Bình luận: Quốc hội Mỹ nỗ lực tách rời Trung Quốc về kinh tế


Bình luận: Quốc hội Mỹ nỗ lực tách rời Trung Quốc về kinh tế

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần lễ Các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Woodside, California, Mỹ, vào ngày 15/11/2023. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)

 Bình luậnAntonio Graceffo • 09:49, 22/11/23

Mặc dù việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc sẽ không xảy ra một cách đột ngột, nhưng những nỗ lực lập pháp gần đây và các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Mỹ đã nhấn mạnh cam kết kiên quyết “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.

Bài bình luận

Các công ty Trung Quốc có quan hệ với Bắc Kinh đang nhận được tiền thuế của người dân Mỹ.

Ở Illinois, tiền thuế của Mỹ đang được sử dụng như một động lực để thuyết phục một công ty pin Trung Quốc tên là Gotion thành lập một nhà máy nhằm giúp tạo việc làm. Gotion dự kiến sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ người nộp thuế, bao gồm gói trợ cấp đáng kể trị giá 536 triệu USD cho sản xuất xe điện, 213 triệu USD trợ cấp thuế, miễn thuế nhà đất trong 30 năm và thêm 125 triệu USD từ chương trình cho vay của tiểu bang có tên Đầu tư vào Illinois.

Điều quan trọng cần lưu ý là Gotion có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và hiện đang bị FBI điều tra vì cáo buộc “đánh cắp bí mật thương mại và gián điệp kinh tế”.

Chủ tịch Gotion Li Chen có quan hệ với ĐCSTQ và có liên hệ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tiểu sử của ông ghi rằng ông là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ở quận Bảo Hà, thành phố Hợp Phì.

Mặc dù rõ ràng là khoản đầu tư vào Gotion này phải được rà soát chặt chẽ nhưng vẫn chưa rõ cơ quan nào của Mỹ sẽ tiến hành điều tra. Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (một cơ quan liên ngành) đã tuyên bố rằng các dự án của Gotion không thuộc thẩm quyền của ủy ban này.

Chính quyền các bang có quyền tự chủ đáng kể để đưa ra quyết định của riêng mình. Ví dụ, sau khi Thống đốc Virginia Glenn Youngkin hồi đầu năm nay từ chối mối quan hệ hợp tác giữa Ford và nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc – với lý do lo ngại rằng đó có thể là “con ngựa thành Troy” của Bắc Kinh – dự án đã được chuyển đến Michigan, nơi nó nhận được sự chấp thuận.Giám đốc điều hành Ford Jim Farley thông báo tại một cuộc họp báo ở Romulus, Michigan, Mỹ, rằng Công ty Ford Motor sẽ hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại (CATL) để thành lập một nhà máy pin xe điện ở Michigan, vào ngày 13/2/2023. (Ảnh: Bill Pugliano/Getty Images)

Có rất nhiều ví dụ khác về việc ĐCSTQ được hưởng lợi từ tiền của người nộp thuế của Mỹ. Một cuộc kiểm tra dữ liệu khoản vay công khai năm 2020 của công ty tư vấn chiến lược Horizon Advisory cho thấy khoảng 192 triệu đến 419 triệu USD trong các khoản vay trợ giúp từ Chương trình bảo vệ tiền lương Covid-19 đã được chuyển tới hơn 125 công ty có liên kết với các thực thể Trung Quốc thông qua quyền sở hữu hoặc đầu tư.

Tiền của nhà đầu tư và người nộp thuế Mỹ được tập trung lại trong các kế hoạch hưu trí liên bang, vốn được đầu tư vào các thực thể Trung Quốc. Vào tháng 9, các thành viên của Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện về ĐCSTQ đã kêu gọi Quốc hội thông qua luật yêu cầu thoái vốn khỏi một số công ty Trung Quốc. Một bài báo gần đây tiết lộ rằng trong Kế hoạch tiết kiệm (Thrift Savings Plan) của Chính phủ Liên bang, ít nhất 115 quỹ tương hỗ nắm giữ cổ phần của một hoặc nhiều trong số 30 công ty Trung Quốc bị trừng phạt hoặc nằm trong danh sách theo dõi do lo ngại về an ninh quốc gia. Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân chủ – Illinois), thành viên cấp cao của ủy ban, bày tỏ lo ngại: “Khi đầu tư vào các công ty này, chúng ta có nguy cơ hỗ trợ hành vi gây hấn quân sự của ĐCSTQ và các vi phạm nhân quyền của họ”.

Vào ngày 31/10, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 61–36 ủng hộ Bản sửa đổi của Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng hòa – Missouri) (có tên Không tài trợ cho các công ty Trung Quốc), cấm các thực thể hoặc công ty Trung Quốc nhận bất kỳ khoản tài trợ nào từ dự luật phân bổ “xe buýt nhỏ” (minibus – một gói phân bổ nhỏ gồm nhiều khoản phân bổ ngân sách khác nhau).

Ông Hawley đã viết trong một tuyên bố: “Các dự luật phân bổ mà chúng ta hiện đang xem xét phân bổ tổng cộng 280 tỷ USD tiền đóng thuế. … Bản sửa đổi này nói rằng không có khoản tiền nào mà chúng ta đang phân bổ có thể đến được Trung Quốc. Nó không thể đến tay các công ty Trung Quốc hoặc các công ty do Trung Quốc sở hữu và kiểm soát”.Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng hòa – Missouri) phát biểu tại hội nghị Niềm tin và Con đường Tự do đến Đa số tại Washington Hilton vào ngày 23/6/2023 ở Washington, DC., Mỹ. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Ngay cả trong lĩnh vực mua sắm quân sự và chính phủ, tiền thuế của người nộp thuế Mỹ vẫn đang chảy vào các công ty Trung Quốc, bao gồm cả một số công ty sản xuất công nghệ lưỡng dụng có thể có ứng dụng quân sự. Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện về ĐCSTQ đã đưa ra Đạo luật Máy bay Không người lái An ninh Mỹ, một dự luật cấm chính phủ Mỹ mua máy bay không người lái của Trung Quốc. Dự luật sẽ ngăn cản việc mua hàng trong tương lai từ các công ty Trung Quốc như DJI có trụ sở tại Thâm Quyến, công ty chiếm 58% thị phần máy bay không người lái của Mỹ. Các sản phẩm của DJI đã được các cơ quan cảnh sát địa phương trên khắp nước Mỹ sử dụng. Máy bay không người lái của Trung Quốc hiện đang được Nga sử dụng ở Ukraine và được Hamas sử dụng để chống lại Israel, và tiền thuế của Mỹ đang tài trợ cho công ty sản xuất chúng.

Thượng viện đang nỗ lực đảm bảo rằng không có khoản tiền nào của chính phủ Mỹ chảy vào quỹ của các doanh nghiệp được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, với trọng tâm cụ thể là ngăn chặn nguồn tài trợ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra sự phức tạp của việc xem xét kỹ lưỡng mọi công ty và khoản đầu tư để rà soát mối quan hệ với ĐCSTQ hoặc các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc. Trong một số trường hợp, cấu trúc quyền sở hữu rất phức tạp – liên quan đến một mạng lưới các lợi ích và thực thể – đến mức việc xác định cái gì đủ tiêu chuẩn là “sở hữu của Trung Quốc” hay “sở hữu nhà nước” trở nên khó khăn.

Ngoài ra, nếu một luật như vậy được phê duyệt ở cấp liên bang, câu hỏi đặt ra là liệu các bang có cần tuân theo hay không và nếu có thì họ sẽ thực hiện quá trình thẩm định này như thế nào. Các bang thường thiếu nguồn lực để phục vụ điều tra của chính phủ liên bang, khiến việc thực thi những đạo luật đó trở thành một nỗ lực phức tạp và tốn kém.

Khi các nhà lập pháp Mỹ nghiên cứu các biện pháp nhằm hạn chế việc các khoản đầu tư của Trung Quốc được hưởng lợi từ tiền của chính phủ và cắt giảm việc chính phủ Mỹ mua lại các sản phẩm do Trung Quốc hậu thuẫn, họ đồng thời thúc giục Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thiết lập các quy định hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Hành động này phù hợp với sắc lệnh hành pháp tháng 8 của Tổng thống Joe Biden, trao cho Bộ trưởng Tài chính quyền hạn chế hoặc ngăn chặn các khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc.

Mặc dù việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc sẽ không xảy ra một cách đột ngột, nhưng những nỗ lực lập pháp gần đây và các cuộc thảo luận đang diễn ra đã nhấn mạnh cam kết kiên quyết “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.

​​Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 Antonio Graceffo

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).


Tags: , , , ,

Comments are closed.