Tập Cận Bình muốn gì và sẽ được gì trong chuyến thăm Việt Nam? 


Ls. Lê Quốc Quân 

11/12/2023

” Đó là bản chất và chưa từng và sẽ không thay đổi. Cho nên giữa hai bên sẽ có một tuyên bố như thứ trưởng ngoại giao Phạm Minh Vũ đã đề cập trên trang thông tin đối ngoại. Theo ông Vũ thì chuyến thăm sẽ mang đến “định vị mới” và “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Thực sự chưa biết ngôn ngữ diễn đạt sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là nội hàm về một “vận mệnh chung” giữa hai đảng cộng sản sẽ được khẳng định.

Ông Vũ cũng khẳng định “Một lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực có thể sẽ được ký, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả” . Điều này có thể hiểu là từ lĩnh vực giáo dục tiếng Trung ở cấp 1 đến đào tạo cán bộ nguồn chuyên trách chính trị ở cấp Huyện sẽ được cam kết triển khai sâu rộng”. 

Ông Tập trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2017.

Ông Tập trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2017. 


Trung Quốc đang tận dụng vị thế cường quốc của mình để gây sức ép rất lớn lên hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt trong chuyến đi lần này của ông Tập Cận Bình.

Vào ngày thứ 3, chuyên cơ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài trong một chuyến thăm Việt Nam 2 ngày.

Với một thời gian chỉ dài hơn chút đỉnh so với tổng thống Biden ở Hà Nội 3 tháng trước, ông Tập có tham vọng tẩy xoá những “di sản” mà tổng thống Mỹ vừa mới để lại, hầu giành ưu thế tuyệt đối trong quan hệ với Việt Nam. Một tuyên bố về một “Vận mệnh tương quan” có thể xuất hiện sau 15 năm là Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP).

Nhưng mọi chuyện cũng không đơn giản. Tên gọi là quan trọng, nội hàm quan trọng hơn nhưng quan trọng nhất là hành động trong thực tế. “Cây tre” Việt Nam đủ sức lắt léo để biết khi nào đứng thẳng, khi nào cong, và kỹ thuật lập ngôn của họ đã thành thần, để có thể làm hài lòng tất cả.

Những động thái “áp sát” của Trung Quốc

Trung Quốc đang tận dụng vị thế cường quốc của mình để gây sức ép rất lớn lên hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt trong chuyến đi lần này:

Về kinh tế Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Báo Công thương, dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan cho biết “Đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng đạt 79,2 tỷ USD”

Đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng vọt, theo Reuters “trong 11 tháng đầu năm nay vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc và Hồng Kông kết hợp đã tăng lên 8,2 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam”.

Một tuyến đường sắt từ Côn Minh (Trung Quốc) đến thành phố cảng Hải phòng của Việt Nam sẽ được nâng cấp, đi qua huyện Tam Đường (Tỉnh Lai Châu) nơi có mỏ đất hiếm Đông Pao với trữ lượng lớn nhất của Việt Nam. Đây là kết quả của Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến đi tiền trạm chỉ mới cách đây một tuần.

Quan trọng nhất là câu chuyện chính trị với khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh -CCD”. Nó đã được Tập Cận Bình nhắc đến hơn 100 lần kể từ năm 2012, và ít nhất 3 lần với lãnh đạo Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là một khái niệm chung chung chưa rõ nội hàm nhưng đã thu hút được nhiều quốc gia trong khu vực tham gia và Việt Nam một mục tiêu tối hậu cần thu phục trong chuyến đi này của ông Tập.

Trước đây Tập Cận Bình nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam không được quên “cội nguồn ban đầu” của tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, giờ đây, trước ống kính, Ông muốn cho thế giới thấy rằng quan hệ Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn đặc biệt nhất. Tất cả là dưới “phân” dù có cùng là “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Cách phản ứng của Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực kháng cự lại một cách khôn ngoan những ảnh hưởng đến từ Trung Quốc, nhưng họ phải thừa nhận sẽ vô cùng bất lợi nếu như không làm vừa lòng người anh khổng lồ đến từ Phương Bắc.

Nhìn vào bản đồ trên xuống, ta thấy rằng cả một ngọn núi khổng lồ đè đất nước hình chữ S nhỏ nhoi, nhưng nếu lật ngược quả địa cầu lại và nhìn lại, chúng ta thấy Việt Nam như mầm cây được mọc lên từ một mảnh đất Trung Hoa khổng lồ. “Nguy” hay “cơ” là cách Việt Nam biết ứng biến như thế nào trong quan hệ với Trung Quốc.

Về kinh tế Việt Nam nỗ lực thu hút vốn nước ngoài trên mọi phương diện và tăng cường xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt đến Hoa Kỳ. Dù đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ vào Việt Nam sụt giảm so với năm trước nhưng Hoa Kỳ hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trong 11 tháng của năm 2023 đạt 88 tỷ USD.

Ngoài ra CSP với Nhật Bản vừa mới được ký kết sẽ cho phép Việt Nam tăng cường quan hệ một cường quốc ở Châu Á, đồng minh của Hoa Kỳ và đang có những tranh chấp chủ quyền nhất định với Trung Quốc. Nhật Bản là 1 thành viên của Tứ giác kim cương và đang ủng hộ Việt Nam trên hầu hết các phương diện.

