Blinken đi Bắc Kinh: Khó nối lại liên lạc cấp cao Mỹ-Trung


Hiếu Chân/SGN – 15/6/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1498730304.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên phải) trao bằng tưởng lục cho nhà hoạt động nhân quyền Pakistan Zaheer Ahmed hôm nay 15 tháng Sáu 2023 trong dịp tôn vinh những anh hùng chống nạn buôn người. Ngày mai ông Blinken sẽ đi Trung Quốc để “làm ấm” lại mối quan hệ đang lạnh nhạt song giới phân tích cho rằng sẽ rất khó khăn để nối lại liên lạc cấp cao giữa hai nước. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ đi thăm Bắc Kinh từ thứ Sáu tuần này để thảo luận với các quan chức Trung Quốc về tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cấp cao giữa hai nước để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ song phương.

Trung Quốc đã đơn phương cắt đứt các đường dây liên lạc – kể cả liên lạc của quân đội hai nước – để phản đối chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng Tám năm ngoái. Từ đó, những cuộc điện thoại của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho người đồng cấp Trung Quốc đều không được trả lời, và tại Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La tại Singapore vừa qua hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung chỉ chào nhau mà không có cuộc họp riêng nào. Phía Hoa Kỳ cho rằng, tình trạng “đứt” liên lạc cấp cao giữa hai nước là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những xung đột ngoài ý muốn do thiếu thông tin hoặc hiểu lầm.

Ngoại trưởng Blinken đã có kế hoạch đi thăm Bắc Kinh hồi đầu năm nay, sau lần gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia tháng Mười Một năm ngoái. Nhưng chuyến đi bị đình hoãn vào phút cuối sau vụ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ và bị bắn hạ ngày 4 tháng Hai vừa qua.

Đến hôm nay ông Blinken mới thực hiện được chuyến đi được cho là sẽ làm ấm lại phần nào mối quan hệ đang hết sức lạnh nhạt giữa hai cường quốc. Bộ Ngoại giao hôm thứ Tư thông báo rằng Ngoại trưởng Antony J. Blinken sẽ đến Bắc Kinh vào thứ Sáu 16 tháng Sáu. Ông dự kiến gặp các quan chức Trung Quốc trong hai ngày ở Bắc Kinh trước khi bay đến một hội nghị ở London tập trung vào việc tái thiết Ukraine. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Blinken tới Trung Quốc với tư cách ngoại trưởng và chưa rõ ông có gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không.

Tại Bắc Kinh, ông Blinken có kế hoạch “nêu các vấn đề song phương đáng quan tâm, các vấn đề toàn cầu và khu vực, cũng như khả năng hợp tác đối với các thách thức xuyên quốc gia,” Bộ Ngoại giao cho biết. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, một trong những trọng tâm của ông Blinken là thúc giục nối lại và duy trì ngoại giao cấp cao, vượt qua sự căng thẳng giữa hai nước.

Nếu thành công, chuyến đi của ông Blinken sẽ mở đầu cho một loạt chuyến đi của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ tới Trung Quốc trong mùa hè này, trong đó có chuyến đi của Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen, Bộ trưởng Thương mại Gina M. Raimondo và Đặc phái viên về Khí hậu John Kerry.

Các chuyến thăm đó cũng có thể mở đường cho chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới San Francisco dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và gặp Tổng thống Joe Biden vào tháng Mười Một. 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/GettyImages-1484271795.jpg

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ở Manila hôm 22 tháng Tư 2023 và yêu cầu TQ nối lại đường dây liên lạc cấp cao giữa hai nước để xử lý những tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh Zhang Xinglong/China News Service/VCG via Getty Images 

Ngoại giao cấp cao là điểm tựa để hóa giải mối căng thẳng gia tăng giữa hai nước. Dưới thời ông Tập – người lên nắm quyền vào năm 2012 – Trung Quốc đã có những hành động ngày càng quyết đoán ở các vùng lãnh thổ kề cận biên giới của họ và tìm cách gây ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao lớn hơn, thậm chí có yếu tố cưỡng chế trên toàn cầu. Trong khi đó, ông Biden tiếp tục đẩy mạnh những chính sách của chính quyền Trump và tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc bằng mọi phương tiện quân sự, kinh tế, ngoại giao, công nghệ và tình báo.

