TT Donald Trump có kế hoạch toàn diện cho chính quyền lần thứ hai. Và Đây là những gì ông đã đề xuất


Bởi  BILL BARROW (AP)

Cập nhật 11:14 AM EST, ngày 6 tháng 11 năm 2024

WASHINGTON (AP — Tổng Thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ có hành động toàn diện trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Cựu tổng thống và hiện là tổng thống đắc cử thường bỏ qua các chi tiết, nhưng qua hơn một năm thường tuyên bố chính sách và qua các văn bản đã phác thảo một chương trình nghị sự rộng rãi kết hợp các cách tiếp cận bảo thủ truyền thống đối với thuế, quy định và các vấn đề văn hóa với khuynh hướng dân túy hơn về thương mại và sự thay đổi trong vai trò quốc tế của Hoa Kỳ.

Chương trình nghị sự của Trump cũng sẽ thu hẹp những nỗ lực của chính quyền liên bang về quyền công dân và mở rộng quyền hạn của tổng thống.

Sau đây là những gì ông Trump đã đề xuất:

Di trú

“Xây bức tường!” là khẩu hiệu của ông từ chiến dịch tranh cử năm 2016 đã trở thành việc tạo ra “chương trình trục xuất hàng loạt lớn nhất trong lịch sử”. Ông đã kêu gọi sử dụng Vệ binh Quốc gia và trao quyền cho lực lượng cảnh sát trong nỗ lực này. Tuy nhiên, ông vẫn chưa tiết lộ chi tiết về chương trình sẽ như thế nào và làm thế nào ông sẽ đảm bảo rằng chương trình chỉ nhắm vào những người ở bất hợp pháp tại Hoa Kỳ. Ông đã đưa ra “kiểm tra tư tưởng” đối với những người muốn nhập cảnh, chấm dứt quyền công dân khi sinh ra tại Mỹ (chắc chắn sẽ yêu cầu thay đổi hiến pháp) và cho biết ông sẽ tái lập các chính sách nhiệm kỳ đầu tiên như “Hãy ở lại Mexico”, hạn chế người di cư vì lý do sức khỏe cộng đồng và hạn chế nghiêm ngặt hoặc cấm những người nhập cảnh từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Nhìn chung, cách tiếp cận này sẽ không chỉ trấn áp tình trạng di cư bất hợp pháp mà còn hạn chế nhập cư nói chung.

Phá thai

Ông Trump đã hạ thấp vấn đề phá thai như một ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai, ngay cả khi ông ghi nhận công lao cho Tòa án Tối cao chấm dứt quyền của liên bang cho phụ nữ được chấm dứt thai kỳ, trả lại quy tắc về phá thai cho chính quyền tiểu bang. Theo sự khăng khăng của ông, nền tảng của GOP, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đã không đưa ra lệnh cấm phá thai trên toàn quốc. Trump vẫn cho rằng việc lật ngược phán quyết Roe vs Wade là đủ ở cấp liên bang. Trump đã nói vào tháng trước trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình rằng ông sẽ phủ quyết lệnh cấm phá thai của liên bang nếu dự luật được đưa đến bàn làm việc của ông.

Nhưng trong một ví dụ về cách phong trào bảo thủ có thể tiến hành với hoặc không có Trump, các nhà hoạt động chống phá thai lưu ý rằng nền tảng của GOP vẫn khẳng định rằng thai nhi phải được bảo vệ theo đúng thủ tục theo điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu chính án thứ 14. Lập luận hiến pháp đó là lộ trình để những người bảo thủ tìm kiếm lệnh cấm phá thai toàn quốc thông qua các tòa án liên bang.

Thuế

Chính sách thuế của Trump chủ yếu hướng đến các tập đoàn và người Mỹ giàu có. Điều đó chủ yếu là do lời hứa của ông về việc gia hạn đợt cải cách thuế năm 2017, với một vài thay đổi đáng chú ý bao gồm việc hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại xuống còn 15%. Điều đó cũng bao gồm hủy bỏ việc Tổng thống Dân chủ Joe Biden tăng thuế thu nhập đối với những người Mỹ giàu có nhất và bãi bỏ các khoản thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát tài trợ cho các biện pháp năng lượng nhằm chống biến đổi khí hậu.

Ông Trump đã nhấn mạnh hơn vào các đề xuất mới nhắm vào tầng lớp lao động và trung lưu của người Mỹ: miễn thuế thu nhập cho tiền ‘típ’ (bonous) đã kiếm được, tiền lương từ An sinh xã hội và tiền lương làm thêm giờ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đề xuất của ông về tiền bô nớt, tùy thuộc vào cách Quốc hội có thể viết, có thể cung cấp một khoản giảm thuế cửa sau cho những người có thu nhập cao nhất bằng cách cho phép họ phân loại lại một số tiền lương của mình thành thu nhập từ tiền thưởng — một triển vọng mà ở mức cực đoan nhất có thể thấy các nhà quản lý quỹ đầu cơ hoặc luật sư hàng đầu tận dụng một chính sách mà Trump coi là được thiết kế cho các nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên pha chế và các nhân viên dịch vụ khác.

Thuế quan và thương mại

Quan điểm của Trump về thương mại quốc tế là ‘không tin tưởng vào thị trường thế giới’ vì nó gây hại cho lợi ích của Mỹ. Ông đề xuất mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nước ngoài — và trong một số bài phát biểu đã đề cập đến tỷ lệ phần trăm và có thể cao hơn. Ông hứa sẽ tái lập lệnh hành pháp tháng 8 năm 2020 yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chỉ mua các loại thuốc “thiết yếu” từ các công ty Hoa Kỳ. Ông cam kết sẽ chặn việc mua “bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng” tại Hoa Kỳ của người mua Trung Quốc.

DEI, LGBTQ và quyền công dân

Trump đã kêu gọi giảm bớt sự nhấn mạnh của xã hội vào tính đa dạng và bảo vệ pháp lý cho công dân LGBTQ (đồng tính). Trump đã kêu gọi chấm dứt các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập trong các tổ chức chính phủ, sử dụng nguồn tài trợ liên bang làm đòn bẩy.

Về quyền của người chuyển giới, Trump hứa sẽ chấm dứt tình trạng “con trai trong các môn thể thao của con gái”, một hành vi mà ông khẳng định là rất phổ biến. Các chính sách của ông còn vượt xa các bài phát biểu vận động của ông. Trong số những ý tưởng khác, ông sẽ đảo ngược chính sách của chính quyền Biden về việc mở rộng quyền bảo vệ dân quyền theo Đạo luật IX cho học sinh chuyển giới, và ông sẽ yêu cầu Quốc hội yêu cầu chỉ được công nhận hai giới tính khi sinh ra.

Quy định, bộ máy quan liêu liên bang và quyền lực của tổng thống

Tổng thống đắc cử tìm cách giảm vai trò của các viên chức liên bang và các quy định trên khắp các lĩnh vực kinh tế. Ông coi tất cả các biện pháp cắt giảm quy định là một cây đũa thần kinh tế. Ông cam kết sẽ giảm mạnh hóa đơn tiện ích (utilities) của các gia đình Hoa Kỳ bằng cách xóa bỏ các rào cản đối với sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả việc mở tất cả các vùng đất liên bang để thăm dò. Ông hứa sẽ giải phóng việc xây dựng nhà ở bằng cách cắt giảm các quy định, hiện nay hầu hết các quy tắc xây dựng đều đến từ chính quyền tiểu bang và địa phương. Ông cũng nói rằng ông sẽ chấm dứt “các vụ kiện tụng phù phiếm từ những người cực đoan về môi trường”.

Cách tiếp cận này theo nhiều cách sẽ tăng cường ảnh hưởng của nhánh hành pháp. Quyền lực đó sẽ đến trực tiếp hơn từ Tòa Bạch Ốc.

Ông đề xướng sa thải nhân viên liên bang dễ dàng hơn bằng cách phân loại hàng ngàn người trong số họ là những người nằm ngoài phạm vi bảo vệ của công chức. Điều đó có thể làm suy yếu quyền lực của chính phủ trong việc thực thi các luật lệ và quy định bằng cách giảm số lượng nhân viên tham gia vào công việc và có khả năng gây ra tác động tiêu cực đối với những người ở lại.

Ông cũng tuyên bố rằng tổng thống có quyền kiểm soát chi tiêu liên bang ngay cả sau khi Quốc hội đã phân bổ tiền. Trump lập luận rằng các hành động ngân sách của các nhà lập pháp “đặt ra mức trần” cho chi tiêu nhưng không phải là mức sàn — nghĩa là theo hiến pháp nghĩa vụ của tổng thống là “thực thi luật một cách trung thực” bao gồm cả quyền quyết định có nên chi tiền hay không, điều này có thể gây ra một cuộc chiến pháp lý với Quốc hội.

Ông cũng đề xuất Cục Dự trữ Liên bang, một thực thể độc lập thiết lập lãi suất, nên chịu dưới quyền lực nhiều hơn của tổng thống. Ông không đưa ra chi tiết, hành động như vậy sẽ đại diện cho một sự thay đổi quan trọng đối với cách thức hoạt động của hệ thống kinh tế và tiền tệ Hoa Kỳ.

Giáo dục

Bộ Giáo dục liên bang sẽ là mục tiêu bị xóa bỏ trong chính quyền Trump thứ hai. Điều đó không có nghĩa là ông muốn Washington thoát ra khỏi lớp học. Ông vẫn đề xuất, trong số những động thái khác, sử dụng nguồn tài trợ của liên bang làm đòn bẩy để gây áp lực buộc các hệ thống trường học K-12 bãi bỏ chế độ công tác lâu dài và áp dụng chế độ trả lương theo thành tích cho giáo viên và xóa bỏ các chương trình đa dạng ở mọi cấp độ giáo dục. Ông kêu gọi cắt nguồn tài trợ của liên bang “cho bất kỳ trường học hoặc chương trình nào thúc đẩy Lý thuyết chủng tộc quan trọng, hệ tư tưởng giới tính hoặc các nội dung chủng tộc, tình dục hoặc chính trị không phù hợp khác đối với trẻ em của chúng ta”.

Trong giáo dục đại học, Trump đề xuất tiếp quản các quy trình công nhận cho các trường cao đẳng, hành động mà ông mô tả là “vũ khí bí mật” của mình chống lại “Những kẻ điên và điên cuồng theo chủ nghĩa Marx” mà ông cho là đang kiểm soát giáo dục đại học nước Mỹ. Ông nhắm vào các quỹ tài trợ cho giáo dục đại học, nói rằng ông sẽ thu “hàng tỷ đô la” từ các trường thông qua “đánh thuế, phạt tiền và kiện các quỹ tài trợ đại học tư nhân quá lớn” tại các trường không tuân thủ các sắc lệnh của chính phủ. Điều đó có thể sẽ dẫn đến các cuộc chiến pháp lý kéo dài.

Giống như trong các lĩnh vực chính sách khác, Trump không thực sự đề xuất hạn chế quyền lực liên bang trong giáo dục đại học mà là tăng cường nó. Ông kêu gọi chuyển hướng số tiền tài trợ bị tịch thu vào một “Học viện Hoa Kỳ” trực tuyến cung cấp chứng chỉ đại học cho tất cả người Mỹ mà không phải trả học phí. “Nó sẽ hoàn toàn phi chính trị, và sẽ không có sự thức tỉnh hay chủ nghĩa thánh chiến nào được phép – không có điều gì trong số đó được phép”, ông Trump nói vào ngày 1 tháng 11 năm 2023.

An sinh xã hội, Medicare và Medicaid

Ông Trump nhấn mạnh rằng ông sẽ bảo vệ An sinh xã hội và Medicare, các chương trình phổ biến hướng đến người Mỹ lớn tuổi và là một trong những phần lớn nhất của chiếc bánh chi tiêu liên bang mỗi năm. Có những câu hỏi về việc đề xuất không đánh thuế tiền boa (tiền típ thưởng) và tiền làm thêm giờ của công nhân có thể ảnh hưởng đến An sinh xã hội và Medicare như thế nào. Nếu các kế hoạch như vậy cuối cùng chỉ liên quan đến thuế thu nhập, các chương trình quyền lợi sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng việc miễn thuế tiền lương cho những khoản tiền lương đó sẽ làm giảm dòng tiền tài trợ cho các khoản chi An sinh xã hội và Medicare. Trump đã nói rất ít về Medicaid nhưng nhìn chung, chính quyền trước của ông đã mặc định chấp thuận các yêu cầu của tiểu bang về việc miễn trừ các quy tắc liên bang khác nhau và họ đã tán thành rộng rãi các yêu cầu về công việc ở cấp tiểu bang đối với những người nhận.

Đạo luật ‘chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng’ và chăm sóc sức khỏe

Như đã làm từ năm 2015, Trump kêu gọi bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và các thị trường bảo hiểm y tế được trợ cấp của đạo luật này. Nhưng ông vẫn chưa đề xuất một giải pháp thay thế: Trong một cuộc tranh luận vào tháng 9, ông khẳng định rằng ông có “các khái niệm về một kế hoạch”. Trong giai đoạn sau của chiến dịch, ông đã phát huy liên minh của mình với cựu ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr., một người lâu năm chỉ trích vắc-xin và thuốc trừ sâu được sử dụng trong nông nghiệp Hoa Kỳ. Trump đã nhiều lần nói với đám đông biểu tình rằng ông sẽ giao cho Kennedy phụ trách “làm cho nước Mỹ khỏe mạnh trở lại”.

Khí hậu và năng lượng

Trump, người tuyên bố rằng biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp”, chỉ trích việc chi tiêu cho năng lượng sạch hơn của thời Biden được thiết kế để giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nhiên liệu hóa thạch. Ông đề xuất một chính sách năng lượng – và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giao thông – gắn chặt với nhiên liệu hóa thạch: đường sá, cầu cống và xe chạy bằng động cơ đốt trong. “Khoan, khoan, khoan!” là câu khẩu hiệu thường xuyên tại các cuộc mít tinh của Trump. Trump nói rằng ông không phản đối xe điện nhưng hứa sẽ chấm dứt mọi ưu đãi của Biden nhằm khuyến khích phát triển thị trường xe điện. Trump cũng cam kết sẽ bãi bỏ các tiêu chuẩn về hiệu quả nhiên liệu của thời Biden.

Quyền của người lao động

Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã chủ trương ủng hộ người lao động Hoa Kỳ. Nhưng ông Trump có thể làm cho người lao động khó thành lập nghiệp đoàn hơn. Khi thảo luận về công nhân xe hơi, ông gần như chỉ tập trung vào việc thúc đẩy xe điện của Biden. Khi ông đề cập đến công đoàn, ông thường gộp chung “các ông chủ và giám đốc điều hành công đoàn” lại với nhau như những kẻ đồng lõa trong “kế hoạch xe điện thảm khốc này” (của Biden). Trong một tuyên bố ngày 23 tháng 10 năm 2023, ông  đã nói về United Auto Workers rằng, “Tôi nói với các bạn, các bạn không nên trả những khoản phí đó”.

Quốc phòng và vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới

Chính sách của Trump trong các vấn đề thế giới có tính cô lập hơn về mặt ngoại giao, không can thiệp về mặt quân sự và bảo hộ về mặt kinh tế hơn so với Hoa Kỳ kể từ Thế chiến II. Nhưng các chi tiết phức tạp hơn. Ông cam kết mở rộng quân đội, hứa sẽ bảo vệ chi tiêu của Ngũ Giác Đài về nỗ lực thắt lưng buộc bụng và đề xuất một lá chắn phòng thủ tên lửa mới — một ý tưởng cũ từ thời Reagan trong Chiến tranh Lạnh. Ông Trump khẳng định có thể chấm dứt chiến tranh của Nga ở Ukraine và chiến tranh Israel-Hamas, nhưng không giải thích bằng cách nào. Ông Trump tóm tắt thông qua một câu của Reagan: “hòa bình thông qua sức mạnh”. Ông chỉ trích NATO và các quan chức quân sự cấp cao của Hoa Kỳ. “Tôi không coi họ là những nhà lãnh đạo”, ông Trump nói về các viên chức mà người Mỹ “nhìn thấy trên truyền hình”.

Bill Barrow, đưa tin về chính trị Hoa Kỳ. Ông sống tại Atlanta. AP News

Comments are closed.