Thời sự Thứ Năm 08/06/2023: * Quốc tế thận trọng về vụ đập Kakhovka. *TT Ukraine chỉ trích LHQ và Hồng Thập Tự chậm chạp. *Nhật Bản hồi phục kinh tế. *Thủ tướng Anh thăm Mỹ. *Canada cháy rừng tồi tệ nhất, Mỹ chịu ảnh hưởng. *Mỹ, Nhật Bản, Philippines tập trận gần Biển Đông.


Võ Thái Hà tổng hợp


Vụ phá hủy đập Kakhovka ở Ukraina : Quốc tế phản ứng thận trọng

Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua 07/06/2023 cho biết Hoa Kỳ đang thẩm định về thảm họa vỡ đập Kakhovka ở miền Nam Ukraina và tuyên bố rằng Matxcơva phải chịu trách nhiệm về vụ này, vì đập nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga. Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Biden chưa thể đưa ra kết luận ai đã gây ra vụ vỡ đập này.  

Ảnh vệ tinh của Planet Labs PBC về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka ở miền nam Ukraina hôm 06/06/2023. AP 

Phan Minh /RFI

Hôm qua 07/06, trả lời AFP, ngoại trưởng Anh Quốc James Cleverly cũng tỏ ra thận trọng, cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng xác thực để có thể khẳng định ai đã gây ra thảm họa nói trên.

Về tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hôm qua ông đã đề xuất thành lập một ủy ban điều tra quốc tế về vụ này, đồng thời mong muốn Nga và Ukraina ngồi lại vào bàn đàm phán. 

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết cụ thể : 

« Điều mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất với những người đồng cấp Ukraina và Nga là một hình thức đàm phán tương tự như hình thức được thiết lập vào năm ngoái về xuất khẩu ngũ cốc Ukraina. Vào thời điểm đó, vai trò hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã giúp đạt được thỏa thuận để Kiev tiếp tục giao hàng ở Biển Đen mà không bị Nga tấn công các tàu chở hàng.

Lần này, Recep Tayyip Erdogan đề nghị thành lập một ủy ban điều tra quốc tế về việc phá hủy đập Nova Kakhovka. Ủy ban sẽ quy tụ các chuyên gia đến từ Ukraina, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, cũng như “cộng đồng quốc tế”. Ngoài mong muốn tìm ra kẻ chịu trách nhiệm về việc phá hủy con đập, điều mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn trên hết là Nga và Ukraina nối lại đối thoại. Recep Tayyip Erdogan, vốn có mối quan hệ rất tốt với cả hai bên tham chiến, vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ thuyết phục được hai nước đàm phán hòa bình.

Trong cuộc điện đàm với ông Vladimir Putin, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị kéo dài thỏa thuận về ngũ cốc của Ukraina. Thỏa thuận này đã được triển hạn vào ngày 17/05 thêm hai tháng ».

Các quan chức Ukraine nói có 29 ngôi làng bị ngập sau vụ vỡ đập Kakhovka ở vùng do Nga kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hàng trăm ngàn người Ukraine không còn nước sạch vì sự cố. Liên Hợp Quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an để thảo luận về vấn đề, khi Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Vladimir Putin gọi vụ phá đập là “hành động man rợ.”


Vụ vỡ đập Kakhovka: Tổng thống Ukraina chỉ trích Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ

Thanh Hà /RFI – 08/6/2023

Tính đến sáng ngày 08/06/2023, hai ngày sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, gần 600 cây số vuông bị nhận chìm trong nước ở vùng Kherson, mực nước trung bình cao hơn 5 mét. Pháp gửi hàng chục tấn hàng cứu trợ nạn nhân Ukraina. NATO triệu tập một cuộc họp bất thường để « phối hợp với Kiev trong công tác nhân đạo ». Trong khi đó, tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ lãng quên thảm họa đang diễn ra ở miền nam Ukraina. 

Đường phố Kherson, Ukraina, ngập trong nước hôm 07/06/2023, sau khi đập thủy điện Kakhovka bị vỡ. © AP / Libkos 

Trả lời đài truyền hình Đức, WeltTV, và báo Bild, hôm qua tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông « bị sốc » vì Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế không điều bất kỳ ai đến hiện trường. Nhiều giờ đồng hồ đã trôi qua kể từ khi đập Kakhovka bị phá hủy một phần, nhưng vẫn vắng bóng cả « hai tổ chức có nhiệm vụ cứu mạng người ».

