Tô Lâm công du Mông Cổ để làm gì?


Lami Nguyễn Hoàng Dũng

07/10/2024

Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Batmunkh Battsetseg đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Thành Cát Tư Hãn – Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Vừa trở về từ chuyến đi Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ/LHQ) khóa 79, gặp gỡ TT Hoa Kỳ Joe Biden và thăm chính thức Cu-Ba xong (21 – 28/9/2024), CTN Tô Lâm đã bắt đầu một chuyến công du dài ngày khác (30/9 – 7/10/2024) lần lượt tới Mông Cổ, Cộng hoà Ái-Nhĩ-Lan (Ireland) và Pháp. Có cảm giác ông đang vội vã, gấp rút, chạy đua với thời gian ít ỏi còn lại trên cương vị CTN để hoàn tất nghị trình ngoại giao quan trọng của mình trước khi “nhường lại” chức vụ này cho ai đó vào cuối tháng 10 tới, như Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường đã thông báo [1]. Xem xét ba quốc gia ông Tô Lâm thăm viếng trong đợt công du lần này, vẫn thấy khó hiểu lý do tại sao Mông Cổ được lựa chọn cho chuyến thăm nếu chỉ dựa vào các tiêu chí ngoại giao thông thường mà đánh giá, lượng định. Bởi vì, không dễ phân tích, lý giải về mục đích thực sự, tầm quan trọng nổi bật của chuyến thăm Ulan Bator.

Thăm Pháp, đương nhiên, là lựa chọn cần thiết bởi đây là quốc gia châu Âu hùng cường, cả tiềm lực quốc phòng lẫn kinh tế, có nhiều ảnh hưởng và duyên nợ đối với Việt Nam. Pháp là nước chủ nhà đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức đàm phán và ký kết Hiệp định Ba-Lê (tháng 1/1973) nhằm kết thúc chiến tranh, tái lập hòa bình ở Việt Nam và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội (tháng 4/1973). Hơn nữa, khi kinh tế Việt Nam gặp lao đao vì lệnh cấm vận, bao vây của Hoa Kỳ, Pháp là một trong số ít các quốc gia đứng ra giúp đỡ Việt Nam về nhiều mặt trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy trước khi trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ quốc phòng với Việt Nam (1991). Tấm thịnh tình mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần I tại Versailles năm 1986 (lúc còn bị cấm vận) hoàn toàn xứng đáng cho CTN Tô Lâm thăm đáp lễ, dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này. 

Ngoài ra, như giới chuyên gia nhận định, nếu không được Pháp hết lòng trợ giúp về mọi mặt trong việc tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần VII tại Hà Nội (năm 1997), chắc gì Việt Nam đã thâu hái đủ kinh nghiệm để đăng cai các sự kiện đa phương khác sau này như ASEAN, APEC hay Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần II (năm 2019)? Nói không ngoa, uy tín Việt Nam bắt đầu tăng cao trong con mắt cộng đồng quốc tế là nhờ thành công từ Hội nghị Pháp ngữ này. Đây là ân tình cần khắc ghi. Chưa hết, cùng với Đức và Anh, hai đầu tàu khác của Liên minh châu Âu (EC), Pháp ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với Trung Quốc trên Biển Đông, trên tinh thần Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, dựa vào Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Không thể không thăm chính thức Pháp một khi Pháp ủng hộ hết mình Việt Nam hợp tác với EU, trong đó có việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) và hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt hải sản.

