Thời sự Thứ Ba 29/8/2023: *Joe Biden dự hội nghị thượng đỉnh G20 *Hàng trăm ngàn’ người bị buôn bán lừa đảo ở Đông Nam Á *Mỹ, đồng minh tập trận gần bán đảo Triều Tiên *
Võ Thái Hà tổng hợp
Nghị trình của Tổng thống Joe Biden ở tại hội nghị thượng đỉnh G20
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, nơi ông sẽ tập trung thúc đẩy cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Mục đích để đảm bảo rằng các ngân hàng phát triển này cung cấp các giải pháp và đòn bẩy tiêu chuẩn cao cho những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, Biden sẽ nỗ lực cung cấp một giải pháp thay thế tốt hơn cho hỗ trợ và tài trợ phát triển, trái ngược với những gì ông gọi là hoạt động cho vay cưỡng bức và không bền vững của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hoa Kỳ ủng hộ Ngân hàng Thế giới và IMF như những lựa chọn thay thế tích cực và minh bạch cho cách tiếp cận của Trung Quốc. Tuy nhiên, Sullivan nhấn mạnh rằng Trung Quốc là trung tâm trong việc hiện đại hóa cả hai thể chế này và việc Hoa Kỳ hỗ trợ Ngân hàng Thế giới và IMF không có nghĩa là nước này chống lại Trung Quốc.
Về các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Sullivan nói rằng Hoa Kỳ không coi họ là đối thủ địa chính trị mà là một tập hợp đa dạng các quốc gia. Trong khi BRICS đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh riêng ở Nam Phi, trọng tâm của Biden sẽ là G20 ở New Delhi.
Như tin đã đưa trước đó, Tổng thống Biden sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á tại Jakarta, Indonesia. Thay vào đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris. Dự tính, các cam kết của bà sẽ tập trung vào sự thịnh vượng chung, an ninh, các vấn đề khí hậu, an ninh hàng hải, tăng trưởng kinh tế bền vững và thực thi luật pháp quốc tế trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ chọn Mark Lambert làm quan chức chuyên trách chính sách về Trung Quốc
29/8/2023
Ông Mark Lambert.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa chọn nhà ngoại giao kỳ cựu Mark Lambert làm quan chức hàng đầu chuyên trách chính sách về Trung Quốc, 5 nguồn tin nắm vấn đề này cho Reuters biết. Động thái này sẽ mang lại nhân vật lãnh đạo mới cho một bộ phận của bộ lâu nay đối mặt với các vấn đề nhân sự và bị chỉ trích về việc xử lý các chương trình tập trung vào Trung Quốc.
Các nguồn tin cho hay ông Lambert có thể sẽ được bổ nhiệm làm phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Trung Quốc và Đài Loan, tiếp quản vị trí mà ông Rick Waters đã nghỉ từ tháng 6.
Ông Waters cũng từng là người đứng đầu Văn phòng Điều phối Trung Quốc – được gọi một cách không chính thức là China House (Nhà Trung Quốc) – một đơn vị mà Bộ Ngoại giao Mỹ thành lập vào cuối năm ngoái để kết hợp các chính sách về Trung Quốc liên quan đến các khu vực và các vấn đề. Theo các nguồn tin, việc liệu ông Lambert có đảm nhận chức danh điều phối viên China House hay không vẫn đang được thảo luận.
Ít có khả năng là việc bổ nhiệm ông Lambert sẽ làm thay đổi sắc thái chính sách của Washington đối với Trung Quốc. Chính sách này được chính quyền của Tổng thống Joe Biden mô tả là một trong những “sự cạnh tranh gay gắt” trong khi cũng cố gắng tăng cường can dự với Bắc Kinh để ổn định quan hệ.
Nhưng ông Lambert, một nhà ngoại giao được đánh giá cao và có kinh nghiệm ở Đông Á, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới China House, vốn bị chỉ trích vì đã tăng thêm mức độ lớp quan liêu vào quá trình ra quyết định vốn đã phức tạp.
Hiện chưa rõ khi nào Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ chính thức công bố việc bổ nhiệm.
“Chúng tôi không có thông báo nhân sự nào vào thời điểm này, nhưng Văn phòng Điều phối Trung Quốc vẫn là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh của chúng tôi với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế cởi mở, toàn diện”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết trong một phản hồi qua email khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ những lời chỉ trích về China House, nói rằng đây là một trong những nhóm có chức năng cao nhất.
Một quan chức Bộ Ngoại giao nói: “Cơ quan này đã cải thiện sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao và hoạch định chính sách của các lãnh đạo cấp cao, với các kết quả bao gồm cả việc giúp Bộ phản ứng hiệu quả về vụ khí cầu do thám của Trung Quốc và thông báo nhanh chóng cho các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới để vạch trần chương trình toàn cầu của Trung Quốc”.
Là một chuyên gia về châu Á, từng làm việc tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, ông Lambert gần đây nhất giữ chức vụ phó trợ lý bộ trưởng phụ trách các vấn đề Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ cũng như quan hệ với Australia, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương.
Trong vai trò mới, ông Lambert sẽ tiếp tục báo cáo cho Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, người đứng đầu Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ.
LHQ: ‘Hàng trăm ngàn’ người bị buôn bán vào các trung tâm lừa đảo Đông Nam Á
29/8/2023
Tranh truyên truyền về phòng chống mua bán người.
Trong một báo cáo hôm 29/8, Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm nghìn người đang bị các băng nhóm tội phạm buôn bán và buộc phải làm việc trong các trung tâm lừa đảo cũng như các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp khác mọc lên khắp Đông Nam Á trong những năm gần đây, Reuters đưa tin.
Báo cáo trích dẫn “các nguồn đáng tin cậy” ước tính rằng ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar và khoảng 100.000 người ở Campuchia có thể bị mắc kẹt trong các hoạt động lừa đảo, cùng với các doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của bọn tội phạm ở Lào, Philippines và Thái Lan, từ lừa đảo tiền điện tử đến cờ bạc trực tuyến.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk nói: “Những người bị ép buộc làm việc trong các hoạt động lừa đảo này phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo trong khi bị buộc phải phạm tội hình sự. Họ là nạn nhân. Họ không phải là tội phạm”.
Người phát ngôn cảnh sát Campuchia Chhay Kim Khoeun cho hay ông chưa xem báo cáo này của LHQ nhưng ông thắc mắc về con số trên.
“Tôi không biết trả lời thế nào, họ lấy con số (100.000) từ đâu? Họ đã điều tra chưa? Họ lấy dữ liệu ở đâu? Người nước ngoài chỉ nói suông thôi”.
Chính phủ do quân đội điều hành của Myanmar không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Báo cáo của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một trong những báo cáo chi tiết nhất về hiện tượng xuất hiện các vụ buôn người kể từ đại dịch COVID, do việc đóng cửa các sòng bạc dẫn đến sự di chuyển đến các khu vực ít được quản lý hơn ở Đông Nam Á.
Báo cáo cho biết các trung tâm lừa đảo đang phát triển nhanh chóng đang tạo ra doanh thu hàng tỷ đôla mỗi năm.
Báo cáo có đoạn: “Đối mặt với thực tế hoạt động mới, các tay tội phạm ngày càng nhắm mục tiêu vào những người di cư trong những tình huống dễ bị tổn thương… để tuyển dụng vào các hoạt động tội phạm, với vỏ bọc là cung cấp cho họ công việc thực sự”.
Cáo báo cho biết hầu hết nạn nhân buôn người đến từ các nước Đông Nam Á khác cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, nhưng một số được tuyển dụng từ những nơi xa xôi như châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Văn phòng Nhân quyền của LHQ kêu gọi các chính quyền khu vực tăng cường pháp quyền và giải quyết nạn tham nhũng để “phá vỡ vòng luẩn quẩn không bị trừng phạt” vốn tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm phát triển mạnh.
