Thời sự Thứ Ba 09/05/2023: *Tàu dân quân TQ đi vào vùng tập trận Ấn Độ-Asean ở Biển Đông. *Canada trục xuất nhà ngoại giao TQ vì đe dọa gia đình nghị sĩ. *Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng nhưng không có chiến thắng nào. *Mỹ: căng thẳng trần nợ công, các công ty công nghệ sa thải hàng loạt. *EU chế tài các công ty Trung Quốc


Võ Thái Hà tổng hợp


Tàu dân quân Trung Quốc vào vùng tập trận của Ấn Độ-ASEAN ở Biển Đông 

09/05/2023 

Reuters 

Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông. 

Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tiếp cận một khu vực mà hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN đang tập trận ở Biển Đông, hai nguồn tin Ấn Độ cho biết ngày 8/5.

Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như đang sử dụng lực lượng dân quân để đe dọa và phá rối cuộc tập trận hải quân này.

Bắc Kinh không trả lời các câu hỏi của Reuters về vụ việc bị cáo buộc và động cơ.

Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam từ chối bình luận.

Giai đoạn hai ngày trên biển của Cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME 2023) bắt đầu hôm 7/5 với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei.

Các nguồn tin Ấn Độ cho biết họ đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì các tàu Trung Quốc di chuyển về phía họ. Tuy nhiên, các tàu dân quân và tàu hải quân đã vượt qua nhau mà không có bất kỳ sự đối đầu nào, họ nói.

Nhà chức trách Ấn Độ đang theo dõi hoạt động của ít nhất 5 tàu dân quân, theo các nguồn tin, những người không muốn tiết lộ danh tính vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Họ cho biết một tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng đang đi theo những chiếc tàu này tới cùng khu vực.

Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông tại Đại học Stanford, cho biết những chiếc tàu này thuộc hạm đội dân quân Qiong Sansha Yu trong khu vực.

Lực lượng dân quân như vậy bao gồm các tàu đánh cá thương mại phối hợp với chính quyền Trung Quốc vì các mục tiêu chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc trong quá khứ đã bác bỏ sự tồn tại của bất kỳ lực lượng dân quân nào như vậy.

Bà Vân Phạm, quản lý của Sáng kiến Đại sử ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập giám sát dữ liệu theo dõi tàu thuyền, cho biết đây không phải là lần đầu tiên “cái gọi là tàu cá” của Trung Quốc xuất hiện và đe dọa tàu chiến của các nước khác.

“Vì vậy, có khả năng cuộc tập trận đã bị gián đoạn… mô hình đã bị phá vỡ và một số tàu phải thay đổi hướng đi”, bà nói với Reuters.

Bà Phạm cho biết tàu nghiên cứu Trung Quốc Xiang Yang Hong 10 có lúc đã tiến gần đến một tàu chiến Việt Nam trong khoảng cách 10 dặm.

Đây là cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME-2023) và được hải quân Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức.

Một số nước láng giềng ven biển của Trung Quốc đã cáo buộc nước này sử dụng các tàu công vụ và dân quân để quấy rối và đe dọa các tàu đánh cá và tàu quân sự của họ ở Biển Đông.

Trung Quốc trong nhiều năm đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và rất nhạy cảm với sự hiện diện của quân đội các nước khác trong khu vực.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng xuống dốc kể từ sau cuộc đụng độ giữa quân đội của họ ở dãy Himalaya vào năm 2020 khiến 24 binh sĩ thiệt mạng.


Canada trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc là’ vì đe dọa gia đình nghị sĩ

Liên Thành

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly. (Ảnh: Presse Canadienne). 

Nhà ngoại giao Trung Quốc Zhao Wei, người được cho là có liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào nghị sĩ Đảng Bảo thủ Michael Chong và đe dọa các thành viên gia đình ông ở Hồng Kông, đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh.

Trong tuyên bố hôm 8/5, Ngoại trưởng Joly cho biết:

“Tôi đã nói rõ: chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào công việc nội bộ của chúng tôi. Các nhà ngoại giao ở Canada đã được cảnh báo rằng nếu họ tham gia vào loại hành vi này, họ sẽ bị đuổi về nước”.

Bà Joly cũng nhấn mạnh quyết định đã được đưa ra sau khi “cân nhắc cẩn thận tất cả các yếu tố liên quan”.

Trước đó, theo tờ Da Yi Yuan, Ngoại trưởng Joly nói với ủy ban đối ngoại của Hạ viện vào ngày 4 tháng 5 rằng cơ quan của bà đang đánh giá hậu quả của việc thực hiện bước đi như vậy, đặc biệt là do các hành động trước đây của Bắc Kinh trong trường hợp của giám đốc điều hành Huawei, bà Mạnh Vãn Châu.

Để trả đũa việc Canada tôn trọng nghĩa vụ pháp lý của mình đối với Hoa Kỳ bằng cách quản thúc tại gia bà Mạnh, người bị buộc tội lừa đảo, chính quyền Trung Quốc đã tùy tiện giam giữ công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor trong hơn 1.000 ngày, từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 9 năm 2021 .

Trong một tuyên bố được đưa ra để đáp lại quyết định của Canada vào ngày 8 tháng 5, Đại sứ quán Trung Quốc nói bóng gió rằng họ sẽ trả đũa những “hành động khiêu khích” và rằng Bắc Kinh sẽ “chơi theo từng bước cho đến cùng”.

Tờ Globe and Mail đưa tin vào ngày 1 tháng 5 rằng, theo một nguồn tin an ninh quốc gia, một cơ quan gián điệp Trung Quốc và nhà ngoại giao Trung Quốc Zhao Wei đã nhắm mục tiêu Nghị sĩ Chong vào năm 2021 vì ông ấy vận động cho nhân quyền ở Trung Quốc.

Zhao, một viên chức lãnh sự ở Toronto, đã được một nguồn tin an ninh quốc gia mô tả là một “nhân viên tình báo bị tình nghi”.


Nga chào mừng Ngày Chiến thắng dù không có chiến thắng nào

Vào thứ Ba, Nga sẽ kỉ niệm Ngày Chiến thắng bằng cuộc duyệt binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ. Sự kiện năm nay sẽ có phần khác thường vì vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin gần đây, vốn bị Nga coi là âm mưu ám sát tổng thống Putin. Diễu binh cũng đã bị hủy bỏ ở khoảng một chục khu vực khác của Nga.

Cuộc duyệt binh chính ở Moscow sẽ được thu nhỏ, vì phần lớn quân đội và khí tài đều đang được triển khai ở Ukraine. Ngoài ra là sự vắng mặt của các chức sắc nước ngoài — đến thứ Hai, chỉ có tổng thống Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan xác nhận tham dự.

Cuộc diễu binh cũng sẽ diễn ra mà không có bất kỳ chiến thắng nào gần đây trên mặt trận. Tại Ukraine, dù quân đội Nga sắp khép lại 10 tháng đẫm máu ở Bakhmut, phía Ukraine vẫn tiếp tục giữ một phần phía tây của thành phố này, vốn không có nhiều ý nghĩa chiến lược. Tướng chỉ huy Oleksandr Syrsky cho biết ông đã yêu cầu lực lượng của mình phải ngăn cản Vladimir Putin có được chiến thắng trong Ngày Chiến thắng.


Mỹ căng thẳng về vấn đề trần nợ công

Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện Mỹ, vào thứ Ba để tìm cách ngăn chính phủ vỡ nợ. Ông Biden muốn tăng trần nợ — một giới hạn theo luật định đối với số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay — từ mức 31,4 nghìn tỷ đô la hiện tại. Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa đang khăng khăng yêu cầu ông Biden phải đồng ý với các yêu sách cắt giảm chi tiêu. Được biết bộ trưởng tài chính Janet Yellen đã cảnh báo về một “thảm họa” trần nợ, vì nếu không có giải pháp chính trị, chính phủ sẽ cạn tiền trước ngày 1 tháng 6.

