Thời sự Thứ Năm 18/01/2024: *Pháp viện trợ 40 hỏa tiễn, sắp ký thoả thuận an ninh với Ukraine. *Đại tá Nga bị tù vì sai sót bảo vệ cầu Crimea. *24 máy bay quân sự TQ quanh Đài Loan trong 24 giờ. *LHQ cảnh báo nguy cơ từ AI. *Iran, Pakistan pháo kích nhau. *TQ, Phi đồng ý đối thoại. *Nam Hàn Quốc trước siêu thanh của Bắc Hàn. *Chiến sự Ukraine, Trung Đông
Võ Thái Hà tổng hợp
Pháp viện trợ 40 tên lửa hành trình, sắp ký thoả thuận an ninh với Ukraine
Tên lửa hành trình Storm Shadow/Scalp EG do Pháp sản xuất tại lễ khai mạc Triển lãm hàng không Dubai ngày 20/11/2005. (Ảnh: RABIH MOGHRABI/AFP via Getty Images)
Pháp tuyên bố sẽ chuyển 40 tên lửa hành trình SCALP, một phiên bản song sinh của tên lửa Storm Shadow, cùng hàng trăm quả bom cho Ukraine để đối phó lực lượng Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/1 thông báo sẽ thăm thủ đô Kyiv của Ukraine trong tháng 2. Theo lời ông Macron, Paris đang xây dựng thỏa thuận an ninh song phương mới với Kyiv và sẽ công bố nội dung trong chuyến thăm này. Ông cũng thông báo Pháp sẽ chuyển giao hơn 40 tên lửa hành trình tầm xa SCALP và hàng trăm quả bom chưa rõ chủng loại cho Ukraine.
Pháp lần đầu cung cấp tên lửa SCALP-EG cho Ukraine hồi tháng 7 năm ngoái, hai tháng sau khi Anh tiến hành động thái tương tự, nhưng không rõ số lượng chuyển giao khi đó.
Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP EG do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể. Mỗi quả đạn có giá hơn 3 triệu USD. Không quân Ukraine sử dụng chúng để tấn công những mục tiêu giá trị cao, được lưới phòng không bảo vệ và nằm sâu trong lãnh thổ Nga kiểm soát.
Một quan chức quân sự Mỹ cho hay xét về tầm bắn, đây là “vũ khí thay đổi cuộc chơi, mang lại năng lực mà Ukraine đã yêu cầu từ khi chiến sự bùng phát”.
Storm Shadow/SCALP EG từng gây nhiều thiệt hại cho mục tiêu cố định của Nga, buộc Moscow tăng cường lưới phòng không và phân tán các đơn vị để hạn chế thiệt hại. Quân đội Nga cũng phải duy trì những đòn tập kích quy mô lớn nhằm phá hủy các kho chứa tên lửa Storm Shadow/SCALP EG và phi đội cường kích Su-24M mang chúng.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Ukraine tuyên bố tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp đã được sử dụng trong vụ tấn công lúc rạng sáng 13/9 vào lực lượng hải quân Nga tại thành phố cảng Sevastopol ở Crimea.
Quan chức Ukraine tiết lộ hai tên lửa kể trên được gắn dưới cánh máy bay phản lực Su-24, trong đó Storm Shadow dưới cánh trái, SCALP dưới cánh phải. Cả hai tên lửa đều hoạt động tốt.
Vụ tấn công được cho là đã phá huỷ tàu ngầm lớp Kilo Rostov-na-Donu và tàu đổ bộ Minsk của Nga. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, tàu chiến Minsk “gần như chắc chắn bị phá hủy về mặt chức năng, trong khi tàu Rostov có thể bị thiệt hại thảm khốc”.
Không quân Ukraine tháng 12 năm ngoái được cho là cũng phóng tên lửa hành trình Storm Shadow vào cảng Feodosia ở bán đảo Crimea, khiến tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk của Nga bị phá hủy. Kyiv giữa tháng 11 cùng năm cũng đã bắn 15 tên lửa vào nhà máy đóng tàu ở thành phố Kerch trên bán đảo, khiến một con tàu bị hư hại.