Ngành hàng không Trung Quốc công bố kết quả kinh doanh
Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần này, qua đó phần nào cho thấy tình hình của ngành du lịch nước này sau đại dịch. Đầu tiên là China Southern vào thứ Ba, một ngày sau đó là Air China và China Eastern.
Cũng như tất cả các hãng hàng không Trung Quốc, bộ ba này đã đi qua một giai đoạn rất khó khăn. Trung Quốc duy trì các hạn chế đi lại trong đại dịch cho tới cuối năm 2022, và tăng trưởng sau mở cửa trong năm nay cũng kém ấn tượng.
Du lịch có phát triển, nhưng chậm. Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, số lượng hành khách đi các chuyến bay nội địa đã quay lại mức 88% so với trước đại dịch trong nửa đầu năm 2023, và thậm chí đã vượt mức trong những tháng gần đây. Song số lượng chuyến bay đến các điểm đến phổ biến trước đây ở Đông Nam Á vẫn phục hồi chậm. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào khách du lịch ở khu vực này còn gặp nhiều khó khăn.
Quan hệ của Costa Rica với Mỹ và Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Rodrigo Chaves, người đồng cấp Costa Rica, vào thứ Ba để thảo luận về di cư và các vấn đề khác. Ngày càng có nhiều người từ Nam Mỹ đi qua Costa Rica trên đường tới Mỹ. Và cả hai bên đều mong muốn đoàn người này di chuyển có trật tự hơn.
Vấn đề còn lại trong chương trình nghị sự, Trung Quốc, sẽ gai góc hơn. Mỹ lo ngại mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực đang bị an ninh hoá, vượt ra ngoài phạm vi thương mại và đầu tư. Costa Rica có lịch sử hợp tác lâu dài với Trung Quốc. Năm 2007, nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh chấm dứt công nhận ngoại giao đối với Đài Loan theo yêu cầu từ Trung Quốc. (Các nước láng giềng của Costa Rica sau đó cũng làm theo.) Nhưng Costa Rica cũng cảnh giác về những rủi ro khi xích lại quá gần Trung Quốc. Một mục tiêu trong chuyến đi của ông Chaves tới Washington là xoa dịu các quan ngại của ông Biden.
London phạt xe phát thải cao
Từ thứ Ba, nhiều tài xế ở London sẽ phải trả tiền để được lái xe. Đó là vì quy định Vùng Phát thải Cực Thấp — trong đó áp dụng phụ phí cho các phương tiện gây ô nhiễm cao — sẽ được mở rộng tới tất cả 32 quận của thủ đô nước Anh. Khoản thuế £12,50 mỗi ngày sẽ áp dụng cho ô tô và xe tải chạy bằng diesel không đáp ứng tiêu chuẩn “Euro 6” (thường là những xe mua trước năm 2015) và ô tô không đáp ứng “Euro 4” (thường có trước năm 2006). Một chương trình phế liệu đã được đưa ra để giúp các chủ xe cũ có thể mua xe xanh hơn.
Thị trưởng Sadiq Khan, một thành viên Công đảng, lập luận rằng động thái này sẽ giúp cải thiện sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em. Nhưng nó đã gây ra phản ứng dữ dội, đặc biệt từ cư dân ở ngoại ô thành phố. Đảng Bảo thủ cầm quyền đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, sau nhiều năm chật vật trong cuộc chiến giành phiếu ở London. Bảo thủ hiện đang miêu tả Công đảng là kẻ thù của các tài xế. Và một số người quá khích thậm chí đã phá hoại các camera được dùng cho chương trình.
Cựu thủ lĩnh nhóm Proud Boys bị đề nghị 33 năm tù
Enrique Tarrio không có mặt ở Washington, DC vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Cựu thủ lĩnh Proud Boys, một tổ chức theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, đã bị bắt hai ngày trước khi nhóm gây ra vụ bạo loạn ở thủ đô. Nhưng hồi tháng 5, một bồi thẩm đoàn nhận thấy ông phải chịu trách nhiệm cho hành vi bạo loạn ngày 6 tháng 1 của Proud Boys. Ông cùng một số thành viên khác đã bị kết tội âm mưu nổi loạn (âm mưu lật đổ chính quyền).
Vào thứ Ba, các công tố viên liên bang sẽ yêu cầu thẩm phán tuyên án ông Tarrio 33 năm tù. Đây là bản án nặng hơn đáng kể so với 18 năm mà Stewart Rhodes, thủ lĩnh của Oath Keepers, một nhóm cực hữu khác cũng có mặt trong cuộc bạo loạn, phải nhận vì những cáo buộc tương tự.
Mức độ nghiêm trọng của bản án có lẽ phản ánh thực tế là Proud Boys vẫn hoạt động kể từ ngày 6 tháng 1, trong khi các nhóm cực hữu khác đã im tiếng hơn. Bản án tù lâu như vậy có thể là một biện pháp răn đe mạnh cho các thành viên còn lại.
Mỹ, đồng minh tập trận gần bán đảo Triều Tiên; Bình Nhưỡng quyết tăng cường hải quân
29/8/2023
Bản đồ Hàn Quốc
Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức tập trận phòng thủ tên lửa hải quân chung ngoài khơi bán đảo Triều Tiên hôm 29/8, trong bối cảnh Triều Tiên cáo buộc Washington và các đồng minh đã tạo ra “những vùng biển bất ổn nhất có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân”, theo Reuters.
Quân đội Hàn Quốc cho biết rằng ba quốc gia này tập trận ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Jeju phía nam Hàn Quốc để cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu cũng như chia sẻ thông tin trong trường hợp Bình Nhưỡng gây hấn.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi hiện đại hóa “triệt để” vũ khí và trang bị của lực lượng hải quân, đồng thời chỉ trích sự hiện diện ngày càng tăng của các vũ khí, khí tài chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Hải quân, ông Kim nói các “trùm băng đảng” Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố các cuộc tập trận chung thường xuyên, hãng thông tấn KCNA đưa tin, dường như đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh ngày 18/8 của lãnh đạo 3 nước tại Trại David, bang Maryland, Mỹ.
“Do những động thái đối đầu liều lĩnh của Mỹ và các thế lực thù địch khác, vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên đã bị biến thành điểm tập trung vũ khí chiến tranh lớn nhất thế giới, vùng biển bất ổn nhất với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân”, KCNA dẫn lời ông Kim phát biểu.
Trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, ba bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự khi họ tìm cách thể hiện sự thống nhất trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Hàn Quốc và Mỹ tuần trước đã bắt đầu cuộc tập trận mùa hè Lá chắn Tự do Ulchi, được thiết kế để tăng cường phản ứng chung trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án cuộc tập trận này là hoạt động diễn tập cho chiến tranh.
XEM THÊM:
- Cập nhật chiến tranh Ukraine-Nga: *Trẻ em sơ tán, gia tăng giao chiến ở phía Nam *Ukraine ‘giành được chỗ đứng’ ở Zaporizhzhia *tang lễ Prigozhin có thể ngày hôm nay *Ukraine phá hủy radar Predel-E trị giá 200 triệu USD của Nga *Hơn 1.300 trường học ở Ukraine bị phá hủy *Robot Ukraine sớm ra tiền tuyến *Putin sẽ không tham dự tang lễ của Prigozhin August 29, 2023
- ISW Đánh giá Chiến dịch Tấn công của Nga, ngày 28 tháng 8 năm 2023 August 28, 2023
- Chiến tranh Ukraine-Nga: *Ba Lan dọa đóng cửa biên giới Belarus vì Wagner *Ukraine giải phóng Robotyne *Nga có thể hủy tập trận thường niên do thiếu quân *Các sân bay Moscow đình chỉ qua đêm *Lữ đoàn Azov huấn luyện quân sự cho dân và lính tình nguyện ở Odesa… August 28, 2023
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine