Thời sự Thứ Hai 01/5/2023: *Đức GH kêu gọi Hung “mở cửa di dân”. *Lãnh đạo Mỹ và Ấn sắp gặp các đảo quốc Thái Bình Dương. *Pháp: biểu tình chống cải tổ hưu trí. *Công ty TQ cung cấp và hỗ trợ trùm ma túy Mexico. *Lý do trì hoãn giao F-16. *OEM Đài Loan của Apple dẫn đầu ra khỏi TQ. *Nga có 5.990 ca COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong…
Võ Thái Hà tổng hợp
Thăm Hungary, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi nước này “mở cửa đón di dân”
01/5/2023
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Người dân đóng Giáo hoàng Francis tại Hungary
Sau 10 năm Hungary, quốc gia có đa số dân theo Công giáo La Mã, mới lại đón một Giáo hoàng tới thăm.
Chuyến ‘tông giáo’ của Giáo hoàng Francis tới Hungary ba ngày tuy thế đã không thể tránh khỏi vấn đề Ukraine và người nhập cư.
Kết thúc chuyến thăm, Đức Giáo hoàng nói ngài đã thảo luận vấn đề không dễ dàng này với chính phủ cánh hữu ở nước chủ nhà, vốn có đường biên giới với Ukraine.
Giáo hoàng cho hay ngài thảo luận về người nhập cư với Thủ tướng Victor Orban, và kêu gọi Hungary “mở rộng vòng tay” đón thêm.
Chừng 100 nghìn người gồm cả Thủ tướng Orban đã dự thánh lễ ở Budapest do Giáo hoàng Francis cử hành hôm Chủ Nhật ở quảng trường gần tòa Nghị viện.
Bản thân ông Orban luôn phê phán làn sóng nhập cư, nhất là từ Trung Đông, và ra lệnh cho cảnh sát, biên phòng dựng hàng rào ở biên giới.
Giáo hoàng Francis kêu gọi “hãy đón những người không khác gì chúng ta, và đóng cửa là biểu hiện của sự ích kỷ…”
Ngài nói một cách hình ảnh:
“Cánh cửa chúng ta đang đóng lại, là đóng trước những người nước ngoài, vì họ khác chúng ta, đóng trước người nhập cư, người nghèo.”
Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock
Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Viktor Orban (hàng đầu, giữa) dự Thánh lễ hôm 30/04 ở Budapest
Giáo hoàng cũng nói ngài đã thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine với ông Orban và một vị đại diện của Giáo hội Chính thống Nga.
Theo phóng viên BBC News Nick Thorpe ở Budapest, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Vatican và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu có mục đích ủng hộ người Công giáo Hungary và vì lý do chiến tranh ở Ukraine.
Khác các nước trong EU, chính phủ Hungary nhận người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine nhưng không bỏ phiếu thông qua các gói hỗ trợ quân sự cho Kyiv và vẫn giữ quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ sắp gặp lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương
30/04/2023
- Reuters
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cùng các nhà lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương tham gia một cuộc họp “mang tính lịch sử” hướng tới tương lai.
Ông Marape nói trong một tuyên bố: “Đây là cuộc gặp đầu tiên mang tính lịch sử và đồng thời là cuộc họp ‘hướng tới’ tương lai của các siêu cường toàn cầu, tại quốc gia lớn nhất ở Thái Bình Dương”.
Chặng dừng chân ngày 22 tháng 5 của ông Biden tại thủ đô Port Moresby sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia giàu tài nguyên với 9,4 triệu dân nhưng vẫn còn chưa phát triển, nằm ở phía bắc Australia.
Papua New Guinea (PNG) đang được Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của họ ve vãn trong khi ông Marape tìm cách thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm quốc gia này vào năm 2018.
Washington đã tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào năm ngoái. Trung Quốc đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận an ninh và thương mại rộng lớn hơn với 10 quốc đảo Thái Bình Dương.
Trung Quốc và Úc là các nước tài trợ cơ sở hạ tầng và viện trợ lớn.
Papua New Guinea đang đàm phán các hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ và Úc, và ông Marape đã được mời đến thăm Bắc Kinh trong năm nay.
18 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bao phủ 30 triệu km2 đại dương. Các nhà lãnh đạo khu vực nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ, trong bối cảnh các cơn lốc xoáy ngày càng tồi tệ và mực nước biển dâng cao.