Đại tá Nga bị phạt tù vì sai sót trong bảo vệ cầu Crimea
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn TASS ngày 16/1 đưa tin đại tá Sergei Volkov, cựu sĩ quan cấp cao của lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, đã mua hai tổ hợp radar Orel-2020 với giá 395 triệu ruble (khoảng 4,5 triệu USD) để bảo vệ cầu Crimea khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, cũng như bảo vệ đường ống khí đốt từ miền nam Nga tới bán đảo.
Theo các công tố viên, Volkov đã biết trước các khí tài này không đủ khả năng chặn đứng đòn tập kích của UAV Ukraine song vẫn quyết định mua. Tờ Kommersant của Nga cho biết sai sót của ông đã khiến cầu Crimea phải “đối diện với hỏa lực của đối phương”. Tòa án quân sự ở Moscow tuyên Volkov 6 năm tù với tội danh lạm dụng chức vụ, song không tước quân hàm của ông.
Đại tá Volkov bác bỏ tội danh, khẳng định ông đã tuân thủ luật pháp trong quá trình mua hai tổ hợp radar. Ông nhấn mạnh rằng chúng được mua để bảo vệ các đơn vị Vệ binh Quốc gia Nga ở bán đảo Crimea, chứ không phải nhằm phòng thủ cây cầu.
Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, kết nối lục địa Nga với bán đảo mà Moscow sáp nhập vào năm 2014. Vị trí chiến lược đã khiến nó trở thành mục tiêu tấn công kể từ khi xung đột nổ ra.
Tháng 10/2022, cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã gây ra vụ nổ lớn trên cầu Crimea, làm sập hai nhịp cầu và khiến 5 người thiệt mạng. Kyiv tháng 7 năm ngoái cũng xác nhận đã dùng tàu không người lái (USV) tấn công cầu Crimea, khiến một nhịp cầu hư hại nặng. Ông Volkov được cho là bị bắt vào tháng 3 cùng năm.
Giới quan sát cho rằng mục đích của Ukraine khi nhắm vào cầu Crimea là làm suy yếu vị thế của Nga trên bán đảo và cản trở Moscow tiếp tế cho lực lượng trên đất liền.
Trung tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine (GUR), hôm 12/1 cảnh báo nước này sẽ gia tăng các đợt tấn công nhằm vào bán đảo Crimea trong thời gian tới.
Viên Minh (tổng hợp)
Phát hiện 24 máy bay quân sự Trung Quốc quanh Đài Loan trong 24 giờ
Phan Minh /RFI
18/01/2024
Chính quyền Đài Bắc hôm nay, 18/01/2024, thông báo phát hiện 24 phi cơ quân sự của Trung Quốc bay quanh Đài Loan trong vòng 24 giờ.
Ảnh minh họa: Một chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh trong cuộc thao dượt quân sự quanh đảo Đài Loan do Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc tiến hành ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 08/04/2023. AP – Wang Zixiao
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết 24 máy bay và 5 tàu chiến Trung Quốc đã bị phát hiện quanh hòn đảo trong vòng 24 giờ cho đến 6 giờ sáng, giờ địa phương, hôm nay. Trong số những máy bay bị phát hiện, 11 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan và bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Đây là cuộc phô trương lực lượng lớn nhất của Bắc Kinh đối với hòn đảo kể từ cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan 13/01. Trong tuyên bố gần đây, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Đài Loan “chắc chắn sẽ được thống nhất với Hoa lục”.
Được cử tri Đài Loan bầu làm tổng thống, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) bị Trung Quốc xem là một “kẻ ly khai nguy hiểm”. Hai ngày sau cuộc bầu cử, đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan mà họ coi là “một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”.
AFP nhắc lại chính quyền Đài Loan không ngừng cáo buộc Trung Quốc xâm nhập không phận của hòn đảo “gần như hàng ngày”. Đặc biệt vào tháng 09/2023, Bắc Kinh đã điều 103 chiến đấu cơ bay quanh Đài Loan trong vòng 24 giờ, một “con số kỷ lục”, theo thống kê của Đài Bắc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo những nguy cơ từ AI
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký LHQ. (Ảnh: Wikipedia)
Trong phiên trả lời tại hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở thành phố Davos của Thụy Sĩ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đề cập tới những nguy cơ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cảnh báo những hiểm họa khó lường, ngoài ý muốn nếu công nghệ này không được kiểm soát.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho hay: “Mỗi bước tiến mới của công nghệ AI làm gia tăng nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn. Công nghệ này có tiềm năng to lớn để phát triển bền vững, nhưng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo, rất có thể nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới”.
