Thời sự Thứ năm 13 tháng 7 năm 2023


Võ Thái Hà tổng hợp


Trung Quốc phóng thành công tên lửa mê-tan lỏng đầu tiên trên thế giới 

12/7/2023 

Reuters 

Tên lửa Zhuque-2 (Chu Tước 2)

Tên lửa Zhuque-2 (Chu Tước 2) 

Một công ty tư nhân của Trung Quốc hôm 12/7 phóng lên quỹ đạo tên lửa nhiên liệu oxy và mê-tan lỏng đầu tiên trên thế giới, vượt qua các đối thủ Mỹ trong cuộc đua công nghệ mới để phóng phi thuyền vào không gian trong tương lai, theo Reuters.

Truyền thông nhà nước đưa tin, tên lửa mang Zhuque-2 (Chu Tước 2) đã được phóng đi lúc 9 giờ sáng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Jiuquan) ở tây bắc Trung Quốc và hoàn thành chuyến bay theo đúng kế hoạch.

Đây là nỗ lực thứ hai của công ty LandSpace có trụ sở tại Bắc Kinh, một trong những công ty đầu tiên trong lĩnh vực phóng tên lửa thương mại của Trung Quốc. Lần phóng thử nghiệm tên lửa Zhuque-2 đầu tiên vào tháng 12 đã thất bại.

Vụ phóng hôm 12/7 đã đưa Trung Quốc vượt qua các đối thủ Hoa Kỳ, bao gồm SpaceX của ông Elon Musk và Blue Origin của ông Jeff Bezos, trong cuộc đua phóng các tên lửa bằng nhiên liệu mê-tan lỏng, được coi là ít gây ô nhiễm hơn, an toàn hơn, rẻ hơn và là động cơ đẩy phù hợp trong tên lửa có thể tái sử dụng.

LandSpace cũng trở thành công ty tư nhân thứ hai của Trung Quốc phóng tên lửa nhiên liệu lỏng.

Vào tháng 4, Công ty Tianbing Technology của Bắc Kinh đã phóng thành công một tên lửa dầu hỏa-oxy, tiến thêm một bước tới việc phát triển các tên lửa có thể tái nạp nhiên liệu và tái sử dụng.

Các công ty vũ trụ thương mại Trung Quốc đã đổ xô vào lĩnh vực này kể từ năm 2014, khi chính phủ cho phép tư nhân đầu tư vào ngành này. LandSpace là một trong những công ty tham gia sớm nhất và được tài trợ nhiều nhất.


Biển Đông : Trung Quốc – ASEAN nhất trí đúc kết COC trong 3 năm tới

Thu Hằng /RFI

13/7/2023

Ngày 13/07/2023, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN đã họp với các đối tác tại Jakarta, Indonesia, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, thảo luận về nhiều vấn đề trong khu vực. Trong cuộc họp với người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, hai bên nhất trí cố gắng đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2026 để ngăn ngừa các các cuộc xung đột do tranh chấp chủ quyền. 

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/07/2023. © REUTERS / Tatan Syuflana 

Thông tin được một nhà ngoại giao Đông Nam Á xin ẩn danh, tham dự cuộc họp, cho hãng tin AP biết. Ngoài ra, theo văn bản mà hãng tin Mỹ tham khảo được, một nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc “sẽ nỗ lực kết thúc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật biển, trong thời hạn 3 năm hoặc sớm hơn”

Văn bản kêu gọi hai bên phải họp nhiều hơn và bắt đầu thảo luận về những vấn đề gây tranh cãi nhất, trong đó có việc xem Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ được áp dụng như nào về pháp lý và về khu vực địa lý. Trước đó, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn đề xuất là Bộ Quy tắc Ứng xử phải hạn chế sự hiện diện và hoạt động của các nước không nằm trong vùng biển tranh chấp, chủ yếu nhắm đến Mỹ, nước đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc trong vùng. 

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký một tuyên bố không mang tính ràng buộc (gọi tắt là DOC) kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tránh mọi hành động gây hấn có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang, trong đó có việc chiếm đóng các thực thể nhân tạo, nhưng các vụ vi phạm vẫn tái diễn. 

Ngoài tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc và ASEAN cũng thảo luận về hợp tác kinh tế. Theo ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, “hai bên tích cực thúc đẩy đàm phán về vùng tự do trao đổi mậu dịch phiên bản 3.0 và triển khai hoàn toàn RECEP”. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vựcRECEP, do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm 15 nước (trong đó có 10 nước ASAN), có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN”.