Ông Modi và Biden sẽ dừng chân ở Papua New Guinea trên đường tới Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ vào ngày 24 tháng 5, bao gồm cả Nhật Bản và Úc.
Ông Marape cho biết ông đã mời ông Biden khi họ gặp nhau ở Washington vào năm ngoái và “rất vinh dự vì ông ấy đã thực hiện lời hứa với tôi là đến thăm đất nước chúng tôi”.
Pháp: Tiếp tục biểu tình chống cải tổ hưu trí nhân Ngày Quốc tế Lao động
01/5/2023
Một cuộc biểu tình của giới nghiệp đoàn phản đối cải cách hưu trí, quảng trường Nation, Paris, Pháp, ngày 28/03/2023. © REUTERS/Nacho Doce
Thanh Phương /RFI
Tại Pháp, các công đoàn hy vọng sẽ huy động được đến 1,5 triệu người biểu tình trên toàn quốc hôm nay, 01/05/2023, nhân Ngày Quốc tế Lao động, để chứng minh là cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí vẫn tiếp diễn, cho dù giới công đoàn vẫn chưa thống nhất ý kiến về chiến lược tiếp theo của phong trào.
Các công đoàn khẳng định ngày 1 tháng 5 năm nay sẽ là một ngày “lịch sử” và “mang tính lễ hội”. Nhưng nhà chức trách Pháp dự báo tổng số người xuống đường hôm nay sẽ chỉ là khoảng từ 500.000 đến 650.000 người, trong đó có từ 80.000 đến 100.000 người ở Paris.
Tại thủ đô Pháp, đoàn biểu tình xuất phát lúc 14 giờ từ quảng trường République để tuần hành đến quảng trường Nation, với sự tham gia của các đại diện công đoàn nhiều nước trên thế giới.
Theo nguồn tin cảnh sát được hãng tin AFP trích dẫn, tham gia biểu tình hôm nay còn có từ 1.500 đến 3.000 người “Áo Vàng” và từ 1.000 đến 2.000 phần tử “nguy cơ cao”. Nhà chức trách Pháp phải huy động đến 12.000 cảnh sát và hiến binh để bảo đảm an ninh, trong đó ở Paris là 5.000.
Về tình hình đình công, các phương tiện chuyên chở công cộng hôm nay không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về giao thông hàng không thì có từ 25% đến 30% số chuyến bay bị hủy tại các sân bay lớn của Pháp. Riêng sân bay Orly thì tình hình rối loạn sẽ kéo dài đến ngày mai.
Đây là cuộc biểu tình thứ 13 theo lời kêu gọi của các công đoàn để đòi chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron rút lại luật cải tổ hưu trí. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra mặc dù Hội đồng Bảo Hiến đã thông qua nội dung chủ yếu của luật và văn bản này đã được tổng thống ký ban hành.
Với hy vọng phong trào rồi sẽ lắng dịu, thủ tướng Elisabeth Borne sẽ gởi lời mời đến các công đoàn vào tuần tới để thảo luận với họ, theo tin của văn phòng thủ tướng. Trước thông tin này, các công đoàn bắt đầu thể hiện sự bất đồng với nhau. Hôm qua, lãnh đạo của công đoàn CFDT Laurent Berger cho biết là công đoàn của ông sẽ thảo luận với thủ tướng Borne nếu được mời, trong khi đó lãnh đạo của công đoàn CGT thì nhắc lại là đến sáng nay, các công đoàn mới ra một quyết định chung.
Điều tra ma túy Hoa Kỳ: Công ty Trung Quốc cung cấp nguyên liệu và hỗ trợ kỹ thuật các trùm ma túy Mexico
Liên Thành
Thuốc chưa fentanyl được trưng bày tại Cơ Quan Chống Ma Túy ở New York năm 2019. (Hình minh họa: Don Emmart/AFP qua Getty).
Giữa tháng 4, Mỹ đệ đơn kiện một số thành viên quan trọng của nhóm trùm ma túy Mexico, trong đó có 4 người con trai của trùm buôn ma túy “El Chapo Guzman” bị bắt. Ngoài ra, còn có các công ty và cá nhân Trung Quốc tham gia vào cuộc khủng hoảng fentanyl này, họ cung cấp nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất fentanyl cho các trùm ma túy Mexico, khiến Mỹ phải đưa ra lệnh trừng phạt. Nhưng một số chuyên gia cho rằng hiệu quả của việc kiện các công ty Trung Quốc này là không rõ ràng.
