Thời sự Thứ Năm 28 tháng 3 năm 2024: *Nạn buôn người, lừa đảo mạng lan toàn thế giới *Tập Cận Bình và doanh nghiệp Mỹ *Philippines và cáo buộc của Trung Quốc *


Võ Thái Hà tổng hợp


Interpol : Từ Đông Nam Á, nạn buôn người và lừa đảo qua mạng đã lan rộng ra toàn thế giới

Thùy Dương /RFI

28/3/2024

Lãnh đạo tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol hôm 27/03/2024 tuyên bố, các mạng lưới tội phạm có tổ chức, nguồn cội của sự gia tăng « bùng nổ » các cơ sở buôn người và lừa đảo trực tuyến trong đại dịch Covid-19, từ Đông Nam Á đã lan ra thành mạng lưới có quy mô toàn cầu, với doanh thu lên tới 3 tỉ đô la (2,77 tỉ euro)/năm. 

Secretary General of Interpol Jurgen Stock speaks during a joint press conference on day prior to the start of the 91st INTERPOL General Assembly at Vienna's International Center in Vienna, Austria, o

Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock tại Vienna, Áo, ngày 27/11/2023. AFP – JOE KLAMAR 

Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp do Văn phòng Interpol ở Singapore tổ chức, tổng thư ký tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế, Jurgen Stock, hôm 27/03 nhấn mạnh là mối đe dọa về nạn tội phạm cấp vùng ở Đông Nam Á nay đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu về nạn buôn người, với hàng triệu nạn nhân. Theo ông, « các nhóm tội phạm có tổ chức này hiện đang hoạt động theo quy mô mà cách nay chục năm không ai có thể tưởng tượng nổi », « nhờ sự ẩn danh trên mạng internet và dựa theo các mô hình kinh doanh mới được thúc đẩy do đại dịch Covid-19 ».

Trong các trung tâm mới chuyên về lừa đảo trực tuyến, đội ngũ nhân viên thường là những người bị cưỡng ép làm việc với lời hứa hẹn sẽ có công việc hợp pháp. Và chính các nạn nhân này đã giúp các nhóm tội phạm có tổ chức đa dạng hóa nguồn thu từ buôn lậu ma túy. Theo Interpol, buôn lậu ma túy hiện vẫn chiếm 40%-70% nhu nhập của các nhóm tội phạm có tổ chức. Thế nhưng, rõ ràng là các nhóm tội phạm này đã đa dạng hóa các hoạt động phạm tội, áp dụng những cách thức buôn lậu ma túy vào buôn người, buôn lậu vũ khí, đánh cắp sở hữu trí tuệ, đánh cắp xe hơi…

Mỗi nhóm tội phạm có tổ chức có thể kiếm được 50 tỷ đô la mỗi năm và hàng năm có khoảng 2 – 3 nghìn tỷ đô la thu nhập bất hợp pháp được trung chuyển qua hệ thống tài chính toàn cầu. Singapore năm ngoái đã phanh phui một vụ rửa tiền và tịch thu số tiền lên tới hơn 3 tỷ đô la Singapore (2,23 tỷ đô la Mỹ).

Xin nhắc lại là Liên Hiệp Quốc hồi năm 2023 cho biết có hơn 100.000 nạn nhân đã bị bán vào các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Cam Bốt. Hồi tháng 11/2023, Miến Điện đã trao trả lại cho Bắc Kinh hàng ngàn người Trung Quốc bị nghi có hành vi lừa đảo trong lĩnh vực viễn thông.


Lãnh đạo tình báo Nga công du Bắc Triều Tiên

Thanh Hà /RFI – 28/3/2024

Hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA cho biết, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga, Sergei Naryshkin, vừa kết thúc chuyến công tác tại Bình Nhưỡng từ ngày 25 đến 27/03/2024, nhằm tăng cường hợp tác trong việc ngăn chặn « các hoạt động do thám và âm mưu từ các lực lượng thù địch ngày càng gia tăng »

Ảnh tư liệu : Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại NgaSergei Naryshkin phát biểu tại Diễn đàn Quân sự Quốc tế Army-2023 tại công viên Patriot, Matxcơva, Nga, ngày 15/08/2023.

