Trần Đông A  – Nền ‘ngoại giao trục lợi’ của Hà Nội liệu sẽ hiệu quả? 


Spread the love

01/4/2024 

” Hãy kiên nhẫn chờ đến tháng 7/2024 này (deadline quyết định gỡ bỏ việc dán nhãn kinh tế phi thị trường cho Việt Nam), chúng ta sẽ thấy kết quả từ sự lựa chọn của các chiến lược gia Hoa Kỳ. Giữa các trục quan hệ CSP Mỹ – Việt, lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên cho giai đoạn trước mắt: những cú áp-phe mà Ngoại trưởng Sơn mời gọi, coi hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là trọng tâm, hay bên cánh đó, người Mỹ vẫn chú ý đến các thang giá trị trong bang giao? Cũng có thể, vì vị thế địa-chính trị của Việt Nam trên ‘bàn cờ lớn’ nhằm bao vây Trung Quốc mà Hoa Kỳ và đồng minh thỏa hiệp với ĐCSVN. Đằng sau việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ là một quyết sách chính trị, giữ cho Việt Nam không trở thành đồng minh của Trung Quốc (11). ĐCSVN đừng nghĩ rằng, cách thuyết khách như người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa qua có thể khiến Hoa Kỳ ‘mắc lỡm’.

Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam.

Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam. 

Các động thái ngoại giao với Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga gần đây liệu có thỏa mãn tham vọng của Bắc Kinh, làm an lòng Washington và tiếp tục nhờ Mátxcơva giúp quản lý vùng trời, vùng biển?

Bản chất ‘trục lợi’ (profiteering) của ngoại giao Việt Nam chưa bao giờ lộ diện như cuối tháng Ba này. Chuyến thăm Trung Quốc ngày 22/3 của Bí thư Trung ương Đảng (BTTWĐ), Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) Lê Hoài Trung, chuyến thăm Hoa Kỳ ngày 25/3 của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) gửi Tổng thống Putin qua cuộc điện đàm hôm 26/3 nói lên tất cả!

Được bổ sung thêm một vài động thái như nâng quan hệ với Nhật Bản và Úc châu lên tầm ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ (CSP), Hà Nội vẫn lạc điệu trong việc tìm kiếm một điểm tựa khả tín trong một thế giới đầy âm mưu và bạo lực luôn rình rập. Cho dù TBT Nguyễn Phú Trọng luôn hô hoán: Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ và tiềm lực như hiện nay, nhưng đúng là ‘thùng rỗng kêu to’.

Những thỏa hiệp bất khả thi?

Nền kinh tế đang chạm đáy nhưng giới cầm quyền Hà Nội vẫn ‘ngụp lặn’ trong cuộc thanh trừng nội bộ chưa có hồi kết… Đó là bối cảnh nổi bật của các động thái ngoại giao Việt Nam được cho là đang thu hút giới quan sát. Thông cáo hết sức kiệm lời (chỉ vỏn vẹn 176 chữ) từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không hề nhắc gì đến việc mất chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (1) – Sự kiện được dư luận quốc tế đánh giá là một cơn địa chấn chính trị tại Việt Nam. Sự tảng lờ cố ý ấy của Bắc Kinh – trước thực tế chỉ trong vòng hơn một năm, hai vị Chủ tịch nước buộc phải rời chính trường một cách tức tưởi – càng cho thấy ĐCSTQ tường tận đến chi tiết về ‘cuộc đảo chính không tiếng súng’ ở Ba Đình. Cho nên bên cạnh nhiệm vụ ‘bẩm báo nội bộ’ của BTTWĐ Lê Hoài Trung với ‘biểu tượng quyền lực mới tại Trung Quốc’ Cai Qi (Thái Kỳ), người xếp thứ năm trong hệ thống phân cấp chính trị tại Trung Quốc, hẳn phải có thêm các sứ mệnh khác. Bắc Kinh không ‘rời mắt’ trước mọi ‘đấu đá cung đình’ cũng như các ‘lắt léo’ về ngoại giao của Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên, ngay từ đầu năm, khi có tin TBT Trọng lâm trọng bệnh (2), thì ngay sáng 10/1/2024, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên đã nhanh chóng có mặt tại Hà Nội. Trong buổi tiếp ông Tư, nhân vật số hai của Công an Trung Quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Bộ Công an sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình; nhấn mạnh ‘hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn’ giữa hai quốc gia. Nói là tiếp xã giao nhưng thực ra Tô Lâm đã vượt ra xa ngoài phạm vi của Bộ Công an, đi sâu vào nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể với ‘thiên triều’; thậm chí còn yêu cầu Bắc Kinh tăng cường trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới chủ nghĩa xã hội (3). Một ông trùm về ‘điều tra tội phạm’ và ‘an ninh nội bộ’ mà lại đi nhờ Bộ Công an Trung Quốc hỗ trợ trong các vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH (?!) Có lẽ trừ tướng Tô Lâm và những người Trung Quốc, lúc bấy giờ mấy ai biết rằng, chỉ sau một thời gian ngắn nữa, Chủ tịch Thưởng – cũng là một cảnh sát về tư tưởng – sẽ bị ‘cưa ghế’.

Hai tháng kể từ khi nhân vật số hai của Công an Trung Quốc xuất hiện ở Hà Nội, ngày 11/3/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã không còn úp mở, thẳng thừng cảnh cáo Hà Nội: ‘Việc tham gia các khối có mục đích ‘đối đầu’ và ‘bè phái’ là không phù hợp’ (4), ngay sau khi Việt Nam và Australia vừa thiết lập quan hệ CSP. Giới quan sát nhận định rằng lời cảnh báo như vậy cho thấy sự lo ngại của Bắc Kinh giữa các nỗ lực của Hà Nội muốn mở rộng các quan hệ đa phương. Bắc Kinh tiếp tục dạy khôn Hà Nội: ‘Không bao giờ được trở thành bên ủy nhiệm cho bất kỳ phe phái nào và không bao giờ được lao vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn’ (5). Vì vậy, sứ mệnh ‘bẩm báo’ của ông Lê Hoài Trung không chỉ liên quan đến các khúc mắc trong giới đầu sỏ ở Ba Đình, mà còn phải tường trình cụ thể về vụ Hà Nội giờ đây đã có tới 7 quan hệ đối tác CSP. Hẳn nhiên, chẳng còn tý hy vọng nào về việc ông BTTWĐ dám nêu vấn đề Vịnh Bắc Bộ với lãnh đạo Bắc Kinh (6). Bởi đó sẽ là một thỏa hiệp bất khả thi! Trung Quốc đã chọn đúng lúc Việt Nam lục đục nội bộ mà lấn lướt tiếp trên Biển Đông, như xưa nay vẫn thế.

Hoa Kỳ có ‘bị lỡm’ khi được trấn an?

Trong khi đó, theo Reuters, ngày 26/3/2024, tại Washington D.C., trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và đồng chủ trì Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao Việt – Mỹ lần thứ nhất tại Viện Brookings, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã cố gắng trấn an phía Hoa Kỳ rằng, việc Chủ tịch nước từ chức ở Hà Nội không ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông Sơn còn cao giọng, ở Việt Nam có sự lãnh đạo tập thể cho nên (nếu) có một hoặc hai yếu nhân nào đó trong ban lãnh đạo từ chức, thì điều ấy cũng chẳng thể làm thay đổi được tình hình (7). Không chỉ trấn an dư luận Hoa Kỳ về sự ổn định của Việt Nam, trong các cuộc hội đàm tại Washington hôm 25/2 với Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc USAID Samantha Power, Ngoại trưởng Sơn còn thúc giục Washington hãy sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội (8). Chi tiết đến vậy, khát khao là vậy, nhưng báo chí trong nước lại lờ tịt quan tâm từ phía các học giả Mỹ, thậm chí còn giản lược phát biểu của ông Sơn, chỉ gói gọn, “dù bối cảnh tình hình thay đổi, Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 13, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn….” (9). 

Không rõ, Ngoại trường Bùi Thanh Sơn có nhầm Viện Brookings với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (tức là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cũ) hay không? Bởi vì cách trả lời kiểu ‘thừa thắng xông lên’ của ông Ngoại trưởng Việt Nam, thậm chí không nhắc đến tên ông Thưởng, đã vấp phải sự phản kháng tức thì của truyền thông Mỹ. Bình luận trên tờ Bloomberg, nhà báo Karishma Vaswani đánh giá rằng, Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược ‘Trung Quốc + 1’. Đây là một chiến lược kinh doanh do các tập đoàn đa quốc gia áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc và kêu gọi phải đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các quốc gia khác (Vietnam Is in Danger of Losing Its China +1 Appeal) (10). Các vị khách mời hôm ấy thấm thía rằng, việc Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hiệp Quốc sẽ cải thiện hồ sơ dân chủ, nhân quyền và một số lĩnh vực khác với hạn thực hiện vào năm 2099, cho thấy thái độ ngạo mạn của ĐCSVN đối với cộng đồng quốc tế như thế nào!

Hãy kiên nhẫn chờ đến tháng 7/2024 này (deadline quyết định gỡ bỏ việc dán nhãn kinh tế phi thị trường cho Việt Nam), chúng ta sẽ thấy kết quả từ sự lựa chọn của các chiến lược gia Hoa Kỳ. Giữa các trục quan hệ CSP Mỹ – Việt, lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên cho giai đoạn trước mắt: những cú áp-phe mà Ngoại trưởng Sơn mời gọi, coi hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là trọng tâm, hay bên cánh đó, người Mỹ vẫn chú ý đến các thang giá trị trong bang giao? Cũng có thể, vì vị thế địa-chính trị của Việt Nam trên ‘bàn cờ lớn’ nhằm bao vây Trung Quốc mà Hoa Kỳ và đồng minh thỏa hiệp với ĐCSVN. Đằng sau việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ là một quyết sách chính trị, giữ cho Việt Nam không trở thành đồng minh của Trung Quốc (11). ĐCSVN đừng nghĩ rằng, cách thuyết khách như người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa qua có thể khiến Hoa Kỳ ‘mắc lỡm’.

Mong đợi gì từ Liên bang Nga?

Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam, theo lời mời của TBT Trọng. Nhận xét về điều này, Giáo sư Zachary Abuza từ National War College, Đại học Quốc phòng (Mỹ) bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 27/3, ‘khả năng Việt Nam bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC thì cũng giống như trẻ em đắp người tuyết giữa Sài Gòn. Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất để Putin công du nước ngoài’. Putin, dù đã trở thành tội phạm chiến tranh, vẫn có thể trông cậy vào sự ủng hộ không lay chuyển của Việt Nam. Hà Nội đã không lên án cuộc xâm lược Ukraine. Tháng 4/2022, Việt Nam cũng bỏ phiếu chống một dự thảo nghị quyết loại Nga khỏi Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (12).

Chính quyền Việt Nam, mà cư dân mạng gọi là ‘hèn với giặc, ác với dân’, lì lợm trước cộng đồng quốc tế với cam kết, đến 2099 mới cho phép ‘thần dân’ được hưởng tự do, dân chủ, nhân quyền… Ấy vậy nhưng Hà Nội vẫn được một Giáo sư Nga ca ngợi, chưa đầy một năm mà có đến hai ông Chủ tịch nước ngã ngựa vì tội tham nhũng ‘là bằng chứng thể hiện sự ổn định của chính quyền và nội lực lành mạnh của Đảng…’ Với một thể chế độc tài đàn em của Mátxcơva, Hà Nội đang ngấp nghé bước lên chiếc thuyền tròng trành sắp lật ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ (CCD) với Bắc Kinh, việc Putin thăm Việt Nam liệu sẽ mang lại điều gì tốt lành cho đất nước? Theo ông Nguyễn Thế Phương, sinh viên chương trình tiến sĩ, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc) nhận định với Reuters hôm 14/3: ‘Sự thiếu vắng của những đơn hàng vũ khí lớn tiếp tục khiến Việt Nam ‘vô cùng mong manh’. Còn Giáo sư Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) đánh giá, kho máy bay chiến đấu hiện nay của Việt Nam là không đủ để quản lý vùng trời trên đất liền cũng như trên biển (13).

Tham khảo:

(1) https://english.news.cn/20240322/0ee1e50da8b446ebb62155b0d962604a/c.html

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-to-see-through-mr-nguyenphutrong-s-disappearance-and-sudden-appearance-01162024131628.html

(3) https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/thuc-day-hon-nua-hop-tac-giua-bo

(4 và 5) https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-tieng-ve-quan-he-chien-luoc-toan-dien-vn-australia-vua-thiet-lap/7523760.html

(6) https://www.voatiengviet.com/a/7530246.html

(7 và 8) https://www.reuters.com/world/vietnam-hopes-us-will-soon-recognize-its-market-economy-status-fm-son-says-2024-03-26/

(9) https://dangcongsan.vn/thoi-su/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-du-toa-dam-ve-quan-he-viet-nam-hoa-ky-662009.html

(10) https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2024-03-24/china-1-vietnam-is-in-danger-of-losing-its-appeal?

(11) https://www.voatiengviet.com/a/khi-ro-rang-song-phang-so-gi-la-chu-truong-doi-ngoai-cua-che-do/7509955.html

(12 và 13) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx7zw0dnp66o

https://www.voatiengviet.com/a/nen-ngoai-giao-truc-loi-cua-ha-noi-lieu-se-hieu-qua-/7551989.html

Comments are closed.