Chuyện Việt Nam Thứ Ba 23 tháng 01 năm 2024 *Mô hình chuyên chế – tăng trưởng kiểu Trung Quốc đã hết thời. *VN sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên. *TQ gạt nông dân Việt về chuối. *Mất trắng tiền đặt cọc xe Vinfast. *Trâu đi trên sân bay Nội Bài. *Xe chở khách lao xuống vực ở Đà Nẵng


Quê Hương tổng hợp


Mô hình chuyên chế – tăng trưởng kiểu Trung Quốc đã hết thời

Bình luận của PGS., TS. Phạm Quý Thọ – nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

RFA 22/01/2024

Mô hình chuyên chế - tăng trưởng kiểu Trung Quốc đã hết thời

Hình chụp từ trên cao cầu Bãi Cháy ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hôm 28/12/2023 (minh họa) https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Suy giảm kinh tế cộng với suy thoái chính trị kéo dài và mang tính cơ cấu củng cố cho lập luận rằng mô hình phát triển có xuất sứ từ Trung Quốc đang kết thúc. Được dẫn dắt bởi tư tưởng thực dụng, “mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn bắt được chuột”, và duy ý chí về năng lực lãnh đạo của chế độ chính trị tập quyền dựa vào chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa Mác – Lênin để chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, một mô hình chuyên chế – tăng trưởng được thiết lập. Nó đã làm Trung Quốc thoát nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình cao nhờ “đánh đổi” dân chủ, nhân quyền lấy tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh cho chế độ Đảng cộng sản toàn trị. Kết quả tăng trưởng “thần kỳ” kéo dài trong suốt hơn ba mươi năm khiến mô hình này trở thành “lý tưởng” cho nhiều quốc gia đang phát triển. Là nước láng giềng tương đồng về thể chế chính trị, Việt Nam đã noi theo áp dụng, nhưng ‘kém’ thành công hơn. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Trung Quốc, về cơ bản, cũng xảy ra ở Việt Nam. Cải cách mô hình chuyên chế – tăng trưởng thế nào đang là vấn đề lớn hiện nay hàm ý cho Việt Nam.

Bài viết trước chỉ ra thực trạng chống tham nhũng của Đảng CS vẫn khó khăn, nguy cơ tồn vong chế độ vẫn lớn, “Đảng – Nhà nước” vẫn chưa “trong sạch” trong khi dân chủ, nhân quyền bị cấm đoán và kinh tế trì trệ. Căn nguyên của vấn đề nằm ngay trong mô hình chuyên chế – tăng trưởng khi nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan, một trong những hình thức tham nhũng, chiếm vị trí thống trị, trong đó việc trao đổi quyền lực và của cải của giới lãnh đạo đã trở thành “luật bất thành văn”. Nay, trong bối cảnh ‘khủng hoảng’ “nghịch lý” đã đảo chiều thành “thuận lý” khi quyền lực bị tuyệt đối hoá, lạm dụng bạo lực để chống lại sự tha hoá quyền lực đang làm huỷ hoại động lực tăng trưởng nhờ thị trường.

Lý thuyết và thực tế đã chứng minh rằng, nghịch lý nêu trên, mặc dù không biểu thị mối tương quan nhân quả, nhưng từ các dữ liệu điều tra từ 65 quốc gia, tức một phần ba tổng số nước, Tổ chức Hướng dẫn rủi ro quốc gia quốc tế (Tiếng Anh là ICRS – International Country Risk Guide ) đã xác lập mối quan hệ đồng biến giữa mức độ tham nhũng và tăng trưởng. Ngoài ra, một nghiên cứu thực tế ở Trung Quốc của phó giáo sư khoa học chính trị Yuen Yuen Ang (洪源远) có ý nghĩa ứng dụng quan trọng được trình bày trong cuốn “Thời đại vàng son của Trung Quốc: Nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng tràn lan” (Tiếng Anh là China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption, 2020). Học giả về Trung Quốc tại Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng, đây là quá trình ‘tiến hóa’ tương tự như Thời đại Vàng của Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, sự khác biệt các hệ thống chính trị ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đã dẫn đến những phản ứng trái ngược nhau trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Ở Mỹ là quá trình cải tiến thể chế dân chủ để kiểm soát quyền lực trong khi ở Trung Quốc củng cố chế độ tập quyền tuyệt đối bằng chống tham nhũng kiểu “đả hổ diệt ruồi.”