Trước đó, IMF đã công bố bản đánh giá, cho rằng sự phát triển của công nghệ AI có thể ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới, làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và có khả năng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và người lao động trong các quốc gia.
Theo IMF, các chính phủ phải đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi sang một thế giới có sự tham gia của AI được thực hiện một cách toàn diện. IMF cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các bước chủ động để ngăn chặn AI gây ra căng thẳng xã hội bằng cách tạo ra mạng lưới an toàn cho những người lao động dễ bị tổn thương.
Đánh giá những nguy cơ từ AI cũng giống như vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ cho biết cộng đồng quốc tế tới nay chưa có chiến lược nào để xử lý hiệu quả. Ông lưu ý các công ty công nghệ lớn đang theo đuổi lợi nhuận và không lưu tâm đến các quyền cá nhân và tác động xã hội một cách liều lĩnh. Ông kêu gọi ngành công nghệ cần hợp tác với chính phủ để đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp.
Về quan điểm từ các công ty công nghệ cho rằng AI sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, Tổng thư ký Guterres đánh giá vấn đề này cần sự thảo luận kỹ lưỡng giữa LHQ với các chính phủ và cơ quan quốc tế. Ông cho biết các bộ phận cố vấn của LHQ đã đưa ra những khuyến nghị sơ bộ về quản trị AI, hướng đến việc khai thác lợi ích của công nghệ mới đáng kinh ngạc này, cũng như giảm thiểu rủi ro của nó. Các chính phủ cần khẩn trương hợp tác với các công ty công nghệ về khuôn khổ quản lý rủi ro để phát triển AI hiện tại, về giám sát và giảm thiểu tác hại trong tương lai.
Phan Anh
Pakistan triệu hồi đại sứ tại Iran sau các vụ không kích ‘vô cớ’ bằng phi đạn
Một chiếc xe hơi rời bệnh viện trụ sở quận (DHQ) ở thị trấn Panjgur của tỉnh Balochistan hôm 17/01/2024. (Ảnh: Banaras Khan/AFP qua Getty Images)
ISLAMABAD – Hôm thứ Tư (17/01), Pakistan đã triệu hồi đại sứ của mình ở nước lân bang Iran để phản đối một “sự vi phạm trắng trợn” chủ quyền của nước này sau khi Tehran cho biết đã tiến hành các cuộc không kích bằng phi đạn vào các căn cứ khủng bố ở phía tây nam Pakistan.
Ngoại trưởng Iran cho biết nước này đã tấn công những kẻ khủng bố trong các cuộc tấn công bằng “phi đạn và phi cơ không người lái.” Truyền thông nhà nước cho biết phi đạn của Iran đã nhắm vào hai căn cứ của nhóm Hồi Giáo Sunni Jaish al-Adl, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định là “tổ chức khủng bố ngoại quốc.”
Pakistan cho biết việc vi phạm không phận của nước này đã dẫn đến hai trẻ em tử vong nhưng không xác nhận bản chất của hành vi vi phạm, hoặc địa điểm xảy ra các cuộc không kích.
Tại Davos, Thụy Sĩ, nơi ông đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết chỉ có những kẻ khủng bố mới bị tấn công, cáo buộc những kẻ bị nhắm đến đó có liên quan đến Israel.
Pakistan và Iran trước đây có mối bang giao không mấy tốt đẹp, nhưng các cuộc không kích này là vụ xâm phạm xuyên biên giới nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.
Cuộc không kích này diễn ra một ngày sau các cuộc tấn công tương tự do Tehran thực hiện ở các nước lân bang khác là Iraq và Syria. Baghdad đã triệu hồi đại sứ của mình ở Tehran sau khi truyền thông được nhà nước Iran hậu thuẫn đưa tin nước này đã tấn công một trung tâm gián điệp của Israel.
Các quan chức cấp tỉnh ở Pakistan cho biết hai trẻ em đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong các cuộc không kích gần biên giới Iran.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Mumtaz Zahra Baloch cho biết sự vi phạm này là vô cớ và không thể chấp nhận được. Bà nói Pakistan có “quyền đáp trả hành động bất hợp pháp này,” một thông điệp mà nước này đã chuyển tải tới chính phủ Iran.
