Thời sự Thứ Tư 13/9/2023: *Kim Jong Un: quan hệ với Nga là “ưu tiên tuyệt đối” *Un sớm hội đàm với Putin *Putin sẽ không có đối thủ nếu tái tranh cử *Hoa Kỳ phát hiện mỏ quặng lithium khổng lồ


Võ Thái Hà tổng hợp


Kim Jong Un: Tăng cường quan hệ với Nga là “ưu tiên tuyệt đối” của Bắc Triều Tiên

Thanh Phương | Trần Công /RFI

13/9/2023

Trong cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin tại một sân bay vũ trụ ở vùng Viễn Đông Nga hôm nay, 13/09/2023, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố việc tăng cường quan hệ giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng là “ưu tiên tuyệt đối”. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Viễn Đông Nga ngày 13/09/2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Viễn Đông Nga ngày 13/09/2023. AP – Mikhail Metzel 

Theo hãng tin AFP, sau khi đi thăm các cơ sở của sân bay vũ trụ Vostochny, trong đó có xưởng lắp ráp tên lửa Angara thế hệ mới, lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Nga đã mở cuộc hội đàm với sự hiện diện của phái đoàn hai nước, trước khi hai ông gặp riêng. Theo các hãng thông tấn Nga, tham dự các hội đàm song phương có các bộ trưởng Quốc Phòng, Ngoại Giao và Công Nghiệp của phía Nga. Trước cuộc hội đàm, tổng thống Putin đã nêu lên khả năng Nga sẽ giúp Bắc Triều Tiên chế tạo các vệ tinh nhân tạo.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:

“Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Nga là nơi mang tính biểu tượng cho tham vọng của Nga về thăm dò không gian. Trước khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh, tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Kim Jong Un đã đi tham quan các cơ sở của sân bay vũ trụ. Một video từ Nga cho thấy ông Kim Jong Un rất quan tâm đến công nghệ tên lửa của Nga. Ông không rời mắt khỏi cơ sở, thậm chí còn ra hiệu bằng tay để đặt câu hỏi về các bộ phận tên lửa cũng như cách chúng hoạt động.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Kim Jong Un đã nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng ủng hộ các quyết định của Nga và tổng thống Putin trong cuộc chiến Ukraina mà ông gọi là cuộc chiến “chống chủ nghĩa đế quốc”. Chủ tịch Bắc Triều Tiên kỳ vọng rằng cuộc gặp này sẽ nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Cuộc gặp ở sân bay vũ trụ Vostochny được chia ra làm hai phần, bao gồm cuộc họp mở rộng với sự tham dự của đại diện hai nước trong khoảng 90 phút. Sau đó là cuộc gặp riêng giữa hai lãnh đạo chỉ có phiên dịch viên trong khoảng 30 phút. Tại cuộc gặp này, ông Putin và ông Kim Jong Un dự kiến sẽ thảo luận về các kế hoạch hợp tác quân sự, trong đó có việc buôn bán vũ khí, cho dù điều này vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Kết thúc cuộc họp, điện Kremlin cho biết: Hai nước hiện không có kế hoạch ký bất kỳ tài liệu nào sau hội nghị thượng đỉnh.”

Trong bữa ăn trưa sau hội đàm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định với tổng thống Vladimir Putin là Nga sẽ giành được “một chiến thắng to lớn” trước các kẻ thù, chủ yếu là phương Tây. Theo các hãng tin Nga, ông Kim Jong Un còn ca ngợi quân đội Nga “anh hùng” trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina. 

https://www.rfi.fr/vi


Tòa đại sứ Trung Quốc ca ngợi phi hành gia nước mình bằng ảnh người Mỹ

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/09/anh-man-hinh-2023-09-12-luc-084026.png

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp ca ngợi phi hành gia nước mình bằng ảnh người Mỹ nên bị chế nhạo (ảnh chụp màn hình Twitter). 

Gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng một thông báo ca ngợi các phi hành gia Trung Quốc trên nền tảng mạng Twitter, nhưng bị phát hiện là sử dụng bức ảnh của phi hành gia người Mỹ. 

Sự việc đã bị nhiều cư dân mạng chế giễu. Sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc đã xóa bài đăng.

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan, bức ảnh nói trên chụp một phi hành gia ở ngoài vũ trụ, phía dưới là Trái đất.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng tinh mắt phát hiện ra phi hành gia trong bức ảnh không phải là phi hành gia người Trung Quốc, mà là một phi hành gia người Mỹ đeo băng tay có gắn quốc kỳ Mỹ.  

Cư dân mạng đã phóng to lá cờ Mỹ và để lại nhiều bình luận.

Có cư dân mạng nói rằng anh đã tìm ra nguồn gốc bức ảnh đến từ NASA – Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ. Người trong ảnh là phi hành gia Bruce McCandless – người đầu tiên bay tự do ngoài vũ trụ không dùng dây bảo hộ. Bức ảnh được chụp năm 1984. 

Cư dân mạng đã chỉ trích Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp “ăn cắp ảnh của NASA”.

Cựu nhà báo Charles Smith viết rằng: “Đây thực sự là một bài đăng tồi tệ”. 

Bình luận này của ông thậm chí còn nhận được nhiều lượt thích hơn cả số lượt thích bài đăng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp. 

Có cư dân mạng trả lời bình luận của ông Smith rằng: “Chắc họ nghĩ mình rất thông minh và có thể lừa dối mọi người. Thật xấu xa”.

Nghệ sĩ ​​người Úc gốc Hoa, Ba Đâu Tạo (Badiucao), đã đăng lại bức ảnh đó trên Twitter và ghép nó với bức ảnh phóng to chiếc băng tay của phi hành gia người Mỹ, cùng câu hỏi rằng: “Đây có phải là cờ Trung Quốc không?”


Kim Jong Un sẽ sớm hội đàm với Vladimir Putin

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/09/anh-man-hinh-2023-09-12-luc-082744.png

Kim Jong Un sẽ sớm hội đàm với Vladimir Putin (ảnh: ndtv). 

Văn phòng Tổng thống Nga xác nhận, ông Kim Jong Un sẽ sớm hội đàm với Vladimir Putin.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ thảo luận về nguồn cung cấp của Triều Tiên để hỗ trợ Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc – một đồng minh của Mỹ vẫn đang chính thức có chiến tranh với người anh em phương Bắc – đang tiến gần hơn đến Washington.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cũng xác nhận chuyến thăm.

Văn phòng Tổng thống Nga không tiết lộ chính xác ngày ông Kim gặp riêng ông Putin, nhưng các nhà báo của Associated Press ở gần biên giới Nga với Triều Tiên cho biết họ nhìn thấy một đoàn tàu tương tự như chuyến tàu được ông Kim sử dụng trong các chuyến công du nước ngoài trước đây đang di chuyển qua lại giữa cây cầu nối hai nước.

Tuần trước, tờ New York Times đưa tin hai nhà lãnh đạo đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán, có thể là ở Vladivostok trong tháng này, vì Moscow đang cần vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraina và Triều Tiên đang tìm kiếm công nghệ vệ tinh tiên tiến và thực phẩm.

Đây sẽ là chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông Kim kể từ năm 2019, khi ông tới Vladivostok để gặp Tổng thống Nga sau khi đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đổ vỡ.

Chính quyền Biden đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chuyến thăm Nga sắp tới của ông Kim.

Phó Tổng thống Kamala Harris cảnh báo mối quan hệ đối tác giữa Putin và Kim sẽ là một “sai lầm lớn”.

Harris nói với chương trình “Face the Nation” của CBS trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ nhật: “Tôi cũng rất tin tưởng rằng đối với cả Nga và Triều Tiên, điều này sẽ càng cô lập họ hơn”.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tuần trước cho biết Bình Nhưỡng sẽ “phải trả giá cho điều này trong cộng đồng quốc tế” nếu chọn cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trên chiến trường ở Ukraina.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây đã đến thăm Triều Tiên để thuyết phục ông Kim bán đạn pháo cho nước này. Tòa Bạch Ốc cho biết một nhóm quan chức Nga khác đã tới Bình Nhưỡng để theo dõi các cuộc đàm phán đó.


Điện Kremlin: Ông Putin sẽ không có đối thủ thực sự nếu tái tranh cử

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/putin-taitranhcu.jpg

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Kremlin.ru) 

Theo truyền thông Nga RBC, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai (11/9) rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 thì không ai có thể cạnh tranh với ông.

RBC dẫn lời ông Peskov nói rằng “Tổng thống vẫn chưa thông báo rằng ông ấy sẽ đề cử một ứng cử viên”.

“Nhưng nếu chúng ta giả thiết Tổng thống là ứng cử viên, thì rõ ràng là sẽ không có cuộc cạnh tranh tổng thống thực sự nào ở giai đoạn này.” Ông Peskov nói thêm rằng ông Putin “được người dân ủng hộ tuyệt đối”.

Ông Peskov cho biết Điện Kremlin vẫn chưa bắt đầu chuẩn bị công việc cho cuộc bầu cử tổng thống.

Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga sẽ được tổ chức vào tháng 3/2024. Về mặt lý thuyết, vòng bầu cử thứ hai có thể được tổ chức vào tháng 4.

Vào năm 2020, các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất, theo đó đặt mốc thời gian nhiệm kỳ của Tổng thống Putin trong hiến pháp mới cập nhật, thực tế cho phép ông Putin giữ chức tổng thống cho đến năm 2036.

Ông Putin, 70 tuổi, đã giữ chức Tổng thống hoặc Thủ tướng Nga trong hơn hai thập kỷ. Tuy nhiên, sau khi ông điều động hàng chục ngàn quân tới Ukraine vào ngày 24/2/2022, đã gây ra thách thức lớn nhất từ ​​trước đến nay trong nhiệm kỳ của ông, đồng thời gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Bình luận của ông Peskov được đưa ra một ngày sau khi cuộc bầu cử được tổ chức ở một số khu vực của Ukraine được Nga sáp nhập. Cuộc bầu cử được kỳ vọng sẽ mang lại chiến thắng cho các ứng cử viên thuộc đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin. Cộng đồng quốc tế coi cuộc bầu cử này là một sự giả tạo.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Putin vẫn là chính trị gia được yêu thích nhất ở Nga. Theo (tổ chức thăm dò của Nga) Trung tâm Levada, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đạt 80% trong tháng 8, cao hơn so với trước cuộc chiến ở Ukraine. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy khoảng 70% công chúng ủng hộ quân đội Nga ở Ukraine.

Trí Đạt


Hoa Kỳ phát hiện mỏ quặng lithium khổng lồ có thể thách thức được Trung Quốc

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/VNE-Lithium-4478-1694406521.jpg

Các lớp đá phiến sét chứa lithium ở hõm chảo McDermitt. Ảnh: Chris Henry 

Mỏ quặng lithium được phát hiện ở miệng núi lửa dọc biên giới hai tiểu bang Nevada – Oregon của Hoa Kỳ có thể là mỏ lithium lớn nhất trên thế giới. Việc phát hiện mỏ quặng lithium khổng lồ này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt về kim loại hiếm được dùng trong sản xuất điện tử, trong khi Trung Quốc cố gắng thống trị thị trường này.

Tạp chí “Thế giới Hóa học” hàng tháng của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh đưa tin vào tuần trước, ước tính có tới 40 triệu tấn kim loại lithium nằm trong miệng núi lửa hình thành cách đây khoảng 16 triệu năm.

Các mỏ lithium ở Thacker Pass thuộc bang Nevada của Hoa Kỳ lớn hơn đáng kể so với các mỏ ở Bolivia, vốn trước đây được coi là các mỏ lithium lớn nhất thế giới.

Nhà địa chất học người Hà Lan Anouk Borst nhận định: “Nếu bạn tin vào ước tính ban đầu của họ, thì đây là một mỏ quặng lithium rất, rất đáng kể. Nó có thể thay đổi động lực của lithium trên toàn cầu về mặt giá cả, về an ninh nguồn cung và cả về địa chính trị.”

Theo BloomberNEF, tính đến năm 2020, Trung Quốc kiểm soát 80% hoạt động tinh chế nguyên liệu thô của thế giới.

Theo Forbes, mặc dù chỉ chiếm 7,9% trữ lượng lithium của thế giới, nhưng Trung Quốc lại là nhà sản xuất lithium lớn thứ ba trên toàn cầu. Bắc Kinh đã mua toàn bộ cổ phần tại các mỏ ở các nước đang phát triển, một động thái nằm trong kế hoạch kiểm soát 1/3 nguồn cung lithium toàn cầu.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cảnh báo rằng Hoa Kỳ cần “tìm thêm nhiều khoáng sản”, chẳng hạn như lithium, dùng cho sản xuất pin xe điện từ trong nước và từ các quốc gia thân thiện trong bối cảnh Trung Quốc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 60% các khoáng sản quan trọng cần thiết cho việc sản xuất pin xe điện.

Lithium Americas Corp., một công ty đặt tại Canada, đã bắt đầu việc xây dựng tại một mỏ ở Thacker Pass trong bối cảnh các vụ kiện pháp lý của các nhà bảo vệ môi trường và các thủ lĩnh bộ lạc người Mỹ bản địa đã thất bại.

Gia Huy (Theo Just the News)


Comments are closed.