Chuyện Việt Nam Thứ Ba 10/10/2023


Quê Hương tổng hợp


Vụ Việt Á: Các cựu quan chức Chính phủ được xem xét giảm án

08/10/2023

Vụ Việt Á: Các cựu quan chức Chính phủ được xem xét giảm án

Ba cựu quan chức tham nhũng trong vụ Việt Á: Nguyễn Thanh Long (trái), Chu Ngọc Anh (giữa), Phạm Công Tạc (phải) 

RFA edit 

Các quan chức Chính phủ bị truy tố trong vụ án Công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 được xem xét giảm án với lý do thành khẩn khai báo, nộp phạt, có nhiều giấy khen trong quá trình công tác và gia đình có công với cách mạng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cáo Việt Nam vào ngày 30/9 đã ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Việt Á về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,” “Tham ô tài sản,” “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Có sáu người là quan chức Chính phủ bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”là Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã gợi ý và nhận hối lộ 2,25 triệu đô la từ công ty Việt Á.

Viện Kiểm sát cáo buộc, sai phạm của các bị can khiến thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo cáo trạng, nhiều bị can đã nộp lại tiền nhận hối lộ bao gồm: Nguyễn Thanh Long đã nộp toàn bộ số tiền 2,25 triệu USD; Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương) nộp hơn bốn tỷ đồng; Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nộp một tỷ đồng; Nguyễn Văn Trịnh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ nộp gần năm tỷ đồng; Nguyễn Huỳnh nộp bốn tỷ đồng; Trịnh Thanh Hùng – cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ nộp tám tỷ đồng và 8 sổ tiết kiệm trị giá hơn 3,9 tỷ đồng…

Cũng theo cáo trạng, quá trình công tác, các bị can: Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh, Trịnh Thanh Hùng… có nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều Bằng khen. Ông Nguyễn Văn Trịnh và Nguyễn Thanh Long còn được tặng thưởng Huân chương.

Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Sở Y tế Hải Dương có văn bản đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị can Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh…

Theo cáo trạng, gia đình các bị can Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh… có công với cách mạng. Bị can Nguyễn Văn Định – cựu Giám đốc CDC Nghệ An có bố là liệt sĩ; bị can Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Văn Trịnh là lao động chính trong gia đình.

Trước đó, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản đã chỉ đạo việc phân loại các nhóm phạm tội trong vụ án này bao gồm nhóm được xếp vào “thứ yếu” là nhóm được xác định không có động cơ vụ lợi và không được hưởng lợi, do đó không bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Đại diện Ban Nội chính Đảng cộng sản Việt Nam cho biết chủ trương của Đảng là nhân văn, nhân ái, nhưng cũng rất nghiêm khắc.

https://www.rfa.org


Trà Vinh: Nguyên trưởng phòng thi hành án cướp tiệm vàng để được ở tù

Lê Thiệt /SGN
08/10/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/02-cuop-tiem-vang-2.jpg

Nguyễn Văn Tam (đồ đen) giằng co với chủ tiệm vàng – Ảnh: cắt từ clip 

Dư luận tỉnh Trà Vinh đồn thế để lý giải chuyện ông Nguyễn Văn Tam (48 tuổi, ngụ phường 1, TP Trà Vinh), nguyên trưởng một phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Trà Vinh, đi cướp một tiệm vàng trên đường Lê Lợi, TP. Trà Vinh ngày 7 Tháng Mười.

Vụ cướp xảy ra vào khoảng 10:00 ngày 6 Tháng Mười, nghi phạm Nguyễn Văn Tam mặc áo khoác, đội nón bảo hiểm, đeo khẩu trang đến tiệm vàng Toàn Huỳnh Châu của ông Lê Bá Toàn (44 tuổi) để bán chiếc nhẫn trị giá hơn 7 triệu đồng.

Khi ông Lê Bá Toàn tính tiền để trả, Tam bất ngờ dùng tay túm lang Toàn, tính đánh nạn nhân xong lao vào quầy để cướp vàng. Nhờ tủ trưng bày vàng lớn tạo khoảng cách xa nên ông Toàn lui lại tránh được cú đấm của Tam, đồng thời hô hoán “Cướp! Cướp!” để người nhà hỗ trợ.

Lúc này người đàn bà giúp việc từ trong bước ra, Tam thấy có người nên bỏ ý định vào trong quầy khống chế ông Toàn, quay người bỏ chạy ra ngoài. Ông Toàn tiếp tục hô hoàn, đồng thời cùng người phụ nữ đuổi theo.

Ở ngoài đường, người dân nghe tông Toàn hô hoán nên chạy tới, cùng ông truy bắt Tam. Cuộc vây bắt nhanh chóng kết thúc vì Tam không đủ giờ leo lên xe tẩu thoát.

Sau đó ông Toàn cùng người dân bàn giao Tam cho công an phường 4. Toàn bộ vụ việc được camera tại tiệm vàng ghi lại.

Theo điều tra của Công an tỉnh Trà Vinh, Tam là nguyên trưởng một phòng thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Trà Vinh. Chẳng biết có vướng vào cờ bạc hay gái gú mà ông Tam đang thiếu nợ bên ngoài (kể cả vay nóng của dân xã hội đen) rất nhiều, nên đầu Tháng Sáu vừa qua, xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/02-cuop-tiem-vang-1.jpg

Tiệm vàng Toàn Huỳnh Châu nơi xảy ra vụ việc – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Chẳng biết hắn “xuất khẩu” qua nước nào mà mới đi được 3 tháng thì quay về, người ta hỏi thì hắn nói đang chuẩn bị đi tiếp. Chuyện này nhiều người cho rằng không thật, vì chẳng ai đi xuất khẩu lao động mà mới vài tháng đã được quay về.

“Chắc hắn tự bỏ về vì lương ít hay bị đuổi vì vô kỷ luật hay ăn cắp”, một người nói thế.

Nhiều người trên mạng xã hội còn đưa ra một giả thiết khá “khốc liệt” như sau:

Hồi còn làm trưởng phòng thi hành án tỉnh Trà Vinh, nhờ có tiền hối lộ nên Tam quen thói ăn chơi, cờ bạc, gái gú,… đủ cả. Đến khi thiếu nợ đầm đìa, chạy tiền trả nợ không kịp thói vung tay nên đành xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động để trốn nợ.

Tuy nhiên, đi xuất khẩu lao động nhưng vẫn mang theo tính khí lãnh đạo, chỉ tay năm ngón, nên bị chủ hãng đuổi về. Về đến nhà lại bị bọn cho vay nặng lãi biết tin vây đòi nợ, nếu không trả chắc cũng khó sống với bọn chúng. Thế nên Tam đành đánh bài liều là đi cướp tiệm vàng với ý định, nếu thành công thì có tiền trả nợ, nếu bị bắt thì vô tù ở càng lâu càng tốt để tránh mặt chủ nợ.

Kế hoạch này xem ra cũng đã thành công bước đầu. Còn như thế nào thì bà con cứ chờ hồi sau sẽ rõ.

Đó chỉ là “giả thiết” của dân mạng thôi, còn sự thể ra sao cứ chờ cơ quan điều tra công bố.


Hồ thủy lợi Ka Pét ở Bình Thuận: Cần tiến hành đánh giá tác động văn hóa – lịch sử của dự án

RFA
09/102023

“Tuy nhiên, Kiến trúc sư Jaya Thiên cho biết cộng đồng Chăm Bình Thuận cũng có một số quan ngại đối về dự án, vì trong ranh giới dự án này đã và đang tồn quần thể “Khu Thánh Tích Po Cei Khar Mâh Bingu” của cộng đồng. Theo Kiến trúc sư Jaya Thiên, điều này đã dấy nên phản ứng mạnh mẽ khắp cộng đồng người Chăm”

Hồ thủy lợi Ka Pét ở Bình Thuận: Cần tiến hành đánh giá tác động văn hóa - lịch sử của dự án

Bản vẽ mô phỏng hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngUBND Tỉnh Bình Thuận 

Dự án “Hồ chứa nước Ka Pét” huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được Quốc hội Việt Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14. Tại Công văn số 541/TTg-NN ngày 14/5/2020, Thủ tướng Việt Nam cũng đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án này. Dự án “Hồ chứa nước Ka Pét” cũng là một trong những dự án ưu tiên đầu tư theo “Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2, từ 2016 đến 2020” của Thủ Tướng Chính Phủ tại văn bản số 730/TTg-NN ngày 26 tháng 5 năm 2017. 

Gần đây, dự án “Hồ chứa nước Ka Pét” do tỉnh Bình Thuận đầu rư được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm vì liên quan đến việc phá khoảng 700 ha rừng trong khu vực thực hiện dự án. Dự án được thực hiện tại tỉnh Bình Thuận, nơi có cộng đồng Chăm bản địa sinh sống từ lâu đời. Chủ đầu tư đã thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án này. Tuy nhiên, theo một số đại diện cộng đồng Chăm ở đây, dự án này cũng cần được đánh giá tác động về mặt “Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng”. Cộng đồng Chăm tại địa phương đang soạn thảo một bản kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng tại địa phương và trung ương để đề nghị lưu tâm đến vấn đề này. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Kiến trúc sư Jaya Thiên, một trong những đại diện cho cộng đồng Chăm bản địa đang kiến nghị cho các cấp chính quyền về tính cần thiết phải thực hiện một khảo sát, đánh giá như trên. 

Theo Kiến trúc sư Jaya Thiên, đây là dự án đầu tư xây dựng mới, với tầm quan trọng Quốc gia. Mục tiêu đầu tư của dự án đã được Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, cụ thể là: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; Cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Jaya Thiên cho biết cộng đồng Chăm Bình Thuận cũng có một số quan ngại đối về dự án, vì trong ranh giới dự án này đã và đang tồn quần thể “Khu Thánh Tích Po Cei Khar Mâh Bingu” của cộng đồng. Theo Kiến trúc sư Jaya Thiên, điều này đã dấy nên phản ứng mạnh mẽ khắp cộng đồng người Chăm. 

Dưới đây là phần Kiến trúc sư Jaya Thiên giải đáp về những vấn đề liên quan. 

RFA: Bản kiến nghị đang được soạn thảo để chuẩn bị gửi các cơ quan chức năng trung ương và địa phương của cộng đồng đồng bào Chăm nói rằng chủ đầu tư dự án chưa làm “Báo cáo tác động Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng”. Xin ông cho biết trong trường hợp nào thì một dự án cần có loại báo cáo này. Dự án hồ Ka Pét của Bình Thuận có thuộc trường hợp đó không? 

Jaya Thiên: Kế hoạch dự án đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Ka Pét (Dự án cấp 2) là nhu cầu thiết thực, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; Cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, dựa vào các thông tin, báo cáo mà các cơ quan Chính phủ và, tỉnh Bình Thuận thông cáo, cho đến nay ngoài “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM) của dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được lập thì Dự án vẫn chưa lập hồ sơ “Báo cáo tác động Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” nằm trong phạm vi lòng hồ Ka Pét này. 

Đối với công tác “Đánh giá tiền khả thi của Dự án” là điều hết sức quan trọng và cần đầy đủ các cơ quan ban ngành chuyên môn tham gia cùng để có thể đưa ra các số liệu/tư liệu một cách chi tiết và rõ ràng nhất để đánh giá tính khả thi của Dự án.

Trong dự án đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Ka Pét, tại Hồ sơ “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM), cụ thể ở Phần Mở Đầu (tại mục 5.3.1.b: Các đối tượng kinh tế – xã hội) có khả năng bị tác động bởi dự án đã chỉ ra “Bán kính 1km cách khu vực dự án không có các công trình văn hoá, tôn giáo, các di tích lịch sử nào.”. Đây là thông tin thiếu chính xác, bởi ngay trong lòng hồ hiện tồn quần thể Khu Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu. 

Tuỳ vào mức độ thông tin của đối tượng bị tác động bởi Dự án sẽ cần thiết phải lập thêm hồ sơ đánh giá riêng biệt đính kèm bổ sung cho báo cáo ĐTM này. Trong trường hợp dự án Hồ thuỷ lợi Ka Pét, dự án này tác động trực tiếp đến Không gian Khu Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu. Đây là Không gian văn hoá-lịch sử Tôn giáo-Tín ngưỡng của cộng đồng Cham, vì thế việc lập hồ sơ đánh giá tác động về mặt văn hóa – xã hội, đính kèm với Đánh giá tác động môi trường, là điều hết sức cần thiết. Việc này cần được các cơ quan ban ngành chuyên môn thực hiện, có sự tham vấn cộng đồng thụ hưởng về Không gian văn hoá ấy. Điều ấy sẽ góp phần làm rõ thêm thông tin để phục vụ công tác “Đánh giá tiền khả thi của Dự án”.   

RFA: Xin ông cho biết về giá trị văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng của khu vực dự kiến sẽ xây hồ Ka Pét

Jaya Thiên: Ở đây, tôi xin trình bày chi tiết về hai khía cạnh là văn hóa – lịch sử và tôn giáo – tín ngưỡng của quần thể di tích hiện đang tồn tại trong khu vực dự án. 

Về mặt Văn hóa – Lịch sử, trải qua 300 năm lịch sử (từ 1698) tồn tại của tỉnh Bình Thuận, cùng với sự hình thành khai phá vùng đất Tánh Linh, Đức Linh, thì Po Haniim Per và Po Cei Khar Mâh Bingu được xem là nằm trong số những vị tiền hiền khẩn hoang vùng đất.

Ba trăm năm ghi dấu lịch sử vùng đất, cũng là trải qua 300 năm khu rừng thiêng này được cộng đồng người Cham – Raglai bảo vệ gìn giữ. Tính linh thiêng của khu Thánh tích đã góp phần giữ lại giá trị nguyên sinh ban đầu của khu rừng, dẫu trải qua bao biến cố lịch sử.

Trong 600ha diện tích được quy hoạch xây dựng hồ chứa nước Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, có hai di tích được người Chăm xem là “Khu Thánh tích” quan trọng. Đó là Khu lăng mộ Po Cei Khar Mâh Bingu và Po Haniim Per, gắn với truyền thống hành hương của cộng đồng người Chăm và Raglai ở 03 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, cùng người Chăm-Raglai ở khu vực Ninh-Bình Thuận.

Hành trạng của hai nhân vật lịch sử Po Haniim Per và Po Cei Khar Mâh Bingu được ghi chép lại trong các văn bản Văn học Chăm, các văn kiện và truyền thuyết dân gian. Có thể tạm liệt kê các văn bản sau: Damnây Po Sah Inâ, Damnây Po Haniim Per, Damnây Po Cei Khar Mâh Bingu, Adaoh Damnây Po Cei Khar Mâh Bingu,…

Sau đây, tôi xin trình bày về hai nhân vật lịch sử nói trên của cộng đồng. 

Về Po Haniim Per, sau một biến cố lịch sử, ông lên núi (Núi Ông/Po Harum Cek/Cek Haniim Per) lánh trú, kết giao rồi cưới công chúa Cangua (của người Raglai) và qua đời tại nơi đây. Ngài được người dân lập đền thờ (Bimong) nơi đây, và đây trở thành khu Thánh tích, Rừng thiêng.

Ngọn núi mà Po Haniim Per lưu trú, lánh nạn chính là Núi Ông (ngày nay gọi là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Núi Ông). Khu vực nơi ông lánh trú là một thung lũng, được bao bọc bởi hệ thống núi Ông, núi Baoh Huoi và sông La Ngà. Thung lũng Kapet cũng là nơi cư trú lâu đời của người Cru (Chu-ru), Raglai, Kahow, Cham,…

Ngài cũng nhận được nhiều sắc phong thần từ thời vua Minh Mạng thứ 5 (1824) cho đến Khải Định năm thứ 2 (1917), với các tên gọi phiên âm chữ Hán-Việt như: Niêm Băn Phiên Dương, Po Niêm Băn. Ví dụ, Sắc mệnh chi bảo Khải Định năm thứ 2, ngày 18 tháng 3 Âm lịch (08/5/1917) có đoạn ghi:

“Sắc cho Sách Man, xã Dụ, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, trước đã phụng sự thờ Thần bản xứ Thành hoàng, giữ nước giúp dân, bày tỏ công đức đối với nhân dân, linh ứng xưa nay. Nay ta được soi sáng bởi sự nghiệp lớn lao, trẫm luôn luôn nghĩ đến công ân của Thần tỏ bày hiệu lệnh, nên trước phong làm Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng tôn Thần. Chuẩn cho thờ phụng thần, ta và bá tánh trông mong thần giúp đỡ nhân dân. Kính thay!”

Đền thờ Po Haniim Per (Po Harum Cek), được người Chăm nơi đây gọi là Bimong. Ngày xưa, đền vốn ở trong khu Thánh tích trong rừng sâu, là nơi Ngài ẩn cư cho đến cuối đời. Đến năm 1968, vì điều kiện chiến tranh và đường sá hiểm trở, nên cộng đồng mới xin thỉnh Ngài về thờ trong làng Palei Pacam (Khu phố Chăm, Lạc Tánh), nhưng duy trì hành hương đến khu Thánh tích. Hằng năm, cộng đồng có ba kỳ lễ lớn dành cho Ngài vào dịp Lễ Tế Trâu, Lễ Cambur, Lễ Tagok Bimong.

Về Po Cei Khar Mâh Bingu, đây là biệt danh của Po Cei Sah Bin Bingu, vì ông hay mặc chiếc chăn quấn màu/bằng vàng. Ngoài ra ông còn có các tên gọi khác như Po Cei. Ông vốn là hậu duệ của Po Harum Cek. Ông là vị tướng tài trong triều đại vua Po Ramé (1627-1651), thường cầm roi và một tấm khăn ngao du khắp xứ. Vì có mối bất hoà với Po Ramé (trong vụ chặt cây Kraik/Lim thần; và đánh bại quân Đại Việt khi quân Đại Việt tiến vào đất Pandurangga), nên ông đã quay lại lánh trú nơi quê nhà (là thung lũng Ka-Pet) và qua đời ở nơi Thánh tích này. Ngài được người dân lập đền thờ, được người Cru (Chu-Ru) chăm sóc bảo vệ tại khu rừng thiêng này.

Khoảng năm 1990-1991, người dân mới xin thỉnh Ngài về điểm núi cạnh làng để dễ thờ cúng Ngài.

Cũng như Po Haniim Per, Po Cei Khar Mâh Bingu cũng nhận được nhiều sắc phong thần vào thời Nguyễn. Người Việt gọi Ngài là Cậu Hoa, và cũng lập đền thờ cúng. Hiện có hai địa phương lập đền thờ Ngài, một ở Lạc Tánh (Tánh Linh, điểm núi gần làng), một ở Nông Tang (Lâm Thuận, Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc). Lễ lớn nhất dành cho Ngài hằng năm vào dịp Lễ Tagok Bimong.

“Sắc mệnh chi bảo” thời vua Khải Định phong thần cho Ngài có đoạn viết: “Bình Thuận tỉnh, Hàm Thuận phủ, Nông Tang Xã. Cậu Hoa tôn thần, hộ quốc tý dân nhẫm trứ linh ứng tư, kim chánh trị trẫm tứ tuần Đại khánh tiết, kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ phong vi Quang ý Dực Bảo Trung Hưng Đẳng Thần, chuẩn kỳ phụng sự. Khâm tai! Khải Định cửu niên, thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.”

Sơ đồ vị trí các điểm tích trong quần thể Thánh tích Po Cei (Ảnh Google Map, KTS. Jaya Thiên minh họa vị trí.)

Trong thung lũng lòng hồ Ka Pét hiện tồn quần thể Khu Thánh Tích (rộng khoảng 10ha) mang giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc, bao gồm: 

– Suối mài đao [Craoh thah daw] nơi Po dừng chân nghỉ ngơi, mài đao, cũng là ranh vào trung tâm khu thánh tích của Po. 

– Đền Po [Bimong Po] Nơi Po an nghỉ 

– Lán chia thịt (trâu) [mblang rabha ralaow (kubaw)] 

– Bãi phơi lưới chài, thuyền,… [mblang bambu jal ahaok] 

– Bãi luyện binh [mblang pathrem jabuel] (Thành đá bẫy thỏ, bàn cờ Po) (pateng tapay, pataw catur) Nơi có bàn đá Po ngự để luyện binh pháp (bàn cờ) và chế thuốc điều trị cho lính khi bị thương. 

– Khu trồng thuốc nam [mblang pala phun jru Po] 

– Khu điển tích Po xử tội thuộc hạ [mblang bacan inâ gah yak-bak]

– Cánh đồng ruộng của Po [hamu Po] Cánh đồng trồng lúa của Po, nơi sản xuất cung cấp lương thực. Con suối nơi Po đắp đập dâng nước vào Cánh đồng. 

– Khu vòng thành xếp bằng đá [bal pataw tali] 

Hành lễ đêm tại quần thể Thánh tích Po Cei (Ảnh: KTS. Jaya Thiên cung cấp.) 

Vị trí quần thể khu Thánh tích này thuộc Khu Đá Bàn, thôn 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách trung UBND xã Mỹ Thạnh khoảng 3,5km đường chim bay theo hướng Tây-Bắc. Nếu nhìn trên Google Earth thì toạ độ khu trung tâm thánh tích là 11°05’48.8″N 107°51’54.1″E. 

Về mặt tôn giáo – tín ngưỡng, cả hai nhân vật lịch sử Po Haniim Per và Po Cei Khar Mâh Bingu kể trên đều gắn liền với truyền thống hành hương của người Cham và Raglai. Mỗi kì hành hương quy tụ trên dưới 500 người từ các nơi không quản đường xa, núi rừng cách trở, để về nơi Thánh tích, làm lễ tế trâu cho Ngài. Thành phần tham dự bao gồm các Chức sắc phong tục, giới tri thức, người dân từ người già đến trẻ con.

Đền Po Cei trong quần thể Thánh tích. (Ảnh do KTS. Jaya Thiên cung cấp.) 

Như trên đã nói, cả hai nhân vật lịch sử đều đi vào đời sống tín ngưỡng của cộng đồng Chăm, đã được nhận nhiều sắc phong thần của các đời nhà Nguyễn. Hiện nay, các bản sắc phong nói trên đang được lưu giữ ở hai ngôi đền Po Harum Cek (Po Haniim Per, Tánh Linh) và đền Po Cei Khar Mâh Bingu (Lăng Cậu Hoa, Hàm Thuận Bắc). Hằng năm, cộng đồng có 3 kì lễ lớn dành cho Ngài vào dịp Lễ Tế Trâu, Lễ Cambur, Lễ Tagok Bimong… 

Hành trình hành hương về khu Thánh tích trong thung lũng Ka Pét cũng được đài BTV (Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Thuận) làm phóng sự, công bố trên số “Văn hóa dân tộc” ngày 06-8-2023. 

RFA: Với những giá trị văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng của khu vực dự kiến sẽ xây hồ Ka Pét như vậy, nhóm Cộng đồng đồng bào Chăm dự kiến sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng những vấn đề gì? 

Jaya Thiên: Cá nhân tôi cũng như cộng đồng Chăm địa phương, chủ nhân của các di tích văn hóa – lịch sử nói trên, cho rằng việc chủ đầu tư dự án “Hồ Thủy Lợi Ka Pét”, không lập hồ sơ “Đánh giá tác động Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” là một thiếu sót nghiêm trọng. Tôi thiết nghị tỉnh Bình Thuận cần thành nhanh chóng lập đoàn khảo sát, đánh giá chuyên môn về không gian quần thể khu Thánh tích này.

Tôi cho rằng chúng ta quy hoạch, xây dựng dự án, nhưng không tham vấn cộng đồng thụ hưởng trực tiếp đến di sản tổ tiên (cộng đồng người Chăm) trong phạm vi dự án đó là tiềm ẩn khả năng dẫn đến xung đột văn hóa sắc tộc nghiêm trọng.  Ở trên, tôi cung cấp các thông tin và tư liệu lịch sử, văn hóa để các cơ quan chức năng có thể dễ dàng hơn khi tiến hành khảo sát, đánh giá tác động Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” của dự án này.


Lễ Mộc dục tắm cho Thần. (Ảnh do KTS. Jaya Thiên cung cấp.) 

Quần thể Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu là cụm di tích đặc biệt có giá trị, không những về mặt Văn hóa – Lịch sử, mà đi kèm với nó bao gồm cả không gian văn hóa đặc thù mà tỉnh Bình Thuận đang có. 

Việc đánh giá đúng tầm quan trọng của quần thể Thánh tích sẽ giúp định hướng đúng thang giá trị mà quần thể Thánh tích này mang lại cho tỉnh nhà. Điều đó cũng có thể giúp phát huy giá trị đặc thù địa phương, phù hợp định hướng phát triển du lịch – văn hóa của Việt Nam. Việc tôn trọng và phát huy đúng giá trị văn hóa – tâm linh sẽ mang lại tính bền vững cho phát triển du lịch văn hóa cho tỉnh nhà.

Qua Bản kiến nghị, nhóm cộng đồng Chăm sẽ cố gắng trình bày để cơ quan chức năng có thêm thông tin rõ ràng hơn về giá trị Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng của cộng đồng tại nơi Thánh tích này. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị các vấn đề sau đây:

– Nhà nước xem xét quyền chủ thể đối với di sản, chủ thể về văn hóa (người Chăm kế thừa trực tiếp đối với các di sản tổ tiên của mình).

– Đền-tháp là sản phẩm vật thể, là kết tinh văn hóa lâu đời của người Chăm (Champa), đồng thời là biểu tượng tâm linh. Đi đôi với nó là những thực hành về văn hóa và tín ngưỡng cần được tôn trọng. Các tác động gây ảnh hưởng đến di sản vật thể/phi vật thể cần được xem xét đánh giá cẩn thận và được sự đồng thuận của cả cộng đồng, hay có sự tham gia đánh giá góp ý từ phía cộng đồng Chăm (Người dân-Trí Thức-Chức sắc), nhằm đem lại kết quả mang tính khách quan.

– Các quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo, tính thiêng liêng đối với không gian di tích phải dựa trên các tri thức truyền thống của cộng đồng Chăm.

– Việc lấy ý kiến, hay sự đồng thuận của cộng đồng đối với các dự án sử dụng hay các dự án có tác động đối với di sản (vật thể/phi vật thể) của cộng đồng Chăm, nhằm mục đích phát huy tiềm lực kinh tế địa phương, cần sự đồng thuận của cộng đồng, nhằm xây dựng quy chế, nội dung phù hợp với quan điểm của cộng đồng.

– Xác định lại và công khai ranh khu vực quần thể khu Thánh tích.

– Kiến nghị UBND Tỉnh giao Sở Văn hóa kết hợp các ban ngành chuyên môn khảo sát thẩm định các giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể khu Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu, để có kết luận đánh giá quần thể này về mặt di sản văn hóa lịch sử. 

– Kiến nghị tỉnh Bình Thuận mời cơ quan chuyên môn phụ trách về di sản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham vấn, thẩm định về quần thể khu Thánh tích, đồng thời, lấy ý kiến tham vấn của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Di sản Việt Nam, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận,…và các ban ngành chuyên môn khác.

– Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị tỉnh Bình Thuận công bố công khai để lấy ý kiến cộng đồng địa phương về khía cạnh Văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng tôn giáo của dự án này. 

RFA: xin cảm ơn Kiến trúc sư Jaya Thiên đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

https://www.rfa.org/vietnamese


Suy thoái mô hình Trung Quốc, hàm ý cho Việt Nam

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
09/10/2023

Suy thoái mô hình  Trung Quốc, hàm ý cho Việt Nam

Cảng Tân Vũ ở Hải Phòng (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Mô hình Trung Quốc đang suy thoái. Hơn cả sự “lo lắng” về những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, thế giới còn dự đoán bi quan về triển vọng phục hồi trong dài hạn bởi sự khủng hoảng mang tính cấu trúc của nền kinh tế và thể chế chính trị. Thời hoàng kim của mô hình Trung Quốc kết thúc đặt ra nhiều vấn đề cho cải cách ở Việt Nam – quốc gia có chế độ chính trị tương đồng.

Ở Trung Quốc người ta gọi mô hình này là Cải cách khai phóng (tiếng Trung giản thể: 改革开放) hay còn gọi là chính sách “cải cách và mở cửa” dưới thời Đặng Tiểu Bình từ 1978, và ở Việt Nam gọi là Đổi mới tại Đại hội 6 Đảng Cộng sản năm 1986. Mô hình phát triển này được giải thích đây là “con đường thứ ba”, nằm giữa chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Từ điểm xuất phát kinh tế thấp, trước sai lầm chính sách dưới thời Mao nguy cơ sụp đổ chế độ toàn trị kiểu Xô-Viết với “mô hình Trung Quốc” những thành tích kinh tế “thần kỳ” đã được tạo ra trong thời kỳ dài. Năm 1978 tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1% GDP của Mỹ, thì năm 2022 đã là 75% (khoảng 18.000 so với 24.000 tỷ đô la.) Theo số liệu chính thức của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ người cực kỳ nghèo ở Trung Quốc năm 1981 ở mức 88,3%. Đến năm 2015 chỉ có 0,7% dân số Trung Quốc sống trong nghèo đói cùng cực. Trong giai đoạn này, số người nghèo đã giảm từ 878 triệu xuống dưới mười triệu… Việc duy trì tốc độ tăng với hai con số trong hơn một phần ba thế kỷ tính từ cuối những năm 1970, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã đóng góp vào 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, là công xưởng toàn cầu cho nhiều quốc gia kể cả các nước tư bản phát triển phương Tây, Mỹ, cơ sở hạ tầng giao thông như đường sắt cao tốc “đẳng cấp”, kiểm soát xã hội và công dân…

Tuy nhiên “bước ngoặt” đã diễn ra từ khi Tập Cận Bình nắm quyền tối cao Đảng và nhà nước tại Đại hội 18 ĐCS TQ năm 2012. Sự phát triển theo “con đường thứ ba” gặp thách thức ngày càng lớn, dấu hiệu suy thoái rõ rệt và bất ổn. Trước hết, về kinh tế, giảm tốc tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP mang tính xu hướng, năm 2020 là 2,24%, năm 2021 là 8,11%* (cao so với cơ sở gốc thấp), năm 2022 = 3%, Quý 1 năm 2023 là 4,5%, và dự đoán cả năm có thể không thể đạt 5%… Đây là hệ quả của khủng hoảng mang tính cấu trúc: bất động sản, nợ công, giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp cao… nghiêm trọng hơn cùng với chính sách an ninh kinh tế, trấn áp tư bản và ép buộc các nhà đầu tư.. Tiếp đến, về chính trị, tham nhũng nặng nề đồng hành với bất ổn ở “cung đình” khi hai vị trị quyền lực trọng yếu trong guồng máy cai trị bị điều tra vì suy thoái đạo đức (cựu bộ trưởng ngoại giao) và vì tham nhũng (nguyên bộ trưởng quốc phòng)…

Ở Việt Nam, tình hình về đại cục, dấy lên lo ngại có diễn biến tương tự. Đầu tháng 10/2023, tại Hà Nội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khoá 13 (HNTW 8). Nội dung được quan tâm đặc biệt là tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, trong đó Đảng thừa nhận “tình hình” là khó khăn, phức tạp. Những tin “không vui” liên tục được báo cáo như số lao động việc làm sụt giảm riêng trong quý 3 năm 2023 có “hơn 118.000 lao động bị mất việc”; Cầu tiêu thụ hàng hoá “yếu”, đặc biệt “chung cư, nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công chỉ bằng 43% cùng kỳ năm 2022”; “Thu ngân sách nhà nước giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022”… Tổng sản phẩm quốc nội GDP 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước cho thấy tăng trưởng kinh tế không thể đạt mục tiêu “pháp lệnh” từ 6 đến 6,5%… trong bối cảnh các trục đỡ như đầu tư công ì ạch, bất động sản dự báo khủng hoảng kéo dài…

Có những đánh giá về triển vọng của mô hình này được đưa ra từ các góc nhìn khác nhau, bi quan là nó sẽ sụp đổ cả về kinh tế và chính trị, lạc quan hơn là chế độ chính trị vẫn duy trì nhưng kinh tế có thể suy trầm hoặc không tăng trưởng kéo dài. Đối với Việt Nam nếu mô hình tồn tại, thì cần thay đổi nó theo cách nào đó. Bởi vậy, giải pháp chính sách trước sự tác động không tránh khỏi từ suy thoái đòi hỏi thay đổi “đột phá” về nguyên nhân thực sự của sự thành công hay thất bại của mô hình Trung Quốc. Như đã biết, nó ra đời từ sáng kiến của những nông dân đòi quyền sở hữu tư nhân chống lại học thuyết CNXH về tập thể hoá trong nông nghiệp. Sáng kiến này đã lan rộng sang các lĩnh vực khác như công nghiệp và thương nghiệp, làm sụp đổ kế hoạch hoá tập trung và phân phối bao cấp… Nghĩa là, nhu cầu về quyền tự do sản xuất kinh doanh nhiều hơn đồng thời với giảm thiểu sự kiểm soát, can thiệp của chính quyền đã mang lại những thay đổi kỳ diệu. Động lực của Đổi mới được khởi xướng “từ trên cao” chỉ là một phần của bức tranh. Nhiều “phong trào” tự phát thể hiện chiến thắng của các lực lượng thị trường trước chính sách của chính phủ và cải cách thể chế quan trọng đã được thúc đẩy “từ dưới lên.”  Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản đã chứng tỏ trong thực tế cải cách thay vì sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng và nhà nước như tuyên truyền.

Vận hành “con đường thứ ba” nền kinh tế Trung Quốc (với quy rất mô lớn) và Việt Nam (với quy mô nhỏ hơn nhiều) đã trở thành tư bản chủ nghĩa, bị lu mờ bởi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, với nhà nước “thân hữu” trong “vỏ bọc” nghịch lý tham nhũng tràn lan đồng thời duy trì tăng trưởng. Trong một thời gian dài “tầm gửi” vào tăng trưởng kinh tế các quan tham đã làm giàu bằng quyền lực, họ “thực hành” một phương thức bóc lột tinh vi, mang tính hệ thống và trắng trợn. Cùng với các hình thức tham nhũng khác  kiểu tham nhũng này đang huỷ hoại chế độ Đảng CS toàn trị như căn bệnh ung thư di căn!

Mô hình Trung Quốc ảnh hưởng bao trùm và sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Liệu Việt Nam sẽ “chỉnh sửa” để tiếp tục theo nó thế nào vẫn còn phải chờ xem. Xu hướng xích gần phương Tây hơn và, đặc biệt động thái nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, sẽ có tác động đến kinh tế và cải cách ở Việt Nam thế nào còn cần theo dõi. Theo các nguồn tin, sắp tới ông Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ công du Việt Nam. Là “bậc thầy” của chủ nghĩa thực dụng, liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cùng Việt Nam có tuyên bố chung về một “cộng đồng có chung vận mệnh”? “Đu dây” giữa hai cường quốc kinh tế khác biệt về ý thức hệ đang cạnh tranh chiến lược, Việt Nam liệu có thể xác định “con đường thứ ba” của riêng mình?

https://www.rfa.org


Hơn 900.000 trẻ em ở Việt Nam mất nhà cửa do các thảm hoạ thiên nhiên

08/10/2023

Hơn 900.000 trẻ em ở Việt Nam mất nhà cửa do các thảm hoạ thiên nhiên

Người đàn ông bế em nhỏ đi trong một ngõ bị ngập nước ở Huế năm 2020 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Việt Nam là một trong số các quốc gia có nhiều trẻ em phải chịu cảnh mất nhà cửa nhất do thảm hoạ thiên nhiên trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 6/10 co biết trong giai đoạn sáu năm qua, Việt Nam có tổng cộng 930.000 trẻ nhỏ phải rời nhà do thảm hoạ thiên nhiên như lũ lụt, bão, hạn hán.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có nhiều trẻ em bị mất nhà cửa nhất. Các nước khác trong khu vực cũng chịu cảnh tương tự là Trung Quốc, Philippines và Indonesia.

Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Trung Quốc cũng là năm quốc gia có tình trạng nhiều trẻ phải bỏ nhà cửa nhiều nhất do thảm hoạ có thể đoán trước. Lũ lụt được cho là khiến nhiều trẻ bị mất nhà cửa nhiều nhất.

Theo báo cáo, thảm hoạ thiên nhiên từ thời tiết đã khiến hơn 43 triệu trẻ em trên toàn thế giới phải rời khỏi nhà của mình trong giai đoạn 2016 – 2021.

Lũ lụt và bão khiến hơn 40 triệu trẻ bị mất nhà cửa trên toàn thế giới, trong khi hạn hán khiến 1,3 triệu trẻ phải rời nhà của mình, cháy rừng khiến 810.000 trẻ mất nhà, theo báo cáo.


Comments are closed.