Thượng đỉnh G20 trong hai ngày 9 và 10/09/2023 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ


Khai mạc thượng đỉnh G20, trong bối cảnh “thế giới khủng hoảng lòng tin”

G20: Biden đến Ấn Độ nhưng cuộc chiến Ukraine phủ bóng hội nghị thượng đỉnh Delhi

Dự thảo tuyên bố G20 bỏ trống nội dung nói về Ukraine 

Anh Vũ /RFI

09/9/2023

Thủ tướng Narendra Modi chủ trì thượng đỉnh G20 trong hai ngày 9 và 10/09/2023 tại thủ đô New Delhi.

Thủ tướng Narendra Modi chủ trì thượng đỉnh G20 trong hai ngày 9 và 10/09/2023 tại thủ đô New Delhi. AP – Evan Vucci 

Ngày 09/09/2023, tại New Delhi, G20 khai mạc kỳ họp thượng đỉnh hàng năm, với sự tham dự của ba chục nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga vắng mặt. Nhóm nước quy tụ 19 nền kinh tế phát triển và mới nổi cùng Liên Hiệp Châu Âu có hai ngày làm việc để cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, từ ứng phó với biến đổi khí hậu, gánh nợ cho các nước nghèo, thương mại cho đến chiến tranh tại Ukraine. 

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại New Delhi, sau khi đón tiếp các quan khách tại trung tâm hội nghị tại thủ đô vừa được khánh thành dành cho sự kiện, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Với tư cách chủ tịch luân phiên G20, thủ tướng Narendra Modi muốn chứng tỏ với thế giới rằng Ấn Độ, nước đông dân nhất và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, có thể là nơi tập hợp sự đồng thuận của các quốc gia trong một thế giới đang trải qua một “cuộc khủng hoảng lòng tin”, như ông tuyên bố.

Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh: “Chiến tranh đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lòng tin này. Nếu chúng ta có thể đánh bại Covid, chúng ta cũng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng lòng tin lẫn nhau ”.

Một trái đất, một gia đình, một tương lai” là khẩu hiệu được Ấn Độ rất tâm đắc đề ra cho thượng đỉnh lần này, trong khi mà thực tế, chưa  bao giờ sự chia rẽ trong nhóm các nước G20 lại lớn như bây giờ. Biểu hiện rõ nét là sự vắng mặt của nguyên thủ hai nước lớn Nga và Trung Quốc.

Các nước không chỉ chia rẽ trên vấn đề chiến tranh tại Ukraina mà còn cả trong các chủ đề thảo luận ngay trong sáng nay đó là các cam kết về khí hậu. Ấn Độ, quốc gia tiêu biểu cho chủ nghĩa đa phương, cùng với Nga, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đang cản trở các mục tiêu do phương Tây đề xuất, cụ thể là từ nay đến năm 2035 giảm 60% lượng khí thải. Mục tiêu tăng gấp ba năng lực của năng lượng tái tạo cũng là một chủ để bất đồng.

Dự kiến, kết thúc hội nghị ngày 10/09, các nhà lãnh đạo G20 sẽ ra một Tuyên bố chung, tập hợp các thỏa hiệp đồng thuận của khối. Bên lề thượng đỉnh G20 tại New Delhi, còn có nhiều cuộc họp song phương của các nhà lãnh đạo các nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm nay đã đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20. Nguyên thủ Pháp đến trễ hơn không có mặt tại phiên khai mạc vì tối hôm qua ông có chương trình dự lễ khai mạc Cúp thế giới bóng bầu dục, tổ chức tại Pháp.

Theo tin mới nhất, hãng tin Anh Reuters ghi nhận trong bản thông cáo chung, G20 tránh nêu đích danh Nga nhưng lên án các hành vi “sử dụng vũ lực tại Ukraina để chiếm lĩnh lãnh thổ”  . 

https://www.rfi.fr/vi


G20: Biden đến Ấn Độ nhưng cuộc chiến Ukraine phủ bóng hội nghị thượng đỉnh Delhi

Cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Modi đã diễn ra vào tối 8/9

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Modi đã diễn ra vào tối 8/9

Tác giả, Vikas Pandey

BBC News, từ Delhi

09/9/2023

Các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tại Ấn Độ trước hội nghị thượng đỉnh G20 giữa các quốc gia bị chia rẽ về nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là cuộc chiến ở Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.

Tối 8/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp người đứng đầu nước chủ nhà, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và các nhà lãnh đạo cam kết hợp tác trong một loạt lĩnh vực.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga Tập Cận Bình và Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị.

Bất chấp những bất đồng, Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy các thành viên đồng thuận một tuyên bố – nếu hội nghị thượng đỉnh lần này kết thúc mà không có thoả thuận đạt được thì đây sẽ là lần đầu tiên xảy ra việc chưa có tiền lệ.

G20 gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với Liên minh châu Âu.

Cuộc chiến Ukraine cũng phủ bóng khắp hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm ngoái ở Indonesia, nhưng các thành viên đã có thể đưa ra một tuyên bố vội vàng ghi nhận những khác biệt trong nội bộ G20 về cuộc chiến.

Nhưng lập trường của các nước đã trở nên cứng rắn hơn kể từ đó – Nga và Trung Quốc có thể không đồng ý đưa ra những nhượng bộ như vậy và Phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, cũng sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoại trừ một lời lên án rõ ràng về chiến tranh.

Sự vắng mặt của ông Tập và ông Putin có thể khiến việc đưa ra quyết định trở nên khó khăn hơn một chút. Thay vào đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ đại diện cho đất nước của họ, nhưng họ có thể không có sức mạnh chính trị để đưa ra những nhượng bộ vào phút cuối mà không hỏi ý kiến các nhà lãnh đạo của mình.

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh gốc Ấn đầu tiên đến thăm Ấn Độ

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh gốc Ấn đầu tiên đến thăm Ấn Độ

Các cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và ngoại giao G20 cũng kết thúc mà không có tuyên bố chung vào đầu năm nay.

Nhưng Ấn Độ vẫn hy vọng rằng vấn đề Ukraine không làm chệch hướng mối quan ngại của Nam bán cầu – các nước đang phát triển – mà nước này muốn thảo luận.

Các nước G20 chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới, đồng thời chiếm hai phần ba dân số toàn cầu. Ấn Độ đã nhiều lần nói rằng G20 có trách nhiệm đối với các quốc gia không phải là thành viên và khi làm như vậy, Ấn Độ đã tự khẳng định mình là tiếng nói của phía Nam toàn cầu.

Sự hiện diện của Liên minh châu Phi tại G20 đã củng cố hơn nữa vị thế của Ấn Độ trước nhu cầu của một thế giới đang phát triển.

Tanvi Madan, thành viên cấp cao tại Viện Brookings cho biết: “Các vấn đề như nợ, giá lương thực và năng lượng tăng cao đã trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh và đại dịch. Ấn Độ và các nước đang phát triển khác trong G20 sẽ muốn các nền kinh tế công nghiệp hóa góp vốn để giải quyết những vấn đề này”.

Nhưng một thỏa thuận về những vấn đề này cũng không chắc chắn. Lấy việc tái cấp vốn nợ làm ví dụ – Ấn Độ và các nước đang phát triển khác đã vận động các nước giàu và các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nên hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay của họ.

Nhưng không có cuộc đàm phán nào về vấn đề này có thể diễn ra mà không thảo luận về Trung Quốc. David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết vào tháng 12/2022 rằng cho đến gần đây các nước nghèo nhất thế giới nợ các chủ nợ 62 tỷ USD hàng năm và 2/3 số này là nợ Trung Quốc.

Điều này khiến nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và giá lương thực, năng lượng tăng vọt.

Các hoạt động cho vay của Trung Quốc thường bị các quan chức phương Tây mô tả là mang tính săn mồi – một cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự sự kiện thay ông Putin

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự sự kiện thay ông Putin

Bà Madan nói thêm rằng các nước đang phát triển “cần các chủ nợ giúp họ cơ cấu lại các mốc thời gian” và trong một số trường hợp “giúp họ có thêm nguồn tài chính”.

“Chúng tôi chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong hội nghị lần này, nhưng ý tưởng là đạt được một số thỏa hiệp”. bà cho biết.

Các nước G20 đã nhất trí về Khung chung (CF) để tái cơ cấu nợ của các nước nghèo vào năm 2020, nhưng tiến độ còn chậm. Phương Tây đã đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã chậm chạp, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.

Nhưng Ấn Độ, quốc gia đang có căng thẳng biên giới với Trung Quốc, sẽ muốn nhận được nhiều cam kết hơn từ các nước giàu – Delhi đã ủng hộ việc mở rộng CF tới nhiều quốc gia Nam bán cầu hơn (bao gồm cả các nước có thu nhập trung bình), một động thái mà EU cũng đã tán thành trước đây. 

Nhưng nếu Phương Tây nhất quyết đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc khủng hoảng nợ, điều này có thể trở thành rào cản.

Ấn Độ cũng muốn có quy định toàn cầu về tiền điện tử và cải tổ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và IMF – những vấn đề này có thể sẽ ít rắc rối hơn.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề khác mà Delhi đã nhiều lần nêu ra, cho rằng một số quốc gia nghèo nhất là những nước dễ bị tổn hại nhất do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Ông Modi hôm 7/9 đã nói rằng “tham vọng hành động vì khí hậu phải phù hợp với các hành động về tài chính khí hậu và chuyển giao công nghệ”.

Lời nói của ông phản ánh sự chia rẽ trong nhóm về vấn đề tài trợ cho biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển không muốn ký kết các mục tiêu đầy tham vọng nhằm cắt giảm khí nhà kính vì sợ điều đó sẽ cản trở sự tăng trưởng của họ. Thay vào đó, họ đổ lỗi cho các nước công nghiệp phát triển về cuộc khủng hoảng và yêu cầu họ phải chịu gánh nặng lớn hơn và cam kết tiền bạc, công nghệ và cơ sở hạ tầng để giúp họ cắt giảm khí thải.

Happymon Jacob, giáo sư chính sách đối ngoại tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, nói rằng ông không mong đợi một bước đột phá mang tính quyết định về vấn đề biến đổi khí hậu.

“Nhưng rõ ràng đây sẽ là một trong những mục chương trình nghị sự chính của G20 và Delhi sẽ thúc đẩy các nước giàu cam kết nhiều nguồn lực hơn cho mục tiêu này”, ông nói thêm.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại một địa điểm mới được xây dựng ở Delhi

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại một địa điểm mới được xây dựng ở Delhi

An ninh lương thực và năng lượng cũng đang được đưa ra thảo luận và dự kiến có thể đạt được một số đồng thuận về các vấn đề này – mặc dù sẽ phụ thuộc vào việc Moscow có đồng ý khởi động lại thỏa thuận với Kyiv cho phép ngũ cốc của Ukraine tiếp cận thị trường quốc tế hay không. Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ bước đột phá nào về thỏa thuận này trong khuôn khổ G20 là rất khó xảy ra.

Các thỏa thuận về nông nghiệp, phòng chống đại dịch, chăm sóc sức khỏe và chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ được ký kết nhưng không rõ có nằm trong tuyên bố chung hay không.

Trong khi đó, một chủ đề khó có thể được đề cập đến là vấn đề nhân quyền ngày càng xấu đi của Ấn Độ dưới thời chính phủ của ông Modi, điều mà các nhà phê bình và lãnh đạo phe đối lập thường đặt câu hỏi.

Các nhà phân tích cho rằng bất chấp áp lực từ các nhà hoạt động và các nhóm nhân quyền, các nhà lãnh đạo Phương Tây có thể sẽ không nêu ra vấn đề này tại các cuộc đàm phán ở Ấn Độ – quốc gia được coi là đồng minh không thể thiếu trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích, như Michael Kugelman của tổ chức tư vấn Trung tâm Wilson, nói rằng việc không đưa ra tuyên bố chung sẽ là bước thụt lùi đối với Ấn Độ và ông Modi cũng như G20.

Nhưng ông cho rằng Ấn Độ có thành tích làm việc với các quốc gia không hòa hợp với nhau, chỉ ra cách Ấn Độ “quản lý thành công mối quan hệ với cả Nga và Mỹ”.

“Vì vậy, Delhi có thể là quốc gia có thể giải quyết những khác biệt giữa họ. Họ muốn phát huy danh tiếng của mình như một người cân bằng, nhưng điều đó sẽ rất khó khăn.”

Bà Madan nói rằng việc không có tuyên bố chung không hẳn là thất bại vì Delhi sẽ có thể đưa ra bản tóm tắt của chủ tọa (điều mà các nước chủ nhà có thể làm) để thể hiện sự đồng thuận 90% các vấn đề.

Tranh tường kỷ niệm cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng thành công và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Tranh tường kỷ niệm cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng thành công và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ

Tuy nhiên, một hội nghị G20 khó khăn cũng sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự phù hợp của diễn đàn này trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Trung Quốc đang thúc đẩy các nhóm khác như Brics (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Brics gần đây đã đưa Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và UAE – tất cả đều có quan hệ tốt với Trung Quốc – vào nhóm.

Ấn Độ là một trong số ít quốc gia là thành viên của Brics và SCO, cũng như các diễn đàn do Phương Tây thống trị như Quad, G7 (với tư cách là thành viên được mời) và G20.

Trong bối cảnh đó, điều quan trọng đối với Delhi là phải tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thành công với những kết quả có thể trở thành thực tiễn, giúp củng cố vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu quan trọng và tạo hình ảnh của ông Modi với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới có tầm ảnh hưởng lớn.

Điều này sẽ cho thấy khả năng của Delhi không chỉ hiểu mà còn cân bằng các nhu cầu cạnh tranh của các diễn đàn đa phương khác nhau. Và cũng sẽ giúp nâng cao hơn nữa hình ảnh của Thủ tướng Ấn Độ tại nước này, nơi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Với việc ông Modi đưa ra chính sách đối ngoại đối với các thị trấn và thành phố nhỏ hơn của Ấn Độ thông qua các sự kiện G20, mối đe dọa đối với ông là rất cao cả ở trong nước lẫn trật tự chính trị toàn cầu.


Dự thảo tuyên bố G20 bỏ trống nội dung nói về Ukraine 

09/9/2023 

Reuters 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-e7d7-08dbb0b535c4_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg

Theo một dự thảo mà Reuters xem được, các nhà đàm phán G20 hôm 8/9 đã không thể giải quyết những bất đồng về cách diễn đạt trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh về cuộc chiến ở Ukraine.

Dự thảo dài 38 trang được lưu hành giữa các thành viên đã để trống đoạn “tình hình địa chính trị”, trong khi đã thống nhất về 75 đoạn khác bao gồm biến đổi khí hậu, tiền điện tử và cải cách trong các ngân hàng phát triển đa phương.

Các nhà thương thương thuyết G20 đã phải vật lộn trong nhiều ngày để thống nhất về ngôn từ vì quan điểm khác biệt về cuộc chiến Ukraine, với hy vọng có được Nga cùng tham gia để đưa ra một thông cáo chung.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng một tuyên bố chung có thể đi đến một thỏa thuận nhất trí hoặc không. Tuyên bố có thể có các đoạn khác nhau nêu quan điểm của các quốc gia khác nhau. Hoặc nó có thể ghi lại sự đồng tình và bất đồng quan điểm trong một đoạn văn.

Nguồn tin thứ hai nói: “Chúng tôi có thể bỏ qua những khác biệt và đưa ra tuyên bố chung rằng chúng ta cần có hòa bình và hòa hợp trên toàn thế giới để mọi người đều đồng ý”.

Theo một nguồn tin cấp cao khác của một trong các nước G20, đoạn văn nói về cuộc chiến với Ukraine đã được các nước phương Tây đồng tình và gửi sang Nga để góp ý.

Quan chức này cho biết Nga có quyền lựa chọn chấp nhận quan điểm của các nước phương Tây và đưa ra quan điểm bất đồng chính kiến của mình như một phần của tuyên bố. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, Ấn Độ sẽ phải đưa ra tuyên bố của chủ toạ, điều này có nghĩa là G20 lần đầu tiên sau 20 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh sẽ không có tuyên bố chung.

Một nhà ngoại giao EU cho biết Ấn Độ đang làm rất tốt vai trò chủ nhà trong việc tìm kiếm thỏa hiệp.

“Tuy nhiên, cho đến nay, Nga đang ngăn chặn một thỏa hiệp có thể được các bên khác chấp nhận.”

Tài liệu cho thấy khối đã đồng ý giải quyết các khoản nợ ở các nước thu nhập thấp và trung bình “một cách hiệu quả, toàn diện và có hệ thống”, nhưng không đưa ra bất kỳ kế hoạch hành động mới nào.

Dự thảo cũng cho thấy các quốc gia cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, đồng thời chấp nhận đề nghị về các quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử.

Tập, Putin không có mặt

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày bắt đầu vào ngày 9/9 tại New Delhi dự kiến sẽ bị chế ngự bởi phương Tây và các đồng minh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bỏ qua cuộc họp và cử Thủ tướng Lý Cường thay thế, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ vắng mặt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thái tử Mohammed Bin Salman của Ả Rập Xê-út và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, cùng những người khác, sẽ tham dự.

Trung Quốc ngày 8/9 nói họ sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên và thúc đẩy đạt được kết quả tích cực tại hội nghị thượng đỉnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đưa ra nhận xét này sau khi truyền thông đưa tin Thủ tướng Anh đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã trì hoãn thỏa thuận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả Ukraine.

Ấn Độ tránh quy trách nhiệm cho Moscow về cuộc chiến Ukraine và kêu gọi giải pháp thông qua đối thoại và ngoại giao.

Hơn 100 người tị nạn Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình cách xa trung tâm New Delhi ngày 8/9, yêu cầu thảo luận về việc Trung Quốc “chiếm đóng” đất nước của họ tại hội nghị thượng đỉnh G20.

https://www.voatiengviet.com/a/du-thao-tuyen-bo-g20-bo-trong-noi-dung-noi-ve-ukraine/7260977.html

Comments are closed.