Ngoài đối tác Trung Quốc, ngoại trưởng các nước ASEAN cũng lần lượt họp với các đồng nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ về hợp tác an ninh, kinh tế.


Kinh tế châu Âu: ngành công nghiệp suy thoái trong khi dịch vụ phát triển

Dịch vụ và sản xuất không phải lúc nào cũng phát triển song hành với nhau. Nhưng tình hình hiện tại trong khu vực đồng euro là rất hiếm – với ngành dịch vụ phát triển mạnh bất chấp lạm phát và lãi suất tăng, trong khi công nghiệp gặp khó khăn. Sự yếu kém của sản xuất công nghiệp đặc biệt khiến các nhà kinh tế lo lắng vì nó đang trở nên tồi tệ hơn. Thị trường sẽ có thêm thông tin khi dữ liệu mới được công bố vào thứ Năm.

Cú sốc năng lượng 2022, Trung Quốc tăng trưởng yếu, và lãi suất cao trên toàn cầu, chắc chắn sẽ gây áp lực lên ngành công nghiệp châu Âu. Lượng công việc tồn đọng từ thời kỳ bùng nổ hậu đại dịch từng giúp bù đắp cho nhu cầu thấp hơn, nhưng rồi nó cũng qua đi. Trong tháng 6, ngành sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng chưa giao giảm mạnh nhất trong ba năm qua. Để đánh bại lạm phát, việc giảm bớt hoạt động kinh tế là cần thiết, nhưng nghiền nát ngành công nghiệp vì dịch vụ quá phát triển chắc chắn không nằm trong kế hoạch của ECB.

Ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Thái Lan?

Quốc hội Thái Lan sẽ họp vào thứ Năm để bổ nhiệm thủ tướng mới. Dù đã sẵn sàng cho một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, tự do, người dân nước này có lẽ sẽ không được mãn nguyện. Trong cuộc bầu cử tháng 5, hai đảng ủng hộ dân chủ chính — do Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, lãnh đạo — đã thắng tuyệt đối đa số phiếu phổ thông. Đảng “Tiến lên” của ông Pita vận động với lời hứa cải cách chế độ quân chủ và quân đội, hai thể chế từ lâu đã thống trị đất nước.

Hai phe này chống trả quyết liệt, chủ yếu bằng cách cáo buộc ông Pita không kê khai đầy đủ quyền sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông. Dù các cáo buộc thiếu sức thuyết phục, nó vẫn đủ khiến ủy ban bầu cử đề nghị cấm ông Pita đảm nhiệm chức vụ công; và vụ việc giờ đây sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp. Nhưng ngay cả khi không bị truất quyền làm thủ tướng, ông Pita vẫn khó có thể giành đủ số phiếu bầu trong thượng viện nơi các thượng nghị sĩ, tất cả đều do quân đội bổ nhiệm, có vai trò lớn trong việc chọn thủ tướng. Chính trị Thái Lan hứa hẹn tiếp tục bất ổn.


Nội chiến Sudan có nguy cơ lan rộng

Các nước láng giềng của Sudan sẽ gặp nhau vào thứ Năm tại Cairo, thủ đô Ai Cập, để thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 12 tuần qua ở nước này. Những gì bắt đầu như một cuộc xung đột giành quyền kiểm soát thủ đô Khartoum giữa quân đội chính quy Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đang lan rộng một cách nguy hiểm ra các vùng ven của đất nước. Liên Hợp Quốc gần đây cảnh báo rằng Sudan đang trên bờ vực của một “cuộc nội chiến toàn diện.”

Đáng lo ngại nhất là xung đột leo thang ở Darfur, một khu vực phía tây có diện tích bằng Tây Ban Nha. Hơn 190.000 người tị nạn đã chạy qua biên giới để tới Chad, trong nỗ lực thoát khỏi các hành vi bạo lực gây ra bởi RSF và các lực lượng dân quân Ả Rập mà đặc phái viên Liên Hợp Quốc gọi là “thanh trừng sắc tộc quy mô lớn.” Chuỗi sự kiện khiến nhiều người nghĩ tới nạn diệt chủng từng giết chết 300.000 người trước khi một lực lượng lớn quân gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi được triển khai vào năm 2007. Khi Liên Hợp Quốc bị thu hút nguồn lực ở những nơi khác, hiện các quốc gia phi Ả Rập trong khu vực sẽ không thể mong đợi một nỗ lực can thiệp tương tự.


