Thời sự Thứ Sáu 08/3/2024: *’Đại ly hôn’ giữa TQ và kinh tế thị trường *Quỹ đầu tự TQ tăng đổ ra nước ngoài
Võ Thái Hà tổng hợp
Cuộc “đại ly hôn” giữa Trung Quốc và nền kinh tế thị trường
Minh Anh /RFI – 08/3/2024
Tăng trưởng kinh tế được dự phóng ở mức 5%. Không có kế hoạch phục hồi lớn nào trong chương trình nghị sự. Những điều này đã khiến chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI 300 mất giá đến 11% Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc ông Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát về mặt tư tưởng đã thật sự gây hoảng sợ các nhà đầu tư.
Ảnh minh họa : Tiền xu và tiền giấy nhân dân tệ của Trung Quốc. REUTERS – FLORENCE LO
Liệu đây có là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế ở Trung Quốc ? Theo quan sát của Sebastien Falletti, phóng viên nhật báo Le Figaro thường trú tại Bắc Kinh, dường như có một sự rạn nứt niềm tin giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và giới đầu tư nước ngoài.
Một cuộc tháo chạy vốn ngoạn mục đang diễn ra khi các nhà giao dịch chứng khoán theo chân các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt xoay lưng với đế chế Trung Hoa. Trong năm 2023, 68 tỷ đô la đã rời khỏi Trung Quốc và đầu tư nước ngoài rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993. Một dấu hiệu cho sự « ly hôn » giữa các thị trường và Trung Quốc của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ ba ?
Kiểm soát ý thức hệ
Đương nhiên, Trung Quốc vẫn là một « công xưởng » của thế giới, một thị trường hấp dẫn, có mức tăng trưởng ổn định và một tầng lớp trung lưu đang mở rộng, mang lại nhiều cơ hội tốt cho nhiều thương hiệu lớn. Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc cũng đang chinh phục thế giới, từ xe ô tô điện cho đến các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Temu hay Shein.
Nhưng « yếu tố Tập đang đè nặng lên những lá chủ bài nói trên, khi làm rối mờ tầm nhìn của các nhà hoạch định », Le Figaro viết. Sự rẽ ngoặt theo chủ nghĩa kinh tế nhà nước và chuyên chế của nhà lãnh đạo tập trung quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đang đánh mất dần niềm tin nơi các nhà đầu tư. Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế đặc trách châu Á tại ngân hàng Natixis, đánh giá : « Trung Quốc ngày càng ít giống với một nền kinh tế thị trường ».
Khi áp đặt việc kiểm soát hệ tư tưởng của Đảng trong khu vực tư nhân, vị « hoàng tử đỏ » cho thấy ông vẫn hoài niệm về mô hình Xô Viết và điều này đã phá vỡ lòng tin của các nhà cấp vốn tư bản lớn, một niềm tin đã được xây dựng từng bước từ thời Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980.
Ý thức hệ kết hợp với sự mập mờ là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trượt đà của Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Tính chất bất định xen lẫn những chỉ thị từ một Bộ Chính trị bị biến thành một hộp đen khó xuyên thủng, trong tay một nhà lãnh đạo mà không có một biện pháp bảo vệ đi kèm, đang gieo rắc lo lắng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự sụp đổ của ông Mã Vân (Jack Ma) – biểu tượng cho sự cất cánh kinh tế thần kỳ – và sự biến mất không lý do của chủ ngân hàng công nghệ Bao Fan là lời cảnh báo điển hình cho việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ, đẩy nhiều nhà tài phiệt lớn chuyển hướng đầu tư sang Singapore hay Tokyo.
Khi ý thức hệ chiến thắng chủ nghĩa thực dụng
Căng thẳng địa chính trị với phương Tây, ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn do cuộc chiến tại Ukraina, còn góp phần thúc đẩy xu hướng trên, vào lúc mọi người ngày càng lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ ở eo biển Đài Loan có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh tế. Theo nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ, Trung Quốc đang trở nên « khó đầu tư », khi tỏ ra nghi ngại bị kềm kẹp trong một cuộc « chiến tranh lạnh mới » ở châu Á – Thái Bình Dương.
Các cuộc khám xét tại các văn phòng tư vấn nước ngoài của cảnh sát Trung Quốc trong bầu không khí chống gián điệp mang nặng chủ nghĩa dân tộc khiến giới đầu tư Wall Street cũng toát « mồ hôi lạnh ».
Từ lâu giới đầu tư đã thích ứng với sự lãnh đạo của đảng, cơ chế bảo đảm ổn định xã hội, miễn là được điều hành bởi những nhà lãnh đạo « sáng suốt », quen thuộc với những quy tắc nghiêm ngặt của thị trường, mà Vương Kỳ Sơn, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương, là một gương mặt điển hình.