Theo báo cáo “The Washington Post” của Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 4, Công ty Công nghệ sinh học Thạc Khang của Trung Quốc, trước đây đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, không chỉ cung cấp nguyên liệu chính để sản xuất fentanyl cho các băng đảng buôn lậu ma túy, mà còn hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho tổ chức buôn ma túy “cartel” khét tiếng ở Mexico. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc truy tố các công ty Trung Quốc bán nguyên liệu thô cho Mexico khó có thể xảy ra.
Văn phòng kiểm soát tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thông báo vào ngày 14 tháng 4 rằng họ sẽ xử phạt toàn diện đối với Công ty công nghệ sinh học Thạc Khang, và đại diện pháp lý của công ty là Diêu Hoa Đào và ba cá nhân có liên quan, bao gồm đại diện bán hàng của công ty là Ngô Nhã Cầm, Ngô Vĩnh Hạo và cộng tác viên của công ty Vương Hồng Phi. Ngoài ra, Công ty công nghệ dược phẩm Tiểu Lật Tô Châu cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Động thái của Hoa Kỳ làm dấy lên sự bất mãn với Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời rằng việc Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đã “làm tổn hại nghiêm trọng” đến hợp tác song phương trong việc kiểm soát ma túy.
Đồng thời, Đại diện Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Lance Gooden đã đề xuất “Đạo luật công lý chống lại những tập thể tài trợ Fentanyl bất hợp pháp năm 2023” tại Quốc hội. Luật này sẽ cho phép các công tố viên Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc chống lại Trung Quốc, Mexico cùng các quốc gia, tổ chức và cá nhân khác sản xuất và vận chuyển fentanyl.
Nhưng Vanda Felbab-Brown, một chuyên gia về buôn bán (thuốc) opioid quốc tế tại Viện Brookings, một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington, nói với “The Washington Post” rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng trấn áp các lô hàng hóa chất bất hợp pháp của chính họ, thì việc truy tố của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực hạn chế. Bà cho biết các công ty Trung Quốc trong bản cáo trạng có thể thay đổi tên hoặc trang web của họ, còn các cá nhân bị buộc tội có thể tránh đến các quốc gia mà Hoa Kỳ có hiệp ước dẫn độ.
Các dữ liệu cho thấy, lạm dụng fentanyl là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi, và là một loại thuốc phiện mạnh gấp 50 lần so với heroin, hơn nữa nó còn dễ dàng nhập lậu vào Hoa Kỳ hơn.
Đây mới là câu chuyện đắt giá nhất’: Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina giải thích lý do đối tác trì hoãn giao tiêm kích F-16
Liên Thành
Reznikov giải thích sự trì hoãn của các đối tác với quyết định về máy bay (ảnh chụp màn hình informator).
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraina, ông Oleksiy Reznikov tin rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại cuối cùng cũng sẽ tới Ukraina và giải thích lý do vì sao các đồng minh đang trì hoãn việc đưa F-16 tới chiến trường nóng bỏng nhất thế giới hiện nay.
Reznikov đã nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Andrii Tsaplienko, theo Informator.
Bộ trưởng cho biết: “Mọi thứ không thể xảy ra vào hôm nay sẽ có thể xảy ra vào ngày mai. Iris-T, Samp-T, NASAMS, Crotale, tất cả những thứ này đều phục vụ và bảo vệ bầu trời của chúng ta. Đó là lý do tại sao các máy bay thế hệ thứ tư cũng sẽ tới”.
Trả lời câu hỏi tại sao các đối tác lại trì hoãn việc giao máy bay cho Ukraina, ông Reznikov trả lời rằng sau khi đưa ra quyết định đưa máy bay vào chiến đấu, cần có thời gian chuẩn bị, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và huấn luyện các phi công Ukraina. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mọi chuyện sẽ không kết thúc ở đó, các đối tác sẽ tiếp tục phải duy trì các máy bay trong tình trạng thích hợp, cũng như cung cấp cho chúng các loại vũ khí: bom và tên lửa.
Ông nói: “Đây là một câu chuyện rất đắt giá. Đây là câu chuyện đắt giá nhất. Họ muốn về đích trong cuộc đua marathon này một cách có ý thức và có trách nhiệm, đó là chiến thắng của Ukraina”.
