Thời sự Thứ Sáu 09/06/2023: *TQ lập một căn cứ gián điệp ở Cuba. *TQ xâm nhập không phận, Đài Loan kích hoạt phòng không. *Vụ Vỡ đập ở Ukraine: hậu quả. *Cựu TT Donald Trump bị truy tố?


Võ Thái Hà tổng hợp


Báo Mỹ: Trung Quốc dự trù lập một căn cứ gián điệp ở Cuba

Thanh Phương /RFI

Theo báo chí Mỹ hôm qua 08/06/2023, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật với Cuba để thiết lập một căn cứ gián điệp trên hòn đảo nằm kế bên Hoa Kỳ. Nhưng cả Washington lẫn La Habana đều bác bỏ thông tin này. 

Hình minh họa. Một người bán hàng trang trí cửa hiệu tại Hồng Kông ngày 13/05/2023. AP – Andy Wong 

Theo nhật báo The Wall Street Journal, trích dẫn các nguồn tin Mỹ, thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Cuba dự trù thiết lập một trạm nghe lén điện thoại trên hòn đảo chỉ cách bờ biển bang Florida 200 km. Bang này là nơi đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Hoa Kỳ. Tờ báo Mỹ cho biết Bắc Kinh sẽ trả cho Cuba “nhiều tỷ đôla” để xây cơ sở nói trên.

Theo hãng tin AFP, kênh truyền hình CNN, trích dẫn các nguồn tin thân cận với giới tình báo Mỹ, cũng đề cập đến thỏa thuận giữa Trung Quốc với Cuba, nhưng họ “không chắc là Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng căn cứ đó hay chưa”.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở rộng sự hiện diện quân sự Trung Quốc trên khắp thế giới để cạnh tranh với quân đội Hoa Kỳ, hiện đã có mặt ở khắp năm châu. Nhưng việc thiết lập một căn cứ của Trung Quốc tại Cuba, gần bờ biển Florida, sẽ là một bước mới của Bắc Kinh và Washington sẽ xem đây là một mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, hôm qua, Nhà Trắng, qua lời phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby, đã cho rằng thông tin của The Wall Street Journal về căn cứ gián điệp của Trung Quốc ở Cuba là “không đúng sự thật”. Về phần phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, ông cho biết chưa có thông tin nào về việc thiết lập bất cứ một căn cứ gián điệp nào của Trung Quốc ở Cuba. Tướng Ryder khẳng định Hoa Kỳ vẫn “liên tục” theo dõi quan hệ giữa Bắc Kinh với La Habana. 

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, một thứ trưởng Ngoại Giao của Cuba hôm qua đã ra một thông cáo cho rằng những thông tin của The Wall Street Journal là “ dối trá và không có cơ sở”. Vị thứ trưởng này khẳng định Cuba “không chấp nhận bất cứ sự hiện diện quân sự nào của nước ngoài” tại khu vực châu Mỹ Latinh.

Về phần Trung Quốc, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Vương Văn Bân hôm nay cáo buộc Hoa Kỳ phao “tin đồn” về căn cứ gián điệp ở Cuba, đồng thời yêu cầu Washington “ngưng can thiệp vào chuyện nội bộ của Cuba”. 


Máy bay Trung Quốc xâm nhập, Đài Loan kích hoạt phòng không 

09/6/2023 

Reuters 

Máy bay chiến đấu J-11 của không lực Trung Quốc thường xuyên bay vào không phận gần Đài Loan.

Máy bay chiến đấu J-11 của không lực Trung Quốc thường xuyên bay vào không phận gần Đài Loan. 

Đài Loan hôm 8/6 kích hoạt các hệ thống phòng thủ sau khi có báo cáo 37 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào khu vực phòng không của hòn đảo, một số sau đó bay vào phía tây Thái Bình Dương. Đây là vụ xâm nhập không phận hàng loạt mới nhất của Bắc Kinh.

Trung Quốc coi Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của mình. Trong ba năm qua, lực lượng không quân của họ thường xuyên bay vào không phận gần hòn đảo, mặc dù không vào không phận lãnh thổ của Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết từ 5 giờ sáng ngày 7/6, họ đã phát hiện 37 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu J-11 và J-16 cũng như máy bay ném bom H-6 có khả năng hạt nhân, bay vào góc tây nam của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Một số máy bay Trung Quốc đã bay tới phía đông nam của Đài Loan và đi vào phía tây Thái Bình Dương để thực hiện “giám sát trên không và huấn luyện điều hướng đường dài”, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói.

Đài Loan đã điều máy bay và tàu để theo dõi và kích hoạt các hệ thống phi đạn trên đất liền để phản ứng với hành động của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn thứ hai của cuộc tuần tra chung trên không với Nga ở Tây Thái Bình Dương vào ngày 7/6, sau các chuyến bay vào ngày hôm trước trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, khiến Nhật Bản lo ngại về an ninh quốc gia.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đã điều một máy bay chiến đấu phản lực vào sáng ngày 8/6 để đáp trả một máy bay thu thập thông tin Y-9 của Trung Quốc bay qua Thái Bình Dương và phía đông Đài Loan.

Phát ngôn viên hàng đầu của Tokyo, Hirokazu Matsuno, cho biết trong một cuộc họp báo rằng Nhật Bản cũng đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc vì các tàu hải quân và tuần duyên của Bắc Kinh đi vào lãnh hải của Nhật Bản dọc theo quần đảo phía tây nam của nước này hôm 8/6.

Bà Laura Rosenberger, chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, cơ quan quản lý mối quan hệ không chính thức giữa Washington và Đài Bắc, sẽ đến thăm Đài Loan trong tuần này.

Hôm 5/6, bà nói với truyền thông Đài Loan rằng Hoa Kỳ có lợi ích lâu dài trong việc duy trì sự ổn định ở Eo biển Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trang bị vũ khí cho hòn đảo này, một nguồn gốc gây xích mích liên tục trong quan hệ Trung-Mỹ.

Vào tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã tổ chức tập trận xung quanh Đài Loan sau chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Chính phủ Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.


Vỡ đập ở Ukraine: Người dân mất nhà cửa, nguy cơ dịch bệnh do lũ lụt dâng cao

Vỡ đập ở Ukraine: Người dân mất nhà cửa, nguy cơ dịch bệnh do lũ lụt dâng cao

Ảnh chụp màn hình từ một video cho thấy nước ồ ạt tràn qua phần thân đập Nova Kakhovka bị vỡ ngày 6/6/2023 tại đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro ở miền Nam Ukraine. (Ảnh: Zelenskyy Social Media Account/Handout/Anadolu Agency/Getty Images) 

Người dân Ukraine đã phải rời bỏ những ngôi nhà bị ngập hôm thứ Tư (7/6) do lũ lụt tràn qua, sau khi một đập thủy điện khổng lồ trên chiến tuyến giữa Nga và Ukraine ở Kherson bị phá hủy.

Người dân lê bước qua những con đường ngập nước, cõng trẻ em trên vai, tay ôm những chú chó và mang theo đồ đạc đựng trong túi nhựa. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đã sử dụng thuyền cao su để tìm kiếm những người sống sót ở những vùng nước dâng cao quá đầu người.

Ukraine cho biết trận “đại hồng thủy” sẽ khiến hàng trăm nghìn người không có nước uống, hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp bị ngập nước và biến ít nhất 500.000 ha đất đai ở thượng nguồn sông Dnipro thành “sa mạc” do không được tưới tiêu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu qua video rằng không thể dự đoán có bao nhiêu người sẽ chết ở các khu vực lũ lụt, đồng thời kêu gọi “thế giới phản ứng rõ ràng và nhanh chóng” để hỗ trợ các nạn nhân.

“Tình hình ở khu vực Kherson bị chiếm đóng vô cùng thảm khốc. Những kẻ chiếm đóng chỉ đơn giản là bỏ rơi người dân trong điều kiện tồi tệ. Không có viện trợ, không có nước, và mọi người bị bỏ lại trên mái nhà của những khu vực bị ngập nước”, ông tuyên bố.

Đến thăm thành phố Kherson ở hạ lưu con đập, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết thảm họa lũ lụt đã gây thiệt hại cho hơn 80 khu dân cư; đồng thời giải phóng hóa chất và vi khuẩn truyền nhiễm vào nguồn nước.

Vụ vỡ đập Nova Kakhovka hôm 6/6 xảy ra trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị một cuộc “phản công mùa xuân” trong cuộc xung đột với Nga. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau gây ra vụ việc này. Kyiv cho biết quân đội của họ đã phản công ở thị trấn Bakhmut thuộc miền đông Ukraine. Về phần mình, Moscow nói rằng họ đã ngăn được cuộc tấn công.

Đập thủy điện Nova Kakhovka được xây dựng vào năm 1956, cao 30 mét và dài 3,2 km. Con đập là một phần của nhà máy thủy điện Nova Kakhovka và có sức chứa tương đương với Hồ Muối Lớn ở bang Utah của Mỹ, nhưng đã bị phá hủy vào rạng sáng ngày 6/6, khiến hàng triệu lít nước tràn qua một lỗ hổng.

Hôm 7/6, Kyiv tuyên bố rằng các binh sĩ của họ ở miền đông Ukraine đã tiến được hơn một km xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá, đồng thời khẳng định đây là tiến bộ rõ rệt nhất của họ kể từ khi Nga báo cáo về việc quân Ukraine bắt đầu cuộc phản công hồi đầu tuần này. Moscow tuyên bố họ đã đẩy lùi cuộc phản công.

Ông Oleksiy Danilov, Thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết các cuộc tấn công đang diễn ra vẫn còn cục bộ và cuộc tấn công toàn diện vẫn chưa bắt đầu. “Khi chúng tôi bắt đầu, mọi người sẽ biết và sẽ chứng kiến điều đó”, ông nói.

Vài tháng trước, Kyiv cho biết các lực lượng Nga đã kiểm soát con đập ngay từ đầu cuộc chiến và có thể đã cho nổ tung nó để cố gắng ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt qua sông Dnipro trong cuộc phản công.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Ukraine phá hủy con đập theo sự hậu thuẫn của phương Tây. Ông Putin cho rằng “tội ác chiến tranh” này đã làm leo thang xung đột. Nhà lãnh đạo Nga mô tả vụ việc là một “thảm họa môi trường và nhân đạo”, theo thông báo của Điện Kremlin.

Hiện, vẫn chưa có bên nào đưa ra bằng chứng công khai chứng minh bên nào phải chịu trách nhiệm về vụ việc.

Các lực lượng Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực thuộc tỉnh Kherson mà họ kiểm soát, nơi có nhiều thị trấn và làng mạc nằm ở vùng đất thấp lộ thiên bên dưới con đập. Tại thị trấn Nova Kakhovka bên cạnh con đập, nguồn nước màu nâu đã nhấn chìm các khu phố chính và hầu như không còn người ở.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Thị trưởng Vladimir Leontyev cho biết, hơn 30.000 mét khối nước tuôn ra từ hồ chứa của con đập mỗi giây và thị trấn có nguy cơ bị ô nhiễm từ dòng nước lũ.

Trong khi đó, Tổng thống Zelenskyy hôm 7/6 cho biết ông rất “sốc” trước điều mà ông gọi là thiếu viện trợ của Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ đối với các nạn nhân của thảm họa cho đến nay. Ngay sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter rằng “trong vòng vài giờ tới, chúng tôi sẽ gửi viện trợ để đáp ứng nhu cầu trước mắt”.

Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết, một nhóm đã có mặt ở Kherson để điều phối các nỗ lực cứu trợ. Tiếp cận với nước uống là một mối quan tâm lớn và khoảng 12.000 chai nước cùng 10.000 viên lọc đã được phân phối đến tay người dân.

Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Oleksiy Kuleba cho biết Ukraine dự kiến nước lũ sẽ rút vào cuối ngày 7/6 sau khi dâng cao khoảng 5 mét trong một đêm.

Hai nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực lũ lụt do Ukraine kiểm soát và nước đã đạt mức cao nhất tại 17 khu dân cư với tổng số 16.000 người.

Huyền Anh tổng hợp

Nạn nhân lũ lụt Ukraina nói lực lượng chiếm đóng Nga bỏ rơi người dân trong thảm họa

Liên Thành

Các nạn nhân lũ lụt ở các khu vực do Nga chiếm đóng ở miền nam Ukraina hôm thứ Tư (7/6), đã mô tả cảnh tượng hoảng loạn và tuyệt vọng, khi cư dân vẫn bị mắc kẹt trong nhà của họ và không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền chiếm đóng Nga di dời người dân đến nơi an toàn.

“Cả con phố mọi người đang ngồi trên mái nhà của họ, cầu xin sự giúp đỡ. Những con vật đang chết đuối và hú lên”, một phụ nữ từ Oshky, nơi đang bị Nga chiếm đóng nói với The Washington Post qua ứng dụng nhắn tin Telegram.

Một phụ nữ khác cũng từ Oeshky, một thị trấn ở bờ đông sông Dnipro, gần như bị nhấn chìm hoàn toàn bởi vụ vỡ đập Nova Kakhovka hôm thứ Ba, cho biết trong một nhóm trò chuyện được tạo bởi các tình nguyện viên rằng: “Tôi cầu xin bạn, làm ơn, hãy giúp bố mẹ tôi. Họ bị mắc kẹt. Tôi sẽ trả tiền, nhưng chỉ cần cứu họ”.

Thủ phạm của vụ vỡ đập vẫn chưa rõ ràng vào thứ Tư. Ukraina và Nga trước đó đã đổ lỗi cho nhau. 

Trong khi chính quyền Ukraina bờ bên kia đang nỗ lực giúp người dân của họ đến nơi an toàn, bờ bên này do Nga kiểm soát dường như đang bỏ mặc các nạn nhân trong thảm họa. Tổng thống Zelensky hôm thứ Tư đã cáo buộc Nga đã pháo kích vào các lực lượng cứu hộ khi họ nỗ lực di dời người dân. Ông cũng nói ông bị sốc trước sự thất bại của Liên hợp quốc và Hội Chữ thập đỏ quốc tế, vì họ không có ở hiện trường để giúp đỡ.

Theo Washington Post, sự khốn khổ đang diễn ra ở Oeshky và ít nhất bảy thị trấn và làng mạc khác ở hạ lưu nơi do quân Nga chiếm đóng. Một cư dân cho biết chính quyền ở đó không giúp được gì và thậm chí cản trở quá trình các tình nguyện viên nỗ lực cứu người như chặn xe buýt, thuyền đi vào các vùng bị ngập lụt.

Ukraina yêu cầu Nga bồi thường hàng tỷ đô la cho vụ vỡ đập Nova Kakhovka

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/06/anh-man-hinh-2023-06-08-luc-114009-copy-700x366.jpg

Kyiv đang yêu cầu Nga bồi thường hàng tỷ đô la cho việc phá hủy đập Nova Kakhovka. (ảnh chụp màn hình video). 

Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, nói với Newsweek rằng việc phá hủy con đập được xây dựng từ thời Liên Xô ở miền nam Ukraina trên sông Dnipro là “hoàn toàn khủng khiếp”.

Ukraina và NATO cáo buộc Nga đứng sau vụ phá hủy con đập. Ông Zelensky cáo buộc các lực lượng Nga đã cho nổ tung Nhà máy Thủy điện Kakhovka từ bên trong cơ sở, như một phần của “cuộc tấn công khủng bố”, trong khi đó Nga nói chính Ukraina gây ra thảm họa.

Cố vấn Oleg Ustenko cho biết: “Đây là một cuộc tấn công khủng bố rất rõ ràng của người Nga sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: môi trường bị ảnh hưởng, người dân mất nhà cửa, và cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông nói thêm: “Cái giá tổng thể của việc phá hủy con đập là hàng tỷ đô la. Nga phải bị ngăn chặn bằng mọi biện pháp có thể, kể cả các biện pháp trừng phạt nặng nề. Ukraina cũng phải được bồi thường cho mọi thiệt hại do Nga gây ra – cho đến từng đồng xu cuối cùng”. 

Tổng thống Zelensky đã mô tả tình huống này là “một quả bom hủy diệt hàng loạt về môi trường” khiến hàng trăm nghìn người không có nước sạch. Trong khi đó Bộ Nông nghiệp Ukraina cho biết trong một tuyên bố rằng, con đập bị vỡ đã cắt nguồn cung cấp nước cho 31 hệ thống thủy lợi ở các vùng Kherson, Zaporizhzhia và Dnipro của Ukraina. Bộ cho biết điều này sẽ dẫn đến thực tế là các cánh đồng ở miền nam Ukraina có thể biến thành sa mạc vào năm tới.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraina, cho biết vụ vỡ đập cho thấy Putin sẵn sàng hy sinh mạng sống của cả thường dân Ukraina và Nga.

Ông Gerashchenko nói với Newsweek: “Trước hết, đây là tín hiệu cho thấy Nga sử dụng chiến thuật ‘thiêu đốt địa cầu’. Chính quyền Nga không thể tính toán hậu quả hành động của họ, nhưng họ chắc chắn không quan tâm đến cuộc sống và tương lai hạnh phúc của thường dân của họ”.

Ông Gerashchenko nói thêm: “Không chỉ người Ukraina, mà cả người dân của họ nữa. Vì vậy, hậu quả của thảm họa Crimea là một bằng chứng nữa cho thấy Điện Kremlin không hề quan tâm đến người dân, và họ sẵn sàng hy sinh bất cứ ai”.

#Giới quan sát cũng đang nghiêng về khả năng Nga cho nổ đập, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chính Ukraina đã gây ra thảm hoạ này.

Nổi tiếng là bình luận của Tucker Carlson, người dẫn chương trình giờ vàng một thời của Fox News (Mỹ).

Trong chương trình đầu tiên của mình vào tối thứ Ba trên twitter, ông Tucker Carlson lập luận:

“Làm nổ tung con đập có thể không tốt cho Ukraina, nhưng nó làm tổn hại đến Nga nhiều hơn, và chính vì lý do đó, chính phủ Ukraina đã cân nhắc việc phá hủy nó”.

Vì vậy, theo ông  Carlson, một người công bằng sẽ kết luận rằng người Ukraina có thể đã cho nổ tung nó, giống như bạn cho rằng họ đã cho nổ tung Nord Stream, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga vào mùa thu năm ngoái.

Sau đó, Tucker Carlson bình luận về Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, người gần như được các chính phủ phương Tây tôn vinh và ca ngợi, mỉa mai ông là người gian xảo, kẻ bức hại những người theo đạo Cơ đốc.

Chỉ sau hơn một ngày, chương trình mới của ông Tucker Carlson đã thiết lập một con số khổng lồ khi đã có hơn 92 triệu lượt xem, hơn 711 ngàn like. 

Trước đó, vào tháng 4, Fox News xác nhận trong một tuyên bố – họ đã chia tay Tucker Carlson. Cả Fox và ông Carlson thời điểm đó không tiết lộ về lý do dẫn đến cuộc chia ly này.

Liên Thành

Lũ lụt do vỡ đập nhấn chìm các chiến hào ở các lãnh thổ do Nga kiểm soát

Chia sẻ với Newsweek, George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Ch iến tranh cho biết, trận lụt đã ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị quân sự của phía Nga. Bờ trái thấp hơn, do đó nước chủ yếu chảy về hướng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

Ông nói thêm: “Tôi đã chứng kiến ​​nhiều công sự trên chiến trường của Nga bị nước bao vây hoàn toàn. Các chiến hào của Nga nằm ngay sát sông, bề ngoài được thiết kế để chống lại bất kỳ cuộc vượt sông nào của Ukraina, đã bị nước nuốt chửng. Tôi đã nhìn thấy những bãi mìn bị nước nuốt chửng”.

Tuy nhiên, tác động cuối cùng của lũ lụt sẽ không rõ ràng trong vài ngày nữa, hoặc thậm chí vài tuần nữa. 

Ông đánh giá, nếu lũ lụt ổn định trong vài ngày tới và lượng nước không lớn đến mức ngăn cản hoàn toàn các nỗ lực vợt sông, thì nó có thể cho phép người Ukraina tiếp cận bờ trái. Tuy nhiên, nếu nước không rút trong nhiều tuần và người Ukraina không thể băng qua sông, thì điều đó có nghĩa là người Nga về cơ bản đã loại bỏ được kế hoạch của Ukraina.

Ông nói thêm, tất cả những gì chúng tôi có thể nói là sự kiện này sẽ thay đổi địa hình của một số khu vực nhất định trên chiến trường, theo những cách chưa hoàn toàn rõ ràng.

Liên Thành


Nga tiêu diệt xe tăng ‘kỳ lạ’ của Ukraina

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/06/anh-man-hinh-2023-06-07-luc-120029-copy-700x366.jpg

Nga tiêu diệt xe tăng ‘kỳ lạ’ của Ukraina. 

Trong quá trình đẩy lùi cuộc phản công của quân đội Ukraina, lực lượng Nga được cho đã phá hủy một chiếc xe tăng kỳ lạ.

Đoạn phim, được công bố hôm thứ Ba (ngày 6 tháng 6) bởi Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan này tuyên bố một chiếc xe tăng Leopard do Đức sản xuất, đã bị phá huỷ vì trúng một hoả tiễn chống tăng của Nga một ngày trước đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát hiện những chi tiết kỳ lạ, như bánh xe lớn, và những chi tiết khác, vốn không hiện diện trong thiết kế xe tăng Đức. https://t.me/Prigozhin_hat/3630?embed=1

Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của tập đoàn lính đánh thuê Wagner –  đã mô phỏng lại những hình ảnh do quân đội Nga công bố, cho thấy chúng không phải là xe tăng Leopard, mà là các máy sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng.

Ông này còn viết một thông điệp mỉa mai “Chúc mừng ban lãnh đạo và các chiến binh của Bộ Quốc phòng Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Vào hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong 24 giờ qua, họ đã tiêu diệt 28 xe tăng Ukraina, trong đó có 8 chiếc Leopard và 3 xe tăng hạng nhẹ AMX-10 của Pháp. Tuy nhiên số liệu này chưa được kiểm chứng, rất khó để biết được nó có phải là sự thật hay không.

Liên Thành

Cựu lãnh đạo NATO cảnh báo các thành viên có thể đưa quân tới Ukraine

Cựu tổng thư ký NATO Anders Rasmussen cho biết một nhóm các quốc gia NATO có thể sẵn sàng đưa quân tới Ukraine nếu các quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ, không cung cấp các đảm bảo an ninh hữu hình cho Kyiv tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius sắp tới.

Ông Rasmussen, người đóng vai trò cố vấn chính thức cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về vị trí của Ukraine trong cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu, đã đi thăm châu Âu và Washington để đánh giá tình hình trước khi hội nghị thượng đỉnh quan trọng bắt đầu vào ngày 11/7.

Ông cảnh báo rằng ngay cả khi một nhóm các quốc gia chỉ cung cấp cho Ukraine các đảm bảo an ninh và cho rằng thế là đủ, thì sẽ có các quốc gia khác không cho phép vấn đề tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine bị loại khỏi chương trình nghị sự tại Vilnius.

Nhận xét của ông được đưa ra khi người đứng đầu NATO hiện tại, Jens Stoltenberg, cho biết vấn đề đảm bảo an ninh sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại Vilnius, nhưng nói thêm rằng NATO – theo điều 5 của hiệp ước Washington – chỉ cung cấp các đảm bảo an ninh trọn vẹn cho các thành viên chính thức.

Đại sứ Mỹ tại NATO, Julianne Smith, cho biết: “Chúng tôi đang xem xét một loạt các lựa chọn để báo hiệu rằng Ukraine đang tiến triển trong mối quan hệ với NATO.”

Ông Rasmussen nói: “Nếu NATO không thể đồng ý về một con đường rõ ràng phía trước cho Ukraine, có khả năng rõ ràng là một số quốc gia có thể hành động riêng lẻ. Chúng tôi biết rằng Ba Lan rất tích cực trong việc cung cấp hỗ trợ cụ thể cho Ukraine. Và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh này trên cơ sở quốc gia và được các quốc gia Baltic theo sau, có thể bao gồm cả khả năng triển khai quân đội trên bộ.”

“Tôi nghĩ người Ba Lan sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia và tập hợp một liên minh thiện chí nếu Ukraine không giành được gì ở Vilnius. Chúng ta không nên đánh giá thấp cảm xúc của người Ba Lan, người Ba Lan cảm thấy rằng trong một thời gian dài Tây Âu đã không lắng nghe những lời cảnh báo của họ về tâm lý thực sự của Nga.”

Ông nói rằng việc Ukraine tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự như vậy là hoàn toàn hợp pháp.

Ông Rasmussen cho biết điều bắt buộc là Ukraine phải nhận được các đảm bảo an ninh bằng văn bản, tốt nhất là trước hội nghị thượng đỉnh, nhưng bên ngoài khuôn khổ của NATO. Những điều này cần bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện chung với Ukraine, tăng cường sản xuất đạn dược, khả năng tương tác của NATO và cung cấp vũ khí đủ để ngăn chặn Nga khỏi một cuộc tấn công tiếp theo.

Ngân Hà (theo The Guardian)

Chris Christie: Mỹ phải trang bị vũ khí cho Ukraine đến khi họ thắng Nga

Cựu Thống đốc New Jersey, ứng viên tổng thống Mỹ Chris Christie hôm thứ Tư (7/6) nói trên CNN rằng Mỹ nên trang bị vũ khí cho Ukraine đến khi họ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.

Trong chương trình “The Lead” của CNN, người dẫn chương trình Jake Tapper nói với ông Chris Christie: “Kẻ độc tài người Nga Vladimir Putin đã đang tiến hành cuộc xâm lược Ukraine ác nghiệt, giết hại rất nhiều thường dân. Như ông biết đấy, hai đối thủ của ông [trong cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống 2024 của Đảng Cộng hòa] đã đưa ra một số dấu hiệu đáng chú ý. Donald Trump trong buổi tọa đàm với Kaitlyn Collins đã từ chối nói ông muốn bên nào Ukraine hay Nga sẽ chiến thắng. Ông ta từ chối gọi Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh. Ron DeSantis gọi cuộc chiến đó là tranh chấp lãnh thổ. Liệu họ có sai? Quan điểm của ông là gì?”

Ông Chris Christie đáp rằng: “Họ sai. Họ sai. Đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Trung Quốc. Cuộc chiến đó là như thế. Trung Quốc đang mua dầu mỏ của Nga không như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đang làm. Họ đang cấp tiền cho quân đội Nga sát hại người Ukraine. Chủ tịch Tập tới Nga sát cánh cùng Putin và nói không có giới hạn nào trong mối quan hệ hữu nghị của Trung Quốc với Nga. Nếu quý vị không hiểu rằng đây là một thỏa thuận lớn hơn chứ không chỉ là về lãnh thổ Ukraine, thì đó là một thỏa thuận lớn hơn. Những bạn hữu của chúng ta trên khắp thế giới sẽ nhìn chúng ta gắn kết và sát cánh với bạn hữu của chúng ta và cung cấp cho họ những công cụ mà họ cần để họ tự bảo vệ trước sự hung hăng của kẻ độc tài”.

Ông Chris Christie nói tiếp: “Tôi không biết Tổng thống Trump nghĩ gì về điều này, ngoại trừ việc tôi biết rằng ông ta đã đang là con rối của Putin từ khi ông ta là tổng thống Mỹ. Chúng ta đã tranh cãi thường xuyên về Vladimir Putin trong thời gian ông [Trump] là tổng thống”.

Cựu thống đốc New Jersey nói thêm: “Tôi nghĩ những điều chúng ta cần làm là rất rõ ràng. Chúng ta cần cung cấp cho Ukraine tất cả các loại vũ khí quân dụng hạng nặng mà họ cần để tự vệ chống lại cuộc xâm lăng này, và chúng ta cần tiếp tục làm như thế cho đến khi nào họ sẵn sàng giải quyết được cuộc xung đột với Nga”.

Xuân Thành


Dân số Ukraine hiện còn 29 triệu, hơn một nửa của 52 triệu thời lập quốc 1991

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/dan-so-ukraine.jpg

Theo một nghiên cứu của Viện Ukraine Tương lai đăng trên mạng xã hội ngày 5/6, Ukraine có 29 triệu dân tính vào tháng 5/2023. So sánh: 52 triệu dân thời điểm lập quốc năm 1991, và 41 triệu dân vào tháng 1/2022. Tỷ lệ sinh nhỏ hơn 1, trong khi muốn dân số ổn định thì cần lớn hơn 2. Theo Viện thì tổng thống cần đặt chính sách dân số lên quốc sách hàng đầu, nếu không thì đất nước sẽ tiến vào giai đoạn người ở chế độ nghỉ hưu nhiều gấp đôi số người đi làm.

Theo nội dung của công bố của Viện, 8,6 triệu người đã rời khỏi Ukraine và không trở lại kể từ chiến tranh 2/2022.

Trong số 29 triệu người hiện nay ở Ukraine tính vào tháng 5/2023, thì chỉ có 9,1–9,5 triệu người Ukraine làm việc và nếu trừ những người nhận lương theo ngân sách, thì còn lại khoảng 6–7 triệu người. Số người đó đang phải ‘gánh vác’ 22–23 triệu người khác —người ăn lương hưu, trẻ em, thất nghiệp, sống bằng ngân sách, v.v.

Hệ số sinh đã giảm xuống dưới 1, trong khi muốn dân số ổn định thì cần phải lớn hơn 2.

Theo Viện, nếu không có gì thay đổi, trong tương lai vài năm tới số người về hưu ở Ukraine sẽ gấp đôi số người đang đi làm.

Theo phần tự giới thiệu của Viện Ukraine Tương lai, trong những người sáng lập Viện có Đại biểu Nhân dân Anton Gerashchenko và Oleksiy Skrypnyk; trong danh sách ban giám sát của Viện có một số chuyên gia nước ngoài từ Anh, Mỹ, và Đức.

Gần đây Trí Thức VN đã đưa tin, theo thông báo từ Viện Nghiên cứu Xã hội Nhân khẩu học Ukraine, thì Ukraine có khoảng 28–34 triệu dân (không tính Crimea) vào tháng 1/2023. Xu hướng dân số đang giảm, với dự đoán còn 24—32 triệu dân vào năm 2030.

Báo cáo bấy giờ của Viện Nhân khẩu học đã nói rằng xu thế giảm dân số cùng với làn sóng di chuyển và di cư, đang khiến Ukraine có sự biến đổi về thành phần dân tộc.

Cả 2 báo cáo dân số nói trên đều là của các tổ chức bên trong Ukraine.

Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc vào đầu tháng này, con số người di cư khỏi Ukraine kể từ đầu chiến tranh 2/2022 lên tới tận 22 triệu người (xem hình trên). Cao hơn đáng kể so với các con số của các viện đã dẫn Ukraine.

Nhật Tân


Nghĩa địa cá chết khổng lồ đã hình thành ở miền nam Ukraina sau vụ vỡ đập

Liên Thành

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/06/anh-man-hinh-2023-06-08-luc-125240-copy-700x366.jpg

Một nghĩa địa cá chết khổng lồ đã hình thành ở miền nam Ukraina kể từ khi đập Nova Kakhovka bị vỡ. (Ảnh: news.sky). 

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraina Andriy Yermak gọi hiện trường ở làng Marianske là “bệnh dịch cá hàng loạt” do “sự hủy diệt khủng bố” của Nga gây ra.

Bộ Y tế Ukraina cảnh báo loại cá này không thể sử dụng được, do nguy cơ chứa các hóa chất nguy hiểm, mầm bệnh và ký sinh trùng. 

Những hình ảnh lặp lại lời của cố vấn cấp cao của tổng thống Mykhailo Podolyak, người hôm thứ Ba đã dự đoán một “thảm họa sinh thái toàn cầu đang diễn ra, và hàng nghìn loài động vật và hệ sinh thái sẽ bị hủy diệt trong vài giờ tới”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã coi vụ vỡ đập là một “thảm họa sinh thái”.


Tin nói cựu Tổng thống Donald Trump bị truy tố vì xử lý sai trái tài liệu chính phủ 

09/6/2023 

Reuters 

Vụ án hình sự, do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình, đề ra một trở ngại pháp lý khác nữa cho ông Trump trong khi ông tìm cách giành lại chức vụ tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm sau.

Vụ án hình sự, do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình, đề ra một trở ngại pháp lý khác nữa cho ông Trump trong khi ông tìm cách giành lại chức vụ tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm sau. 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố vì lưu giữ các tài liệu mật của chính phủ và cản trở công lý, luật sư của ông Trump và một nguồn tin nắm rõ chi tiết vụ việc cho biết, theo Reuters.

Vụ án hình sự, do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình, đề ra một trở ngại pháp lý khác nữa cho ông Trump trong khi ông tìm cách giành lại chức vụ tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm sau. Ông hiện đang đối mặt với một vụ án hình sự ở New York sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 3 năm sau.

Ông Trump viết trên mạng xã hội rằng ông đã được triệu tập ra trình diện tòa án liên bang ở Miami vào ngày thứ Ba tuần sau. “TÔI LÀ NGƯỜI VÔ TỘI!” ông viết trên nền tảng Truth Social.

Người phát ngôn của Công tố viên đặc biệt Jack Smith, quan chức Bộ Tư pháp đang thụ lý cuộc điều tra, từ chối bình luận. Về mặt pháp lý, chính phủ không thể bình luận công khai về bất cứ việc gì liên quan tới đại bồi thẩm đoàn mà hiện vẫn còn niêm phong.

Ông Trump đối mặt với bảy tội danh trong vụ án liên bang, nguồn tin giấu tên nói với Reuters.

Bản cáo trạng vẫn được niêm phong và ngay cả bản thân ông Trump cũng chưa thấy được nội dung của nó. Đội ngũ pháp lý của ông đã được thông báo về bảy cáo buộc như một phần của lệnh triệu tập ông Trump ra hầu tòa, nguồn tin cho biết.

Phát biểu trên đài CNN, Jim Trusty, luật sư của Trump, cho biết những cáo buộc đó bao gồm âm mưu, phát biểu sai sự thật, cản trở công lý và lưu giữ trái phép các tài liệu mật theo Đạo luật Gián điệp. Ông nói ông dự liệu sẽ được xem bản cáo trạng từ nay đến ngày thứ Ba.

Reuters nói không thể biết ngay những cáo buộc cụ thể mà ông Trump đối mặt là gì. Trong một tuyên bố hữu thệ trước tòa án liên bang vào năm ngoái, một đặc vụ FBI cho biết có thể có lý do để tin rằng có một số tội, bao gồm cản trở và lưu giữ bất hợp pháp các hồ sơ quốc phòng nhạy cảm.

Bộ Tư pháp đang điều tra xem liệu ông Trump có xử lý sai trái các tài liệu mật mà ông giữ lại sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021 hay không.

Các nhà điều tra đã thu giữ khoảng 13.000 tài liệu từ khu tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach, bang Florida, gần một năm trước. Một trăm hồ sơ được đánh dấu bảo mật, dù một trong những luật sư của Trump trước đó khai rằng tất cả hồ sơ có dấu mật đã được trả lại cho chính phủ.

Ông Trump trước đây đã biện hộ cho việc lưu giữ các tài liệu này, nói rằng ông đã giải mật chúng khi còn là tổng thống. Tuy nhiên, ông Trump đã không cung cấp được bằng chứng chứng tỏ điều này và các luật sư của ông đã từ chối đưa ra lập luận đó trong hồ sơ đệ trình lên tòa án.

Đây là lần thứ hai ông Trump bị truy tố. Vào tháng 4, ông tuyên bố không có tội đối với 34 trọng tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh liên quan đến khoản tiền bịt miệng trả cho một diễn viên khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016.

Làm tổng thống từ năm 2017 đến năm 2021, ông Trump hiện là người dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa.

Tags: , , , , ,

Comments are closed.