Cùng ngày, ông Zelensky đã điện đàm với tổng thống Pháp. Theo lời tổng thống Ukraina, phía Pháp một lần nữa đã cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Kiev về mặt quân sự. Ukraina cảm ơn tổng thống Pháp đã sốt sắng gửi hàng viện trợ đến các nạn nhân. Tổng thống Emmanuel Macron thông báo « khoảng một chục tấn hàng viện trợ đầu tiên sẽ được chuyển tới Ukraina trong những giờ sắp tới », trong đó có thuốc men, thuốc lọc nước, bình nước sạch …

Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba, được AFP trích dẫn, cho biết là trong cuộc họp chiều nay 08/06 với tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, các bên sẽ thảo luận về việc phối hợp công tác cứu trợ nạn nhân vụ vỡ đập Kakhovka. Kiev nhắc lại rằng từ cả năm nay, NATO và các đối tác quốc tế của Ukraina đều ý thức được là có nhiều nguy cơ « đập thủy điện này trở thành mục tiêu tấn công ».

Hiện giờ, mực nước sông Dniepr đang dâng cao và tình trạng sẽ kéo dài thêm ít nhất 5 ngày nữa. Khu vực phía nam con sông bị thiệt hại nặng hơn cả. Đây là nơi quân Nga kiểm soát. Ngoài vấn đề nhân đạo, cộng đồng quốc tế báo động về một thảm họa đối với môi trường. Trên đài phát thanh RFI Pháp ngữ, chuyên gia quân sự Stéphane Audrand nêu bật một hậu quả sẽ kéo dài hàng chục năm :

« Đúng là có vấn đề ô nhiễm. Trên nguyên tắc, có khoảng 150 tấn dầu được tích trữ trong khu vực đập thủy điện này đã đổ ra sông. Tiếp theo đó là vấn đề vệ sinh, y tế. Nhưng bên cạnh đó, quân Nga đã gài mìn và chất nổ tại một phần lớn khu vực họ đang chiếm đóng, tức là ở bên tả ngạn sông Dniepr. Giờ đây, nước đã cuốn trôi đi tất cả, không biết là khối lượng mìn và chất nổ đó trôi dạt về đâu. Chính bản thân Nga cũng không biết. Phía Ukraina trước đây đã xác định được vị trí của mìn, nhưng giờ đây họ cũng phải chịu thua. Vấn đề đặt ra là một phần lãnh thổ Ukraina đã bị gài mìn, tình hình lại càng thêm khó khăn sau vụ vỡ đập này và sẽ phải mất hàng chục năm để khắc phục hậu quả ».


Đà hồi phục kinh tế đáng chú ý của Nhật Bản

Kinh tế Nhật Bản dường như đã qua khỏi khó khăn sau covid-19. Giới phân tích sẽ có cái nhìn rõ hơn về đà phục hồi vào thứ Năm, khi nước này công bố dữ liệu GDP cho quý đầu năm 2023. Dữ liệu ban đầu khá lạc quan, cho thấy tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mà sau đó được điều chỉnh lên 1,9%. Năng suất được thúc đẩy khi các công ty mua máy móc để đối phó tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, với chi tiêu đầu tư thiết bị trong quý đầu tăng 11%, cao nhất kể từ năm 2015. Bùng nổ tiêu dùng và du lịch cũng là các điểm sáng.

Nhưng kinh tế thế giới trì trệ tiếp tục gây hại cho Nhật Bản vì nhu cầu hàng hóa yếu đi. Đặc biệt, tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đang kìm hãm xuất khẩu. Lạm phát cũng lên mức cao nhất 4 thập niên qua, đặc biệt do Nhật Bản giữ lãi suất thấp hơn nhiều so với các nơi khác. Không rõ liệu họ có lội ngược dòng thành công hay không.


Thủ tướng Anh thăm Mỹ

Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ gặp Joe Biden, tổng thống Mỹ, tại Washington, DC, vào thứ Năm. Triển vọng về một thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ – từng được quảng cáo như một lợi ích của Brexit – là rất mong manh. Thay vào đó, ông Sunak sẽ tìm cách giải quyết những rủi ro đối với chuỗi cung ứng của Anh từ gói trợ cấp xanh 369 tỷ đô la trong Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden. (Ông Sunak đã nói rằng “chạy đua trợ cấp” không phải là cách để đạt được các mục tiêu khí hậu.)