Đồng thời, Ukraina có ý định chuyển toàn bộ phi công sang dùng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Tất cả những gì cần thiết là một quyết định chính trị để đào tạo nhân viên mặt đất. Ông Yuriy Ignat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraina, đã nói về điều này trên sóng truyền hình quốc gia “Edyny Novyny”.
Ông Ignat cho biết: “Chúng tôi dự định chuyển tất cả các phi công (sang F-16.). Chúng tôi cần đào tạo tất cả mọi người. Nhưng chỉ huy Lực lượng Không quân đã xác định các phi công đã có trình độ tiếng Anh nhất định, kinh nghiệm chiến đấu và đây là những người trẻ phi công. Họ đã sẵn sàng chiến đấu ngay cả ngay ngày mai. Ở đây cần có một quyết định chính trị để chúng tôi bắt đầu quá trình đào tạo nhân viên mặt đất, đó là các sĩ quan quản lý chiến đấu, kỹ sư quân sự. Vài chục phi công đã sẵn sàng chiến đấu”.
Vào ngày 28 tháng 4, Tổng thống Cộng hòa Séc và Slovakia đã đến Kyiv để đàm phán với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, và các nguyên thủ quốc gia đã đưa ra một số quyết định chiến lược liên quan đến sản xuất máy bay và vũ khí trong cuộc họp chung. Đồng thời khẳng định nguyện vọng châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraina bằng cách thông qua một tuyên bố chung.
Chuỗi cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, OEM Đài Loan của Apple dẫn đầu
Các OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc) Đài Loan của các công ty Mỹ như Apple đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc Đại Lục. Các công ty này đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất có chi phí lao động thấp hơn và ít rủi ro địa chính trị hơn, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ.
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia)
Theo Nikkei (Nihon Keizai Shimbun), các công ty Đài Loan bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc từ những năm 1990 và đóng vai trò then chốt trong việc biến Trung Quốc Đại Lục thành công xưởng của thế giới. Ba thập kỷ trôi qua, các công ty Đài Loan hiện đang đi đầu trong việc chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Các OEM của Apple tìm cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất, Việt Nam và Ấn Độ trở thành những chiếc bánh ngọt
Nhà sản xuất điện tử Quanta Computer là nhà sản xuất MacBook theo hợp đồng lớn nhất của Apple. Quanta đã ký một thỏa thuận trong tháng này để xây dựng nhà máy Việt Nam đầu tiên của công ty tại tỉnh Nam Định, miền bắc của Việt Nam.
“Chúng tôi quyết tâm hoàn thành dự án này,” Giám đốc Quanta C.T. Huang (Hoàng Kiện Đường) cho biết tại một buổi lễ ký kết vào tuần trước. “Chúng tôi hy vọng khởi động nhà máy mới càng sớm càng tốt.”
Chi phí lao động thấp của Việt Nam là một phần quan trọng trong việc thu hút các nhà sản xuất. Theo dữ liệu của JETRO, mức lương cơ bản trung bình hàng tháng cho công nhân sản xuất là 277 đô la, thấp hơn một nửa so với mức trung bình 607 đô la của Trung Quốc. Dự đoán dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu trong năm nay. Ông Ryotaro Hagiwara, một nhà nghiên cứu thực địa tại văn phòng Hà Nội của “Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản”, cho biết điều này đã mang lại cho các doanh nghiệp nhiều hy vọng về nhu cầu địa phương.
Nikkei cho biết, động thái đa dạng hóa sản xuất bằng cách dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc và đến các nơi khác, đã được thực hiện trong nhiều năm đối với các nhà sản xuất đang chứng kiến chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc. Bên cạnh chi phí gia tăng, một động lực khác là căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Quanta đã sử dụng cơ sở sản xuất tập trung ở Trung Quốc để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng một năm trước, thành phố Thượng Hải phong tỏa vì dịch bệnh đã khiến họ phải đóng cửa một nhà máy có 40.000 công nhân, công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Với việc cắt đứt chuỗi cung ứng, Quanta không thể sản xuất sản phẩm chủ lực của mình là MacBook Pro và việc giao hàng bị trì hoãn hơn hai tháng, điều này cũng làm gián đoạn các kế hoạch của Apple.
Nikkei cho rằng việc mở rộng sang Việt Nam đánh dấu một bước đột phá thực sự của Quanta trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc. Theo ước tính từ TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc và các nguồn khác, trong vòng 3 năm tính đến năm 2025, sản xuất của công ty (Quanta) bên ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên khoảng 30% tổng sản lượng.
Không chỉ MacBook Pro mà cả việc sản xuất iPhone của Apple tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vào năm ngoái. Vào tháng 10 năm ngoái, một đợt bùng phát dịch tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, thậm chí đã gây ra các cuộc biểu tình, nhiều nhân viên chọn cách rời đi. Apple cho biết vào thời điểm đó rằng nhà máy đang hoạt động với “công suất giảm đáng kể”.
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã nổ ra một cuộc biểu tình của nhân viên mới. (Ảnh chụp màn hình video)
Mặc dù hoạt động tại nhà máy Trịnh Châu đã được phục hồi, nhưng các vấn đề về nguồn cung đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong mùa mua sắm quan trọng vào dịp nghỉ lễ.
Hiện Foxconn đang đầu tư mạnh vào tỉnh Bắc Giang của Việt Nam. Truyền thông địa phương đưa tin vào mùa hè năm ngoái rằng Foxconn đã lên kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD và thuê 30.000 công nhân. Hồi tháng 2, Foxconn đã ký hợp đồng thuê 45 ha đất đến năm 2057. Ước tính đến năm 2025, khoảng 30% hoạt động sản xuất của Foxconn sẽ được hoàn thành bên ngoài Trung Quốc.
Pegatron, nhà sản xuất iPhone lớn thứ hai của Apple, đã đầu tư mạnh vào thành phố Hải Phòng của Việt Nam. Wistron của Đài Loan có kế hoạch bắt đầu vận hành một nhà máy máy tính cá nhân tại Việt Nam vào năm tới.
Ngoài Việt Nam, các OEM Đài Loan của Apple cũng đang đầu tư vào Ấn Độ. Ấn Độ dự kiến đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối tháng này. Lực lượng lao động lớn và rẻ của Ấn Độ, bao gồm cả những công nhân có kỹ năng kỹ thuật quan trọng, là một sức hút lớn đối với các nhà sản xuất.
Chủ tịch Foxconn Lưu Dương Vĩ (Young Liu) đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ vào cuối tháng Hai. Tại một sự kiện của ngành công nghiệp Đài Loan vào tháng Ba, ông Lưu nói rằng nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn sẽ bay cao, Đài Loan cần nắm bắt cơ hội này.
Foxconn lắp ráp iPhone 14 tại Chennai, Ấn Độ. Công ty cũng đã đảm bảo các địa điểm cho các nhà máy mới ở các bang Karnataka và Telangana. Foxconn đang muốn mở rộng dấu chân của mình ở Ấn Độ.
Ngoài Foxconn, Wistron và Pegatron cũng sản xuất các thiết bị của Apple tại Ấn Độ. Apple thường bắt đầu lắp ráp các mẫu ở Ấn Độ từ 7 đến 8 tháng sau khi ra mắt sản phẩm. Nhưng điều này đã thay đổi vào năm ngoái, khi công ty bắt đầu sản xuất các thiết bị iPhone 14 mới ở Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi chúng được tung ra thị trường.
Nikkei cho biết, các thay đổi cũng đang diễn ra trong bảng mạch in, một thành phần quan trọng trong máy tính và thiết bị gia dụng. Một giám đốc điều hành ngành điện tử Đài Loan cho biết, việc sản xuất đã bắt đầu chuyển từ trung tâm sản xuất hiện tại ở Vũ Hán sang Thái Lan. Dự đoán Thái Lan sẽ vượt qua Trung Quốc về sản lượng bảng mạch in.
Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng các thành phần linh kiện toàn cầu. Nhưng chỉ trong tháng 3 và tháng 4, các nhà cung cấp Đài Loan của Apple là Unimicron Technology và Compeq Manufacturing đã công bố sự hiện diện của họ tại Thái Lan.
Doanh nghiệp Mỹ mệt mỏi với rủi ro sản xuất tại Trung Quốc
Sự bất ổn định của môi trường sản xuất của Trung Quốc đã gây ra tác động rất lớn đến các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Nikkei cho biết, kế hoạch đầu tư vào Việt Nam của xưởng đúc Đài Loan phản ánh rằng các khách hàng Mỹ của họ đã quá mệt mỏi với những rủi ro do sản xuất mà thị trường Trung Quốc mang lại.