Ảnh tư liệu : Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại NgaSergei Naryshkin phát biểu tại Diễn đàn Quân sự Quốc tế Army-2023 tại công viên Patriot, Matxcơva, Nga, ngày 15/08/2023. AP – Alexander Zemlianichenko 

Trong ba ngày làm việc tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga đã hội đàm với bộ trưởng An Ninh Bắc Triều Tiên Ri Chang Dae. « Nhiều cuộc trao đổi giữa các giới chức hai nước về tình hình quốc tế và trong khu vực liên quan đến Bắc Triều Tiên và Nga ».

Bản tin của KCNA không cung cấp chi tiết nội dung cuộc hội đàm. Theo giới phân tích được hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn, Sergei Naryshkin và các quan chức ở Bình Nhưỡng đã trao đổi thông tin tình báo liên quan đến chiến tranh Ukraina, tình hình bán đảo Triều Tiên. Yonhap lưu ý, thông thường các chuyến công tác của giới chức tình báo rất ít khi được công bố, nhưng việc lần này, cả hai nước rầm rộ đưa tin về chuyến đi cho thấy, Bình Nhưỡng và Matxcơva muốn « phô trương quan hệ sâu sắc » giữa hai nước.

Matxcơva – Bình Nhưỡng thắt chặt thêm quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực kể từ sau chuyến công du nước Nga trong nhiều ngày của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hồi tháng 09/2023. Từ mùa thu năm ngoái, Mỹ và Hàn Quốc báo động Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược và tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến chống Ukraina. Đầu tuần, báo tài chính Anh Financial Times ghi nhận Nga cung cấp dầu hỏa cho Bắc Triều Tiên, bất chấp lệnh cấm vận quốc tế.

Trang mạng truyền thông Mỹ nknews.org chuyên đưa tin về Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh, Sergei Naryshkin đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga từ 2016, là thành viên thường trực Hội Đồng An Ninh Nga và nổi tiếng là một cố vấn thân cận với tổng thống Vladimir Putin. Chris Monday, chuyên về Liên Bang Nga giảng dậy tại đại học Dongseo – Hàn Quốc cho rằng, điện Kremlin gửi một quan chức có tầm cỡ như Naryshkin sang Bình Nhưỡng là « dấu hiệu rõ ràng báo trước Vladimir Putin dự kiến công du Bắc Triều Tiên ».


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp phái đoàn các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ 

27/3/2024 

Reuters 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 27/3, trong lúc chính phủ nước này tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty quốc tế vốn muốn được trấn an về tác động của các điều luật mới trở lại.

Bắc Kinh muốn thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 8% trong năm 2023 trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lo ngại về luật chống gián điệp, lệnh cấm xuất cảnh cũng như việc bố ráp các công ty tư vấn và thẩm định.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung ngày càng nhiều vào an ninh quốc gia đã khiến nhiều công ty không chắc chắn chỗ nào là vượt quá giới hạn, ngay cả khi các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những chiêu dụ công khai đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Sự phát triển của Trung Quốc đã trải qua tất cả những khó khăn và thách thức các kiểu để có được như ngày nay,” ông Tập được truyền thông nhà nước dẫn lời nói.

“Trong quá khứ, Trung Quốc đã không sụp đổ vì ‘lý thuyết Trung Quốc sụp đổ’ và giờ đây Trung Quốc cũng không vươn đến đỉnh vì ‘lý thuyết Trung Quốc đạt đỉnh’,” ông Tập nói thêm.

Stephen Schwarzman, đồng sáng lập và CEO của công ty cổ phần tư nhân Blackstone, Raj Subramaniam, lãnh đạo hãng giao nhận khổng lồ FedEx và Cristiano Amon, chủ hãng chip Qualcomm nằm trong phái đoàn các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ toàn là nam giới gặp ông Tập.

Cuộc gặp với ông Tập – vốn được Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung và viện nghiên cứu Asia Society tổ chức – kéo dài khoảng 90 phút, theo một người nắm trực tiếp vấn đề.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dần giao tiếp trở lại sau khi quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế đi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm do bất đồng về chính sách thương mại, tương lai của Đài Loan và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Cuộc gặp diễn ra tại Sảnh phía Đông của Đại lễ đường Nhân dân vốn được dành riêng cho các sự kiện quan trọng.
Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào, Ngoại trưởng Vương Nghị và người đứng đầu cơ quan hoạch định nhà nước Trịnh Sách Khiết ngồi bên cạnh ông Tập.

Cuộc tiếp kiến với ông Tập diễn ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường không tổ chức cuộc họp với các CEO nước ngoài đến thăm tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 24-25/3. Cơ hội trao đổi quan điểm với nhà lãnh đạo cao cấp thứ hai của Bắc Kinh là một nội dung quan trọng của hội nghị này trong những năm trước.


Các nhà báo nước ngoài ở Philippines bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về chỉnh sửa hình ảnh 

27/3/2024 

Reuters 

Hình ảnh được ghi lại cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines

Hình ảnh được ghi lại cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines 

Các nhà báo nước ngoài tại Manila hôm 27/3 đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng Philippines đã để các nhà báo chỉnh sửa các đoạn video được ghi hình trên các con tàu tiếp tế ở Biển Đông để làm nó giống như ‘nạn nhân’.

Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài Philippines (FOCAP) ‘bị xúc phạm sâu sắc trước những lời bóng gió rằng báo chí là ‘kẻ gây rối’ và cấu kết với chính phủ để thúc đẩy mục tiêu chính trị’, tổ chức này ra tuyên bố cho biết.

Tuyên bố này là nhằm đáp trả bài viết của Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên X hôm 26/3.

Bà Hoa nói về công tác thường xuyên của Philippines là chuyển hàng tiếp tế cho binh sĩ của họ đóng trên chiếc tàu chiến bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nơi các tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines thường xuyên đụng độ.

Trong bài viết của mình, bà Hoa cho biết các chuyến tàu tiếp tế như vậy luôn chở theo nhiều nhà báo và các nhà báo này đã ‘chỉnh sửa các hình ảnh họ ghi lại để đưa tin giật gân và đưa ra hình ảnh Philippines như là nạn nhân’.

FOCAP cho biết họ ‘mạnh mẽ bác bỏ và lên án những tuyên bố sai trái, vô căn cứ’ của bà Hoa và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, cơ quan đã đăng lại ý kiến của bà Hoa trên X.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Các nhà báo nước ngoài và trong nước, bao gồm cả phóng viên Reuters, đã tháp tùng và đưa tin trên các con tàu tiếp tế trong vùng biển tranh chấp.

FOCAP cho biết ý kiến của bà Hoa là xúc phạm đến sự liêm chính của các nhà báo và nói thêm rằng ‘báo chí tự do và độc lập tường thuật không phải những gì họ được bảo phải tường thuật, mà là những gì họ thấy được’.

Một phát ngôn nhân của Lực lượng Tuần duyên Philippines, cơ quan hộ tống các tàu dân sự ra tiếp tế, viết trên X như sau: “Trung Quốc dường như đã bỏ qua sự thực là ở một nước dân chủ như Philippines, chúng tôi trân trọng tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Các đại sứ EU đạt thỏa thuận mới về nhập khẩu thực phẩm Ukraine 

28/3/2024 

Reuters 

Thu hoạch lúa mì ở gần làng Kivshovata, vùng Kyiv, Ukraine, tháng 7/2023 (Sergei SUPINSKY / AFP).

Thu hoạch lúa mì ở gần làng Kivshovata, vùng Kyiv, Ukraine, tháng 7/2023 (Sergei SUPINSKY / AFP). 

Các đại sứ của các nước trong Liên hiệp Châu Âu đạt được thỏa thuận với các điều khoản sửa đổi hôm thứ Tư 27/3 để gia hạn nhập khẩu thực phẩm miễn thuế từ Ukraine – với những hạn chế nhất định – sau khi một số quốc gia phàn nàn rằng thỏa thuận ban đầu có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường nông sản của khối.

Thỏa thuận giờ đây được chuyển đến Nghị viện châu Âu, các nhà ngoại giao dự báo rằng ở đó sẽ có những đòi hỏi phải bổ sung thêm các hạn chế, giữa lúc EU tranh cãi về việc cần tiếp tục miễn thuế như thế nào sau khi đã ban hành quy định miễn thuế hồi năm 2022 để trợ giúp nền kinh tế Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.

Một số nhóm nông nghiệp EU và các quốc gia như Pháp, Ba Lan cho rằng cần phải thắt chặt các biện pháp để tránh làm cho nông sản EU mất khả năng cạnh tranh. Ukraine và các nước khác lập luận rằng các mặt hàng nhập khẩu của Ukraine ít ảnh hưởng đến thị trường EU.

Một nhà ngoại giao EU nói rằng thỏa thuận mới – có hiệu lực đến tháng 6/2025 – có nội dung tương tự như thỏa thuận tạm thời được ký vào tuần trước nhưng đã thay đổi khoảng thời gian tham chiếu được sử dụng để xác định thời điểm áp dụng thuế đối với một số sản phẩm.

Thỏa thuận ban đầu quy định rằng thuế quan sẽ áp dụng đối với gia cầm, trứng, đường, yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong nếu nhập khẩu vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.

Nhà ngoại giao nói rằng có thỏa hiệp là sẽ mở rộng thời gian tham chiếu để bao gồm nửa cuối năm 2021. Điều đó làm giảm mức trần áp dụng thuế quan.

Bỉ, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, nhận xét rằng thỏa thuận này đảm bảo “một cách tiếp cận cân bằng giữa trợ giúp Ukraine và bảo vệ thị trường nông sản EU”.

Ước tính Ukraine sẽ mất khoản thu hàng năm là khoảng 330 triệu euro (357 triệu USD) – mặc dù vậy, việc tiếp tục đình chỉ thuế quan mang lại giá trị lớn hơn nhiều cho Kyiv.

Đàm phán Israel – Hamas lại bế tắc

Lý Ngọc biên dịch

Đàm phán Israel - Hamas lại bế tắc

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel sẽ không đáp ứng những yêu cầu ảo tưởng của Hamas. (Jack Guez/AFP qua Getty Images) 

Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas lại đổ vỡ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng sẽ không có điều gì có thể thỏa mãn “những yêu cầu ảo tưởng” của Hamas.

Văn phòng Thủ tướng Netanyahu hôm thứ Ba (26/3) ra tuyên bố cho biết: “Hamas một lần nữa bác bỏ mọi đề xuất thỏa hiệp của Mỹ “.

Tuyên bố liệt kê các yêu cầu “cực đoan” của Hamas, vốn bị Mỹ và Liên minh châu Âu coi là tổ chức khủng bố: Yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến ở Gaza, rút ​​hoàn toàn quân Israel khỏi lãnh thổ cũng như “tiếp tục kiểm soát để tái diễn thảm sát ngày 7/10”.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: “Lập trường của Hamas rõ ràng cho thấy họ hoàn toàn không quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán, và chứng tỏ sự phá hoại do các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (được thông qua vào thứ Hai yêu cầu ngừng bắn ở Gaza) đã gây ra”.

Ông Netanyahu một lần nữa nhấn mạnh trong tuyên bố rằng “Israel sẽ không đáp ứng những yêu cầu ảo tưởng của Hamas. Israel sẽ theo đuổi và đạt được các mục tiêu chiến tranh chính đáng của mình: Tiêu diệt năng lực quân sự và chính phủ của Hamas, thả tất cả con tin và đảm bảo rằng Gaza không còn là mối đe dọa đối với công dân Israel trong tương lai”.

Đài phát thanh Quân đội Israel cho biết, chính phủ Israel đã thông báo cho các nhà đàm phán của họ ở Qatar (Qatar đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên) trở về nước.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Netanyahu không đề cập đến điều này hay nói rằng các cuộc đàm phán đã dừng lại.

Điều này diễn ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Israel và Hamas, nhưng dường như có rất ít tiến triển.

Vào thời điểm đó, Israel đã nói rõ rằng lệnh ngừng bắn chỉ có thể là tạm thời trong khoảng sáu tuần hoặc lâu hơn, và cuộc chiến sẽ phải tiếp tục cho đến khi lực lượng Hamas còn lại bị tiêu diệt.

Israel cũng cho biết Hamas phải đồng ý thả con tin trước khi lệnh ngừng bắn có thể bắt đầu.

Theo CNN, trong cuộc hội đàm diễn ra tại Doha, Qatar, Chủ nhật tuần trước, các nhà đàm phán Israel đã ký một thỏa thuận đồng ý với đề xuất của Mỹ về việc trao đổi tù nhân và con tin, với 700 tù nhân Palestine, trong đó có 100 người bị kết án tù chung thân vì giết người Israel, đổi lấy 40 con tin bị Hamas bắt giữ, bao gồm phụ nữ, trẻ vị thành niên, người già và người ốm yếu. Nhưng Hamas cố gắng thắt chặt các điều khoản để đổi lấy con tin.

Hôm thứ Hai (25/3), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas ở Gaza, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Ông Netanyahu đã đưa ra tuyên bố đáp trả, nói rằng Hoa Kỳ đã đi chệch khỏi quan điểm nhất quán của mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ cuộc chiến tranh. Trước sự thay đổi quan điểm của Mỹ, ông Netanyahu quyết định hủy chuyến thăm Mỹ của phái đoàn Israel.

Chiến tranh Israel – Hamas nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái, khi Hamas phát động cuộc tấn công khủng bố vào Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt khoảng 250 người làm con tin. Israel ngay lập tức tiến hành các cuộc tấn công trả đũa chống lại Hamas và kéo dài cho đến ngày nay.

Đảng cầm quyền Ấn Độ dùng chống tham nhũng cho mục đích chính trị

Vào thứ Năm, một tòa án ở Delhi sẽ quyết định liệu Arvind Kejriwal, thủ hiến của thủ đô, có được ra tù hay không. Ông Kejriwal, lãnh đạo Đảng Aam Aadmi (AAP) — và là đối thủ nổi bật của thủ tướng Narendra Modi — bị bắt vào ngày 21 tháng 3 trong một cuộc điều tra tham nhũng (ông phủ nhận hành vi sai trái). Việc trả tự do cho ông sẽ là một bàn thua đối với chính phủ Modi, vốn bị cáo buộc sử dụng các cơ quan chống tham nhũng của Ấn Độ để quấy rối các đối thủ chính trị và những người chỉ trích khác.

Nhưng có vẻ ông Kejriwal sẽ không được tự do. Hai nhà lãnh đạo AAP khác, bị giam giữ trong cùng một cuộc điều tra, đã liên tục bị tòa án gia hạn thời gian tạm giam (một người là 13 tháng, người còn lại sáu tháng). Cả hai đều chưa được đưa ra xét xử. Chỉ còn ba tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử mà ông Modi được nhiều người dự đoán giành chiến thắng. Ông Kejriwal chắc chắn sẽ vắng mặt trong thời gian tranh cử.

Hôm nay kết án Sam Bankman-Fried 

Cuối năm ngoái Sam Bankman-Fried, từng là cậu bé vàng của tiền điện tử, đã bị truy tố vì bảy tội lừa đảo. Phiên tòa kéo dài 15 ngày, trong đó ông chứng kiến bạn bè và bạn gái cũ miêu tả cách các hành động của ông dẫn đến sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Vào thứ Năm, một thẩm phán ở Manhattan sẽ tuyên án Bankman-Fried.

Với tư cách là người đứng đầu FTX, Bankman-Fried có tên trong câu lạc bộ những người quyền lực và nổi tiếng ở Washington. Nhưng vào tháng 11 năm 2022, có thông tin cho rằng Alameda — quỹ phòng hộ tương tự của FTX, cũng do Bankman-Fried thành lập — nắm giữ rất ít tài sản ngoại trừ một số token kém thanh khoản. Những khách hàng hoảng sợ bắt đầu rút tiền khỏi sàn giao dịch; và chỉ trong vòng vài ngày FTX phải ngừng đáp ứng các yêu cầu rút tiền.

Bankman-Fried hiện phải đối mặt với án tù hàng chục năm, với mức tối đa là 110 năm. Các công tố viên liên bang cho biết ông có thể phải nhận tới 50 năm tù vì “dàn dựng một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử.”

Thượng đỉnh Pháp-Brazil

Emmanuel Macron bắt đầu chặng chính thức của chuyến thăm cấp nhà nước tới Brazil vào thứ Năm, sau hai ngày ở nước này. Tổng thống Pháp sẽ gặp người đồng cấp Brazil, Luiz Inácio Lula da Silva, tại dinh tổng thống ở thủ đô Brasília. Cặp đôi này, một người từng là chủ ngân hàng đầu tư và người kia từng là công nhân luyện kim, đã gặp nhau hai lần trong tuần qua: một ở Amazon để thảo luận về việc bảo vệ rừng nhiệt đới, và một ở gần Rio de Janeiro để hạ thủy một tàu ngầm hải quân sử dụng công nghệ Pháp.

Hai nhà lãnh đạo có một số chủ đề gai góc phải thảo luận. Đầu tiên là việc ông Macron từ chối ủng hộ thỏa thuận thương mại Mercosur giữa EU và các nước Mỹ Latinh – một quan điểm mà Lula đổ lỗi cho nông dân Pháp. Thứ hai là hy vọng của ông Macron nhằm thuyết phục Brazil hỗ trợ Ukraine trước cuộc chiến của Nga. Cũng như nhiều nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển, Lula cho đến nay vẫn từ chối lên án hành động của Nga.

Tranh cãi Ba Lan-Ukraine vẫn chưa chấm dứt

Quan hệ Ba Lan-Ukraine rạn nứt từ tháng 2 khi nông dân Ba Lan chặn một số cửa khẩu ở biên giới hai nước và phá hủy các ụ ngũ cốc của Ukraine, nhằm phản đối điều mà họ cho là cạnh tranh không lành mạnh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp. Một ngày sau, Denys Shmyhal, thủ tướng của ông, đến biên giới để đàm phán, nhưng không có ai đến gặp ông. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh Ukraine sẽ phải đợi tới cuộc gặp dự kiến diễn ra tại Warsaw vào ngày 28/3.

Hôm nay là 28/3. Vào thứ Năm, hai chính phủ sẽ thảo luận kế hoạch của EU nhằm mở rộng tự do hóa thương mại đối với một số mặt hàng nông sản của Ukraine, được cấp lần đầu vào năm 2022, cho đến giữa năm 2025. Ba Lan sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp để bảo vệ nông dân trong nước. Tuần trước, EU cho biết họ đang chuẩn bị “các biện pháp bảo vệ” để ngăn chặn làn sóng sản phẩm giá rẻ tràn vào. Nhưng ông Zelensky cảnh báo rằng những biện pháp này cuối cùng sẽ có tác dụng chống lại châu Âu. Ông nói với Hội đồng châu Âu: “Bất kỳ tổn thất nào trong thương mại đều làm mất đi nguồn tài nguyên để có thể ngăn cản Nga.”

Comments are closed.