Như vậy, để đánh dấu nửa thế kỷ thiết lập ngoại giao (1973 – 2023) và kỷ niệm một thập niên “Đối tác Chiến lược” (2014 – 2024) được ký kết giữa hai nước, Pháp và Việt Nam cần nâng mức quan hệ ngoại giao lên hàng “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP) nhân chuyến thăm của CTN Tô Lâm tới Pháp hoặc trong chuyến thăm sắp tới của TT Emmanuel Macron tới Việt Nam. Thật vậy, Trong chiến lược nương mượn ngoại lực nhằm đối trọng với tham vọng bành trướng lãnh thổ ngày càng gia tăng của Trung Cộng, Việt Nam đã nâng mức quan hệ ngoại giao lên cao nhất, “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, với các quốc gia chủ chốt thuộc “NATO châu Á”, một liên minh quân sự bao vây Trung Cộng sẽ được hình thành nay mai, dựa trên bộ khung QUAD (Mỹ – Nhật – Ấn – Úc), AUKUS (Úc – Anh – Mỹ) và Hàn Quốc, nhất là, với 5 nước Thường trực HĐBA/LHQ (Mỹ – Anh – Pháp – Nga – Trung). Đã ký CSP đầy đủ với 4 nước QUAD, lẽ nào không ký với Pháp (Thường trực HĐBA/LHQ) và tiếp theo là Anh, thành viên của cả TTHĐBA/LHQ lẫn AUKUS? 

Không thể nói một cách máy móc và vô tri rằng, Việt Nam không “chọn phe”. Nếu trước đây, Hà Nội chọn Trung, Nga thì hiện nay, bằng công cụ ngoại giao “Đối tác Chiến lược Toàn diện” CSP thay cho lời nói, họ đã “chọn phe” ngược lại, với thông điệp không thể rõ ràng hơn: hễ quốc gia chủ chốt nào tham gia chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP), do cố Thủ tướng Abe Shinzo khởi xướng (8/2016), nhằm bao vây Trung Cộng thì Việt Nam sẽ ưu tiên ký kết CSP trước. Cho nên, Hà Nội đã có CSP với Ấn (2016) – Mỹ (2023) – Nhật (2023) – Úc (2024), “Tứ giác Kim cương” QUAD nổi tiếng kềm chế Trung Cộng, và với Nam Hàn (2022). Vậy nên việc ký tiếp CSP với Pháp, Anh là chuyện đương nhiên để Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao cao nhất này với cả 5 nước TTHĐBA/LHQ! Các quốc gia tiếp theo trong danh sách CSP cho Việt Nam sẽ là Indonesia, Đức, Canada và New Zealand… 

Ái-Nhĩ-Lan là chặng dừng chân kế tiếp của ông Tô Lâm sau khi rời Mông Cổ và trước khi đến Pháp. Tuy không có vai trò quốc tế quan trọng như Pháp, thế nhưng, Ái-Nhĩ-Lan cũng có những thế mạnh rất đáng kể, cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch và giáo dục đại học. Trên hết, Ái-Nhĩ-Lan là một trung tâm công nghệ lớn, tầm cỡ thế giới, được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Âu” [2], nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới, gồm: 

9 trong số 10 công ty phần mềm hàng đầu thế giới (Oracle, Microsoft, SAP, Adobe, Apple, IBM, Alphabet Inc, Amazon…) 

9 trong số 10 công ty công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ (Apple, Microsoft, Nvidia, Alphabet Inc, Amazon, Meta, Tesla, Broadcom…)

3 công ty phần mềm doanh nghiệp hàng đầu (Oracle, SAP, Salesforce)

4 trong số 5 công ty dịch vụ CNTT hàng đầu (Baker Security and Networks, IT Force, Accenture, NUACOM) 

Đâu chỉ vậy, thành công nổi trội của Ái-Nhĩ-Lan trong việc thu hút các công ty lớn của Hoa Kỳ trong lĩnh dược phẩm, thiết bị y tế, ICT và công nghệ sạch rất đáng để phái đoàn tháp tùng ông Tô Lâm học hỏi. Nên nhớ, Ái-Nhĩ-Lan là nước xuất khẩu dược phẩm và thiết bị y tế lớn nhất thế giới. Pfizer, Johnson & Johnson và Boston Scientific, đều có trụ sở tại Ái-Nhĩ-Lan, chỉ là ba cái tên tiêu biểu trong số những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới trong hai lĩnh vực vừa nêu. Ái-Nhĩ-Lan cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về ICT (Information and Communication Technologies, CNTT và Truyền thông). Các công ty như Google, Facebook và LinkedIn ở Ái-Nhĩ-Lan đi đầu trong lĩnh vực ICT toàn cầu. Ái-Nhĩ-Lan còn là điểm đến hàng đầu cho đầu tư công nghệ sạch (Clean Tech). Các công ty Hoa Kỳ như General Electric và Bloomberg đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực công nghệ sạch ở quốc gia châu Âu này. Do đó, đoàn Việt Nam sẽ có dịp tìm hiểu bằng cách nào Ái-Nhĩ-Lan có thể thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả đến vậy, trên 1.000 tỉ Euro [3], xếp đầu EC, vượt cả Anh? Riêng đầu tư từ Mỹ vào Ái-Nhĩ-Lan trên 700 tỉ Euro (chiếm 71,6% tổng vốn FDI). 

