Năm câu hỏi lớn về kinh tế Trung Quốc trong năm 2025
Nguồn: Stella Yifan Xie, “What’s in store for China’s economy in 2025: 5 things to watch,” Nikkei Asia, 06/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các nhà phân tích nhận định tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tương tác giữa thuế quan của Mỹ và các biện pháp kích thích của Bắc Kinh.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ trải qua một năm đầy biến động.
Trong suốt năm 2024, Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài, khủng hoảng ngân sách của chính quyền địa phương, và thị trường lao động trì trệ, làm suy yếu niềm tin vốn đã mong manh của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đất nước đang sa lầy trong áp lực giảm phát kéo dài nhất kể từ năm 1999. Tình trạng mất cân bằng đã trở nên sâu sắc hơn, khi tăng trưởng trong xuất khẩu và đầu tư sản xuất liên tục vượt xa mức tiêu dùng của hộ gia đình. Thừa cung hàng hóa trong nước đã buộc các nhà xuất khẩu phải giảm giá, làm giảm biên lợi nhuận, nhưng lại tăng các tranh chấp thương mại.
Giờ đây, việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những dấu hiệu căng thẳng xã hội gia tăng sẽ thử thách quyết tâm của Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” vào năm 2024, nhưng triển vọng thực tế lại không mấy tươi sáng. Các nhà phân tích được Nikkei Asia khảo sát dự đoán tốc độ tăng trưởng vào khoảng 4,4% vào năm 2025, trong khi Ngân hàng Thế giới gần đây dự báo mức 4,5% – tăng 0,4 điểm phần trăm sau một loạt các bước nới lỏng chính sách gần đây của Bắc Kinh. Tuy nhiên, những con số này vẫn sẽ khiến các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thất vọng nếu họ giữ nguyên mục tiêu như năm 2024.
Bài đang hot
18/01/1968: Eartha Kitt lên tiếng phản đối Chiến tranh Việt Nam
Dưới đây là năm điều cần chú ý về hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
1. Thuế quan của Trump sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc đến mức nào?
Câu trả lời phụ thuộc vào thời điểm và phạm vi kế hoạch áp thuế mới của tân tổng thống Mỹ đối với hơn 500 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, Trump đã thề sẽ áp thuế thêm 10% nếu Bắc Kinh không hạn chế dòng thuốc bất hợp pháp vào Mỹ. Trước đó, ông đã đe dọa sẽ áp thuế bổ sung lên tới 60% đối với Trung Quốc.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau. Theo các nhà phân tích của J.P. Morgan, trong trường hợp cực đoan, Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60% ngay từ nửa đầu năm 2025, làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc xuống còn 3,9%, giả định rằng Bắc Kinh không có phản ứng chính sách đủ mạnh. Trong khi đó, Goldman Sachs dự kiến mức tăng thuế 20% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,7 điểm phần trăm, đạt mức 4,5% trong năm nay.
Các nhà phân tích khác thì ít bi quan hơn khi cho rằng Trung Quốc có thể giảm bớt cú sốc bằng cách phá giá đồng tiền, và nhiều nhà sản xuất Trung Quốc có thể né thuế bằng cách chuyển hướng xuất khẩu qua các nước thứ ba.
Capital Economics có trụ sở tại London dự báo rằng ngay cả mức thuế 60% của Mỹ cũng chỉ làm giảm “dưới 1%” GDP của Trung Quốc. Theo báo cáo của họ, nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc hiện chỉ tạo ra chưa đến 3% GDP của Trung Quốc.
Ngoài ra, các nước khác có thể sẽ không tuân thủ lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc nếu họ cũng bị Mỹ áp thuế quan toàn diện, như Trump đã đe dọa.
Tóm lại: Khó xác định được thuế quan của Trump sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc đến mức nào.
2. Vấn đề “dư thừa công suất” của Trung Quốc có trở nên tồi tệ hơn không?
Năm ngoái, làn sóng hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc – từ đồ chơi và máy pha cà phê, đến tấm pin mặt trời – đã khiến một loạt đối tác thương mại từ Ấn Độ đến Liên minh châu Âu đề xuất hoặc áp thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động của họ.
