Chuyện Việt Nam Thứ năm 02 tháng 11 năm 2023


Quê Hương tổng hợp

Đắk Lắk: Bốn tín đồ Tin Lành độc lập bị giam giữ sau khi mời Chủ tịch nước sinh hoạt tôn giáo

RFA
02/11/2023

Đắk Lắk: Bốn tín đồ Tin Lành độc lập bị giam giữ sau khi mời Chủ tịch nước sinh hoạt tôn giáo

Ông Y Thinh Nie, một trong bốn tín đồ Tin Lành bị bắt giữ ngày 31/10/2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngMSFJ 

Công an mời bốn tín đồ của nhóm Tin Lành độc lập tại gia lên đồn làm việc sau khi họ có thư mời chính quyền và ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng tham gia sinh hoạt tôn giáo, nhưng sau ba ngày họ vẫn chưa được cho về.

Theo ông Y Quynh Buon Dap, thành viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), bốn người đang bị giam giữ ở trụ sở của Công an huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk bao gồm các ông: Y Phuc Niê và Y Nuer Buon Dap ở buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pốk; ông Y Thinh Niê ở buôn Drai Si xã Êa Tar; và ông Y Cung Niê ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê.

Ông Y Quynh Buon Dap từ Thái Lan nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 02/11:

Hiện giờ là bốn người bị giữ, hai người bị mời làm việc về việc tôn giáo còn hai người bị công an áp giải từ nhà và đưa lên công an huyện Cư Mgar. Bốn người chưa được về, tính đến ngày hôm nay là ba ngày chưa được về nhà.”

Theo Giấy mời của UBND xã Cư Suê có dấu mộc đỏ và chữ ký của Chủ tịch Đặng Văn Hoan ngày 30/10, mời ông Y Cung Niê lên trụ sở cơ quan này vào sáng hôm sau để “Làm việc về thư thông báo và mời tham dự sinh hoạt tôn giáo số 83 ngày 27/5/2023.”

Trong cùng ngày, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk mời ông Y Nuer Buon Dap lên trụ sở làm việc với nội dung Hướng dẫn các thủ tục thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, công an huyện bắt giữ cả hai ông khi họ đến địa điểm họp như thư mời, sau đó đưa về trụ sở. Một người thân không muốn nêu danh tính của ông Y Cung Niê nói với RFA trong ngày 01/11:

Sáng qua ông Y Cung Niê lên Uỷ ban Nhân dân xã để làm việc theo giấy mời của xã. Họ mời ông đến làm việc một buổi về thư Thông báo và mời tham dự sinh hoạt tôn giáo số 83 ngày 27/5/2023.

Tuy nhiên, khi ông lên tới UBND xã vào sáng sớm ngày 31/10 thì công an xông ra bắt ông và giải lên Công an huyện Cư Mgar. Họ giữ ông ở đó cho đến giờ và không thông báo cho gia đình.

Ba tín đồ khác cũng đang bị giam giữ ở Công an huyện Cư Mgar và người thân của họ cũng lên để hỏi thông tin nhưng phía công an không trả lời.”

Phóng viên trưa ngày 2/11 gọi điện cho Công an huyện Cư Mgar để hỏi thông tin về bốn tín đồ Tin Lành nói trên thì được người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.

Vào cuối giờ làm việc chiều ngày 02/11, một thành viên của MSFJ cho RFA biết Công an huyện Cư Mgar đã phóng thích ông Y Phuc Nie nhưng lại bắt giữ vợ ông Y Cung Nie là bà H Tuyên Eban.

Theo Luật xử lý vi pham hành chính năm 2012, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Trong khi đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, thời hạn tạm giữ hình sự một người không quá 03 ngày kể từ khi cơ quan điều tra áp giải người bị bắt về trụ sở của mình, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm hai lần, mỗi lần 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn, tuy nhiên cho đến nay gia đình những người bị giữ chưa nhận được văn bản nào từ Công an huyện Cư Mgar.

Một trong những lý do để chính quyền mời bốn tín đồ lên làm việc là về Thư thông báo và mời tham dự sinh hoạt tôn giáo số 83 hồi tháng 5 năm nay. 

Trong văn bản đánh máy được tổ chức MSFJ cung cấp cho RFA, các tín đồ mời đích thân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và UBND hai xã Cư Suê và Êa Tar tham dự các buổi lễ tôn giáo của họ trong tháng 6.

Ông Y Quynh Buon Dap cho biết với sự trợ giúp của MSFJ, các điểm sinh hoạt tôn giáo Tin Lành độc lập tại gia đã nhiều lần gửi văn bản tới UBND các xã ở tỉnh Đắk Lắk với đề nghị cử đại diện đến tham gia và giám sát việc sinh hoạt tôn giáo của họ để chứng minh rằng việc thực hành các nghi lễ tôn giáo không có nội dung chống phá nhà nước.

Vẫn theo văn bản này, các tín đồ của Tin Lành độc lập tại gia khẳng định họ không có ý định thành lập tổ chức tôn giáo hoặc tham gia trực thuộc bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào. Họ không có lãnh đạo, không có cơ cấu tổ chức, mọi người trong điểm nhóm đều bình quyền và bình đẳng với nhau. Người đại diện hoặc mục sư chỉ là những người được tín nhiệm đại diện cho điểm nhóm của họ.

Họ cũng lên án mọi thế lực dùng quyền lực không chính đáng, chà đạp lên luật pháp Việt Nam để vu khống, xuyên tạc, bịa đặt cho họ dưới mọi hình thức.

Họ khẳng định khi tụ tập để sinh hoạt tôn giáo cùng nhau, họ bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự công cộng, an toàn công cộng và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ cá nhân, tổ chức và cơ quan nào.

Họ cũng nói sẽ quay phim, chụp hình buổi lễ có sự tham dự của chính quyền để báo cáo với các tổ chức quốc tế và đăng tải lên các mạng xã hội.

Ở huyện Cư Mgar, Tin Lành độc lập tại gia có khoảng 150 tín đồ ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê; và 15 tín đồ ở buôn Đrai Sí, xã Êa Tar.

Ông Y Quynh Buon Dap cho biết các nhóm điểm Tin Lành độc lập tư gia đã gửi thư mời đến chính quyền địa phương bốn lần từ đầu năm nay nhưng chính quyền im lặng.

Đại diện MSFJ cho biết bên cạnh việc giam giữ bốn tín đồ nói trên, chính quyền thị trấn Ea Pốk cùng hai xã Cư Suê và Ea Tar còn mời các tín đồ khác lên trụ sở UNND xã để nghe tuyên truyền và phát động quần chúng trong ba ngày kể từ 30/10.

Trong các buổi họp kéo dài 2-3 giờ đồng hồ, chính quyền yêu cầu họ không được sinh hoạt tôn giáo tại gia hoặc tham gia các hội thánh như Tin Lành Đấng Christ và Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm, nếu vẫn sinh hoạt thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chính quyền cho rằng các nhóm tôn giáo này chưa được nhà nước công nhận nên không được tuỳ tiện sinh hoạt tự do tôn giáo.

Nhận hàng tỷ USD từ G7, Việt Nam, Indonesia chuẩn bị chuyển sang năng lượng sạch như thế nào 

BBC News

02/11/2023

Vietnam

Nguồn hình ảnh, Reuters

Kế hoạch giảm sử dụng than ở Indonesia và Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ phương Tây đang gặp phải những trở ngại bước đầu, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng các nước giàu hơn giúp các nước nghèo chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn, theo Reuters.

Cả hai nước đang đàm phán các chương trình được biết đến dưới tên gọi Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), theo đó họ sẽ nhận được nguồn tài trợ đến từ nguồn đầu tư cổ phần, tài trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi từ các thành viên của nhóm G7, các ngân hàng đa phương và người cho vay tư nhân để giúp chuyển đổi năng lượng.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận theo JETP, đảm bảo nhận được hỗ trợ tài chính trị giá 8,5 tỷ USD vào năm 2021. Indonesia đã đảm bảo nhận được gói tài chính 20 tỷ USD và Việt Nam là 15,5 tỷ USD trong các thỏa thuận vào cuối năm 2022. Senegal gần đây đã đồng ý khoản hỗ trợ 2,5 tỷ euro. 

Sau đây là thông tin cập nhật về tiến độ của JETP ở Indonesia và Việt Nam. Những nỗ lực của họ có thể sẽ là tâm điểm tranh luận tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm nay.

Indonesia

Indonesia đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon của ngành điện lưới xuống 250 triệu tấn vào năm 2030 và tăng tỷ lệ sản xuất năng lượng tái tạo lên 44% vào năm 2030, 

Nếu không có kế hoạch này, lượng phát thải khí nhà kính của Indonesia dự kiến sẽ đạt hơn 350 triệu tấn vào năm 2030.

Ban đầu, Indonesia đã đồng ý giới hạn và đạt mức phát thải carbon tối đa của ngành điện ở mức 290 triệu tấn vào năm 2030, nhưng giới chức cho biết vào thời điểm đó, họ chưa hiểu được phạm vi công suất điện bên ngoài lưới điện quốc gia, nằm trong tay các nhà khai thác kim loại không đấu lưới.

Vì vậy, các máy điện than tư nhân trong lĩnh vực kim loại, với công suất 13,74 gigawatt (GW) và 20,48 GW khác theo kế hoạch, đã được loại trừ khỏi kế hoạch JETP của Indonesia.

Indonesia có kế hoạch triển khai quỹ JETP như thế nào?

Ban Thư ký JETP của Indonesia đã xác định 400 dự án ưu tiên chuyển đổi năng lượng mà họ cho rằng cần tối thiểu 67,4 tỷ USD.

Sẽ có 5 lĩnh vực đầu tư bao gồm tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và ngừng hoạt động sớm các nhà máy đốt than.

Indonesia đặt mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện than có tổng công suất 1,7 GW thông qua nguồn tài trợ do Quỹ đầu tư khí hậu và Ngân hàng phát triển châu Á huy động.

Nguồn tài chính của JETP sẽ được sắp xếp như thế nào?

Các nhà tài trợ G7, Na Uy và Đan Mạch đã cam kết tài trợ công tổng cộng 10 tỷ USD cho Indonesia trong khi 10 tỷ USD còn lại sẽ đến từ tài chính công.

Tổng cộng 153,8 triệu USD được xác định là tài trợ không hoàn lại. Phần còn lại của nguồn tài chính công có thể bao gồm các khoản vay với lãi suất thấp hơn thị trường.

Nguồn tài chính tư nhân có thể bao gồm các khoản vay thương mại có lãi suất thị trường, đầu tư vốn cổ phần hoặc hình thức cho vay khác.

Việt Nam

Thỏa thuận JETP dự kiến sẽ giúp Việt Nam đạt mức phát thải khí nhà kính cao nhất từ ngành điện vào năm 2030, sớm hơn dự kiến trước đây vào năm 2035, hạn chế lượng phát thải CO2 của ngành điện ở mức 170 triệu tấn vào năm 2030 và 101 triệu tấn vào năm 2050.

Vào tháng Bảy, Việt Nam đã thành lập Ban thư ký do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đứng đầu, gồm các quan chức từ các bộ tài chính, công thương, kế hoạch và đầu tư để thực hiện JETP.

Các mục tiêu của Việt Nam?

Kế hoạch JETP sẽ giới hạn tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện than ở mức 30,13 GW vào năm 2030 từ mức 25,3 GW cuối năm 2022.

Chính phủ muốn khuyến khích phát triển các dự án tái tạo và xe điện.

Những gì cần phải được thực hiện?

Việt Nam đã chuẩn bị dự thảo kế hoạch liệt kê các cam kết cải cách và hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng như trang trại gió và năng lượng mặt trời, nâng cấp lưới điện và hệ thống pin.

Các nhà tài trợ đã khuyến khích Hà Nội tham vọng hơn với những cải cách nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện lưới điện.

Bao nhiêu tiền được đề xuất cho Việt Nam?

Các thành viên và đối tác G7 đã đề nghị tài trợ công gần 8,08 tỷ USD cho Việt Nam như một phần trong cam kết 15,5 tỷ USD mà các nước G7 và đối tác đã đưa ra vào tháng 12.

Tuy nhiên, trong số nguồn tài trợ công được cung cấp, chỉ có 321,5 triệu USD, tương đương 2%, đến dưới hình thức tài trợ gần như hoàn toàn từ Liên minh Châu Âu và các quốc gia EU. Khoảng 2,7 tỷ USD là các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, trong khi hầu hết các khoản vốn đều được cho vay theo giá thị trường, điều mà Việt Nam lưỡng lự chấp nhận.

7,5 tỷ USD còn lại dự kiến sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân với các khoản vay tốn kém, nhưng những khoản đầu tư đó phụ thuộc vào cải cách quy định và chất lượng của các dự án cụ thể.

Việt Nam muốn đưa thương mại song phương với Mỹ lên 200 tỷ USD 

01/11/2023 

VOA Tiếng Việt 

Tiếp theo cột mốc nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai phía Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy đưa thương mại song phương lên mức kỷ lục mới.

Tiếp theo cột mốc nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai phía Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy đưa thương mại song phương lên mức kỷ lục mới. 

Tiếp theo cột mốc nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai phía Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy đưa thương mại song phương lên mức kỷ lục mới là 200 tỷ đô la, theo lời các quan chức và đại diện thương mại hai nước cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 31/10.

“Các doanh nghiệp hai nước cần tăng cường hợp tác về kinh tế thương mại để đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam”, VOV dẫn lời Phó thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang nói tại hội nghị thượng đỉnh.

Tham dự hội nghị thượng đỉnh còn có Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimond, Phó trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ kiêm điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell, lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ như Google, Intel, Visa, Baker & McKenzie, FPT, Vietjet Air…

Phát biểu qua đường truyền video, Bộ trưởng Raimondo nói Việt Nam và Hoa Kỳ có chung nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư. Bà cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ hiện đang nghiên cứu nhiều khuôn khổ để nắm bắt những cơ hội hợp tác trên, trong đó bao gồm giảm bớt những thách thức trong chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng từ thiết bị y tế cho đến hàng bán dẫn, hợp tác về năng lượng sạch để giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết về khí hậu và hoàn thiện khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giới chức của Bộ Thương mại Mỹ khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng những nỗ lực trên.

Trong khi đó, Chủ tịch AmCham, John Rockhold, nói sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp mối quan hệ, đây là “thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời” để nghiên cứu các cách thức nâng cấp khung chính sách và môi trường kinh tế nhằm thu hút các doanh nghiệp mới và giúp các nhà đầu tư hiện nay phát triển.

Về phía Việt Nam, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vô cùng to lớn và là “động lực chủ yếu, động cơ vĩnh cửu” thúc đẩy quan hệ song phương.

Ông đại diện cho chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tạo thuận lợi để các cơ quan, doanh nghiệp Hoa Kỳ triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 300 lần, đạt 124 tỷ USD, khiến Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam với trên 1.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 11,8 tỷ USD, đứng thứ 11/43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bộ trưởng GD&ĐT: Việt Nam tuyển 1.000 sinh viên ngành bán dẫn năm 2024 

01/11/2023 

VOA Tiếng Việt 

Thủ tướng VN gặp các công ty công nghệ Mỹ, tìm kiếm hợp tác về chất bán dẫn

Embed share 

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn hôm 1/11 cho biết rằng năm tới, Việt Nam sẽ tuyển sinh khoảng 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 trong các lĩnh vực liên quan.

VnExpress dẫn lời ông Sơn nói trong một phiên thảo luận ở Quốc hội về tình hình kinh tế và xã hội rằng “con số này sẽ tăng dần từ 20 đến 30% mỗi năm”.

Quan chức này nói thêm rằng đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là “trọng trách, sứ mệnh” của ngành giáo dục để phục vụ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới công nghệ, đón đầu tư nước ngoài” vào Việt Nam.

Báo điện tử này dẫn dự báo của chính phủ cho biết rằng nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn cần 50.000-100.000 người đến năm 2030.

Ông Sơn được VnExpress dẫn lời nói tiếp rằng ông đã “nhận chỉ đạo” của Thủ tướng Phạm Minh Chính và “ngành giáo dục sẽ ưu tiên cho nhóm nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn”.

Bộ trưởng GD&ĐT thông báo về kế hoạch tuyển nhiều sinh viên ngành bán dẫn khoảng hai tháng sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden trong đó nói rằng hai bên “ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn”.

Theo văn bản này, ông Biden và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu”.

Tuyên bố chung nói rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai”.

Tập đoàn JA Solar của Trung Quốc đầu tư thêm hơn 8.600 tỷ đồng cho nhà máy ở Bắc Giang

01/11/2023

Tập đoàn JA Solar của Trung Quốc đầu tư thêm hơn 8.600 tỷ đồng cho nhà máy ở Bắc Giang

Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một trang trịa điện gió và năng lượng mặt trời ở Bình Thuận năm 2019 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Tập đoàn JA Solar của Trung Quốc hiện đang đầu tư vào nhà máy JA Solar Việt Nam tại tỉnh Bắc Giang sẽ tăng vốn đầu tư thêm 8.694 tỷ đồng (tương đương 378 triệu USD).

Mạng báo VietTimes dẫn giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần hai Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bắc Giang vừa cấp cho JA Solar Việt Nam như vừa nêu.

Với khoản đầu tư thêm vừa được cấp phép, tổng vốn đầu tư của nhà máy JA Solar Việt Nam lên đến gần 11.000 tỷ đồng (tương đương 477 triệu USD)

JA Solar Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc JA Solar Trung Quốc, trụ sở chính tại Bắc Kinh. Tập đoàn này ra đời vào năm 2005 và hiện sở hữu 11 công ty thành viên trên toàn thế giới, chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm pin mặt trời cho 135 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Âu, Châu Mỹ và Nhật Bản…

JA Solar vào Việt Nam từ cuối năm 2016 với dự án nhà máy sản xuất tấm silic công suất 1.500 MW/năm và lắp ghép tấm pin năng lượng mặt trời công suất 1.500MW/năm.

Công an Đắk Lắk thông báo thu hồi hơn 4.000 vũ khí sau hơn hai tháng truy lùng

01/11/2023

Công an Đắk Lắk thông báo thu hồi hơn 4.000 vũ khí sau hơn hai tháng truy lùng

Công an thu hồi vũ khí ở Đắk Lắk hồi tháng 7/2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVOV 

Công an tỉnh Đắk Lắk vào ngày 1/11 thông báo sau hơn hai tháng đã thu hồi được hơn 4.000 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó có 21 khẩu súng quân dụng, 1.378 khẩu súng tự chế các loại, hơn 2100 viên đạn, 237 vũ khí thô sơ và 234 công cụ hỗ trợ bị cho là trái phép.

Trước đó vào tháng 7, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã thu hồi hơn 4.500 vũ khí, gồm 1278 súng các loại, 2.666 viên đạn, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; hơn 5 kilogram đạn chì, gần hai ký thuốc nổ.

Biện pháp thu hồi vũ khí được tiến hành sau khi vào ngày rạng sáng ngày 11/6 xảy ra vụ nổ súng nhắm vào trụ sở Ủy ban Nhân dân hai xã Ea Tiêu và Eatur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Đợt tấn công khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân.

Nguyên nhân sâu xa của hành động tấn công được những người Thượng ở hải ngoại quan tâm đến tình hình trong nước cho là xuất phát từ thực tế kỳ thị sắc tộc, nghèo đói, bất công … tại khu vực Tây Nguyên lâu nay.

Cơ quan chức năng Việt Nam bác bỏ nhận định này, cho rằng hành động nổ súng là khủng bố và có đối tượng tham gia thuộc thành viên của một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ. Những người này nhận lệnh của tổ chức đó xâm nhập vào Việt Nam rồi dàn dựng vụ tấn công.

Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng/chống tội phạm năm 2023 cho biết trong vụ nổ súng rạng sáng ngày 11’6 đã có 92 người bị khởi tố theo các tội danh ‘Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân’, ‘Không tố giác tội phạm’, ‘Che giấu tội phạm’, ‘Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam’.

Tập đoàn SK của Hàn Quốc muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong năng lượng sạch

01/11/2023

Tập đoàn SK của Hàn Quốc muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong năng lượng sạch

Các tấm pin năng lượng mặt trời ở một nhà máy điện mặt trời tại An Giang hôm 25/9/2022 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Chủ tịch tập đoàn SK của Hàn Quốc mới đây trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua bày tỏ mong muốn được tăng cường hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy hoàn thiện hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực từ thu hồi carbon đến tái chế chất thải và các trang trại năng lượng mặt trời và gió. Thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết như vậy.

Ông Chey Tae Won, Chủ tịch của SK, cho biết hiện tập đoàn này nắm giữ nhiều công nghệ, có nhiều công ty con liên quan đến lĩnh vực công nghệ xanh, sẵn lòng hợp tác với các đối tác của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần để Việt Nam phát huy tiềm năng và chủ động trong sản xuất năng lượng.

Hiện SK đã có những hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ xanh. SK E&C, công ty con của SK chuyên sản xuất điện LNG, đang dẫn đầu các dự án năng lượng sạch của tập đoàn mẹ tại Việt Nam. Công ty đã vận hành một trang trại năng lượng mặt trời với công suất phát điện 131 megawatt (MW) tại Ninh Thuận, miền Nam Việt Nam kể từ năm 2020. Công ty cũng đang sản xuất điện cho mục tiêu thương mại ở Tiền Giang, miền Tây Việt Nam. Công suất của nó đã tăng gấp năm lần lên 100MW vào năm 2023.

Đầu năm nay, SK E&C cũng liên doanh với Điện Gia Lai, công ty con của tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam TTC để thực hiện một dự án năng lượng mặt trời ở Tây Ninh, phía Đông Nam Việt Nam, để xây dựng các tấm pin trên mái nhà, gần biên giới với Lào. Ngoài ra, liên doanh cũng đang xây dựng nhà máy điện gió trên bờ có công suất 756MW.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng về không vào năm 2050.Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ điện gió và năng lượng mặt trời lên 61% vào năm 2045. Tỷ lệ này vào năm 2021 là 27%.

Vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã đạt được thoả thuận với các nước công nghiệp phát triển G7 để nhận gói trợ giúp 15,5 tỷ đô la để chuyển đổi năng lượng từ sử dụng than sang các nhiên liên thân thiện môi trường.


Comments are closed.