Được biết, Chính phủ Việt Nam (CPVN) đã ban hành 3 chiến lược rất quan trọng nhằm phát triển đất nước thịnh vượng và để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Một là, [4] “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT, AI) đến năm 2030” (26/01/2021), xác định AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Hai là, [5] “Chiến lược Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 411/QĐ-TTg, hiệu lực 31/3/2022) nhằm thu hút chọn lọc FDI từ các cường quốc trong lĩnh vực này và gia tăng hàm lượng xuất khẩu các sản phẩm ICT “Make in Vietnam”. Ba là, [6] “Chiến lược Phát triển Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024). Đâu khó nhìn ra, chuyến đi Mỹ vừa rồi và chuyến công du Ái-Nhĩ-Lan vào hôm nay của CTN Tô Lâm là để xây dựng nền móng và triển khai hiệu quả ba chiến lược quốc gia trọng yếu trên. 

Sau chuyến đi Mỹ gặp gỡ lãnh đạo các BigTech tiêu biểu, đã đến lúc ông Tô Lâm và đoàn tháp tùng cần thăm nhiều tập đoàn lớn nữa trong lĩnh vực bán dẫn, ICT, Software và AI đang hoạt động ở Ái-Nhĩ-Lan như đã dẫn ở trên để hiện thực hoá kế hoạch ngành ICT sẽ đóng góp 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030, cũng như doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 – 20% và đưa quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 – 20%. Cũng nên nhắc thêm, trước khi ChatGPT ra đời, Ái-Nhĩ-Lan đã có chiến lược quốc gia về AI mang tên “AI – Here for Good” (TTNT – Hiện Diện vì Mục Đích Tốt Đẹp). Chính chiến lược này đã giúp Ái-Nhĩ-Lan trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong việc sử dụng AI mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho quốc gia mình. 

Thế còn Mông Cổ thì sao? Tại sao Bộ Ngoại giao (BNG) và Ban Đối ngoại Trung ương (BĐNTW) lại lựa chọn Ulan Bator (Ulaanbaatar) làm trạm dừng chân đầu tiên cho CTN Tô Lâm trong chuyến xuất ngoại lần này? Đâu là ý nghĩa then chốt, mục tiêu quan trọng nhất của chuyến thăm? 

Tin chắc, nhiều người Việt chỉ biết đến Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn qua sử sách với “ba lần kháng chiến và chiến thắng quân Mông Nguyên” của vua tôi Nhà Trần, một đế quốc hùng mạnh vào đầu thế kỷ XIII mà hào quang một thuở có thể được tóm gọn trong câu nói để đời sau: “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ cây không mọc được đến đó”! Mộng mơ, phiêu lãng hơn, người ta sẽ thả hồn trôi theo những con chữ bay bổng của Kim Dung trong tác phẩm “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, đoạn ông miêu tả vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng Triệu Mẫn (Triệu Minh), một quận chúa Mông Cổ chính hiệu, như thế này: “Nàng xinh đẹp vô cùng, nhan sắc diễm lệ, mặt sáng như ngọc, mắt trong như nước, nét cười dịu dàng, diễm lệ. Chỉ trong một hai câu nói, không thể miêu tả được hết vẻ đáng yêu, thuần khiết và xinh xắn của nàng”. Không chỉ xinh đẹp, Triệu Mẫn còn vô cùng thông minh, tài trí, mưu mẹo hơn người và còn, võ công cao cường nữa chứ. Có chàng trai tuổi đôi mươi yêu kiếm hiệp Kim Dung nào đã chưa từng mơ một lần được “lọt xuống hầm” với Triệu Mẫn như Trương Vô Kỵ, để có cơ hội “cởi vớ, cù nhẹ vào lòng bàn chân nhỏ nhắn xinh đẹp của nàng”, làm cho nàng e thẹn cười khúc khích, rồi khúc khích mãi mà thắm duyên cau trầu luôn không? 