Động lực này có thể sẽ tiếp tục đến năm 2025, một phần vì Bắc Kinh dường như đã quyết tâm để các ngành công nghiệp gánh vác đầu tư bất động sản. Tập Cận Bình mong muốn biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất hàng chất lượng cao vào năm 2035, và tại hội nghị công tác kinh tế thường niên vào tháng 12, việc đạt được “đổi mới công nghệ” chỉ xếp sau việc thúc đẩy nhu cầu trong nước như là các ưu tiên chính trong năm nay.
Các số liệu tài chính cũng nhấn mạnh sự thay đổi này. Tổng các khoản vay ngân hàng chưa thanh toán cho lĩnh vực bất động sản là 52,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (7,3 nghìn tỷ đô la) tính đến tháng 9 năm ngoái, tăng 3% so với ba năm trước, trong khi các khoản vay cho lĩnh vực công nghiệp đã tăng vọt 86% lên 24,23 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Hàng hóa dư thừa đang làm sụt giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất và có thể dẫn đến mất việc làm. Theo Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Natixis của Pháp, tỷ lệ “các công ty xác sống” – tức những công ty không thể trả lãi bằng thu nhập trong hai năm liên tiếp – đã tăng mạnh lên 14% trong nửa đầu năm 2024, từ mức 8% vào năm 2023.
Bắc Kinh có lẽ cũng nhận thức được rủi ro của tình trạng dư thừa công suất. Vào tháng 12, Trung Quốc đột ngột hạ mức hoàn thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhất định như nhôm, nhiều khả năng là để xoa dịu căng thẳng thương mại bằng cách làm cho hàng hóa Trung Quốc đắt hơn trên toàn cầu. Gần đây hơn, hai nhà sản xuất polysilicon hàng đầu của nước này đã tuyên bố sẽ thu hẹp quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán áp lực giảm giá do tình trạng cung vượt cầu vẫn sẽ tiếp diễn.
Tóm lại: Nhiều khả năng là vấn đề “dư thừa công suất” của Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn.
3. Liệu Trung Quốc có thể tránh được bẫy giảm phát kiểu Nhật Bản không?
Trong phần lớn năm 2024, Trung Quốc đã mắc kẹt với lạm phát tiêu dùng thấp và giảm phát hàng hóa – một dấu hiệu cảnh báo về cầu trong nước yếu so với sự tăng trưởng mạnh mẽ về cung. Đứng trước áp lực, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 2% vào tháng trước, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, làm gia tăng nỗi lo về việc đi theo con đường của Nhật Bản kể từ năm 1990.
Dù Bắc Kinh đã hứa sẽ chi tiêu tài chính nhiều hơn thông qua các chương trình như trao đổi hàng tiêu dùng, vẫn chưa biết liệu chính sách này có đủ táo bạo để phá vỡ chu kỳ giá thấp và cầu yếu củng cố lẫn nhau hay không.
Zhennan Li, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Pictet Wealth Management, nhận định người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên “nhạy cảm hơn về giá” khi họ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh việc làm ngày càng tăng. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao so với mức trước đại dịch, trong khi tăng trưởng tiền lương đã đình trệ.
Kỳ vọng giảm phát dường như đã ăn sâu. Ngân hàng trung ương Trung Quốc phát hiện ra rằng trong quý đầu tiên của năm 2024, chỉ có 21% người gửi tiền kỳ vọng giá sẽ tăng trong quý hai, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi khảo sát được bắt đầu vào năm 2003. Theo dữ liệu mới nhất hiện có, tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ, lên 23,5%, trong cuộc khảo sát về kỳ vọng trong quý ba.
Các công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân, sẽ ngần ngại vay thêm do dư thừa công suất và biên lợi nhuận giảm.
Các biện pháp kích thích tài chính tiếp theo dự kiến sẽ hỗ trợ hoán đổi nợ cho chính quyền địa phương và giải phóng lượng nhà tồn kho. Nhưng, theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, không có khả năng xuất hiện một “gói kích thích tập trung vào người tiêu dùng trên quy mô lớn” nhằm phục hồi nền kinh tế. Họ gọi giảm phát là “kẻ thù công khai số 1” của Trung Quốc.
Tóm lại: Lạm phát thấp sẽ tiếp tục duy trì.