Việt Nam cũng biết dùng những lần nâng cấp quan hệ gần đây với Ấn Độ hay Hàn Quốc góp phần “pha loãng” sự thân thiết với Hoa Kỳ, nhằm giảm áp lực với người láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”.

Về quân sự, một mặt Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng 4 không, mặt khác nỗ lực tham gia các diễn đàn quốc tế, các định chế song và đa phương. Dù luôn luôn xác định Nga và Trung Quốc là nguồn hỗ trợ quân sự lớn, Việt Nam cũng đã đa dạng hoá nguồn cung bằng việc mua của Israel và đang ráo riết tiếp cận nguồn cung vũ khí ngày càng nhiều từ Hoa Kỳ.

Mặc dù Cộng đồng chung vận mệnh -CCD là mối bận tâm lớn của Chủ tịch Tập trong chuyến đi nhưng Việt Nam đang tỏ ra hờ hững với khái niệm này, đặc biệt nó đã không được nhắc đến trong chuyến thăm của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Bắc Kinh cách đây 2 tháng, tuy đã 1 lần “ghi nhận” trong tuyên bố chung với lãnh đạo Trung Quốc tại chuyến đi trước đó của thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ cách đây chưa đầy 3 tháng. Dù vậy, nay đã đến lúc cũng phải có “một cái gì đó”. 

Vẫn là vận mệnh tương quan 

Còn nhiều điều chắc chắn Việt Nam phải hết sức đau đầu và đề phòng với nước láng giềng, mà đã từng xuất hiện trong lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1980, là “kẻ thù”. Nhưng vấn đề an ninh của Đảng và chế độ vẫn là điều mà người cộng sản đặt lên ưu tiên cao nhất.

Trong một Audio do Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại CLB Thăng Long được “leak” ra gần đây có đề cập 3 vấn đề an ninh quan trọng của Việt Nam “1. An ninh của đảng và chế độ; 2. An ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia và 3. An ninh nội bộ trong nước”

Đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là đảm bảo sự lãnh đạo của đảng và an toàn của chế độ, điều mà người anh cả Trung Quốc luôn ủng hộ, dù họ cũng là kẻ thù tiềm tàng nguy hiểm nhất cho mức an ninh thứ hai là “Chủ quyền quốc gia”. 

Từ năm 1999, Hai tổng bí thư là Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu đã từng tuyên bố về 16 chữ vàng “Sơn thuỷ tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn Hoá tương đồng, Vận mệnh tương quan”. Dịch cách nào ra tiếng Việt thì cũng là “chung vận mệnh”, ít nhất là giữa Hai đảng cộng sản và hai chế độ độc tài toàn trị, cùng đi theo mô hình Xã Hội chủ nghĩa và lý tưởng Mác Lê Nin.

Đó là bản chất và chưa từng và sẽ không thay đổi. Cho nên giữa hai bên sẽ có một tuyên bố như thứ trưởng ngoại giao Phạm Minh Vũ đã đề cập trên trang thông tin đối ngoại. Theo ông Vũ thì chuyến thăm sẽ mang đến “định vị mới” và “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Thực sự chưa biết ngôn ngữ diễn đạt sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là nội hàm về một “vận mệnh chung” giữa hai đảng cộng sản sẽ được khẳng định.

Ông Vũ cũng khẳng định “Một lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực có thể sẽ được ký, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả” . Điều này có thể hiểu là từ lĩnh vực giáo dục tiếng Trung ở cấp 1 đến đào tạo cán bộ nguồn chuyên trách chính trị ở cấp Huyện sẽ được cam kết triển khai sâu rộng. 

Vừa hợp tác vừa cảnh giác cao độ 

Chuyến thăm sẽ kết thúc tốt đẹp. Một văn bản hợp tác với tầm vóc “lịch sử” sẽ ra đời nhưng Việt Nam cũng cảnh giác cao độ.

Họ sẽ theo Trung Quốc để diễn đạt một thứ ngôn ngữ làm hài lòng lãnh đạo và không xúc phạm tâm lý của nhân dân. Đồng thời có thể “thòng” những câu, những tính từ phi định lượng hoặc “chủ từ” không có tính xác quyết.

Ông Tập đã đến Hà Nội giới thiệu bước về một “phe” để đối đầu với Phương Tây bằng những ngôn từ vô cùng đẹp đẽ và hợp thời. Thế nhưng sách trắng quốc phòng Việt Nam đã công bố 4 không và cũng đã có hàng ngàn năm kinh nghiệm trả giá bằng máu của tiền nhân.

Đặc biệt, kỹ xảo ngôn ngữ của Việt Nam cũng ở bậc thượng thừa, cho nên sẽ có một tuyên bố mà các bên đều có thể mỉm cười, cùng ghi điểm, củng cố cho sự chính danh và mức độ tín nhiệm của lãnh đạo nhưng cũng dễ dàng “quên” đi khi cần thiết.

Đó là thứ ông Tập có được khi ra về, trước khi khép lại một năm ngoại giao vô cùng sôi động của Việt Nam với các nước lớn.

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-muon-gi-va-se-duoc-gi-trong-chuyen-tham-viet-nam-/7392891.html


Tags: , ,

Comments are closed.