Bà Baloch cho biết Pakistan sẽ không cho phép đại sứ Iran, hiện đang thăm quê hương của ông, quay trở lại nước này.
Quan chức chính phủ Aurangzeb Badini cho biết một cuộc họp của ủy ban thương mại biên giới chung đã bị hủy bỏ, và một phái đoàn thương mại Pakistan đã bị triệu hồi khỏi Chabahar ở Iran.
Các cuộc không kích gần biên giới Iran
Trước đây, Jaish al-Adl đã thực hiện các cuộc tấn công vào các lực lượng an ninh Iran ở khu vực biên giới với Pakistan.
Các quan chức ở tỉnh Balochistan phía tây nam Pakistan, giáp biên giới Iran, cho biết bốn phi đạn đã bắn trúng quận Panjgur gần biên giới này.
Một quan chức cao cấp của chính phủ quận Panjgur nói với Reuters: “Bốn hỏa tiễn đã được bắn vào làng Koh-i-Sabaz, rơi xuống lãnh thổ Pakistan khoảng 50 km (31 dặm).”
Jaish al-Adl, vốn cho biết họ tìm kiếm các quyền lớn hơn và điều kiện sống tốt hơn cho nhóm dân tộc thiểu số Baluchis, đã nhận trách nhiệm về vài vụ tấn công trong những năm gần đây nhằm vào các lực lượng an ninh Iran ở tỉnh Sistan-Baluchestan, phía đông nam Iran.
Trong lần tuyên bố lặp lại trước đó với tên gọi Jundallah, nhóm này đã cam kết trung thành với nhóm khủng bố ISIS đóng tại Iraq và Syria.
Cẩm An lược dịch
Đến lượt Pakistan tấn công “nơi trú ẩn của khủng bố” ở Iran
Phan Minh /RFI
17/01/2024
Chính quyền Islamabad hôm nay, 18/01/2024, tuyên bố đã thực hiện “các cuộc tấn công nhắm vào những nơi ẩn náu của khủng bố” ở Iran vào đêm qua. Cuộc tấn công của Pakistan, đã khiến ít nhất 9 người chết, diễn ra một ngày sau khi Teheran bị cáo buộc không kích vào lãnh thổ Pakistan khiến 2 trẻ em thiệt mạng.
Ảnh minh họa : Bộ Ngoại Giao Pakistan tại Islamabad, ngày 18/01/2024. AFP – AAMIR QURESHI
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết cụ thể :
“Các quan chức địa phương đã xác nhận những cuộc tấn công do Pakistan tiến hành ở vùng Saravan. Theo phó thống đốc tỉnh, 3 phụ nữ và 4 trẻ em, tất cả là người nước ngoài, đã thiệt mạng trong cuộc oanh kích tại một ngôi làng ở biên giới giữa hai nước.
Đây là lần đầu tiên Pakistan tấn công vào các mục tiêu ở Iran. Theo Islamabad, các mục tiêu nhắm tới là căn cứ của hai lực lượng ly khai sắc tộc Baloch ở Pakistan : Quân đội Giải phóng Balochistan và Mặt trận Giải phóng Balochistan.
Iran lên án những cuộc tấn công của Pakistan và yêu cầu Islamabad giải trình ngay lập tức. Các cuộc tấn công này được tiến hành 2 ngày sau các cuộc oanh kích của Iran nhắm vào hai mục tiêu ở Pakistan. Theo Teheran, đó là các căn cứ của tổ chức Hồi Giáo cực đoan Iran theo hệ phái Sunni.
Các chiến binh của tổ chức này thường xuyên thực hiện các hoạt động ở vùng Sistan Balouchistan chống lại lực lượng an ninh Iran. Teheran khẳng định các chiến binh của Jaish al-Adl xâm nhập vào Iran từ Pakistan.
Giờ đây phải xem liệu hai nước có kiểm soát được những căng thẳng ở biên giới, hay xung đột sẽ lan rộng ở khu vực nhạy cảm này”.
Đang dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, thủ tướng tạm quyền của Pakistan, Anwar-ul-Haq Kakar, đã quyết định rút ngắn chuyến đi vì “những diễn biến căng thẳng ở trong nước”.
Biển Đông : Trung Quốc, Philippines đồng ý “cải thiện đối thoại”
Thanh Hà /RFI
18/01/2024
Sau nhiều tuần lễ căng thẳng, hôm 17/01/2024, trong một thông cáo chung kết thúc hội nghị lần thứ 8 của Cơ Chế Tham Vấn Song Phương về Biển Đông tại Thượng Hải, bộ Ngoại Giao Trung Quốc và Philippines thông báo hai bên đã đồng ý tìm cách « cải thiện các kênh liên lạc » để xử lý tranh chấp chủ quyền trong vùng biển này.
Ảnh minh họa : Tầu tiếp liệu của Philippines và phía xa là tầu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 04/10/2023. REUTERS – STAFF
Hãng tin Anh Reuters cho biết hội nghị do trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung (Nong Rong) và thứ trưởng ngoại giao Philippines Theresa Lazaro chủ trì. Hai bên đã « trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn và sâu sắc ». Trong thời gian gần đây, căng thẳng đã bùng lên giữa Trung Quốc và Philippines vì những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Bắc Kinh và Manila cùng ghi nhận quan hệ song phương « không chỉ giới hạn trên hồ sơ Biển Đông ».
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, tại hội nghị ở Thượng Hải, đôi bên cùng tin tưởng « duy trì đối thoại và các kênh liên lạc là điều thiết yếu » nhằm bảo đảm « hòa bình và ổn định » tại vùng Biển Đông. Còn theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Philippines, hai nước đã « đồng ý bình tĩnh giải quyết các sự cố và luôn thông qua giải pháp ngoại giao ».
Liên quan đến những sự cố gần đây chung quanh Bãi Cỏ Mây trong khu vực quần đảo Trường Sa, mà Philippines gọi là Bãi Ayungin, phía Philippines ghi nhận : « Mỗi bên đều có quan điểm riêng về Bãi Ayungin và cùng cam kết cố gắng tránh để căng thẳng leo thang ». Cuối năm 2023, Philippines và Trung Quốc đã quy trách nhiệm lẫn cho nhau trong vụ va chạm tàu ở khu vực Bãi Cỏ Mây. Theo giải thích của Manila, hai tàu chở hàng tiếp liệu của Philippines đã bị tuần duyên Trung Quốc « đâm vào ». Trước đó, ở bãi cạn Scarborough, nhiều tàu của Philippines cũng đã bị phía Trung Quốc uy hiếp. Trong các sự cố này, Bắc Kinh luôn khẳng định « xử lý các sự cố một cách chuyên nghiệp và đúng đắn » trong trường hợp hải phận của Trung Quốc bị « tàu nước ngoài xâm nhập ».
Ngoài vấn đề Biển Đông, quan hệ Trung Quốc – Philippines gần đây còn bị vấn đề Đài Loan chi phối : Cách nay 2 ngày Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines tại Bắc Kinh lên phản đối, cảnh cáo « đừng đùa với lửa », sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. gửi điện chúc mừng tổng thống tân cử Đài Loan Lại Thanh Đức, mà Trung Quốc gọi là « kẻ có lập trường ly khai ». Trong thông cáo hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc lại Manila cần tôn trọng nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất » và phải ngừng sử dụng « những từ ngữ và hành động không thích hợp liên quan đến Đài Loan ».
Hàn Quốc bất lực trước tên lửa bội siêu thanh của Bắc Triều Tiên
Thu Hằng /RFI
18/01/2024
Bắc Triều Tiên đạt thêm một tiến bộ vượt bậc trong chiến lược tăng cường kho vũ khí tầm xa hướng đến lục địa Mỹ, mà lãnh đạo Kim Jong Un vào năm 2021 đã cam kết thực hiện. Ngày 14/01/2024, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa bội siêu thanh sử dụng nhiên liệu rắn, loại tên lửa mà giới chuyên gia Hàn Quốc lo ngại vì khó bị bắn chặn, có thể bay đến thủ đô Seoul chỉ trong khoảng 1 phút.
Hình ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp: Tên lửa bội siêu thanh tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn được phóng ngày 14/01/2024. AP
Tại sao tên lửa IRBM được thử gần đây lại gây lo ngại ?
Vụ bắn thử, được Bắc Triều Tiên thông báo là thành công, diễn ra hai tháng sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công động cơ cho một loại tên lửa đạn đạo tầm trung IRBM sử dụng nhiên liệu rắn.
Theo Reuters, tên lửa siêu thanh thường phóng một đầu đạn bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (còn gọi là March 5), có nghĩa là khoảng 6.200 km/giờ, và thường hoạt động ở độ cao tương đối thấp, có khả năng cơ động để tránh bị phát hiện và đánh chặn. Dù tên gọi là “siêu thanh” nhưng đặc điểm chính của các loại vũ khí siêu thanh không phải là tốc độ (thường bằng hoặc nhanh hơn các đầu đạn của tên lửa đạn đạo truyền thống), mà là khả năng cơ động.
Trong lần thử đầu tiên tháng 09/2021, tên lửa siêu thanh của Bắc Triều Tiền mang đầu đạn hình tầu lượn. Lần thứ hai diễn ra năm 2022, được giới phân tích quân sự Hàn Quốc cho là để thử phương tiện hồi quyển (quay trở lại khí quyển) cơ động hình nón (MaRV) – có nghĩa là một đầu đạn tên lửa đạn đạo có khả năng cơ động để đạt đến mục tiêu. Vụ thử hôm 14/01/2024 là nhằm kiểm tra độ tin cậy của các động cơ nhiêu liệu rắn mới và khả năng điều khiển của đầu đạn khi bay.
Một tên lửa bội siêu thanh mang đầu đạn cơ động là một mối nguy hiểm. Thực vậy, sự kết hợp một đầu đạn lượn và một tên lửa có khả năng phóng đầu đạn đó vào vào quỹ đạo – còn được gọi là hệ thống mang/ném đầu đạn theo quỹ đạo thấp của Trái đất (FOBS) – có thể sẽ khiến đối thủ, cũng như các hệ thống phòng không truyền thống, không có thời gian ứng phó. Ngược lại, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang các đầu đạn hạt nhân bay theo lộ trình đạn đạo di chuyển trong không gian, nhưng không bao giờ lên đến quỹ đạo.
Theo trang South China Morning Post, tên lửa bội siêu thanh nằm trong danh sách các loại vũ khí tối tân được nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết phát triển tại Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên năm 2021. Những tên lửa siêu thanh được bắn thử năm 2022 và 2023 đều sử dụng nhiên liệu lỏng, bay nhanh hơn 10 lần vận tốc âm thanh. Cũng trong năm 2023, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liêu rắn đầu tiên và vệ tinh do thám quân sự đầu tiên (vào tháng 11). Ngoài ra, kho vũ khí của Bắc Triều Tiên còn có các tên lửa mang đa đầu đạn, tên lửa hạt nhân phóng từ tầu ngầm…
Hàn Quốc nằm sát tầm bắn
Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa IRBM được bắn từ thủ đô Bình Nhưỡng hoặc vùng phụ cận, đã bay khoảng 1.000 km và rơi xuống biển. Kết quả vụ thử không được Bắc Triều Tiên nêu chi tiết. Nhưng một tên lửa IRBM thường bay được từ 3.000 đến 5.500 km, có nghĩa là có thể bắn trúng bất kỳ điểm nào ở miền nam Hàn Quốc, cũng như bắn tới những căn cứ quân sự Mỹ ở Guam hoặc ở Nhật Bản với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Nếu những dữ liệu đó là chính xác, một tên lửa bội siêu thanh được bắn từ thủ đô của Bắc Triều Tiên có thể đến Seoul chỉ trong khoảng 1 phút.
Loại vũ khí này có thể “thay đổi toàn bộ tương quan lực lượng” trên bán đảo Triều Tiên. Theo giới chuyên gia, được trang Korea Times trích dẫn, vụ thử tên lửa IRBM ngày 14/01 gióng tiếng chuông báo động cho Hàn Quốc, bởi vì hiện giờ chưa một hệ thống phòng không nào được triển khai tại miền nam Triều Tiên có thể bắn chặn được những tên lửa như vậy.
Kim Yeoul Soo, nhà phân tích tại Viện Quân sự Hàn Quốc, lưu ý : “Tên lửa Bắc Triều Tiên đặt ra hai thách thức cho quân đội Hàn Quốc. Trước tiên, các tên lửa đó sử dụng nhiên liệu rắn, dễ vận chuyển hơn và dễ bắn hơn so với các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Do đó, cảnh báo sớm và tấn công phủ đầu sẽ rất khó. Ngoài ra, thường rất khó bắn chặn các tên lửa siêu thanh do tốc độ nhanh, khả năng cơ động và bay ở tầm thấp và lộ trình khó đoán. Hiện giờ, cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều không có hệ thống đáng tin cậy để chống lại những mối đe dọa như vậy”.
Nhà phân tích Shin Jong Woo, thuộc tổ chức tư vấn Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc (Korea Defense Security Forum), đánh giá tên lửa bội siêu thanh tầm trung nhiên liệu rắn, cùng với những tên lửa tối tân được thử nghiệm trước đây của Bình Nhưỡng, “dường như là giải pháp của Bắc Triều Tiên đối với (hệ thống tấn công phủ đầu) Kill Chain của chúng ta và hệ thống phòng không đang được phát triển”. Hàn Quốc đang phát triển nhiều tên lửa địa đối không tầm xa để cải thiện hệ thống phòng không chống vũ khí siêu thanh. Những tên lửa này chỉ có thể được triển khai từ năm 2028 nếu mọi chuyện suôn sẻ.
Nga-Bắc Triều Tiên : Mối quan hệ nguy hiểm cho Mỹ, Hàn Quốc
Song song với việc thị uy sức mạnh quân sự bằng các vụ thử tên lửa, Bắc Triều Tiên không ngừng lên tiếng de dọa Hàn Quốc và các đồng minh. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đề nghị Quốc Hội ghi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” vào Hiến Pháp. Bình Nhưỡng cắt đứt mọi mối quan hệ với Seoul và đang xích lại gần với Matxcơva. Ngày 13/01, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui lên đường công du Nga ngay trước hôm Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa bội siêu thanh nhiên liêu rắn tầm trung.
Leif-Eric Easley, giáo sư về nghiên cứu quốc tế, Đại học Ewha Womans Seoul, cho rằng “sự thị uy sức mạnh của Bình Nhưỡng không chỉ gây lo ngại cho Seoul. Vì Bình Nhưỡng hợp tác quân sự với Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraina nên có thể thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh, trong khi cả thế giới chú tâm vào Trung Đông”.
Một số chuyên gia khác, được SCMP trích dẫn, tỏ ra lo ngại về việc Nga, nổi tiếng về công nghệ tên lửa siêu thanh tân tiến, có thể sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển phiên bản Avangard riêng. Avangard là loại tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được các nhà khoa học Nga phát triển.
Tên lửa IRBM của Bắc Triều Tiên có thể vô hiệu hóa hệ thống chống tên lửa của Hàn Quốc và đe dọa các lực lượng chiến lược Mỹ, ví dụ các đội tầu sân bay tấn công ở Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể được lợi, theo nhà phân tích Lee Il Woo tại Korean Defence Network : “Những kiểu tên lửa này cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ Trung Quốc bằng cách răn đe các tầu sân bay Mỹ tiến gần đến biển Hoa Đông nếu diễn biến tình hình không tốt đẹp ở eo biển Đài Loan. Đây là một bước tiến mới của miền Bắc trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự”.
Cuối năm 2023, Kim Jong Un đã yêu cầu quân đội tăng cường chuẩn bị chiến tranh trước những hành động đối đầu “chưa từng có” do Hoa Kỳ cầm đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên. Ngày 15/01, lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định “không né tránh chiến tranh”, sẵn sàng “tiêu diệt” “kẻ thù chính” Hàn Quốc và thống nhất đất nước. Căng thẳng sẽ không giảm trong thời gian tới với hàng loạt sự kiện: Hàn Quốc và Mỹ sẽ tập trận chung thường niên vào tháng 03 và 08, Hàn Quốc bầu Quốc Hội vào tháng 04, Hoa Kỳ bầu tổng thống và một phần Quốc Hội vào tháng 11.
XEM THÊM (HD PRESS)
Tình hình ở Ukraina ngày 18.01.2024
15:10
Pháp đã phát động sáng kiến “Liên minh pháo binh” và tuyên bố cam kết sản xuất hàng chục hệ thống pháo và đạn dược Caesar tiên tiến cho Ukraine vào năm 2024. – Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Ukraine
10:07
Trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã tấn công các vùng Kirovohrad, Khmelnytskyi, Chernihiv, Sumy, Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Mykolaiv và Kherson. Ít nhất 2 công dân thiệt mạng và 9 người khác bị thương. – Thông tin từ Chính quyền quân sự khu vực
10:01
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine, 520 trẻ em Ukraine đã thiệt mạng và 1.195 trẻ em bị thương. Hầu hết nạn nhân là trẻ em đến từ vùng Donetsk. – Văn phòng Tổng công tố
08:03
Đêm 18/1, quân phòng thủ Ukraine đã bắn hạ 22 trong số 33 máy bay không người lái Shahed-136/131 được quân Nga sử dụng để tấn công các vùng Sumy, Mykolaiv, Dnipropetrovsk, Kherson, Khmelnytskyi và Kirovohrad. Ngoài ra, lực lượng Nga còn nhắm vào Kharkov bằng hai tên lửa phòng không dẫn đường S-300. – Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine
07:49
Tổng tổn thất trong trận chiến của quân xâm lược Nga ở Ukraine từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 18 tháng 1 năm 2024 (xấp xỉ): 373600 quân; 6147 xe tăng; 11410 xe bọc thép; 8835 hệ thống pháo binh; 966 MLRS; 653 hệ thống tác chiến phòng không; 331 máy bay; 324 máy bay trực thăng; 11794 xe quân sự và bình xăng; 23 thuyền quân sự; 1 tàu ngầm; 6925 máy bay không người lái chiến thuật; 1380 thiết bị quân sự đặc biệt; Tên lửa hành trình 1818 – Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine
Máy bay không người lái của kho dầu Ukraine ‘bay qua nhà Putin’
Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở St Petersburg vào sáng sớm thứ Năm đã bay qua một tài sản sang trọng được cho là của Vladimir Putin trên đường đến thành phố.
Hãng thông tấn RBC của Ukraine cho biết máy bay không người lái đã bay thẳng qua Công viên Quốc gia Valdai, nơi ông Putin và vận động viên thể dục dụng cụ Olympic được cho là Alina Kabaeva có tài sản, theo một cuộc điều tra vào tháng 3 năm 2023 của hãng thông tấn Proekt độc lập của Nga.
Công viên quốc gia cách Moscow 250 dặm về phía tây bắc ở Novgorod Oblast, nằm ở phía nam của vùng Leningrad nơi máy bay không người lái tấn công. (Telegrapg)
Mỹ tiến hành đợt không kích thứ tư vào phiến quân Houthi ở Yemen
Lực lượng Hoa Kỳ đã phát động một làn sóng tấn công vào người Houthis ở Yemen vào thứ Tư, lần thứ tư trong vòng chưa đầy một tuần họ nhắm vào nhóm nổi dậy.
Các quan chức cho biết Mỹ đã nhắm mục tiêu vào 14 tên lửa Houthi được nạp đạn để bắn từ Yemen.
Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết tên lửa của Houthi là mối đe dọa sắp xảy ra đối với các tàu buôn và tàu Hải quân Mỹ trong khu (Telegraph)
Những hình ảnh đầu tiên về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Houthi vào tàu Biển Đỏ
Đã cập nhật 6 phút trước
Hải quân Ấn Độ vừa công bố những hình ảnh về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Houthi vào một tàu thuộc sở hữu của Mỹ gần Biển Đỏ.
MV Genco Picardy, một tàu chở hàng rời đi qua Vịnh Aden, đã phát đi tín hiệu cấp cứu sau khi đám cháy bùng phát trên tàu vào tối hôm qua.
Các bức ảnh từ hải quân Ấn Độ điều động một tàu chiến để đáp trả cho thấy phần đuôi tàu bị cháy đen, một phần lan can bị phá hủy và một lưới kim loại treo lủng lẳng.
Một phát ngôn viên của hải quân cho biết: “Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, lực lượng biệt kích đã đảm bảo khu vực này an toàn cho quá trình vận chuyển tiếp theo. Tàu đang tiến tới cảng ghé tiếp theo.”
Cuộc tấn công của Houthi là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn ở Biển Đỏ và khu vực lân cận, khiến hoạt động vận chuyển trên tuyến đường thương mại quan trọng rơi vào tình trạng hỗn loạn. (Telegraph)
Overlay7
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, Nga, tin tức thế giới, Trung cộng, Ukraine, Đài Loan