Chuyện Việt Nam Thứ tư 28 tháng 02 năm 2024: *Thái Lan mua Home Credit Vietnam *VN đầu tư vào Lào và Campuchia *Tigerair Đài Loan mở đường bay đến Phú Quốc *Tiền của Đỗ Hữu Ca ở đâu ra? *Áp đặt chữ miền Bắc cho miền Nam ? 


Quê Hương tổng hợp


Ngân hàng Thái Lan có thể mua lại Home Credit Vietnam

27/02/2024

Ngân hàng Thái Lan có thể mua lại Home Credit Vietnam

Trụ sở ngân hàng Siam Commercial Bank (SCB) ở Bangkok hôm 3/11/2021 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Ngân hàng Siam Commercial Bank (SCB X) của Thái Lan có thể sẽ mua lại tổ chức tín dụng Home Credit Vietnam với trị giá ước tính từ 800 đến 900 triệu đô la. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin biết rõ về vụ việc này cho biết.

Nguồn tin cho biết, SCB X – ngân hàng lớn nhất của Thái Lan tính theo giá trị thị trường – đang có nhiều khả năng nhất trở thành người mua lại Credit Home Vietnam sau khi đánh bại các nhà thầu khác và có thể sẽ công bố thông tin này sớm nhất là vào tuần này, các nguồn tin giấu tên cho Bloomberg biết.

Các nguồn tin cho biết việc thảo luận cân nhắc mua vẫn đang được thực hiện và vẫn chưa có gì là chắc chắn về việc mua của SCB X.

Credit Home Vietnam thuộc Tập đoàn tài chính PPF của gia đình tỷ phú người Czech Petr Kellner. Tỷ phú này đang chuyển trọng tâm đầu tư trở lại châu Âu. Home Credit đang xem xét lại hoạt động kinh doanh của mình ở châu Á sau khi hủy bỏ đợt IPO trị giá 1,5 tỷ USD tại Hong Kong vào năm 2019.

Hồi năm ngoái, Home Credit cũng bán các doanh nghiệp của mình tại Indonesia và Philippines cho Bank of Ayudhya Pcl, một chi nhánh Thái Lan của tập đoàn ngân hàng khổng lồ Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group.


Việt Nam đầu tư hơn 3,7 tỷ đô la vào Lào và Campuchia

27/02/2024

Việt Nam đầu tư hơn 3,7 tỷ đô la vào Lào và Campuchia

Hội nghị xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Đầu Tư/Thanh Hà 

Việt Nam đã đầu tư hơn 3,7 tỷ đô la với 110 dự án vào Lào và Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển ba nước, theo công bố mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo số liệu được công bố tại Hội nghị xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) lần thứ 13 diễn ra vào ngày 27/2 ở tỉnh Attapeu, Nam Lào, Việt Nam đã đầu tư vào Lào với 65 dự án, số vốn hơn hai tỷ đô la; vào Campuchia là 45 dự án và vốn gần 1,7 tỷ đô la. Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thuỷ điện.

Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được hình thành từ năm 1999 với sự tham gia của 13 tỉnh ở ba nước. Năm tỉnh của Việt Nam tham gia vào khu vực này gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước.

Theo truyền thông Nhà nước, mục tiêu của việc hình thành Tam giác Phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực. Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh – đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…


Tôm và cá tra của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp bốn lần vào tháng 1/2024

Tôm và cá tra của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp bốn lần vào tháng 1/2024

Công nhân chuyển cá tra vào nhà máy ở An Giang (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Hai mặt hàng tôm và cá tra của Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong tháng 1/2024 tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo như vừa nêu, theo truyền thông Nhà nước ngày 26/2. Một lý giải cho sự gia tăng này được nói do các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua nhiều hàng để bán ra nhân dịp Tết âm lịch.

Ngoài Trung Quốc, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường khác cũng tăng trong tháng đầu năm 2024; cụ thể thị trường Hoa Kỳ tăng 63%, Nhật tăng 43%, EU tăng 34%… Tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu trong tháng 1/2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so cùng kỳ năm 2023.

Tuy vậy trên thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam. Đối với ngành tôm đó là lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với sản phẩm của Ấn Độ, Ecuador…

Đối với hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loại cá biển, vấn đề thẻ vàng IUU và thiếu hụt nguyên liệu dẫn đến xuất khẩu đình trệ.


Hãng Tigerair của Đài Loan mở đường bay thẳng Đào Viên-Phú Quốc từ tháng 4 

28/02/2024 VOA Tiếng Việt 

Một góc đảo Phú Quốc của Việt Nam (VOA News).

Một góc đảo Phú Quốc của Việt Nam (VOA News). 

Hãng hàng không Tigerair Taiwan sắp mở đường bay thẳng mới nối thành phố Đào Viên của Đài Loan với đảo Phú Quốc nhiều phong cảnh đẹp của Việt Nam, hai trang tiếng Anh của BNN và Focus Taiwan cho hay hôm 26/2.

Kể từ ngày 2/4, những người Đài Loan yêu thích du lịch và tìm hiểu văn hóa sẽ dễ dàng tới thưởng lãm Phú Quốc với 3 chuyến bay mỗi tuần, BNN và Focus Taiwan đưa tin.

Hai trang này nói rằng máy bay sẽ đi từ Đào Viên lúc 2 giờ 40 phút chiều và chuyến khứ hồi cất cánh từ Phú Quốc lúc 6 giờ 25 phút chiều vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Trong thời gian đầu, hãng Tigerair Taiwan sẽ có khuyến mãi đặc biệt, tin cho hay.

BNN và Focus Taiwan gọi việc hãng hàng không giá rẻ của Đài Loan mở đường bay mới là một động thái đầy tham vọng nhằm củng cố chỗ đứng của hãng này ở thị trường Đông Nam Á, đồng thời nói thêm rằng Tigerair Taiwan không xa lạ gì với Việt Nam vì hãng hiện phục vụ đường bay nối Đài Loan với Đà Nẵng.

Hai trang tin mô tả Phú Quốc là hòn đảo vùng nhiệt đới ở Vịnh Thái Lan với các bãi biển tuyệt đẹp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp và nền văn hóa địa phương phong phú, cùng với các sản phẩm đặc biệt của nơi này như nước mắm, hạt tiêu và các trại nuôi trai lấy ngọc. Một điểm cộng cho Phú Quốc là du khách ngoại quốc đến đảo được miễn visa tới 30 ngày.

Hồi giữa tháng 12/2023, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang cho biết tính đến thời điểm đó Phú Quốc đón 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, lượng du khách quốc tế là hơn 521.000 người, tăng hơn 211% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch mang lại cho đảo gần 14.000 tỷ đồng hồi năm ngoái.


Vài lời trao đổi với PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Đình Cống – 26/02/2024

Vừa qua tôi đọc được bài của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, có tựa đề “Sự phát triển của kinh tế Việt Nam và nhiệm vụ của giáo dục-đào tạo”. Kèm theo đầu bài là tiêu đề “Hội thảo Quốc tế – Đóng góp của Khoa học xã hội nhân văn trong phát triển kinh tế xã hội” (1).

Nhận thấy vấn đề được quan tâm là đúng, hay và có tính thời sự, nên tôi đã xem đi, xem lại vài lần. Bài gồm 4 mục:

1. Tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua

2. Những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

3. Mô hình tăng trưởng và vấn đề phát triển nguồn nhân lực

4. Thực trạng giáo dục Việt nam và nhiệm vụ

Khi chỉ mới xem qua một lần thì thấy bài viết đã nêu ra được thực trạng của nền kinh tế và giáo đục, đề ra được những việc cần quan tâm. Tuy nhiên, khi đọc và phân tích kỹ mới thấy lộ ra một số ý kiến cần trao đổi với những người có trách nhiệm hoặc quan tâm, (trước hết là với TS Tuấn), hy vọng có được cách nhìn và đặt ra nhiệm vụ đúng.

Thứ nhất là sự “Đổi mới”. Năm 1986, dùng từ đổi mới để nói lên tinh thần cải cách của lãnh đạo Đảng là phù hợp, chấp nhận được. Nhưng đến bây giờ đã đến lúc cần gọi đúng bản chất của sự kiện là sửa sai. Gọi theo hai cách là nhằm hai mục đích khác nhau. Mà cách gọi chệch chỉ nên xem là tạm thời, còn về lâu dài cần phải gọi đúng bản chất thì mới có cách phát triển chinh xác. Lãnh đạo Đảng, vì lý do nào đó chưa dám công nhận “sửa sai”, nhưng một người trí thức như PGS Tuấn mà vẫn cố tình dùng sai khái niệm, thì thật đáng tiếc.

Cái gọi là đổi mới, thực chất là sự giải phóng cho những người làm kinh tế tư nhân trứớc đó, nói theo hình tượng là họ bị Đảng trói chân tay, bịt miệng và đóng cửa, chăn đường, nay được mở cửa và cởi trói một phần. “Đổi mới” của Việt Nam thực chất là làm những việc mà cha ông trước đây đã làm, các nước phát triển trên thế giới vẫn làm một cách bình thường.

