Gia đình các nhà lãnh đạo nhân quyền Trung Quốc muốn được gặp TT Biden (ET)


Gia đình của các nhà lãnh đạo nhân quyền Trung Quốc khẩn nài được gặp TT Biden

Chủ tịch tiểu ban Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) (thứ 3 từ trái sang) chào đón Chủ tịch Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc Phó Hy Thu (thứ 4 từ trái sang), bà Cảnh Hòa (thứ 5 từ trái sang), vợ của luật sư nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Cao Trí Thịnh, bà La Thắng Xuân (thứ 6 từ trái sang), vợ của luật sư nhân quyền Trung Quốc Đinh Gia Hỷ, và Chủ tịch Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản Andrew Bremberg (phải) trước phiên điều trần tại Tiểu ban Y tế Toàn cầu, Nhân quyền Toàn cầu, và Các Tổ chức Quốc tế của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn House trên Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn hôm 20/04/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

MỸ – TRUNG

Tác giả Susan Crabtree

  • Thứ năm, 27/04/2023

Trong các cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hoặc các quan chức hàng đầu khác của Liên Xô, Tổng thống (TT) Reagan thường rút trong túi ra một tấm thẻ và đọc tên những người bất đồng chính kiến đang bị bỏ tù ở đất nước này và vận động đòi tự do cho họ.

Các nhà hoạt động nhân quyền nhớ lại rằng thông lệ này đã trở thành một sự khó chịu đối với các quan chức Liên Xô đến mức họ thường phàn nàn với Ngoại trưởng George Schultz rằng việc TT Reagan liên tục tập trung vào các vi phạm nhân quyền của chính phủ họ đang cản trở các lĩnh vực khác mà hai quốc gia có thể đạt được tiến bộ về ngoại giao.

Ông Phó Hy Thu (Bob Fu) là một nhà hoạt động tự do tôn giáo nổi tiếng và là người chỉ trích Trung Quốc, vốn đã di cư từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ hồi năm 1996. Ông Phó cho biết một số phụ tá của TT Reagan đã nói với ông về những cuộc trao đổi căng thẳng đó như một minh chứng cho sức mạnh của việc trực tiếp thách thức các hành vi vi phạm nhân quyền của các chế độ độc tài nhằm thúc đẩy sự lên án của quốc tế.

“Tôi hy vọng tổng thống và phó tổng thống của chúng ta, bất kể đảng phái nào ở Tòa Bạch Ốc, cũng sẽ hành động giống như ông Reagan khi họ gặp Trung Quốc trực tuyến hoặc gặp trực tiếp,” ông Phó trình bày trong phiên điều trần của tiểu ban thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm thứ Năm (20/04). “Bằng cách đó có thể nhắc nhở [các quan chức Trung Quốc] rằng điều này là nghiêm trọng, điều này là quan trọng.”

Đáng buồn thay, theo ông Phó, cả chính phủ hiện tại hay bất kỳ chính phủ nào khác kể từ TT Reagan đều không ưu tiên và nhấn mạnh các vi phạm nhân quyền một cách mạnh mẽ như vậy. Thay vào đó, khi nói đến Trung Quốc, đa phần Hoa Thịnh Đốn đã ngoảnh mặt làm ngơ trong ba thập niên qua.

Hồi cuối tháng 05/1994, Tổng thống Clinton đã từ bỏ một nguyên tắc chính sách đối ngoại trung tâm của chính phủ của ông, đồng thời thông báo rằng ông đã quyết định “tách biệt” tình trạng thương mại đặc quyền của Trung Quốc với hồ sơ nhân quyền của nước này.

Mặc dù ông Clinton thừa nhận rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhưng ông cho rằng các lợi ích rộng lớn hơn của Mỹ chứng minh cho việc đảo ngược chính sách trên là hợp lý.

Chính sách xoay trục đặt Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác vào một con đường hòa giải hơn với Trung Quốc. Chính sách này cũng mở đường cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, và hồi năm 2000, Hoa Kỳ trao cho Bắc Kinh tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, một chỉ định pháp lý cho phép thương mại tự do giữa hai quốc gia này.

Vào thời điểm đó, việc mở rộng quan hệ kinh doanh của Hoa Kỳ với Trung Quốc là một động lực của lưỡng đảng. Được dẫn dắt bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ, chính sách này cho phép các công ty Mỹ chuyển các hoạt động sản xuất của họ sang Trung Quốc để tận dụng các cơ sở sản xuất và nhân công rẻ hơn.

“Tiền đề của chính sách này là nếu phương Tây mở cửa thị trường của chúng ta cho Trung Quốc, thì nền kinh tế và xã hội Trung Quốc sẽ tự do hóa và các nhà lãnh đạo [Đảng Cộng sản Trung Quốc] sẽ nhìn thế giới theo cách của phương Tây, coi trọng dân chủ, pháp quyền, và đặc biệt là nhân quyền,” ông Andrew Bremberg, người trước đây từng là đại diện cho Hoa Kỳ của TT Trump tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc và hiện là chủ tịch của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, cho biết. “Chúng tôi đã sai.”

Thay vào đó, ông Phó nói với ủy ban rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn, và các công dân Trung Quốc hiện đang trải qua thời kỳ bị đàn áp tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa của ông Mao Trạch Đông.

Trong vài năm qua, Hoa Kỳ đã thừa nhận tội ác diệt chủng của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đồng thời lên án việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thắt chặt kiểm soát của ĐCSTQ ở Hồng Kông và cuộc chiến của ông ta đối với tôn giáo và bất đồng chính kiến dưới mọi hình thức.

Những người ủng hộ nhân quyền hiện đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đối đầu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc về quy mô vi phạm nhân quyền đáng kinh ngạc của nước này và việc bỏ tù tùy tiện những người bất đồng chính kiến.

Hôm thứ Năm (20/4), Dân biểu Chris Smith, một thành viên Đảng Cộng Hòa ở New Jersey và là nhà đấu tranh nhân quyền lâu năm, đã thúc giục TT Biden gặp bà Cảnh Hòa (Geng He) và bà La Thắng Xuân (Sophie Luo), vợ của hai nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng bị Trung Quốc giam giữ. Hai người vợ này đã cung cấp lời khai đầy xúc động trước một tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện vào sáng hôm đó về những cuộc đối đầu của chồng họ với ĐCSTQ cũng như việc chồng họ bị giam giữ và mất tích.

Ông Smith cũng yêu cầu Trung Quốc tiết lộ nơi ở và tình trạng pháp lý của một số luật sư nhân quyền Trung Quốc, những người đại diện cho các nhóm thiểu số tôn giáo và những người bất đồng chính kiến ​​khác hoặc lãnh đạo các phong trào ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc và đã biến mất kể từ đó.

Hai người phụ nữ này cho biết rằng cho dù họ đã nỗ lực trong một vài năm, nhưng Tòa Bạch Ốc của TT Obama và TT Biden vẫn không liên lạc với họ về tình hình của chồng họ.

“Điều đó phải thay đổi,” ông Smith nói, đồng thời cam kết đưa ra luật yêu cầu chính phủ TT Biden phải báo cáo trước Quốc hội về những nỗ lực gây áp lực buộc Trung Quốc trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm.

Chồng của bà Cảnh là ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), người ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình có biệt danh là “lương tâm của Trung Quốc.” Ông Cao đã bị cầm tù và tra tấn trong hơn một thập niên với số phận cuối cùng của ông — dù ông còn sống hay đã qua đời — thì ngay cả gia đình của ông cũng không hề hay biết.

Ông Smith cho biết: “Hoa Kỳ phải đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc và nói rõ rằng chúng tôi sẽ không bỏ qua hoặc coi nhẹ những tội ác này.”

Chồng của bà La, ông Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), và một luật sư nhân quyền khác, ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), hồi đầu tháng này đã nhận bản án tù hơn một thập niên vì tội “lật đổ chính quyền.”

Ông Đinh và ông Hứa là các nhà lãnh đạo của Phong trào Công dân Mới, một sáng kiến ủng hộ công dân Trung Quốc đòi hỏi các quyền công dân và bảo đảm pháp quyền được nêu trong Hiến Pháp Trung Quốc, bao gồm Điều 35, quy định rằng “các công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải được hưởng quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, diễn hành, và biểu tình.”

Trong cuốn hồi ký của mình có nhan đề “Một Trung Quốc Công Bằng Hơn,” được phát hành tại Hoa Kỳ năm 2007, ông Cao cho rằng sự cam kết của ông đối với việc bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và những người bất đồng chính kiến khác trên khắp Trung Quốc là nhờ vào đức tin Cơ Đốc của ông cũng như những bài giảng về đạo đức và từ bi của tôn giáo này.

Vị luật sư này, vốn từng được Bộ Tư pháp Trung Quốc công nhận là “một trong 10 luật sư giỏi nhất của đất nước,” đã chọc giận ĐCSTQ hồi năm 2005 bằng cách gửi thư ngỏ tới chính quyền Trung Quốc thay mặt cho các học viên Pháp Luân Công. Trong những năm 1990, môn tu luyện tinh thần này đã trở nên lan rộng và phổ biến đến nỗi ĐCSTQ xem pháp môn này như một mối đe dọa và đã cấm việc thực hành tu luyện pháp môn này vào năm 1999.

Hồi năm 2005, ĐCSTQ đã tước quyền hành nghề và đóng cửa công ty luật của ông Cao. Ông đã đào thoát đến vùng đông bắc Trung Quốc, nơi ông giúp đỡ các học viên Pháp Luân Công, những người nói rằng lực lượng công an của chính quyền này đã tra tấn họ.

Đầu năm 2006, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết ông Cao đã thoát khỏi một vụ ám sát của công an mật Trung Quốc trong gang tấc, sau đó đã phát động một đợt tuyệt thực với sự tham gia của người dân ở 29 tỉnh của Trung Quốc và những người ủng hộ ở hải ngoại. Một số người Trung Quốc bị bỏ tù vì tham gia [cuộc phát động tuyệt thực này].

Hồi tháng 08/2006, ông Cao biến mất khi đến thăm gia đình em gái mình. Hồi cuối năm đó, ông chính thức bị bắt, bị kết tội lật đổ [chính phủ], và bị kết án ba năm tù, một thẩm phán đã hoãn bản án và thay thế bằng quản chế trong 5 năm sau khi ông thừa nhận một số tội lỗi. Tuy nhiên, ông Cao đã rút lại lời thú nhận đó và bắt đầu công khai phản đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong khi viết các thư ngỏ gửi Quốc hội và Nghị viện Âu Châu kêu gọi một cuộc tẩy chay Thế vận hội 2008 ở Trung Quốc.

Hồi tháng 02/2009, ông Cao bị các nhân viên an ninh Trung Quốc bắt giữ và được trả tự do vào năm 2017, nhưng sau đó lại bị các mật vụ bắt cóc mà không có tin tức gì về ông trong gần sáu năm. Năm 2009, vợ và con của ông Cao đào thoát sang Hoa Kỳ, nơi đã cho họ tị nạn khẩn cấp.

Trong nhiều năm, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra các tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho ông Cao hoặc tiết lộ liệu ông còn sống hay đã qua đời, và nếu còn sống, ít nhất hãy cho phép các quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ đến thăm ông.

“Tôi rất lo lắng,” bà Cảnh, vợ của ông, nói hôm thứ Năm, trong khi cố gắng kìm nước mắt. “Gần sáu năm đã trôi qua, không những không có lệnh bắt giữ mà còn không có đơn vị hay tổ chức nào chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc anh Cao. Không ai nhìn thấy anh ấy, không ai nghe thấy giọng nói của anh ấy, và không ai xác nhận rằng anh ấy vẫn còn sống trên đời này.”

Kể từ năm 2012, bà Cảnh cho biết bà đã yêu cầu gặp ông Biden để thảo luận về trường hợp của chồng mình, cả trong nhiệm kỳ tổng thống và khi ông giữ chức phó tổng thống, nhưng đều không có kết quả. Bà cũng đã thúc giục TT Biden nhấn mạnh trường hợp của ông Cao trong các cuộc gặp với ông Tập, điều mà bà tin rằng chưa bao giờ xảy ra.

Vợ của ông Đinh, bà La Thắng Xuân, người cũng đã đào thoát sang Hoa Kỳ vài năm trước, hôm thứ Năm đã nói rằng “không có công lý” ở Trung Quốc vì ĐCSTQ đã nhiều lần vi phạm Hiến Pháp và luật pháp của chính họ để bịt miệng và tra tấn các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội dân sự.

Bà nói với hội đồng: “Không có công lý hay công bằng nào cả — chỉ là sự cai trị độc tài để duy trì quyền lực thối nát của họ.”

Bà La cảnh báo các công ty Hoa Kỳ hãy thận trọng khi kinh doanh ở một quốc gia vô luật pháp vốn không tôn trọng các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế, nơi họ có thể bị giam giữ tùy tiện hoặc tệ hơn.

Những người ủng hộ lập luận rằng mặc dù căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đang tăng cao, nhưng Hoa Kỳ có rất nhiều đòn bẩy kinh tế để gây áp lực với Trung Quốc về nhân quyền. Ngoài ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ, ông Bremberg cho rằng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ và phương Tây vào các công ty Trung Quốc đang củng cố quyền lực của Trung Quốc và tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền, điều mà Hoa Thịnh Đốn cần đánh giá lại.

Ông cho hay, “Không thể để ĐCSTQ phạm những tội ác này cho đến nay mà vẫn không bị trừng phạt như thế.”

Hãng thông tấn RealClearWire đưa tin

Nhã Đan biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Tags: , , , ,

Comments are closed.