Bây giờ thì việc định chế tài chính này – từng là cột trụ cho những cải cách – nằm dưới sự điều hành của một tay chân thân tín của Tập Cận Bình, chỉ chú tâm đến kiểm soát, cùng với việc các tập đoàn nhà nước mở rộng phạm vi ảnh hưởng, cho thấy « ý thức hệ đang chiến thắng chủ nghĩa thực dụng », theo như đánh giá từ một nhà ngoại giao ở Hồng Kông.
Các quỹ Trung Quốc tăng tốc đổ ra nước ngoài
Mộc Vệ (theo Epoch Times, Reuters)
Sông Hoàng Phố, quận Phố Đông, thành phố Thượng Hải. Ảnh minh họa, chụp ngày 25/09/2018. (Nguồn: Gimas/Shutterstock)
Các quỹ Trung Quốc đang đổ vào các quỹ ở nước ngoài, đi ngược xu thế hạn chế đầu tư nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vấn đề sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn nhằm khôi phục thị trường trong nước và ổn định tỷ giá hối đoái của đồng RMB.
Trong bối cảnh đồng RMB suy yếu và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, kể từ năm ngoái thì giới đầu tư Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh việc chuyển vốn ra nước ngoài để tránh sụt giảm tài sản, điều này cũng làm tăng đáng kể thách thức đối với ĐCSTQ trong việc hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài. Xu thế này cho thấy thực tế không đủ niềm tin vào đầu tư trong nước Trung Quốc, thể hiện qua việc sản phẩm quỹ đầu tư tổ chức trong nước Trung Quốc đủ tiêu chuẩn (QDII) được giới đầu tư đổ vào.
QDII là kênh đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc, cho phép người dân Trung Quốc mua chứng khoán ở nước ngoài dưới sự kiểm soát vốn chặt chẽ của nhà chức trách Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội quản lý tài sản Trung Quốc (Asset Management Association of China), doanh số bán quỹ QDII đã đạt mức cao kỷ lục tăng 50% so với cùng kỳ trong tháng 1, tài sản quản lý quỹ QDII tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó doanh số bán quỹ tương hỗ chứng khoán trong nước (loại quỹ đầu tư tập trung vào việc đầu tư vào các cổ phiếu trong nước Trung Quốc) giảm 35%.
Những tuần gần đây, các chỉ số thị trường như Nikkei 225 của Nhật Bản và Nasdaq Composite của Mỹ cho thấy rủi ro cao khi người mua sẵn sàng trả cao hơn nhiều so với giá trị tài sản để mua cổ phiếu.
Sự bùng nổ đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài này cho thấy: để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Trung Quốc là bài toán khó. Hiện thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang lơ lửng ở mức thấp nhất trong 5 năm, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 30 năm lại chạm mức thấp mới.
Tuy nhiên, tăng trưởng của QDII bị hạn chế bởi hạn ngạch đầu tư nước ngoài do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) của ĐCSTQ đặt ra. Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đã không phê duyệt hạn ngạch mới kể từ tháng 7 năm ngoái, tổng hạn ngạch được phê duyệt lũy kế là 165,5 tỷ USD.
Tuần trước, Tập đoàn quản lý tài sản Trung Quốc (ChinaAMC) đã đặt ra giới hạn mua hàng ngày cho các nhà đầu tư tham gia quỹ đầu tư vào các công ty công nghệ trên toàn cầu (005698) ở mức 2.000 RMB, quỹ này tập trung vào các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Manulife Fund Management (công ty quản lý quỹ tài chính thuộc tập đoàn Manulife Financial Corporation) tại Trung Quốc cũng đặt giới hạn mua hàng ngày của “Quỹ đầu tư chứng khoán cơ hội Ấn Độ” (006105) là 300 RMB.
Một sản phẩm QDII khác được bán ở Trung Quốc đổ tiền vào quỹ phòng hộ Blackrock của Anh, hai nguồn tin cho biết quỹ này đã chứng kiến mức tăng gấp 5 lần trong năm nay khi đã huy động được gần 12 triệu USD, trong khi năm 2023 chỉ có được 2,1 triệu USD. Một trong những nguồn tin cho biết: “Nhu cầu về quỹ QDII từ các nhà đầu tư trong nước Trung Quốc đã tăng vọt trong năm nay”.
Công ty quản lý tài sản và tín dụng China Resources Trust, đơn vị ra mắt sản phẩm cùng với Blackrock, cho biết quỹ này vào tháng 3 đã đình chỉ. Người phát ngôn của BlackRock đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ngân hàng Standard Chartered gần đây cũng đã ngừng cho khách hàng Trung Quốc đầu tư mới vào các sản phẩm QDII vì “lý do thương mại”. Có thông tin cho rằng Standard Chartered đã không được cấp hạn ngạch QDII mới kể từ năm 2021, có thể hạn ngạch của họ đã được sử dụng hết.
Nhà quản lý danh mục đầu tư quỹ QDII của China Asset Management là Zheng Peng dự đoán, xu thế bùng nổ nguồn đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc này sẽ tiếp tục, khoảng cách gần 190 điểm cơ bản giữa lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ với Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hiện tại đang diễn ra.
Thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt
Sau khởi đầu bom tấn vào năm 2024, thị trường lao động Mỹ dường như đã chậm lại. Số liệu công bố hôm thứ Sáu dự kiến cho thấy nước này tạo thêm 200.000 việc làm trong tháng 2, thấp hơn nhiều so với mức tăng vọt 350.000 của tháng 1. Đây chính là điều mà Cục Dự trữ Liên bang và các nhà đầu tư muốn thấy. Dữ liệu hồi tháng 1 làm dấy lên lo ngại tăng trưởng và lạm phát đang tăng trở lại, từ đó có thể buộc Fed phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Thay vào đó, một thị trường lao động hạ nhiệt có thể dọn đường cho ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất trong những tháng tới. Có một số dấu hiệu mờ nhạt: những người lao động bị mất việc đang mất nhiều thời gian hơn để tìm việc mới và mức tăng lương đang giảm dần. Nhưng đồng thời, nền kinh tế cũng vượt qua suy thoái: tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 3,7%, gần mức thấp nhất trong 5 thập niên.
Thủ tướng Hungary gặp riêng ông Trump
Vào thứ Sáu, thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ gặp Donald Trump tại dinh thự của ông ở Florida, Mar-a-Lago. Ông không có ý định dừng lại ở Washington để gặp tổng thống Joe Biden. Ông Orban tin rằng ông và ông Trump đang đi tiên phong trong một liên minh quốc tế chống lại chủ nghĩa toàn cầu. Cả hai đều tán thành một phong cách bảo thủ mới độc hại dựa trên chủ nghĩa dân tộc, phản đối di cư quốc tế, và quan điểm cho rằng các ý tưởng thức tỉnh (woke) đang xâm lấn văn hóa phương Tây.
Ông Orban khá cô đơn trong Liên minh châu Âu và NATO vì ông chà đạp nền pháp quyền ở Hungary và kiên quyết phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine. Chiến thắng của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ cải thiện vị thế của ông. Ông là một trong số ít lãnh đạo quốc tế sẽ hoan nghênh chiến thắng của ông Trump vào tháng 11, trong khi nhiều người khác e ngại viễn cảnh này.
Giá lương thực toàn cầu dần ổn định
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga từ năm 2022 đã khiến giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt. Tình trạng mất an ninh lương thực sau đó đã gia tăng ở các nước nghèo. Giá đã giảm kể từ năm 2023, chủ yếu do xuất khẩu lúa mì của Nga tăng mạnh và sản xuất nông nghiệp toàn cầu tăng để đáp lại giá cao. Ngoài ra, lạm phát tổng thể làm giảm nhu cầu đối với một số mặt hàng, đặc biệt là dầu hướng dương.
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) Liên Hợp Quốc trong tháng 1 đã giảm 10,4% so với một năm trước đó, về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Số liệu tháng 2 được công bố vào thứ Sáu có thể cho thấy đà giảm vẫn tiếp tục.
Nhưng cũng có tin không tốt. Chỉ số giá đường của FAO trong tháng 1 cao hơn 16% so với một năm trước đó, và dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 2. El Niño đã gây ra hạn hán ở Australia, Ấn Độ và Thái Lan – ba trong bốn nước xuất khẩu đường lớn nhất.
Ireland trưng cầu dân ý để sửa hiến pháp
Vào thứ Sáu, công chúng Ireland sẽ bỏ phiếu trong hai cuộc trưng cầu dân ý về các đề xuất hiện đại hóa hiến pháp. Các cử tri sẽ quyết định xem có nên loại bỏ ngôn từ đề cập đến “cuộc sống trong gia đình” của phụ nữ hay không và công nhận theo hiến pháp đối với các gia đình không dựa trên hôn nhân.
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào Ngày Quốc tế Phụ nữ. Các đề xuất này nhận được ủng hộ của hầu hết các đảng trong quốc hội. Hiến pháp được viết vào năm 1937, khi ảnh hưởng của nhà thờ Công giáo mạnh mẽ hơn nhiều. Nhưng Ireland đã trở nên tự do hơn, khi dứt khoát bỏ phiếu ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2015 và phá thai vào năm 2018.
Một số chính trị gia của chính phủ lo ngại các đề xuất sẽ bị đánh bại. Chiến dịch ủng hộ tỏ ra mờ nhạt và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dự kiến sẽ thấp. Trong số những người có thể có động lực đi biểu tình có những cử tri tức giận về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng thiếu nhà ở: họ có thể dùng cơ hội này để khiển trách chính quyền. Một phong trào chống người nhập cư đang phát triển cũng có thể làm điều tương tự. Thủ tướng Leo Varadkar cho rằng thất bại sẽ là “bước lùi cho Ireland.”
Overlay7
Tags: Biển Đông, Hoa kỳ, tin tức thế giới, Trung cộng