Thời sự Thứ Năm 29 tháng 02 năm 2024


Võ Thái Hà tổng hợp

Tối cao Pháp viện Mỹ xem xét việc ông Trump đòi miễn trừ hình sự trong vụ án về bầu cử 2020 

29/02/2024 

Reuters 

Tối cao Pháp viện Mỹ ở thủ đô Washington.

Tối cao Pháp viện Mỹ ở thủ đô Washington. 

Hôm thứ Tư 28/2, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đồng ý sẽ ra phán quyết về đơn của ông Donald Trump đòi được hưởng quyền miễn trừ truy tố về việc ông đã cố gắng lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Động thái của Tối cao Pháp viện được xem là một thuận lợi cho ông giữa lúc ông cố trì hoãn các cuộc truy tố hình sự trong khi tranh cử để giành lại chức tổng thống.

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện tạm dừng vụ án hình sự đang được Công tố viên Đặc biệt Jack Smith tiến hành và họ sẽ xem xét lại quyết định của tòa án cấp thấp hơn từng bác bỏ việc ông Trump đòi được miễn trừ truy tố với lý do ông là tổng thống khi ông thực hiện các hành động nhằm đảo ngược chiến thắng trong bầu cử của Tổng thống Joe Biden.

Tối cao Pháp viện ấn định rằng phần tranh luận bằng miệng sẽ diễn ra trong tuần lễ bắt vào ngày 22/4 về một vấn đề duy nhất: “Liệu một cựu tổng thống có hay không được hưởng quyền miễn trừ của tổng thống khỏi bị truy tố hình sự đối với hành vi được cho là có liên quan đến các hoạt động công vụ trong nhiệm kỳ nắm quyền của ông ấy và nếu có thì được miễn trừ đến mức nào”.

Ông Trump, cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự, hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua bên đảng Cộng hòa để trở thành ứng cử viên chính thức, sẽ đối đầu với ông Biden của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 5/11 ở Mỹ.

Vụ án nêu trên một lần nữa đưa tòa án hàng đầu của Mỹ vào cuộc đấu bầu cử. Tối cao Pháp viện có các thẩm phán theo đường lối bảo thủ nắm thế đa số với tỷ lệ 6-3, bao gồm 3 thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm. Tòa án này cũng sắp đưa ra phán quyết về việc có hay không bác bỏ một phán quyết tư pháp cấm đưa tên ông Trump vào lá phiếu của cuộc bầu cử sơ bộ bên đảng Cộng hòa ở bang Colorado dựa trên một điều khoản hiến pháp về hành vi phản loạn.

Tòa phúc thẩm Mỹ phụ trách Quận hạt Columbia, tức thủ đô Mỹ, vào ngày 6/2 đã ra phán quyết với tỷ lệ phiếu 3-0 bác bỏ việc ông Trump đòi được miễn trừ.

Ông Smith được Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland bổ nhiệm làm Công tố viên Đặc biệt hồi tháng 11/2022. Vào tháng 8/2023, ông Smith truy tố ông Trump với 4 tội danh hình sự cấp liên bang trong vụ án về đảo ngược bầu cử. Ngày xét xử dự kiến là 4/3 đã bị hoãn lại do ông Trump khăng khăng đòi được miễn trừ và tòa chưa ấn định ngày xét xử mới.

Ông Trump còn phải đối mặt với 3 vụ án hình sự nữa, bao gồm một phiên tòa xét xử tại tòa án bang New York về khoản tiền trả cho một ngôi sao khiêu dâm sẽ bắt đầu vào ngày 25/3. Ông Trump không nhận tội trong tất cả các vụ án đó, và cố mô tả rằng chúng có động cơ chính trị.

Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội của mình, ông Trump ca ngợi quyết định mới đây của Tối cao Pháp viện về việc sẽ phán xét về yêu cầu được miễn trừ của ông.

Ông Trump viết: “Nếu không có quyền miễn trừ của Tổng thống, một Tổng thống sẽ không thể hoạt động bình thường hoặc đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Các tổng thống sẽ luôn lo ngại, thậm chí tê liệt trước viễn cảnh bị truy tố và bị trả thù sai trái sau khi họ rời chức vụ. Điều này thực sự có thể dẫn việc một Tổng thống bị bắt bí, bị chèn ép”.


Các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận để ngăn chặn chính phủ đóng cửa 

Jackson Richman 

Thứ năm, 29/02/2024 – Cẩm An biên dịch

Các bộ phận của chính phủ sẽ được cấp tiền cho đến ngày 08/03 trong khi phần còn lại sẽ được cấp tiền cho đến ngày 22/03. 

Các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận để ngăn chặn chính phủ đóng cửa

Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 28/02/2024. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times) 

Các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa. 

Diễn biến này được công bố trong một tuyên bố chung hôm 28/02 của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), Lãnh đạo Khối đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Khối thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), và Lãnh đạo Khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), cùng với các nhà lãnh đạo từ các ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ viện và Thượng viện. 

Tuy nhiên, họ cho biết một nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) khác nhằm cấp tiền cho chính phủ ở các cấp độ hiện tại sẽ cần được thông qua. Các bộ phận của chính phủ sẽ được cấp tiền cho đến ngày 08/03 trong khi phần còn lại sẽ được cấp tiền cho đến ngày 22/03. 

Điều này cho phép các ủy ban phân bổ ngân sách tiến hành soạn thảo bản nghị quyết hoàn thiện. 

Thông báo cho biết: “Những người tham gia đàm phán đã đi đến một thỏa thuận về sáu dự luật: Nông nghiệp-FDA, Thương mại-Tư pháp và Khoa học, Phát triển Năng lượng và Nước, Nội vụ, Xây dựng Quân sự-VA, và Giao thông vận tải-HUD.” 

“Sau khi soạn thảo bản nghị quyết hoàn thiện, gói gồm sáu dự luật Phân bổ Ngân sách cả năm này sẽ được bỏ phiếu và ban hành trước ngày 08/03,” họ nói tiếp. “Các dự luật này sẽ tuân thủ các giới hạn chi tiêu tùy nghi của Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa và thỏa thuận chi tiêu chính hồi tháng Một.” 

Theo dự kiến, một bản nghị quyết hoàn thiện sẽ có vào cuối tuần. Văn phòng của ông Johnson không phúc đáp một câu hỏi về các mức chi tiêu cho sáu dự luật phân bổ đó. 

Các nhà lãnh đạo cho biết: “Sáu dự luật Phân bổ còn lại — Quốc phòng, Dịch vụ Tài chính và Toàn bộ Chính phủ, An ninh Nội địa, Lao động-HHS, Nhánh Lập pháp, và Chiến dịch Ngoại giao và Đối ngoại — sẽ được hoàn thiện, biểu quyết, và ban hành trước ngày 22/03.” 

Khoản tài trợ hết hạn vào nửa đêm ngày 02/03 liên quan đến Bộ Cựu chiến binh, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp, và Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị. 

Phần tài trợ còn lại của chính phủ sẽ hết hạn vào nửa đêm ngày 09/03 và ảnh hưởng đến Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Nội vụ, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, và Bộ Thương mại. 

Cuộc họp ‘thẳng thắn và trung thực’

Ngày hôm trước, sau một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc với Tổng thống Joe Biden, ông Johnson và các lãnh đạo quốc hội khác bày tỏ sự lạc quan rằng chính phủ sẽ không đóng cửa một phần. 

Ông Johnson, người tham gia một cuộc họp có cả ông Schumer, ông Jeffries, và ông McConnell, cho biết: “Cuộc họp đã thẳng thắn và trung thực.” Ông Johnson cũng đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống tại Oval Office. 

Ông cho biết ông lặp lại quan điểm rằng nhu cầu của Mỹ quốc phải được đặt lên hàng đầu, cụ thể là giải quyết cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam. 

Ông Johnson nói rằng ông “rất lạc quan” về việc ngăn chặn chính phủ đóng cửa. Ông cho biết ông đã nói với Tổng thống rằng Hạ viện sẽ xem xét các vấn đề có trong gói dự luật của Thượng viện, chẳng hạn như tài trợ ngoại quốc cho Ukraine, Israel, và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Ông nhắc lại rằng Tổng thống có thể thực hiện hành động đơn phương để bảo đảm an ninh biên giới. 

“Đã đến lúc hành động. Đó là một thảm họa, và phải dừng lại,” ông Johnson nói. “Và chúng tôi sẽ lo liệu để chính phủ nhận được tài trợ, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc đó.” 

Ông Schumer cho biết cuộc họp diễn ra “hiệu quả” và “căng thẳng.” 

Ông Schumer nói rằng, “Chúng tôi đang đạt được tiến triển tốt” trong nỗ lực ngăn chặn chính phủ đóng cửa. Ông nhận xét rằng những bất đồng giữa các bên không phải là “không khắc phục được.” 

Theo ông Schumer, việc chính phủ đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhiều người “dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn,” và ông Johnson cũng đồng tình với ý kiến này. 

Tổng thống Biden cho rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.

Lần gần nhất chính phủ đóng cửa là từ ngày 22/12/2018 đến ngày 25/01/2019, khoảng thời gian dài nhất kể từ khi chính phủ đóng cửa là từ ngày 16/12/1995 đến ngày 05/01/1996.


Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật lưỡng đảng để thúc đẩy việc ‘khôi phục lĩnh vực hạt nhân’ của Mỹ 

John Haughey 

Thứ năm, 29/02/2024 

Vân Sa lược dịch

Trong một biểu hiện hiếm hoi về sự hòa hợp trong việc thông qua luật, Đạo luật Cải tiến về Năng lượng Nguyên tử đã được nhanh chóng đệ trình cũng như nhận được sự tán thành áp đảo, và hiện đang được trình lên Thượng viện. 

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật lưỡng đảng để thúc đẩy việc ‘khôi phục lĩnh vực hạt nhân’ của Mỹ

Hình ảnh nhìn từ trên không của nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon nằm ở rìa Thái Bình Dương tại Bãi biển Avila ở quận San Luis Obispo, California, vào ngày 17/03/2011. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images) 

Vào năm 1980, Hoa Kỳ đã sản xuất được 90% lượng uranium để sử dụng cho 251 nhà máy điện hạt nhân, vốn tạo ra 11% lượng điện trên toàn quốc. 

Vào năm 2021, chỉ 5% lượng uranium sử dụng cho 55 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành trên toàn quốc là được sản xuất trong nước. Các nhà máy này hiện tạo ra gần 20% lượng điện năng của quốc gia. 

Hôm 28/02, trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 365 phiếu thuận-36 phiếu chống, Hạ viện đã thông qua một dự luật được đưa ra nhằm mục đích cắt giảm các quy định, hợp lý hóa các mốc thời gian và chi phí cho phép, đồng thời thúc đẩy các công nghệ đang phát triển, chẳng hạn như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), để đưa Hoa Kỳ vang danh trở lại trên toàn cầu trong việc phát triển và sản xuất năng lượng hạt nhân không có carbon. 

Dự luật có thể mở ra “thời kỳ khôi phục lại lĩnh vực hạt nhân” trong việc cung cấp năng lượng cho Hoa Kỳ, Dân biểu Jeff Duncan (Cộng Hòa-South Carolina) nói về việc cần phải giải quyết tình trạng lộn xộn về mặt quy định để bảo đảm “các cơ quan chính phủ, đặc biệt là Ủy ban Quản lý Hạt nhân, [trích nguyên văn] được chuẩn bị sẵn sàng khi họ bước sang thế kỷ 21 để thực sự [trợ giúp] cho sự tiến bộ của năng lượng hạt nhân ở đất nước này.” 

Đạo luật Cải tiến Năng lượng Nguyên tử, HR 6544, do ông Duncan và Dân biểu Diana DeGette (Dân Chủ-Colorado) đồng bảo trợ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân bằng cách “tạo điều kiện cho việc cấp phép, quản lý, và phát triển công nghệ hạt nhân một cách hiệu quả, kịp thời, và có thể dự đoán được,” trích dẫn từ đạo luật. 

Ông Duncan cho biết HR 6544, do Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện thông qua vào tháng 12/2023, là một gói tổng hợp gồm 11 dự luật vốn “thực sự là để Mỹ quốc được chuẩn bị sẵn sàng cho những gì diễn ra tiếp theo.” 

Dự luật được soạn thảo ra để trợ giúp “các ngành công nghiệp mà sẽ được thiết lập xung quanh trung tâm hạt nhân của các lò phản ứng tiên tiến này, tạo ra việc làm, duy trì tài sản trí tuệ đó ở Mỹ, giải quyết các vấn đề về nguồn cung cho các thành phần quan trọng của chúng ta; uranium đã được làm giàu – nhiên liệu cần thiết để làm cho các lò phản ứng này hoạt động,” ông nói. “Quý vị biết đấy, việc giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào Nga và Trung Quốc về công nghệ hạt nhân hoặc nhiên liệu hạt nhân thực sự có ý nghĩa đối với nhiều người Mỹ.” 

Trong số 11 dự luật được đưa vào Đạo luật Cải tiến Năng lượng Nguyên tử là “Đạo luật Điều chỉnh Nhiệm vụ của NRC” của ông Duncan, trong đó yêu cầu Ủy ban Quản lý Hạt nhân nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đồng thời duy trì các tiêu chuẩn an toàn là trên hết của Đạo luật Năng lượng Nguyên tử năm 1954. 

Dự luật “hướng dẫn cho NRC cập nhật thêm trong tuyên bố về nhiệm vụ của mình rằng NRC sẽ cấp phép và quản lý các hoạt động năng lượng hạt nhân một cách hiệu quả và không hạn chế tiềm năng của năng lượng hạt nhân một cách không cần thiết. NRC không nên trở thành một trở ngại mà là một sự trợ giúp cho tiến bộ hạt nhân ở Mỹ,” ông Ducan nói. 

HR 6544, chỉ mới được soạn thảo vào tháng 12/2023 nhưng đã được thông qua và gửi lên Thượng viện, nơi hiện đang không xem xét dự luật nào tương tự. Có vẻ như Thượng viện sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này. 

Dân biểu Kathy McMorris Rogers (Cộng Hòa-Washington) cho biết: “Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ và hầu hết đều đồng ý rằng một ngành công nghiệp hạt nhân lớn mạnh và ngày càng phát triển là rất quan trọng để giảm lượng phát thải, cung cấp năng lượng sạch, đáng tin cậy, và có giá cả phải chăng cho người Mỹ.” 

“Việc hiện đại hóa khung pháp lý rất cần thiết này của chúng tôi sẽ khôi phục vị trí đứng đầu về hạt nhân của Mỹ, khuyến khích đổi mới, cho phép ngành công nghiệp khai triển năng lượng hạt nhân an toàn, đáng tin cậy, và mở ra một kỷ nguyên mới trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò dẫn đầu về năng lượng,” bà nói thêm.

“Quốc hội cần luôn luôn hoạt động theo cách này,” Dân biểu Pallone (Dân Chủ-New Jersey) nói. “Dự luật chắc chắn không hoàn hảo. Đó là sản phẩm của sự thỏa hiệp, và giống như tất cả các thỏa hiệp, không ai có được mọi thứ mình muốn, và sẽ cần phải thỏa hiệp hơn nữa khi chúng tôi làm việc cùng với Thượng viện để tìm ra con đường đưa dự luật này đến bàn làm việc của Tổng thống.


Lộ diện siêu tàu sân bay mới nhất của Mỹ

Lý Ngọc biên dịch – 29/02/2024

Mới đây, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một hệ thống phóng máy bay mới được thử nghiệm trên tàu sân bay USS John F. Kennedy (CVN-79) của Hải quân Hoa Kỳ, mỗi chiếc nặng tới 80.000 pound (36.287 kg), được phóng từ sàn bay của tàu sân bay xuống sông.

Đoạn video do công ty đóng tàu Hunting Ingalls Industries công bố vào tuần trước (21/2) cho thấy phương tiện giống ô tô màu cam đang tăng tốc dọc theo siêu đường cao tốc với tốc độ vượt quá 150 dặm/giờ, sau đó bay lên không trung và rơi xuống sông James gây ra tiếng động nước lớn.

Phương tiện sau đó đã được vớt lên khỏi mặt nước và thực hiện phóng lần nữa cho đến khi kết thúc chương trình thử nghiệm.

Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) lần đầu tiên được tích hợp vào tàu sân bay USS Gerald R. Ford, thay thế máy phóng hơi nước hiện đang được sử dụng trên các tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ. Hệ thống này sử dụng năng lượng điện từ để đẩy máy bay khỏi sàn bay và được cho là có hiệu quả hơn và an toàn hơn so với hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước truyền thống.

Việc sử dụng xe bánh lăn trong thử nghiệm này là để mô phỏng trọng lượng của một chiếc máy bay chiến đấu.

Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển và triển khai hệ thống EMALS trên các tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ.

Chiếc xe hạng nặng nặng bằng một chiếc máy bay chiến đấu đã được phóng ra khỏi boong tàu sân bay trị giá hàng tỷ USD như một phần của ngành công nghiệp này gọi là cuộc thử nghiệm “tải trọng chết”.

Công ty đóng tàu cho biết trong một tuyên bố rằng quy trình này được thiết kế để đảm bảo máy phóng của siêu tàu sân bay sẵn sàng đạt được mục tiêu dự định chính: Phóng tất cả máy bay cánh cố định trên tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ.

Các máy bay của Mỹ được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động trên tàu sân bay bao gồm F/A-18 Super Hornet và E-2 Hawkeye.

Lucas Hicks, Phó chủ tịch của Xưởng đóng tàu Newport News (thuộc tập đoàn Huntington Ingalls Industries) cho biết: “Đạt đến giai đoạn thử nghiệm tải trọng tĩnh là minh chứng rõ ràng cho tiến độ của chúng tôi trong đóng tàu, thử nghiệm và vận hành tàu sân bay John F. Kennedy”.

USS Kennedy là siêu tàu sân bay lớp Gerald R. Ford thứ hai đang được đóng tại xưởng đóng tàu Newport News Shipbuilding. Sau hơn một thập kỷ phát triển và xây dựng, tàu sân bay này đã được hạ thủy và đặt tên thánh vào năm 2019 với chi phí 11,3 tỷ USD.

Hai tàu sân bay lớp Ford khác – Enterprise và Doris Miller – đang được đóng tại xưởng đóng tàu Newport News Shipbuilding.


Căng thẳng xung quanh việc bác sĩ đình công ở Hàn Quốc 

Khoảng 9.000 thực tập sinh và bác sĩ nội trú ở Hàn Quốc đã đình công kể từ đầu tuần trước. Họ đang phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên y khoa hàng năm từ 3.000 lên 5.000.

Các bác sĩ cho rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gây hại cho giáo dục y tế. Song Hàn Quốc đang rất cần thêm sinh viên y khoa. Nước này bị thiếu bác sĩ trong các lĩnh vực như nhi khoa, và là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân thấp nhất trong khối OECD. Một số bác sĩ tự kinh doanh đã thu về rất nhiều tiền do tình trạng thiếu bác sĩ.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố giữ vững lập trường, hứa sẽ đình chỉ giấy phép hành nghề nếu các bác sĩ không trở lại làm việc trước thứ Năm. Ở chiều ngược lại, các bác sĩ nói họ cũng sẽ không bỏ cuộc. Vì đình công nên nhiều thủ thuật y khoa đã bị hủy. Ví dụ, một phụ nữ đã tử vong sau khi 7 bệnh viện từ chối xe cấp cứu vì thiếu nhân viên và giường bệnh.


Tổng thống Philippines thăm Úc

Vào thứ Năm, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sẽ phát biểu tại phiên họp chung của cả hai viện Quốc hội Úc. Lời mời này là một vinh dự hiếm có, thể hiện tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, vốn được ký kết ở Manila hồi tháng 9 năm ngoái. Úc và Philippines chia sẻ lợi ích trong việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.

Lực lượng của Philippines quá yếu để ngăn chặn Trung Quốc tiến sâu vào khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Song họ tìm thấy một đồng minh ở Australia, nước luôn tìm cách chặn các đối thủ từ càng xa bờ biển của mình càng tốt. Tháng 11 năm ngoái, tàu chiến và máy bay chiến đấu của Australia và Philippines đã bắt đầu tuần tra chung ở vùng biển tranh chấp. Lực lượng Trung Quốc theo dõi chặt chẽ nhưng không cản trở. Trung Quốc chắc chắn nhận thức được rằng cả hai nước này đều là đồng minh ngày càng quan trọng của Mỹ.


Putin chuẩn bị đọc thông điệp liên bang

Vào thứ Năm, tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội Nga. Ông sẽ tỏ ra lạc quan, nhất là khi lực lượng Nga dần đạt được tiến bộ ở Ukraine. Hôm 17 tháng 2, họ chiếm Avdiivka, một thị trấn nhỏ phía đông, sau một cuộc bao vây kéo dài nhiều tháng. Trong nước, nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhờ kích thích từ nguồn tài trợ chiến tranh của Điện Kremlin. Và cái chết gần đây trong trại giam ở Siberia của Alexei Navalny, thủ lĩnh phe đối lập nổi tiếng nhất của Nga, đã nhổ một cái gai ra khỏi mắt tổng thống. Ông Putin chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống kém minh bạch vào tháng tới.

Về lâu dài, Điện Kremlin có thể gặp khó khăn khi vừa duy trì mức sống trong nước vừa tài trợ cho cuộc chiến. Sự bất mãn của công chúng có thể tăng lên. Sau cái chết của Navalny, nhiều người Nga đã đặt hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp chính trị. Phong trào phản chiến do thân nhân nữ của binh lính lãnh đạo đang thu hút chú ý. Dù vậy ông Putin sẽ tiếp tục với nỗ lực chiến tranh và đẩy mạnh chiến dịch đàn áp những người phản đối.


Nỗ lực tái đắc cử của Biden gặp trở ngại với cử tri trẻ, da màu vì chiến tranh ở Gaza 

29/02/2024 

Nhà hoạt động Natalia Latif dán tấm biển kêu gọi bỏ phiếu không cho ai cả trong buổi tụ tập vào đêm bầu cử khi các cử tri theo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ ở bang Michigan, tại Dearborn, Michigan, Mỹ, ngày 27 tháng 2 năm 2024.
​

Nhà hoạt động Natalia Latif dán tấm biển kêu gọi bỏ phiếu không cho ai cả trong buổi tụ tập vào đêm bầu cử khi các cử tri theo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ ở bang Michigan, tại Dearborn, Michigan, Mỹ, ngày 27 tháng 2 năm 2024. ​ 

Chín tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với một thách thức đang lớn dần khi một số người ủng hộ ông vào năm 2020 đang ngày càng bất mãn về cách ông ứng phó với cuộc chiến tranh giữa Israel và nhóm chủ chiến Hamas người Palestine.

Theo các cuộc khảo sát ý kiến, những người theo Đảng Dân chủ chia rẽ quan điểm về sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Biden dành cho Israel kể từ cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng.

Một số người Mỹ gốc Do Thái, những người phần lớn bỏ phiếu cho các ứng cử viên Dân chủ, đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Biden. Nhiều người trẻ theo Đảng Dân chủ và người da màu thì chống đối phương sách của ông, bất bình về số người chết ngày càng tăng vì cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza hiện lên tới 29.700 người, theo bộ y tế ở Gaza.

Một bộ phận hệ trọng của liên minh cử tri này dường như vỡ mộng, thất vọng và tức giận, Reuters đưa tin, đưa ra nhận định sau những cuộc phỏng vấn với hơn 50 cử tri và nhà hoạt động.

Ban vận động tranh cử của ông Biden thừa nhận những lo ngại này, Reuters nói. Nhưng họ chỉ ra bằng chứng về sự hào hứng của các cử tri Dân chủ, chẳng hạn như lượng tiền gây quỹ nhiều bất ngờ gần đây. Tuần trước, ban vận động tranh cử của ông và các đồng minh trong Đảng Dân chủ cho biết họ đã huy động được hơn 42 triệu đô la trong tháng 1 và có sẵn 130 triệu đô la tiền mặt cho một cuộc tỉ thí khả dĩ với ông Trump.

Nhưng ban vận động của ông Biden đã bị bất ngờ trước mức độ giận dữ và thất vọng sâu sắc liên quan tới Israel cũng như các chính sách khác, Reuters dẫn lời khoảng hơn một chục quan chức trong ban vận động tranh cử, Tòa Bạch Ốc và Đảng Dân chủ cho biết. “Chúng tôi đang bị tổn hại nhiều hơn chúng tôi dự đoán” bởi sự ủng hộ của ông Biden dành cho Israel.

Mitch Landrieu, đồng chủ tịch ban vận động, thừa nhận vấn đề này “khó khăn” nhưng cho biết ban vận động còn thời gian để xua tan lo ngại. “Sẽ có sự tiếp cận rất quyết liệt tới tất cả cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ, về tất cả những vấn đề này,” ông nói với Reuters.

“Tổng thống – và chúng ta sẽ phải theo bước ông ấy về vấn đề này – ông ấy đã nói rất nhiều lần rằng ông ấy không nghĩ đến điều này theo khía cạnh bầu cử. Ông ấy đang nghĩ về điều đúng đắn cần làm.”

Ông Tạ Trung, một người ủng hộ ông Biden thuộc lớp cử tri lớn tuổi từ bang California, tỏ ra thông cảm về tình thế “khó khăn” mà ông Biden đang đối mặt. Tổng thống đang nỗ lực để đưa ra một cách tiếp cận có thể phần nào dung hòa được những quan điểm đối chọi nhau trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia của Mỹ, ông Trung nói.

“Mình thấy người Do Thái mặc dù họ không đông nhưng mà rất có uy thế tại nước Mỹ. Bên cạnh đó những người đặc biệt là theo Đảng Cộng hòa thì họ ủng hộ [Israel] một cách rất là quyết liệt thì mình cũng thông cảm cái vị thế của Tổng thống Biden. Ông ấy làm trong cái chừng mực nào đó thôi, ông cũng có những sự giới hạn,” kĩ sư đã về hưu này nói.

“Nhưng mà đến giờ mình cũng thấy ông ấy đã tạo áp lực với [Thủ tướng Israel] Netanyahu để có sự ngưng chiến tạm thời và giúp đưa viện trợ nhân đạo đến cho người dân ở Gaza.”

Ông Trung dự đoán ban vận động của ông Biden và chính tổng thống trong những tháng tới sẽ làm việc nhiều hơn nữa để trấn an những người ủng hộ đang bất mãn bằng cách lắng nghe tiếng nói của họ nhiều hơn, cũng như gia tăng áp lực lên Israel nhằm hạn chế thương vong thường dân người Palestine.

Dù ông Biden ngày càng chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza khi xung đột tiếp tục gia tăng, song ông không kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, vĩnh viễn hoặc chặn tài trợ cho Israel, những bước đi mà hàng chục cử tri nói với Reuters là cần phải có để giành lại sự ủng hộ của họ, đặc biệt là những người trẻ.

Những cử tri thuộc Thế hệ Z và những người hiện giờ trong độ tuổi từ 28 đến 43 đã bỏ phiếu áp đảo cho ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020. Cử tri thuộc hai thế hệ này – sinh từ năm 1997 tới 2002 và từ 1981 tới 1996, chiếm 31% trong số 155 triệu cử tri trong cuộc bầu cử đó, theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu Catalist.

Gen-Z for Change, một nhóm những người có ảnh hưởng trên mạng lấy tên là TikTok for Biden hồi năm 2020 và Sunrise Movement, một tổ chức tranh đấu vì khí hậu của giới thanh niên, là hai trong số các nhóm đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc trong một lá thư vào tháng 11 rằng việc tuyển mộ tình nguyện viên cho cuộc bầu cử năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn, quy trách “những hành động tàn bạo được thực hiện bằng tiền thuế của chúng tôi, với sự hỗ trợ của quý vị” ở Gaza.

Ông Tạ Trung nói các cử tri trẻ tuổi nên có cái nhìn bao quát hơn và tập trung vào những vấn đề mà ông nói sát sườn hơn với người dân Mỹ như y tế, giáo dục, an ninh quốc gia, và quyền của người phụ nữ.

“Các em phải cân nhắc rất là kĩ lưỡng,” ông đưa ra lời khuyên. “Còn nếu mà các em không đi bầu thì cái sự thiệt thòi đối với các em rất là lớn. Lý tưởng của các em, những điều mà các em mong ước sẽ mất đi cả thì lúc đó thì quá trễ rồi.”


Tags: , , , , , ,

Comments are closed.