Thời sự đó đây Thứ Ba 26/9/2023: *Mỹ cung cấp hỏa tiễn tầm xa ATACMS cho Kyiv *Seoul, Tokyo, Bắc Kinh nối lại thượng đỉnh ba bên *Philippines không lùi trước đe dọa của TQ *Ukraine: tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga thiệt mạng *Tình hình nhà đất Mỹ vẫn nóng *Thái Lan hy vọng Tesla, Google, Microsoft đầu tư 5 tỷ USD
Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa cho Kyiv
Liên Thành
Tên lửa ATACMS. (Ảnh: Twitter).
Tổng thống Mỹ, Joe Biden có kế hoạch cung cấp cho Ukraina tên lửa tầm xa tiên tiến để giúp Kiev thực hiện cuộc phản công đang diễn ra.
Họ dẫn lời các quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này cho biết, Ukraina sẽ nhận được một số tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới 190 dặm (300km).
Điều này sẽ cho phép Kiev tấn công các mục tiêu của Nga ở sâu phía sau chiến tuyến.
Ít nhất hai tên lửa Ukraina đã tấn công trụ sở hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea vào thứ Sáu.
Một nguồn tin quân sự Ukraina nói với BBC rằng, cuộc tấn công ở cảng Sevastopol đã sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp cung cấp. Những tên lửa như vậy có tầm bắn chỉ hơn 150 dặm (240km).
NBC News và Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ông Biden đã nói với người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky rằng, Kyiv sẽ nhận được “một số lượng nhỏ” tên lửa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội). Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Nhà Trắng hôm thứ Năm.
WSJ cho biết thêm rằng, vũ khí sẽ được gửi trong những tuần tới.
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời một số người quen thuộc với các cuộc thảo luận nói rằng Ukraina sẽ trang bị ATACMS bằng bom chùm thay vì đầu đạn đơn lẻ.
Cả Mỹ và Ukraina đều chưa chính thức xác nhận thông tin này.
Sau cuộc đàm phán Biden-Zelensky, Washington đã công bố một khoản viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD – bao gồm pháo binh và đạn dược – cho Ukraina. Xe tăng Abrams của Mỹ sẽ được chuyển đến Kiev vào tuần tới.
Tuy nhiên, cả hai tổng thống đều lảng tránh vấn đề ATACMS.
“Tôi tin rằng hầu hết những gì chúng tôi đã thảo luận với Tổng thống Biden ngày hôm qua… chúng tôi sẽ có thể đạt được thỏa thuận”, ông Zelensky nói hôm thứ Sáu trong chuyến thăm Canada.
“Đúng, đây là vấn đề thời gian. Không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào Ukraina,” ông nói thêm.
Kyiv trong nhiều tháng đã thúc đẩy ATACMS tăng cường phản công gay gắt và đẫm máu ở phía nam.
Họ cho biết, các tuyến tiếp tế quan trọng của Nga, các vị trí chỉ huy và các trung tâm hậu cần khác nằm sâu phía sau chiến tuyến khi đó sẽ nằm trong khoảng cách tấn công, buộc Mát-xcơ-va phải di chuyển chúng ra xa hơn và do đó khiến việc tiếp tế quân đội và vũ khí trở nên khó khăn hơn.
Ukraina cho biết, các vị trí của Nga ở khu vực Ukraina bị chiếm đóng ở phía nam – bao gồm cả Crimea – sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương.
Tổng thống Vladimir Putin đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina vào tháng 2 năm 2022 và chính quyền Biden ban đầu do dự trong việc cung cấp cho Ukraina vũ khí hiện đại.
Nhưng lập trường của nước này kể từ đó đã thay đổi đáng kể, với việc Kyiv có được hệ thống tên lửa tầm xa Himars có độ chính xác cao và tên lửa phòng không Patriot.
Tổng thống Biden đã do dự về ATACMS trong bối cảnh lo ngại rằng những tên lửa như vậy có thể khiến một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga có vũ khí hạt nhân đến gần hơn.
Seoul – Tokyo – Bắc Kinh họp cấp cao nhằm nối lại thượng đỉnh ba bên
Minh Anh /RFI
26/9/2023
Ngày 26/09/2023, đại diện ngoại giao cao cấp ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc họp tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc, đồng thuận nối lại càng sớm càng tốt thượng đỉnh ba bên, bị gián đoạn từ nhiều năm qua.
Thứ trưởng Ngoại Giao Hàn Quốc Chung Byung-won (G), đồng nhiệm Nhật Bản Takehiro Funakoshi (T) và trợ lý bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Nông Dung (Nong Rong) chụp ảnh chung trước cuộc gặp ba bên tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/09/2023. REUTERS – SOO-HYEON KIM
The Yonhap, thứ trưởng Ngoại Giao Hàn Quốc Chung Byung-Won đã có cuộc gặp với các đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi và trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung (Nong Rong). Các bên thảo luận nối lại cơ chế hợp tác ba bên, bao gồm cả khả năng nối lại cuộc họp thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn bị đình lại từ năm 2019.
Trong cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc khẳng định ba bên thống nhất sẽ « tổ chức một cuộc cấp ngoại trưởng trong thời gian sớm nhất để chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh » vào một thời điểm phù hợp với tất cả các bên. Đây cũng là đề nghị của ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin trong cuộc trao đổi ngắn với thứ trưởng ba nước.
Yonhap nhắc lại, thượng đỉnh ba bên đầu tiên bắt đầu vào tháng 12/2008 nhưng đã bị đình lại vào năm 2019 vì nhiều lý do như những bất đồng về pháp lý, ngoại giao và thương mại giữa Seoul và Tokyo liên quan đến những vấn đề có từ thời quân đội Nhật Hoàng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, giai đoạn 1910 – 1945, cũng như là dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2020.
Việc nối lại các cuộc họp ba bên được đưa ra vào lúc quan hệ Hàn – Nhật được hạ nhiệt kể từ khi ông Yoon Suk Yeol lên làm tổng thống Hàn Quốc tháng 5/2022. Với tư cách là nước chủ trì cơ chế hợp tác ba bên, Hàn Quốc cam kết tổ chức một thượng đỉnh vào trước cuối năm 2023.
Philippines quyết không lùi khi Trung Quốc cảnh báo về ‘rắc rối’ ở bãi cạn Scarborough
26/9/2023
Thợ lặn cắt dây phao ở bãi cạn Scarborough.
Hôm 26/9, Philippines tuyên bố sẽ không lùi bước trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản ngư dân nước này đi vào bãi cạn trong vòng tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh cảnh báo quốc gia Đông Nam Á này không được “khiêu khích và gây rắc rối”, theo Reuters.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Manila tháo phao chắn dài 300 mét do Bắc Kinh lắp đặt tại bãi cạn này, một trong những thực thể hàng hải gây tranh cãi nhất ở châu Á, sử dụng lực lượng tuần duyên giả dạng ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ.
Động thái mà Philippines gọi là “chiến dịch đặc biệt” có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã xấu đi trong năm nay.
Đề đốc Jay Tarriela, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Philippines, nói với đài CNN Philippines: “Họ vẫn có thể lắp lại phao nổi một lần nữa, họ vẫn có thể thực hiện hành động bám đuổi và nguy hiểm một lần nữa”.
Trước đó, ông Tarriela cho hay 4 tàu Trung Quốc đang ở trong khu vực này khi một tàu Philippines tiếp cận và “không hung hãn đến mức đó”, đồng thời nói thêm rằng rõ ràng báo giới cũng có mặt trên tàu Philippines.
Ông cho biết hải cảnh Trung Quốc thậm chí đã dọn nốt những gì còn vương vãi lại của phao chắn nổi bị cắt đứt.
Ông Tarriela nói: “Chúng tôi đã cho thế giới thấy rằng người dân Philippines sẽ không lùi bước và chúng tôi vẫn sẽ liên tục thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để duy trì sự hiện diện của mình”.
Bãi cạn Scarborough, một ngư trường chính cách Philippines khoảng 200 km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, là nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền kéo dài hàng thập kỷ.
Trung Quốc, quốc gia gọi bãi cạn này là đảo Hoàng Nham, cáo buộc Philippines “xâm nhập” vào vùng biển không thể tranh cãi của Trung Quốc. Hôm 26/9, nước này cảnh báo Manila chớ có gây ra các hành động khiêu khích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của đảo Hoàng Nham và chúng tôi khuyên phía Philippines chớ có khiêu khích và gây rắc rối”.
Ukraine nói tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga thiệt mạng; Moscow chưa lên tiếng
26/09/2023 – Reuters
Đô đốc Nga Viktor Sokolov.
Lực lượng đặc biệt của Ukraine cho biết hôm 25/9 rằng họ đã diệt đô đốc hàng đầu của Moscow ở Crimea cùng với 33 sĩ quan khác trong cuộc tấn công bằng tên lửa hồi tuần trước vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở cảng Sevastopol, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Nga không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị xác nhận hay phủ nhận thông tin Đô đốc Viktor Sokolov, tư lệnh Hạm đội Biển Đen và là một trong những sĩ quan hải quân cấp cao nhất của Nga, đã thiệt mạng.
Nếu được xác nhận, vụ giết đô đốc Sokolov sẽ là một trong những cuộc tấn công quan trọng nhất của Kyiv vào Crimea, nơi Nga chiếm giữ và sáp nhập từ tay Ukraine vào năm 2014.
“Sau cuộc tấn công vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga, 34 sĩ quan thiệt mạng, trong đó có tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga. 105 kẻ chiếm đóng khác bị thương. Tòa nhà trụ sở không thể khôi phục được”, lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết trên ứng dụng Telegram.
Hiện chưa rõ Lực lượng đặc biệt Ukraine làm thế nào để thống kê được số người chết và bị thương trong vụ tấn công này.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố trên. Cả Ukraine lẫn Nga đều có những lúc đã phóng đại tổn thất của đối phương trong chiến tranh và ít nói về tổn thất của mình.
Trong một tuyên bố sau vụ tấn công, Bộ Quốc phòng Nga cho hay một quân nhân đã mất tích, điều chỉnh lại tuyên bố trước đó nói rằng người binh sĩ này đã thiệt mạng. Bộ này cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 5 tên lửa.
Ukraine tăng cường các cuộc tấn công ở Biển Đen và Bán đảo Crimea và bắt đầu sử dụng tên lửa cùng với máy bay không người lái tấn công. Kyiv từng nói rằng việc tiêu diệt hạm đội Biển Đen của Nga sẽ đẩy nhanh tốc độ kết thúc chiến tranh một cách đáng kể.
Hồi đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine tấn công một xưởng đóng tàu hải quân ở Biển Đen bằng 10 tên lửa hành trình.
Trong một dấu hiệu có thể cho thấy các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào Sevastopol nghiêm trọng đến mức nào, thống đốc thành phố do Nga dựng lên đã tổ chức một cuộc họp hôm 25/9 để xây dựng các hệ thống cảnh báo tấn công và phòng thủ tốt hơn cho thành phố.
Các cơ quan của Nga dẫn lời thống đốc Mikhail Razvozhayev nói với bộ máy chính quyền của mình: “Chúng ta hiểu rằng chúng ta đã chuyển sang một tình huống mới đòi hỏi phải có phản ứng có hệ thống”.
Ông Razvozhayev nói thêm: “Trước đây, chúng ta và quân đội của mình phải đối mặt với các cuộc tấn công từ phương tiện không người lái… Bây giờ mọi thứ đã thay đổi và chúng ta phải chuẩn bị cho mối đe dọa kiểu này”.
Ukraine liên tục tấn công Crimea
Cuộc chiến của tổng thống Vladimir Putin cuối cùng cũng đã tìm đến Crimea. Hôm thứ Sáu, hai tên lửa của Ukraine đã bắn trúng trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Ukraine tuyên bố giết chết chỉ huy hạm đội cùng 33 sĩ quan khác. Kể từ đó, chính quyền Nga đã bắt đầu bật còi báo động không kích, điều mà trước đây họ không làm để tránh thừa nhận là Crimea đang bị Ukraine đe doạ.
Các chiến lược gia Ukraine nhận định Crimea, bán đảo bị Nga sáp nhập vào năm 2014, là gót chân Achilles của kẻ xâm lược. Nó rất quan trọng đối với khả năng triển khai quân và giữ vững các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Nga, nhưng lại dễ bị cắt đứt. Kể từ mùa hè, Ukraine đã tăng cường tấn công ồ ạt, nhằm vào các căn cứ quân sự, căn cứ không quân và các trung tâm chỉ huy kiểm soát tại đây. Đã hơn một lần họ làm hỏng cầu Kerch, một hành lang giao thông quan trọng. Nhưng phía Nga đang có những điều chỉnh chiến thuật để đáp trả, chẳng hạn như di chuyển một số tàu đến các cảng an toàn hơn. Tầm quan trọng về mặt tâm lý của Crimea đối với quyền lực của Putin có nghĩa là ông sẽ không dễ gì để mất nó.
Lãnh đạo phe đối lập Hàn Quốc có thể bị bắt giữ
Vào thứ Ba, một tòa án Hàn Quốc sẽ xem xét liệu có nên ban hành lệnh bắt giữ Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập và là đối thủ chính của tổng thống Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ, hay không. Các công tố viên đã theo đuổi ông Lee một thời gian vì cáo buộc hối lộ và chuyển tiền cho Triều Tiên. Nhưng họ không thể bắt giữ một nghị sĩ đương nhiệm nếu không có sự chấp thuận của quốc hội, nơi đảng thiên tả của ông Lee đang chiếm đa số. Hồi tháng 2, quốc hội đã bỏ phiếu không cho phép bắt giữ ông. Nhưng đến cuộc bỏ phiếu thứ hai hôm 21 tháng 9 thì gió đã đảo chiều.
Ông Lee nói tổng thống và văn phòng công tố mà ông Yoon từng điều hành đang tổ chức săn lùng phù thủy. Song kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm 21 tháng 9, mà trong đó một số đáng kể nghị sĩ Đảng Dân chủ quyết định không bảo vệ ông, cho thấy sự bất bình ngày càng lan rộng. Với cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào tháng 4, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ đang cố gắng loại bỏ một nhà lãnh đạo gây tranh cãi.
Tình hình nhà đất Mỹ vẫn nóng bất chấp lãi suất cao
Thị trường nhà đất Mỹ đang trong tình trạng vừa nóng vừa lạnh. Với lãi suất thế chấp trên 7%, cao nhất trong hơn hai mươi năm, việc vay tiền để mua nhà là cực kỳ tốn kém. Do đó dĩ nhiên nhu cầu đã suy yếu. Nhưng những người có nhà cũng tỏ ra không muốn bán. Nhiều người trong số họ có các khoản thế chấp cố định dài hạn với lãi suất ưu đãi từ trước khi Fed tăng lãi suất chống lạm phát, và do đó sẽ mất món hời này nếu bán ra.
Kết quả là số lượng nhà được rao bán giảm mạnh, từ đó đẩy giá lên cao. Khi chỉ số S&P Case-Shiller toàn quốc được công bố vào thứ Ba, giá nhà được dự kiến sẽ tăng tháng thứ sáu liên tiếp. Các số liệu khác cũng có thể cho thấy doanh số bán nhà mới tăng mạnh. Với nguồn cung eo hẹp, một số người mua bất chấp lãi suất đang chuyển hướng sang nhà xây mới.
Biden và Trump lần lượt thăm Detroit
Tổng thống Joe Biden sẽ đến thăm Detroit, Michigan, vào thứ Ba để dành thời gian với các công nhân đình công, những người đang đấu tranh với General Motors, Ford và Stellantis. Từ trước đến nay chưa có tổng thống đương nhiệm nào tham gia một cuộc đình công. Donald Trump, đối thủ tiềm năng của ông Biden vào năm tới, dự định sẽ tới Detroit vào thứ Tư. Ông có thể gặp một số công nhân ủng hộ mình, nhưng sẽ không được hầu hết họ chào đón.
Cuộc đình công bắt đầu cách đây 10 ngày chủ yếu xoay quanh vấn đề tiền lương. United Auto Workers muốn tăng lương mạnh; nhưng các công ty chỉ đồng ý tăng khiêm tốn. Đàm phán cho tới nay vẫn bế tắc, mặc dù UAW có thể sớm chấm dứt đình công ở Ford vì hãng này tỏ ra nhượng bộ hơn. Nhưng ông Trump lại đổ lỗi cho ô tô điện, thứ mà ông cáo buộc ông Biden áp đặt lên người tiêu dùng Mỹ, qua đó gây bất lợi cho người lao động ngành ô tô ở Detroit. Dù thế nào đi nữa, những người đình công hy vọng mọi sự chú ý chính trị sẽ giúp ích cho mục tiêu của họ.
Thủ tướng Thái Lan kỳ vọng Tesla, Google, Microsoft đầu tư 5 tỷ USD
24/09/2023 – Reuters
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm 24/9 cho biết nước này dự kiến sẽ nhận được khoản đầu tư ít nhất là 5 tỷ USD từ Tesla, Google và Microsoft.
“Tesla sẽ xem xét một cơ sở sản xuất xe điện, Microsoft và Google đang xem xét các trung tâm dữ liệu”, ông nói mà không nêu chi tiết liệu 5 tỷ USD dự kiến sẽ là khoản đầu tư kết hợp hay được thực hiện riêng lẻ bởi mỗi công ty.
Tesla, Google và Microsoft đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Ông Srettha đã nói chuyện với các phóng viên ở Bangkok sau khi tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, nơi ông cũng đã có cuộc hội đàm với các giám đốc điều hành công ty vào đầu tuần này.
Đầu tư nước ngoài mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của Thái Lan, dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm nay, thấp hơn dự kiến trước đó, do xuất khẩu yếu hơn.
Ông Srettha đã nói chuyện với Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk vào tuần trước về lĩnh vực xe điện.
Thái Lan, trung tâm lắp ráp ôtô lớn thứ tư châu Á, đã đưa ra các ưu đãi cho các nhà sản xuất xe điện và pin, đồng thời cắt giảm thuế cho người mua xe điện trong nước để tiếp tục là trung tâm ôtô của khu vực.
Overlay3
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan