳ, Iran đã phản ứng bằng cách triển khai ở khu vực Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz các tên lửa mới có tầm bắn từ 300 đến 1000 km cũng như drone chiến đấu.

Theo Tehran, đó là những tên lửa có khả năng tấn công tàu Mỹ.

Những căng thẳng mới này xảy ra khi các nước phương Tây lên án Iran tăng cường chương trình hạt nhân, lắp đặt các máy ly tâm cực kỳ hiện đại mới và làm giàu uranium tới 60%, gần với mức dùng trong lĩnh vực quân sự.


XEM THÊM

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.