Mông Cổ, dưới nhãn quan của Tô Tổng Chủ và các thuộc cấp, không chỉ đơn giản như vậy. Dù bị kẹp giữa hai gã khổng lồ tốt tướng nhưng xấu bụng, Nga và Trung Quốc, Mông Cổ vẫn có mối quảng giao thắm thiết với nhiều quốc gia hùng mạnh ở xa khác, theo một chính sách ngoại giao có danh xưng hết sức sáng tạo, đầy hình ảnh: “Đối Tác Láng Giềng Thứ Ba” (Third Neighbor Partnership) gồm Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Hàn Quốc. Hình ảnh này cũng ám chỉ hai “láng giềng” thứ nhất và thứ hai kia là Nga, Trung ở hai phía Bắc, Nam. Rút kinh nghiệm thương đau từ cuộc “Chiến Tranh Lạnh” lần thứ nhất giữa Liên Xô và Trung Quốc và lần thứ hai giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, hiện tại Mông Cổ đang theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng hơn, tương tự như Việt Nam, với con mắt dè chừng thường trực ở hai “người láng giềng” Nga – Trung. Việc quan hệ Hoa Kỳ – Mông Cổ được nâng lên thành “Đối tác Chiến lược” (2019) không chỉ làm suy yếu dần ảnh hưởng, sức mạnh của Nga ở Trung Á mà còn xiết chặt hơn gọng kềm bao vây Trung Cộng từ hướng vùng Nội Mông. Thử tưởng tượng, nếu hoả tiễn Mỹ được đặt ở biên giới Mông Cổ – Trung Cộng, chúng chỉ cách Bắc Kinh mỗi 350 km! Dù Putin vừa thăm Mông Cổ xong, chuyến đi không mang ý nghĩa gì nhiều bởi kế hoạch xây dựng “Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Siberia-2”, một dự án hợp tác năng lượng giữa Nga – Mông Cổ – Trung Quốc, đã thất bại: Bắc Kinh thông báo không mua khí đốt của Nga nữa [7]. 

Cần hỏi tiếp, trọng tâm hợp tác hiện nay giữa Hoa Kỳ và Mông Cổ là gì? Có thể trả lời ngay: 

ĐẤT HIẾM (rare earth)! Hãy chú ý đến [8] “Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển và Quản lý Tài nguyên Khoáng sản” Hoa Kỳ – Mông Cổ (ký 27/6/2023), “Đối thoại về các Khoáng sản Thiết yếu Hoa Kỳ – Mông Cổ – Hàn Quốc” [9] (diễn ra cùng ngày 27/6/2023) và [10] “Thỏa thuận Bầu trời Mở” (Open Skies), được Mỹ và Mông Cổ ký hôm 4/8/2023 là nhìn ra ngay, hợp tác sản xuất, tinh luyện ĐẤT HIẾM (cùng Lithium, Graphite và Đồng) – nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như thông tin – viễn thông, giao thông – vận tải, y tế, năng lượng, thiết bị quốc phòng – chính là hòn đá tảng trong quan hệ Hoa Kỳ – Mông Cổ. 

Theo đó, văn bản đầu tiên mang tính chất chuyển giao công nghệ sản xuất đất hiếm của Mỹ cho Mông Cổ, hai văn bản còn lại hỗ trợ vấn đề vận chuyển, xuất khẩu đất hiếm hoặc bằng đường hàng không sang Mỹ hoặc bằng đường biển, tàu lửa, hàng không sang Hàn Quốc. Như vậy, trong khi Mỹ có thêm một nguồn cung đất hiếm lớn khác thì Mông Cổ lại phá được thế độc quyền của các công ty Trung Quốc, với tư cách vừa là nhà nhập khẩu để gia công vừa là nhà trung chuyển đất hiếm. Kết quả là, át chủ bài “KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU ĐẤT HIẾM” mà Bắc Kinh vẫn hay sử dụng để trả đũa các lệnh trừng phạt công nghệ ngày một dồn dập của Hoa Thịnh Đốn đã trở nên vô tác dụng! 

Mặc dù giá trị giao dịch của thị trường đất hiếm thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD một năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển cho nên nó đương nhiên trở thành một lợi thế cho Việt Nam và Mông Cổ, hai quốc gia có trữ lượng đất hiếm dồi dào chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Bởi vậy, đất hiếm còn được mệnh danh là “dầu thô trong thế kỷ XXI” (crude oil of the 21st century). Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (2009), ước tính trữ lượng đất hiếm của Mông Cổ [11] có thể lên tới 31 triệu tấn, xếp trên cả Việt Nam (22 triệu tấn), Ba Tây (21 triệu tấn) và Nga (12 triệu tấn)… 

Tuy nhiên, cả Việt Nam lẫn Mông Cổ đều chưa sở đắc công nghệ tinh luyện đất hiếm cho nên, họ cần hợp tác với Mỹ, EC, Nhật… để học hỏi công nghệ và kinh nghiệm sản xuất. Với bộ ba văn bản hợp tác nêu trên, cộng thêm “Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không” [12] vừa ký với Vương quốc Liên hiệp Anh (23/1/2024), phải chăng Mông Cổ đã tìm ra được giải pháp tối ưu nhằm xuất khẩu đất hiếm trực tiếp sang Mỹ, Anh và châu Âu bằng không vận mà không cần phải trung chuyển sang cảng Thiên Tân (TQ) để đi đường biển hoặc sang ga Naushki của Nga rồi đi đường tàu lửa như trước? Đúng là như vậy. Bằng cách này, Mông Cổ sẽ phá vỡ sự kìm kẹp bấy lâu của Trung Cộng trong việc xuất khẩu nguyên liệu quý giá trên. 

Đó cũng là mục tiêu trọng tâm trong chuyến thăm của CTN Tô Lâm tới Ulan Bator. Có thể Mỹ sẽ hợp tác với Mông Cổ để xây dựng nhà máy tinh luyện đất hiếm ở nước này, thay vì ở Việt Nam, do những lo ngại của phía Việt Nam về tác hại tiềm tàng đối với môi trường, môi sinh… 

Với diện tích 1,565 triệu km2 và dân số 3,41 triệu người, mật độ dân số Mông Cổ thuộc loại thấp nhất thế giới, chỉ 2,17 người/km2. Do đó, áp lực môi trường lên việc xây dựng một nhà máy tinh luyện đất hiếm ở đây sẽ không gay gắt như ở Việt Nam. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ gửi các kỹ sư sang học tập, làm việc, nghiên cứu, làm chủ công nghệ đồng thời, vận chuyển quặng đất hiếm thô sang Mông Cổ nhờ/thuê gia công tinh chế trước khi xuất khẩu bằng máy bay Vietjet. Được biết, đường bay Ulan Bator – Nha Trang của Vietjet [13] đã được khai thác từ 15/12/2023 ở tần suất khởi đầu là 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần nhằm đón đầu dự án này. 

Cũng có thể Mỹ, các Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) và Việt Nam sẽ mở một nhà máy nữa ở Việt Nam nếu công nghệ sản xuất đủ thân thiện môi trường, chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách thành công các oxit đất hiếm ra thành 17 nguyên tố riêng rẽ… 

Nói gì thì nói, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống khả dĩ của nền công nghiệp đất hiếm hướng tới xuất khẩu. Về chiến lược, Hà Nội “chọn phe” đối trọng với Trung – Nga gồm Mỹ, Anh, Nhật, Hàn, Ấn Độ, Ba Tây, Mông Cổ cùng các Đối tác An ninh Khoáng sản khác, theo cùng cách thức họ “chọn phe” trong Cuộc chiến Bán dẫn (Chip War) hoặc trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) đã nhắc ở trên. 

