Thời sự Thứ hai 11/3/2024: *Đức chỉ trích Vatican kêu gọi Kiev ‘‘giương cờ trắng’’ *Nhân viên đại sứ Mỹ rời Haiti, tăng cường an ninh *Lưu Kiến Siêu: Ứng viên sáng giá ngoại trưởng TQ *Vương Nghị đưa 4 câu hỏi cho Hoa Kỳ, nhưng bị bác bỏ *Các nước tìm cách giải quyết tình hình ở Haiti *


Võ Thái Hà tổng hợp


Chiến tranh Ukraina: Đức chỉ trích Vatican kêu gọi Kiev ‘‘giương cờ trắng’’

Trọng Thành /RFI – 11/3/2024

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua, 10/03/2024, đã chỉ trích gay gắt giáo hoàng Phanxicô, sau khi nhà lãnh đạo Giáo hội Công Giáo kêu gọi Ukraina ‘‘giương cờ trắng’’ và chấp nhận thương lượng với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh. Chính quyền Kiev cũng lên án mạnh mẽ lập trường của giáo hoàng. 

Germany's Foreign Minister Annalena Baerbock and Ukrainian counterpart Dmytro Kuleba light candles as they visit the Transfiguration Cathedral, damaged last year by a Russian missile strike, on the se

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Ukraina Dmytro Kuleba đến thăm một nhà thờ bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Odesa, Ukraina, ngày 24/02/2024. via REUTERS – UKRAINIAN FOREIGN MINISTRY 

AFP cho hay, trên kênh truyền hình Đức ARD, ngoại trưởng Annalena Baerbock khẳng định bà ‘‘không thể hiểu nổi’’ lập trường của giáo hoàng. Nói về trẻ em Ukraina đang gánh chịu bao đau khổ vì chiến tranh, bà Annalena Baerbock chất vấn: ‘‘Tôi tự hỏi: Giáo hoàng đang ở đâu? Giáo hoàng ắt phải biết về những điều này”.

Lãnh đạo ngoại giao Đức giải thích, nếu Ukraina và các đồng minh ‘‘không thể hiện sức mạnh vào lúc này thì sẽ không thể có hòa bình’’, đồng thời nhấn mạnh: ‘‘Chúng ta phải sát cánh với Ukraina và làm mọi cách để đảm bảo quốc gia này có thể tự vệ”.

Về phía Ukraina, ngoại trưởng Dmytro Kuleba, trong một tin nhắn trên mạng X,  khẳng định : ‘‘Quốc kỳ của Ukraina mang hai màu vàng và xanh. Chính là vì lá cờ này mà chúng tôi sống, hy sinh và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ treo những lá cờ khác’’. Lãnh đạo ngoại giao Ukraina cũng nhắc lại bài học lịch sử: ‘‘Khi nói đến cờ trắng, chúng ta biết rõ chiến lược của Vatican trong nửa đầu thế kỷ 20. Tôi kêu gọi Vatican tránh lặp lại những sai lầm trong lịch sử và ủng hộ Ukraina cũng như người dân nước này trong cuộc tranh đấu vì sự tồn vong của Ukraina”. Phát biểu của ngoại trưởng Ukraina ngụ ý nhắc đến quan hệ của Giáo hội với chế độ Đức Quốc xã trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.

Trong bài phát biểu hàng ngày qua video hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh : ‘‘Những kẻ sát nhân và đao phủ Nga không thể tiến sâu hơn vào châu Âu chỉ vì họ bị người Ukraina đẩy lùi, với vũ khí trên tay và dưới lá cờ xanh vàng” của Ukraina.

Trong buổi trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình công Thụy Sĩ RTS, được thu hình đầu tháng 2 và được phát hôm thứ Bảy 09/03, giáo hoàng Phanxicô kêu gọi chính quyền Ukraina ‘‘đừng hổ thẹn khi chấp nhận thương thuyết, trong bối cảnh tình hình đang trở nên tồi tệ hơn’’. Theo AFP, ngay trong tối 09/03, Vatican đã ra một thông cáo giải thích hình ảnh ‘‘giương cờ trắng’’ mà giáo hoàng đưa ra không phải là để khuyến khích Ukraina ‘‘đầu hàng’’, mà là ‘‘dũng cảm chấp nhận đình chiến’’ để thương lượng tìm giải pháp cho hòa bình.


Quân đội Mỹ đưa nhân viên đại sứ quán rời Haiti, tăng cường an ninh 

11/03/2024 – Reuters 

Binh sĩ Mỹ trên nóc Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Haiti năm 2022. [Ảnh minh họa]

Binh sĩ Mỹ trên nóc Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Haiti năm 2022. [Ảnh minh họa] 

Quân đội Hoa Kỳ hôm 10/3 cho biết đã thực hiện một chiến dịch không vận ở Haiti để đưa các nhân viên đại sứ quán không cần thiết ra khỏi nước này và bổ sung lực lượng Hoa Kỳ tăng cường an ninh cho đại sứ quán, trong khi quốc gia Caribe này bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Hoạt động này là dấu hiệu mới nhất cho thấy các khó khăn của Haiti khi bạo lực băng đảng đe dọa lật đổ chính phủ và khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

“Việc không vận nhân sự vào và ra khỏi đại sứ quán phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn của chúng tôi về tăng cường an ninh cho đại sứ quán trên toàn thế giới và không có người Haiti nào trên máy bay quân sự”, Bộ Tư lệnh miền Nam của quân đội Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Haiti đã rơi vào tình trạng khẩn cấp vào Chủ nhật tuần trước sau khi giao tranh leo thang trong khi Thủ tướng Ariel Henry đang ở Nairobi để tìm kiếm một thỏa thuận cho sứ mệnh do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã bị trì hoãn từ lâu.

Kenya tuyên bố vào năm ngoái rằng họ sẽ lãnh đạo lực lượng này nhưng nhiều tháng tranh chấp pháp lý trong nước đã khiến sứ mệnh này phải tạm dừng.

Hôm 9/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với Tổng thống Kenya William Ruto về cuộc khủng hoảng Haiti và hai người đã nhấn mạnh cam kết của họ đối với sứ mệnh an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự.

Trong tuyên bố của Bộ Tư lệnh miền Nam, Bộ cho biết rằng Washington vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu đó.

“Đại sứ quán của chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ người dân Haiti, bao gồm huy động sự hỗ trợ cho Cảnh sát Quốc gia Haiti, đẩy nhanh việc triển khai sứ mệnh Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia (MSS) được Liên Hợp Quốc ủy quyền và đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, Bộ nói.


Lưu Kiến Siêu: Ứng viên sáng giá cho ghế ngoại trưởng Trung Quốc là ai?

BBC News – 10 tháng 3 2024

Ông Lưu Kiến Siêu

Nguồn hình ảnh, VCG/VCG thông qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Lưu Kiến Siêu, khi giữ chức Phó Giám đốc Văn phòng của Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một cuộc họp báo vào ngày 26/8/2021 ở Bắc Kinh 

Ngoại trưởng Tần Cương bị bãi chức và biến mất một cách bí ẩn từ mùa hè năm ngoái. Vương Nghị lên thay, có vẻ chỉ tạm thời. Lưu Kiến Siêu được đánh giá sẽ là ngoại trưởng kế tiếp. 

Trong kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa 14 (từ 5-11/3), một quan chức Trung Quốc là cựu sinh viên Đại học Oxford đang thu hút sự chú ý. Giới quan sát nhận định ông này rất có khả năng sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung Quốc, theo bài viết của Reuters.

Hài hước, nói tiếng Anh lưu loát

Ông Lưu Kiến Siêu, 60 tuổi, hiện là người đứng đầu Ban Liên lạc Đối ngoại của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ này vào năm 2022, ông Lưu đã đi công tác đến hơn 20 quốc gia và gặp quan chức từ hơn 160 nước.

Lịch trình dày đặc của ông Lưu, đặc biệt là các cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington vào đầu năm nay, đã làm nảy sinh nhận định rằng ông đang được “đo ni đóng giày” để trở thành tân ngoại trưởng.

Trước khi đảm nhiệm chức vụ đối ngoại trong đảng, ông từng làm đại sứ tại Indonesia, Philippines và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.

Khả năng ông Lưu được bổ nhiệm vẫn chưa chắc chắn, vì quy trình bổ nhiệm của chính phủ Trung Quốc thường không minh bạch.

Nhưng nếu được chọn, ông Lưu sẽ được giao trọng trách quản lý mối quan hệ với Washington giữa lúc hai bên đang muốn tái thiết quan hệ sau thời kỳ căng thẳng chưa từng có liên quan đến các vấn đề từ thương mại cho đến Đài Loan.

“Gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào chẳng thể cả ngày,” ông Lưu nói (câu này mượn của Lão Tử) với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới (World Peace Forum) tại Bắc Kinh hồi năm ngoái, sự kiện khắc họa Trung Quốc như một nhân tố hòa bình.

Những nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đã gặp ông Lưu gần đây nói với Reuters rằng họ thích vốn tiếng Anh thành thạo của ông này, thích phong cách tự tin và cởi mở, và về khả năng nhận câu hỏi và tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận, dù không có chuẩn bị trước.

Các nguồn tin của Reuters nói rằng ông Lưu được lòng nhiều người và có uy tín trong Bộ Ngoại giao, là một người thân thiện, ấm áp và dễ mến.

“Đây là sự thay đổi được hoan nghênh nếu so với các nhà ngoại giao Trung Quốc khác, những người nói chuyện ‘bề trên’ theo kiểu ‘chiến lang’ hoặc cứ lặp lại các thông điệp được soạn sẵn,” một nhà ngoại giao nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Một người khác bổ sung, “kiểu ngoại giao xưa đã trở lại”.

Ngoại trưởng đương nhiệm, ông Vương Nghị, 70 tuổi, một nhà ngoại giao có bề dày kinh nghiệm, đã được tái bổ nhiệm vào vị trí này sau khi Tần Cương, một nhân vật thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình, bị sa thải hồi tháng 6/2023, chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, theo sau các tin đồn về ngoại tình.

Sinh tại tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc, ông Lưu tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và học quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford trước khi đảm trách nhiệm vụ đầu tiên là biên dịch viên tại Bộ Ngoại giao.

Ông đã làm việc cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh và sau đó là đảm nhận chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia và Philippines.

Trong thời gian giữ vai trò là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lưu được biết đến với những phát biểu hài hước đầy ngẫu hứng khi lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo vào năm 2008, khi được hỏi về chuyện một phóng viên Iraq ném giày vào Tổng thống Mỹ George W. Bush, ông Lưu đã trả lời: “Có lẽ tôi cần quan sát để biết, không chỉ những ai đang giơ tay, mà còn cả những người đang tháo giày.”

‘Chiến lang’ phiên bản mềm mỏng hơn

Ông Lưu Kiến Siêu gặp ông Antony Blinken

Nguồn hình ảnh, ROBERTO SCHMIDT/AFP thông qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu (ngồi chính giữa, hàng bên phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 12/1 tại thủ đô Washington DC

Neil Thomas, một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc từ tổ chức phi chính phủ Asia Society (Hội châu Á), nói ông Lưu là ứng viên sáng giá nhất cho ghế ngoại trưởng Trung Quốc tiếp theo và kỳ họp quốc hội đang diễn ra là dịp quan trọng để công bố một quyết định như vậy.

“Bắc Kinh đang nỗ lực tạo một hình ảnh thân thiện hơn với thế giới để giúp bình ổn thị trường, vực dậy vốn đầu tư nước ngoài và làm chậm quá trình phương Tây kìm hãm các mối liên kết kinh tế của Trung Quốc,” ông Thomas nhận định.

Nhưng dù đã làm mềm đường lối ngoại giao “chiến lang”, Trung Quốc vẫn không thay đổi tham vọng đóng một vai trò quyền lực hơn trong các vấn đề quốc tế, ông đánh giá thêm.

“Trung Quốc vẫn theo đuổi các mục tiêu ấy nhưng với chiến lược thông minh hơn.”

Sự nghiệp ngoại giao của ông Lưu đã có một bước chuyển bất thường hồi năm 2015, khi ông được chuyển sang hai vị trí phụ trách chống tham nhũng.

Vị trí thứ nhất là tại văn phòng quốc tế của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, nơi ông phụ trách giám sát và phối hợp dẫn độ về nước các quan chức tham nhũng đã chạy ra nước ngoài.

Vị trí thứ hai là tại tỉnh Chiết Giang, nơi ông hỗ trợ cải cách chiến dịch chống tham nhũng, một công tác rất quan trọng đối với công cuộc chống tham nhũng của Tập Cận Bình, và mô hình này sau đó đã được triển khai trên toàn quốc.

“Ông Lưu, với quá trình chống tham nhũng và quản lý cấp đảng địa phương, đã tạo dựng được uy tín về lòng trung thành với đảng và với Tập Cận Bình,” Dennis Wilder, một chuyên gia về Trung Quốc từ Đại học Georgetown, nói.

Ông Lưu quay trở lại ngành ngoại giao vào năm 2018, làm việc tại Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với vai trò là phó chủ nhiệm ủy ban này, ông Lưu đã làm việc chặt chẽ để hỗ trợ Dương Khiết Trì, khi đó là nhà ngoại giao cấp cao và là cựu ngoại trưởng của Trung Quốc.

Một lần nữa quay trở lại vị trí ngoại trưởng kể từ hồi tháng 7, ông Vương Nghị vẫn giữ vị trí khác của mình là nhà ngoại giao cao nhất của Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là một cơ quan cấp cao do Tập Cận Bình làm chủ tịch, có tiếng nói mạnh hơn Bộ Ngoại giao liên quan đến chính sách ngoại giao.

Đây là lý do tại sao nhiều người xem Vương Nghị chỉ là một giải pháp tạm thời cho đến khi tìm được một nhân vật thay thế mang tính lâu dài hơn thay cho Tần Cương.

Hiện nay, giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn kín tiếng, mặc dù họ nói với các nhà ngoại giao rằng ông Lưu tuổi Thìn và năm 2024 là năm Rồng, một năm mà “những điều tốt đẹp sẽ xảy đến”, theo Reuters tường thuật.


Tại Lưỡng Hội, ông Vương Nghị đưa ra 4 câu hỏi cho Hoa Kỳ, nhưng đã nhanh chóng bị bác bỏ

Tiêu Luật Sinh – Lý Ngọc biên dịch

Tại Lưỡng Hội, ông Vương Nghị đưa ra 4 câu hỏi cho Hoa Kỳ, nhưng đã nhanh chóng bị bác bỏ

Vào ngày 7/3/2024, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, đã tham dự cuộc họp báo của Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 tại Bắc Kinh. (PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images) 

Trong một cuộc họp báo gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đặt ra bốn vấn đề và chỉ trích Mỹ. Ngày 9/3, Dư Mậu Xuân, cựu cố vấn Trung Quốc hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã viết bài để phản bác từng điểm của Vương Nghị.

Ngày 7/3, trong cuộc họp báo tại Đại hội đồng Quốc gia Trung Quốc, với chủ đề ngoại giao, Vương Nghị đã đặt ra bốn câu hỏi khi nhắc đến Hoa Kỳ và đổ lỗi cho Mỹ khi trả lời câu hỏi từ phóng viên của Bloomberg về vấn đề quan hệ Mỹ – Trung. Ngày 9/3, ông Dư Mậu Xuân, cựu cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đăng bài viết trên nền tảng X để phản bác từng điểm của ông Vương Nghị.

Ông Vương Nghị tuyên bố rằng nếu Mỹ luôn nói một điều và làm một điều nẻo, thì danh dự của một cường quốc sẽ ở đâu? Ông Dư Mậu Xuân cho biết, đó là vì những gì Mỹ nói là chuẩn mực quốc tế, trong khi những gì đảng Cộng sản Trung Quốc nói là tự mãn và theo ý muốn đơn phương. Chính quyền Trung Quốc đã mất mọi danh dự từ lâu, trở thành một cá nhân cô lập trên sân khấu quốc tế và là nguồn gốc của rủi ro xung đột. Trong nước, mọi người đã từ lâu trở nên chìm đắm trong tư duy lợi ích cá nhân và giới trẻ chỉ muốn ‘nằm thẳng’. Niềm tin và danh dự không còn được liên kết với quốc gia.

Ông Vương Nghị tiếp tục hỏi rằng, nếu Mỹ cảm thấy lo lắng và căng thẳng mỗi khi nghe hai chữ “Trung Quốc”, thì sự tự tin của một cường quốc ở đâu? Ông Dư Mậu Xuân đáp rằng, người Mỹ, người Trung Quốc và toàn thế giới đều cảm thấy vui mừng khi nghe hai chữ “Trung Quốc”, nhưng lại cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi nghe đến “đảng Cộng sản Trung Quốc” vì “đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù của tự do”.

Ông Dư Mậu Xuân đồng thời đặt lại câu hỏi đối với ông Vương Nghị: “Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại cảm thấy lo lắng và căng thẳng mỗi khi nghe hai chữ ‘Hoa Kỳ’ – đại diện cho tự do dân chủ, vậy thì tự tin của chính quyền Trung Quốc ở đâu?”

Ông Vương Nghị còn hỏi rằng, nếu Mỹ chỉ cho phép mình phát triển thịnh vượng mà không cho phép các quốc gia khác phát triển một cách hợp pháp, thì nguyên tắc quốc tế ở đâu? Ông Dư Mậu Xuân phản bác rằng, đó là vì tham vọng sự phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc không hợp pháp và vi phạm nguyên tắc quốc tế.

Ông Vương Nghị cuối cùng hỏi rằng, nếu Mỹ cố ý độc quyền phần cao nhất của chuỗi giá trị và chỉ để Trung Quốc ở mức thấp hơn, thì nguyên tắc cạnh tranh công bằng ở đâu?

Ông Dư Mậu Xuân bác bỏ, đó là vì chính quyền Trung Quốc lợi dụng cơ chế cạnh tranh công bằng quốc tế để phá hoại nguyên tắc cạnh tranh công bằng, đe dọa hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Không chỉ Mỹ đề phòng, mà các nền kinh tế thị trường toàn cầu đều đang tích cực ngăn chặn các hành vi và chính sách của Trung Quốc đang chống lại thị trường.

Trong cuộc họp báo này, phần lớn các phóng viên đặt câu hỏi đến từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc.

Ngày 7/3, giáo sư danh dự của Học viện Quốc tế, Đại học Quốc gia Chính trị Đài Loan, Đinh Thụ Phạm, cho biết trong một phát biểu với The Epoch Times rằng, “dù cuộc họp báo này có một số phương tiện truyền thông phương Tây như Bloomberg, nhưng phần lớn là các phương tiện truyền thông đến từ quốc gia thế giới thứ ba, bao gồm châu Phi, Ai Cập, Nga, v.v. Cảm giác của tôi là ông Vương Nghị đang trình diễn một vở kịch”.


Liệu Nhật có suy thoái trong quý 4 năm ngoái hay không?

Vào thứ Hai, Nhật Bản sẽ công bố ước tính GDP trong quý cuối năm 2023. Các ước tính ban đầu cho thấy mức giảm 0,4%, đánh dấu quý giảm thứ hai liên tiếp. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Nhật Bản đang suy thoái về mặt kỹ thuật. Nhờ chi tiêu vốn mạnh mẽ, các nhà kinh tế kỳ vọng những con số điều chỉnh được công bố hôm nay sẽ tươi sáng hơn – có lẽ đủ màu hồng để khẳng định Nhật Bản không bị suy thoái. Tuy vậy, tiêu dùng có lẽ vẫn chậm, gây nghi ngờ về sức khoẻ của nền kinh tế.

Những khó khăn kinh tế thực sự trái ngược với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Lợi nhuận doanh nghiệp bội thu, đồng yên yếu, và lợi nhuận cổ đông tăng đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế quay trở lại Nhật Bản. Chỉ số chứng khoán Nikkei chuẩn đã tăng khoảng 20% kể từ đầu năm, phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào năm 1989. Để nền kinh tế phát triển như thị trường chứng khoán, các công ty sẽ cần tăng lương đủ cao để khuyến khích tăng cầu nội địa.


Các nước tìm cách giải quyết tình hình ở Haiti

Vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo vùng Caribe dự kiến sẽ họp tại Jamaica để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Haiti. Họ đã mời các quan chức từ các nước khác, bao gồm Mỹ, Canada, và Pháp. Các băng đảng đang kiểm soát 80% Port-au-Prince, thủ đô của Haiti. Vào đầu tháng, họ đã chiếm các tòa nhà quan trọng như đồn cảnh sát và văn phòng chính phủ, đồng thời tấn công sân bay. Thủ lĩnh băng đảng nổi bật nhất cho biết mục đích là lật đổ thủ tướng Ariel Henry. Ông đã nắm quyền không qua bầu cử kể từ vụ ám sát tổng thống Haiti vào năm 2021 và rất không được lòng dân.

Các nhà lãnh đạo Caribe có thể gây thêm áp lực buộc ông Henry phải từ chức. Ông đang ở Puerto Rico, và không thể trở về Haiti một cách an toàn. Việc ông từ chức có thể mở đường cho một chính phủ chuyển tiếp và sau đó là bầu cử. Nhưng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cũng đều phụ thuộc vào một phái đoàn an ninh như dự kiến. Kenya đã đồng ý dẫn đầu phái đoàn do Liên Hợp Quốc ủy quyền, nhưng vẫn chưa có đủ tiền và binh lính do các nước ngần ngại triển khai quân. Dù có hay không có ông Henry, con đường phía trước của Haiti vẫn đầy chông gai.


Tổng thống Biden sắp công bố đề xuất ngân sách

Dù Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về ngân sách năm nay, đàm phán về ngân sách cho năm tới sẽ sớm bắt đầu. Vào thứ Hai, Joe Biden sẽ công bố kế hoạch của ông cho năm tài khoá sắp tới. Kế hoạch chi tiết của tổng thống không có cơ hội trở thành luật vì đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện. Nhưng ngân sách là cơ hội để ông nêu bật những ưu tiên của mình trước cuộc bầu cử tổng thống.

