Chuyện Việt Nam Thứ hai 29 tháng 01 năm 2024


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của nguồn quỹ hỗ trợ thuộc Đạo luật CHIPS

RFA
29/01/2024

Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của nguồn quỹ hỗ trợ thuộc Đạo luật CHIPS

Bức ảnh này được chụp vào ngày 28 tháng 2 năm 2023 cho thấy một công nhân sản xuất chip bán dẫn tại một xưởng ở Suqian, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. (HMH) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Hoa Kỳ đang chuẩn bị bơm nguồn quỹ vào cho ngành chip bán dẫn Việt Nam nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng và mong muốn Hà Nội “tận dụng’ cơ hội giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nikkei loan tin ngày 29/1 dẫn phát biểu vừa nêu của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách kinh tế, năng lượng và môi trường- Jose Fernandez, trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng báo này của Nhật.

Ông này nói rõ Việt Nam cần hành động trước khi quá trễ trong việc thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ thiết yếu như năng lượng sạch và khoáng sản có thể được dùng trong ngành xe điện và pin.

Hoa Kỳ đang nhắm đến bảy quốc gia đối tượng của Đạo luật CHIPS &  Khoa học; trong đó có 500 triệu USD cho công tác huấn luyện nâng cao ngành bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh toàn cầu. Việt Nam là một trong danh sách các nước được Hoa Kỳ cho là có tiềm năng hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ của Đạo luật CHIPS & Khoa Học này.

Cũng theo lời Thứ trưởng Jose Fernandez, Hoa Kỳ sẽ phân phối nguồn quỹ hỗ trợ nước ngoài theo Đạo luật CHIPS & Khoa học dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) vào tháng hai tới đây.

Khuyến nghị của OECD có phần dựa trên phúc đáp của các công ty Việt Nam về nhu cầu cần có để phát triển ngành công nghệ bán dẫn như công tác đào tạo.

Sau chặng dừng chân tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách kinh tế, năng lượng và môi trường Jose Fernandez vào ngày 29/1 lên đường sang Philippines. Sau đó ông sẽ đến làm việc tại Hàn Quốc.


Nút thắt khi Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn Việt Nam

Việt Hưng/The Leader

28/01/2024

Nút thắt khi Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ – ông Jose Fernandez

TheLEADERDù rất muốn đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam, nhưng 15 công ty Mỹ lại gặp vướng mắc về giấy phép, cũng như cam kết sử dụng năng lượng tái tạo với cổ đông, khách hàng – điều mà phía Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng.

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết hiện có 15 công ty tại Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn của Việt Nam, với điều kiện cần được cung ứng điện sạch.

“Họ sẵn sàng đầu tư nhưng gặp trở ngại khi đã cam kết với cổ đông, khách hàng là chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, họ đợi hệ thống năng lượng này tại Việt Nam phát triển”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thông tin.

Ông Jose Fernandez nói thêm, 15 công ty này, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, muốn rót vốn vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Bên cạnh vấn đề điện sạch, các công ty này cũng đang chờ giấy phép để tiếp tục kế hoạch đầu tư.

Nhiều công ty bán dẫn lớn của Mỹ đã đưa ra các cam kết về môi trường, như Intel tuyên bố sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030.

AMD cũng cam kết rằng 80% lượng điện mà các nhà cung cấp sản xuất trực tiếp của tập đoàn này sử dụng sẽ tới từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Không chỉ các tập đoàn Mỹ và ngành bán dẫn, sản xuất “xanh” đang trở thành mục tiêu mà doanh nghiệp đa quốc gia ở nhiều nước hướng tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tin rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo vì có đường bờ biển dài và số giờ nắng cao. Nếu có thể tận dụng ưu thế ấy, Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh thế giới đang hướng đến mục tiêu sản xuất không phát thải.

“Thông điệp của tôi đến lãnh đạo Việt Nam là phải nắm bắt cơ hội ngay lúc này. Đang có cuộc cạnh tranh trên thế giới, nếu Việt Nam thắng sẽ rất có lợi”, ông kể.

Thứ trưởng Jose Fernandez cũng cho biết, Mỹ sẽ hợp tác, ủng hộ Việt Nam thực hiện mục tiêu của mình với ngành công nghiệp bán dẫn. Một trong số đó là đào tạo được 50.000 kỹ sư cho ngành này.

Theo phân tích của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu gặp phải trong nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn chính là thiếu nguồn nhân lực có đủ kỹ năng tay nghề phù hợp.

Ông Fernandez cho biết, vấn đề thiếu nhân lực ngành bán dẫn không chỉ của riêng Việt Nam mà bản thân nước Mỹ cũng gặp phải vấn đề này.

Ngành bán dẫn cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác đang được chú trọng giữa Việt Nam và Mỹ. Chính phủ Mỹ đã hứa hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực trong ngành này, trong đó có cam kết cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, theo Tuyên bố chung trong tháng 9/2023.

Chia sẻ về cơ hội của ngành bán dẫn Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT – ông Trương Gia Bình cho biết, ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan.

Đến ngày hôm nay, thế giới rất cần ngành bán dẫn, nhưng lực lượng lao động, đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì ngành này phát triển nhanh, làm việc vất vả.

“Trong khi đó, thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành này. Để thu hút lực lượng thanh niên vào ngành này phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch FPT, Tập đoàn này đã chuẩn bị cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn từ cách đây 10 năm. Năm 2022, FPT thành lập công ty FPT Semiconductor, đồng thời đưa nội dung đào tạo thiết kế vi mạch vào chương trình giảng dạy của ĐH FPT.

Nút thắt khi Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn Việt Nam 1

Ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã chuẩn bị cho công nghệ bán dẫn từ cách đây 10 năm

Thực tế, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam. 

Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện như hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp… để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. 

Về phía địa phương, ông Vương Quốc Tuấn – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, Bắc Ninh xác định lĩnh vực bán dẫn là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài.

Trong lĩnh vực bán dẫn, khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.

Với TP. HCM, theo ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM, đối với ngành vi mạch bán dẫn, thành phố có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo.

Thành phố đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synosys-công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử và IP bán dẫn của Hoa Kỳ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

https://theleader.vn


Quan chức Mỹ-Việt: ‘Kinh tế, an ninh là động lực thúc đẩy quan hệ’ 

28/01/2024 VOA Tiếng Việt 

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm 2023 để nâng cấp quan hệ

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm 2023 để nâng cấp quan hệ 

Hợp tác kinh tế và đảm bảo an ninh trong khu vực là những động lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, quan chức hai nước cho biết tại một hội thảo vừa diễn ra tại Washington D.C.
Hội thảo Việt-Mỹ 2024 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 24/1, hơn bốn tháng sau khi Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên ‘Đối tác chiến lược Toàn diện vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững’ tại Hà Nội.
‘Kỷ nguyên mới’
“Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là biểu tượng của sự mạnh mẽ trong mối quan hệ hai nước,” Thượng nghị sỹ Jeff Merkley, thành viên tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh Mạng Quốc tế của Ủy ba Đối ngoại thượng viện, nói trong phát biểu đề dẫn tại hội thảo.
Ông Merkley cho rằng an ninh là một trụ cột trong mối quan hệ Mỹ-Việt vì hai nước có cùng cam kết về hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Chúng tôi sẽ làm việc trên các diễn đàn đa phương như ASEAN, IPEF (Khuôn khổ Đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương) để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” vị thượng nghị sỹ này nói và thừa nhận một trong những vấn đề đằng sau việc Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ là ‘vai trò của Trung Quốc trong khu vực và quan ngại về Biển Đông’.
Về hợp tác kinh tế, Thượng nghị sỹ Jeff Merkley chỉ ra mặc dù đạo luật CHIPS và Khoa học tập trung vào việc đưa sản xuất chất bán dẫn trở về Mỹ nhưng nó cũng có nội dung về hợp tác sản xuất chip với các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, một lĩnh vực mà Việt Nam có thể tận dụng là sản xuất các tấm pin mặt trời cung cấp cho Mỹ. “Mỹ hiện cần tới 3 tỷ tấm pin mặt trời mà một mình Mỹ không thể nào sản xuất đủ,” ông nói thêm.
Trong phát biểu được ghi hình trước gửi tới hội thảo, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ cuối cùng ‘đã mở ra kỷ nguyên mới để Việt Nam có quan hệ đầy đủ với Mỹ’ – mục tiêu mà Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều thập niên qua.
“Việc nâng cấp là thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam vốn theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, vì hòa bình, phát triển,” ông Sơn nói.
Ngoại trưởng Việt Nam cho biết hai bên đang tập trung thực hiện 10 trụ cột của Đối tác Chiến lược Toàn diện mà trong đó kinh tế và giao thương là ‘động lực thúc đẩy’ trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh.
“Biến đổi khí hậu, đổi mới, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực mới để đưa quan hệ Mỹ-Việt tiến về phía trước,” ông Sơn nói thêm.
‘Không phải ngẫu nhiên’
Phát biểu trước hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết việc hai nước nâng cấp quan hệ ‘không phải là quyết định tình cờ’ mà là ‘kết quả của ý chí chính trị mạnh mẽ và nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo hai nước’.
Ông Dũng chỉ ra cuộc điện đàm hồi tháng Ba năm ngoái giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘là bước ngoặt quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển quan hệ’.
Giải thích việc hai nước cần nâng cấp quan hệ, vị đại sứ này chỉ ra rằng trước khi nâng cấp, Mỹ là nước duy nhất trong số 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam chưa có quan hệ đối tác chiến lược. Trong khi đó, trong 10 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện, quan hệ song phương ‘đã đạt mức độ đối tác chiến lược’.
“Bước đi đó là sự tiến triển tự nhiên, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của hai nước,” ông nhấn mạnh và cho biết quan hệ với Mỹ sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu đề ra trong cương lĩnh phát triển đất nước đến năm 2030 của Đảng Cộng sản Việt Nam là trở thành nước có thu nhập trung bình cao.
Ông giải thích thêm chính sách của Mỹ và Việt Nam đối với khu vực cũng tạo điều kiện thuận lợi để nâng cấp quan hệ, và chỉ ra Mỹ đã nâng cấp quan hệ với ASEAN hồi tháng 11 năm 2022 và Việt Nam cũng có nỗ lực nâng cấp quan hệ với Úc, Singapore và Indonesia trong năm 2023.
Về những trụ cột mối quan hệ mới giữa Mỹ và Việt Nam, Đại sứ Dũng nói rằng hợp tác an ninh và quốc phòng ‘là rất quan trọng’. Hà Nội sẽ hợp tác an ninh-quốc phòng với Washington phù hợp với năng lực và nhu cầu để đem lại hòa bình, ổn định trong khu vực mà không khiến cho ai phải lo sợ.
“Trên hết, trong khuôn khổ Đối tác chiến lược Toàn diện, chúng tôi muốn xây dựng khuôn khổ kinh tế lâu dài, bền vững cùng có lợi cho hai bên,” ông nói.
“Chúng tôi muốn thị trường Mỹ mở rộng hơn, thuận lợi hơn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Chúng tôi muốn Mỹ tăng cường vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao, giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu để đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng không,” ông nói thêm.
Đại sứ Dũng nói Việt Nam ủng hộ IPEF nhưng muốn khuôn khổ này, vốn tập trung vào xây dựng chuỗi cung ứng và đầu tư cơ sở hạ tầng, có thêm nội dung về mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và giới chức Việt Nam đang tích cực vận động, điển hình là trong chuyến đi Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để dự hội nghị cấp cao APEC, bản thân ông Thưởng và các thành viên trong đoàn đều kêu gọi Mỹ nhanh chóng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Nếu Mỹ không làm điều này thì nó sẽ có ‘tác động rất xấu đối với quan hệ song phương’, ông Dũng nhấn mạnh và chỉ ra Việt Nam là một trong số ít ỏi 12 nước và là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN bị Mỹ liệt vào nhóm có nền kinh tế phi thị trường.
“Khi nhìn đến quan hệ song phương thì điều này là không thể chấp nhận được,” ông nói thêm.
Ngoài ra, khuôn khổ mới cũng giúp hai nước mở rộng quy mô mối quan hệ trong nhiều năm tới – đó là vượt qua khuôn khổ song phương để phối hợp giải quyết các thách thức ở khu vực trên thế giới, cũng theo lời ông Dũng.
‘Không có gì đặc biệt’
Trả lời câu hỏi của VOA về việc Hà Nội muốn Washington nhìn nhận như thế nào về Cộng đồng chia sẻ tương lai mà họ loan báo cùng tham gia với Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam hôm 12/12, ông Dũng nói ‘không có gì đặc biệt’.
“Cộng đồng đó rất bình thường và không có gì khác hơn khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện mà chúng tôi có với Trung Quốc,” ông khẳng định và chỉ ra sáu trụ cột trong khuôn khổ này ‘hoàn toàn giống với khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện’ và Việt Nam là nước thứ 7 trong ASEAN tham gia và cộng đồng chia sẻ tương lai với Bắc Kinh.
“Chúng tôi chỉ mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi cũng muốn điều đó với Mỹ và Mỹ cũng hiểu,” ông nói.
Vị đại sứ này cũng cho biết Việt Nam cũng đang xem xét gia nhập khối BRICS do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo nếu việc này phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam nhưng ‘vẫn chưa quyết định’.
Về phần mình, ông Greg Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, lưu ý rằng ‘khôn nên đặt mối quan hệ Việt-Mỹ qua lăng kính với Trung Quốc một cách quá mức’.
“Chắc chắn là hai nước có gần gũi chiến lược trên một số vấn đề như Trung Quốc, Biển Đông, cân bằng quan hệ… nhưng quan hệ Mỹ-Việt có lịch sử lâu đời hơn căng thẳng hiện tại giữa Mỹ với Trung Quốc,” ông nói.
“Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với Mỹ như thị trường kinh doanh, thị trường giáo dục,” ông nói thêm.

https://www.voatiengviet.com


Tổng thống Philippines đặt trong tâm hợp tác hàng hải ở Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam

Thu Hằng /RFI

29/01/2024

Tổng thống Philippines Marcos Jr. và phu nhân bắt đầu chuyến công du Việt Nam chiều 29/01/2024. Trước khi lên đường đến Hà Nội, ông Marcos Jr. khẳng định các cuộc đàm phán về hợp tác hàng hải song phương sẽ là một trong những trọng tâm trong chuyến công du hai ngày. 

