Thời sự Thứ Hai 24/04/2023: *Mỹ di tản nhân viên ở Sudan * TT Nam Hàn thăm Mỹ, thay đổi lập trường về Ukraine *Nhật sẵn sàng bắn hạ vệ tinh do thám của Bắc Triều Tiên *Fed tiếp tục tăng lãi suất 


Võ Thái Hà tổng hợp


Lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Sudan 

VOA News – 23/4/2023

Khói bốc lên trong giao tranh ở thủ đô Khartoum của Sudan giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh  

Các lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ đã sơ tán thành công các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và gia đình của họ khỏi Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Khartoum vào sáng sớm Chủ nhật. Các quan chức cho biết rằng việc sơ tán diễn ra chưa đầy một giờ.

Pháp đã thông báo sau đó rằng họ cũng đang sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Khartoum.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Bảy rằng đại sứ quán ở Khartoum đã tạm ngừng hoạt động.

Ông Blinken cho biết đã chỉ đạo tạm thời đóng cửa đại sứ quán vì “những rủi ro an ninh nghiêm trọng và ngày càng tăng do xung đột giữa Lực lượng Vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh”, khiến một số lượng đáng kể dân thường thiệt mạng và bị thương, tuyên bố cho biết.

Tổng thống Joe Biden, trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Bảy, nói rằng việc sơ tán đã hoàn tất và ông cảm ơn quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện nhiệm vụ.

“Tôi tự hào về cam kết phi thường của các nhân viên đại sứ quán, những người đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách dũng cảm và chuyên nghiệp, đồng thời thể hiện tình bằng hữu và mối liên hệ của nước Mỹ với người dân Sudan”, ông Biden nói. “Tôi rất biết ơn về kỹ năng không thể sánh được của các quân nhân, những người đã đưa họ đến nơi an toàn thành công”.

Ông Biden cũng cảm ơn Djibouti, Ethiopia và Ả Rập Xê Út, những quốc gia mà ông nói rằng đã đóng vai trò quan trọng trong “sự thành công trong hoạt động của chúng ta”.

Các quan chức cho biết khoảng 70 người Mỹ đã được không vận từ đại sứ quán đến Ethiopia. Một quan chức cho biết rằng các đồng nghiệp ngoại giao từ các đại sứ quán khác có mặt tại đại sứ quán Mỹ vào thời điểm không vận cũng được sơ tán.

Họ cho biết rằng ông Biden đã ra lệnh sơ tán sau khi nhận được đánh giá hôm thứ Bảy từ các cố vấn an ninh quốc gia rằng cuộc giao tranh sẽ không lắng xuống.


Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ nhằm tăng cường quan hệ song phương đối phó với Bắc Triều Tiên

24/4/2023

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (P) cùng phu nhân Kim Keon Hee, lên đường đi Mỹ, sân bay quân sự Seoul ở Seongnam, Hàn Quốc, 24/04/2023. © Lim Hun-jung / AP 

Trần Công /RFI

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm nay, 24/04/2023, lên đường đi Washington mở chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong bối cảnh hai đồng minh tăng cường quan hệ trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.  

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

«  Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của tổng thống Yoon Suk Yeol đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh Hàn – Mỹ và là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc từ 12 năm qua. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng là lãnh đạo ngoại quốc thứ hai mở chuyến viếng thăm cấp nhà nước dưới thời chính quyền Joe Biden sau tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

Theo lịch trình, tổng thống Hàn Quốc và Mỹ sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 26/04/2023. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ. 

Cuộc họp thượng đỉnh Hàn – Mỹ lần này sẽ đề cập đến việc tăng cường khả năng răn đe mở rộng với Bắc Triều Tiên, và bàn về khả năng Washington cung cấp vũ khí hạt nhân, nếu mối đe dọa hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên xảy ra. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ thảo luận về an ninh kinh tế trong lĩnh vực chất bán dẫn cũng như trong các ngành công nghệ pin, ô tô điện và công nghệ sinh học. Tháp tùng tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến đi lần này có 122 doanh nhân, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn lớn như Samsung, SK, Hyundai, và nhiều tập đoàn khác.

Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ của liên minh Hàn-Mỹ đang vướng phải nhiều tranh cãi như việc Washington bị nghi nghe lén đồng minh cũng như việc Seoul vẫn để ngỏ vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraina ». 


Bắc Kinh và Seoul khẩu chiến xung quanh bình luận của tổng thống Hàn Quốc về Đài Loan

23/4/2023

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại một cuộc họp nội các tại Seoul, ngày 21/03/2023. AP – Lim Hun-jung 

Chi Phương /RFI

Một ngày trước chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng thống Hàn Quốc, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông hôm nay, 23/04/2023, đã gửi công hàm tới đại sứ Hàn Quốc, phản đối những nhận xét « sai lệch » của ông Yoon Suk-yeol về Đài Loan. Lãnh đạo Hàn Quốc đã tuyên bố hôm 19/04 phản đối thay đổi nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan. 

Theo The South China Morning Post,thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông hôm nay, đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc ở Bắc Kinh, gửi một công hàm, đánh giá những nhận xét của tổng thống Yoon Suk-yeol, là « hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Ông Tôn nhấn mạnh rằng « lãnh đạo Hàn Quốc không tôn trọng guyên tắc một nước Trung Quốc mà lại đánh đồng vấn đề Đài Loan với tình hình ở bán đảo Triều Tiên ».

 Từ Seoul, thông tín viên RFI Célio Fioretti cho biết thêm :

« Lại có chuyện cãi vã giữa Bắc Kinh và Seoul. Từ giữa tuần, hai nước đối mặt với nhau bằng những lời qua tiếng lại. Sau khi bày tỏ phản đối những đòi hỏi của Trung Quốc về  Đài Loan, tổng thống Hàn Quốc đã so sánh trường hợp này với tình hình ở bán đảo Triều Tiên, nói rằng rằng đó là vấn đề toàn cầu. 

Bắc Kinh không hài lòng với nhận xét này và nhanh chóng nói rằng ông Yoon Suk-yeol « phải cư xử cho đúng mực », từ ngữ trong nguyên văn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã nhắc lại rằng «  họ không cần ai chỉ bảo phải làm gì ». Về phần mình, Hàn Quốc lấy làm tiếc về sự khiếm nhã của Bắc Kinh và triệu tập đại sứ Trung Quốc.

Hôm nay, Trung Quốc tiếp tục bày tỏ phản đối Hàn Quốc qua công hàm nói trên. Một hành động trượng trưng nhưng cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai nước. Trước cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Hàn Quốc muốn tái khẳng định lập trường của mình. Nhưng làm như vậy không phải là không có rủi ro, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Seoul. Dù ông Yoon Suk-yeol không nhắc đến Hoa Kỳ, nhiều khả năng lãnh đạo hai nước sẽ đề cập đến chủ đề này trong các cuộc gặp từ ngày 24-26 tháng Tư tới. »


Các quan chức Fed tiếp tục tăng lãi suất bất chấp căng thẳng gia tăng của ngân hàng

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với ông David Rubenstein, chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế Washington, tại khách sạn Renaissance ở Washington, Mỹ, ngày 07/02/2023. (Ảnh: Julia Nikhinson/Getty Images) 

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang ủng hộ một đợt tăng lãi suất khác mặc dù họ giám sát thấy kinh tế suy giảm do căng thẳng ngân hàng, trong khi dữ liệu cho vay khẩn cấp mới cho thấy căng thẳng tài chính tiếp tục kéo dài.

Chủ tịch Fed Cleveland là Loretta Mester, thường nằm trong số những nhà hoạch định chính sách, ủng hộ việc tăng lãi suất hơn, cho biết bà ủng hộ việc tăng lãi suất trên 5% vì lạm phát vẫn còn quá cao.

Nhưng bà đã xoa dịu thông điệp đó khi lập luận rằng sự thận trọng cũng là cần thiết vì các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn có thể làm giảm việc tuyển dụng và chi tiêu.

“Chúng ta đang tiến gần đến điểm cuối của hành trình [giảm lạm phát] và thắt chặt chính sách tiền tệ hơn là điểm bắt đầu [của hành trình này]”, bà nói với thính giả ở Akron, Ohio hôm thứ Năm (20/4). “Việc cần thắt chặt thêm bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và tài chính cũng như tiến độ thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ của chúng ta”, theo Bloomberg.

Vấn đề ở chỗ, các quan chức của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) vẫn kiên định thắt chặt lãi suất dù các dấu hiệu căng thẳng ngân hàng ở quốc gia này đang tiếp tục gia tăng. Dữ liệu quy mô vốn mà các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ phải vay khẩn cấp từ Fed đã gia tăng trở lại sau 5 tuần, kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ.

Dữ liệu của Fed công bố hôm thứ Năm (20/4) cho thấy căng thẳng tài chính đang tiếp tục kéo dài sau khi một loạt ngân hàng sụp đổ vào tháng trước.

Theo Reuters, trong tuần này, qua hai cơ sở cho vay hỗ trợ các ngân hàng, dư nợ cho vay khẩn cấp của Fed ở mức 143,9 tỷ USD (tuần kết thúc ngày 19/4), tuần trước đó con số này 139,5 tỷ USD. Mức kỷ lục 152,9 tỷ USD đạt được vào tháng trước, khi dòng tiền tháo chạy ồ ạt bởi tâm lý tại các NHTM vừa và nhỏ của Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng chi phí đi vay thêm 25 điểm cơ bản vào tháng trước, đưa mục tiêu về lãi suất chuẩn của họ từ mức gần bằng 0 chỉ cách đây 12 tháng lên khoảng 4,75% đến 5%.

Các quan chức của Fed cho rằng lãi suất chính sách cần đưa lên mức 5,1% vào tháng tới; quyết định tăng lãi suất có thể đưa ra vào kỳ họp ngày 2 và 3/5/2023 tới đây.

Một số quan chức Fed đã nói rằng họ muốn tạm dừng tại thời điểm đó, mặc dù các nhà đầu tư đang định giá việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic là một trong những nhà hoạch định chính sách như vậy và ông đã lặp lại thông điệp đó tại các bài phát biểu riêng ở Melbourne, Florida, theo Bloomberg.

Thuỷ Tiên tổng hợp


Nhật sẵn sàng bắn hạ vệ tinh do thám của Triều Tiên

Bình Phương /SGN
22/4/2023

Chỉ huy quân đội của 18 quốc gia đồng minh của Nhật Bản viếng thăm một đơn vị phòng thủ hỏa tiễn của Nhật Bản ở tỉnh Chiba vào tháng Sáu năm ngoái, giữa lúc Triều Tiên liên tục bắn thử các loại hỏa tiễn. Ảnh minh họa David MAREUIL/Anadolu Agency via Getty Images 

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản ra lệnh cho quân đội kích hoạt hệ thống đánh chặn phi đạn và sẵn sàng bắn hạ các mảnh vỡ từ một vệ tinh của Triều Tiên có thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Hãng tin AP đưa tin vào sáng thứ Bảy 22 tháng Tư 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada đã chỉ thị cho quân đội Nhật Bản chuẩn bị sẵn sàng các tên lửa đất đối không Patriot PAC-3 ở phía tây nam nước này, bao gồm cả Okinawa và các đảo lân cận. Khu vực này được cho là nằm dưới đường bay của một hỏa tiễn mang theo vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên.

Ông cũng ra lệnh bố trí các tàu khu trục được trang bị tên lửa đối không SM-3 vào vùng biển ven bờ các hòn đảo trong khu vực. “Chúng tôi đang chuẩn bị cần thiết vì có khả năng sẽ ban hành lệnh tiêu diệt tên lửa đạn đạo và các vật thể khác”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật cho biết. Lệnh bắn tên lửa phải được thủ tướng phê duyệt.

Hồi đầu tuần, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết một vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này sẽ được phóng vào một ngày không xác định.

Từ đầu năm ngoái đến nay Triều Tiên đã bắn thử khoảng 100 tên lửa. Bình Nhưỡng nói việc thử vũ khí của họ là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mà họ gọi là cuộc diễn tập xâm lược. Một số tên lửa đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản hoặc rơi xuống ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật.

Tuần trước, Triều Tiên đã lần đầu tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dùng nhiên liệu rắn.

Triều Tiên dự kiến sẽ thực hiện nhiều vụ thử vũ khí hơn nữa khi Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục cuộc tập trận không quân chung vào tuần tới.


Liệu tổng thống Biden có ra tái tranh cử?

Bốn năm trước vào tuần này, Joe Biden lần thứ ba tuyên bố ra tranh cử tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ. Ông có thể sẽ lại tuyên bố tranh cử một lần nữa vào thứ Ba.

Ông Biden tỏ ra khá rụt rè về kế hoạch của mình cho năm 2024, và chỉ nói với các phóng viên là ông sẽ tuyên bố ra tranh cử “sớm thôi.” Donald Trump, ứng viên hàng đầu của phe Cộng hòa, đã công bố từ tháng 11; kể từ đó, một số người khác trong đảng này cũng làm theo. Nhưng ông Biden không có đối thủ nặng ký và không cần gây quỹ vận động tranh cử sơ bộ sớm, đồng thời có lợi thế là đương kim tổng thống.

Ông Biden mang đến một sự ổn định giữa giai đoạn bất ổn của chính trị Mỹ. Ông đã cố gắng hết sức để tránh bị cuốn vào các tranh cãi với ông Trump, nhưng chẳng bao lâu nữa ông sẽ phải quay lại cuộc đua.


Châu Âu quyết tâm làm điện gió ở Biển Bắc

Vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo và bộ trưởng năng lượng của mười quốc gia nằm trên bờ Biển Bắc sẽ tề tựu về cảng Ostend của Bỉ. Họ sẽ thảo luận về cách biến vùng nước này thành một nhà máy điện xanh cho cả châu Âu. Tiềm năng là rất lớn. Biển Bắc có những luồng gió mạnh cần thiết để giữ cho các tuabin quay. Độ sâu không lớn của nó cũng giúp cho việc cắm các tuabin cao 100m được dễ dàng hơn.

Tại hội nghị thượng đỉnh ban đầu ở Đan Mạch vào năm ngoái, Bỉ, Đan Mạch, Đức và Hà Lan đã cam kết tăng hơn bốn lần tổng công suất phát điện gió ngoài khơi của họ lên ít nhất 150 gigawatt vào năm 2050, gấp năm lần tổng sản lượng điện gió ngoài khơi hiện tại của châu Âu và gấp ba lần thế giới. Họ hy vọng bấy nhiêu sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái công nghiệp hóa của châu Âu. Nhưng các nhà sản xuất tuabin phàn nàn về việc phải đợi nhiều năm mới được cấp phép xây dựng các cánh đồng điện gió mới. Ngoài ra còn có cạnh tranh từ Mỹ và các công ty năng lượng mặt trời của Địa Trung Hải.


Coca-Cola công bố kết quả quý I

Coca-Cola, nhà sản xuất nhãn hiệu đồ uống có ga nổi tiếng và có giá trị nhất thế giới, sẽ công bố thu nhập quý vào thứ Hai. Giới phân tích kỳ vọng doanh thu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Coca-Cola chỉ tăng khiêm tốn so với cùng kỳ năm trước (cổ phiếu vẫn tăng đều đặn trong tháng qua). Công ty này có lợi thế nhờ danh mục sản phẩm đa dạng, từ đồ uống thể thao, nước đóng chai, nước ép trái cây cho tới rượu đóng hộp, trong đó có nhiều loại phù hợp với khẩu vị địa phương. Hiện họ có mặt ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhưng như nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng khác, Coca-Cola đã phải vật lộn với chi phí đầu vào và vận chuyển tăng cao. Công ty cũng đang đấu tranh với Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) tại tòa án; nếu IRS thắng kiện, Coca-Cola sẽ đối mặt hơn 3,3 tỷ đô la tiền thuế và lãi. Dù vậy, lạm phát đã phần nào thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, ngay cả khi người tiêu dùng uống từng ngụm nhỏ hơn.


First Republic công bố tình hình kinh doanh sau khủng hoảng

Liên tiếp ba ngân hàng Mỹ phá sản trong tháng 3. Một đặc điểm chung là phần lớn các khoản tiền gửi lớn không được bảo hiểm bởi các cơ quan quản lý, bên cạnh sự bất chấp rủi ro (về lãi suất và tiền điện tử). Sau các vụ phá sản, những người gửi tiền không được bảo hiểm bắt đầu tháo chạy khỏi các tổ chức có thể gặp rắc rối tương tự. Chỉ trong vòng hơn một tuần, First Republic Bank ở San Francisco đã mất 70 tỷ đô la tiền gửi, chiếm một phần tư lượng tiền gửi của ngân hàng này. Một nhóm các ngân hàng đã đồng ý bơm 30 tỷ đô la vào First Republic để giúp ngân hàng tồn tại. Giá cổ phiếu của nó đã giảm khoảng 90% trong năm nay.

Vào thứ Hai, First Republic sẽ báo cáo thu nhập quý đầu năm. Nhiều khả năng là các khoản lỗ khi ngân hàng này phải bán tài sản để thay thế cho các khoản tiền gửi mất đi. Hơn nữa, trong trường hợp không có tiền gửi – một nguồn huy động vốn có chi phí thấp – thì chi phí huy động vốn của ngân hàng sẽ tăng mạnh. Quy mô thiệt hại sẽ làm sáng tỏ cơ hội sống sót của nó.


Hàn Quốc thay đổi lập trường, sẵn sàng viện trợ quân sự có điều kiện cho Ukraine

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G-20 ở Nusa Dua, trên hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào ngày 15/11/2022. (Ảnh: Mast Irham/AFP/Getty Images) 

Phát biểu với giới truyền thông trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự có điều kiện cho Ukraine trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào thường dân nước này.

Đây là lần đầu tiên giới chức Hàn Quốc thay đổi lập trường về vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Hàn Quốc viện trợ quân sự cho Ukraine có điều kiện

Hãng tin Reuters của Anh ngày 19/4 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, nếu thường dân Ukraine bị lực lượng quân sự tấn công quy mô lớn, sự hỗ trợ của Hàn Quốc dành cho Ukraine có thể vượt ra ngoài khuôn khổ viện trợ kinh tế và nhân đạo. Đây là lần đầu tiên ông thay đổi lập trường phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách giúp bảo vệ và tái thiết Ukraine, giống như khi Hàn Quốc nhận viện trợ quốc tế trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

“Trong trường hợp xảy ra tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể dung thứ, chẳng hạn như các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường, các vụ thảm sát hoặc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, chúng tôi khó có thể chỉ cung cấp hỗ trợ nhân đạo hoặc kinh tế”.

Hơn một năm sau khi loại trừ khả năng viện trợ vũ khí sát thương cho cả hai bên trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Hàn Quốc lần đầu tiên bày tỏ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine có điều kiện.

Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ và là nhà sản xuất đạn pháo lớn, cho đến nay đã cố gắng tránh đối đầu với Nga trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các quốc gia phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nguyên nhân được cho là do sự hiện diện của các công ty Hàn Quốc ở Nga và những lo ngại của Nga về Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc nói: “Tôi tin rằng sẽ không có giới hạn về mức độ viện trợ trong việc bảo vệ các quốc gia bị xâm chiếm bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia. Tuy nhiên, xét đến mối quan hệ giữa Hàn Quốc với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến (Nga – Ukraine) và diễn biến của tình hình chiến tranh, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp nhất”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dự kiến có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ vào tuần tới và tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc với Hoa Kỳ. Tại hội nghị thượng đỉnh, ông sẽ thảo luận về những nỗ lực của đồng minh nhằm cải thiện phản ứng trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Ông Yoon cho biết Seoul sẽ tăng cường năng lực giám sát, trinh sát và phân tích tình báo, đồng thời phát triển “các loại vũ khí mạnh mẽ, siêu năng lực” để chống lại các mối đe dọa quân sự của Triều Tiên.

“Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, đó có thể không chỉ là vấn đề giữa hai bên mà toàn bộ Đông Bắc Á có thể biến thành tro bụi. Vì vậy, chúng ta phải ngăn chặn điều này”.


Truyền thông Triều Tiên: Hàn Quốc cho Mỹ mượn 500.000 quả đạn pháo

Tờ DongA Ilbo ngày 12/4 dẫn một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, Seoul quyết định cho Washington mượn số đạn dược nói trên thay vì bán để giảm thiểu khả năng các loại pháo của Hàn Quốc được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tờ báo cho hay, theo nhiều nguồn tin ẩn danh của chính phủ Hàn Quốc, vào năm 2022, chính phủ Mỹ đã mua 100.000 quả đạn pháo 155 mm từ Hàn Quốc. Tháng 2 năm nay, Mỹ lại đề nghị mua thêm 100.000 quả đạn pháo cùng cỡ. Hàn Quốc đã đáp lại bằng cách đồng ý cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ 500.000 quả đạn pháo 155 mm do Hàn Quốc sản xuất dưới hình thức “cho mượn” thay vì bán. Trên bình diện quốc tế, việc cung cấp vũ khí có thể sử dụng được như đạn pháo cho các quốc gia khác không phải là hiếm.

“Chúng tôi chọn cách giảm đáng kể số lượng đạn pháo, nhưng bằng phương pháp cho thuê, sau khi cân nhắc cách trả lời đề nghị của đồng minh nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”, tờ DongA Ilbo dẫn nguồn cho hay.

Một trong những nguồn tin cho biết các quan chức chính phủ Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần bất đồng trong vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine.

Một nguồn tin khác cho biết: “Sau khi tìm ra phương thức đáp ứng yêu cầu của đồng minh Hoa Kỳ một cách thiện chí, đồng thời tuân thủ nguyên tắc của chính phủ (Hàn Quốc) về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, chúng tôi đã quyết định tăng nguồn cung đạn pháo cho Hoa Kỳ dưới hình thức cho vay”.

Vì chính phủ Hàn Quốc tuân thủ nguyên tắc không trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho cả hai bên tham chiến, nên Seoul cũng tuyên bố rằng luật pháp quốc gia cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có liên quan đến xung đột quân sự vũ trang, điều đó có nghĩa là Hàn Quốc không được gửi vũ khí cho Ukraine.

Được biết, chính phủ Mỹ sẽ không trực tiếp vận chuyển 500.000 quả đạn pháo 155 mm do Hàn Quốc sản xuất tới Ukraine, nhưng sẽ bổ sung vào kho vũ khí và đạn dược hiện có. 100.000 quả đạn pháo mà Hoa Kỳ mua năm ngoái cũng được xử lý theo cách tương tự.

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng phương thức cho vay có thể đảm bảo quyền sở hữu 500.000 viên đạn 155 mm thuộc về chính phủ Hàn Quốc và Mỹ cũng phải trả lại cho Hàn Quốc trong tương lai. Do đó, Hoa Kỳ không thể cung cấp loại đạn này cho Ukraine mà không có sự cho phép của chính phủ Hàn Quốc.

Mặc dù vậy, các ngoại giới tin rằng điều này tương đương với việc chính phủ Hàn Quốc gián tiếp hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.

Huyền Anh tổng hợp


XEM THÊM:

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.