Bằng sản lượng đất hiếm của Mông Cổ, Việt Nam và Ba Tây gộp lại (74 triệu tấn), Trung – Nga (56 triệu tấn) đã chính thức mất ưu thế độc quyền. Về quy hoạch khai thác, TTCP đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/07/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (có đất hiếm) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quyết định 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về vận chuyển, hậu cần, logistic, Vietjet đã chuẩn bị sẵn sàng đội bay từ lâu cho kịch bản nhà máy được Mỹ đặt bên Mông Cổ hoặc ngược lại, nhà máy nằm ở Việt Nam, và Mông Cổ buộc phải gửi quặng thô qua Việt Nam tinh luyện, tách chiết. 

Có kiệm lời đến mấy cũng phải khen ngành ngoại giao Việt Nam một tiếng khi họ thiết kế lịch trình xuất ngoại, gặp gỡ các người đồng cấp hoặc đối tác cho ông Tô Lâm cùng phái đoàn tháp tùng hết sức công phu, chỉn chu, hợp lý, thực tế và hiệu quả, khác các thời trước rất nhiều. 

Sau thành công của chuyến đi Mỹ gặp TT Joe Biden bàn việc mua vận tải cơ C130J và chiến đấu cơ F16V, hội đàm với TT Volodymyr Zelenskyy với cương vị trung gian đàm phán hòa bình cho Ukraina và Nga, thăm các think-tank, BigTech, tập đoàn hàng không cùng quỹ đầu tư phục vụ cho chiến lược FOIP, Chip War… xong, họ bắt đầu đóng vai các “Tung Hoành Gia” Tô Tần, Trương Nghi (thời tân Chiến Quốc) sang La Habana uốn ba tấc lưỡi, vừa du thuyết vua quan vừa ủy lạo bá tánh Cu-Ba sao cho sớm hoà giải với xứ Cờ Hoa.

 Về nước chưa kịp ấm chỗ ngồi, họ tiếp tục khởi hành sang Mông Cổ thăm đồng minh đất hiếm “Minegolia”, ghé Ái-Nhĩ-Lan học hỏi cách thúc đẩy nền công nghiệp AI, ICT, dược liệu, y tế nước nhà trước khi kết thúc chuyến đi ở Pháp, với đích nhắm phải thân thiết hơn như đồng minh với một ủy viên TTHĐBA/LHQ và sẽ là thành viên chủ chốt của “NATO châu Á” nay mai, cùng với Anh, QUAD, AUKUS và Hàn Quốc. Hèn gì vừa có TBĐNTW Lê Hoài Trung, vừa có PTT – BTNG Bùi Thanh Sơn, mà còn có Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tham gia đoàn! 

 [1]. https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-se-bau-chu-tich-nuoc-tai…

[2]. https://www.codu.co/…/why-ireland-is-being-called-the…

[3]. https://www.nathantrust.com/…/ireland-is-the-number-1…

[4]. https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160…

[5]. https://datafiles.chinhphu.vn/…/03/411-qd-ttg.signed.pdf

[6]. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chien-luoc-phat…

[7]. https://russiapost.info/economy/visit_mongolia

[8]. https://www.state.gov/united-states-mongolia-memorandum…/

[9]. https://www.state.gov/inaugural-u-s-mongolia-rok…/

[10]. https://www.rfi.fr/…/20230803-m%C3%B4ng-c%E1%BB%95-cam…

[11]. https://asiatimes.com/…/us-mongolia-aviation-pact-hit…/

[12]. https://www.gov.uk/…/air-services-agreement-signed…

[13]. https://www.qdnd.vn/…/tong-thong-mong-co-du-le-cong-bo…

https://www.facebook.com/100000920344872/posts/27350236597923650/?rdid=F7glPEvIJKVfDwq4

Comments are closed.