Philippine President Ferdinand Marcos Jr. delivers a joint statement with Indonesian President Joko Widodo at Malacanang Palace in Manila, Philippines Wednesday, Jan. 10, 2024.

Ảnh minh họa : Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phát biểu nhân cuộc hop báo chung với tổng thống Indonesia Joko Widodo tại phủ tổng thốngở Manila, Philippines, ngày 10/01/2024. AP – Ezra Acayan 

Tổng thống Philippines bày tỏ hy vọng « tăng cường hợp tác hàng hải (với Việt Nam) để cổ vũ cho hòa bình và ổn định trong khu vực ». Theo Reuters, dù Việt Nam và Philippines có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông nhưng nhìn chung hai nước duy trì mối quan hệ hữu nghị.

Ông Marcos Jr đặt kỳ vọng vào chuyến công du Việt Nam để đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới và « mở ra kỷ nguyên hữu nghị và hợp tác mới » thông qua các cuộc đối thoại về thương mại, đầu tư, giáo dục và du lịch, cũng như « những quan ngại liên quan đến khu vực và đa phương ». Trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tổng thống Philippines sẽ đề cập đến thỏa thuận hợp tác tuần duyên, cũng như cung cấp gạo. Philippines là thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam.

Hà Nội và Manila thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2015. Ông Marcos Jr. công du Việt Nam trong bối cảnh Philippines căng thẳng với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền. Manila thường xuyên cáo buộc tầu Trung Quốc sách nhiễu tầu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế và cản trở việc tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên con tầu bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây từ Thế Chiến II, chỉ cách bờ biển đảo Palawan 190 km.

Trong tuyên bố đăng trên mạng WeChat ngày 27/01, lực lượng hải cảnh Trung Quốc khẳng định đã đưa ra « những biện pháp đặc biệt tạm thời » cho phép một máy bay nhỏ, xuất phát từ Philippines, hôm 21/01, thả nhu yếu phẩm cho lực lượng đồn trú trên con tầu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.


Bộ Công Thương VN đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm nay vì EVN vẫn lỗ nặng 

27/01/2024 – VOA Tiếng Việt 

Một phần hệ thống điện ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam (ảnh tư liệu, 2007, AP Photo/Chitose Suzuki).

Một phần hệ thống điện ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam (ảnh tư liệu, 2007, AP Photo/Chitose Suzuki). 

Một thứ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam mới đây kiến nghị cần tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 sau khi đã có 2 lần tăng giá hồi năm ngoái, báo chí Việt Nam đưa tin hôm 26 và 27/1.

VnExpress, Tiền Phong và một số báo cho biết đề xuất trên được nữ Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu ra trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi đầu tuần này. 

Việc tăng giá điện lại được đặt ra sau khi tập đoàn nhà nước EVN nắm hầu hết hệ thống truyền tải bị lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên gần 2.093 đồng/kWh trong năm ngoái.

Bà Thắng được báo chí trích dẫn lời nói trong cuộc họp rằng cần xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cũng tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rằng đối với việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả giá điện, các bộ, ngành phải chuẩn bị tốt và sớm về các phương án và lộ trình điều chỉnh giá để tránh bị động.

Ông Khái nói thêm rằng “Thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát”, VnExpress, Tiền Phong và một số báo thuật lại.

Hồi đầu năm nay, trong một cuộc họp của EVN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã nhận định rằng nếu không tăng giá điện trong năm, sẽ không giải quyết được khoản lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm 2023 của tập đoàn này, theo Tiền Phong. 

Các báo cáo tài chính của EVN cho thấy vào năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng vẫn không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất điện và EVN tiếp tục bị lỗ trong sản xuất, kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.

Giải trình với Bộ Công thương bằng văn bản, tổng giám đốc của EVN viết rằng lỗ xảy ra chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Tập đoàn này tính toán rằng cứ mỗi kWh bán ra, họ chịu lỗ 142,5 đồng.

Một số chuyên gia được VnExpress và Tiền Phong trích lời nói rằng việc tăng giá điện sẽ khiến một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện và một bộ phận người dân sẽ gặp khó khăn, nhà nước phải tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp để cân bằng lợi ích cả ba bên gồm doanh nghiệp, người dân và nhà nước.


Tổng Liên đoàn Lao động VNCS tiếp tay gài bẫy công nhân

Dân Trần/VNTB 29/01/2024

VNTB – Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tay gài bẫy công nhân

 (VNTB) – Người khó khăn sẽ dính bẫy tín dụng, còn cán bộ lãnh đạo vừa được ngân hàng chi tiền “cảm ơn”, vừa được các sàn thương mại điện tử gửi “hoa hồng”.

Từ giữa tháng 1, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) bắt đầu chương trình hỗ trợ quà tết trị giá 300.000 đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng điều kiện để nhận được số tiền này không hề dễ dàng, làm dấy lên quan ngại về việc TLĐLĐ cấu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để gài bẫy tài chính với công nhân.

Cụ thể, thay vì chuyển thẳng vào tài khoản có sẵn của công nhân, TLĐLĐ lại yêu cầu phải mở tài khoản mới của công ty tài chính HD Saison. Đây là một công ty con của ngân hàng HD Bank, chuyên cung cấp dịch vụ cho vay, tín dụng. Đặc biệt, với khoản hỗ trợ này thì công nhân không rút tiền mặt ra được, mà thực tế đây là 300.000 đồng voucher của các sàn thương mại điện tử. Chỉ có thể dùng 300.000 đồng đó để mua hàng hóa trên Shopee, Tiki (các sàn thương mại điện tử mà TLĐLĐ hợp tác).

“Chương trình hỗ trợ này là dành cho công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng lại ép họ mua hàng online thì chẳng khác nào không hỗ trợ, vì công nhân nghèo nhiều người đâu có điện thoại thông minh đâu. Tôi thấy hỗ trợ kiểu này thì rõ ràng Nhà nước không chịu tìm hiểu cho dân mà chỉ toàn làm chuyện trên trời thôi”. Cô M.L., một công nhân ở Bình Dương nói với phóng viên VNTB.

Ngoài ra, khi người lao động đăng ký tài khoản để nhận tiền hỗ trợ này thì công ty HD Saison sẽ tự động cấp sẵn 5 triệu đồng dư nợ tín dụng trong tài khoản. Nếu công nhân chi tiêu số tiền này thì tức là đang vay nợ của HD Saison mà không cần hợp đồng rõ ràng, không được tư vấn kiến thức tài chính. 

Và như vậy người lao động sẽ rơi là bẫy nợ theo hình thức cho vay tiêu dùng không thế chấp của các công ty tín dụng. Vướng vào cái bẫy này, công nhân sẽ phải đối diện với mức lãi suất rất cao. Thậm chí nhiều trường hợp bị đòi nợ theo kiểu khủng bố tâm lý, lãi mẹ đẻ lãi con không khác gì xã hội đen.

“Mang tiếng là hỗ trợ nhưng thực tế là đang gài bẫy người lao động. Theo tôi số tiền này không giúp được gì nhiều cho người dân trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhưng Tổng Liên đoàn sẽ thu được nhiều nguồn lợi. Thứ nhất, với việc mở ra hàng trăm ngàn tài khoản tín dụng như vậy thì các lãnh đạo sẽ được bên ngân hàng chi tiền ‘cảm ơn’ rất cao. Thứ hai, việc ép người lao động phải mua hàng trên các sàn thương mại điện tử mà Tổng Liên đoàn có hợp tác thì chắc chắn các lãnh đạo cũng sẽ được những sàn này chi hoa hồng. Thứ ba, chuyện tham nhũng của các quan chức Việt Nam thì ai cũng biết, trong tổng số tiền hỗ trợ này thì có thể các cán bộ đã có kê khống lên một phần rồi. Như vậy, tôi thấy đây sẽ là cái tết no say phủ phê cho một số lãnh đạo, nhưng vô cùng khó khăn với người lao động”. Anh L.T., một người dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.

Được biết, dịp Tết Nguyên Đán 2023, tổ chức công đoàn đã dành hơn 6.100 tỷ đồng chăm lo cho công nhân, lao động. Tết Nguyên Đán năm nay, TLĐLĐ dự kiến sẽ chi tiền hỗ trợ nhiều hơn năm trước. Ước tính số lượng được hỗ trợ trên toàn quốc sẽ vào khoảng trên 200.000 người. Đến sáng 24/01, đã hơn 40.000 người nhận quà Tết 300.000 đồng. Trong đó trên 35.000 người đã hoàn thành mua hàng với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

________________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-giai-thich-ly-do-khong-phat-300-000-dong-tien-mat-cho-cong-nhan-20240124204841507.htm


VNCS: Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?

Thụy My /RFI

29/01/2024

Courrier International trích dịch The Diplomat nhận định nạn tham nhũng đã trở thành bất trị ở Việt Nam, khiến đảng phải mở chiến dịch « đốt lò », tuy nhiên tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 79 tuổi chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy. The Economist cho rằng « Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới ». Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị đang là vật cản. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 10/09/2023.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP – Luong Thai Linh 

Người chống tham nhũng bị bắt vì tham nhũng : Lỗi hệ thống ?

Courrier International trích dịch bài viết của The Diplomat, nói về nạn nhũng lạm lan tràn ở tất cả các cấp tại Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người quyền lực nhất, vào năm 2016 đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng, hàng ngàn người đã bị bắt. Nhưng tác giả David Hutt tự hỏi, phải chăng tham nhũng nay đã trở thành hệ thống ?

Ngày 14/11/2023 tại Thái Bình, công an bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc Hội vì nghi ngờ tham nhũng. Ông được cho là đã « bảo kê » cho những kẻ khai thác cát bất hợp pháp – một cáo buộc có vẻ khá kỳ lạ. Lưu Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích các quyết định của chính quyền, và đặc biệt đả kích bộ Công An.

Một số cho rằng đây là một vụ trả thù chính trị. Nhưng vụ này rõ ràng nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam, cho thấy vấn nạn này đã lan tràn khắp các cấp ủy. Dù vậy các quan chức cao cấp chưa bao giờ nhìn nhận rằng vấn đề chính là đảng cộng sản và chế độ độc đảng, chứ không phải vài chục ngàn con « chiên lạc » đã bị trừng phạt hay tống giam. Khi những người như Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì tham nhũng, cần phải bắt đầu tự hỏi phải chăng đó là do lỗi hệ thống. Còn những ai tham ô nữa ? Có lẽ là tất cả.

Vào đảng để thăng quan tiến chức và làm giàu

Chiến dịch chống tham nhũng rất phức tạp và đôi khi nghịch lý. Mục tiêu hàng đầu là chống thất thoát ngân sách, nhưng điều quan trọng là sự sống còn của chế độ. Trong những năm 2010, các quan chức đảng thân cận với thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng hiểu rằng đảng có thể duy trì quyền lực tuyệt đối khi trở thành nơi để đạt đến địa vị và sự giàu có. Những ai muốn thành công trong lãnh vực tư hay công đều phải trả một thứ « thuế » cho giới chóp bu trong đảng. Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông được coi là « những người thu thuế ».

Đảng cộng sản Việt Nam như vậy trông giống với một chế độ độc tài truyền thống, không gắn bó với ý thức hệ và nhiệm vụ lịch sử nào. Điều này khó thể chấp nhận đối với ông Nguyễn Phú Trọng, người suốt cả quá trình vẫn gắn bó với cánh lý luận của đảng. Tuy được bầu làm tổng bí thư năm 2011 nhưng ông ở thế yếu, đến 2016 mới đảo ngược tình hình khi ngăn chận được Nguyễn Tấn Dũng.

Sau đó ông Trọng khởi động cuộc chiến chống tham nhũng, và « chiến dịch đạo đức », để các nguyên tắc cộng sản lại trở thành tiêu chí thăng tiến hàng đầu trong bộ máy đảng. Chiến dịch nhằm thanh lọc đội ngũ, đưa những kẻ làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước ra tòa, lãnh vực tư nhân phải chịu sự lãnh đạo của đảng chứ không lũng đoạn như thời ông Dũng. Ông Trọng cũng muốn uốn nắn lại đảng theo hình ảnh của mình : khắc khổ, nghiêm túc, lý tưởng, trong sạch ; tái lập lại đạo đức như thời Hồ Chí Minh, một Việt Nam nghèo đói nhưng nghiêm túc hướng đến chủ nghĩa xã hội.

Theo The Diplomat, Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con tin trong chiến dịch của mình. Nếu đảng phải loại ra những kẻ tham nhũng, không trung thành với lý tưởng, thì phải được lãnh đạo bởi một nhân vật có cùng động cơ. Nhưng rõ ràng ông chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy, thế nên ông Trọng phải làm thêm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba. Đây là trường hợp đầu tiên từ khi Lê Duẩn qua đời năm 1986. Sẽ rất thú vị nếu ông công bố được tên người sẽ kế tục vào năm 2026.

Nhà đầu tư chạy khỏi Hoa lục : Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất

Tương tự, The Economist trong bài « Cởi trói cho con cọp » cho rằng « Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới ». Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị có thể làm chậm lại quá trình phát triển.

Hầu hết các nước đều lo ngại trước sự đối đầu Mỹ-Trung, nhưng với Việt Nam lại là cơ hội. Đất nước 100 triệu dân thân thiện với cả hai siêu cường ; và vì vị thế địa chính trị gần biên giới phía nam Hoa lục và 3.000 kilomet bờ biển, đều được cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc ve vãn. Năm ngoái Việt Nam là quốc gia duy nhất tiếp đón cả Tập Cận Bình và Joe Biden đến thăm cấp nhà nước. Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Mỹ – nước đã cung cấp tàu tuần duyên – lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga.

Đây là hành động giữ thăng bằng khôn khéo nhằm đạt lợi ích về chính trị lẫn kinh tế. Mỹ muốn tách rời nền kinh tế khỏi Hoa lục, dịch chuyển sản xuất, và Việt Nam hưởng lợi hơn bất cứ nước châu Á nào khác trước khuynh hướng de-risking (được gọi là Trung Quốc + 1). Khao khát đầu tư nước ngoài và giá lao động rẻ khiến Việt Nam dường như giống với Trung Quốc 20 năm về trước, nhưng ít có việc chèn ép và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Người khổng lồ châu Á cũng có lợi vì các nhà sản xuất ở Việt Nam vẫn phải dựa vào linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Trong ba quý đầu năm 2023, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp đôi so với Indonesia, Philippines, Thái Lan. Các nước này phải học hỏi từ Việt Nam sau 40 năm mở cửa. Khi đảng lê-nin-nít cầm quyền từ bỏ chủ nghĩa tập thể hóa vào giữa thập niên 80, người dân Việt đang chết đói, nhờ thương mại và đầu tư mà thu nhập tính theo đầu người đã tăng gấp 6 lần, lên 3.700 đô la. Ngay cả trước khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư vì giá lao động ở Hoa lục tăng, và sự hiện diện gần đây của những thương hiệu lớn như Apple và Samsung đã giúp nâng bậc chuỗi giá trị. Xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất không còn là hàng dệt may mà sản phẩm công nghệ cao như iPhone.

Ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng ?

Không giống như Indonesia và Philippines, Việt Nam không bị khủng bố Hồi giáo. Dù cũng là quốc gia độc đảng, nhưng người ngoại quốc sống ở Việt Nam thấy thoải mái hơn ở Trung Quốc. Đảng cầm quyền, chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa, có khát vọng chính đáng là đưa Việt Nam thành một nước giàu từ nay đến 2045. Như vậy ít có chỗ cho sai lầm, và sự trỗi dậy của con cọp Việt Nam cũng kèm theo những rủi ro lớn.

Sự thăng bằng địa chính trị có thể không kéo dài, nhất là nếu Donald Trump quay lại và không hài lòng trước tình trạng thâm hụt thương mại song phương. Vùng duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu, dân số trong độ tuổi lao động trong hơn một thập niên nữa sẽ bắt đầu giảm sút. Và dù các nhà lãnh đạo rất thực dụng nhưng không muốn cải cách chính trị. Khiếm khuyết này càng thấy rõ vào đầu tháng, khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 79 tuổi bỗng biến mất trước công chúng. Mạng xã hội đầy tin đồn ông đã qua đời, dự đoán người kế nhiệm.

Ông Trọng đã tái xuất sau đó, nhưng lo ngại vẫn còn về sức khỏe của ông và nhân vật sẽ lên thay. Các nhà đầu tư than phiền vì dự án được duyệt chậm do tác động của chiến dịch chống tham nhũng, đã dẫn đến việc chủ tịch nước bị mất chức năm ngoái. Theo The Economist, ông Nguyễn Phú Trọng cần chấm dứt tâm trạng lo ngại này, tốt nhất là nên có dân chủ trong nội bộ đảng. Đòi hỏi này có thể là quá nhiều, nhưng tổng bí thư nên rút lui, để cho đảng chọn lựa một người kế nhiệm thực tiễn. Việt Nam đang từ cực nghèo trở thành tương đối thịnh vượng chỉ trong một thế hệ, nhưng ngọn gió địa chính trị có thể thay đổi, các đối thủ trở nên cạnh tranh hơn.


Trần Thanh Cảnh – Đọc “Một khoảng nối dài Việt Nam Cộng Hòa” 

  29/01/2024

Phải nói luôn là tôi mất khoảng hai tháng, vật vã mới đọc xong cuốn sách này. 

Một cuốn hoàn toàn khác phong cách hấp dẫn của Tạ Chí Đại Trường trong “Lịch sử nội chiến Việt Nam” “Chuyện phiếm Sử học”, những cuốn mà tôi thích.

Đọc “Một khoảng nối dài Việt Nam Cộng Hòa”, có lúc cảm thấy như đang đọc “Bất khuất” xưa của Nguyễn Đức Thuận: những mô tả về trại cải tạo không khác gì mấy những trang về “địa ngục trần gian Côn Đảo” khi xưa. Lại nữa, đọc sách ông Trường, thấy có cả tuổi trẻ của mình bị bỏ đói, rét khốn khổ vật lộn kiếm miếng ăn thêm trên miền biên viễn để mà tồn tại. 

Cái nước Việt khốn khổ của chúng ta trong cái thời điểm đó, như cùng một nhà tù lớn, bị giam hãm, kiềm tỏa, khắc chế, đói khát! Không chỉ là những người bị giam trong trại đâu.

Đọc sách với một niềm tiếc nuối khôn nguôi: Những nhà chính trị thiển cận của đất nước đã không biết kết thúc cuộc chiến, hòa giải một cách văn minh, hiểu biết. Họ đã gây ra một vết thương sâu sắc trong lòng dân tộc, không biết đến bao giờ mới lành.

Tuy khó đọc, nhưng thực sự đây là một cuốn rất đáng đọc, đặc biệt với những người quan tâm tới lịch sử hiện đại: Nó cho ta một góc nhìn khác, bổ sung đầy đủ hơn kiến thức, từ nhiều chiều!

Ps: Đọc văn xuôi Tạ Trí Đại Trường, thơ Tô Thùy Yên…những tù nhân của chế độ, thấy họ thực sự là những trí thức: hầu như không có thái độ hận thù, rủa xả. Kính phục !

TRẦN THANH CẢNH 27.01.2024 


Đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup 2026

Bs. Võ Xuân Sơn

28/01/2024

Mấy ngày nay, có hai nhân vật sáng chói trên mạng xã hội. Một trong hai nhân vật đó là ông HLV đội tuyển bóng đá nam Việt Nam Troussier. Mọi người bàn chuyện đi ở của ông ấy một cách rất sôi nổi.

Tôi thì không biết gì về chuyện đi ở của ổng để mà bàn. Mà nếu tôi có biết, thì chắc chắn sẽ chẳng ai nghe tôi cả. Tuy nhiên, có một điều mà tôi biết, là nếu ông Troussier còn làm huấn luyện viên trưởng, thì chắc chắn, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam sẽ không thể vô tham dự vòng chung kết World Cup 2026. Tôi đoan chắc như vậy. Ai muốn cá gì tôi cũng cá.

Tại sao tôi dám đoán chắc như vậy? Bạn muốn học đại học, thì bạn có phải học qua lớp 3, lớp 4… lớp 9, lớp 10 không? Hình như Việt Nam ta cũng có một số người không cần học, thậm chí có bằng đại học trước khi có bằng tốt nghiệp phổ thông. Mà ông Troussier thì đâu phải người Việt Nam mà có khả năng học một năm 5, 6 lớp. Phần lớn các thành viên trong đội tuyển của chúng ta cũng không có khả năng ấy, chẳng thấy ai là cán bộ đoàn, hay thanh niên xung phong, hay học lý luận cao cấp gì cả.

Sau một năm dẫn dắt đội tuyển, không biết bây giờ, đội tuyển của chúng ta, dưới sự dẫn dắt của ông Troussier, đang là lớp mấy, nếu cho rằng, trình độ bóng đá dự World Cup là tầm cử nhân? Trong khi đó chỉ còn không đến hai năm nữa, là cuộc thi tốt nghiệp đại học đã kết thúc, số cử nhân sẽ thi vô nghiên cứu sinh, rồi qua các vòng, chọn ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Có ai nghĩ rằng, với những gì ông Troussier trình làng qua vòng loại Asian Cup vừa qua sau một năm dẫn đắt đội tuyển, thì hai năm nữa, đội tuyển Việt Nam đạt đến trình độ cử nhân?

Màn kéo áo đối thủ trong vòng cấm một cách hết sức lộ liễu, lại chưa thực sự cần thiết, màn kungfu ở giữa sân, trong một pha bóng không có gì là nguy hiểm, trong khi bản thân đang mang một cái thẻ vàng, và cả những cái thẻ vàng hoàn toàn không cần thiết trong trận đấu với Indonesia, sẽ giúp cho chúng ta hiểu, đội tuyển, dưới thời ông Troussier, đang ở lớp mấy.

Cho nên, ngoại trừ trường hợp World Cup được Đại học Đông Đô đứng ra tổ chức, thì tôi tin rằng, đội tuyển do ông Troussier sẽ chẳng thể nào mà vô được World Cup 2026. Nhưng mà biết đâu đấy. Việt Á từng lớn nhanh như Phù Đổng, thì Đông Đô cũng có thể đại diện World Cup cấp bằng cử nhân chứ.


Tags:

Comments are closed.