Thời sự Thứ Năm 18/05/2023: *Ukraine nhấn mạnh ‘‘toàn vẹn lãnh thổ’’ với TQ *TQ: Viện trợ qs cho Myanmar; đồn công an ở Berlin; tàu đánh cá chìm ở Ấn Độ Dương; đe dọa Đài Loan độc lập *Ukraine: đứng đầu Tòa Tối cao bị bắt vì hối lộ *31 xe tăng Abrams Mỹ đã đến Đức


Võ Thái Hà tổng thợp


Ukraina nhấn mạnh với đặc sứ Trung Quốc nguyên tắc ‘‘toàn vẹn lãnh thổ’’

18/5/2023

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba (giữa, trái) và đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (ảnh giữa, bên phải) tại Kiev, Ukraina, ngày 17/05/2023. AP 

Trọng Thành /RFI

2 phútHôm qua, 17/05/2023, tại Kiev, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã tiếp đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Trong cuộc gặp, lãnh đạo ngoại giao Ukraina khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị hòa bình nào bao gồm việc nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, hoặc ‘‘đóng băng’’ xung đột. 

Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qau ra thông cáo cho biết ngoại trưởng Kuleba đã giải thích chi tiết cho đặc sứ Trung Quốc ‘‘về những nguyên tắc thiết lập một nền hòa bình bền vững và công bằng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina’’. Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Ukraina một mặt khẳng định nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác cũng thừa nhận ‘‘vai trò quan trọng’’ của Bắc Kinh trong các nỗ lực hướng đến chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga.

Về phần mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay ra một thông báo về cuộc hội kiến nói trên, theo đó đặc sứ của Bắc Kinh đã kêu gọi Ukraina và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’.

Đặc sứ Lý Huy là thứ trưởng Ngoại Giao, đặc trách các vấn đề châu Âu và Trung Á, nguyên là đại sứ tại Nga, từ 2009 đến 2019. Theo Bắc Kinh, ông Lý Huy có sứ mạng thảo luận về việc ‘‘tìm ra giải pháp chính trị’’ cho cuộc xung đột tại Ukraina trong vòng công du châu Âu, mở đầu với chặng đầu là Kiev. Trả lời AFP, một giới chức cao cấp Ukraina, xin ẩn danh, cho biết tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ‘‘có thể’’ tiếp đặc sứ Trung Quốc.

Đặc sứ Trung Quốc sẽ đến Pháp vào đầu tuần tới, tiếp theo đó là Đức. Tối hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Roudenko cho biết ông Lý Huy có thể tới Matxcơva vào cuối tháng 5, tuy nhiên thời điểm cụ thể chưa được xác định.

Cho đến nay, Bắc Kinh, đối tác mật thiết của Matxcơva, chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Hồi cuối tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất một ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’ cho Ukraina, nhưng các nước phương Tây đã tỏ vẻ hoài nghi về kế hoạch này


Chuyên gia LHQ nói Nga, Trung Quốc viện trợ quân sự cho quân đội Myanmar

Liên Thành

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters). 

Quân đội Myanmar đã nhập khẩu ít nhất 1 tỷ đô la Mỹ vũ khí và các vật liệu khác kể từ khi tổ chức cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021. Thông tin này được một chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết vào ngày 17/4 trong một báo cáo mới chỉ trích Nga và Trung Quốc vì đã hỗ trợ cho chính quyền quân sự Myanmar đàn áp phe đối lập.

Ông Tom Andrews, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar cho biết, máy bay trực thăng Mi-35 do Nga sản xuất, chiến đấu cơ MiG-29 và máy bay hạng nhẹ Yak-130, và máy bay phản lực K-8 của Trung Quốc, thường được chính quyền quân đội Myanmar sử dụng để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào trường học, cơ sở y tế, nhà ở và các địa điểm dân sự khác.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, quân đội Myanmar đã tấn công vào một ngôi làng ở vùng Sagaing vào ngày 11 tháng 4 đã giết chết ít nhất 160 người, trong đó có gần 40 trẻ em.

Ông Andrews nói trong một tuyên bố: “Tin tốt là giờ đây chúng ta biết ai đang cung cấp những loại vũ khí này”. Ông đồng thời kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc “đẩy mạnh và ngăn chặn dòng chảy vũ khí” bằng lệnh cấm hoàn toàn việc chuyển giao cho quân đội Myanmar, thực thi các lệnh cấm hiện có và các biện pháp trừng phạt phối hợp.

Cảnh sát bắt một người biểu tình tại thành phố Mawlamyine, Myanmar. (Ảnh: AFP). 

Chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã sử dụng dữ liệu thương mại để mô tả chi tiết việc chuyển giao vũ khí và các hàng hóa khác, bao gồm cả nguyên liệu thô để sản xuất vũ khí trong nước của Myanmar. Kể cuộc đảo chính, Nga và Trung Quốc đã cung cấp các vật tư lần lượt trị giá 406 triệu đô la và 267 triệu đô la cho quân đội Myanmar.

Các thực thể thuộc sở hữu nhà nước và công ty khác ở Ấn Độ, các công ty ở Singapore,và Thái Lan cũng tham gia chuyển giao vật tư cho quân đội Myanmar.

Báo cáo cho biết, khoảng 227 triệu USD hàng hóa đến từ Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước của Moscow. Công ty này đã chuyển máy bay chiến đấu SU-30, vật tư cho máy bay phản lực MiG-29 và hệ thống phóng tên lửa cho Myanmar.

Các công ty khác của Nga đã cung cấp cho quân đội Myanmar một loạt công cụ, thiết bị và phụ tùng thay thế cho các hệ thống vũ khí do Nga cung cấp.

Báo cáo cho biết: “Vũ khí do các nhà cung cấp Nga cung cấp đã được sử dụng để thực hiện các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Myanmar”.

Chuyên gia Andrews cho biết ông đã thông báo cho các quốc gia có tên trong báo cáo về những phát hiện của mình trước khi công bố.


Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á

Vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan sẽ tề tựu về Tây An, một thành phố ở miền trung Trung Quốc, để dự cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á. Sự kiện này, do chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, phản ánh mối quan hệ ngày càng thắm thiết giữa các nước Trung Á và nước láng giềng phía đông hùng mạnh của họ.

Nó cũng là kết quả của chính sách ngoại giao khôn ngoan của Trung Quốc. Năm quốc gia Trung Á này bị kẹp giữa tỉnh Tân Cương của Trung Quốc và Nga. Việc thúc đẩy các liên minh chiến lược ở đây giúp Trung Quốc kiểm soát tốt hơn một trong những khu vực bất ổn nhất của mình và mở rộng ảnh hưởng đến sân sau của Nga.

Các nước Trung Á cũng sẽ được hưởng lợi. Trung Quốc mang đến thương mại, năng lượng và đầu tư, trong khi có thể đóng vai trò đối trọng với Nga. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến các nước Trung Á cảnh giác. Họ hy vọng mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc có thể giúp họ tránh được số phận tương tự.


Triển vọng của Alibaba hậu chia tách

Các nhà đầu tư đang rất hào hứng với màn ra mắt của một sinh vật công nghệ mới của Trung Quốc: “Baby Baba.” Kể từ khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba tuyên bố tách thành sáu công ty vào tháng 3, triển vọng về một số đợt IPO khổng lồ đã khiến các chủ ngân hàng và nhà quản lý danh mục đầu tư thèm thuồng. Các công ty tách ra từ Alibaba này hứa hẹn cực kỳ béo bở: chỉ riêng tập đoàn hậu cần Cainiao đã có thể được định giá tới 20 tỷ USD. Một tập hợp các doanh nghiệp thương mại điện tử ở nước ngoài có thể còn giá trị hơn nữa. Một trong các Baby Baba sẽ có phiên bản ChatGPT của riêng mình và lướt làn sóng chatbot AI.

Alibaba có thể nói nhiều hơn về tương lai vào thứ Năm khi công bố thu nhập quý đầu năm 2023 và năm tài chính 2022-2023. Báo cáo cũng sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn thoáng qua về hiệu quả hoạt động của đơn vị thương mại điện tử kể từ khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero covid và chấm dứt phong tỏa.


Mùa bận rộn của Toà án Tối cao Mỹ

Trong những tuần gần đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã bị đeo bám bởi những vụ bê bối về đạo đức. Nhưng chín vị thẩm phán không có nhiều thời gian để bị phân tâm. Từ giờ đến cuối tháng 6, tòa sẽ đưa ra phán quyết cho hàng chục vụ kiện đã được tranh luận từ tháng 10 đến tháng 4, trong đó ít nhất một phán quyết sẽ có vào thứ Năm.

Gần một năm trước, đa số bảo thủ của toà đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade. Giờ đây, họ được cho là sẽ lật ngược tiền lệ từ những năm 1970 khẳng định tính hợp hiến của việc tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc, một chính sách được thiết kế để khắc phục hậu quả của phân biệt đối xử và làm cho các nhóm sinh viên trở nên đa dạng hơn. Một phán quyết đảo ngược tiền lệ trên sẽ buộc các trường đại học phải thay đổi hoàn toàn chính sách tuyển sinh.

Ngoài ra còn có một số vụ việc nóng bỏng khác, bao gồm: một nhà thiết kế web từ chối tạo trang web cho các đám cưới đồng tính; tính hợp pháp của các cuộc đình công gây thiệt hại tài sản công ty; trách nhiệm pháp lý của các công ty Internet đối với thuật toán của họ; chủng tộc và quyền bỏ phiếu; và chương trình xóa nợ sinh viên của tổng thống Joe Biden.


Hội nghị tiền điện tử thế giới ở Miami

Vào thứ Năm, những người đam mê tiền điện tử từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Miami cho sự kiện Bitcoin2023. Không khí tại hội nghị sẽ phần nào mát mẻ hơn so với thời tiết nóng nực của thành phố.

Sau một năm của các vụ sụp đổ và lừa đảo, thế giới tiền điện tử đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin công chúng. Hôm thứ ba, Liên minh châu Âu đã công bố các quy tắc buộc các sàn giao dịch tiền điện tử phải chịu trách nhiệm nếu làm mất tài sản của khách hàng và yêu cầu các công ty tiền điện tử phải được cấp phép.

Những nước khác còn đi xa hơn. Trong số 45 nền kinh tế được nghiên cứu bởi Hội đồng Đại Tây Dương, có 25 nước đã cấm hoàn toàn hoặc một phần tiền điện tử. Hồi tháng 3, nhà chức trách Mỹ đã đưa ra cáo buộc chống lại Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới, vì không ngăn người Mỹ sử dụng nền tảng nước ngoài của công ty. Các công ty đang chạy đến những nơi thân thiện hơn như Dubai, nơi đã tạo ra một cơ quan quản lý nhằm thu hút hoạt động tiền điện tử. Miami là một địa điểm tốt cho hội nghị tiền điện tử, nhưng tương lai của ngành có thể ở nơi khác.


Đức cho biết Trung Quốc vẫn vận hành đồn công an ở Berlin

Liên Thành

Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin (Ảnh: Xinhua/Shan Yuqi). 

Hôm 15/05, các quan chức Đức cho biết họ tin rằng hai tiền đồn công an trái phép của Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở nước này, mặc dù hồi tháng Hai Bắc Kinh đã hứa sẽ đóng cửa những tiền đồn đó.

Trong một cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Liên bang cho biết những tiền đồn công an này “không phải là văn phòng cố định, mà là những cơ sở di động”. Phát ngôn viên này cho biết thêm, các cá nhân, trong đó có một số người mang quốc tịch Trung Quốc, thực hiện “các nhiệm vụ chính thức” theo lệnh của chính quyền Trung Quốc.

Theo Safeguard Defenders, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha, “đồn công an hải ngoại” này được cho là một phần của hơn 100 cơ sở tương tự do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành trên toàn cầu. Viện dẫn các thông báo chính thức, các nhà nghiên cứu đã xác định những đồn công an không chính thức này ở ít nhất 53 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Ý, Việt Nam và Đức.

Trong báo cáo nối tiếp được công bố hồi tháng 12/2022, nhóm này cho biết, chính quyền Trung Quốc sử dụng các cơ sở này để “sách nhiễu, đe dọa, uy hiếp và ép buộc các mục tiêu phải quay về Trung Quốc để chịu sự bức hại”.

Sự hiện diện rộng rãi này đã khiến chính phủ Đức và các quốc gia Âu Châu khác phải mở các cuộc điều tra về các cơ sở như vậy trên lãnh thổ của họ.

Hồi tháng 10/2022, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nói với tờ báo địa phương Handelsblatt rằng, “Chính phủ liên bang không chấp nhận việc thực thi quyền lực nhà nước của ngoại quốc, và theo đó, chính quyền Trung Quốc không có quyền hành pháp trên lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Đức”.

Sau đó, Berlin cho biết chính quyền Trung Quốc đã thiết lập ít nhất hai đồn công an trên khắp đất nước này, nhiều hơn một tiền đồn so với tiết lộ của Safeguard Defender. Báo cáo của nhóm này chỉ đề cập đến một tiền đồn ở Frankfurt.

Theo một phản hồi của chính phủ hồi tháng Ba đối với một câu hỏi bằng văn bản của một nhà lập pháp, các tiền đồn của công an Trung Quốc này không có văn phòng thường trực ở Đức và được các nhà lãnh đạo của cộng đồng Hoa kiều quản lý.

Hồi tháng 11/2022, chính phủ Đức đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc đóng cửa đồn công an của họ.

Hôm thứ Hai, bà Andrea Sasse, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức, nói với các phóng viên: “Phía Trung Quốc đã liên lạc lại với chúng tôi hồi đầu tháng Hai và nói rằng những cái gọi là quầy dịch vụ như phía Trung Quốc gọi này đã bị đóng cửa”.

Tuy nhiên, “các nhà chức trách an ninh tiếp tục cho rằng có hai cái gọi là đồn công an ngoại quốc ở Đức”, phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết.


Ukraine: Người đứng đầu Tòa án Tối cao bị bắt vì nghi nhận hối lộ 2.7 triệu USD

Báo Ukraine đăng tin ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, đã bị bắt hôm 15/5 cùng với hàng loạt đồng phạm. Cảnh sát đặc nhiệm cho đăng ảnh tiền đô la Mỹ được lôi ra từ nhà riêng và bày đầy trên bàn. Ngày 16/5, tòa đã tuyên bố ông là nghi phạm vụ nhận hối lộ giá trị 2,7 triệu đô la để giúp đỡ nhà tài phiệt Konstantin Zhevago.

Ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, đã bị bắt hôm 15/5 cùng với hàng loạt đồng phạm. (Nguồn: Ảnh ghép từ Facebook của Vsevolod Knyazev) 

Hôm 15/5, các cơ quan chức năng của Ukraine đã thông báo họ đã bắt ông Vsevolod Knyazev, người đứng đầu Tòa án Tối cao, cùng một số thẩm phán được coi là đồng bọn. Trong thông báo có cả hình tiền đô la Mỹ được lôi ra chụp ảnh. Sau đó một số chi tiết lần lượt được công bố.

Hình ảnh lược tả thời gian diễn biến của quá trình nhận hối lộ, cũng do cơ quan chức năng của Ukraine thông báo.

Báo Pravda Ukraine đưa tin rằng Vsevolod Knyazev đã bị cáo buộc nhận hối lộ từ nhà tài phiệt Konstantin Zhevago, và hiện bị bắt giữ như một nghi phạm của tòa. Tuy nhiên ông Knyazev đã bác bỏ cáo buộc. Tòa dự kiến sẽ kết án theo điều 368: Quan chức nhận tiền với số lượng đặc biệt lớn.

Nhật Tân


Tàu cá Trung Quốc bị lật ở Ấn Độ Dương, 39 người mất tích

Một tàu cá Trung Quốc đã bị lật ở trung tâm Ấn Độ Dương, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư (17/5), khiến thủy thủ đoàn gồm 17 người Trung Quốc, 17 người Indonesia và 5 người Philippines mất tích.

“Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích nào,” đài truyền hình nhà nước CCTV cho hay, đồng thời nói thêm rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn.

Con tàu bị lật có tên Lu Peng Yuan Yu 028 bị lật vào khoảng 3 giờ sáng ngày 15/5 (giờ Bắc Kinh). Tàu thuộc sở hữu của công ty Penglai Jinglu Fishery có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông.

Hiện các đội tìm kiếm, cứu hộ từ Úc và một số quốc gia khác đã đến hiện trường, trong khi Trung Quốc triển khai hai tàu hỗ trợ.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã đưa ra một “cơ chế bảo vệ lãnh sự khẩn cấp”, yêu cầu sự phối hợp của các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Úc, Sri Lanka, Maldives, Indonesia, Philippines và các quốc gia khác, theo CCTV.

Hồi tháng trước, hai thành viên thủy thủ đoàn Trung Quốc đã thiệt mạng khi một tàu nạo vét của Trung Quốc bị lật úp ngoài khơi Philippines.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh cá nước sâu lớn nhất thế giới.

Nhưng khi nguồn dự trữ trong nước cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc ngày càng ra khơi xa hơn và vướng vào ngày càng nhiều tranh chấp và tai nạn hàng hải.

Năm 2019, Philippines cáo buộc một tàu Trung Quốc đâm vào một tàu Philippines ở Biển Đông đang tranh chấp, khiến nó bị chìm và đe dọa tính mạng của gần chục thủy thủ đoàn.

Nhật Minh (Theo Reuters)


Quan chức phá dỡ trang trại, nông dân Trung Quốc tức giận bắn bị thương

Liên Thành 

Một số trang trại ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị phá dỡ, thậm chí có thông tin cho rằng nông dân đã dùng súng bắn một số công chức chính phủ bị thương. (Ảnh chụp màn hình NTD). 

Gần đây, một số trang trại ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị phá dỡ, thậm chí có thông tin cho rằng nông dân đã dùng súng bắn một số công chức chính phủ bị thương. Dư luận cho rằng việc chính quyền  Trung Quốc mạnh tay thúc đẩy chính sách “trả lại rừng cho đất nông nghiệp” đã khiến người dân khốn đốn, hai bên chắc chắn sẽ bùng nổ mâu thuẫn.

Trên mạng lan truyền một thông báo của Cục Công an quận Diên Bình, thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến với nội dung là vào chiều ngày 8 tháng 5, tại quận Diên Bình đã xảy ra một vụ án hình sự, cảnh sát đã treo giải thưởng 50.000 nhân dân tệ cho những ai bắt giữ người đàn ông họ Lô 50 tuổi, ở thôn Bảo Châu, thị trấn Mang Đãng, quận Diên Bình.

Đáp lại thông báo này, trên mạng lan truyền rộng rãi thông tin rằng, chính quyền thị trấn Mang Đãng đã cưỡng chế phá bỏ trang trại lợn ở làng Bảo Châu. Kết quả là, nhiều công chức chính phủ đã bị hộ chăn nuôi dùng súng hoa cải bắn bị thương, người này sau đó đã mang theo súng và bỏ trốn.

Khi một phóng viên của NTD gọi điện đến Chi cục Công an Diên Bình, đầu dây bên kia chỉ nói rằng sự việc đã được giải quyết, nhưng không tiết lộ các chi tiết khác và cúp điện thoại.

Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách “trả lại rừng cho đất nông nghiệp”, các loại cây trồng phi lương thực, vườn cây ăn quả và trang trại của nông dân đã bị phá hủy. Một đoạn video cho thấy mái của trang trại lợn bị sập, chuồng cừu cũng bị phá hủy.

Ông Dương, một cựu sĩ quan công an ở Phúc Kiến nói với NTD: “Sau khi thành lập đội quản lý nông nghiệp, nó chắc chắn sẽ cướp đi nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại của nông dân. Cuối cùng thì mâu thuẫn chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hai ba thành viên đội quản lý nông nghiệp bị giết. Chuyện này lan truyền trên mạng là điều tất yếu, dân thường đã khốn cùng rồi, nếu cứ tiếp tục như vậy nhất định sẽ bùng nổ lớn”.

Một đoạn video khác cho thấy một trang trại lợn ở thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến đã bị phá hủy và những người nông dân phản đối đã bị còng tay.


Ngũ Giác Đài cho biết 31 xe tăng Abrams của Mỹ đã đến Đức để huấn luyện lực lượng Ukraina

Liên Thành 

Xe tăng Abrams của Mỹ. (Ảnh: AP). 

CNN đưa tin, Ngũ Giác Đài ngày 15/5 cho biết 31 xe tăng M1 Abrams đã đến Đức để huấn luyện cho lực lượng Ukraina 

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Không quân Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo ngày 15/5 rằng, Chương trình huấn luyện dự kiến kéo dài vài tháng và các xe tăng dự kiến sẽ được gửi đến Ukraina vào mùa thu.

Ông Ryder nói thêm rằng, các xe tăng được gửi tới Đức có thiết kế đặc biệt để huấn luyện các binh lính Ukraina, trong khi những chiếc xe tăng được gửi đến Ukraina đang được tân trang lại và chuẩn bị vận chuyển.


Mỹ nói tổ hợp hỏa tiễn Patriot ở Ukraine có thể đã hư hại

Viên Minh

Một người lính đứng trước hệ thống hỏa tiễn đất đối không PATRIOT (Radar theo dõi mảng pha để đánh chặn mục tiêu) trong cuộc tập trận quân sự tại sân bay Warsaw Babice, Ba Lan vào ngày 7 tháng 2 năm 2023. (Ảnh: JANEK SKARZYNSKI/AFP via Getty Images) 

Một quan chức Mỹ nói tổ hợp Patriot ở Ukraine có thể đã hư hại, nhưng không bị phá hủy, sau đợt tập kích tên lửa của Nga vào Kyiv.

Hôm 16/5, theo hãng tin CNN, Mỹ đang đánh giá mức độ hư hại của tổ hợp phòng không Patriot. Việc này sẽ quyết định lực lượng Ukraine cần rút hoàn toàn hay có thể sửa chữa tổ hợp ngay tại trận địa.

Quan chức trên bình luận vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow đã sử dụng hỏa tiễn siêu vượt âm Kinzhal phá hủy trận địa hỏa tiễn phòng không Patriot tại Kyiv trong cuộc tập kích rạng sáng cùng ngày. Quân đội Nga không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc tấn công.

Một quan chức Mỹ khác cho biết hỏa tiễn Nga có thể đã đánh trúng một thành phần trong tổ hợp Patriot. Hệ thống gồm 6 thành phần chính gồm radar, bệ phóng, anten, đài chỉ huy, trạm phát điện và tên lửa đánh chặn, giúp phóng tên lửa chính xác đến mục tiêu. Nếu một thành phần bị hư hại nghiêm trọng, Ukraine sẽ buộc phải rút hệ thống và chuyển ra nước ngoài sửa chữa.

Các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã thu được tín hiệu phát ra từ hệ thống Patriot, sau đó sử dụng hỏa tiễn Kinzhal để tập kích. Khác với những hệ thống phòng không tầm ngắn mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, Patriot có tính cơ động kém hơn, khẩu đội lớn hơn, cho phép lực lượng Nga có thời gian ngắm mục tiêu.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby không thể xác nhận thông tin hệ thống Patriot bị hư hại, nhưng thêm rằng vũ khí do Mỹ cung cấp thường xuyên bị tổn thất hoặc hao mòn trong giao tranh.

“Nếu hệ thống Patriot cần phải sửa chữa ngoài Ukraine, chúng tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ”, ông Kirby trả lời báo giới ngày 16/5.

Đây là lần đầu tiên Nga thông báo phá hủy tổ hợp Patriot mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Nếu được xác thực, đây sẽ là tổn thất rất lớn với lưới phòng không Ukraine, bởi Patriot từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời nước này.

Trong khi đó, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat lên tiếng trấn an người dân, cho rằnghỏa tiễn Kinzhal Nga không thể phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng không Patriot ở Kiev.

“Tôi muốn nói rằng đừng lo lắng về số phận của tổ hợp phòng không Patriot”, ông nói trong thông điệp trên truyền hình gửi tới người dân ngày 17/5. “Việc phá hủy toàn bộ tổ hợp Patriot bằng hỏa tiễn Kinzhal là không thể. Những gì Nga nói chỉ là hoạt động tuyên truyền của họ”.

Theo ông Ihnat, sư đoàn Patriot của Ukraine gồm một đơn vị radar và 8 bệ phóng nằm rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, khiến chúng không thể bị phá hủy hoàn toàn bằng một hỏa tiễn Kinzhal. Ông cho rằng tuyên bố như vậy của giới lãnh đạo quân sự Nga là “không thể tin được”.

Ihnat lấy dẫn chứng từ những tuyên bố trước đây của Bộ Quốc phòng Nga về số tiêm kích Ukraine bị lực lượng Nga tiêu diệt. “Nếu Ukraine có lượng máy bay nhiều như Nga tuyên bố, chúng tôi thắng từ lâu rồi”, ông cho hay.

Trong một diễn biến khác, Ukraine đã tiến hành thủ tục hình sự với 6 người đăng ảnh và video về hệ thống phòng không ở Kyiv đã vận hành trong cuộc tập kích của Nga.

“Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã xác định 6 cư dân ở Kyiv đăng tải bất hợp pháp thông tin về công việc của lực lượng phòng không trong cuộc tập kích của Nga vào thành phố”, SBU đăng trên Telegram hôm 17/5.

SBU cho biết vào tối 16/5, 6 người này đã chụp ảnh, quay video trái phép hệ thống phòng không của Kyiv và đăng lên mạng xã hội. Cơ quan an ninh Ukraine cáo buộc hành động như vậy có thể tiết lộ vị trí của hệ thống phòng không tại thủ đô.

“Chỉ trong vài phút, những video này được nhiều kênh Telegram và truyền thông Nga tiếp cận”, SBU nói thêm.

Theo SBU, những người này đã bị tịch thu điện thoại, máy tính ở nhà riêng và có thể đối mặt án tù 8 năm. SBU cũng thông báo chặn các camera an ninh của một số doanh nghiệp ở Kyiv đã tự động quay lại cảnh hệ thống phòng không ở thành phố vận hành.

Viên Minh (Tổng hợp)


Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ‘đập tan’ quyền tự trị của Đài Loan 

18/5/2023 

AP 

Trung Quốc sẵn sàng “kiên quyết đập tan bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”, quân đội nước này cảnh cáo hôm 16/5, giữa lúc tin tức cho hay Mỹ chuẩn bị đẩy nhanh việc bán vũ khí phòng thủ và hỗ trợ quân sự cho nền dân chủ của hòn đảo tự trị.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei, nói trong một video đăng trên mạng rằng sự gia tăng trao đổi gần đây giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Đài Loan là một “động thái cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “tiếp tục tăng cường huấn luyện và chuẩn bị quân sự, đồng thời sẽ kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan cũng như những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Tan nói đề cập đến đồng minh thân cận nhất của Đài Loan, là Hoa Kỳ.

Trung Quốc tuyên bố hòn đảo có 23 triệu dân này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.

Phô trương sức mạnh 

Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất và kho phi đạn đạn đạo khổng lồ, Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa bằng cách đưa máy bay và tàu chiến vào vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan. Với hơn 2 triệu binh sĩ, PLA cũng được xếp hạng là quân đội thường trực lớn nhất thế giới, mặc dù việc vận chuyển thậm chí một phần lực lượng trong trường hợp nổ ra cuộc xâm lược được coi là một thách thức lớn về hậu cần.

Cùng với các vụ xâm nhập trên không và trên biển hàng ngày xung quanh Đài Loan, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận trong và xung quanh Eo biển Đài Loan chia cắt đôi bên, một phần được coi là diễn tập cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược, mà khi xảy ra, sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với an ninh và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Những hành động như vậy có thể được coi là nỗ lực quấy rối quân đội Đài Loan và đe dọa các chính trị gia cũng như cử tri, những người sẽ bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới tại Đài Loan vào năm tới.

Các động thái này của Trung Quốc dường như có tác dụng hạn chế. Hầu hết người Đài Loan kiên quyết ủng hộ việc duy trì tình trạng độc lập trên thực tế của họ. Các chính trị gia và các nhân vật công chúng khác từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thường xuyên đến Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ của họ, mặc dù các quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Phát biểu của ông Tan được đưa ra đáp câu hỏi của một phóng viên về tin nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 500 triệu đô la cho Đài Loan và cử hơn 100 quân nhân đến Đài Loan đánh giá các phương pháp huấn luyện và đưa ra các đề nghị để cải thiện khả năng phòng thủ của hòn đảo.

Hỗ trợ của Hoa Kỳ

Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ. Cả hai đảng đã kêu gọi chính quyền Biden xúc tiến gần 19 tỷ đô la các mặt hàng quân sự đã được phê duyệt để bán nhưng chưa được giao cho Đài Loan.

Các quan chức chính quyền nói việc giao hàng chậm trễ là do tắc nghẽn trong sản xuất liên quan đến đại dịch COVID-19 và năng suất hạn chế cũng như nhu cầu vũ khí gia tăng để hỗ trợ Ukraine. Động thái của ông Biden sẽ cho phép xuất khẩu các mặt hàng từ kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ, đẩy nhanh việc cung cấp ít nhất một số khí tài mà Đài Loan cần để ngăn chặn hoặc đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Trong số các mặt hàng được đặt có phi đạn chống hạm Harpoon, máy bay chiến đấu F-16, phi đạn vác vai Javelin và phi đạn Stinger, Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS, vốn đã trở thành một vũ khí quan trọng cho quân đội Ukraine chiến đấu với các lực lượng xâm lược của Nga.

Phát biểu của ông Tan phù hợp với giọng điệu tiêu chuẩn của Bắc Kinh về cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Đài Loan và Trung Quốc tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949 và Bắc Kinh coi việc đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của mình là chìa khóa để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Những nỗ lực “tìm kiếm độc lập bằng cách dựa vào Hoa Kỳ” và “tìm kiếm độc lập bằng sức mạnh quân sự” là một “ngõ cụt”, ông Tan nói.

Với quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp lịch sử và Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về nhượng bộ chính trị trong việc thống nhất, mối lo ngại đang gia tăng về khả năng xảy ra xung đột mở liên quan đến cả ba bên và có thể là cả các đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ như Nhật Bản.

Sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine cũng làm gia tăng căng thẳng với Washington. Bắc Kinh được cho là đang điều nghiên kỹ lưỡng những thất bại quân sự của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi ý chí của phương Tây ủng hộ Kyiv được một số người coi là phép thử đối với quyết tâm đứng về phía Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.


Khí hậu : 2023-2027 sẽ là giai đoạn nóng chưa từng có

18/5/2023

Cháy rừng do nắng nóng tại tỉnh Alberta, miền tây Canada. Ảnh chụp ngày 04/05/2023. © via REUTERS – ALBERTA WILDFIRE 

Thu Hằng /RFI

Giai đoạn 2023-2027 gần như chắc chắn sẽ là gia đoạn nóng nhất chưa từng được nghi nhận trên Trái đất, đó là báo động ngày 17/04/2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới ( OMM ). Tổ chức này cho rằng đây là hệ quả từ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Niño khiến nhiệt độ tăng lên.  

Điều đáng lo ngại là nhiệt độ trên thế giới có lẽ sớm vượt qua mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris về Khí hậu năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên Trái đất dưới ngưỡng 2°C và nếu có thể là ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Cụ thể, theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc, trong một đến 5 năm tới, 66% khả năng là nhiệt độ trung bình hàng năm trên bề mặt Trái đất vượt mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết những dữ liệu được công bố hôm 17/05 « không có nghĩa là chúng ta sẽ thường xuyên vượt qua ngưỡng 1,5°C của Thỏa thuận Paris », nhưng phản ánh sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Do đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo « ngưỡng 1,5°C sẽ tạm bị vượt qua và ngày càng thường xuyên bị vượt qua hơn ».

Ông Petteri Taalas cũng lưy ý trong thông cáo rằng « hiện tượng El Niño sẽ xảy ra trong vài tháng tới, thêm vào đó là tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng ở mức chưa từng có ». El Niño là hiện tượng khí hậu liên quan đến việc nhiệt độ tăng cao, hạn hán nghiêm trong tại nhiều vùng trên thế giới và mưa lớn ở nhiều khu vực khác. 

Ví dụ mới nhất là tình trạng hạn hán ở châu Âu, Hoa Kỳ, cháy rừng chưa từng có ở miền trung và bắc bang Alberta, Canada, do khô hạn. Trong khi đó, vùng Emilia-Romagne, phía bắc miền trung Ý, đang bị lụt lội chưa từng có do mưa lớn, khiến 9 người chết và nhiều người mất tích. Lượng mưa trong 15 ngày tương đương với 7 tháng.

Theo OMM, khả năng El Niño sẽ hình thành từ nay đến cuối tháng 7 là 60% và từ nay đến cuối tháng 9 là 80%, với hệ quả là nhiệt độ trên thế giới sẽ tăng vào năm 2024.

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.