Một báo cáo của Wall Street Journal năm ngoái, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Việt Nam và Ấn Độ đang được Apple xem là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Apple đã nói với một số nhà sản xuất hợp đồng của mình rằng họ muốn tăng sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Dẫn đầu là các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt vào Việt Nam đã tăng đều đặn, đạt 38 tỷ USD vào năm 2019, tăng khoảng 80% so với một thập kỷ trước. Mặc dù xu hướng này đã bị đình trệ trong một vài năm khi COVID-19 càn quét thế giới, nhưng hiện đang bắt đầu khôi phục.
Trong quý 1 năm 2023, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đài Loan vào Việt Nam tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Ryotaro Hagiwara của “Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản” cho biết: “Đặc biệt, miền bắc Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất mới cho các sản phẩm của Apple.”
Chính phủ Việt Nam rất muốn tận dụng cơ hội này. Vào ngày 22/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói với đại diện các công ty nước ngoài rằng thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Tại cuộc họp, ông đã thúc giục các quan chức khác trong Chính phủ Việt Nam lắng nghe những quan tâm của các công ty nước ngoài.
TrendForce dự đoán rằng đến năm 2028, 30% đến 35% tổng số iPhone sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Nhà phân tích Mia Huang cho biết, sản xuất trong nước là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ, do mức thuế cao của Ấn Độ đối với điện thoại thông minh nhập khẩu.
Vào ngày 18/4, cửa hàng do Apple trực tiếp điều hành đầu tiên ở Ấn Độ đã khai trương và đích thân CEO Tim Cook của Apple đã có mặt. Tim Cook cho biết ông rất lạc quan về việc Apple vào thị trường Ấn Độ.
Trong quý đầu tiên của năm nay, hơn 90% đầu tư trực tiếp của các công ty Đài Loan bên ngoài Đài Loan đã đến những nơi bên ngoài Trung Quốc Đại Lục. Đầu tư vào các nước Đông Nam Á và Ấn Độ tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư vào Trung Quốc giảm khoảng 10%.
Theo Trương Đình, Epoch Times
Đấu tranh phe phái, ông Tập Cận Bình thanh trừng các ngân hàng và hệ thống tài chính
Tạ Linh
Một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở Bắc Kinh. (Ảnh Frederic J. Brown/AFP/Getty).
Kể từ đầu năm 2023, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng cao cấp ở Trung Quốc đã từ chức hoặc bị điều tra. Theo một chuyên gia về Trung Quốc, hiện tượng này đánh dấu một cuộc cải tổ lĩnh vực tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với nhiều phe phái khác nhau trong chính quyền này đấu tranh vì lợi ích của chính họ.
Trong tháng này, vị trí giám đốc điều hành cao cấp của các ngân hàng thường xuyên được bổ nhiệm người mới. Theo cổng thông tin Sina của Trung Quốc, gần 10 ngân hàng đã có những thay đổi lớn về nhân sự, trong đó có Ngân hàng Tiết kiệm Bưu chính Trung Quốc thông báo hai phó chủ tịch từ chức.
Hôm 13/04, ông Trịnh Quốc Vũ (Zheng Guoyu), phó chủ tịch của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đã rút khỏi ban hội đồng quản trị. ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản.
Hôm 17/04, bốn giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng CITIC Trung Quốc, Ngân hàng Nông thôn Tô Châu Giang Tô, và Ngân hàng Trịnh Châu đã tuyên bố từ chức.
Các cơ quan quản lý đã điều tra lĩnh vực ngân hàng trong thời gian diễn ra những vụ từ chức này. Theo các bản tin của Trung Quốc, hàng chục giám đốc điều hành ngân hàng đang bị điều tra, và các tội danh bị cáo buộc liên quan đến hối lộ và cho vay bất hợp pháp.
ĐCSTQ sở hữu các ngân hàng lớn, và các ngân hàng khu vực thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương trực thuộc chính quyền trung ương. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản đều đến từ Trung Quốc, trong đó bốn ngân hàng Trung Quốc vượt qua cả hai ngân hàng JP Morgan Chase và Bank of America.
Lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng. Nhiều phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát tài chính và chính trị.