Khi trình bày sự tăng trưởng kinh tế, TS Tuấn chỉ mới tập trung vào sự tăng GDP mà chưa kể ra những tiêu cực do sự chạy theo phát triển kinh tế, thúc đẩy mọi người lao vào kiếm tiền mà gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, đạo đức, văn hóa, giáo dục, làm mất cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Lúc toàn dân đang đói ăn mà tập trung mọi sức lực để phát triển kinh tế là cần, nhưng đến khi đã thoát nạn đói mà vẫn say sưa phát triển kinh tế, xem thường việc bảo vệ môi trường và sự suy thoái đời sống tinh thần thì thật đáng lo ngại, thể hiện sự chệch hướng.

Nhiều người, nhất là lãnh đạo cho rằng, những tiêu cực do phát triển kinh tế gây ra là mặt trái của kinh tế thị trường. Tôi không đồng ý với nhận xét đó vì tại các nước có kinh tế thị trường phát triển, tuy không loại bỏ được hoàn toàn tiêu cực, nhưng không trầm trọng như ở Việt Nam. Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu tạo ra tiêu cực nặng nề chính là cái đuôi “theo định hướng XHCN”.

Trong “Những thách thức…”, TS Tuấn đưa ra các vấn đề như tài chính (đầu tư công kém hiệu quả) dân số (lý thuyết cân bằng Malthus), hạ tầng yếu (kém hiệu quả), giá đất cao v.v… Theo một số người thì như thế là “đúng” (chỉ ra nguyên nhân gần, trực tiếp) mà chưa “trúng” (chưa nêu ra được nguyên nhân cơ bản, sẽ trình bày sau).

Về mô hình tăng trưởng, tôi nhất trí với TS Tuấn trong việc đề cao yếu tố con người mà nền giáo dục giữ vị trí rất quan trọng, đồng thời có 5 “việc không nhất thiết” như được kể. Tôi cũng tán thành với “thực trạng nền giáo dục” như TS tuấn đã dẫn và đoạn kết luận của bài, nhưng xin bổ sung rằng, những điều TS Tuấn nêu ra chỉ mới là một phần của thực trạng. Thực tế nền giáo dục bi đát hơn nhiều. Thiếu sót của bài là chưa nêu ra được nguyên nhân cơ bản và sâu xa nào, ai phải chịu trách nhiệm.

Tôi nghĩ rằng TS Tuấn không viết vì không phải không biết, mà là thấy chưa đúng lúc. Điều này tôi đã từng viết bài “Ai phải chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái của giaó dục” (2). Có chỉ ra được nguyên nhân và người chịu trách nhiệm chính của tiêu cực, mới tìm được biện pháp sửa sai để phát triển.

Về giáo dục, Đảng lãnh đạo, về nhận thức, đã thấy rất rõ vai trò của nó, đã từng có nghị quyết “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; nhưng ra nghị quyết rồi cất kín vì không tìm được người tổ chức thực hiện. Hơn nữa, nền giáo dục của Việt Nam bị một “vòng kim cô” xiết chặt trên đầu, đó là chủ nghĩa Mác – Lê, là quan điểm giáo dục phải phục vụ chính trị, phải chịu sự chỉ đạo và giám sát của tuyên giáo Đảng. Vì thế, giáo dục đã tiến hành nhiều cải cách tốn công sức và tiền bạc, nhưng càng cải cách càng xa rời nền giáo dục cần có. Đó là nền giáo dục nhân bản, khai phóng…

Quay lại với “những thách thức…”, theo sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, của hai tác giả là nhà khoa học Mỹ, Daron Acemoglu và James A. Robinson, một công thình nghiên cứu về sự thành công và thất bại trong vòng 500 năm của các quốc gia, thì sự phát triển của các nước phụ thuộc chủ yế váo thể chế chính trị và kinh tế.

Trong “sự đổi mới” của Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phải tiến hành đồng thới cả thể chế kinh tế và chính trị. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam kiên quyết không cho ai đụng đến thể chế chính trị, kiên trì thể chế vô sản chuyên chính, còn thể chế kinh tế cũng chỉ sửa sai nửa vời (còn giữ chặt quan điểm kinh tế quốc doanh là chủ đạo). Mặc dầu trong bài TS Tuấn có đề cập đến vai trò của nhà nước trong phát triển, nhưng chỉ viết qua loa.

Về thể chế chính trị thì quan trọng nhất là lãnh đạo Đảng phải nhận ra rằng, Đảng đang từ một đảng lãnh đạo làm cách mạng, nay chuyển thành đảng cầm quyền. Việc đó đòi hỏi Đảng phải có những thay đổi về tổ chức và đường lối để thích hợp với tình hình đã thay đổi.

Bài viết của LeVanVu “Hiếm có nước nào có điều kiện làm giàu tốt hơn Việt Nam, nhưng tê liệt chính trị làm chậm tiến trình” (Few countries are better placed than Vietnam to get rich. Yet political paralysis could slow it down), thiết nghĩ, lãnh đạo của Đảng nên có những suy nghĩ thật kỹ để tạo được một chuyển biến như Đại Hội VI. Khi Đại hội đã chuẩn bị xong, chỉ chờ ngày khai mạc, thì quyền TBT Trường Chinh đã tổ chức viết lại báo cáo chính trị. Báo cáo này đã được TBT Lê Duẩn chỉ đạo viết xong rồi.

Hy vọng các nhà lý luận của Đảng, các trí thức của dân tích cực hoạt động để có thể ảnh hưởng đến nhận thức về thể chế chính trị của đất nước.

Ghi chú:

(1) “Sự phát triển của kinh tế Việt Nam và nhiệm vụ của giáo dục-đào tạo”: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/02/Su-phat-trien-kinh-te-VN.pdf

(2) “Ai phải chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái của giaó dục”: https://baotiengdan.com/2023/11/01/ai-phai-chiu-trach-nhiem-chinh-ve-su-suy-thoai-cua-giao-duc/


Thái Vũ – Có nên áp đặt ngôn từ miền Bắc cho miền Nam ? 

“Cái nào của Miền Nam thì phải ra Miền Nam, cái nào của Miền Bắc thì phải ra Miền Bắc nó mới là tôn trọng văn hóa vùng miền”.

Thôi thì, vì dân Bắc vào Nam ồ ạt sau 1975 đến nay, dân miền Nam bỗng có người thay vì kêu “trái dừa” thì lại gọi “quả dừa”, “tô bún” thành “bát bún”… Âu cũng là xáo trộn cho phong phú ngôn ngữ.

Nhưng mà những cái mang tính nề nếp, đặc trưng thì đừng có pha lẫn. Nó làm mất cái đặc trưng đi. 

Đường là đường còn phố là phố, ngõ là ngõ còn hẻm là hẻm, “bùng binh” không phải vòng xuyến, nó khác chắc nịch như con heo và con lợn, bắp và ngô … “Bến Bạch Đằng”, nghe là thấy sang rồi, còn “ga tàu thủy Bạch Đẳng”, nghe nó quê mùa, váy đụp, áo tơi, tối tăm còn hơn cái tiền đồ của chị Dậu ngày xưa.

Như nước Đại Việt ta từ trước – Vốn xưng nền văn hiến đã lâu – Núi sông bờ cõi đã chia – Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Thế nên “Có biết bố mày là ai không” với “Có biết ba tao là ai không” nó cũng khác.

Các bạn có thể đặt câu hỏi thế này.

Nước Mỹ vốn là đất của người Da Đỏ, nói tiếng Da Đỏ, khi người da trắng tới, chiếm đóng cai trị, rồi thì tiếng Anh Mỹ thành độc quyền thì sao?

Người Mỹ bản xứ (Da Đỏ hay Native American) không nói một thứ tiếng (giống như người miền Nam Việt Nam). Cho đến thế kỷ thứ 15 mới xác định là có hơn 300 thứ tiếng của người Mỹ bản xứ (more than 300 American Indian and Alaska Native languages). Ngày nay, vẫn còn 200 thứ ngôn ngữ đang sử dụng (viable) ở các bộ tộc (Tribes). 

Tiếng Anh là nổi bật, là chủ yếu nhưng ở các khu bảo tồn Da Đỏ, họ vẫn dùng từ Da Đỏ, các địa danh thì hoàn toàn Da Đỏ (Đã có lần tôi viết về đề tài này, địa danh giữ nguyên cách gọi của người Da Đỏ, Milwaukee, Kenosha, Oconomowoc, Kewaskum, Waukesha, Wauwatosa, Waupun, Wausau, Shawano… toàn là tiếng của người Da Đỏ). 

Tiếng Anh là một giải pháp thống nhất cho giao tiếp, trường học, nơi làm việc. Còn trong không gian riêng, tiếng ai nấy dùng, được khuyến khích dùng và gìn giữ. Cần tiền cho chuyện này (giữ gìn ngôn ngữ) thì chính phủ sẽ chi. Thực sự là chi nhiều lắm.

Điều này hoàn toàn khác với việc áp đặt ngôn từ miền Bắc vào miền Nam.

THÁI VŨ 27.02.2024 


Tiểu thương chợ Thủ Đức lo lắng về ‘đồn đoán’ tăng giá thuê sạp

Hùng – Sơn/VNTB

VNTB – Tiểu thương chợ Thủ Đức lo lắng về ‘đồn đoán’ tăng giá thuê sạp

 (VNTB) – Chính quyền cho rằng quyết định tăng giá thuê sạp chợ Thủ Đức chỉ mang tính… thăm dò cho công việc tiến hành mời đấu thầu.

Theo quyết định 14664/QĐ-UBND của UBND TP Thủ Đức (được ký duyệt ngày 8-11-2023), tùy vào vị trí, giá thuê ki-ốt, sạp tại chợ (gồm khu trung tâm thương mại, khu chợ A, B) tăng phổ biến từ 2-4 lần, thậm chí có vị trí tăng gấp gần 8 lần so với trước đó. Nếu quyết định này được áp dụng, tùy vị trí sạp và ki-ốt, tiểu thương sẽ trả 83.000 – 367.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Với tình hình kinh doanh nói chung ở chợ truyền thống tiếp tục ế ẩm kéo dài, nhiều tiểu thương ở chợ Thủ Đức cho rằng mức phí trên là tăng quá nhiều.

http://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/02/Cho-Thu-Duc-1-650x406.jpg

Phản ánh đến cơ quan truyền thông, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Thủ Đức cho biết họ rất hoang mang sau khi nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (giá thuê sạp) theo văn bản nói trên. Với nội dung của văn bản này, ba vị trí là trung tâm thương mại, chợ Thủ Đức A, chợ Thủ Đức B đều tăng giá thuê sạp. Giá mới chưa bao gồm tiền thuê đất và chi phí tiêu thụ điện, sử dụng nước, dịch vụ vệ sinh dọn rác và các chi phí phát sinh khác. Cụ thể, đối với khu chợ Thủ Đức B, các ki-ốt đầu hồi, lối đi lớn, giá thuê sạp dao động từ 29.000 – 38.000 đồng/m2/tháng tăng lên đồng 111.000 đồng/m2/tháng; ki-ốt không đầu hồi, lối đi lớn từ 30.000 – 34.000 đồng/m2/tháng tăng lên 103.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng)… tức tăng gấp 3 lần mức ban đầu.

Có một thực tế là nếu như trước đây mỗi người một sạp, nhưng giờ nhiều người nghỉ nên nhượng lại, “thậm chí cho bán không nên chúng tôi ráng thử ôm 5-6 sạp. Nhưng với tình hình hiện nay chắc phải trả lại sạp, chứ theo là đuối”, một tiểu thương ở khu A chợ Thủ Đức làm phép tính: với ‘bao sân’ 5 ki-ốt, mỗi tháng phải trả khoảng 8 triệu đồng cho các loại như tiền thuế, phí thuê quầy sạp, vệ sinh, điện, nước…, giờ nếu phải đóng phí thuê quầy sạp theo quy định mới thì sẽ thêm một khoản không nhỏ. Trong khi đó, nhìn vào đống quần áo, hàng thời trang đang tồn, một tiểu thương khu chợ A, thở dài cho biết kỳ vọng mùa Tết ăn nên làm ra nhưng phải thất vọng. Giờ khó khăn chồng chất nên chưa trả hết nợ cho mối lái, thậm chí thiếu tiền thuế nhiều tháng nay.

“Chợ mỗi năm càng ế, tôi lớn tuổi nên cố bám trụ để kiếm tiền dưỡng già. Tiền thuê quầy hàng tháng của tôi khoảng 135.000 đồng, nếu tăng tiền thuê lên 336.000 đồng/tháng, cộng thêm khoảng 75.000 đồng/tháng phí vệ sinh, bảo vệ nữa thì hơn 400.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước… Trong khi doanh thu hằng tháng chỉ có 4-5 triệu đồng, lợi nhuận có được bao nhiêu đâu” – bà Đoàn Thị Thu Thủy (69 tuổi), một tiểu thương kinh doanh giày dép (hộ tên Phan Thị Thu Vân) ở khu trung tâm thương mại, than thở từ đợt dịch Covid-19 (năm 2020) đến nay việc kinh doanh vô cùng ế ẩm.

Theo đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, theo thiết kế, chợ có 936 ki-ốt, quầy sạp, nhưng chính thức hoạt động hiện chỉ có 634, còn lại tạm ngưng hoặc bỏ hẳn. Trong đó có 232 ki-ốt, quầy sạp bỏ hẳn nên chợ gặp khó trong việc truy thu các khoản phí liên quan.

“Là đơn vị quản lý, chúng tôi sẽ tuân theo các quy định của UBND thành phố, đồng thời giải thích, vận động tiểu thương. Tuy nhiên với tình hình khó khăn tại chợ hiện nay, thiết nghĩ cần tính toán để có mức phí hài hòa”, đại diện Ban quản lý chợ Thủ Đức ý kiến.

Theo các tiểu thương khác, sau khi có thông báo tăng giá dịch vụ, một số tiểu thương đề nghị tăng theo lộ trình, hoặc đợi chợ phục hồi trở lại rồi mới tăng giá. Một số tiểu thương khác còn đồng loạt ký Đơn xin kiến nghị và đơn xin cứu xét gửi đến UBND TP Thủ Đức với mong muốn hoãn tăng giá dịch vụ.


Tiền của Ca ở đâu ra? 

Châu Nam Việt – 28/02/2024

VNTB – Tiền của Ca ở đâu ra? 

 (VNTB) – Ông Ca và các đồng chí của ông sử dụng quyền lực để kiếm tiền và kiếm ra rất nhiều tiền.
Trong quá trình hoàn tất cáo trạng và điều tra cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, lực lượng chức năng đã vô tình vén màn bí mật về khối tài sản khổng lồ của một ông tướng Công An.

Không chỉ có trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà còn một lượng lớn tiền việt, vàng, ngoại tệ, trang sức… Số lượng và giá trị của những tài sản này khiến công chúng dù không hề ngỡ ngàng, nhưng khiến người ta đặt ra câu hỏi khối tài sản của ông Đỗ Hữu Ca này ở đâu ra.

Nhìn vào sự kiện “trận đánh đẹp” năm 2009 mà ông Đỗ Hữu Ca được biết tới, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết và dấu hiệu để phân tích và suy luận về nguồn gốc của khối tài sản mà ông Ca sở hữu.

Trong trận này, ông Ca đã huy động công an và quân đội cưỡng chế khu đất hơn 40ha của ông Đoàn Văn Vươn. Một “trận đánh đẹp” khốc liệt, với 6 người bị thương và ngôi nhà của ông Vươn bị phá huỷ, đồng thời ông Vươn cũng bị bắt và phải ngồi tù.

Điều này gợi lên suy đoán rằng có người đã có kế hoạch chiếm đoạt và kiếm lợi từ việc tịch thu và chuyển giao khu đất có diện tích lớn này cho một bên thứ ba mà ông Ca cũng không phải không được hưởng chút lợi lộc nào.

Tính chất của sự kiện “trận đánh đẹp” cũng gợi lên nghi ngờ về việc ông Ca đã được ai đó thông tin và hỗ trợ để thực hiện kế hoạch này. Ông Ca đã sử dụng lực lượng công an và quân đội để thực hiện việc cưỡng chế đất, phía sau đó có sự phân phối và chia chác lại lợi ích cho bản thân. 

Việc cho rằng ông Đỗ Hữu Ca, người đứng đầu Công an TP Hải Phòng, làm một công việc như vậy chỉ để ăn lương công nhật của nhà nước là thật sự ngây thơ và thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề. Những người thực sự ngây thơ trong sự kiện này có lẽ chỉ là những chiến sĩ quân đội, công an … được cấp trên điều đi làm công việc “cướp bóc hợp pháp”. Họ là những người đầu tiên chịu thiệt hại nếu có bạo lực xảy ra, nhưng họ lại chỉ được hưởng những trợ cấp ít ỏi cho một ngày công làm việc là hết.

Đằng sau những vụ việc như thế này là việc kiếm tiền và kiếm ra rất nhiều tiền nhờ vào việc sử dụng quyền lực. Ông Ca, như nhiều quan chức khác, có thể lợi dụng những bất cập của hệ thống pháp luật như Luật Đất Đai, Luật Doanh Nghiệp hay việc mua bán hoá đơn để tăng tài sản. Đôi khi, họ chỉ cần “nhắm mắt làm ngơ”, tức là không làm gì cả, nhưng vẫn được chia phần trong các giao dịch lớn.

Và vụ Đoàn Văn Vươn chỉ là một chấm nhỏ của tảng băng chìm.

Người cuối cùng bị thiệt trong các giao dịch mang danh luật pháp này là ai?

Trong những vụ án như vụ cướp bóc tại đầm Tiên Lãng, nạn nhân rõ ràng là gia đình ông Vươn. Nhưng đằng sau những vụ án “không được nói ra” như vậy, nạn nhân không chỉ là người bị trực tiếp ảnh hưởng nói riêng, mà còn là những người dân bình thường, những người nghèo, những người không có quyền lực và không thể tự bảo vệ được quyền lợi của mình.

