Tin tức thế giới ngày 16 tháng 8, 2024


Dưới Thiên Đàng XHCN, Gần Nửa Thế Kỷ, Vẫn Còn Bỏ Nước Ta Đi! Tài Xế Gia Nã Ðại Bị Khởi Tố Vì Chở Lậu 10 Người Việt Nam Vào Mỹ. Bằng Xe Đầu Kéo Container!

g78gt78g78g98hy88.jpg

(Hình AP, tư liệu: Xe vận tải từ Windsor, Gia Nã Ðại, qua cầu để sang Detroit, Hoa Kỳ, 12/6/2018.)

-Một tài xế xe vận tải người Gia Nã Ðại bị khởi tố tại một tòa án cấp liên bang của Mỹ hôm thứ Sáu (9/8/2024), về tội đưa lậu 10 công dân Việt Nam vào Mỹ trong thùng container trên xe đầu kéo của ông ta, theo tin trên Detroit Free Press, Detroit News và một số trang tin khác.

Husain Al Kawwaz, công dân Gia Nã Ðại, nói với điều tra viên khi bị thẩm vấn rằng ông ấy sẽ được trả 5.000 Mỹ kim khi trở về Gia Nã Ðại sau khi đưa lậu vào Mỹ trót lọt những người nêu trên, theo hồ sơ của nhà chức trách nộp cho Tòa án liên bang Mỹ cấp quận hạt ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, Detroit Free Press, Detroit News và một số trang tin cho hay. Sự việc xảy ra hôm 7/8 ở Detroit.

Hồ sơ của tòa án không tiết lộ tình trạng của 10 người Việt Nam hiện ra sao.

Nhà chức trách Mỹ đề nghị xử hình sự Al Kawwaz về hành vi vận chuyển lậu người ngoại quốc để có lợi thế thương mại và thu lợi tài chánh cho cá nhân.

Sau khi ra hầu tòa lần thứ nhất hôm 9/8, Al Kawwaz bị xác định là phải bị tạm giam. Tòa bố trí một phiên tranh tụng vào ngày 13/8 để ra quyết định về việc giam giữ ông này, theo hồ sơ của tòa án, vẫn Detroit Free Press, Detroit News và một số trang tin tường thuật.

Luật sư Elizabeth Young, đại diện cho Al Kawwaz trong lần ra tòa đầu tiên, nói hôm 9/8 rằng ông ấy không có tiền án tiền sự và đề nghị trả tự do cho ông ấy trong khi các thủ tục về vụ án vẫn tiếp tục.

Bản lời khai cho thấy Al Kawwaz (34 tuổi), người gốc Iraq, đã nộp giấy tờ để nhập cảnh vào Mỹ và đi đến Kho hàng Fort Street ở Detroit vào đêm 7/8.

Nhân viên Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã kiểm tra xe đầu kéo container của ông ấy bằng thiết bị chiếu tia X. Trên giấy tờ, trong container là hàng nông sản còn tươi từ Gia Nã Ðại.

Detroit Free Press, Detroit News và một số trang tin viết rằng qua nửa đêm giữa 7/8 và 8/8, các nhân viên an ninh vòng ngoài phát giác 10 người trốn trong bãi đỗ xe của khu vực kiểm tra xe, sau đó, họ được xác định là công dân Việt Nam.

Ban đầu, do bất đồng ngôn ngữ, các viên chức Mỹ không thể hỏi đáp với họ về cách thức họ đến Mỹ. Theo hồ sơ tòa án, sổ thông hành của họ không có visa của Mỹ hoặc các giấy tờ khác cho phép họ nhập cảnh vào Mỹ.

Khoảng 2 giờ sáng 8/8, nhân viên của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã xem lại video của camera an ninh và thấy một nhóm đông người bước ra khỏi xe vận tải của Al Kawwaz, vẫn theo hồ sơ của nhà chức trách gửi đến tòa.

Khoảng 25 phút sau, Al Kawwaz bị yêu cầu quay lại trạm kiểm soát và ông ta đã tuân thủ.

Khi bị thẩm vấn, Al Kawwaz xác nhận đây là lần đầu tiên ông ấy đưa lậu người vào Mỹ. Trước đó ‘một tuần hoặc 10 ngày’, có người đã tiếp cận ông ấy tại một bến xe vận tải ở Windsor, Gia Nã Ðại, và lôi kéo vào việc vận chuyển lậu người với giá 5.000 Mỹ kim.

Ông ấy khai với điều tra viên rằng đã nhận 10 người ở Windsor và giấu họ trong thùng xe container của mình.

Nails Việt, Từ Sinh Nhai Đến Nghệ Thuật. Bộ móng tay đẹp nhất tại cuộc tranh tài Olympic! Cả thế giới ngưỡng phục! Do một nghệ nhân làm nails gốc Việt, cô Kelly Phan, tại Florida thiết kế!

(Đinh Yên Thảo)

jiohijiojopjojojo[kp[kp.png

(Ảnh chụp màn hình từ trang Instagram của Kelly Phan: Bộ móng tay với nền cờ Mỹ của vận động viên điền kinh Sha’Carri Richardson trong lễ khai mạc Olympic tại Paris, do Kelly Phan thiết kế.)

-Bộ móng tay được thiết kế rực rỡ với nền cờ Mỹ của vận động viên điền kinh Sha’Carri Richardson trong lễ khai mạc, đã được giới truyền thông đăng tải và mạng xã hội lan truyền. Bộ móng tay tinh xảo và nghệ thuật này được giới ký giả và các tạp chí thời trang đánh giá là một trong những bộ móng tay đẹp nhất tại cuộc tranh tài Olympic năm nay. Nhà thiết kế cho bộ móng tay này là Kelly Phan, một nghệ nhân làm nails gốc Việt tại Florida.