Theo nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming), lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã bị phe cánh của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và cựu phó chủ tịch Ủy ban ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) chi phối. Ông Lý cho biết họ bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động mờ ám trong thị trường chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Mặc dù Giang Trạch Dân đã qua đời hồi tháng Mười Một năm ngoái, nhưng đồng minh thân cận của ông ta trong băng đảng Thượng Hải là Tăng Khánh Hồng, vẫn đang đe dọa đến quyền lực của ông Tập, và các thành viên của phe này không trung thành với ông Tập.
Ông Lý lưu ý rằng các cuộc điều tra gần đây tại các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang diễn ra trong khi các giám đốc điều hành của công ty cổ phần hạng A đang cùng nhau giảm lượng nắm giữ của họ thành tiền mặt, và thị trường chứng khoán đang lao dốc.
Ông nói rằng đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc, các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ đang tranh giành quyền thống trị trong lĩnh vực ngân hàng.
Nga ghi nhận 5.990 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, 32 ca tử vong
Liên Thành
Ảnh minh hoạ: Sergey Bobylev/TASS.
TASS ngày 29 tháng 4 dẫn báo cáo từ Trung tâm khủng hoảng chống vi-rút corona liên bang cho biết, các trường hợp được xác nhận là mắc COVID-19 ở Nga đã tăng lên 5.990 người trong ngày qua, với 32 trường hợp tử vong.
Một ngày trước đó, Nga đã báo cáo 6.548 trường hợp nhiễm COVID-19 mới hàng ngày và 31 trường hợp tử vong. Tổng cộng, Nga đã ghi nhận 22.845.868 trường hợp mắc COVID-19 và 398.271 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở nước này.
Trung tâm khủng hoảng cũng báo cáo, số ca phục hồi do coronavirus đã tăng lên 7.186 trong 24 giờ qua so với 7.775 một ngày trước đó. Trong khi đó có tới 920 người phải nhập viện trong 24h qua, tăng tăng 1,7% so với 905 người của một ngày trước đó.
Tại Mát-xcơ-va, có tới sáu bệnh nhân coronavirus đã chết ở thủ đô của Nga trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 48.683 trường hợp.
Quân đội Sudan chặn hơn 100 người Anh khỏi chuyến bay di tản cuối cùng
Liên Thành
Một gia đình lên chuyến bay sơ tán của RAF tại căn cứ không quân Wadi Seidna (ảnh: Hải quân Hoàng gia).
Hơn 100 công dân Anh có khả năng mắc kẹt ở Sudan khi quân đội nước này cấm họ lên chuyến bay di tản cuối cùng. Thông tin này được nhật báo Anh The Guardian loan báo hôm 29/04.
Ấn phẩm lưu ý Vương Quốc Anh đã thực hiện 21 chuyến bay di tản 1.888 người, nhưng hơn 100 người vẫn còn ở Sudan. Họ được cho là sẽ rời đi vào ngày 29 tháng 4 lúc 18:00, nhưng quân đội Sudan không cho phép họ rời đi.
Vào tối thứ Bảy, ngay sau 9 giờ tối, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chuyến bay cuối cùng, dự kiến khởi hành lúc 18:00, vẫn ở sân bay gần Khartoum. Không có lý do nào được đưa ra cho sự chậm trễ.
Trước đó, nghị sĩ Anh Alicia Kearns cho biết bà có tin quân đội Sudan đang ngăn cản công dân đi tới Khartoum để lên máy bay di tản.
Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét vấn đề này và xem liệu có sự thật nào trong đó không. Nếu đúng như vậy, bạn có những công dân Anh đang mắc kẹt và không thể đến nơi di tản”.
Hiện những người mắc kẹt ở Sudan đang đối diện với tương lai không chắc chắn. Họ có thể chọn đi phía bắc tới Ai Cập, hoặc là về phía đông tới Cảng Sudan trên Biển Đỏ.
Về phía Ai Cập, Bộ Y tế nước này cho biết họ đã khai triển thêm nhân viên tới hai cửa khẩu biên giới với Sudan để hỗ trợ những người mới đến cần được chăm sóc, gần hai tuần sau khi giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bắt đầu.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ cam kết xử lý nhanh các di dân không giấy tờ
01/5/2023
Bộ trưởng An ninh Nội đia Mỹ Alejandro Mayorkas
Người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hôm 30/4 cam kết vận dụng luật nhập cư hiện hành để xử lý hàng ngàn người di cư dự đoán sẽ vượt biên ở biên giới tây nam với Mexico bắt đầu từ ngày 12/5.