Làm sâu sắc thêm thực tế này ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không những chỉ vì chiến dịch “đốt lò” đang gặp thách thức ngày càng lớn khiến niềm tin chính sách giảm sút, diễn ra đồng thời với việc hạn chế các quyền về tự do, dân chủ và nhân quyền khi mô hình chuyên chế ‘kiểu cũ’, kiểu Mao, đang quay trở lại “mạnh mẽ” mà còn vì động lực tăng trưởng nhờ thị trường bị huỷ hoại nghiêm trọng dẫn tới kinh tế trì trệ, ảm đạm. Mặc dù, tỷ lệ tăng trưởng GDP theo thống kê là nhanh nhưng đã được ‘cảnh báo’ là “không bền vững”, bất cập về cơ cấu. Nền kinh tế có độ mở cao cho thương mại nhưng ngày càng lệ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản trở thành trục tăng trưởng quan trọng nhưng “mong manh” trước vấn nạn đầu cơ, trong đó chủ yếu là nguyên nhân “sở hữu toàn dân” về đất đai và tính đại diện quản lý của nhà nước bị trục lợi do tha hoá quyền lực, đầu tư công cũng ì ạch… Hơn thế, một thể chế “khai thác” chi phối nền kinh tế khi lý luận giáo điều về chủ nghĩa xã hội lấn án kinh tế thị trường…

Gần đây, đã có sự thừa nhận quan trọng rằng các thể chế thực sự quan trọng. Nghĩa là, các cấu trúc chính trị – như quyền sở hữu, sự ổn định, cải cách luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng giao dịch thương mại… là nền tảng của tăng trưởng kinh tế. Giới điều hành kinh tế – Chính phủ luôn nhấn mạnh sự cấp thiết về cải cách thể chế. Điều khiến các nước nghèo trở nên nghèo không phải là thiếu nguồn lực. Nhật Bản và Hàn Quốc, các đối tác chiến lược của Việt Nam, cho thấy họ thiếu nguồn lực thế nào để bắt đầu con đường phát triển của mình. Đúng hơn, chính việc thiếu thể chế đã khiến các quốc gia trở nên nghèo nàn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc chống tham nhũng có thể ‘thành công’ chỉ khi được thực hiện bởi thể chế dân chủ, kiểm soát quyền lực bởi tam quyền phân lập, xã hội dân sự… Nhưng cải cách thể chế là một quá trình, vì vậy việc tập trung vào cải cách khu vực công, nâng cao năng lực công chức để làm những việc “vi dân” và đồng thời thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho kinh tế thị trường vận hành là những bước đi cần thiết. Việc dự báo kinh tế đang thiếu yếu tố thể chế sẽ giảm ý nghĩa cho việc hoạch định và thực thi chính sách!

Mô hình chuyên chế – tăng trưởng kiểu Trung Quốc đang ‘khủng hoảng’ ở Việt Nam, biểu hiện rõ rệt là sự suy giảm tăng trưởng và suy thoái chính trị. Thể chế chính trị đang suy thoái bởi hai cội nguồn chủ yếu, trước hết, là quốc nạn tham nhũng được che đậy bởi nghịch lý nêu trên, nghĩa là sự ‘chấp nhận’ hay ‘đánh đổi’ tham nhũng lấy tăng trưởng đã biến giới lãnh đạo, giới tinh hoa của chế độ thành tầng lớp quyền lực và giàu có trong khi phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn. Họ theo đuổi mục đích duy trì hệ thống chính trị tập quyền bằng bạo lực, trấn áp, từ mầm mống, xã hội dân sự, dân chủ và độc quyền về tư tưởng và truyền thông, ngăn cản các quyền tự do cá nhân. Chống tham nhũng kiểu “ta đánh ta” không thể hiệu quả khi nguyên tắc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình bị huỷ hoại.

Thứ hai, đó là sự cứng nhắc về thể chế và nhận thức. Chế độ luôn nhấn mạnh vai trò của các tổ chức theo cách hiểu của V. Lênin về nhà nước chuyên chế. Theo đó, những quy tắc chi phối cuộc sống của mình cần được tạo ra và, sau đó cố bảo vệ nó bằng mọi giá theo cách “cực kỳ bảo thủ.” Ngay cả khi thực tế chỉ ra thế giới không hoạt động theo cách đó, nhưng việc thay đổi mô hình khiến giới lãnh đạo rất ‘do dự.’ Fransis Fukuyama, giáo sư tại Đại học Stanford, Mỹ, trong một cuốn sách  về thể chế chính trị, đã được dịch sang tiếng Việt, của mình cho rằng chủ nghĩa thân hữu ở Mỹ trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là “một cuộc đấu tranh kéo dài gần hai thế hệ.”  Mô hình chuyên chế – tăng trưởng ở Trung Quốc, theo GS Fukuyama, là một kiểu ‘mô hình tinh thần’, đã không thực sự tương ứng với thực tế thị trường nhưng người ta vẫn không muốn thay đổi chúng. Chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện của độc đảng CS trong những năm gần đây đã quay lại mô hình toàn trị kiểu Mao với những chính sách mang tính đối phó với những bất cập, mâu thuẫn trong khi áp dụng những ‘tiêu chuẩn kép’. Điển hình như chính sách ‘nhích’ gần phương Tây – cơ chế dân chủ để ‘mời gọi’ đầu tư nước ngoài trong khi kiểm soát gắt gao tự do cá nhân, dân chủ và xã hội dân sự trong nước.

Sự suy giảm tăng trưởng và suy thoái chính trị mang tính xu hướng báo hiệu rằng mô hình chuyên chế – tăng trưởng kiểu Trung Quốc không còn phù hợp với thực tế với những mâu thuẫn ngày càng căng thẳng Trong trường hợp này lý thuyết của Các Mác về xung đột giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở sẽ dẫn đến sự thay đổi chế độ. Cải cách chuyển đổi dân chủ hướng đến một  ‘thể chế bao trùm’ để tăng trưởng bền vững là tất yếu nhưng trước hết đòi hỏi sự thay đổi ‘đột phá’ về tư duy. Dù sự chuyển đổi dân chủ chỉ là một cái “hành lang hẹp” (Tiếng Anh: The Narrow Corridor) nhưng cần hy vọng. Mới đây, ngày 16/1/2024 ông Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, rằng: “Không quốc gia nào phát triển nhanh nếu giữ tư duy cũ!”

____________

Tham khảo:

(1) Tăng trưởng GDP trong thời kỳ đổi mới: https://infographics.vn/interactive-gdp-cua-viet-nam-qua-35-nam-doi-moi/21395.vnahttps://kinhtemoitruong.vn/infographic-tang-truong-gdp-viet-nam-qua-cac-nam-84290.html.

(2) Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI): https://www.transparency.org/en/cpi/2022 ; https://vi.wikipedia.org/wiki/Chỉ_số_nhận_thức_tham_nhũng.

(3) Mức tăng trưởng GDP so với chỉ số nhận thức tham nhüng (CPI) tai Việt Nam từ năm 2012-2022:  https://www.worldbank.org/en/publication/worldwide-governance-indicators 

(4) Vụ án AIC Đồng Nai: https://tuoitre.vn/vu-aic-cuu-bi-thu-dong-nai-linh-11-nam-tu-cuu-chu-tich-tinh-9-nam-tu-20230103235034039.htm; Vụ án ‘những chuyến bay giải cứu’ : https://tuoitre.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-so-tien-cac-doanh-nghiep-dua-cho-cac-bi-cao-la-dac-biet-lon-2023072810153938.htm; Vụ án ‘Việt Á’: https://tuoitre.vn/vu-viet-a-muc-an-toa-tuyen-cho-38-bi-cao-20240112170357182.htm; Vụ án ‘Vạn Thịnh Phát’: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/truy-na-7-bi-can-trong-vu-an-xay-ra-tai-ngan-hang-scb-va-tap-doan-van-thinh-phat-119231029192725111.htm

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/chinese-economic-development-model-no-longer-effective-01222024093252.html


Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên lên quỹ đạo vào cuối năm 2024

22/01/2024

Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên lên quỹ đạo vào cuối năm 2024

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo vệ tinh NanoDragon (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVNSC 

Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên của quốc gia này lên quỹ đạo vào khoảng cuối năm 2024, đầu năm 2025 với hy vọng vệ tinh mới sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện.

Truyền thông Nhà nước hôm 22/1 dẫn thông tin được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) công bố hôm 19/1 cho biết vệ tinh được phóng có tên là LOTUSat-1 do Nhật Bản chế tạo.

Vệ tinh có khối lượng khoảng 570 kg và dự iến sẽ hoạt động trên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (Sun Synchronous Orbit – SSO) ở độ cao xấp xỉ 500km, có thể phát hiện các vật thể với kích thước từ 1m trên mặt đất. Dự kiến thời gian hoạt động của vệ tinh là trên năm năm.

Đại diện VNSC cho báo chí trong nước biết, vệ tinh mới được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Hồi năm 2021, Việt Nam cũng phóng vào quỹ đạo một vệ tinh có tên NanoDragon (nặng 10kg) do VNSC nghiên cứu và phát triển. Đây là vệ tinh được dùng để theo dõi hoạt động của tàu ở Biển Đông nhưng đến nay vệ tinh này vẫn không phát tín hiệu gì, theo thông tin từ báo Nhà nước.

Báo chí Nhà nước cho biết, sau LOTUSat-1, một vệ tinh khác có tên LOTUSat-2 do đội ngũ Việt Nam chế tạo hoàn toàn.

“Đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt. Giới chuyên môn đánh giá, nếu sứ mệnh cùng LOTUSat-2 được thực hiện thành công, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu các nước ASEAN về công nghệ vũ trụ.” – báo Nhà nước viết về vệ tinh mới của Việt Nam.


Trung Quốc lại gạt nông dân Việt: Chuối đổ bỏ khắp nơi

Mai Nguyễn /SGN

23 tháng 1, 2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/48d6053755t158963l2.jpg

(Ảnh Báo Quảng Trị) 

Cứ gần đến cuối năm, là người ta lại thấy khẩu hiệu “giải cứu” lại xuất hiện khắp nơi trong nước. Có năm thì giải cứu chôm chôm, có năm thì giải cứu dưa hấu… Năm nay tình hình kinh tế quá đổi eo sèo cho nên mặt hàng chuối dù nằm trong diện “giải cứu” nhưng không còn ai đủ sức. Thảm cảnh chặt bỏ, đổ đống, hoặc đem cho không giữa đường diễn ra khắp nơi…

Nguyên nhân thì cũng muôn đời là Trung Quốc. Tiếng kêu than vì thất bại phá sản lỗ lã của nông dân Việt vẫn vang lên từ hàng chục năm nay, mà có vẻ giống như chính quyền Việt Nam vẫn âm thầm cho các thương lái Trung Quốc tự do đi vào các trang trại của nông dân hứa mua, rồi muốn bỏ thì bỏ, không ai bắt phạt hay kiểm tra ngăn chận.

“Nguyên nhân khiến giá chuối giảm là do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Chắc lại là “chiêu” của các thương lái Trung Quốc nhằm đẩy giá chuối xuống thấp thôi”, một người trồng chuối ở Đồng Nai, giấu tên cho biết.

Được biết, vào đầu tháng 3, khi chuối bắt đầu chín, thương lái Trung Quốc đến thu mua trực tiếp tại vườn của người dân, thời điểm, giá chuối được đẩy lên cao nhất ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg trong 2 ngày.

Sau đó, thương lái Trung Quốc đột nhiên ngừng thu mua, giá chuối từ đó rớt xuống còn 13.000 đồng/kg trong những ngày tiếp theo và đang có dấu hiệu tiếp tục giảm.

Lúc này, thương lái ở các tỉnh khác đến thu mua chuối, vẫn liên tục ép giá  khiến người dân lo lắng. Nhiều người quyết định bán tống, bán tháo cả vườn chuối còn non vì sợ câu chuyện đại phá sản 2017 lặp lại.

Huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) được xem là “thủ phủ” của cây chuối cấy mô. Tuy nhiên, vào năm 2017, người dân nơi đây rơi vào cảnh lao đao vì giá chuối rớt thê thảm, chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/kg.

Năm nay, theo phản ánh của một số người trồng chuối tại đây, những ngày cuối tháng 3, giá chuối cũng đang có dấu hiệu xuống ngày càng thấp. Vì sợ câu chuyện năm ngoái sẽ lặp lại, người dân chấp nhận bán rẻ cả vườn chuối còn non.

Ông Trần Minh Tùng, thương lái thu mua chuối trên địa bàn huyện Trảng Bom nói: “Người dân không biết rõ các thương lái vùng khác làm ăn như thế nào. Nhiều trường hợp thương buôn Trung Quốc đến, chỉ nói bằng miệng rồi đặt cọc làm tin. Nhưng đến ngày thu hoạch nếu giá quá thấp thì họ không đến, người dân cũng phải chịu chứ biết kêu ai”.

Anh Nguyễn Văn Lộc, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua chuối, cho biết, giá chuối thời điểm này chỉ bằng một nửa so với năm trước. Bởi trước đây, vào vụ thì nguồn hàng XK sang Trung Quốc, nay không xuất được mà chỉ cung ứng cho thị trường Campuchia và nhu cầu trong nước, nên mức độ có hạn.

Nhưng không có bài báo nào hay ngôn luận nào của Nhà nước đặt ra về chuyện phải kiểm soát lại những nguồn thương buôn như vậy từ Trung Quốc, vốn vẫn hay làm kiệt quệ các trang trại và ngành đầu tư trồng trọt của người Việt. Nông Dân chỉ biết thở dài với nhau và đành đợi một ngày mới trong đời ít khó khăn hơn. 


Mất trắng tiền đặt cọc xe Vinfast

Khánh Anh/VNTB

 23/01/2024

VNTB – Mất trắng tiền đặt cọc xe Vinfast

 (VNTB) – Khách hàng đặt cọc tiền mua xe nhưng không được hoàn lại tiền cọc sau khi thay đổi quyết định mua xe.

Tiền cọc thật, chứng từ giả

Ngày 12-7-2023, sau khi liên hệ văn phòng Vinfast chi nhánh Phú Mỹ Hưng (Vinfast PMH) qua điện thoại, chi nhánh này đã cho nhân viên Nguyễn Quốc Cường liên hệ với khách hàng là Công ty AMGROUP (AMG) tư vấn mua xe VF3. 

Ông Cường tư vấn cho AMG đặt cọc giữ chỗ để được ưu tiên nhận xe VF3 được dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 9-2023. Theo lời ông Cường “VF3 chưa nhận coc vì chưa có thông tin” và “nếu đặt cọc tiền sớm thì sẽ có số thứ tự nhận xe sớm” theo như thể thức mà mà Vinfast đã làm cho dòng xe VF5.  Với lời hứa ông Cường sẽ “đẩy ưu tiên lên sớm nhất có thể”, nhân viên T. của AMG đồng ý sẽ đặt cọc cho xe VF3. 

Buổi chiều cùng ngày,  nhân viên AMG được ủy quyền đến Vinfast PMH, (Địa chỉ: 54 Nguyễn Thị Thập, P. Bình Thuận, Quận 7, TP HCM) gặp ông Cường để đặt cọc. 

Sau khi nhận 20 triệu tiền đặt cọc, ông Cường giao phiếu thu viết tay đã nhận đủ tiền cọc đồng thời cam kết nếu khách hàng có yêu cầu hoàn cọc, công ty sẽ hoàn trả lại.

Sau gần 4 tháng chờ đợi mà chưa có thông tin gì về việc giao xe. AMG quyết định không mua xe của VF3 nữa.  Ngày 2-11-2023, bà T của AMG yêu cầu ông Cường hoàn lại tiền cọc. Ông Cường cho biết  tiền cọc sẽ được hoàn lại trong vòng 7- 10 ngày, chậm nhất là 15 ngày khi khách hàng gửi yêu cầu hoàn cọc. Cho đến gần 3 tuần sau, AMG vẫn chưa được hoàn cọc.  Ông Cường cho biết cấp trên đã duyệt hồ sơ và đang đợi kế toán xử lý hồ sơ hoàn cọc.

Sau nhiều lần gọi  điện thoại hối thúc nhưng vẫn không có kết quả, ngày 23-11-2023, AMG yêu cầu Vinfast PMH cho số điện thoại của nhân viên kế toán để tìm hiểu về việc chậm trễ hoàn cọc nhưng đã bị từ chối.

Sáng 29/11/2023, AMG cử nhân viên đến văn phòng Vinfast PMH mang kèm công văn giải trình và yêu cầu giải quyết hoàn cọc để gặp trực tiếp bộ phận giải quyết khiếu nại. Sau khi nghe trình bày, đại diện Vinfast PMH – ông Trần Trọng Nghĩa thông báo ông Cường hiện không còn làm việc tại công ty đồng thời cho biết chứng từ nhận tiền ông Cường đưa cho nhân viên AMG là chứng từ giả.

Ông Nghĩa khi tiếp nhân viên AMG cho biết đã có những khách hàng khác cũng gặp vấn đề tương tự. Như vậy,  trường hợp của AMG không phải là trường hợp đầu tiên, mà còn có những khách hàng khác cũng bị mất tiền cọc oan do đóng tiền cọc thật nhưng nhận phiếu thu giả.

AMG sau đó liên hệ với Vinfast và được yêu cầu nộp lại phiếu thu gốc và ký biên bản ba bên để giải quyết hoàn cọc. Tuy nhiên việc hoàn cọc không diễn ra như thoả thuận trước đó.

Vinfast tránh né giải quyết

Ngày 4/12/2023, Đại diện AMG, đại diện Vinfast PMH và Giám đốc kinh doanh vùng miền nam nhà phân phối VinFast đã có một buổi làm việc ba bên để giải quyết sự việc.

Đại diện Vinfast PMH là ông Cường cho biết không tìm thấy số liệu thể hiện việc đã nhận khoản thu 20 triệu đồng là tiền đặt cọc của AMG. Lý do mà phía Vinfast PMH đưa ra là khoản thu bằng tiền mặt được thanh toán trực tiếp cho nhân viên tư vấn Cường mà không phải là thủ quỹ công ty. Nếu tiền được nộp hoặc chuyển khoản cho thủ quỹ thì khách hàng sẽ nhận được phiếu thu hợp lệ. 

http://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/01/phieu-thu-Vinfast--650x618.jpg

Phiếu thu được cho là giả tại showroom Vinfast Phú Mỹ Hưng

Vinfast PMH xác nhận thời điểm ông Cường nhận tiền cọc, thì người này vẫn là nhân viên của chi nhánh tại PMH nhưng đến khi cần giải quyết vụ việc thì ông Cường đã nghỉ việc mà không còn liên lạc được.

Sau khi kiểm tra, đại diện Vinfast xác nhận phiếu thu mà AMG nhận được là phiếu thu không hợp lệ.

Vinfast PMH xác định giao dịch “nhận tiền cọc” giữa đại diện AMG và nhân viên tư vấn Cường không liên quan gì đến công ty vì đây là giao dịch riêng của hai cá nhân này và từ chối hoàn lại tiền cọc.  Đại diện Vinfast PMH yêu cầu bà T. nên trình bày sự việc cho cơ quan công an để xử lý, và sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin cho công tác điều tra.

Góp thêm tiếng xấu

Vụ việc cho thấy quy trình phục vụ và tư vấn khách hàng của Vinfast còn nhiều thiếu sót khi không hướng dẫn khách hàng tiềm năng về thủ tục mua bán và đặt cọc ngay từ đầu. 

Một nhân viên tư vấn bán hàng của Vinfast được biết sẽ phải tham gia đầy đủ các khóa đào theo yêu cầu của công ty. Ngoài ra, hàng ngày còn phải báo cáo quá trình chăm sóc khách hàng tiềm năng,  báo cáo kết quả bán hàng trong đó có nêu rõ số hợp đồng ký, số xe giao, số khách bị mất… – Báo cáo khiếu nại (nếu có). Vậy thì nhân viên tư vấn Cường trong vụ nói trên đã có lập báo cáo về khách hàng AMG như yêu cầu hay không?

Chỉ vì nắm được tâm lý “muốn được ưu tiên sớm” hơn người khác của khách hàng mà những kẻ như nhân viên tư vấn Cường mới có thể tận dụng để lừa đảo khách hàng một cách trắng trợn. Nhưng sự việc liệu lại có quá trùng hợp khi có người đòi lại tiền cọc thì kẻ lừa đảo cũng đã cao chạy xa bay?

Việc ông Nghĩa từng xác nhận việc đóng tiền cọc cho nhân viên tư vấn là có dấu hiệu lừa đảo và trường hợp của AMG không phải là cá biệt, cho thấy Vinfast PMH đã quá kém cỏi trong khâu tuyển dụng, đào tạo cũng như kiểm soát nhân viên khi để cho kẻ xấu lợi dụng tên tuổi của Vinfast để trục lợi không chỉ một lần, gây tiếng xấu cho Vinfast PMH nói riêng và cho cả công ty Vinfast nói chung.

Vụ lừa đảo diễn ra tại một phòng trưng bày sản phẩm của Vinfast, do một nhân viên Vinfast thực hiện nhưng lại bị phủ nhận trách nhiệm liên đới hoàn toàn cũng đồng nghĩa với việc bên cung cấp dịch vụ và sản phẩm hoàn toàn vô trách nhiệm đối với khách hàng tiềm năng. 

Giám đốc kinh doanh vùng miền nam nhà phân phối VinFast cũng có mặt tại buổi gặp chỉ để làm kiểng khi chỉ dừng lại ở chỗ “Bên C xác nhận đã ghi nhận sự việc trình bày của hai bên A và B trong cuộc gặp mặt 3 bên tại 54 Nguyễn Thị Thập, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP.HCM. Việt Nam – Công Ty CP Đầu Tư TM DV Ô TÔ Nam Sài Gòn (trước đây là Nhà Phân Phối VinFast Phú Mỹ Hưng)”.

Nói về vụ bị lừa 20 triệu đồng tiền cọc, ông K., Giám đốc công ty AMG cho biết: “ Ban đầu, chúng tôi tin tưởng và muốn ủng hộ Vinfast. Nhưng qua sự việc này, là một khách hàng bị chính nhân viên của Vinfast PMH hại, chúng tôi vô cùng thất vọng về chất lượng nhân sự, dịch vụ và độ uy tín của Vinfast – thương hiệu hãng xe ô tô điện hàng đầu Việt Nam”.


Nguyễn Thông – Trâu và người 

23/01/2024

Nhân viên an ninh sân bay Nội Bài dùng dùi cui xua đuổi con trâu khỏi sân bay (Ảnh: Đào Tuấn).

Tôi cực dốt tiếng Anh nhưng cũng lơ mơ biết trong ngôn ngữ toàn cầu này có từ “trend” nghĩa là xu hướng, phương hướng, khuynh hướng, chiều hướng, đại loại là hướng, chạy theo một cái gì đó. Vừa rồi có ông em đồng nghiệp cùng cơ quan cũ ra cuốn sách đặt cái tên ngồ ngộ “Đu trend với người nổi tiếng” bán chạy phết.
Từ chiều qua 22.1 tới giờ, trend, đu trend là bàn về, nói về… trâu. Con trâu làm vẻ vang sân bay Nội Bài, chứ không phải trâu trong “con trâu là đầu cơ nghiệp”, “trâu ơi ta bảo trâu này/trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”, “nó coi mình như trâu như chó/nó coi mình như cỏ như rơm”, “trâu ơi, ta nhất định sẽ thắng/quân thù nhất định thua”.
Xưa nay thiên hạ chỉ nói con người ra sân bay, đi máy bay, chứ có mấy ai nhắc tới trâu ra sân bay, mà lại còn đủng đỉnh nghêng ngang leo lên tầng trên, nhà ga quốc tế to nhất xứ này. Cứ như nguyên thủ quốc gia, như Kim Jong-un, không ai dám hỏi dám chặn, mặc dù đội ngũ an ninh, bảo vệ, công an nổi, công an chìm dày đặc, con ruồi bay cũng không lọt. Nhưng trâu thì lọt, không ai thấy, không ai biết, nói chi chuyện bắt dừng lại trình giấy tờ, làm thủ tục, đòi căn cước công dân gắn chíp, hộ chiếu đã bỏ nơi sinh… Trâu ra sân bay, vượt quyền con người. Hay là thời này đã là thời của trâu?
Mà kể cả người, không phải ai cũng đủ tiền đi máy bay, tới sân bay – nơi được coi là chốn văn minh hiện đại nhất trong cuộc sống. Xứ ta đã vô vàn sân bay, giờ nhà cai trị còn quy hoạch, định mở thêm nhiều nữa. Nói đâu xa, đất Phòng quê tôi, đã có cái sân bay quốc tế Cát Bi to đùng, máy bay B52 cũng có thể hạ cánh được, vậy mà các ông bà ấy vẫn quyết làm thêm cái nữa ở huyện Tiên Lãng, theo đường chim bay chỉ cách hơn chục cây số, nơi đã xảy ra vụ đầm Vươn nổi tiếng. Để đất thì còn nuôi vịt trồng chuối trồng rau được, có cái mà ăn, chứ làm sân bay liệu mài đường băng ra ăn được không. 

Tôi đảm bảo cái dự án sân bay Tiên Lãng (họ gọi màu mỡ riêu cua là sân bay vùng phụ cận thủ đô) sẽ thất bại. Không tin cứ chống mắt chờ xem. Đám phê duyệt nó chỉ là bọn nhố nhăng. Chú Vươn cứ yên tâm nuôi vịt biển đi, đừng lo gì cả. (còn tiếp)

Nguyễn Thông


XEM THÊM

Theo báo Dân Trí, Việt Nam

Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng

Thực hiện: Hoài Sơn  23/01/2024 –

(Dân trí) – Xe Ô tô giường nằm 45 chỗ di chuyển trên cao tốc La Sơn – Túy Loan (Đà Nẵng), mất tay lái khiến xe lộn 3-4 vòng rồi rơi xuống vực sâu khoảng 30m. Tại vị trí này, 1 tháng trước cũng xảy ra tai nạn.
Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 1

Chiều 23/1, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã đến kiểm tra hiện trường xe khách rơi xuống vực trên cao tốc La Sơn – Túy Loan làm 2 người tử vong.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Đà Nẵng có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình vực sâu, thời tiết mưa, sương mù, trời tối nên việc đưa phương tiện ra khỏi vị trí bị nạn gặp nhiều khó khăn.

Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 2

Theo báo cáo của Bộ Công an, lúc 0h30 ngày 23/1, tại km36+400, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Hòa Liên, ô tô khách loại 45 chỗ ngồi chạy tuyến Đắk Lắk – Hải Dương, do tài xế Phương Thanh Tùng (36 tuổi, trú tỉnh Đắk Lắk) điều khiển, chở 22 người đang lưu thông bất ngờ mất lái, lao xuống vực sâu.

Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 3
Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 4
Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 5

Hậu quả bước đầu xác định 2 người chết tại hiện trường, 20 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện. Phương tiện đang neo buộc tại vực sâu khoảng 30m, đợi xe cẩu có tải trọng lớn đến giải cứu.

Ghi nhận tại hiện trường, xe khách bị biến dạng, nhiều bộ phận của ô tô rơi xung quanh. Vị trí xe khách rơi nằm cạnh một khe suối.

Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 6
Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 7

Bánh ô tô khách bị biến dạng, được dựng trên dải phân cách của cao tốc. Kính của xe vỡ rơi vãi bên đường. Theo một số hành khách bị nạn, ô tô bị lật khoảng 3-4 vòng thì rơi xuống vực.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, vị trí xảy ra tai nạn có hạ tầng đáp ứng đầy đủ vạch kẻ sơn, biển báo. Ghi nhận tại hiện trường, không thấy có các dấu vết của phanh xe để lại.

Hiện trường vụ xe khách bị lật, lao xuống vực ở Đà Nẵng - 8

Đường cao tốc La Sơn – Túy Loan là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía đông và đường cao tốc Bắc – Nam phía tây qua địa phận hai tỉnh thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Tuyến đường dài 77,5km, bao gồm hai đoạn là đoạn La Sơn – Hòa Liên và đoạn Hòa Liên – Túy Loan. Vị trí xe khách gặp nạn là đoạn đường cong, dốc, cách trung tâm thành phố khoảng 40km.

Tại khu vực này, vào tháng 12/2023, một ô tô đầu kéo mất kiểm soát, đâm toạc hộ lan, rơi xuống taluy âm sâu khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến 2 người bị thương.

Theo Dân Trí


Comments are closed.