Ông có thể sẽ đề xuất một phiên bản mới của Bidenomics (kinh tế kiểu Biden). Kế hoạch này có thể bao gồm việc tăng chi tiêu cho bảo hiểm y tế người già, tín dụng thuế cho các gia đình trẻ, và tăng hỗ trợ cho các trường mầm non. Để chi trả cho các khoản đó, ông Biden sẽ kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với các tập đoàn và người giàu. Đảng Cộng hòa sẽ gọi đó là ngân sách đánh thuế và chi tiêu liều lĩnh; nhưng ông Biden coi đó là điều cần thiết cho tương lai của đất nước. Chính sách tài khóa có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết cử tri. Nhưng những người quan tâm sẽ có hai tầm nhìn hoàn toàn khác nhau để lựa chọn trong tháng 11.

Giải thưởng điện ảnh Oscar : « Oppenheimer » được vinh danh với bảy tượng vàng

Minh Anh /RFI

11/3/2024

Đứng đầu các danh sách đề cử, « Oppenheimer », bộ phim của đạo diễn người Mỹ gốc Anh Christopher Nolan phác họa chân dung cha đẻ bom nguyên tử, hôm qua, 10/03/2024, đã được trao giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất cùng với 6 giải thưởng khác. Nữ đạo diễn người Pháp, Justine Triet, ra về với tượng vàng Oscar kịch bản phim độc đáo nhất cho bộ phim « Anatomie d’une chute  » ( Kỳ án trên đồi tuyết ). 

Jennifer Lame, winner of the award for best film editing for "Oppenheimer," left, and Cillian Murphy, winner of the award for best performance by an actor in a leading role for "Oppenheimer" pose at t

Jennifer Lame, đoạt giải Biên tập phim xuất sắc nhất và Cillian Murphy, đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim “Oppenheimer”, sau lễ trao giải Oscar ngày 10/03/2024, Los Angeles, Hoa Kỳ. John Locher/Invision/AP – John Locher 

Từ Hollywood, thông tín viên đài RFI, Loic Pialat tường thuật :

« Bản nhạc trong phim đồng hành cùng Justine Triet và Arthur Harari bước lên sân khấu. Khán giả Mỹ rất thích ca khúc nhạc nền này của nhạc sĩ rap 50 Cent. Họ cũng yêu thích kịch bản phim “Kỳ án trên đồi tuyết”, từng đoạt giải Quả Cầu Vàng.

Nữ đạo diễn Justine Triet phát biểu : “Sự phong phú của điện ảnh là điều mà tôi luôn thiết tha. Tôi rất mê những tác phẩm đồ sộ, nhưng tôi cũng rất yêu thích những phim có quy mô nhỏ. Thật tuyệt vời khi thấy tại lễ trao giải Oscar, chúng ta thật sự coi trọng những bộ phim như thế.”

Nhưng bộ phim thắng lớn trong đêm trao giải chính là “Oppenheimer”. Bảy giải thưởng, trong đó có giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, đã được Steven Spielberg trao cho Christopher Nolan, như một sự “chuyển tiếp thế hệ” từ một nhà điện ảnh lớn này sang một nhà điện ảnh lớn khác.

Đạo diễn Christophe Nolan nói : “Nền điện ảnh chỉ mới hơn 100 tuổi một chút. Hãy tượng tượng là quý vị thấy lại mình sau 100 năm hội họa hay kịch nghệ,  không biết là cuộc phiêu lưu thú vị này sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Nhưng việc ban giám khảo giải Oscar đánh giá cao vai trò của tôi trong chuyện này thật sự là một điều có ý nghĩa quan trọng đối với tôi. Xin cảm ơn ban giám khảo.”  

Emma Stone, rất xúc động, chỉ mới 35 tuổi đã giành được chiếc tượng vàng thứ hai cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim “Poor Things ».

Barbie, bộ phim ra rạp thành công nhất trong năm 2023, kém tỏa sáng hơn tại giải Oscar, nhưng màn trình diễn ca khúc ‘I’m just Ken’, do ca sĩ Ryan Gosling trình bày, đã làm không khí đêm trao giả thật sôi động. Nhưng chính bài hát “What was I made for” của Billie Eilish, một bài hát khác của phim, đã giành tượng vàng Oscar. »


Comments are closed.