Ngày 12/5 là thời hạn chính quyền của Tổng thống Joe Biden chấm dứt áp dụng luật về đại dịch virus corona mà trong đó cho phép trục xuất ngay những di dân đến Mỹ không có giấy tờ vì lý do y tế.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của đài NBC rằng khi các gia đình di dân đến cửa khẩu, họ ‘sẽ được xúc tiến trình tự thực thi luật nhập cư, trình tự trục xuất. Nếu họ có đơn xin miễn trục xuất, chúng tôi sẽ nhanh chóng phân xử đơn xin đó’.
Ông cho biết cơ quan ông sẽ quyết định các trường hợp di dân tìm cách ở lại Mỹ ‘trong vài ngày hay vài tuần. Sẽ không mất hàng tháng trời’, và các trường hợp này sẽ được các quan chức di dân phân xử trước 2 triệu đơn nhập cư tồn đọng hiện đang chờ được xử lý ở Mỹ.
Ông Mayorkas nói nếu trẻ em không có người lớn đi kèm đến biên giới, ‘Chúng tôi sẽ tuân theo pháp luật và pháp luật quy định rằng chúng tôi có quyền giam giữ đứa trẻ đó và chúng tôi có 72 tiếng đồng hồ để chuyển đứa trẻ đó, đứa trẻ không có người lớn đi kèm đó, qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh’.
“Việc này là để cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh… xác định người thân hay người bảo trợ ở Mỹ để họ bàn giao việc chăm sóc đứa trẻ,” ông Mayorkas nói. “Theo quy định của luật pháp, chúng tôi có thể cứu giúp nhân đạo những đứa trẻ này và chúng tôi đang thực thi điều luật đó.”
Hơn 2,4 triệu di dân đã đến biên giới với Mỹ trong năm ngoái, nhiều người trong số họ đến từ các quốc Trung Mỹ, nhưng cũng có người đến từ các nước Caribe, Châu Phi, Ukraine và các nơi khác. Nhiều người đã bị đuổi về, trong khi những người khác đã trốn vào trong nước Mỹ hoặc được xác định ngày ra tòa án di dân nhiều tháng hay nhiều năm sau đó và được thả ra trong nước Mỹ.
Ông Mayorkas cho thấy quy mô của vấn đề di dân mà nước Mỹ phải đối mặt khi các di dân, nhiều người tìm cách thoát nghèo và đàn áp chính trị ở trên đất nước của họ, cố gắng chạy đến quốc gia giàu có nhất thế giới để có cuộc sống tốt hơn.
“Đây là thách thức thực sự khó khăn và như tất cả chúng ta đều nhận ra, nó diễn ra trong nhiều năm,” ông Mayorkas nói.
“Chúng ta đang chứng kiến mức độ di cư không chỉ ở biên giới phía nam của chúng ta, mà trên khắp Tây bán cầu, đó là điều chưa từng thấy.”
“Tôi nghĩ đây là cuộc di cư lớn nhất ở bán cầu của chúng ta kể từ Đệ nhị Thế chiến,” ông nói thêm.
“Cách làm của chúng tôi là xây dựng các con đường hợp pháp, loại bỏ những kẻ buôn người tàn nhẫn, đem đến các con đường hợp pháp để mọi người có thể được cứu trợ nhân đạo mà không phải thực hiện hành trình nguy hiểm ra đi từ đất nước của họ,” ông Mayorkas nói. “Và đồng thời, nếu họ đến biên giới phía nam giữa các cửa khẩu, họ sẽ hứng chịu hậu quả.”
Nhưng ông cũng thừa nhận ‘hệ thống nhập cư vỡ nát’ ở Mỹ, với việc Quốc hội trong hàng chục năm đã không thể cải cách luật nhập cư.
“Tôi chỉ muốn nói rõ rằng chúng tôi đang làm việc với rất nhiều hạn chế,” ông nói. “Chúng tôi cần nhân lực, chúng tôi cần công nghệ, chúng tôi cần cơ sở vật chất, chúng tôi cần nguồn lực để vận chuyển, tất cả các yếu tố để giải quyết nhu cầu của một lượng lớn di dân đến biên giới phía nam một cách bất thường.”
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan