Hiện tượng ‘ba số 0’ là báo động đỏ đối với kinh tế Trung Quốc
Bảo Nguyên tổng hợp
21/12/2023
” Thống kê cho thấy, quý I năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc là 101,2 tỷ USD; trong quý II năm nay, đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt 4,9 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1998.
Một dữ liệu khác: Năm 2023, chỉ có 8 quỹ ngoại tệ được huy động ở Trung Quốc; so với 114 vào cùng kỳ năm trước; và 792 trong cùng kỳ năm trước nữa. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD. So với gần 50 tỷ USD nửa đầu năm 2021, số liệu này cũng “cơ bản tiệm cận con số 0”.
Các container hàng hóa xếp chồng lên nhau tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 9/5/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Ba dữ liệu kinh tế đối ngoại của Trung Quốc đã sụt giảm thảm hại, và nền kinh tế nước này có thể quay trở lại trạng thái bị cô lập trước đây. Ngoài ra, đây cũng không phải là tín hiệu tiêu cực duy nhất từ quốc tế.
Mới đây, một đoạn video của nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Gelong, phân tích tình hình kinh tế hiện nay ở Trung Quốc, đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Trung Quốc. Trong video này, ông Gelong đã thảo luận về hiện tượng “ba số 0” trong lưu thông kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và kêu gọi công chúng “hết sức cảnh giác” về điều này.
Video này xuất phát từ kênh truyền thông cá nhân “Nói chuyện chứng khoán, nói tiền bạc, nói chuyện trời đất” của ông Gelong. Trong tập này, ngay từ đầu, ông Gelong đã thẳng thắn chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể thực sự trở thành một “nền kinh tế hòn đảo” (bị cô lập) và buộc phải theo đuổi “lưu thông nội bộ”, bởi vì một số dữ liệu quan trọng trong “lưu thông bên ngoài” về cơ bản hiện nay đã “trở về số 0” ở Trung Quốc.
Vị tiến sĩ tài chính đã thảo luận về ba khía cạnh sau đây trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, những thứ đang có xu hướng “trở về số 0”:
Khách nước ngoài tới Trung Quốc giảm về 0
Ông Gelong cho biết trong quý đầu tiên của năm 2019 trước khi đại dịch Covid bùng phát trên diện rộng, hơn 3,7 triệu người đã đến Trung Quốc từ nước ngoài; tuy nhiên, con số trong quý I năm 2023 chỉ là 52.000 người và số liệu này chưa bằng một phần nhỏ so với năm 2019, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 52.000 khách du lịch nội địa, 56% đến từ Hong Kong và 22% đến từ Ma Cao. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 10.000 “người nước ngoài” thực sự đến từ các nước khác.
Ông cho rằng đây là điều “cực kỳ khó tưởng tượng” đối với một quốc gia có diện tích đất liền lớn thứ ba thế giới. Người nước ngoài không còn đến Trung Quốc, điều đó không chỉ có nghĩa là chuỗi ngành du lịch inbound đã sụp đổ mà còn có nghĩa là Trung Quốc có thể rơi trở lại tình trạng bị phong tỏa, không ai quan tâm hoặc ít người quan tâm, giống như họ đã từng bị vào những năm 1970. “Điều khác biệt là lần này không phải chúng ta [người Trung Quốc] không cho người khác đến mà là người khác tự họ không đến”.
Ông nói: “Chúng ta thường lo lắng về việc vốn đầu tư nước ngoài rút đi. Thực tế, điều triệt để hơn việc rút vốn đầu tư nước ngoài là các khách hàng nước ngoài đã không còn đến nữa. Họ đã đến Mexico, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia”.
Chuyến bay giảm về 0
Trước đại dịch, mỗi tháng có hơn 3.800 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ, trung bình hơn 100 chuyến mỗi ngày. Hiện chỉ có 4 đến 6 chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi ngày, “về cơ bản là con số 0”.
Ông Gelong đặc biệt chỉ ra: Trong 70 năm qua, 70% tổng thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đến từ Mỹ. Bạn có thể nghĩ mà xem, trong một môi trường không có chiến tranh hay dịch bệnh, mỗi ngày chỉ có 4 đến 6 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó có nghĩa là gì?
Hành khách được nhìn thấy tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh ở thủ đô của Trung Quốc vào ngày 28/4/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Tiền giảm về 0
Thống kê cho thấy, quý I năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc là 101,2 tỷ USD; trong quý II năm nay, đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt 4,9 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1998.
Một dữ liệu khác: Năm 2023, chỉ có 8 quỹ ngoại tệ được huy động ở Trung Quốc; so với 114 vào cùng kỳ năm trước; và 792 trong cùng kỳ năm trước nữa. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD. So với gần 50 tỷ USD nửa đầu năm 2021, số liệu này cũng “cơ bản tiệm cận con số 0”.
Ông Gelong kết luận rằng: dòng người, hậu cần và vốn là ba yếu tố cốt lõi của phát triển kinh tế. Nguyên nhân chính xác khiến các dữ liệu quan trọng nói trên “giảm về 0” cần được phân tích rõ ràng. Nếu nó là do đại dịch gây ra thì vẫn còn cơ hội sửa chữa, điều chỉnh; nhưng nếu nguyên nhân là do chiến tranh thương mại và xích mích chính trị thì có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua “xu hướng đảo chiều cơ cấu dài hạn”, và đó thực sự có thể là vấn đề của một thế hệ. “Gánh nặng là không thể chịu đựng nổi”.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh một lần nữa: Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua, và hơn 60% năng lực sản xuất của Trung Quốc là để phục vụ thị trường bên ngoài. Nếu Trung Quốc đi theo con đường cô lập bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa trở thành “nền kinh tế hòn đảo” thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nếu không thể thực hiện được những thay đổi cơ bản, “chúng ta [người Trung Quốc] sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn khó có thể bù đắp được”.
Thông tin cho thấy: ông Gelong tên thật là Chen Shouhong. Ông là nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc và là người sáng lập nền tảng nghiên cứu đầu tư toàn cầu “Gelonghui”. Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam với bằng Tiến sĩ tài chính. Ông đã viết bài cho các chuyên mục tài chính cho nhiều tờ báo và đã giành được “Giải thưởng Mô hình Ngành Kỷ niệm 15 năm cho Nhà phân tích Xuất sắc nhất của New Fortune”.
Ông Gelong có 25 năm kinh nghiệm đầu tư xuyên thị trường trong và ngoài nước. Ông đã lần lượt giữ chức vụ giám đốc nghiên cứu và giám đốc đầu tư. Ông đã tích lũy kinh nghiệm phong phú trong nhiều lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước như cổ phiếu loại A, chứng khoán Hong Kong và chứng khoán Mỹ. Ông hiện là chủ tịch của Công ty TNHH (Tập đoàn) Công nghệ thông tin Gelonghui Thâm Quyến. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].
Hiện tại, toàn bộ nội dung trên tài khoản Weibo của ông Gelong đã bị xóa.
Những nhận định của ông Gelong gióng lên hồi chuông báo động đối với Trung Quốc, đặc biệt trong mối quan hệ kinh tế quốc tế. Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang đối mặt với những tín hiệu hết sức tiêu cực khác từ cộng đồng quốc tế.
Sự thay đổi thái độ từ phía Nhật Bản
Trong bốn thập kỷ qua, các công ty Nhật Bản đã đầu tư ồ ạt vào thị trường Trung Quốc. Nhưng giờ đây, ưu tiên đầu tư của các công ty Nhật đã chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Vào ngày 14/12, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã công bố báo cáo khảo sát thường niên năm 2023 về các công ty sản xuất Nhật Bản. Cuộc khảo sát nói về các quốc gia và khu vực mà các công ty Nhật Bản hy vọng sẽ đầu tư và mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Tổng cộng có 534 công ty Nhật Bản đã trả lời cuộc khảo sát.
Theo kết quả khảo sát, Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia mà các công ty Nhật Bản muốn đầu tư trong năm thứ hai liên tiếp; Việt Nam nhảy lên vị trí thứ 2 từ vị trí thứ 4 năm ngoái; và Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 3 từ vị trí thứ 2 vào năm ngoái, với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1992.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng tại Phòng trưng bày Vườn Izumi ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 23/05/2022. (Ảnh: SAUL LOEB/AFP qua Getty Images)
Thống kê cho thấy từ năm 1992 đến năm 2023, mối quan tâm về đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Nhật Bản đã thay đổi đáng kể. Nói một cách tóm tắt, từ năm 1992 đến năm 2012, Trung Quốc thống trị cuộc khảo sát với trung bình khoảng 70% tổng số công ty chọn Trung Quốc, với mức đỉnh cao hơn 90% vào năm 2003. Xu hướng này giảm xuống dưới 40% vào năm 2013 và sau đó tăng lên 47,6% vào năm 2021. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, con số này đã rơi tự do.
Có nhiều lý do khiến các công ty Nhật Bản muốn rời khỏi Trung Quốc, như cuộc đối đầu Mỹ – Trung dẫn đến kiểm soát xuất nhập khẩu chặt chẽ hơn ở cả hai nước, kinh tế Trung Quốc suy giảm, chế độ Trung Quốc không bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ, khó khăn của các công ty Nhật trong việc cạnh tranh với các công ty Trung Quốc về giá cả, chi phí lao động ngày càng tăng, sự mơ hồ trong hệ thống pháp luật và việc kiểm soát chặt chẽ ngoại tệ, cùng nhiều vấn đề khác.
Ngoài lý do kinh tế, còn có nhiều lý do chính trị. Dưới ảnh hưởng của sự tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tâm lý bài Nhật vẫn lan rộng trong người dân Trung Quốc, và chế độ này thỉnh thoảng thao túng người dân tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Gần đây cũng có những cuộc đối đầu xung quanh việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra đại dương. Thái độ ngày càng quyết đoán của Nhật Bản đối với ĐCSTQ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Nhật – Trung. Người biểu tình Trung Quốc tổ chức một cuộc biểu tình chống Nhật Bản bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/9/2012. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)
Sự mơ hồ trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc được các công ty Nhật Bản coi là một trở ngại lớn khác. Việc Trung Quốc thực thi luật “chống gián điệp” mới đã dẫn đến việc bắt giữ một nhân viên Astellas người Nhật với cáo buộc gián điệp. Một môi trường không thân thiện như vậy đã gây ra mối lo ngại sâu sắc cho các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.
Quá khứ ủng hộ Trung Quốc của Nhật Bản
Cuối tháng 3/2022, Nhật Bản kết thúc hơn 40 năm Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Trung Quốc. Trong 4 thập kỷ này, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho Trung Quốc khoảng 3,3165 nghìn tỷ JPY (Yên Nhật) (23,3 tỷ USD) viện trợ cho vay (các khoản vay bằng đồng JPY), 157,6 tỷ JPY (1,1 tỷ USD) viện trợ không hoàn lại và 185,8 tỷ JPY (1,3 tỷ USD) trong hợp tác kỹ thuật.
Hỗ trợ ODA của chính phủ Nhật Bản cho Trung Quốc bắt đầu từ năm 1979, với các dự án lớn bao gồm sân bay, nhà máy điện, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, v.v.
Vào tháng 8/1978, Trung Quốc và Nhật Bản đã ký kết Hiệp ước Thương mại và Hữu nghị Trung – Nhật. Cùng năm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản và đi trên tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản và tham quan các trung tâm công nghiệp lớn của Nhật Bản. Khung cảnh hiện đại hóa nền công nghiệp Nhật Bản đã giúp ông Đặng mở rộng tầm mắt, người sau đó đề xuất Trung Quốc nên thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” và khẩn trương yêu cầu viện trợ nước ngoài.
Khi đó, Trung Quốc vẫn đang trong cơn dư chấn của Cách mạng Văn hóa, ngay cả Ngân hàng Thế giới cũng không cho Trung Quốc vay tiền. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp cho Trung Quốc các khoản vay và hỗ trợ phát triển.
Từ năm 1979 đến năm 2022, Nhật Bản là nguồn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 66,9% tổng viện trợ của thế giới dành cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết người dân Trung Quốc đều không biết điều này do tuyên truyền chống Nhật của ĐCSTQ.
Cùng với chính sách “cải cách mở cửa” của Trung Quốc và sự hỗ trợ phát triển của Nhật Bản, hầu hết các công ty lớn của Nhật Bản đều đã mở chi nhánh tại Trung Quốc. Đến tháng 6/2022, đã có 12.706 công ty Nhật Bản ở Trung Quốc, hoạt động trên nhiều ngành công nghiệp bao gồm sản xuất, thương mại, hậu cần, thiết kế, tư vấn, CNTT, v.v.
Trong 40 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đang đảo ngược các cải cách kinh tế đã diễn ra hàng thập kỷ, khiến các công ty Nhật Bản phải tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc do sự bất ổn của chế độ.
Từng ưu ái Trung Quốc, phố Wall cũng đang quay lưng
Phố Wall, vốn là một đồng minh đáng tin cậy của Bắc Kinh tại Mỹ, đã bắt đầu rút lui khỏi Trung Quốc khi môi trường kinh doanh và đầu tư tại đất nước này xấu đi.
Các nhân sự cấp cao tại BlackRock Investment Institute (BII – Viện đầu tư BlackRock), một tổ chức nghiên cứu liên kết với công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết hôm thứ Tư (6/12) rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn ở các thị trường mới nổi khác ngoài Trung Quốc.
Tên công ty tại văn phòng BlackRock vào ngày 16/1/2014 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)
Bà Wei Li, chiến lược gia trưởng toàn cầu về đầu tư từ Viện đầu tư BlackRock, cho biết từ góc độ điều chỉnh theo rủi ro, đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn, đó là lý do hãng này hạ xếp hạng đầu tư vào Trung Quốc trước đó trong năm nay.
Ông Alex Brazier, phó giám đốc Viện đầu tư BlackRock, cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu, khiến các nhà đầu tư có dự báo bi quan hơn.
Theo thông tin công khai, một số quỹ phòng hộ, bao gồm cả Bridgewater, đã giảm đáng kể lượng nắm giữ chứng khoán Trung Quốc. Carlyle và nhiều công ty đầu tư cổ phần tư nhân khác đã giảm mục tiêu gây quỹ cho các quỹ châu Á của họ hoặc ngừng hoàn toàn việc huy động vốn cho Trung Quốc. Các nhà quản lý quỹ tương hỗ như Vanguard và Van Eck đang rời khỏi Trung Quốc hoặc từ bỏ kế hoạch kinh doanh của họ tại Trung Quốc.
Tờ New York Times đã tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh DealBook” vào ngày 29/11. Trong cuộc đối thoại thảo luận về tình hình eo biển Đài Loan, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase Group tin rằng Bắc Kinh sẽ không xâm chiếm Đài Loan, nhưng nếu điều đó xảy ra và chính phủ Mỹ ra lệnh cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, ông nhất định sẽ hợp tác.
Trước đó, vào ngày 28/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng Toàn cầu, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cảnh báo rằng không rõ sẽ mất bao lâu để căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện và hiện tại ở Trung Quốc đang có nhiều sự không chắc chắn hơn. Goldman Sachs đã quyết định từ bỏ chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” đối với Trung Quốc.
Ông Solomon cho biết 5 năm trước Goldman Sachs đã thực hiện chiến lược “tăng trưởng ở Trung Quốc bằng mọi giá”, nhưng giờ đây Goldman Sachs đã thay đổi. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể đã cắt giảm một số nguồn tài chính ở đó vì ở đó có nhiều sự không chắc chắn hơn”.
Ông David Solomon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Goldman Sachs, phát biểu trong Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken vào ngày 2/5/2022 tại Beverly Hills, California, Mỹ. (Ảnh: PATRICK T. FALLON/AFP qua Getty Images)
Được thúc đẩy bởi lợi ích của chính họ, các ông trùm phố Wall đã hơn một lần giúp đỡ Trung Quốc trong quá khứ.
Vào tháng 02/2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington D.C. để tìm kiếm thỏa thuận đình chiến và đã nhờ cậy sự giúp đỡ của một nhóm các ông trùm phố Wall.
Ông Lưu đã kêu gọi sự tập hợp của các giám đốc điều hành phố Wall tại một khách sạn gần Tòa Bạch Ốc, nói rằng, “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn”. Trong số những cá nhân này có ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock; ông David Solomon, khi đó là đồng chủ tịch của Goldman Sachs; và ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase. Vào thời điểm đó, ông Dimon là Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Business Roundtable.
Ông Lưu đã đưa ra một lời hứa. Ông cho biết, chính quyền Trung Quốc sẽ tạo ra các cơ hội mới để các công ty tài chính Mỹ có thể mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.
Sau cuộc họp tháng 02/2018, ông Lưu Hạc đã tiếp cận ông Larry Fink và BlackRock để được hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống lương hưu của Trung Quốc. Ông Lưu Hạc khẳng định rằng, dân số già đi nhanh chóng có thể dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể quỹ hưu trí của Trung Quốc trong những năm tới. Sau đó, ông Fink bày tỏ rằng, BlackRock có thể giúp chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề này.
Vào cuối những năm 1990, khi các ngân hàng Trung Quốc đang vật lộn với hàng núi nợ xấu, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã yêu cầu các chủ ngân hàng đầu tư Mỹ, trong đó có ông Hank Paulson, Chủ tịch Goldman Sachs và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, giúp dọn dẹp mớ hỗn độn đó.
Với một quá khứ dành nhiều ưu ái cho Bắc Kinh, việc các gã khổng lồ phố Wall dường như đang quay lưng với Trung Quốc cho thấy một bước ngoặt mới. Rõ ràng, tương tự trường hợp của Nhật Bản, những chính sách và động thái cực đoan của chính quyền Trung Quốc đã góp phần không nhỏ khiến phố Wall thay đổi thái độ.
Overlay7
Overlay7
Tags: tin tức thế giới, Trung cộng, Đài Loan