Những người dân tay trắng trong cuộc chơi quyền lực, không có khả năng đối đầu hay phòng ngự trước những quan chức tham nhũng như ông Ca. Oái ăm thay, những nạn nhân thấp cổ bé họng bị mất của vào tay những kẻ nhân danh quyền lực và công lý như ông Ca. Nhờ những phiếu bầu gian dối mà chúng có được cái quyền ngang nhiên trộm cắp công khai để vinh thân phì gia.


Người dân nghĩ gì việc công an kiểm tra tuổi khán giả đang xem phim Mai?

RFA – 28/02/2024

Người dân nghĩ gì việc công an kiểm tra tuổi khán giả đang xem phim Mai?

Công an và lực lượng chức năng vào rạp hát kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của khán giả ngày 26/2 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.png24h.com.vn 

Một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) hỏi ý kiến thể hiện sự bất bình trước việc cơ quan công an xông vào rạp đang chiếu phim Mai có gắn nhãn 18+ để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của khán giả.

Truyền thông nhà nước đưa tin vào khoảng 19 giờ ngày 26/2, tại rạp Cinestar Quốc Thanh ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng vào kiểm tra theo công văn của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, với nội dung là tăng cường kiểm tra, giám sát bộ phim của đạo diễn Trấn Thành được dán nhãn T18 (chỉ cho khán giả đủ 18 tuổi trở lên được phép xem).

Cơ quan chức năng yêu cầu ngưng chiếu phim và bật đèn sáng để kiểm tra độ tuổi của khán giả dựa vào giấy tờ tuỳ thân. Tuy rạp Cinestar Quốc Thanh không trả lời cuộc điện thoại của phóng viên nhưng đại diện của Cinestar, được dẫn lời bởi báo mạng Dân Trí thì “Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, nhưng không phát hiện khán giả xem phim nào chưa đủ độ tuổi quy định tại buổi chiếu.”

Một luật gia ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, bình luận về sự việc đang gây xôn xao dư luận này:

Luật Điện ảnh 2022 và các quy định hướng dẫn thi hành luật này bao gồm cả nghị định và thông tư, chỉ có quy định về phân loại phim, tiêu chí phân loại phim, hiển thị phân loại phim, cảnh báo trong phim, quy định về kiểm tra, xử phạt hành chính đối với việc người xem không đúng lứa tuổi đã phân loại tại các rạp còn chưa rõ ràng về thẩm quyền và thiếu tính thực tiễn.”

Điều 19 của Luật Điện ảnh 2022 quy định về việc phổ biến phim trong rạp chiếu phim, theo đó các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim phải bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim.

Điều 47 của luật này cũng nói Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ “Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh theo thẩm quyền.”

Theo vị luật gia trên, việc kiểm tra của cơ quan chức năng ở rạp Cinestar Quốc Thanh vừa qua không dựa trên cơ sở pháp luật theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền- công chức chỉ được làm những việc pháp luật quy định, trao quyền, trao nghĩa vụ.

Ông cho rằng cơ quan chức năng của phường Nguyễn Duy Trinh đã hoàn toàn sai vì “thay vì kiểm tra quy trình hoạt động của rạp, thì lại đi kiểm tra căn cước người xem.”

Để kiểm tra giấy tờ tùy thân của người xem, thì phải có dấu hiệu về ‘lỗi’ của khán giả. Nhưng trong trường hợp này thì khán giả có lỗi gì? Không lẽ việc người ta xem phim lại là lỗi!

Mai là bộ phim đơn thuần về câu chuyện gia đình và xã hội có một số cảnh “nóng”, đang làm mưa làm gió trong các rạp chiếu phim, với doanh thu khoảng gần 500 tỷ đồng chỉ từ ngày 10/2 đến nay so với hơn 5 tỷ đồng doanh thu bộ phim “Đào, phở và piano” do Nhà nước đặt hàng sản xuất.

Ông Đinh Thuần Ngô, một người từng hành nghề luật sư nhiều năm ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi định cư tại Hoa Kỳ, bình luận với RFA trong ngày 28/2:

Có nhiều cách tiếp cận, thí dụ bạn trao quyền cho rạp, cấm người xem dưới 18 thì bạn phải tin người ta làm đúng, bởi vì khi người ta làm sai thì phạt người ta. Còn làm sao để phát hiện việc làm sai thì bạn có nhiều cách, thí dụ khi người ta mua vé thì bạn kiểm tra ngay từ đó.”

Theo ông, cơ quan chức năng có thể thực hiện kiểm tra việc tuân thủ quy định về độ tuổi của khán giả một cách tế nhị hơn từ trước khi khán giả mua vé vào rạp. Ông nói:

Về mặt luật, cơ quan công quyền có nhiều cách làm văn minh so với chuẩn mực thế giới hơn là làm theo cách rất là rừng rú ở thế kỷ 21 này. 

Nhảy vô như vậy là hành xử không văn hoá vì họ mang danh một người văn hoá mà không có một hoạt động một cách văn hoá trong một môi trường văn hoá.”

Ông cho rằng hành xử của các lực lượng chức năng trong vụ việc trên biểu hiện“xã hội Việt Nam không dựa trên một niềm tin.”

Theo Nghị định 38 năm 2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi “phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim” có thể bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2021. Vụ kiểm tra trên có thể xem là lần đầu tiên các cơ quan chức năng vào cuộc làm việc gây xôn xao dư luận.

Trong một status của mình trên Facebook, ông Nguyễn Dân ở thành phố HCM chỉ trích sự thô bạo của cơ quan chức năng. Ông viết:

Phải xem việc công an giữa buổi chiếu phim xông vào rạp kiểm tra có khán giả nào dưới 18 không là một việc tày đình. 

Một đất nước (tự xưng) tự do dân chủ không thể có việc công an ngang nhiên hành xử thô bạo như vậy.”

Theo ông, quan hệ giữa khán giả và rạp chiếu phim trên lý thuyết là một giao dịch dân sự đặc biệt, vì có liên quan đến cảm xúc nhưng lại không thành vì công an và cơ quan ban ngành cản trở.

Ông cho rằng ở các nước văn minh, khán giả hoàn toàn có thể kiện rạp đòi bồi thường tiền vé và tổn thất tinh thần. Còn rạp có thể kiện ngược lại công an hoặc sẽ có các định chế “trị” sự lộng quyền của các cơ quan này.

Nhạc sỹ Tuấn Khanh nói rằng trong một khung cảnh thưởng thức văn hóa, không có gì khó chịu bằng việc nhân viên công lực đột nhiên xuất hiện và khám xét.

Đây là việc tính toán thuận lợi cho phía cơ quan nhà nước, nhưng không nghĩ đến tâm lý khán giả, và cú sốc đời sống văn hóa nói chung. 

Thuốc lá ở Việt Nam cũng quy định tuổi để bán, nhưng chưa bao giờ thấy một cuộc kiểm tra nào tương tự ở nơi bán thuốc lá lẻ hay trong các quán bar, vũ trường… sự gắt gao riêng biệt này, quả là cần suy nghĩ về mục đích lẫn hành động.”

Theo ông, bóng dáng của lực lượng công quyền “tùy tiện xen vào đời sống bình thường đối với người dân miền Nam vẫn là một ký ức nặng nề, có từ thời ngăn sông cấm chợ. Tưởng như mọi thứ đã đi qua, nhưng sau vài thập niên nó vẫn hiển hiện y như vậy.”

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ việc làm của cơ quan chức năng. Fanpage Thường Dân có hơn 60 ngàn người theo dõi, thường đăng tải các ý kiến và thông tin ủng hộ Chính phủ Việt Nam có bài viết ngắn về vụ việc cho rằng, không phải ngẫu nhiên “các nước trên thế giới đều quy định độ tuổi được tiếp cận với thể loại phim truyện trên truyền hình hay chiếu ở rạp.” 

Tác giả đặt câu hỏi:

“Đối với một bộ phim chứa đựng nhiều hình ảnh bạo lực, lời nói thô tục, cảnh quay nóng bỏng đã được dán nhãn 18+, thì có nghĩa là chỉ người từ 18 tuổi trở lên mới được tiếp cận.

Việc một đoàn liên ngành trong đó có cán bộ công an kiểm tra các rạp chiếu phim khi có thông tin trẻ em (người chưa đủ 18 tuổi) vào xem phim thì có gì là ‘ngăn cản hoạt động giải trí văn hóa của người dân’???” 

Bài viết cũng đề nghị “cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm những rạp chiếu nào vì lợi ích cá nhân bất chấp quy định pháp luật về độ tuổi để bán vé xem phim không đúng đối tượng. Cần làm nghiêm để bảo vệ tương lai trẻ em và của chính đất nước.”

Phóng viên gửi email cho Cục Điện ảnh với đề nghị bình luận về việc kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng đối với Cinestar Quốc Thanh nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Theo báo mạng Dân Trí, ở một số cụm rạp tại TPHCM, khâu soát vé khá lỏng lẻo và để nhiều khán giả dưới 18 tuổi mua vé xem phim Mai dù tác phẩm này dán nhãn T18.


Tags: ,

Comments are closed.