4. Liệu sự sụt giảm của cải có gây ra bất ổn xã hội lớn hơn không?
Trong mỗi năm từ năm 2018 đến năm 2021, tổng giá trị tài sản hộ gia đình ước tính của Trung Quốc đã tăng gần 10%. Nhưng mức tăng trưởng đó đã chững lại chỉ còn 1% mỗi năm trong hai năm 2022 và 2023, đánh dấu hồi kết của một kỷ nguyên đã quen thuộc với tầng lớp trung lưu, theo công ty tư vấn Gavekal Dragonomics.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy mức độ tự tin sẽ cải thiện nhanh chóng. Các nhà phân tích từ Goldman Sachs ước tính giá trị bất động sản, chiếm 70% tài sản của các hộ gia đình, có thể giảm thêm 20% đến 25% xuống còn khoảng một nửa mức đỉnh trước khi ổn định vào cuối năm 2025.
Nền kinh tế suy thoái có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội, từ đó làm tăng các cuộc tấn công bạo lực. Theo China Dissent Monitor, hơn 900 cuộc biểu tình đã xảy ra ở Trung Quốc trong quý 3 năm 2024, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, do công nhân và chủ sở hữu bất động sản dẫn đầu.
Một cuộc khảo sát năm 2023 của hai học giả, Scott Rozelle của Đại học Stanford và Martin Whyte của Đại học Harvard, phát hiện ra rằng có ít người Trung Quốc tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp so với một thập kỷ trước. Chỉ có 39% gia đình Trung Quốc được khảo sát nói rằng tình hình kinh tế của họ đã được cải thiện trong 5 năm qua, giảm so với hơn 76% vào năm 2014.
Điều này không nhất thiết dẫn đến bất ổn xã hội, nhưng bất mãn dai dẳng vẫn có thể dẫn đến phản kháng thụ động, chẳng hạn như từ chối làm việc chăm chỉ, di cư hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài.
Tóm lại: Rủi ro cao hơn nhưng không chắc chắn sụt giảm của cải sẽ gây ra bất ổn xã hội lớn hơn.
5. Kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ như thế nào?
Kể từ tháng 9 đến nay, các nỗ lực kích thích của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm dần lãi suất chính và chi phí thế chấp. Chính phủ cam kết duy trì chính sách tiền tệ “ở mức vừa phải” trong năm nay, ngụ ý sẽ còn giảm lãi suất nhiều hơn.
Để chống lại thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh có thể để đồng tiền của mình mất giá, xuống còn khoảng 7,5 tệ đổi một đô la Mỹ trong ba đến sáu tháng tới, theo ước tính của các nhà phân tích tại Societe Generale. Tuy nhiên, Trung Quốc không thực sự có động lực để cho phép đồng tiền của mình suy yếu quá nhanh, vì sợ nó sẽ thúc đẩy tình trạng tháo vốn.
Về mặt tài chính, các nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ phát hành tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt trong năm nay, đồng thời phá vỡ chuẩn mực thông thường bằng cách tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính từ 3% lên 4% GDP. Phần lớn nguồn tiền mới dự kiến sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng, trong khi phần còn lại được dùng để thúc đẩy các chương trình tiêu dùng và phúc lợi xã hội, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng phản đối việc phát tiền mặt cho các hộ gia đình, nhưng có dấu hiệu cho thấy tâm lý của họ đang thay đổi. Theo Bloomberg, nhân viên chính phủ trên khắp Trung Quốc trong những tháng gần đây đã được tăng lương thêm khoảng 500 nhân dân tệ.
Một số người tin rằng các quan chức Trung Quốc đang bảo toàn sức mạnh cho đến khi Trump hoàn thiện kế hoạch thuế quan của mình, và sẽ hành động nhiều hơn sau đó.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, người dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay, cho biết: “Cuộc thương chiến 2.0 sắp tới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ kích thích trong nước mà Bắc Kinh cần thực hiện để bù đắp cho những cú sốc bên ngoài.”
Tóm lại: Bắc Kinh có thể sẽ làm vừa đủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế
Overlay4
Tags: Hoa kỳ, tin tức thế giới, Trung cộng, độc tài