Các bác sĩ Anh lại đình công 

Vào thứ Năm, các bác sĩ cấp dưới trên khắp nước Anh sẽ nghỉ việc năm ngày liên tiếp, đánh dấu cuộc đình công dài nhất trong lịch sử 75 năm của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh và cuộc đình công thứ tư trong cuộc xung đột hiện tại giữa các bác sĩ và chính phủ. Giới bác sĩ cho biết tiền lương của họ bị giảm 26% theo giá trị thực kể từ năm 2008 và đang yêu cầu tăng lương ngang lạm phát để khắc phục. Một tuần sau khi cuộc đình công mới nhất bắt đầu, các bác sĩ có thâm niên, những người có hợp đồng khác, cũng sẽ hạ ống nghe trong hai ngày.

Các nghiên cứu về đình công y tế cho thấy bệnh nhân không có khả năng tử vong do hậu quả trực tiếp của đình công — ít nhất là ngay lập tức. Nhưng hậu quả vẫn rất lớn khi hàng trăm nghìn thủ thuật y tế bị hủy bỏ. Tranh chấp khó có thể được giải quyết sớm. Ở Scotland, đình công đã bị đình chỉ sau khi chính phủ đề nghị tăng 17,5% lương cho các bác sĩ trong hai năm. Nhưng ở phía nam biên giới, mỗi bên đều cáo buộc bên kia không có thiện chí đàm phán.


Trung Quốc hủy chuyến thăm của quan chức ngoại giao EU vì ông Tần Cương ‘mất tích’?

Huyền Anh

Tuần trước, Trung Quốc đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell mà không nêu lý do cụ thể. Truyền thông Anh tiết lộ việc Bắc Kinh đột ngột hủy chuyến thăm của ông Borrell có thể liên quan đến việc Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ‘mất tích’.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương không rõ tung tích

Hãng tin Reuters hôm 11/7 dẫn 3 nguồn tin ẩn danh tiết lộ rằng hiện chưa rõ tung tích của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/7 thông báo, “vì lý do sức khỏe” nên ông Tần Cương không thể tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) tổ chức tại Indonesia, cũng như Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Thay vào đó, ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương ĐCSTQ, sẽ đại diện cho Trung Quốc tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan tại Jakarta.

Là quan chức phụ trách chính sách đối ngoại hàng đầu của ĐCSTQ, ông Vương Nghị có cấp bậc cao hơn Ngoại trưởng Tần Cương.

Đã hơn 2 tuần ông Tần Cương không xuất hiện trước công chúng, và sự vắng mặt của ông đã thu hút sự chú ý trong những ngày gần đây. Trong lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất, ông Tần Cương đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Nga, Việt Nam và Sri Lanka tại Bắc Kinh vào ngày 25/6.

Trang tin Politico của Mỹ đưa tin sự vắng mặt của ông Tần Cương có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 7/7 cho biết ông “vẫn chưa đọc” bài báo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời các câu hỏi về nơi ở của ông Tần Cương.

Ông Tần Cương lẽ ra có cuộc gặp với quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell vào tuần trước tại Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc thông báo với EU rằng thời điểm đó “không khả thi nữa”. EU nhận được thông báo về việc hoãn chuyến thăm chỉ 2 ngày trước khi ông Borrell lên đường.

Theo nguồn tin của tờ Reuters, phát ngôn viên của EU cho biết ông Josep Borrell ban đầu dự kiến ​​đến thăm Bắc Kinh vào ngày 10/7 và hội đàm với ông Tần Cương. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã hủy chuyến thăm này.

Ngày 11/7, Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Uông Văn Bân cho biết, vì lý do sức khỏe nên ông Tần Cương không thể tham gia Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN + Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc, Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN.


Bắc Kinh đột ngột hủy chuyến thăm của quan chức cấp cao EU

Theo Reuters, Bloomberg và đài VOA, tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới được tổ chức ở Bắc Kinh ngày 2/7, Đại sứ EU tại Trung Quốc Jorge Toledo nói rằng ông Borrell sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 10/7 để gặp Ngoại trưởng Tần Cương và các quan chức cấp cao khác nhằm thảo luận các vấn đề chiến lược, bao gồm vấn đề nhân quyền và chiến tranh Nga – Ukraine.

Hôm 4/7, phát ngôn viên của EU Nabila Massrali đã ra một tuyên bố bằng văn bản rằng chính quyền Bắc Kinh đã hủy bỏ chuyến thăm dự kiến ​​của ông Borrell vào tuần tới.

“Đáng tiếc, các đối tác Trung Quốc thông báo với chúng tôi rằng, chuyến thăm (của ông Borrell) dự kiến vào tuần tới không còn khả thi nữa, và chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp thay thế”, phát ngôn viên của EU Nabila Massrali hôm 4/7 cho hay.

EU không nêu lý do Bắc Kinh hủy chuyến thăm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa phản hồi về thông tin này.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/7, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bà không có thông tin gì về chuyến thăm của ông Borrell.

Tuy nhiên, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Borell diễn ra vào thời điểm châu Âu đang tìm cách “hạ nhiệt” mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, và EU cũng coi Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh về kinh tế và hệ thống”.

Đây là lần thứ hai chuyến thăm Bắc Kinh của ông Borrell bị hoãn trong năm nay. Lần trước đó là vào tháng 4/2022, khi vị quan chức bị nhiễm Covid-19.

Trong một bài phát biểu trước công chúng vào thời điểm đó, quan chức EU nói rằng Liên minh châu Âu không thể tin tưởng Bắc Kinh nếu Bắc Kinh không cam kết đàm phán hòa bình về một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Theo hãng tin CNSThe Paper, hôm 5/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo thường kỳ. Một phóng viên đã đặt câu hỏi: “Có thông tin cho rằng Trung Quốc đã hủy chuyến thăm dự kiến ​​tới Trung Quốc của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Borrell vào tuần tới?”.

Ông Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh rất coi trọng quan hệ với EU và hoan nghênh đại diện cấp cao Borrell thăm Trung Quốc sớm nhất có thể vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên. Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với EU.

Tuy nhiên, ông Uông Văn Bân từ chối tiết lộ lý do cụ thể về sự vắng mặt của Ngoại trưởng Tần Cương

Huyền Anh tổng hợp


Trung Quốc thề đáp trả kiên quyết nếu quyền lợi bị đe dọa 

13/7/2023 

Reuters 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Bắc Kinh phản pháo cáo buộc của NATO rằng Trung Quốc thách thức các lợi ích và an ninh của NATO, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào của liên minh quân sự này nhằm mở rộng sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong một thông cáo với ngôn từ mạnh mẽ được đưa ra trong lúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô Vilnius của Lithuania đã đi được nửa đường hôm 11/7, NATO nói Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị của tổ chức này bằng “các tham vọng và chính sách ép buộc”.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu chân toàn cầu của họ và sức mạnh dự phóng, trong khi không rõ ràng về chiến lược, ý định và việc gầy dựng quân sự”, các nguyên thủ quốc gia NATO nói trong thông cáo.

“Các hoạt động mạng hỗn hợp độc hại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch của họ nhắm vào Đồng minh và gây tổn hại cho an ninh của Liên minh.”

Phái bộ Trung Quốc tại châu Âu nói trong một tuyên bố hôm 11/7 rằng nội dung liên quan đến Trung Quốc của thông cáo đã coi thường các sự thật cơ bản, bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối và bác bỏ điều này,” phái bộ nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh rằng mặc dù Trung Quốc không phải là “đối thủ” của NATO, nhưng nước này đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bằng “hành vi cưỡng ép” của mình.

“Trung Quốc đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, từ chối lên án cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, đe dọa Đài Loan và tiến hành xây dựng quân đội đáng kể,” ông nói.

Tuy nhiên, NATO không đề cập đến Đài Loan trong thông cáo của mình.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc ông Stoltenberg một lần nữa bày tỏ rõ ràng mối quan tâm của mình đối với an ninh ở Eo biển Đài Loan là “rất có ý nghĩa”.

Đài Loan là một thành viên dân chủ, có trách nhiệm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẵn sàng hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng như Châu Âu và Hoa Kỳ để cùng nhau chống lại sự ép buộc và thách thức từ các chế độ độc tài, Bộ nói thêm.

‘Bành trướng vòi bạch tuộc’

Tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày còn có một số nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tham gia lần thứ hai, nhằm mục đích nhắc nhở liên minh quân sự chú ý đến các rủi ro ở Đông Á, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tìm kiếm sự hợp tác an ninh quốc tế sâu rộng hơn trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên và căng thẳng về Trung Quốc.