Kelly Phan kể với chúng tôi, lần đầu tiên cô gặp Sha’Carri Richardson vào tiệm làm móng tay của mình tại Orlando, Florida, cô chưa hề biết cô gái thân thiện và bình dân này là ai, cho đến khi vài khách hàng đang có mặt trong tiệm nhận diện và xin chụp ảnh với Sha’Carri.

Kelly vào Google để tra tên vị khách, té ra Sha’Carri Richardson, 24 tuổi, là một ngôi sao trong làng điền kinh Mỹ và thế giới.

Kể từ đó, mối quan hệ khách hàng trở nên gắn bó hơn khi Sha’Carri rất thích thú với các mẩu thiết kế móng tay của Kelly Phan. Vài năm qua, Kelly Phan trở thành một trong những nhà thiết kế móng tay cho Sha’Carri, dù vận động viên này ở tận Dallas của tiểu bang Texas. Trước khi sang tham dự Paris Olympic năm nay, Sha’Carri đặt Kelly làm sáu bộ móng tay cho mình nhưng vì vấn đề thời gian, Kelly chỉ thực hiện được bốn bộ “press-on”, một kiểu móng giả được thiết kế trước và người sử dụng chỉ mang hay dán lên tay mình.

Sha’Carri Richardson từng vô địch thế giới chạy 100m trong năm qua và trong Olympic Paris vừa rồi, cô mang về một huy chương bạc cá nhân (100m) cùng một huy chương vàng tiếp sức (4x100m) cho đội Mỹ.

gt78gt78gt78yy89y89y898.jpg

(Hình: Đến Mỹ năm 2010 khi đang học Đại học năm thứ nhì về thiết kế thời trang, Kelly Phan với tên Việt là Phan Thị Mỹ Lệ đã có sự yêu thích và nền tảng về mỹ thuật.)

Có đến 4 nhà thiết kế móng tay khác nhau và Kelly là người gốc Việt duy nhất. Những nghệ nhân khác, có thể kể tên Angie Aguirre (New York), Janelle Montoya (Dallas). Sha’Carri đã mang tất cả bốn bộ móng do Kelly thiết kế tại Olympic vừa qua. Những bộ móng này được các ký giả ngoại quốc chú ý và đăng báo, trong đó có bộ móng cờ Mỹ mà Sha’Carri mang trong lễ khai mạc.

Đến Mỹ năm 2010 khi đang học Đại học năm thứ nhì về thiết kế thời trang, Kelly Phan với tên Việt là Phan Thị Mỹ Lệ đã có sự yêu thích và nền tảng về mỹ thuật. Sau một thời gian sống tại Mỹ, Kelly nhận ra rằng nghề nails không chỉ là sinh kế và dịch vụ chăm sóc, làm đẹp cho khách hàng mà còn là một nghệ thuật khi mỗi bộ móng tay được thực hiện như một tác phẩm nghệ thuật. Kelly bước vào nghề nails từ 15 năm qua và hiện đang làm chủ hai tiệm nails tại Orlando với tâm thức đó.

Hiểu được tính cách và sở thích thẩm mỹ của Sha’Carri Richardson, Kelly đã thiết kế bốn bộ móng tay mang các ý nghĩa khác nhau để Sha’Carri mang sang Paris.

Bộ thứ nhất với nền màu cờ Mỹ, bộ móng mang chủ đề dành cho Team USA mang sự tự hào và thời trang Mỹ. Bộ thứ nhì lấy màu sắc của lá cờ Olympic ngũ sắc làm chủ đạo nên rực rỡ và lóng lánh theo sở thích của Sha’Carri. Bộ thứ ba, Kelly nói với chúng tôi rằng sau khi đã sử dụng hầu hết màu sắc cho các bộ trước, cô sử dụng màu tím làm nền chủ đạo nhưng vô tình lại phù hợp với đồng phục của đội điền kinh Hoa Kỳ được hãng Nike thiết kế. Và bộ màu vàng chủ đạo cuối cùng mang ý nghĩa về huy chương vàng tại Olympic, là mục tiêu nhắm đến cho Sha’Carri và đoàn Mỹ nói chung. Mỗi bộ móng này Kelly cho biết được thực hiện khoảng từ ba đến 5 tiếng đồng hồ, không kể việc chỉnh sửa hay thay đổi thiết kế nếu cô chưa cảm thấy hài lòng với một hay vài móng tay nào đó.

Các bộ móng tay công phu và tinh xảo này không phải chỉ nhận toàn lời khen ngợi về phong cách thời trang của Sha’Carri mà một số khán giả cũng e ngại rằng, mang móng tay dài như vậy là thiếu thích hợp trong các cuộc tranh tài thể thao như Olympic. Là nhà thiết kế, Kelly bảo rằng trang phục có thể làm người ta cảm thấy hài lòng về bản thân và tăng thêm sự tự tin, mà sự tự tin vốn là yếu tố cần thiết trong các cuộc tranh tài. Tại vòng chung kết cuộc đua tiếp sức 4x100m nữ, Sha’Carri cũng mang một bộ móng tay dài, do nghệ nhân Angie Aguirre thiết kế. Sha’Carri là vận động viên chặng nước rút cuối cùng để giúp đội Mỹ chiếm được huy chương vàng.

Tạp chí Nylon đăng lời của Sha’Carri về các bộ móng tay nghệ thuật của mình: “[Các bộ móng tay tôi mang] dựa trên cảm xúc mà tôi đang có. Tôi sẽ mang bộ móng tay nào trên đường đua hôm nay? Tôi để các móng tay của tôi thể hiện điều đó…”. “Các nghệ nhân làm móng tay cho tôi là những phụ nữ tuyệt vời và sáng tạo, vì vậy gần như luôn luôn, tôi nói họ gam màu tôi thích, rồi từ gam màu đó, họ sáng tạo ra sản phẩm riêng của họ. Họ hiểu tôi hoàn toàn như chính bản thân tôi”.

Hãng Nike, hãng bảo trợ cho Sha’Carri Richardson trong vài năm qua cũng đặt Kelly Phan thiết kế các bộ móng tay phù hợp với các trang phục và giày Nike mà Sha’Carri mang để quảng cáo cho Nike. Được một tập đoàn thể thao hàng đầu chú ý và đặt hàng thiết kế cũng là một thành công cho Kelly Phan.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Kelly cho biết một vài tờ báo Pháp và Gia Nã Ðại cũng đã liên lạc và phỏng vấn cô sau khi các bộ móng tay do Kelly thiết kế cho Sha’Carri nhận được sự chú ý và khen ngợi tại Paris, cũng như được tạp chí thời trang Fashion nêu tên là nhà thiết kế móng tay cho Sha’Carri Richardson.

Trong bài báo “Tippi Hedren, mẹ đỡ đầu nghề nails người Việt” vào tháng Chín năm 2011, chúng tôi có viết về lịch sử ngành nails của người Việt. Khởi đầu từ sự giúp đỡ người tị nạn Việt Nam từ nữ tài tử Hollywood là Tippi Hedren vào năm 1975, nghề nails lan rộng khắp nước Mỹ rồi khắp thế giới trong cộng đồng người Việt. Sau gần 50 năm, người Việt hầu như đã nắm giữ phần lớn dịch vụ làm móng tay trong một kỹ nghệ 8.6 tỉ Mỹ kim tại Hoa Kỳ và có nguồn nhân công đến gần 400 ngàn người, bao gồm các lãnh vực dịch vụ, sản xuất, cung cấp và phân phối liên quan đến nghề nails, theo các số liệu từ World Metrics.

Câu chuyện của Kelly Phan là một sự thành công nghề nghiệp cá nhân và là câu chuyện riêng biệt trong nghề nails của người Việt tại Mỹ, nhưng đồng thời nó đã gợi sự chú ý đến nghệ thuật nghề nails nói chung. Từ một nghề sinh nhai, nghề nails đang định hình một mục tiêu mới khi nhắm đến các thiết kế nghệ thuật sáng tạo và ý nghĩa, điều mà Kelly Phan đã thực hiện cho nhà vô địch Olympic Sha’Carri Richardson.

HRW Kêu Gọi Hà Nội Trả Tự Do Cho Nhà Hoạt Động Nguyễn Chí Tuyến

gugguh8hhiohihi.jpg

(Hình REUTERS: Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.)

-Hôm 14/8/2024, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW – Human Rights Watch) có trụ sở ở Mỹ kêu gọi chính quyền Cộng sản Việt Nam lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến.

HRW đưa ra lời kêu gọi trên chỉ một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông Tuyến tại Hà Nội theo dự kiến là vào ngày 15/8.

“Nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông đã bày tỏ quan điểm trái ý họ”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức HRW bày tỏ ý kiến trong thông cáo. “Chính quyền Việt Nam cần ngừng bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích ôn hòa, sửa đổi các điều luật hình sự hà khắc, và chấm dứt vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản”.

“Chính quyền Việt Nam sẽ vẫn bị kẹt trong thế đàn áp nếu cứ tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến dám nói lên suy nghĩ của mình như ông Nguyễn Chí Tuyến”, bà Gossman nhận định.

“Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi giao dịch với chính quyền vi phạm nhân quyền này”, vị đại diện của HRW đưa ra lời kêu gọi.

Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Trong nhiều dịp khác nhau, bộ này và các viên chức Cộng sản Việt Nam vẫn thường nói rằng chính quyền của đất nước này tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cơ bản, những người bị bắt bớ, phải nhận án tù đều là những người vi phạm pháp luật, không phải vì họ thực thi các quyền tự do.

Công an bắt ông Nguyễn Chí Tuyến vào ngày 29/2/2024 ở Hà Nội vì ông chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội. Ông bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Theo HRW, ông Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), 50 tuổi, là một nhà vận động nhân quyền đã sử dụng YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Kênh YouTube chính của ông, Anh Chí Râu Đen, đăng hơn 1.600 đoạn video và có 98.000 người đăng ký trong khi kênh YouTube AC Media của ông, có hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký.

Tin Quốc Tế Đó Đây

***

Mỹ Thông Qua Hợp Đồng Bán Vũ Khí Cho Do Thái Bất Chấp Phản Đối của Các Tổ Chức Nhân Quyền

gt78g78g7gg8989hy8.jpg

(Ảnh REUTERS – Do Tháii Army, minh họa: Một chiến đấu cơ F-15 của Do Thái trong chuyến bay đi oanh kích Yemen. Ảnh chụp tại một địa điểm không xác định, được công bố ngày 20/7/2024.)

-Hôm 13/8/2024, chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá hơn 20 tỉ Mỹ kim cho đồng minh Do Thái, bất chấp áp lực của các tổ chức nhân quyền đòi Hoa Thịnh Ðốn phải chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Tel-Aviv.

Theo hãng tin AFP, trong tài liệu gởi Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng số vũ khí nói trên, trong đó có 50 chiến đấu cơ F-15, sẽ giúp tăng cường khả năng của Do Thái “đối phó với các mối đe dọa hiện nay và trong tương lai”.

Trong khi đó, Hoa Thịnh Ðốn đang thúc ép Tel-Aviv thương lượng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Tổng thống Joe Biden hôm 13/8 tuyên bố đó là cách duy nhất để Iran không tấn công trả đũa Do Thái về vụ oanh kích vào Tehran tiêu diệt lãnh đạo chính trị của Hamas.

Theo yêu cầu của Algérie, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua đã họp khẩn về tình hình Gaza. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Carrie Nooten của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

“Hoa Kỳ đang gia tăng nỗ lực để các bên chấp nhận kế hoạch hòa bình. Toàn bộ các nhà ngoại giao của Hội Đồng Bảo An đều khen ngợi Mỹ cũng như khen Qatar và Ai Cập về vai trò trung gian của hai nước này.

Hoa Thịnh Ðốn nay không ngần ngại chỉ trích công khai Do Thái, vào lúc đang có những hành động có thể gây cản trở cho tiến trình hòa bình. Đó là những hành động tuy mang tính biểu tượng, nhưng lại nhằm mục đích khiêu khích, như vụ một Bộ trưởng cực hữu của Do Thái đến cầu nguyện tại Quảng trường các đền thờ, hay những vụ oanh kích vào trường học hay vào nhà thờ Hồi giáo, tiêu diệt khoảng 15 chiến binh Hồi giáo, nhưng cũng khiến 80 thường dân thiệt mạng, vi phạm mọi quy tắc của chiến tranh.

Nữ Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas Greenfield đã nhắc lại rằng Do Thái có quyền tự vệ, nhưng cũng đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc hơn bình thường. Bà nói: ” Chúng tôi đã nhắc lại điều này một cách cương quyết và liên tục: Do Thái phải làm đủ mọi cách để giảm thiểu tối đa các hậu quả đối với thường dân”.

Nhưng lời cảnh báo này đã bị giảm nhẹ bởi việc Hoa Kỳ vừa thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Do Thái, trị giá 20 tỉ Mỹ kim, bao gồm 50 chiến đấu cơ F-15, đạn xe tăng và đạn pháo. Tại Hội Đồng Bảo An, Palestine và Nam Phi đã cực lực chỉ trích sự yểm trợ Do Thái và thái độ đạo đức giả của Mỹ.

Ukraine Di tản Người Dân Vùng Biên Với Nga

fdfff6f778gt77.jpg

(Hình REUTERS – Viacheslav Ratynskyi: Người dân Ukraine tại một làng ở vùng Sumy, gần biên giới với Nga, lên xe bus đi di tản ngày 9/8/2024.)

-Vùng Sumy của Ukraine nằm sát với vùng Kursk của Nga, nơi quân đội Ukraine đang kiểm soát nhiều địa phương. Ngày 14/8/2024, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn. Phóng viên của thông tấn xã AFP nhìn thấy nhiều xe bọc thép của Ukraine tập trung gần biên giới. Theo một sĩ quan Ukraine, “kể từ khi (quân Ukraine) tấn công phía bên kia (vùng Kursk), tình hình trở nên yên tĩnh hơn rất nhiều” ở Sumy.

Tuy nhiên, ít nhất 20.000 người Ukraine ở vùng Sumy đang được di tản đến nơi an toàn hơn, theo ghi nhận qua phóng sự của đặc phái viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Sumy:

“Giống như hàng ngàn người Ukraine khác, bà Valentina, 79 tuổi, phải rời khỏi nhà mà gần như không mang theo được gì. Chúng tôi đang ở Mohrutsya, một ngôi làng ở Ukraine, chỉ cách biên giới Nga khoảng 5  cây số. Vì bà không thể tự đi lại được nên hội Hồng Thập tự tới đưa bà đi.

Bà Valentina sợ phải tới thành phố Sumy, nơi bà không biết ai hết, nhưng những trận oanh kích của Nga vào làng Mohrutsya, cũng như những ngôi làng vùng biên khác ở Ukraine đã khiến tình hình không thể chịu đựng nổi. Cuối cùng, ông Gennady, một nhân viên của Hồng Thập tự, đã thuyết phục được bà Valentina.

Ông Gennady giải thích: “Lúc đầu, rất khó (thuyết phục được người dân đi cùng chúng tôi) bởi vì chúng tôi không hiểu được tâm trạng của họ. Nhưng bây giờ, mọi chuyện trở nên dễ hơn nhờ kinh nghiệm giao tiếp mà chúng tôi tích lũy được. Hơn nữa, những người này không còn tính toán theo hoàn cảnh của mình nữa mà họ nhìn xem hàng xóm đang làm gì. Và họ thấy rất nhiều hàng xóm cũng rời đi”.

Sau một giờ đi đường và nhiều lần dừng để làm các thủ tục hành chính, bà Valentina được đưa đến một nhà dưỡng lão ở Sumy. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nơi an toàn tạm thời bởi vì thành phố Sumy cũng thường xuyên bị quân Nga oanh kích”.

Thế Thủ Hay Nhất, Là Thế Công! Ukraine Tiếp Tục Đà Tiến Quân, Nga Ban Bố Tình Trạng Khẩn Cấp ở Belgorod

y89yy89y89uy8u890u.jpg

(Hình REUTERS – Stringer: Một chốt kiểm tra của Nga, ngày 12/8/2024, tại vùng Belgorod, sau vụ quân Ukraine đột kích.)

-Hôm 14/8/2024, Quân đội Ukraine tiếp tục đà tiến ở trên lãnh thổ Nga, nơi mà họ khẳng định đã chiếm được 74 địa phương ở vùng Koursk, đồng thời oanh kích dồn dập vào vùng Belgorod sát bên, nơi mà Thống đốc vùng đã ban hành tình trạng khẩn cấp.

Trên mạng Telegram, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết đang diễn ra các trận giao tranh “khó khăn và ác liệt” tại vùng Koursk giáp biên giới Nga-Ukraine, nơi quân Ukraine đã xâm nhập từ ngày 06/8 mà quân Nga bị bất ngờ, không kịp trở tay. Tổng thống Ukraine cũng khẳng định là “hàng trăm” lính Nga đã bị bắt làm tù binh.

Trong khi đó, quân đội Nga tuyên bố đã ngăn chận được các cuộc tấn công mới của quân Ukraine ở vùng Koursk và thông báo đã gởi quân tiếp viện đến đây, “gây nhiều thiệt hại cho đối phương”.

Đây là vụ đột kích lớn nhất của một quân đội ngoại quốc vào lãnh thổ Nga kể từ sau Ðệ nhị Thế chiến. Vì sao cho tới nay, Nga vẫn không chặn được đà tiến của quân Ukraine? Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) phân tích:

“Về việc đáp lại những vụ đột nhập của quân Ukraine, Tổng thống Nga đã khẳng định hôm thứ Hai: nhiệm vụ chính yếu phải do Bộ Quốc phòng đảm trách. Nhưng bộ này phải hợp tác với cơ quan mật vụ FSB, cơ quan phụ trách an ninh nội địa và cũng quản lý luôn cả hải quan và lực lượng vệ binh quốc gia.

Các vùng biên giới bị Ukraine tấn công đã được đặt dưới chế độ đặc biệt chống khủng bố. Thế mà, theo luật của Nga, chỉ huy các chiến dịch trong khuôn khổ chế độ này là trách nhiệm của Ủy ban quốc gia chống khủng bố, cơ quan hiện đặt dưới sự lãnh đạo của Alexander Bortnikov, một nhân vật thân tín của Tổng thống Vladimir Putin và cũng chính là Giám đốc của cơ quan FSB.

Cũng theo luật của Nga, các đơn vị của quân đội chỉ được tham gia các chiến dịch chống khủng bố nếu có quyết định của người chỉ huy chiến dịch đó, tức là lãnh đạo FSB. Cho nên một số người cho rằng tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov không thể kiểm soát được các chiến dịch được tiến hành nhằm đánh bật quân Ukraine khỏi lãnh thổ Nga.

Tình hình rối rắm này phản ánh cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin thì vẫn đóng vai trò trọng tài giữa các phe, trong lúc quân Ukraine dường như đang tiếp tục đà tiến. Tối qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định đã kiểm soát được 74 địa phương của Nga”.

Ukraine Nói Đã Tấn Công Lớn Bằng Drone Vào 4 Căn Cứ Không quân Nga

ggyg78gg79gh8.jpg

 (Ảnh tư liệu, trích từ kênh chính thức của Tổng thống Zelenskyy: Binh sĩ Ukraine chuẩn bị tác chiến với drones.)

-Hôm thứ Tư (14/8/2024), Ukraine nói rằng họ thực hiện cuộc tấn công lớn nhất từ đầu cuộc chiến tranh đến nay bằng máy bay không người lái (drone) tầm xa vào 4 phi trường quân sự của Nga trong đêm, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ca ngợi đây là đòn đánh “kịp thời” và “chính xác”.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết trên Telegram rằng các căn cứ Không quân “Khalino”, “Savasleyka”, “Borisoglebsk” và “Baltimor” ở các vùng Voronezh, Kursk và Nizhniy Novgorod đã bị tấn công.

“Các mục tiêu chính là kho nhiên liệu, dầu mỡ và vũ khí Không quân”, cơ quan quân sự này cho hay và nói thêm rằng kết quả của cuộc tấn công ra sao đang được làm rõ.

Một nguồn tin trong ngành an ninh ở Kyiv cho rằng cuộc tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng của Mạc Tư Khoa trong việc sử dụng máy bay chiến đấu để ném bom lượn vào Ukraine.

Thông tấn xã Reuters không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố kể trên. Nguồn tin cho biết Ukraine vẫn đang đánh giá quy mô thiệt hại.

“Xin cảm ơn về các đòn đánh chính xác, kịp thời và hiệu quả vào các phi trường của Nga. Máy bay không người lái của Ukraine hoạt động đúng như mong đợi”, ông Zelenskyy phát biểu với quân đội hôm 14/8.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng lực lượng phòng không của nước này đã tiêu diệt 117 máy bay không người lái và 4 phi đạn chiến thuật do Ukraine phóng tới một số khu vực, trong đó có Kursk.

Cuộc tấn công vào các phi trường diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang cố gắng tiến quân trong khu vực Kursk của Nga sau khi họ tiến hành một chiến dịch bất ngờ mang lại chiến thắng lớn nhất trên chiến trường kể từ năm 2022.

Thống đốc địa phương nói hôm 12/8 rằng kể từ cuộc tấn công vào tuần trước, lực lượng Nga đã giảm số vụ tấn công bằng bom có điều hướng vào các khu định cư vùng biên giới ở khu vực Kharkiv thuộc miền Đông-Bắc Ukraine.

Vụ Phá Hoại Nord Stream: Đức Đã Phát Lệnh Bắt Giữ 1 Người Ukraine

-Hôm 14/8/2024, thông tấn xã AFP loan tin ngành Tư pháp của Đức đã phát lệnh bắt giữ trên toàn Âu Châu đối với một người Ukraine bị tình nghi có liên quan đến vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 tại vùng biển Baltic vào tháng 9/2022.

Theo báo chí Đức, Viện Công tố Liên bang đã phát lệnh bắt giữ vào tháng 6 đối với một người Ukraine chuyên huấn luyện thợ lặn, lúc đó sống tại Ba Lan, tại một nơi gần Warsaw, được biết dưới tên là Volodymyr Z. Người này bị nghi là đã cùng với hai thợ lặn Ukraine khác tham gia vào vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt dưới biển.

Theo các quy định về tương trợ Tư pháp giữa các nước Âu Châu, chính quyền Ba Lan phải đáp ứng yêu cầu của Đức bắt giữ nghi can trong vòng 60 ngày. Nhưng không rõ vì sao phía Ba Lan đã không làm theo yêu cầu của Đức.

Viện Công tố Liên bang của Đức đã không trả lời khi được hãng tin AFP hỏi về vụ này.

Viện Công tố Ba Lan hôm 14/8 xác nhận đã nhận được lệnh bắt giữ của phía Đức. Tuy nhiên, nhưng nghi can Ukraine đã rời khỏi Ba Lan để trở về nước từ đầu tháng 7 mà không hề bị chặn lại ở biên giới, do Bá Linh “đã không ghi tên của nghi can này vào danh sách những người bị truy nã”, theo giải thích của Warsaw.

Theo thông tấn xã AFP, trả lời báo chí Đức qua điện thoại, Volodymyr Z. đã khẳng định không hề tham gia vào vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và 2, nối Nga với Đức và được dùng để vận chuyển phần lớn khí đốt của Nga sang Âu Châu. Chính quyền Kyiv thì cũng đã bác bỏ mọi trách nhiệm trong vụ này. Theo báo chí Đức, hiện chưa có yếu tố nào cho thấy các nghi can nói trên đã hành động theo lệnh của chính quyền, cơ quan mật vụ hay quân đội Ukraine.

Âu Châu Khó Cưỡng Lại Được Làn Sóng Xe Hơi Điện Trung Quốc

t78gt78gt78y89y8y8u89.jpg

(Hình AFP – STR: Xe hơi điện của hãng Trung Quốc BYD tại cảng containeur ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, ngày 8/2/2024.)

-Các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi của Âu Châu khó có thể cản được xe hơi điện Trung Quốc. Áp thuế cao chỉ có thể là giải pháp tạm thời để các nhà chế tạo xe Âu Châu và các quốc gia có thời gian chuẩn bị, thích ứng cạnh tranh với xe Trung Quốc.

Đầu năm nay, hình ảnh hàng ngàn chiếc xe hơi điện Trung Quốc tràn ngập các bến cảng của Bỉ đã dấy lên nhiều lo ngại trong các giới chức Liên Hiệp Âu Châu (EU). Thực tế, trong quý đầu năm 2024, số lượng bán ra của các nhãn hiệu xe Trung Quốc đã chiếm hơn 10% doanh số bán xe hơi điện mới của Liên Hiệp Âu Châu. Đây là bước đột phá ấn tượng nếu như biết rằng hầu như không có chiếc xe hơi điện Trung Quốc nào tiêu thụ được tại tại Âu Châu trong năm 2019. Mọi người đều hiểu, xe hơi điện Trung Quốc bán chạy ở Âu Châu là vì giá rẻ.

Để đối phó nguy cơ xe Trung Quốc ngập tràn, trong khi mà Liên Hiệp Âu Châu đã có chủ trương đến năm 2035 cấm bán hoàn toàn xe động cơ nhiệt mới, Brussels hôm 4/7 đã quyết định áp thuế nhập cảng bổ sung, có thể tới 38% đối với các loại xe hơi điện Trung Quốc, cộng với mức 10% đang áp dụng. Một biện pháp phòng vệ trước việc chính phủ Trung Quốc trợ giá mạnh mẽ cho các nhà chế tạo xe điện của họ mà cuộc điều tra của Ủy Ban Âu Châu đã kết luận là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Âu Châu hy vọng ngăn chặn làn sóng xe hơi điện Trung Quốc sẽ bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi tập trung tới 14,6 triệu lao động của mình. Trung Quốc, hôm 9/8, đã kiện quyết định tăng thuế của Liên Hiệp Âu Châu ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các biện pháp mạnh của Liên Hiệp Âu Châu có làm xe hơi điện Trung Quốc cài số lùi hay không? Theo Elvire Fabry, nhà nghiên cứu Địa-chính trị Thương mại thuộc Viện Jacques-Delors, được nhật báo La Croix trích dẫn, nhận định “Người Trung Quốc nhận ra rằng thị trường Âu Châu sẽ kém hứa hẹn hơn mong đợi”. Quả thực, doanh số bán xe hơi điện đã bắt đầu hụt hơi từ đầu năm. Tuy vậy, các nhà chế tạo xe hơi điện Trung Quốc không có ý định lùi bước. Bởi vì Mỹ đã đóng cửa thị trường với họ bằng mức thuế hải quan rất cao, Âu Châu dường như vẫn là một lối thoát đặc biệt mang tính chiến lược.

Các nhà chế tạo xe hơi điện Trung Quốc đã tính trước, đang thay đổi chiến thuật để vượt rào cản thuế quan và để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng bản địa bằng cách sản xuất tại chỗ, ngay trên đất Âu Châu. Anthony Morlet-Lavidalie, Kinh tế gia thuộc văn phòng tư vấn Rexecode, nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một lĩnh vực có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ, không còn giải pháp nào để Âu Châu giành chiến thắng”.

Trong lĩnh vực xe hơi điện, các nhà chế tạo Trung Quốc thực sự đang chiếm nhiều ưu thế về cải tiến kỹ thuật, đặc biệt về khả năng cạnh tranh giá thành. Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc còn có thế mạnh nữa là họ chủ động được nguồn nguyên liệu chế tạo bình điện, trong khi Âu Châu bị phụ thuộc. Nếu bị đánh thuế nhập cảng xe quá cao, Trung Quốc có thể trả đũa cắt nguồn khoáng sản chiến lược.

Theo nhà nghiên cứu Elvire Fabry, các loại thuế của Âu Châu không nhằm cấm hẳn, “mục đích là giúp các nhà chế tạo xe Âu Châu có thời gian để có thể thích nghi, đồng thời khuyến khích người Trung Quốc đến sản xuất ở Âu Châu thay vì xuất cảng”.

Về phần mình, các nhà sản xuất xe Âu Châu đang cố gắng giành thị phần xe hơi điện bằng cách liên doanh với các tập đoàn Trung Quốc, chẳng hạn như Stellantis (Ý Ðại Lợi) với Leapmotor và Renault (Pháp) với Geely. Xu thế chế tạo tại chỗ của các hãng xe Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng trong một năm trở lại đây. Tập đoàn khổng lồ Trung Quốc BYD đã có tại Hung Gia Lợi nhiều nhà máy sản xuất bình điện, một nhà máy sản xuất xe bus điện và một nhà máy sản xuất xe hơi điện đang trong quá trình xây dựng. Vào tháng 7, BYD đã thông báo xây dựng một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước cũng giống như Liên Hiệp Âu Châu, từng đe dọa áp thuế cao với xe Trung Quốc. Hay hãng xe Trung Quốc Chery sẽ lắp ráp xe của họ tại Tây Ban Nha, còn Ý Ðại Lợi thì đang thương lượng với hãng Đông Phong (Dongfeng). Nhiều nước Âu Châu đang vồn vã mời đón MG Motor, một nhãn hiệu xe có gốc của Anh Quốc nhưng đã được tập đoàn SAIC Motor của Trung Quốc mua lại. Hiện MG Motor đang dẫn đầu doanh số bán xe hơi điện Trung Quốc tại Âu Châu.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới Họp Khẩn Vì Virus Đậu Mùa Khỉ ở Phi Châu

g7hy89y80u890u90u9u9.jpg

(Hình REUTERS – Arlette Bashizi: Bác sĩ Tresor Wakilongo đang kiểm tra tổn thương da trên tai của Innocent, một bệnh nhân Mpox, tại trung tâm điều trị ở Munigi, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 19/7/2024.)

-Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp ngày 14/8/2024, tại Geneve, Thụy Sĩ, để cân nhắc việc ban hành mức báo động quy mô toàn cầu về dịch Mpox, trước được gọi là bệnh đậu mùa khỉ, đang hoành hành ở nhiều nước Phi Châu. Ngày 13/8, cơ quan Y tế của Liên Hiệp Phi Châu (AU) đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế công” – mức báo động cao nhất cấp châu lục – và “kêu gọi hành động” để ngăn dịch bệnh lây lan.

Chủ tịch Cơ quan Y tế Phi Châu (Africa CDC), Jean Kaseya, giải thích trong buổi họp báo ngày 13/8 là “Mpox đã vượt qua các biên giới, tác động đến vài ngàn người trên khắp châu lục”. Tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế công” cho phép huy động quỹ để khai triển chích phòng dịch và có biện pháp phối hợp ở cấp châu lục.

Tổng cộng, có 38.465 ca bệnh Mpox được thống kê tại 16 nước Phi Châu từ tháng 1/2022, trong đó có 1.456 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng trong năm 2024 với số ca tăng 160%, theo dữ liệu được Cơ quan Y tế Phi Châu công bố vào tuần trước, do sự xuất hiện của chủng mới của virus, được đặt tên là “Clade 1b”.

Theo thông tấn xã AFP, “Clade 1b” được phát giác tại Cộng hòa Dân chủ Congo tháng 9/2023 có tốc độ lây lan nhanh hơn, gây chết người hơn so với những chủng trước. Người nhiễm “Clade 1b” bị phát ban toàn thân, trong khi những chủng trước chỉ gây phát ban cục bộ, trên miệng, mặt hoặc các phần sinh dục.

Theo cơ quan y tế Africa CDC, tỷ lệ tử vong của virus “Clade 1b” là trên 3% và trẻ em dưới 15 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm ít nhất 60% số ca. Những ca nhiễm gần đây nhất được phát giác ở nhiều vùng khác nhau (Ma Rốc, Ai Cập, Sudan, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda, Kenya, Mozambique, Nam Phi…).

Mpox là bệnh lây nhiễm từ động vật sang người và qua tiếp xúc gần gũi với người bị mắc bệnh. Bệnh được phát giác lần đầu tiên trong thập niên 1970 ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo ngày nay (trước là Zaire), nhưng thường hạn chế ở các nước vùng Trung và tây Phi.

Nhật Bản: Thủ Tướng Fumio Kishida Thông Báo Tháng 9 Từ Chức

u9-i0-i0i0=i=i=io-o-.jpg

(Hình AP / Philip Fong: Thủ tướng Nhật Bản Kishida họp báo ở phủ Thủ tướng, thủ đô Tokyo, ngày 14/8/2024.)

-Hôm 14/8/2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo sẽ rút khỏi cuộc đua tranh chức lãnh đạo đảng Dân chủ Tự Do vào tháng 9, có nghĩa là ông sẽ rời bỏ chức Thủ tướng chính phủ.

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Tokyo, ông Fumio Kishida cho biết: “Trong cuộc bầu Chủ tịch đảng tới đây, cần phải cho nhân dân thấy rằng đảng PLD (Đảng Dân chủ Tự Do cầm quyền) đang thay đổi… Tôi sẽ không ra tranh cử trong kỳ bầu Chủ tịch đảng tới”.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP), nắm quyền ở Nhật Bản gần như liên tục kể từ năm 1945, dự kiến tổ chức cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng này vào tháng 9/2024. Fumio Kishida, 67 tuổi, nhậm chức từ tháng 10 năm 2021 và uy tín của ông bị suy giảm đáng kể do lạm phát trầm trọng ảnh hưởng đến sức mua của các gia đình Nhật Bản và các vụ bê bối chính trị, tài chánh trong đảng. Thông tín viên Frédéric Charles của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản cho biết thêm thông tin:

“Tuần trước, ông Fumion Kishida đã hủy chuyến công du Trung Á sau khi có cảnh báo động đất cực lớn có nguy cơ tàn phá một phần đất nước. Thực ra, Thủ tướng Nhật Bản đã từ bỏ chuyến đi vì lý do chính trị. Mối quan tâm duy nhất của ông lúc đó là giữ được chiếc ghế Thủ tướng.

Ban lãnh đạo đảng của ông, PLD (Đảng Dân chủ Tự Do), độc quyền lãnh đạo trong chính trị Nhật, đánh giá ông quá mất lòng dân. Đảng này bị rúng động bởi một vụ lập quỹ đen, nhận tiền ủng hộ đảng mà không khai báo.

Scott Fosster, nhà phân tích của LightStream Research, trên trang Smartkarma đánh giá quyết định của ông Fumio Kishida gây ngạc nhiên, làm “thay đổi động lực của chiến dịch tranh chức Chủ tịch đảng bảo thủ. Nhiều ứng viên giờ đây có cơ hội tốt nhất để trở thành Thủ tướng”.

Đảng đang tìm một “nhân vật sạch”. Các biện pháp của chính phủ để hỗ trợ các gia đình đối phó với lạm phát tăng cao không còn thuyết phục được người dân Nhật, kể cả việc hoàn lại cho môi người dân đóng thuế khoản tiền tương đương 300 Euro”.

Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Nhật NHK, tỷ lệ tín nhiệm của chính phủ Kishida ở mức khoảng 25% trong năm nay. Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới cũng đang chật vật để phục hồi sau đại dịch Covid, với sản lượng công nghiệp giảm 0,7% trong quý 1 năm 2024.

Nam Hàn: Nắng Nóng Kỷ Lục Làm Hơn Hai Chục Người Chết!

ik0-uj9jo9ojkk[kp[kpkp.jpg

(Ảnh AFP, minh họa: Nam Hàn đang trải qua đợt nắng nóng chưa từng có, nhiệt độ lên tới 35-40 độ C.)

-Một đợt nóng chưa từng thấy nhiều ngày nay đang đổ vào khu vực Đông Á. Từ Nam Hàn đến Bắc Hàn, vốn quen với khí hậu ôn hòa, đều ghi nhận các kỷ lục nhiệt độ ban ngày từ 35°C đến 40 °C.

Đợt nắng nóng có thể kéo dài nhiều ngày, từ giờ đã gây ra những hậu quả lớn ở Nam Hàn. Thông tín viên Celio Fioretti của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Hán Thành của Nam Hàn tường trình:

Nhiệt độ ở mức cao nhất tại Nam Hàn. Từ ba tuần nay, mùa mưa đã nhường chỗ cho mùa nắng nóng hầm hập. Nhiệt độ ban ngày 35°C kèm theo độ ẩm trong không khí hơn 75%. Ngay cả đêm, nhiệt độ cũng không xuống dưới 25°C. Thời tiết cận nhiệt đới đối với một đất nước vẫn quen với khí hậu ôn hòa.

Hôm thứ Hai, các nhà máy điện trong nước chạy hết công suất trong khi mà Nam Hàn đạt mức tiêu thụ điện kỷ lục với 102 GW. Nhu cầu tăng mạnh do phải sử dụng điều hòa không khí. 80% các gia đình Nam Hàn có ít nhất một máy điều hòa không khí.

Điện của Nam Hàn chủ yếu được sản xuất từ khí đốt và than. Ngoài việc tiêu thụ quá mức điện, đợt nóng này còn gây ra những hậu quả lớn khác. 21 người đã chết vì nhiệt độ cao, phần lớn là người cao tuổi, 2000 người nhập viện. Tại các vùng nông thôn, gần 500 ngàn gia súc, gia cầm và cá bị chết vì nóng.

Giai đoạn nóng nực phải kéo dài một tuần và mỗi năm sẽ càng dữ dội hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Thái Lan: Thủ Tướng Srettha Thavisin Bị Bãi Chức Vì Vi Phạm Quy Tắc Đạo Đức

jojopjjopjojo[kk0kp[.jpg

(Hình AP – Sakchai Lalit: Thủ tướng Thái Lan, Srettha Thavisin, phát biểu với báo giới tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Vọng Các, ngày 14/8/2024.)

-Ngày 14/8/2024, Tòa Bảo Hiến Thái Lan đã “chấm dứt” chức vụ của Thủ tướng Srettha Thavisin với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống. Ông bị cáo buộc đã vi phạm quy tắc đạo đức được nêu trong Hiến pháp vì đã bổ nhiệm một Luật sư bị kết án tù năm 2008 làm Bộ trưởng. Phán quyết của Tòa mở ra một thời kỳ bất ổn mới tại Thái Lan.

Trong phán quyết, được Thẩm phán Punya Udchachon đọc tại Tòa, Thủ tướng Srettha bị cáo buộc là “không trung thực khi bổ nhiệm vị Bộ trưởng đó” vì ông phải biết được rằng Luật sư Pichit Chuenban đã bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 với cáo buộc tham nhũng. Luật sư Pichit có liên quan đến gia đình cựu Thủ tướng Thaksin, đối lập với tập đoàn quân sự và phe bảo hoàng.

Theo thông tấn xã AFP, ông Pichit đã từ chức để cứu Thủ tướng Srettha. Tuy nhiên, nhóm 40 Thượng Nghị sĩ do tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây bổ nhiệm đã đệ đơn kiện lên Tòa Bảo Hiến. Giữ chức chưa được một năm, ông Srettha là Thủ tướng thứ ba của đảng Pheu Thai bị Tòa Bảo Hiến bãi chức. Phán quyết của tòa cũng có hiệu lực với toàn bộ Nội các hiện nay. Quốc hội Thái Lan sẽ phải họp để chọn Thủ tướng mới.

Chính trường Thái Lan lại rơi vào bất ổn. Phán quyết của Tòa Bảo Hiến còn cho thấy những chia rẽ cố hữu trong chính trường Thái Lan giữa phe bảo thủ và các đảng cấp tiến, như đảng Pheu Thai và đối thủ mới là đảng Move Forward (MFP).

Tuy nhiên, ngày 8/8, đảng Move Forward (MFP) cũng bị chính Tòa Bảo Hiến giải thể vì đề xuất cải cách luật khi quân. Cựu lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat bị cấm tham gia chính trị trong vòng 10 năm. Một ngày sau phán quyết của tòa, ban lãnh đạo đảng thông báo thành lập Đảng Nhân Dân (PP – People’s Party).

Theo KQ Lê Văn Hải

Comments are closed.