Thời sự Thứ Hai 03/07/2023: *Chiến tranh Ukraine.. *Đài Loan tập trận bắn đạn thật *Mike Pence: Mỹ phải giúp Ukraine ‘hoàn thành…’ *Trung Quốc trước khó khăn kinh tế? *Tòa án tối cao Myanmar và bà Suu Kyi


Võ Thái Hà tổng hợp


Chiến tranh Ukraina : Kiev thừa nhận Nga tiến quân ở phía đông trong giao tranh ác liệt

Hôm qua, 02/07/2023, bộ Quốc Phòng Ukraina thừa nhận các trận chiến đang diễn ra ác liệt tại mặt trận miền đông, nơi những ngày qua, quân Nga đã tiến được ở bốn khu vực. Trong một tuần phản công, quân đôi Ukraina cho biết đã giành lại được hơn 37 km2, chủ yếu ở phía nam. 

Xe tăng Ukraina tiến về phía Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 01/07/2023. AFP – GENYA SAVILOV 

Anh Vũ /RFI

Theo AFP, hôm qua 02/07, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Ukraina, bà Ganna Maliar thừa nhận quân Nga đã tiến được trong bốn vùng của chiến tuyến phía đông Ukraina, tại đó đang diễn ra các “trận chiến ác liệt”. Trên Telegram, bà Ganna Maliar thông báo: “Quân địch đang tiến lên trong các khu vực Avdiivka, Mariinka, Lyman và Svatovoe.” Thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina cho biết thêm “tình hình khá khó khăn. Các trận giao tranh dữ dội diễn ra ở khắp nơi”.  

Vẫn theo quan chức Quốc Phòng Ukraina, quân đội của nước này có tiến được chút ít tại sườn đông của thành phố Bakhmut, trong vùng miền đông. Còn tại mặt trận phía nam, bà Maliar cho hay quân đội Ukraina tiến chậm vì vấp phải “sự kháng cự quyết liệt của kẻ thù” và nhiều bãi mìn.

Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nga Igor Konashenkov cùng ngày cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của Ukraina ở hướng Donetsk. Cũng theo ông Konashenkov, Ukraina đã mất 360 binh sĩ ở hướng Donetsk và 95 binh sĩ ở hướng Luhansk trong vòng 24 giờ.

Sáng ngày hôm nay 03/07, vẫn bà thứ trưởng Quốc Phòng Ganna Maliar xác nhận Kiev đã giành lại từ quân Nga 37 km2 lãnh thổ ở phía đông và phía nam trong vòng một tuần qua. Theo bà Maliar, từ đầu tháng 6 khi bắt đầu cuộc phản công, Kiev đã lấy lại được 158 km2 ở miền nam, trong khi ở phía đông họ chỉ giành lại được 9 km2.

Cùng lúc với những diễn biến ở mặt trận nói trên, Kiev tiếp tục bị không kích bằng drone và tên lửa hành trình. Trong một thông cáo riêng hôm nay, không quân Ukraina cho biết đã bắn hạ 8 drone tấn công loại Shahed, ba tên lửa hành trình của Nga.


Quân đội Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở bờ biển chiến lược phía nam 

03/7/2023 – Reuters 

Một buổi diễn tập của quân đội Đài Loan.

Một buổi diễn tập của quân đội Đài Loan. 

Hôm 3/7, quân đội Đài Loan tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên bờ biển phía nam có vị trí chiến lược, bắn tên lửa từ những chiếc xe bọc thép có tính cơ động cao để tiêu diệt các mục tiêu gần bờ trong mô phỏng đẩy lùi các lực lượng xâm lược, theo Reuters.

Trung Quốc, nước coi Đài Loan là lãnh thổ của mình, đã tăng cường áp lực quân sự trong ba năm qua để cố gắng khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, và các lực lượng vũ trang của hòn đảo này thường xuyên thực hành đánh chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc.

Những chiếc xe đa dụng Humvees ngụy trang của quân đội Đài Loan gầm rú xung quanh khu vực diễn tập ven biển ở Fangshan của quận Pingtung gần cực nam của hòn đảo, trước khi bắn tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất để tiêu diệt các mục tiêu cố định gần bờ biển.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Sun Li-fang nói với các phóng viên: “Hầu hết các cuộc tập trận mà chúng tôi thực hiện hôm nay đều có bắn đạn thật vì cuộc tập trận phòng thủ cần giống với chiến đấu thực tế, cho phép quân đội của chúng tôi tự tin và có khả năng bảo vệ đất nước của chúng tôi”.

Bình Đông, nhìn ra Eo biển Đài Loan, Biển Đông, Thái Bình Dương và Kênh Bashi ngăn cách Đài Loan với Philippines, là một địa điểm chiến lược cao để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc và là địa điểm đổ bộ tiềm năng trong một cuộc xâm lược.

Đài Loan tổ chức cuộc tập trận quan trọng nhất, cuộc tập trận Han Kuang hàng năm, vào cuối tháng này, với trọng tâm là chống lại sự phong tỏa và duy trì khả năng chiến đấu của lực lượng.

Các cuộc tập trận dự kiến sẽ chứng kiến các máy bay phản lực của không quân hoạt động tại các sân bay dân sự, bao gồm cả sân bay quốc tế chính của hòn đảo tại Đào Viên, để thực hành sử dụng các cơ sở của họ trong trường hợp các căn cứ không quân không thể sử dụng được trong chiến tranh.

Trung Quốc diễn tập các cuộc tấn công chính xác và phong tỏa hòn đảo trong các cuộc tập trận xung quanh đó vào tháng 4 sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở Los Angeles.

Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này. Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và quyết sẽ bảo vệ nền tự do và dân chủ của mình.


Mike Pence nói trên Newsmax: Mỹ phải giúp Ukraine ‘hoàn thành công việc’

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/MIKE-PENCE-1.jpg

Sau khi thăm Ukraine và hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo quân sự Ukraine, cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã trở về Mỹ với “quyết tâm hơn bao giờ hết” rằng sự ủng hộ quân sự đầy đủ cho Ukraine là lộ trình đúng đắn cho nước Mỹ.

“Hãy nghĩ về điều đó, Tom. Trong một năm rưỡi qua, Nga đã chuyển từ quân đội mạnh thứ hai trên thế giới thành quân đội mạnh thứ hai tại Ukraine”, ông Pence nói với người dẫn chương trình Tom Basile của Newsmax TV hôm Chủ Nhật (2/7).

“Đó là tiến triển thực sự [cho Ukraine] và đó là vì Mỹ đã đang ở đó, mặc dù chính quyền Biden đã quá chậm… Chúng ta phải cho họ [Ukraine] những thứ họ cần để hoàn thàn công việc và tôi tin họ sẽ làm được”, ông Pence nói.

Ông Pence vừa trở về Mỹ sau chuyến thăm không báo trước tới Ukraine, trở thành ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên tới quốc gia Đông Âu, đồng minh của Mỹ đang bị chiến tranh tàn phá.

Ông Pence kêu gọi người dân Mỹ hãy hậu thuẫn cho hoạt động viện trợ Ukraiane, đồng thời lên án sự chậm trễ của chính quyền Biden đã đang “khuyến khích” quân xâm lược Nga.

“Chuyến đi tới Ukraine đem đến cho tôi quyết tâm hơn bao giờ hết để lên tiếng cho sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ và để giúp giải thích cho người dân Mỹ rằng chúng ta không ở đó vì những lý do ông Biden nói: sự mong manh của nền dân chủ trên thế giới. Chúng ta ở đó bởi vì hỗ trợ Ukraine khi họ đẩy lùi quân xâm lược Nga là lợi ích của Mỹ”, ông Pence nhấn mạnh.

“Tôi cũng thực sự tin rằng hành động đó sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng nước Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới tự do và cung cấp sự hỗ trợ cho bất kỳ bên nào mà sẽ buộc phải nỗ lực để chống lại hành vi sử dụng vũ lực nhằm vẽ lại các đường ranh giới quốc tế”, ông Pence nói thêm.

“Ukraine đang chiến đấu kiên cường, họ đang đạt được tiến triển. Đó là lợi ích quốc gia của chúng ta”, cựu phó tổng thống Mỹ khẳng định.

Nước Mỹ rốt cuộc cần phải giữ “Học thuyết Reagan” về Chiến tranh Lạnh, ông Pence kết lại.

“Nếu quý vị sẵn sàng chiến đấu với những người cộng sản trong đất nước của quý vị, thì chúng tôi sẽ trao cho quý vị các phương tiện để đấu tranh với họ ở đó, để chúng tôi không phải chiến đấu với họ ở đây”, ông Pence nói.

Hải Đăng


Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước khó khăn kinh tế?

Nhiệt độ cao kéo dài ở Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ hạn hán và thiếu điện, qua đó tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc. Các chỉ số quản lý mua hàng của tạp chí kinh doanh Caixin, được công bố vào thứ Hai, có thể cho thấy ngành dịch vụ của Trung Quốc đã mất đà trong tháng 6 trong khi ngành chế tạo tiếp tục yếu. Thị trường bất động sản cũng đang chậm đi. Trong bối cảnh đó, người ta đang nhìn sang phản ứng của chính phủ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm nhẹ lãi suất vào tháng trước. Bộ tài chính cũng gia hạn giảm thuế đối với xe điện. Hôm 29 tháng 6, Quốc vụ Viện tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình. Đến cuối tháng, Bộ Chính trị có thể sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, bao gồm đầu tư nhiều hơn vào năng lực ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt ở Trung Quốc.


Lính gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc rút khỏi Mali

Tuần này khoảng 13.000 lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ bắt đầu rút khỏi Mali. Tháng trước, chính quyền quân sự cầm quyền của Mali đã yêu cầu lực lượng mũ nồi xanh rời đi “không chậm trễ.” Hôm thứ Sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu kết thúc sứ mệnh và rút quân trong năm nay.

Việc kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài mười năm qua sẽ gây nguy hiểm cho một thỏa thuận hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn giữa chính phủ với Tuareg và các nhóm ly khai Ả Rập. Bên cạnh đó còn có mối đe dọa lớn hơn là các phần tử thánh chiến có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda. Xung đột với các nhóm này đã giết chết hơn 10.000 người ở Mali kể từ năm 2016.

Sau khi lên nắm quyền trong đảo chính 2020, chính quyền quân sự đã tranh cãi với Liên Hợp Quốc và các lực lượng Pháp. Từ năm 2021, họ bắt đầu thuê lính đánh thuê Wagner của Nga. Kết quả là Pháp rút đi; trong khi Mỹ cho rằng Wagner đẩy Liên Hợp Quốc khỏi Mali. Tuy nhiên, tương lai của Wagner giờ đây bất định sau cuộc binh biến thất bại vừa qua. Người dân Mali vẫn chưa được thấy ánh sáng cuối đường hầm.


EU ve vãn Nam Mỹ

Vào thứ Hai, Argentina sẽ tổ chức hội nghị Mercosur, một nhóm thương mại Nam Mỹ có Argentina, Brazil, Paraguay Uruguay, và sáu thành viên liên kết khác bao gồm Chile. Ảnh hưởng của khối này đang ngày càng lên cao.

EU và Mercosur đặt mục tiêu phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do đã được lên kế hoạch từ lâu vào cuối năm nay. Châu Âu (và Mỹ) muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và Nga, đồng thời tìm nguồn khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Trong khi đó hơn một nửa lượng lithium (nguyên liệu sản xuất pin) trên thế giới nằm ở Mỹ Latinh. Brazil có trữ lượng lớn nikel, than chì, mangan và kim loại đất hiếm. Nhưng nhiều chính phủ muốn tăng cường kiểm soát nhà nước đối với giao dịch hàng hoá cơ bản và ưu tiên sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn là xuất khẩu nguyên liệu thô.

Vào tháng 6, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm Nam Mỹ và hứa hẹn khoản đầu tư trị giá 10 tỷ euro (11 tỷ USD). Sau đó các lãnh đạo của hơn 30 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đã được mời đến Brussels vào tháng 7. Với các cam kết phát thải ròng bằng 0 của EU, những cuộc gặp này rất quan trọng.


10 năm cầm quyền của al-Sisi ở Ai Cập

Một thập niên trước, người dân Ai Cập đã reo hò khi Abdel-Fattah al-Sisi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự. Ông đã lật đổ một tổng thống Hồi giáo thiếu năng lực được bầu một cách dân chủ, người đã kế vị một vị tướng nắm quyền suốt 30 năm.

Ông Sisi hứa hẹn nhiều. Ngay từ đầu, ông đảm bảo cho người dân của mình quyền tự do ngôn luận và cam kết đầu tư vào các dự án mang lại thịnh vượng. Nhưng ông lại không phải là người giữ lời, và khiến cho nền kinh tế ngày càng đi xuống. Lạm phát lương thực đang ở mức 60%, trong khi đồng bảng Ai Cập đã mất 5/6 giá trị so với đồng đô la. Bản thân tự do ngôn luận cũng chỉ là một giấc mơ. Ông Sisi cho bắt những người bất đồng chính kiến, và từng thề sẽ “loại bỏ khỏi mặt đất” những người chống lại ông.

Người Ai Cập không còn reo hò cho ông nữa. Nếu không sợ bị trả thù tàn bạo, họ có thể đã một lần nữa xuống đường.


Tòa án tối cao Myanmar sắp xử phúc thẩm bà Suu Kyi trong tuần này 

03/7/2023 

Reuters 

Chân dung bà Suu Kyi.

Chân dung bà Suu Kyi. 

Tòa án tối cao ở Myanmar do quân đội cai trị sẽ xét xử phúc thẩm trong tuần này đối với hai kháng cáo của cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, một nguồn thạo tin cho Reuters biết hôm thứ Hai (3/7).

Người phụ nữ 78 tuổi này đã bị kết án với nhiều tội danh từ kích động và gian lận bầu cử đến nhiều tội danh tham nhũng kể từ khi quân đội bắt giữ bà trong cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 chống lại chính phủ dân cử của bà.

Các đồng minh của bà Suu Kyi và các chính phủ phương Tây đã lên án việc giam giữ bà như một âm mưu của chế độ quân phiệt nhằm ngăn chặn bất kỳ sự trở lại nào của nhân vật nổi tiếng của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ cho nền dân chủ của Myanmar.

Tòa án Tối cao tuyên bố sẽ xét xử các kháng cáo vào thứ Tư (5/7) đối với bản án của bà Suu Kyi về tội vi phạm đạo luật bí mật nhà nước và gian lận bầu cử. Nguồn tin giấu tên vì sự nhạy cảm đối với các trường hợp của bà, cho biết có thể mất hai tháng tòa mới ra phán quyết.

Không thể liên lạc ngay với người phát ngôn của chính quyền để xác nhận thông tin này.

Quân đội khẳng định các bị cáo được xét xử theo đúng thủ tục bởi một cơ quan tư pháp độc lập, chống lại những lời chỉ trích từ các nhóm nhân quyền về việc bỏ tù nhiều thành viên của phong trào dân chủ trong các phiên tòa bí mật và nối lại các vụ hành quyết sau một thời gian dài gián đoạn.

Myanmar chìm trong xung đột kể từ khi quân đội lên nắm quyền với lý do có những bất thường chưa được giải quyết trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành được thắng lợi áp đảo.

NLD phủ nhận gian lận và kể từ đó đã bị giải tán cùng với 39 đảng khác vì không đăng ký tham gia cuộc bầu cử mà các tướng lĩnh vẫn chưa ấn định ngày.

Các nhà hoạt động kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar không tổ chức bầu cử, cảnh báo họ có thể chứng kiến bạo lực đẫm máu gia tăng giữa quân đội và phong trào phản kháng ủng hộ dân chủ.

Comments are closed.