Vào tháng 5 năm nay, ông Kishida nói Nhật Bản không có kế hoạch trở thành thành viên NATO, mặc dù NATO đang lên kế hoạch thành lập văn phòng ở Tokyo, văn phòng đầu tiên ở châu Á, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tham vấn trong khu vực.

Phái đoàn Trung Quốc cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối “sự di chuyển về phía đông của NATO vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và cảnh báo bất kỳ hành động nào đe dọa các quyền của Bắc Kinh sẽ bị đáp trả kiên quyết.

“Bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc sẽ bị đáp trả kiên quyết,” phái đoàn nói.

Trong thông cáo, NATO cho biết Trung Quốc tìm cách kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp then chốt, cơ sở hạ tầng quan trọng, chuỗi cung ứng và vật liệu chiến lược, đồng thời Bắc Kinh cũng sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và tăng cường ảnh hưởng.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đáp trả, nói trong một bản tin rằng các cuộc chiến tranh và xung đột liên quan đến các quốc gia NATO cho thấy khối này là một “thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình và ổn định toàn cầu.

“Bất chấp tất cả hỗn loạn và xung đột đã gây ra, NATO đang bành trướng vòi của mình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mục đích rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc.”


Đà phản công của Ukraina gặp trở ngại do các bãi mìn Nga

Phan Minh /RFI

13/7/2023

Quân đội Ukraina tiếp tục phản công ở phía đông và phía nam và dường như đã giành được nhiều thắng lợi ở vùng ngoại ô Bakhmut, Donbass. Nhưng đà phản công của Kiev bị chậm ở mọi nơi, do quân đội Nga đã thiết lập một hệ thống phòng thủ kiên cố với nhiều bãi mìn và chiến hào. 

Mìn chống tăng được phát hiện gần làng Neskuchne (vùng Donetsk), nơi quân đội Ukraina vừa giành lại. Ảnh chụp ngày 08/07/2023. REUTERS – STRINGER 

Sau khi gặp một đơn vị Vệ binh Quốc gia, làm nhiệm vụ trên tuyến đầu mặt trận phía nam tỉnh Zaporijjia, thông tín viên Stéphane Siohan gửi về bài phóng sự :

Ở chiến trường, anh được đặt biệt danh là ”Kế toán”, nhưng ngoài đời, anh là bác sĩ thú y. Giờ đây, anh là thành viên lực lượng xung kích của Vệ binh Quốc gia. ”Kế toán” có nhiệm vụ truy tìm, tiêu diệt quân địch ẩn nấp trong chiến hào, nhưng vấn đề là phải áp sát được đối phương. 

Người lính này cho biết : ”Kể từ khi bắt đầu cuộc phản công, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là mìn do địch gài, mìn sát thương, mìn chống tăng, đủ các loại mìn, và điều đó làm chậm rất nhiều đà tiến của chúng tôi.”

Gần đây, “Kế toán” và quân của anh đã tìm thấy cuốn sổ tay của một sĩ quan Nga trong một chiến hào, tiết lộ rằng trước khi tới được vị trí tiếp theo, họ sẽ phải băng qua một cánh đồng rải 5.000 quả mìn chống tăng. Kết quả là quân Ukraina đã không thể huy động được xe bọc thép.

Người lính này nói tiếp : ”Chúng tôi có các đơn vị công binh, kỹ sư quân sự dẫn đường cho bộ binh từng mét bằng máy dò kim loại, nhưng cái giá phải trả là rất đắt. Công binh và lực lượng bộ binh ở tiền tuyến chịu rất nhiều tổn thất. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác.”

Chiến lược của quân đội Ukraina là tấn công vào phía sau phòng tuyến của Nga để làm suy yếu kẻ thù. Anh cho biết thêm : ”Hiện tại, pháo binh của chúng tôi bắn nhiều hơn, tốt hơn và chính xác hơn pháo binh của Nga. Nhưng để xe tăng của chúng tôi hiệu quả hơn, chúng tôi cần phong tỏa bầu trời và bảo vệ quân đội trên mặt đất khỏi các cuộc không kích. Hiện giờ, đây là điều bất khả thi.” 

Trong bối cảnh đó, dù quân đội Ukraina đang có những tiến bộ, cuộc phản công sẽ chỉ có kết quả rõ ràng vào đầu mùa thu tới.


Prayuth Chan-ocha: Thủ lĩnh đảo chính ở Thái Lan rời chính trường

REUTERS

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Chính quyền quân sự của Prayuth Chan-ocha không khoan nhượng trước giới bất đồng chính kiến ​​và chỉ trích hoàng gia

Tác giả, Jonathan Head 

BBC News, Bangkok

13/7/2023

Prayuth Chan-ocha, Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan, người đã lật đổ chính phủ do dân bầu nên cách đây chín năm và nắm quyền kể từ khi đó, đã tuyên bố rời chính trường.

Tướng Prayuth đã ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Năm vừa rồi với tư cách là ứng cử viên thủ tướng của một đảng chính trị theo trường phái bảo thủ mới, nhưng đảng này chỉ đạt được kết quả kém cỏi, giành được 36 trên 500 ghế trong quốc hội.

Ông được biết đến như một tổng tư lệnh quân đội có phong cách nói chuyện thẳng thừng, cực kỳ trung thành với hoàng gia khi lên nắm quyền vào ngày 22 tháng 5 năm 2014, trong một cuộc đảo chính được lên kế hoạch khéo léo, đảm bảo có ít sự phản kháng mang tính tổ chức.

Không như những gì đã xảy ra sau cuộc đảo chính trước đó tám năm, Tướng Prayuth lên nắm quyền và tự trao cho mình chức vụ thủ tướng.

Bất chấp những lời hứa hẹn rằng nhiệm kỳ của mình chỉ mang tính tạm thời, ông vẫn đảm nhận chức vụ thủ tướng kể từ thời điểm đó và định hình lại cơ cấu quyền lực của Thái Lan một cách sâu sắc.

Chính phủ quân sự của ông đã thông qua một hiến pháp mới vào năm 2017, đảm bảo rằng những người lãnh đạo cuộc đảo chính sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của họ, phần lớn là thông qua thượng viện với 250 ghế do ông chỉ định, ngay cả sau khi quay trở lại chế độ dân chủ.

Ngày nay, thượng viện đó, gồm hầu hết là những người trung thành với hoàng gia thuộc tư tưởng bảo thủ như Tướng Prayuth, vẫn có quyền ngăn chặn liên minh theo chủ nghĩa cải cách đã giành được chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử gần đây.

Tướng Prayuth là một nhà lãnh đạo cộc tính, đôi khi dễ nổi cáu, ban đầu không quen với việc bị các nhà báo chất vấn về những quyết định của mình, những người từng bị ông đùa rằng lẽ ra đã nên tử hình họ. 

Ông từng thể hiện sở thích ca hát của mình sau cuộc đảo chính bằng việc chấp bút cho những bản ballad với lời hứa hẹn mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người dân, và có thể thấy rõ sự thất vọng khi điều đó không xảy ra.

Chế độ của ông là một hình thức độc tài tương đối nương tay, nhưng chính phủ của ông không dung thứ cho những người bất đồng chính kiến, và hàng trăm người đã bị truy tố và bỏ tù theo một loạt các sắc lệnh quân sự và luật an ninh quốc gia, đáng chú ý nhất là luật khi quân hà khắc, được sử dụng rộng rãi để nhắm vào những người dám chất vấn về vai trò của chế độ quân chủ.

Tướng Prayuth tuy vẫn được lòng nhiều người dân Thái Lan lớn tuổi, nhưng lại trở thành ‘cái gai’ trong mắt những người biểu tình trẻ tuổi chống lại sự cai trị của quân đội.

Việc ông không có khả năng vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của Thái Lan và tình trạng tham nhũng dai dẳng trong chính quyền của ông đã khiến nhiều người dân Thái Lan tin rằng – ông và phong cách lãnh đạo độc đoán của ông phải bị chấm dứt, giúp đảng mới Move Forward đầy sức trẻ với lời hứa chấm dứt sự can thiệp của quân đội bước vào chính trường, đạt vị trí số một gây rúng động sau cuộc bầu cử vừa qua.

Prayuth có thể coi thành tựu lớn nhất của mình là giúp điều hành một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn của Hoàng gia Thái Lan từ vị Vua Bhumibol được tôn kính, người đã trị vì ngai vàng trong suốt 70 năm sang người con trai kém được lòng dân hơn, Vua Vajirusongkorn. 

Đây cũng có thể đã là lý do chính cho cuộc đảo chính của ông.

Tags: , , , ,

Comments are closed.