Ông Sunak cũng muốn Anh có vai trò lớn hơn trong quản lý trí tuệ nhân tạo. Ông muốn có các chính sách nhẹ nhàng hơn so với ý tưởng của EU, với mục đích thu hút đầu tư. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về Ukraine.

“Mối quan hệ đặc biệt” xuyên Đại Tây Dương xấu đi dưới thời cựu thủ tướng Boris Johnson, nhưng ông Sunak đã phần nào hồi sinh nó — phần lớn là do ông đã đồng ý với thỏa thuận mới giữa Bắc Ireland và EU, một vấn đề rất được Biden quan tâm.


Châu Âu thảo luận vấn đề người tị nạn

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015 và 2016 cho thấy khối này cần một hệ thống tập thể để giải quyết vấn đề người tị nạn. Nhưng tất cả những nỗ lực chung cho đến nay đều thất bại. Vào thứ Năm, các bộ trưởng tư pháp và nội vụ của các nước EU sẽ gặp nhau để cố gắng thống nhất hai trong số những nội dung của một hệ thống như vậy: các quy tắc tiêu chuẩn để xử lý đơn xin tị nạn và một cơ chế để đảm bảo đơn xin được chia sẻ đồng đều hơn giữa các nước thành viên.

Cả hai đều là câu hỏi khó. Các nước ở rìa phía nam của EU, chẳng hạn như Hy Lạp và Ý, nhận nhiều người tị nạn hơn những nước khác. Và các nước khác hiện chỉ đồng ý với một “cơ chế đoàn kết” yếu ớt, trong đó không có mấy thiện chí hỗ trợ các nước nằm dọc biên giới EU. Họ sau đó thường áp dụng các biện pháp khắc nghiệt (bao gồm cả bất hợp pháp) để đẩy lùi hoặc trục xuất người di cư, đồng thời phản đối các quy định hạn chế quyền làm như vậy của chính mình. Ngay cả khi các bộ trưởng có thể đồng ý về một giải pháp, bất kỳ cải cách nào cũng cần được Nghị viện châu Âu thông qua.


Luật chống phá thai của Ba Lan bị kiện

Khi một nguyên đơn nộp đơn vào năm 2021, cô 27 tuổi và đang mang thai 10 tuần. Cô sợ không nhận được chăm sóc y tế cần thiết ở Ba Lan nếu có biến chứng. Một nguyên đơn khác nói rằng nếu bào thai của cô bị khiếm khuyết — vốn không còn là lý do hợp pháp để phá thai ở Ba Lan kể từ năm 2021 — thì việc mang thai đến kỳ sinh nở chẳng khác nào “tra tấn.”

Những trường hợp này và sáu trường hợp khác sẽ được Tòa án Nhân quyền châu Âu tại Strasbourg quyết định vào thứ Năm. Tất cả đều được đệ trình bởi những phụ nữ cáo buộc Ba Lan vi phạm quyền của họ khi thắt chặt luật phá thai. Kể từ tháng 1 năm 2021, phá thai chỉ được phép ở Ba Lan trong các trường hợp bị hãm hiếp hoặc loạn luân, hoặc nếu sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm. Đây là những quy tắc nghiêm ngặt nhất ở các nước giàu.

Kể từ đó, các bác sĩ đã trì hoãn ngay cả các thủ tục hợp pháp, làm tăng tỷ lệ tử vong của phụ nữ. Mạng lưới phá thai ngầm mở rộng, trong khi nhiều người Ba Lan tìm cách phá thai ở nước ngoài hoặc buôn lậu thuốc phá thai. Phán quyết của toà, mặc dù không mang tính ràng buộc, có thể cho thấy Ba Lan đã đi xa khỏi các chuẩn mực châu Âu đến đâu.


Chính phủ Hồng Kông muốn ngăn bài hát ‘Glory to Hong Kong’ lan truyền trên Internet

Bài hát “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” (Ảnh cắt từ video của bài Nguyện vinh quang quy Hương Cảng)

Các quan chức Chính phủ Hồng Kông đang tìm kiếm lệnh của tòa án, nhằm ngăn bài hát “Glory to Hong Kong” (Nguyện vinh quang quy Hương Cảng) lan truyền trực tuyến. Đây là thách thức pháp lý lớn đầu tiên đối với các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Google về nội dung chính trị nhạy cảm trên nền tảng của họ.

Theo báo cáo của “Wall Street Journal”, hôm 6/6 Chính phủ Hồng Kông tuyên bố, Bộ Tư pháp đã nộp đơn lên Tòa án cấp cao Hồng Kông, về lệnh cấm phát sóng và chia sẻ bài hát trong phong trào chống dẫn độ “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” trên Internet và bất kỳ kênh truyền thông nào có thể truy cập trực tuyến. Ngày diễn ra phiên tòa vẫn chưa được ấn định.

Vụ kiện pháp lý này không nêu tên cụ thể bất kỳ công ty nào, nhưng Google đã bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi, khi các nhà chức trách chuyển sang sử dụng Luật An ninh Quốc gia mà Trung Quốc áp đặt ở Hồng Kông gần 3 năm trước nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Đơn xin lệnh tòa của chính phủ bao gồm các liên kết đến 32 video trên YouTube liên quan đến bài hát này.

“Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” đã trở thành bài hát không chính thức của những người biểu tình chống dẫn độ vào năm 2019, và bị chính quyền cấm sau khi Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông được ban hành. Người dùng vẫn có thể truy cập và chia sẻ bài hát trên Google, YouTube, Facebook và Twitter.

Các quan chức Chính phủ Hồng Kông cho biết, bài hát này có các khẩu hiệu ủng hộ ly khai. Gần đây, những người tổ chức một số sự kiện thể thao toàn cầu đã phát nhầm bài hát này thành quốc ca của Hồng Kông, thay vì bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (quốc ca của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ).

Tháng 11/2022, tại giải đấu bóng bầu dục “Asia Rugby Sevens Series” được tổ chức ở thành phố Incheon, Hàn Quốc, ban tổ chức đã phát bài hát chống dẫn độ “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” làm quốc ca của Trung Quốc. Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông Hồng Kông, với cáo buộc phát sai quốc ca trực tuyến với ý định kích động ly khai.

Quan chức Hồng Kông và các nhân vật ủng hộ Bắc Kinh chỉ trích gay gắt Google vì đã làm nổi bật quốc ca Hồng Kông trong kết quả tìm kiếm.

Google, Meta – công ty mẹ của Facebook và Twitter từ chối bình luận. Năm 2020, cả 3 công ty này cho biết, họ sẽ ngừng xử lý các yêu cầu dữ liệu của người dùng sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia, nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận lâu đời của Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh, và thiết lập các quy tắc để thắt chặt kiểm soát trên Internet.

Ông George Chen, cựu Giám đốc chính sách công của Meta Greater China, cho biết, vụ kiện này “rõ ràng là một thách thức mới đối với tất cả các nền tảng trực tuyến, đặc biệt nếu họ muốn tồn tại và tiếp tục hoạt động ở Hồng Kông.”

Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ thường tuân thủ luật pháp địa phương của các quốc gia nơi họ hoạt động, và đôi khi hạn chế quyền truy cập vào các tài liệu ở các quốc gia cụ thể.

Không giống như Trung Quốc Đại Lục có tường lửa Internet, từ lâu về cơ bản, người dân Hồng Kông vẫn có thể lướt Internet tự do. Luồng thông tin tự do là một trong những lý do quan trọng khiến các công ty nước ngoài thành lập chi nhánh tại trung tâm tài chính thế giới này.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một số công dân vì đăng tải nội dung trên mạng xã hội, như kêu gọi mọi người không tiêm vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), và kêu gọi mọi người bỏ phiếu trắng trong các cuộc bầu cử.

Sự nổi bật của bài hát này trong các tìm kiếm trên Google đã gây ra sự hỗn loạn tại một số sự kiện thể thao quốc tế, khiến Chi nhánh Tội phạm có Tổ chức của cảnh sát Hồng Kông phải tiến hành điều tra.

Năm ngoái, một quan chức cấp cao của Hồng Kông cho biết, chính phủ đang thảo luận về kết quả tìm kiếm trên Google và nền tảng video YouTube của họ.