Ông Kurt M. Campbell, quan chức hàng đầu về chính sách châu Á tại Tòa Bạch Ốc, cho rằng, chính do mối quan hệ căng thẳng như vậy mà lúc này là thời điểm để có những hoạt động ngoại giao mạnh mẽ. “Đây không phải là một sự thay đổi chiến lược hay một điều gì đó mới mẻ đối trong nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ,” ông Campbell nói với báo chí hôm thứ Tư.

Dưới thời ông Tập, Trung Quốc coi chính sách của Hoa Kỳ là một nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực của Bắc Kinh, can thiệp vào công việc nội bộ và bao vây, kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc. 

Trước chuyến đi Bắc Kinh, ông Blinken đã có một cuộc điện đàm được cho là “rất căng” với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Tần Cương. Trong cuộc điện đàm, ông Tần đòi hỏi Hoa Kỳ phải thay đổi chính sách, đừng xen vào công việc nội bộ của Bắc Kinh và tôn trọng những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nếu muốn quan hệ giữa hai nước được khôi phục như cũ. Những yêu cầu của ông Tần được hiểu là những chính sách của Bắc Kinh đối với các vấn đề nội bộ của họ như tự do dân chủ ở Hồng Kông, nhân quyền của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, sáp nhập Đài Loan và khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông v.v…

Các quan chức Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đang tìm cách bao vây đất nước họ. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố toàn bộ vùng biển rộng lớn của Biển Đông là lãnh thổ của mình, cũng như Đài Loan, một hòn đảo độc lập trên thực tế. Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên cử tàu chiến và máy bay đi qua những khu vực này để duy trì quyền tự do hàng hải làm Trung Quốc phẫn nộ.

Trung Quốc phản đối những chính sách của chính quyền Biden nhằm hạn chế cái mà các quan chức Hoa Kỳ cho là hành vi gây hấn của Trung Quốc. Ông Biden đã thuyết phục được các đồng minh châu Âu có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh, và củng cố các liên minh quân sự, các quan hệ đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt với Nhật Bản, Philippines, Úc và Ấn Độ.

Các quan chức Trung Quốc cũng lên án những nỗ lực của Hoa Kỳ và đồng minh nhằm “giảm rủi ro” (de-risking) cho nền kinh tế của họ, cố gắng cắt đứt một số mối quan hệ thương mại với Trung Quốc khi có những lo ngại về an ninh quốc gia. Ví dụ nổi bật nhất là nỗ lực của chính quyền Biden cấm xuất khẩu một số vi mạch điện tử tân tiến (chip) và công cụ sản xuất chip, có thể cản trở ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Theo quan điểm của Trung Quốc, mọi yếu tố cản trở, hoặc làm xấu đi quan hệ giữa hai nước hiện nay đều do lỗi của Hoa Kỳ và Washington phải thật tâm thay đổi thì mới mong cải thiện tình hình. Trong hoàn cảnh bất đồng sâu sắc như vậy, Hoa Kỳ không mong đợi sẽ có đột phá trong chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken, theo lời ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo sau khi hội đàm với những người đồng cấp của Nhật, Nam Hàn và Philippines. 

Ông Sullivan nói rằng Washington sẽ tập trung nhiều vào việc đón tiếp và hội đàm cấp cao với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người sẽ thăm Hoa Kỳ vào tuần tới, từ 22 tháng Sáu – hơn là chuyến đi Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken. 

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, hiện là quan chức hàng đầu về Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì có vẻ lạc quan hơn. “Chúng tôi đến Bắc Kinh với cách tiếp cận thực tế, tự tin và mong muốn chân thành quản lý sự cạnh tranh của chúng tôi theo cách có trách nhiệm nhất có thể… Chúng tôi hy vọng, ở mức tối thiểu, sẽ đạt được mục tiêu. Và tất nhiên, chúng tôi cũng hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong một số vấn đề cụ thể,” ông Kritenbrink nói với báo chí sau khi về từ Trung Quốc – nơi ông đến thu xếp cho chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Blinken.

Tags: , ,

Comments are closed.