Các thị trường, vốn đã quen với những cuộc đối đầu hàng nghìn tỷ đô la thường xuyên diễn ra ở Washington, cũng đang cho thấy một số dấu hiệu lo lắng. Lợi suất trái phiếu kho bạc một tháng đang tăng lên. Các nhà kinh tế của Nhà Trắng cảnh báo ngay cả “vỡ nợ ngắn hạn” cũng đủ sức làm giảm 0,6% GDP hàng năm; còn vỡ nợ kéo dài sẽ gây thiệt hại 6,1% GDP và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.


ASEAN bất đồng về vấn đề Myanmar

Trong hai năm qua, cuộc nội chiến ở Myanmar đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến 2 triệu người bị mất nhà cửa. Hồi tháng 4, hơn 170 người đã thiệt mạng trong một trong những cuộc không kích đẫm máu nhất kể từ đầu cuộc nội chiến. Nhưng các nước láng giềng của Myanmar không thể thống nhất về cách chấm dứt xung đột. Sự chia rẽ quan điểm này sẽ phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thứ Ba tại Labuan Bajo, một thị trấn đánh cá trên đảo Flores của Indonesia.

Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, ủng hộ việc giao tiếp nhiều hơn với các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar. Nhưng các nước khác muốn cô lập họ. Chính quyền quân sự đã bị cấm tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong khi chờ tiến bộ đạt được trong một kế hoạch hòa bình danh nghĩa — một lệnh trừng phạt khá nghiêm khắc đối với một tổ chức chủ trương hòa hợp khu vực. Hồi tháng 2, tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã nói ASEAN sẽ không bị chính quyền quân sự “bắt làm con tin.” Indonesia sẽ sớm cử một vị tướng của riêng mình đến Myanmar để hội đàm song phương. Nhưng một nỗ lực nghiêm túc để chấm dứt sự đau khổ của đất nước dường như còn xa vời.


Hoa Kỳ: Các công ty công nghệ thông báo sa thải hàng loạt trong bối cảnh kinh tế khó khăn 

Tác giả Frank Fang 

09/5/2023

Các thành viên của Liên đoàn Nhân viên Alphabet tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng Google để phản đối việc sa thải nhân viên gần đây, tại New York hôm 02/02/2023. (Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Images) 

Việc sa thải hàng loạt bắt đầu vào cuối năm ngoái đã tiếp tục kéo dài sang năm 2023, trong bối cảnh lo ngại một cuộc suy thoái và kinh tế giảm tốc. 

Cho đến thời điểm này trong năm 2023, số lượng nhân viên kỹ thuật bị sa thải trên toàn cầu đã vượt quá tổng số của một năm trước. 

Theo dữ liệu được công cụ theo dõi trực tuyến Layoffs.fyi tổng hợp, tổng số sa thải được tiếp tục điều chỉnh trong lĩnh vực công nghệ cho đến nay là 191,416, vượt qua tổng số 164,576 hồi năm ngoái. 

Một số chuyên gia đang cảnh báo rằng một cuộc suy thoái ở Hoa Kỳ có thể xảy ra trong năm nay, mặc dù dữ liệu mới nhất từ ​​​​Cục Thống kê Lao động (BLS) cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 253,000 việc làm mới trong tháng Tư. 

Theo BLS, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ xuống 3.4%, giảm từ 3.5%. 

Ông Selcuk Eren, nhà kinh tế cao cấp tại The Conference Board, đã cho biết sau báo cáo BLS công bố hôm 05/05 rằng, “Chúng tôi vẫn dự báo một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào năm 2023 khi Fed tiếp tục tăng lãi suất mục tiêu để kiểm soát lạm phát.” 

Ông Eren nói thêm: “Nền kinh tế chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu lao động. Chúng tôi dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên khoảng 4.5% vào đầu năm 2024.” 

Logo của Shopify bên ngoài trụ sở chính tại Ottawa vào ngày 28/09/2018. (Ảnh: Chris Wattie/Reuters) 

Hôm 04/05, công ty thương mại điện tử Shopify thông báo rằng họ đang cắt giảm 20% lực lượng lao động và bán bớt hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa. 

Hồi tháng Tư, DropBox đã thông báo rằng họ sẽ giảm 16% số lượng nhân viên, tương đương với khoảng 500 nhân viên, do tốc độ tăng trưởng chậm lại. 

Việc sa thải hàng loạt không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ. Dưới đây là danh sách các công ty lớn đã thông báo sa thải nhân viên trong những tháng gần đây. 

Tháng 04/2023

3M, nổi tiếng với các sản phẩm tiêu dùng Post-Its và băng dính Scotch, đã thông báo hôm 25/04 rằng họ sẽ sa thải 6,000 nhân viên trên toàn thế giới, thêm vào việc cắt giảm 2,500 vai trò sản xuất toàn cầu đã được công bố hồi tháng Một. 

Tuyên bố của công ty cho biết: “3M đang thực hiện các hành động tái cấu trúc nhằm làm cho 3M mạnh mẽ hơn, tinh gọn hơn và tập trung hơn.” 

3M nói thêm rằng họ dự đoán khoản tiết kiệm trước thuế lên tới 900 triệu USD một năm sau khi việc sa thải hoàn tất. 

Logo 3M tại trụ sở toàn cầu ở Maplewood, Minnesota, vào ngày 04/03/2020. (Ảnh: Nicholas Pfosi/Reuters) 

Công ty gọi xe Lyft đã thông báo trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) rằng họ đã sa thải khoảng 1,072 nhân viên, chiếm khoảng 26% lực lượng lao động của công ty. Công ty này cũng cho biết họ đã loại bỏ hơn 250 vị trí mở. 

Thông báo mới nhất của Lyft được đưa ra sau khi công ty cho biết hồi tháng 11/2022 rằng họ sẽ sa thải khoảng 683 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động. 

Red Hat, một công ty phần mềm nguồn mở thuộc sở hữu của IBM, đã thông báo hôm 23/04 rằng họ sẽ sa thải 4% lực lượng lao động của mình trên toàn cầu, tương đương khoảng 760 nhân viên. Công ty này đã lưu ý rằng việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến những người ở vị trí chung và hành chính. 

Đại công ty về quần áo Gap đã tiết lộ trong một hồ sơ của SEC rằng họ đang dự tính sa thải 1,800 nhân viên khỏi trụ sở chính và lực lượng lao động cấp cao. 

Hôm 23/04, Bed Bath & Beyond đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11. 

Tháng 03/2023

Công ty mẹ của Facebook, Meta đã thông báo sa thải khoảng 10,000 nhân viên trong khi đóng thêm 5,000 vị trí công việc đang mở. Đây là đợt sa thải hàng loạt thứ hai, sau khi 13% nhân viên, tương đương 11,000 lao động, bị sa thải hồi tháng 11 năm ngoái (2022). 

Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên thông báo về đợt sa thải mới nhất, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết việc sa thải là một phần của một “năm hoạt động hiệu quả.” 

Sau khi công bố một đợt sa thải liên quan đến hơn 18,000 việc làm hồi tháng Một, đại công ty bán lẻ Amazon đã công bố một đợt sa thải bổ sung hồi tháng Ba, loại bỏ 9,000 việc làm khác trong những tuần tới. 

Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy giải thích trong một bản ghi nhớ về việc sa thải nhân viên: “Xét đến nền kinh tế bất ổn mà chúng ta hiện đang chứng kiến, và sự bất ổn tồn tại trong tương lai gần, chúng tôi đã chọn cách hợp lý hóa hơn về chi phí và số lượng nhân viên của mình.” 

Logo của Amazon được nhìn thấy tại trung tâm vận chuyển của công ty ở Lauwin-Planque, miền bắc nước Pháp, hôm 05/01/2023. (Ảnh: Pascal Rossignol/Reuters) 

Công ty tư vấn công nghệ Accenture đã thông báo trong một hồ sơ của SEC rằng họ đang sa thải khoảng 19,000 người, tương đương 2.5% lực lượng lao động của mình, với hơn một nửa số lượng nhân viên sa thải đến từ “các chức năng hành chính không liên quan đến dịch vụ khách hàng của công ty.” 

Công ty phát thanh vệ tinh SiriusXM có trụ sở tại New York đã thông báo cắt giảm 475 việc làm, tương đương 8% lực lượng lao động, theo hồ sơ SEC của họ. 

Bà Jennifer Witz, Giám đốc điều hành của SiriusXM, đã viện dẫn “môi trường kinh tế bất ổn” là một lý do cho việc cắt giảm số lượng nhân viên, trong một thư điện tử gửi cho nhân viên. 

Tháng 02/2023

Theo hồ sơ SEC, Dell Technologies đã công bố kế hoạch cắt giảm 5% lực lượng lao động của mình, tương đương khoảng 6,650 vị trí. 

Ông Jeff Clarke, đồng giám đốc điều hành của Dell, cho biết trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên: “Những gì chúng tôi biết là điều kiện thị trường tiếp tục xấu đi với một tương lai bất ổn.” Ông cho biết việc cắt giảm việc làm là một phần trong các hành động của công ty nhằm “đi trước các tác động của suy thoái.” 

Nhà sản xuất xe điện Rivian tuyên bố cắt giảm 6% lực lượng lao động. 

Một chiếc xe bán tải chạy điện của Rivian nằm trong bãi đậu xe tại một trung tâm dịch vụ của Rivian ở Nam San Francisco vào ngày 09/05/2022. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images) 

Đại công ty hẹn hò trực tuyến Match Group có trụ sở tại Dallas, công ty sở hữu Tinder, OkCupid và Hinge, đã thông báo cắt giảm 8% lực lượng lao động, tương đương khoảng 200 nhân viên. 

Palantir Technologies, một công ty phân tích dữ liệu lớn có trụ sở tại Denver, cho biết khoảng 2% lực lượng lao động của họ sẽ bị cắt giảm. Theo hồ sơ SEC của họ, công ty này có 3,838 nhân viên toàn thời gian tính đến ngày 31/12/2022. 

Yahoo đã công bố kế hoạch sa thải hơn 20% nhân viên của mình, tương đương hơn 1,600 nhân viên. 

Zoom đã thông báo cắt giảm 15% lực lượng lao động, sa thải khoảng 1,300 người. 

Ông Eric Yuan, Giám đốc điều hành của Zoom, cho biết trong một tin nhắn gửi nhân viên, “Sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đối với khách hàng của chúng ta, có nghĩa là chúng ta cần phải xem xét thận trọng — và trọng yếu — tình hình nội tại nhằm thiết lập lại bản thân để có thể vượt qua môi trường kinh tế, đáp ứng khách hàng và đạt được tầm nhìn dài hạn của Zoom.” 

Đại công ty hàng không vũ trụ Boeing đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 2,000 việc làm trong bộ phận tài chính và nhân sự của công ty vào năm 2023. 

Tháng 01/2023

Dow Chemical đã công bố một loạt các hành động để đạt được khoản tiết kiệm chi phí 1 tỷ USD vào năm 2023, trong đó có việc sa thải 2,000 nhân viên khỏi lực lượng lao động toàn cầu của mình. 

Ông Jim Fitterling, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hãng Dow, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang thực hiện những hành động này để tiếp tục tối ưu hóa cấu trúc chi phí và ưu tiên các hoạt động kinh doanh hướng tới các thị trường có định hướng tăng trưởng, có lợi thế về chi phí, và cạnh tranh nhất của chúng tôi.” 

IBM tuyên bố sẽ sa thải 3,900 nhân viên, như một phần của việc thoái vốn một số tài sản. 

Công ty mẹ của Google, Alphabet, tuyên bố sẽ cắt giảm 12,000 nhân viên. Trong một thư điện tử nội bộ, Giám đốc điều hành của Alphabet, ông Sundar Pichai, cho biết ông “chịu hoàn toàn trách nhiệm” về việc cắt giảm số lượng nhân viên này. 

Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết công ty sẽ “thực hiện những thay đổi dẫn đến việc cắt giảm tổng lực lượng lao động của chúng ta xuống 10,000 việc làm cho đến cuối quý 3 tài khóa 2023.” Ông nói thêm, việc sa thải sẽ ảnh hưởng đến ít hơn 5% lực lượng lao động của công ty. 

Một chiếc tai nghe phía trước màn hình chiếu logo Spotify, ngày 01/04/2018. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters) 

Spotify tuyên bố họ sẽ cắt giảm 6% lực lượng lao động, tương đương khoảng 600 nhân viên, như một phần trong các biện pháp cắt giảm chi phí của công ty. 

Trong một hồ sơ tại SEC, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu NetApp cho biết họ sẽ cắt giảm 8% lực lượng lao động, tương đương khoảng 960 nhân viên. 

Trong một thư điện tử gửi cho các nhân viên được nằm trong hồ sơ tại SEC, giám đốc điều hành NetApp, ông George Kurian, cho biết: “Các công ty đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thách thức, điều này đang thúc đẩy sự thận trọng hơn trong chi tiêu cho CNTT. Chúng tôi không tránh khỏi những thách thức này.” 

Workday có trụ sở tại California, một nhà cung cấp phần mềm dựa trên đám mây, đã công bố kế hoạch sa thải 3% lực lượng lao động toàn cầu của mình.

Hôm 31/01, PayPal cho biết họ sẽ sa thải khoảng 2,000 nhân viên trong những tuần tới, tương đương khoảng 7% tổng lực lượng lao động do “môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức.”

Vân Du biên dịch


EU nhắm vào các công ty Trung Quốc trong gói chế tài Nga 

09/05/2023 

Reuters 

Chủ tich Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. 

Cơ quan điều hành của Liên hiệp Châu Âu đề nghị đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen và hạn chế xuất khẩu sang các quốc gia được coi là có liên quan đến việc né tránh các hạn chế thương mại với Nga dưới các chế tài mới nhắm vào Nga vì cuộc chiến chống Ukraine.

27 quốc gia thành viên EU – tất cả phải đồng ý để các biện pháp trừng phạt mới được ban hành – sẽ có cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 10/5 về đề nghị của cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại của Ủy ban châu Âu, một số nguồn tin ngoại giao cho biết hôm 8/5.

Các nguồn tin nói, đề nghị này tập trung vào việc chống lại việc lách các hạn chế thương mại hiện có thông qua các nước thứ ba, sau khi EU xác định Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng như các quốc gia ở Trung Á và Kavkaz là thủ phạm tiềm ẩn.

Các nhà ngoại giao quen thuộc với đề nghị này cho biết 7 công ty ở Trung Quốc sẽ bị đóng băng tài sản ở EU, đây sẽ là lần đầu tiên EU trừng phạt Trung Quốc vì những cáo buộc về vai trò của Bắc Kinh trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ngày 8/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói Bắc Kinh kêu gọi EU không đi theo “con đường sai trái” và rằng họ sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

“Trung Quốc phản đối các hành động sử dụng sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga như một cái cớ để áp đặt các chế tài bất hợp pháp hoặc quyền tài phán dài hạn đối với Trung Quốc”, ông Uông nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Tờ Financial Times đưa tin hôm 8/5 rằng các công ty liên quan là Công ty bán dẫn 3HC và Công nghệ King-Pai có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, cũng như Sinno Electronics, Công nghệ Sigma, Liên kết Châu Á Thái Bình Dương, Công nghiệp Tordan và Đầu tư Thương mại Alpha tại Hong Kong.

Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu ngày 8/5 xác nhận đề nghị này đã được gửi tới các quốc gia thành viên và nhằm khắc phục các lỗ hổng trong các hạn chế thương mại của Nga nhưng từ chối cung cấp chi tiết.

Theo các nguồn tin, EU cũng có thể mở rộng danh sách hàng hóa bị cấm vận chuyển bằng đường bộ qua Nga khi khối này cố gắng ngăn cản cung cấp công nghệ cho Moscow được sử dụng trên chiến trường chống lại Ukraine.

Trong số những người bị đưa vào danh sách đen cũng có những cá nhân được coi là có liên quan đến việc trục xuất trẻ em Ukraine và vận chuyển sản phẩm văn hóa đến Nga từ vùng chiến sự ở Ukraine, các nguồn tin cho biết.

Trong gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga kể từ khi nước này xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khối này sẽ đưa ra một cơ chế mới để cắt giảm xuất khẩu sang các nước thứ ba được coi là có liên quan đến việc né tránh các lệnh trừng phạt.

Một nhà ngoại giao EU nói: “Hiện tại nó sẽ là một con tàu trống và sau đó có thể được lấp đầy khi cần thiết”.

Dựa trên phân tích dữ liệu xuất khẩu của Đức kể từ cuộc xâm lược của Nga, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cho biết vào tháng 2 năm ngoái rằng một số hoạt động thương mại bị cấm của EU đang chảy vào Nga qua Caucasus và Trung Á.

“Phân tích… cho thấy xuất khẩu trực tiếp từ EU sang Nga giảm mạnh sau khi áp dụng các chế tài vào tháng 3/2022. Đồng thời, xuất khẩu của EU sang Armenia, Kazakhstan và Cộng hòa Kyrgyzstan tăng lên… theo quan sát.”

EBRD nói: “Cả hai mô hình này đều đặc biệt rõ ràng đối với các nhóm sản phẩm chịu một phần hoặc toàn bộ lệnh trừng phạt của EU cũng như hàng hóa tương tự với các sản phẩm bị trừng phạt”.

Một số nguồn tin cho rằng các cuộc thảo luận giữa các nước thành viên có thể kéo dài và căng thẳng vì đề nghị này có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ kinh tế và chính trị.

Một nguồn tin ngoại giao thứ hai nói: “Tôi cũng không mong đợi một quyết định vào ngày 10/5 hoặc tuần tới. Các quốc gia thành viên sẽ có nhiều ý kiến về việc liệu đây có phải là một con đường tốt hay không, nó sẽ thực sự ảnh hưởng đến họ như thế nào.”

Đề nghị kể trên nêu bật sự sẵn sàng ngày càng tăng của EU nhắm vào các nước thứ ba và các thực thể nước ngoài bằng các chế tài, mặc dù khối này từ lâu đã khẳng định rằng họ không thực hiện các biện pháp ngoài lãnh thổ giống như Hoa Kỳ.

Một nhà ngoại giao thứ ba của EU, người trực tiếp tham gia soạn thảo các chế tài, cho biết: “Cho dù chúng tôi có muốn thừa nhận hay không thì rõ ràng đó là cách mọi thứ đang diễn ra.”

Riêng trong ngày 8/5, Nga đã phát động làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất trong nhiều tháng vào Ukraine, leo thang các cuộc tấn công trước thềm ngày lễ 9/5 kỷ niệm sự thất bại của Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai.


XEM THÊM:

Tags: , , , , ,

Comments are closed.