Google giải thích kết quả tìm kiếm của họ được xác định bởi các thuật toán, không phải do con người quản lý. Khi một truy vấn tìm kiếm khớp với văn bản trên một trang web, nó có thể đưa ra các kết quả khiến một số người thấy khó chịu.

Các quan chức Hồng Kông nói rằng họ đã làm việc để tối ưu hóa các trang của chính phủ để có kết quả chính xác hơn. Bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” trên trang web của chính phủ đã hiện thị nổi bật trong các tìm kiếm của Google về quốc ca của Hồng Kông.

Năm ngoái, một người chơi kèn harmonica đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi kích động, sau khi anh này chơi bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” bên ngoài cơ quan ngoại giao Anh ở Hồng Kông trước hàng trăm người đang đưa tang Nữ hoàng Elizabeth II.

Ngày 12/7/2022, Ủy ban Trung Quốc của Quốc hội và Cơ cấu hành chính Mỹ (CECC) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Công tố viên Hồng Kông đóng vai trò quan trọng trong các vụ truy tố chính trị”.

Báo cáo cáo buộc một bộ phận truy tố hình sự của Sở Tư pháp Hồng Kông đã chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, khi giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, nên đưa ra các quyết định chống lại quyền con người.

Báo cáo cũng cho biết, ít nhất 10.500 người ở Hồng Kông đã bị bắt vì các hoạt động chính trị và biểu tình. Kể từ tháng 6/2019 Sở Tư pháp Hồng Kông đã truy tố ít nhất 2.944 người (bao gồm người biểu tình, phóng viên, nhóm xã hội dân sự, nhà dân chủ) cáo buộc họ về các tội danh liên quan đến “Luật An ninh Quốc gia”.

Bình Minh (t/h)


Canada đang đối đầu mùa cháy rừng tồi tệ nhất

Trực thăng đang xử lý đám cháy rừng ở Canada bằng cách rải xuống các chất cháy. (Ảnh chụp màn hình video) 

Mùa cháy (widefire — cháy do nguyên nhân tự nhiên) bắt đầu sớm hơn lệ thường và dữ dội khi cả 10 tỉnh của Canada đều xảy ra nạn cháy rừng (widefire), trong đó Quebec bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiều đám cháy bởi sét đánh, theo Reuters đưa tin hôm 6/6. Giới chức ở New York (Mỹ), Toronto và Ottawa đã cảnh báo người dân về những rủi ro sức khỏe do không khí bị ô nhiễm bởi khói của hàng trăm đám cháy đang hoành hành.

Thủ đô Ottawa của Canada, giáp với Quebec, bị bao phủ bởi sương mù vào sáng Thứ Ba, với chất lượng không khí ở mức 10+, mức tồi tệ nhất trong Chỉ số Sức khỏe Chất lượng Không khí của Môi trường Canada, cho thấy “rủi ro rất cao”.

“Khói bốc ra từ các đám cháy rừng địa phương cũng như cháy rừng ở Quebec đã khiến chất lượng không khí bị suy giảm,” Bộ Môi trường Canada đã có cảnh báo về chất lượng không khí.

Cơ quan thời tiết do chính phủ điều hành cho biết không khí ở Toronto cũng bị ô nhiễm và các điều kiện có thể kéo dài trong hầu hết tuần này.

Theo Bộ Môi trường Canada, khói cháy rừng có thể gây hại cho sức khỏe ngay cả ở nồng độ thấp và những người mắc bệnh phổi hoặc tim cũng như người già, trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ sức khỏe cao hơn do khói cháy rừng.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly hôm thứ Ba cảm ơn Hoa Kỳ, Mexico, Nam Phi và Pháp đã gửi lính cứu hỏa đến giúp đỡ.

Cháy rừng thường xảy ra ở các tỉnh phía tây của Canada , nhưng năm nay ngọn lửa đã bùng phát nhanh chóng ở miền đông Canada, buộc người dân phải sơ tán và chính phủ liên bang phải điều động quân đội.

Khoảng 3,3 triệu ha đã bị đốt cháy —khoảng 13 lần so với mức trung bình 10 năm– và hơn 120.000 người ít nhất đã bị buộc phải tạm thời sơ tán khỏi nơi cư trú.

Nguyên nhân của mùa cháy tệ hại nhất năm nay là do điều kiện khô và nóng kéo dài, Reuters dẫn lời của giới chức Canada nói hôm Thứ Hai.

“Sự phân bổ các đám cháy từ suốt bờ biển [tây] sang bờ biển [đông] trong năm nay là bất thường. Vào thời điểm này trong các năm trước, các đám cháy thường chỉ xảy ra ở một phía của đất nước tại một thời điểm, thường là ở phía tây,” theo Michael Norton, một quan chức Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Canada.

Theo Yan Boulanger, một nhà nghiên cứu của Natural Resources Canada, “Trong 20 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ thấy một khu vực rộng lớn như vậy bị đốt cháy vào đầu mùa. Một phần là do biến đổi khí hậu, chúng ta đang thấy xu hướng gia tăng diện tích bị cháy trên khắp Canada.”

Hiện có 413 đám cháy rừng đang hoành hành, trong đó có 249 đám cháy được coi là ngoài tầm kiểm soát và khoảng 26.000 người đang được lệnh sơ tán trên khắp Canada.

Nhật Tân


Trung Quốc bày tỏ lo ngại thảm họa hạt nhân sau vụ vỡ đập Kakhovka

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) 

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) hôm thứ Ba (6/6) phát biểu tại Hội đồng Bảo an rằng vụ vỡ đạp Kakhovka trên sông Dnieper, miền nam của Ukraine có thể gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Trung Quốc kêu gọi Ukraine và Nga hãy đảm bảo thảm họa hạt nhân không xảy ra.

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại rất lớn về vụ vỡ đập tại nhà máy điện hạt nhân Kakhovka”, ông Trương Quân nói trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 6/6.

Ông Trương nhấn mạnh rằng hồ chứa Kakhovka là nguồn chính cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và nước trong hồ chứa tiếp tục rút xuống, nên “có khả năng sẽ không thể tiếp tục bơm nước cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”.

Ông Trương nói: “Trung Quốc nhắc lại rằng trong một vụ thảm họa hạt nhân, không có ai được miễn trừ. Chúng tôi kêu gọi hãy kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động mà có thể leo thang xung đột và dẫn tới tính toán sai, và hãy duy trì an toàn và an ninh cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”.

“Không bên nào, đặc biệt là các quốc gia có ảnh hưởng quan trọng, nên thêm dầu vào lửa và làm leo thang căng thẳng, lại càng không được cố gắng thu lợi cho nghị trình chiến lược của họ từ việc khủng hoảng lan rộng”, ông Trương nói thêm.

Ukraine đã đang đổ lỗi cho Nga đã làm nổ đập Kakhovka, làm ngập lụt các thị trấn và thành phố dưới hạ nguồn sông Dnieper, trong đó có thành phố Kherson do Kyiv kiểm soát.

Trong khi đó, phía Nga cho rằng chính quyền Kyiv phải chịu trách nhiệm cho vụ vỡ đập. Moscow lưu ý rằng Kyiv trước đây đã từng tấn công đập Kakhovka bằng rocket HIMARS do Mỹ cung cấp. Nga cũng nói Ukraine đã cho xả nước từ hồ chứa thượng nguồn trên sông Dnieper ngay trước khi đập Kakhovka bị vỡ.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye tại Energodar có 6 lò phản ứng và là cơ sở sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy này từ tháng Ba năm ngoái. Khu vực đặt nhà máy cũng là một trong 4 nơi Nga đã sáp nhập sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022 bất chấp sự phản đối của Ukraine và các quốc gia phương Tây.

Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi hôm 6/6 khẳng định rằng: “Không có rủi ro tức thì đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”.

Thống đốc tạm quyền khu vực Zaporozhye do Nga kiểm soát, ông Evgeny Balitsky cũng nói rằng mực nước gần nhà máy điện hạt nhân hiện tại là “không như thường lệ”, nhưng vẫn “chấp nhận được”.

Hải Đăng (Theo RT)


Yevgeny Prigozhin: Nga có thể đánh bom hạt nhân vào chính lãnh thổ của mình

Lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner, ông Yevgeny Prigozhin tuần này nói rằng Nga có thể “tấn công hạt nhân chiến thuật” vào chính lãnh thổ của họ giáp với Ukraine.

Ông Prigozhin gần đây đã cáo buộc lực lượng vũ trang Nga đặt mìn ở các tuyến đường rút lui được nhóm của ông sử dụng.

Phát biểu trong một video phỏng vấn với tờ Donbass Today, ông Prigozhin nói rằng nhóm lính Wagner đã “bắt” được một trung tá quân đội Nga và viên sĩ quan này bị cáo buộc đã ra lệnh cho binh lính đặt mìn trên tuyến đường mà nhóm Wagner sử dụng để rút lui khỏi chiến trường Bakhmut.

“Tôi sợ rằng họ có một vài suy nghĩ ngớ ngẩn về việc thả bom hạt nhân nhỏ xuống chính lãnh thổ của họ. Có thể đó là lý do vì sao chúng ta đang nhường lại lãnh thổ tại khu vực Belgorod – bởi vì chúng ta quá sợ đánh vào lãnh thổ của họ, chứ không sợ đánh vào lãnh thổ của chính chúng ta”, ông Prigozhin nói trong cuộc phỏng vấn với Donbass Today, theo Newsweek đưa tin.

Lãnh đạo nhóm lính Wagner nói thêm: “Ném bom vào lãnh thổ nước ngoài là đáng sợ, nhưng chúng ta có thể đánh bom vào chính lãnh thổ của chúng ta, để cho thấy chúng ta bệnh hoạn thế nào. Lực lượng vũ trang Ukraine có thể đang chiếm được một số ngôi làng nhỏ của Nga, và đó là nơi Nga sẽ nhắm đến tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Ông Prigozhin cũng nói rằng ông sẽ cho Bộ Quốc phòng Nga “hai tuần để giải phóng những lãnh thổ của chúng ta” tại khu vực Belgorod và nói thêm rằng, “nếu họ thất bại hoặc nếu chúng tôi không tin tưởng vào những nỗ lực của họ, thì tôi sẽ yêu cầu rằng chúng tôi được phép đến đó bởi vì nếu không họ sẽ tiếp tục lừa dối người dân Nga”.

Hải Đăng


Tàu tuần tra Mỹ, Nhật Bản, Philippines tập trận gần Biển Đông

Các tàu bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức diễn tập nhiều cuộc tập trận bảo vệ công ước biển tại vùng biển gần Biển Đông – khu vực đang có tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. 

Động thái này đánh dấu một nỗ lực của chính quyền Washington trong việc củng cố các liên minh ở châu Á, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa các nước có vùng biên giới biển giáp với Trung Quốc.

Đại diện lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines John Ybanez cho biết: “Tất cả những bài tập mà chúng tôi thực hiện sẽ giúp chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau trong các tình huống có thể xảy ra trong tương lai”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đã triển khai một trong những tàu tuần dương Stratton dài 127 mét trong cuộc tập trận kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 do Philippines đứng ra tổ chức.

Philippines là đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cho biết tàu tuần dương Stratton đã tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực để chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn về tìm kiếm cứu nạn và phổ biến cách thực thi công ước biển.

Sĩ quan chỉ huy của Stratton, Đại úy Brian Krautler cho biết: “Chúng ta cần thực thi quy tắc biển với các đối tác kiên định của mình để đảm bảo một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang củng cố một vòng cung liên minh quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc một cách hữu hiệu, bao gồm cả ở Biển Đông và trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai đối với Đài Loan – một hòn đảo độc lập có chủ quyền mà Bắc Kinh nhận là thuộc về Trung Quốc.

Biển Đông là nơi mà Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei đã và đang tranh chấp với nhau trong nhiều thập kỷ về vấn đề lãnh hải. Nhưng Hoa Kỳ cho rằng, tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, là cực kỳ khó khăn vì có liên quan lớn đến lợi ích mỗi từng quốc gia.

Mặc dù Philippines cho biết các cuộc tập trận chung như vậy với lực lượng Hoa Kỳ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo rằng việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á nhắm vào lợi ích của Bắc Kinh đang làm suy yếu sự ổn định khu vực.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không hề giải thích gì thêm về việc các tàu tuần tra Trung Quốc liên tục xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản từ tháng 4 đến nay, cũng như không hề nhận trách nhiệm khi một tàu tuần tra khác của Trung Quốc nhắm tia laser cấp độ quân sự vào tàu tuần tra Philippines làm mù mắt một số thành viên thủy thủ đoàn ở ngoài khơi tại một rạn san hô đang tranh chấp.

Tạ Linh

Comments are closed.